Tin Tổng Hợp – 13/03/23: Mỹ – Nam Hàn tập trận lớn nhất trong 5 năm; Mỹ và Anh tiết lộ kế hoạch tàu ngầm hạt nhân cho Úc; Tân Thủ tướng TC Lý Cường; Anh tăng xuất khẩu liên quan đến tàu ngầm sang Đài Loan; Ca sĩ Mai Khôi được giải Artivist Academy; Hoà Lan cấm xuất máy chế tạo chíp qua TC
Mỹ – Hàn tập trận lớn nhất từ 5 năm qua, Bình Nhưỡng bắn hai tên lửa răn đe
13/03/2023 – Thu Hằng, Trần Công – Ngày 13/03/2023, Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung «Lá chắn tự do» (Free Shield, FS), có quy mô lớn nhất từ 5 năm qua và huy động nhiều lực lượng khác nhau. Theo phát ngôn viên của lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, phối hợp giữa lực lượng vũ trang hai nước trong bối cảnh «môi trường an ninh đang thay đổi».
Theo Yonhap, trong vòng 11 ngày, liên quân Mỹ-Hàn tiến hành khoảng 20 bài huấn luyện ở nhiều lĩnh vực, trong đó có tập trận đổ bộ Ssangyong và các cuộc tập trận mô phỏng tấn công «Teak Knife». Ngoài ra, đội tầu sân bay lớp Nimitz (100.000 tấn) cũng được huy động triển khai ở vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc tập trận kéo dài đến ngày 23/03, quân đội Mỹ và Hàn Quốc dự kiến tập trận ba bên với Nhật Bản. Một số tầu khu trục Aegis có khả năng phát hiện và bắn chặn tên lửa đạn đạo, cũng như một tầu ngầm hạt nhân Mỹ có tên lửa Tomahawk dẫn đường, cũng có thể tham gia đợt tập trận này.
Trong ngày tập trận đầu tiên, liên quân Mỹ-Hàn đã triển khai thành công máy bay trinh sát, tác chiến điện tử đời mới (ARES) của Mỹ trên không phận bán đảo Triều Tiên, theo trang theo dõi hàng không dân sự Aircraft Spots. Hãng tin Yonhap cho biết đây là chiến dịch đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên của máy báy trinh sát BD-700 ARES do công ty L3Harris chế tạo «nhằm hỗ trợ chiến dịch của lục quân trực thuộc bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương».
Bình Nhưỡng bắn 2 tên lửa hành trình từ tầu ngầm để răn đe Mỹ-Hàn
Cuộc tập trận Mỹ-Hàn bị Bắc Triều Tiên coi là «lằn ranh đỏ». Bình Nhưỡng không ngừng đe dọa tăng cường biện pháp«đáp trả quân sự». Một ngày trước khi Mỹ-Hàn bắt đầu cuộc tập trận «Lá chắn tự do», Bắc Triều Tiên đã bắn hai «tên lửa hành trình chiến lược» từ tầu ngầm ở ngoài khơi thành phố Sinpo, ở phía đông Bắc Triều Tiên vào sáng 12/03.
Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul:
«Bình Nhưỡng đã phóng thành công 2 tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm lớp cá voi (2.000 tấn). Hai tên lửa này đã bắn trúng mục tiêu sau khi hoàn thành 1.500km theo quỹ đạo hình số 8. Tên lửa này được cho là có thể tránh được các tên lửa đánh chặn trên mặt đất và trên biển do nó có thể thay đội quỹ đạo sau khi phóng. Đây cũng là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm.
Các chuyên gia quân sự đánh giá, khả năng tấn công của tàu ngầm Triều Tiên đã được mở rộng và tăng cường. Nếu tên lửa hành trình chiến lược có tầm bắn khoảng 1.500 km, nó có thể tấn công toàn bộ Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Các chuyên gia cũng đang thảo luận về khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở góc bình thường vào Thái Bình Dương và thậm chí tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.
Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa hành trình từ tàu ngầm đồng nghĩa với việc nước này có một “vũ khí chiến lược dưới nước” khác, và người ta lo ngại rằng mạng lưới đánh chặn của Hàn Quốc-Mỹ cũng bị đe dọa. Liên minh Mỹ Hàn đã không thông báo ngay về vụ việc vì họ chưa xác định được thông số kỹ thuật của tên lửa và lo ngại về các hành động quân sự bổ sung cũng như chiến thuật đánh lừa của Bình Nhưỡng».
Nhắm Trung Quốc, Mỹ và đồng minh tiết lộ kế hoạch tàu ngầm hạt nhân cho Úc
13/03/2023 – Reuters
Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Úc và Anh ngày 13/3 tiết lộ chi tiết về kế hoạch cung cấp cho Úc các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, một bước quan trọng để chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tán thành các kế hoạch cho cái gọi là dự án AUKUS, được công bố lần đầu tiên vào năm 2021, tại căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở San Diego, California, cảng chính của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ dự định bán cho Úc ba tàu ngầm chạy bằng năng
lượng hạt nhân lớp Virginia vào đầu những năm 2030, với sự chọn lựa mua
thêm hai chiếc nữa nếu cần, tuyên bố chung cho biết.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo nói dự án nhiều giai đoạn sẽ đạt đến đỉnh cao với việc Anh và Úc sản xuất và vận hành một lớp tàu ngầm mới SSN-AUKUS, một loại tàu “được phát triển ba bên” dựa trên thiết kế thế hệ tiếp theo của Anh và sẽ được đóng ở Anh và Úc và bao gồm các công nghệ “tiên tiến” của Hoa Kỳ.
“Các tàu ngầm đầu tiên của Vương quốc Anh được chế tạo theo thiết kế này sẽ được chuyển giao vào cuối những năm 2030…và các tàu ngầm Úc đầu tiên sẽ tiếp theo vào đầu những năm 2040” một tuyên bố của Anh cho biết.
Các tàu này sẽ được chế tạo bởi BAE Systems và Rolls-Royce.
Theo thỏa thuận, các tàu ngầm của Mỹ và Anh sẽ được triển khai ở Tây Úc để giúp huấn luyện thủy thủ đoàn Úc và tăng cường khả năng răn đe, quan chức cấp cao của Mỹ cho hay. Tuyên bố chung cho biết Hoa Kỳ và Anh sẽ bắt đầu các hoạt động triển khai luân phiên này ngay sau năm 2027 và một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết trong một vài năm sẽ tăng lên thành 4 tàu ngầm của Hoa Kỳ và 1 của Anh.
Các quan chức cho hay giai đoạn đầu tiên của kế hoạch này đã được tiến hành với tàu Virginia, một tàu ngầm tấn công phi đạn hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân, hiện đang ở thăm Perth, Úc.
Chia sẻ công nghệ sức đẩy hạt nhân
AUKUS sẽ là lần đầu tiên Washington chia sẻ công nghệ sức đẩy hạt nhân kể từ khi làm như vậy với Anh vào những năm 1950.
Trung Quốc đã lên án AUKUS là hành động phổ biến vũ khí hạt nhân bất hợp pháp. Khi triển khai quan hệ đối tác này, Úc cũng khiến Pháp giận giữ khi đột ngột hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm thông thường của Pháp.
Nói chuyện với một nhóm nhỏ các phóng viên vào ngày 10/3, ông Sullivan đã bác bỏ những lo ngại của Trung Quốc và chỉ ra việc Bắc Kinh đang xây dựng quân đội, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
“Chúng tôi đã liên lạc với họ về AUKUS và tìm kiếm thêm thông tin từ họ về ý định của họ,” ông nói.
Vẫn còn những câu hỏi lớn về kế hoạch này, đặc biệt là về những hạn chế nghiêm ngặt của Hoa Kỳ đối với việc chia sẻ công nghệ rộng rãi cần thiết cho dự án và về việc mất bao lâu để chuyển giao các tàu ngầm, ngay cả khi mối đe dọa do Trung Quốc gây ra ngày càng gia tăng.
Quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nói với Reuters rằng “rất có thể” một hoặc hai tàu ngầm lớp Virginia được bán cho Úc sẽ là những tàu đã từng phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ, điều này cần có sự chấp thuận của quốc hội.
Quan chức này cho biết Úc đã đồng ý đóng góp quỹ để tăng cường năng lực sản xuất và bảo trì tàu ngầm của Mỹ và Anh.
Ông nói Washington đang xem xét khoản đầu tư hàng chục tỉ đô la vào cơ sở công nghiệp tàu ngầm của mình ngoài 4,6 tỷ đô la đã cam kết cho giai đoạn 2023-2029 và khoản đóng góp của Úc sẽ chiếm dưới 15% tổng số.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết AUKUS phản ánh các mối đe dọa ngày càng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không chỉ từ Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị và ở Biển Đông đang có tranh chấp, mà còn từ Nga, quốc gia đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Trung Quốc và cả Triều Tiên.
Việc làm mới
Ông Albanese cho biết hôm 11/3 rằng Nam Úc và Tây Úc sẽ là những nơi hưởng lợi lớn từ AUKUS. “Đây là về việc làm, bao gồm cả việc làm trong sản xuất,” ông nói.
Anh, quốc gia rời Liên hiệp châu Âu vào năm 2020, cho biết AUKUS sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thấp của nền kinh tế nước này.
Ông Sunak cho biết AUKUS đang “ràng buộc quan hệ với các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi và mang lại an ninh, công nghệ mới và lợi thế kinh tế tại quê nhà.”
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tuần trước cho biết các tàu ngầm đó sẽ đảm bảo hòa bình và ổn định trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Ông nói: “Thật khó để bày tỏ mạnh mẽ bước đi mà với tư cách là một quốc gia chúng tôi sắp thực hiện.”
Các nhà phân tích chính trị cho rằng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và các mối đe dọa Trung Quốc thâu tóm Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết, điều quan trọng là phải thúc đẩy giai đoạn thứ hai của AUKUS, liên quan đến vũ khí siêu thanh và các loại vũ khí khác có thể được triển khai nhanh hơn.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết các thông báo ngày 13/3 sẽ không bao gồm giai đoạn thứ hai này.
“Chúng tôi muốn để lại điều đó cho một ngày khác,” quan chức cấp cao nói.
Các quan chức Anh và Úc trong tháng này cho biết vẫn cần phải làm việc để phá bỏ các rào cản quan liêu đối với việc chia sẻ công nghệ.
Tân thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, nhân vật thân tín với ông Tập
11/03/2023 – Thanh Hà – Một trong những nhân vật thân tín nhất của ông Tập Cận Bình, ông Lý Cường (Li Qiang), 63 tuổi, được Quốc Hội Trung Quốc bầu vào chức vụ thủ tướng. Trong cuộc bỏ phiếu sáng nay 11/03/2023, nguyên bí thư Thượng Hải được 2.936 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống và 8 đại biểu Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại ông Lý Cường là ứng viên duy nhất vào chức vụ thủ tướng được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cử để thay thế thủ tướng Lý Khắc Cường.
Sinh năm 1959 tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, tân thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tốt nghiệp Đại Học Nông Nghiệp Chiết Giang. Đây cũng là nơi ông xây dựng một phần lớn sự nghiệp và trở thành nhân vật thân tín với bí thư tỉnh ủy Chiết Giang Tập Cận Bình. Lý Cường được giới quan sát quốc tế xem là thuộc thành phần «phái Chiết Giang» chung quanh ông Tập.
Ngay từ Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10/2022, ông Lý Cường đã là ứng viên làm lu mờ hết tất cả những đối thủ khác để thay thế thủ tướng mãn nhiệm Lý Khắc Cường, bất chấp quyết định tai hại phong tỏa thành phố Thượng Hải trong nhiều tuần lễ. Ở cương vị bí thư thành phố Thượng Hải, Lý Cường áp dụng chính sách zero-Covid, làm tê liệt lá phổi kinh tế, công nghiệp và tài chính của Trung Quốc với 25 triệu dân này.
Richard McGregor thuộc viện nghiên cứu Úc Lowy Institut tại Sydney đánh giá trường hợp của ông Lý Cường «là bằng chứng rõ rệt nhất thể hiện sự trung thành với tổng bí thư và chủ tịch nước Tập Cận Bình là yếu tố quan trọng hơn hết» để thăng tiến. «Khó có thể hiểu được làm sao họ Lý vươn lên được đến cương vị này nếu không nhờ quan hệ cá nhân» với ông Tập, bởi đến nay, ông này không có nhiều «kinh nghiệm ở cấp trung ương».
Thủ tướng Trung Quốc có trọng trách điều hành chính sách kinh tế vào lúc nền kinh tế thứ nhì thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Một số nhà phân tích chờ đợi, với ông Lý Cường ở chức vụ này, kinh tế Trung Quốc có khuynh hướng «bảo thủ» và họ Lý sẽ chỉ là người thi hành ý của Tập Cận Bình.
Cũng trong cuộc biểu quyết hôm nay, Quốc Hội Trung Quốc thông qua việc chỉ định ông Lưu Kim Quốc (Liu Jinguo) vào chức vụ chủ nhiệm Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia, với trọng trách chống tham nhũng. Ông Trương Quân (Ying Yong) sẽ đứng đầu Tòa Án Nhân Dân Tối Cao.
Anh tăng xuất khẩu liên quan đến tàu ngầm sang Đài Loan, chọc giận Trung Quốc
13/03/2023 – Reuters
Anh chấp thuận tăng mạnh xuất khẩu các bộ phận và công nghệ tàu ngầm
vào năm ngoái cho Đài Loan khi Đài Loan nâng cấp lực lượng hải quân, một
động thái có thể ảnh hưởng đến quan hệ của Anh với Trung Quốc.
Giá trị giấy phép do chính phủ Anh cấp cho các công ty xuất khẩu linh kiện và công nghệ liên quan đến tàu ngầm sang Đài Loan đạt tổng trị giá kỷ lục 201,29 triệu đô la trong 9 tháng đầu năm ngoái, theo dữ liệu cấp phép xuất khẩu của chính phủ Anh. Con số này cao hơn cả sáu năm trước cộng lại, một phân tích dữ liệu của Reuters cho thấy.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc, được gọi là chính sách Một Trung Quốc, và phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của nước ngoài vào hòn đảo vì tin rằng đó là sự hỗ trợ cho mong muốn của Đài Loan được công nhận là quốc gia độc lập.
Trước các số liệu Reuters trưng ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Nếu điều này là đúng, thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc, làm suy yếu chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời phá hoại hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.”
“Trung Quốc rất lo ngại về điều này và kiên quyết phản đối,” tuyên bố bằng văn bản cho biết, đồng thời kêu gọi Anh “kiềm chế hỗ trợ quân sự cho chính quyền Đài Loan”.
Anh không công nhận Đài Loan và không có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo nhưng vẫn duy trì quan hệ kinh tế và thương mại và có một tòa đại sứ Anh trên thực tế tại Đài Bắc.
Phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết trong một tuyên bố rằng Vương quốc Anh có một hồ sơ dài về việc “cấp giấy phép xuất khẩu hàng hóa có kiểm soát sang Đài Loan, trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, trong đó các đơn xin phù hợp với các quy định của xuất khẩu vũ khí và sản phẩm công dụng kép.”
“Chúng tôi coi vấn đề Đài Loan là vấn đề được giải quyết hòa bình bởi người dân ở cả hai bờ Eo biển Đài Loan thông qua đối thoại mang tính xây dựng, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay ép buộc”, vẫn theo tuyên bố của phát ngôn nhân chính phủ Anh.
Hai quan chức chính phủ giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề cho biết việc tăng giấy phép được cấp phản ánh nhu cầu lớn hơn từ Đài Loan.
Hai nhà lập pháp có kiến thức về xuất khẩu và hai cựu quan chức cho biết sự chấp thuận phản ánh sự sẵn sàng ngày càng tăng của Anh trong việc hỗ trợ Đài Loan. Một trong những nhà lập pháp, người cũng phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết việc cấp giấy phép xuất khẩu đồng nghĩa với việc “bật đèn xanh” để Đài Loan trang bị tốt hơn.
Dữ liệu được lấy từ Tổ chức Kiểm soát Xuất khẩu, nơi chịu trách nhiệm cấp phép xuất khẩu và nằm trong Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh. Tổ chức này cho thấy chính phủ đã cấp 25 giấy phép xuất khẩu cho Đài Loan trong 9 tháng đầu năm 2022 dưới các danh mục “linh kiện cho tàu ngầm” và “công nghệ cho tàu ngầm”.
Dữ liệu không tiết lộ công ty nào đã nhận được giấy phép hoặc chi tiết những thiết bị cụ thể.
Một loại giấy phép, được gọi là ML9, bao gồm “tàu chiến, thiết bị hải quân đặc biệt, phụ kiện, linh kiện và các tàu nổi khác”, theo danh sách các mặt hàng quân sự chiến lược của Anh cần xin phép xuất khẩu. Một loại giấy phép khác, ML22, bao gồm công nghệ cần thiết cho việc phát triển, sản xuất, vận hành, thiết lập, bảo trì, sửa chữa hoặc hàng hóa hoặc phần mềm.
Chính phủ Anh ngày 13/3 tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng khi công bố bản cập nhật các ưu tiên chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đưa ra kế hoạch “đối phó với các mối đe dọa mới” từ Trung Quốc và Nga.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak, trong lời nói đầu của tài liệu chính sách, đã xác định cụ thể lập trường hung hăng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan là một trong những vấn đề “đe dọa tạo ra một thế giới được xác định bởi nguy hiểm, hỗn loạn và chia rẽ – và một trật tự quốc tế thuận lợi hơn cho chủ nghĩa độc tài.”
Căng thẳng tăng cao
Căng thẳng quân sự giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên. Đài Loan, cách bờ biển Trung Quốc khoảng 160 km về phía đông nam, cho biết họ đang xây dựng một hạm đội tàu ngầm để củng cố hệ thống phòng thủ hải quân của họ. Đài Loan trong nhiều thập niên đã không thể mua tàu ngầm thông thường từ các nước khác vì các nước này lo ngại chọc giận Trung Quốc.
Chính phủ dân cử dân chủ của Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ các yêu sách chủ
quyền của Trung Quốc, nói rằng chỉ người dân của hòn đảo mới có thể
quyết định tương lai của họ.
Như Reuters đã đưa tin trước đây, một loạt các nhà cung cấp công nghệ tàu ngầm nước ngoài, với sự chấp thuận của chính phủ họ, đã hỗ trợ chương trình này.
Đáp yêu cầu bình luận về các hoạt động xuất khẩu liên quan đến tàu ngầm từ Anh, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng chương trình đóng tàu của họ là “một chính sách lớn của quốc gia, và hải quân đang đẩy mạnh nhiều dự án khác nhau theo một chiều hướng thực dụng”.
“Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các tầng lớp xã hội sẽ tiếp tục ủng hộ, cùng nhau duy trì an ninh và hòa bình của Eo biển Đài Loan,” Bộ cho biết.
Đài Bắc đặt mục tiêu thử nghiệm mẫu tàu ngầm đầu tiên vào tháng 9 năm nay và bàn giao chiếc đầu tiên trong số 8 tàu theo kế hoạch vào năm 2025.
Việc Anh cấp giấy phép liên quan đến tàu ngầm bắt đầu tăng lên sau khi Đài Loan tuyên bố họ có kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm vào năm 2017.
Anh đã chấp thuận việc xuất khẩu các bộ phận và công nghệ tàu ngầm trị giá 87 triệu bảng Anh sang Đài Loan vào năm 2020, tăng từ 31.415 bảng vào năm 2017 và zero vào năm 2016, theo dữ liệu cấp phép. Giá trị của những giấy phép như vậy được chấp thuận vào năm 2021 giảm xuống chỉ còn dưới 9 triệu bảng.
Anh hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Duyệt xét Hội nhập của Anh, một tài liệu phát họa các ưu tiên trong chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nước này công bố vào tháng 3 năm 2021, đã chỉ ra “việc hướng tới” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng không đề cập đến Đài Loan.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm ngoái đã đặt ra câu hỏi ở Anh và các nơi khác ở phương Tây về các điểm bùng phát khác có thể xảy ra trong tương lai trên khắp thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, nói với Reuters vào tháng trước rằng các hành động của phương Tây ủng hộ Kyiv là một tín hiệu cho các quốc gia khác thấy rằng việc chiếm đất sẽ không thành công. Ông nói: “Cuộc xung đột này rất quan trọng vì thế giới đang theo dõi liệu phương Tây có đứng lên bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ, xã hội tự do và pháp quyền hay không”.
Các nhà lập pháp phương Tây và các quan chức khác đã tăng cường các chuyến thăm Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Điều đó bao gồm chuyến thăm vào tháng 11 năm ngoái của Bộ trưởng Bộ Thương mại Anh Greg Hands. “Chúng tôi kêu gọi phía Anh ngừng mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan và ngừng gửi tín hiệu sai trái cho các lực lượng ly khai đòi Đài Loan độc lập”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói vào thời điểm đó.
Ông Tobias Ellwood, người đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội Anh và là thành viên của Đảng Bảo thủ cầm quyền Anh, người đã đến thăm Đài Loan vào tháng 12 năm ngoái, nói với Reuters rằng chính phủ Anh phải cẩn thận về những chi tiết mà họ cung cấp công khai về thiết bị được cấp phép xuất khẩu.
“Một thông báo về tính chất cụ thể của những mặt hàng xuất khẩu này có nguy cơ tiết lộ thông tin nhạy cảm về khả năng phòng thủ của Đài Loan và một số thận trọng của chính phủ Anh khi thảo luận về những mặt hàng xuất khẩu này là hợp lý,” ông Ellwood nói.
Một trong những cựu quan chức Anh nói: “Mọi quyết định xung quanh Đài Loan đều được đưa ra rất cân nhắc và thường thận trọng.”
Khi được hỏi về quyết định chấp thuận tăng giấy phép xuất khẩu, quan chức này nói: “Chúng ta không làm điều gì đó như thế này mà không suy nghĩ rất kỹ về những tác động.”
Ca sĩ Mai Khôi được Mỹ trao giải thưởng Artivist Academy
RFA – 2023.03.11
Ca sĩ Mai Khôi trong poster công bố giải thưởng Artivist Academy – Fb Do Nguyen Mai Khoi
Ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi (nghệ danh Mai Khôi), mới được tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ trao giải thưởng Artivist Academy vì những đóng góp của cô cho việc nâng cao nhận thức về các vấn đề công bằng xã hội thông qua nghệ thuật.
Mai Khôi cũng được 1Hood Media chọn là một trong 12 gương mặt trong năm 2023. Đây là một tổ chức ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pensylvania có mục tiêu xây dựng các “cộng đồng tự do” thông qua nghệ thuật, giáo dục và công bằng xã hội.
Bà Jasmine Green, giám đốc đào tạo của tổ chức trên nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email trong ngày 09/3:
“Mai Khôi là một nghệ sĩ cực kỳ tài năng, người đã kết hợp nhuần nhuyễn hoạt động chính trị với hoạt động nghệ thuật của mình.
Trong nhiều trường hợp, Mai Khôi đã đánh cược tự do và an toàn của mình vì sự cống hiến của cô ấy cho nghệ thuật, và vì vậy những giá trị mà tổ chức cổ suý được thể hiện rõ hơn trong công việc của cô ấy.”
Theo bà Green, các nghệ sĩ được chọn đều có trình độ cao và chia sẻ tôn chỉ của tổ chức, và Mai Khôi sẽ có buổi trình diễn trong ngày 17/11 năm nay.
Ba tiêu chí mà tổ chức này lựa chọn nghệ sĩ để trao giải là: kỹ năng nghệ thuật đã được chứng thực, thành tích chuyên nghiệp và khả năng phù hợp với sứ mệnh và giá trị của tổ chức. Thuật ngữ “Artivist” là sự kết hợp giữa từ “Artist” (nghệ sĩ) và “Activist” (nhà hoạt động).
Vì các hoạt động của mình, Mai Khôi đã nhiều lần bị lực lượng an ninh Việt Nam sách nhiễu. Chính quyền Hà Nội không cho cô tự do biểu diễn, yêu cầu chủ nhà trọ đuổi hai vợ chồng, và tịch thu các bản sao trong album Dissent (Bất đồng chính kiến-PV) của cô sau chuyến lưu diễn châu Âu vào dịp cuối năm 2018.
Nói với RFA, ca sỹ Mai Khôi cho biết giải thưởng là một sự khích lệ lớn cho hoạt động nghệ thuật của cô, sau hai giải thưởng quốc tế trong năm năm gần đây.
“Những giải thưởng như thế này là niềm khích lệ rất lớn đối với những người nghệ sĩ như Mai Khôi, nhất là những nghệ sĩ dùng nghệ thuật để lên tiếng cho nhân quyền và nói lên vấn đề của xã hội đang bức xúc.
Nó là một niềm khích lệ rất lớn và là một cách ủng hộ rất thiết thực để những nghệ sĩ như Mai Khôi tiếp tục công việc của mình.”
Cô cho rằng giải thưởng mới nhất này cũng khích lệ giới nghệ sĩ trong nước đấu tranh để được tự do sáng tạo nghệ thuật.
“Mặc dù Mai Khôi cũng không còn sống ở Việt Nam đã ba năm rồi nhưng Mai Khôi vẫn có nhiều kết nối với các nghệ sĩ ở Việt Nam và Mai Khôi nhận thấy sự thành công của Mai Khôi cũng là một niềm khích lệ đối với những nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam.
Họ thấy rằng là ‘À, Mai Khôi được sống và làm việc ở một nơi được tự do, những hoạt động của Mai Khôi được ghi nhận ở một đất nước xa lạ bởi vì sự tự do mà Mai Khôi đang có.’
Mai Khôi hy vọng những nghệ sĩ ở Việt Nam có những tác phẩm nói lên những vấn đề xã hội bức thiết nhiều hơn, cảm thấy cần thiết đấu tranh để đòi tự do nhiều hơn.”
Từng là người được giải thưởng về nghệ thuật ở Việt Nam trước khi dấn
thân hoạt động xã hội và sử dụng sáng tạo nghệ thuật để đấu tranh chống
kiểm duyệt, Mai Khôi cho rằng các nghệ sĩ trong nước thường né tránh
những vấn đề nhạy cảm vì sự kiểm duyệt từ chính quyền.
Mong muốn Việt Nam xoá bỏ chế độ kiểm duyệt để giới nghệ sĩ được sáng
tạo tự do hơn, Mai Khôi cho rằng chính họ phải lên tiếng vì “không có gì tự nhiên đến, các nghệ sĩ phải đấu tranh nhiều hơn.”
Trước giải thưởng Artivist Academy, ca sĩ bất đồng chính kiến Mai Khôi đã nhận được giải thưởng Vaclav Havel năm 2018 dành cho người bất đồng chính kiến sáng tạo của Hội Nhân quyền (The Human Rights Foundation– HRF) và Giải thưởng Tứ tự do về Tự do ngôn luận (Roosevelt Four Freedom Award) của Viện Roosevelt. Cả hai có trụ sở chính ở New York, Hoa Kỳ.
Ở Việt Nam, năm 2010, Mai Khôi giành giải thưởng “Album của năm” (Mai-Khôi Sings Quốc Bao) của Đài Truyền hình Việt Nam.
Cô là một ca sĩ hoạt động tích cực trong việc đấu tranh đòi hỏi tự do và dân chủ cho Việt Nam, tham gia biểu tình chống Formosa sau khi tập đoàn này gây ra thảm họa môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016.
Mai Khôi từng nộp đơn tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng không được chấp nhận. Cô cũng lên tiếng chỉ trích Facebook hợp tác với yêu cầu kiểm duyệt Internet của chính phủ Việt Nam.
Cô là một trong số ít những nhà bất đồng chính kiến mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gặp khi ông thăm Việt Nam năm 2016.
Năm 2018, tổ chức Ân xá Quốc tế đưa Mai Khôi vào danh sách “12 nhà hoạt động nhân quyền truyền cảm hứng để theo dõi.”
Máy chế tạo chíp: Quyết định cấm xuất của Hà Lan, đòn đau với Trung Quốc
11/03/2023 – Hà Lan quyết định siết chặt xuất khẩu máy sản xuất chíp điện tử cao cấp sang Trung Quốc, để hưởng ứng chủ trương của Mỹ. Philippines mở chiến dịch tố cáo các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu xuyên tạc sự thật về chiến tranh ở Ukraina của ngoại trưởng Nga bị chê cười tại hội nghị ở Ấn Độ.
Nhân dịp 08/03, để thúc đẩy bình đẳng giới, quốc gia châu Âu Ireland ra quyết định trưng cầu dân ý xét lại điều khoản bất bình đẳng giới, về ”vai trò của phụ nữ trong gia đình” của Hiến pháp trước Thế chiến 2. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây trung tuần tháng 3/2023.
***
Hà Lan đứng hẳn về phía Hoa Kỳ trong cuộc chiến chíp bán dẫn với Trung Quốc. Ngày 08/03 vừa qua, chính phủ Hà Lan khẳng định sẽ áp đặt kiểm soát đối với việc xuất khẩu máy chế tạo chíp điện tử tiên tiến nhất. Đây là lần đầu tiên La Haye chính thức đưa ra quyết định như vậy, kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra chính sách xây dựng liên minh quốc tế ngăn chặn xuất khẩu công nghệ bán dẫn cao cấp sang Trung Quốc. Từ hơn một năm nay, chính quyền Biden đã tìm cách thuyết phục Hà Lan, cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, tham gia mặt trận chíp bán dẫn chống Trung Quốc. Sau nhiều tháng lưỡng lự, cuối tháng 1/2023 vừa qua, chính quyền Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc, nhưng từ đó đến trước thông báo ngày 08/03, La Haye đã tránh đưa ra các bình luận.
Trả lời RFI, bà Mary-Françoise Renard, Viện Nghiên cứu về Kinh tế Trung Quốc (IDREC) nhận định: ‘‘Điều này gây tổn thất cho Trung Quốc bởi năng lực sản xuất chíp bán dẫn của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp hơn so với các doanh nghiệp Mỹ, Hà Lan, hay Đài Loan. Như vậy, việc tước đi sản phẩm này khiến Trung Quốc phải mất nhiều thời gian hơn nữa để khắc phục tình trạng tụt hậu hiện nay. Có nghĩa là Trung Quốc phải tự làm ra được các công nghệ mới’’.
Việc siết chặt xuất khẩu máy chế tạo linh kiện bán dẫn cao cấp liên quan trực tiếp đến các linh kiện ”lưỡng dụng”, dân sự – quân sự, có thể được sử dụng để chế tạo các vũ khí hay phương tiện quân sự có độ chính xác cao. Thông báo của bộ trưởng Ngoại Thương Liesje Schreinemacher gửi đến các nghị sĩ Hà Lan nhấn mạnh: ‘‘Căn cứ vào sự phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ quyết định, vì lý do an ninh quốc gia, cần phải mở rộng quy định hiện hành đối với việc kiểm soát xuất khẩu một số thiết bị chế tạo linh kiện bán dẫn đặc biệt’’.
Cỗ máy ‘‘gây thèm muốn nhất thế giới’’
Thông báo của Hà Lan không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh là đối tượng chính. Trong lá thư gửi Quốc Hội, bộ trưởng Thương Mại Hà Lan khẳng định rõ việc kiểm soát bao gồm các máy in chíp với tia cực tím (DUV), tức loại máy đặc dụng để chế tạo các chíp bán dẫn nhỏ nhất. Đối tượng bị hạn chế xuất khẩu không ai khác hơn chính là công ty Hà Lan ASML.
ASML là công ty như thế nào? Công ty Hà Lan với khoảng 39.000 nhân viên nằm ở Veldhoven, một khu vực không có gì đặc biệt hấp dẫn tại vùng biên giới Hà Lan – Bỉ, trên thực tế, chính là một doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu. Mỗi chiếc máy chế tạo chíp cao cấp của ASML tuy ‘‘chỉ’’ có giá 160 triệu đô la, nhưng là phần không thể thiếu với thị trường công nghệ thế giới trị giá hàng trăm tỉ đô la. Các công nghệ đỉnh cao của thế giới không thể có được, nếu thiếu mặt hàng chiến lược này.
Việc ASML đứng về phía Hoa Kỳ có nghĩa quyết định trong cuộc chiến bán dẫn Mỹ – Trung. Điều đáng chú ý là ASML nắm đến ‘‘80% thị trường thế giới máy công cụ chế tạo chíp, và 100% máy công cụ tiên tiến nhất’’, theo lãnh đạo ASML. Năm khách hàng chính của ASML là công ty Đài Loan TSMC (chiếm 60% thị trường), tập đoàn Samsung (13%), hai công ty Trung Quốc UMC và Smic (11%) và công ty Mỹ GlobalFoundries (6%).
Theo giáo sư Douglas Fuller, Đại học Copenhagen, một chuyên gia về công nghệ Đông Á, việc mất nguồn công nghệ cao cấp này buộc Trung Quốc phải mất ‘‘ít nhất khoảng 10 năm và rất nhiều tiền để có thể bắt chước được’’. Công nghệ chế tạo máy in thạch bản chíp bán dẫn của ASML hiện được coi là cỗ máy công nghiệp ‘‘bị nhòm ngó nhất thế giới’’ (Le Point). Giữa tháng 2 vừa qua, một trong số 1.500 nhân viên của một chi nhánh Trung Quốc của ASML bị bắt quả tang đánh cắp dữ liệu mật. Đây là điều không gây ngạc nhiên. Tổng giám đốc Peter Wennink cho biết công ty đầu tư khoảng 100 triệu đô la hàng năm cho bảo mật, với sự tham gia của hàng trăm công tác viên.
Tổng giám đốc Peter Wennink tự hào gọi đây là ”cỗ máy phức tạp nhất thế giới“. Đánh cắp bí mật hoàn toàn không dễ. Để làm chủ công nghệ chế tạo máy này, chỉ riêng về phần laser của một chiếc DUV, các gián điệp sẽ phải ”nhận dạng và nắm bắt được cách lắp ráp hoàn hảo 457 329 bộ phận”.
‘‘Chiến tranh Lạnh’’ chất bán dẫn: Châu Âu nhập cuộc
Trên thực tế, không phải đợi đến quyết định ngày 08/03/2023. Ngay từ năm 2019, ASML đã không được phép xuất khẩu máy công cụ in thạch bản tia cực tím cao cấp nhất sang Trung Quốc. Khách hàng chủ yếu của ASML là TSMC Đài Loan, nhà sản xuất linh kiện bán dẫn siêu nhỏ số một thế giới. Cuộc chiến tranh Lạnh về chất bán dẫn với Trung Quốc đã bắt đầu.
ASML không chỉ là át chủ bài của Hà Lan, mà còn là của cả châu Âu trong cuộc chiến công nghệ. Nhiều nước châu Âu cũng có thể áp dụng quy định hạn chế xuất khẩu tương tự như Hà Lan.
Châu Âu đã tăng tốc trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp then chốt bán dẫn từ năm ngoái với kế hoạch Chips Act, với khoảng 45 tỉ đô la từ đây đến 2030, để bớt phụ thuộc vào châu Á. Hôm 03/03, tập đoàn Mỹ Apple đầu tư thêm 1 tỉ đô la vào một cơ sở sản xuất chíp tại Munich, Đức, trung tâm công nghệ cao, thường được coi là ”Silicon Design Center” của châu Âu. Apple cũng dự kiến xây dựng thêm ba cơ sở nghiên cứu về phát triển các sản phẩm công nghệ cao tại Đức.
Biển Đông: Philippines mở chiến dịch tố cáo thủ đoạn của Trung Quốc
Không để Trung Quốc tiếp tục lấn lướt tại Biển Đông là chủ trương của chính quyền Philippines gần đây. Đầu tuần qua, Tuần Duyên Philippines mở chiến dịch truyền thông tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, nhằm gây sự chú ý quốc tế.
Hãng tin Mỹ AP dẫn lời của tư lệnh lực lượng tuần duyên Philippines hôm thứ Tư 08/03. Tại một diễn đàn về các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tổ chức tại Manila, thiếu tướng Jay Tarriela khẳng định: ‘‘Tôi muốn nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để hóa giải các hoạt động trong ‘‘vùng xám’’ của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) là phơi bày chúng’’.
Chỉ huy Tuần Duyên Philippines tố cáo các biện pháp sử dụng các tàu cá, hoạt động mang danh nghiên cứu khoa học, hay các hành xử hung hăng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc tại các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tức các khu vực mà Trung Quốc cố tình tạo ra cái gọi là vùng tranh chấp, hay ‘‘vùng xám’’, đặc biệt với việc sử dụng tia laser, nguy hiểm cho mắt người. Theo chỉ huy Tuần Duyên Philippines, với việc công bố các hình ảnh và video về các thủ đoạn gây hấn của Trung Quốc, “các hành động trong bóng tối của Trung Quốc giờ đây đã bị lộ diện, điều này khiến họ buộc phải nói dối công khai.”
Áp lực Trung Quốc buộc Philippines ”đừng gây thêm rắc rối”
Đại tá không quân Mỹ nghỉ hưu Raymond Powell, chuyên nghiên cứu về các chiến lược của Trung Quốc, đã ca ngợi những nỗ lực của tuần duyên Philippines trong việc tố cáo Trung Quốc, nhưng cảnh báo rằng chính phủ Philippines sẽ phải chịu nhiều áp lực của Bắc Kinh, buộc Manila “đừng gây ra quá nhiều rắc rối, đừng công khai thêm’’.
Hành động của chỉ huy Tuần Duyên Philippines như trên cho thấy Manila không lùi bước. Theo tư lệnh Tuần Duyên Philippines, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines có sứ mạng phát ngôn cho lập trường chống lại việc Trung Quốc bành trướng trên biển. Chiến dịch truyền thông như vậy ‘‘cho phép các quốc gia có cùng quan điểm’’ tham gia vào việc lên án và chỉ trích, đặt Bắc Kinh vào ‘‘tâm điểm chú ý”.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã có phản ứng, gọi đây là “hành vi nguy hiểm’’ ‘‘đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực” và “phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam và Malaysia. Hoa Kỳ có Hiệp định phòng thủ chung với Philippines. Washington nhiều lần cảnh báo sẽ bảo vệ Philippines, nếu các lực lượng Philippines bị tấn công ở Biển Đông.
Ấn Độ: Phát biểu của ngoại trưởng Nga gây cười
Ấn Độ cố gắng hòa giải Nga với phương Tây. Sau hội nghị G20, ở New Delhi, Ấn Độ đã mời ngoại trưởng Nga dự hội nghị quốc tế Raisina hôm 04/03, hội nghị đối thoại thường niên do Ấn Độ tổ chức từ 2016. Tại hội nghị, phát biểu của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrvov thu hút chú ý, công chúng đã cười rộ trước một phát biểu xuyên tạc của ngoại trưởng Nga về chiến tranh tại Ukraina.
Thông tín viên Côme Bastin tường trình từ Bangalore :
‘‘Ngoại trưởng Nga Lavrov tham dự hội nghị đối thoại Raisina, do bộ Ngoại Giao Ấn Độ và Viện Địa Chính trị ORF, trụ sở ở New Delhi, phối hợp tổ chức. Sự tham gia của ngoại trưởng Nga phản ánh mong muốn của Ấn Độ đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây, hội nghị diễn ra một ngày sau khi khối G20 không ra được thông cáo chung tại hội nghị ở Bangalore, do bị Nga và Trung Quốc phản đối.
Trong phần trả lời các câu hỏi của khán phòng, ông Lavrov thoạt tiên đã được hoan nghênh, khi cáo buộc phương Tây lừa dối : ‘‘Người ta cứ nói rằng Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế.Nhưng về phần mình, Hoa Kỳ viện dẫn các mối đe dọa hiện hữu để can thiệp vào khắp nơi trên hành tinh, từ Nam Tư, đến Irak, hay Syria… Nga chỉ đơn giản là can thiệp trong vùng thuộc lãnh thổ của mình.Nếu như đó không phải là chuyện tiêu chuẩn kép, nhất bên trọng, nhất bên khinh, thì tôi không đáng mặt là bộ trưởng.’’
Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga cũng đã khiến cử tọa cười rộ khi tuyên bố rằng Ukraina là bên khởi xướng xung đột. Ông Lavrov nói: “Các vị biết đấy, sau cuộc chiến mà chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn và cuộc chiến do người Ukraina phát động chống lại chúng tôi… (cười), chúng tôi sẽ không bao giờ dựa vào bất kỳ đối tác nào ở phương Tây nữa.”
Phát biểu của ngoại trường là một lời kêu gọi ủng hộ hướng về Ấn Độ, quốc gia nay đã trở thành khách hàng khí đốt chủ yếu của Nga.’’
Trưng cầu dân ý Ireland: Loại bất bình đẳng giới khỏi Hiến pháp
Châu Âu vốn được coi là một khu vực mà quyền phụ nữ được khẳng định ở mức độ cao. Điều bất ngờ là tình hình ở quốc gia Tây Âu Ireland không hẳn như vậy. Hôm 08/03, chính quyền Ireland quyết định trưng cầu dân ý vào tháng 11 để sửa đổi một số điều khoản bất bình đẳng giới trong Hiến pháp, đã có từ trước Thế chiến II.
Thông tín viên Laura Taouchanov tường trình từ Dublin:
‘‘Hai điều khoản trong Hiến pháp đặt ra vấn đề. Điều 40 và 41 khẳng định vị trí của người phụ nữ là ở trong gia đình, vì vậy Nhà nước cần bảo đảm sao cho họ không bị bắt buộc phải làm việc để bảo đảm rằng họ có thể thực hiện các công việc gia đình của mình.
Những lời lẽ này có thể gây sốc với chúng ta, nhưng chúng đã có từ năm 1937, tức thời kỳ mà Ireland chịu ảnh hưởng của một nhánh trong Giáo hội Công giáo có quan điểm rất khắc nghiệt. Do đó, hội nghị công dân Ireland đã yêu cầu thay đổi các điều khoản này từ lâu.
Các dòng chữ này sẽ bị xóa và và phải được thay thế bằng các diễn đạt phi giới tính để nói về cuộc sống ở gia đình. Hội đồng công dân Ireland yêu cầu Hiến pháp phải đề cập rõ ràng khái niệm bình đẳng giới và không phân biệt đối xử. Cũng sẽ phải có một thay đổi liên quan đến việc bảo vệ tất cả các gia đình, chứ không chỉ giới hạn ở kiểu gia đình của một cặp vợ chồng (một nam, một nữ).
Ireland từ lâu đã bị coi là rất bảo thủ, quốc gia này đã hiện đại hóa trong những năm gần đây. Bằng chứng là những cuộc trưng cầu dân ý về quyền phá thai và kết hôn với các cặp đồng tính, trong đó đa số trường hợp, lá phiếu “có” đã giành phần thắng’’.