Tin Tổng Hợp – 12/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 12/8/21

Phương Tây đồng thanh lên án Trung Quốc xử các công dân Canada

Bản án tù 11 năm mà chính quyền Bác Kinh tuyên phạt công dân Canada hôm qua, 11/08/2021, ngay lập tức đã dấy lên phẫn nộ từ Ottawa và cộng đồng quốc tế. Vụ bắt giữ nhân vật này ngay từ đầu đã bị tố cáo là cách mà Trung Quốc trả đũa vụ Hoa Vi để gây sức ép với chính quyền Canada.

Ngay ngày hôm qua, ông Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, cũng như lãnh đạo Ngoại Giao EU Josep Borrell đã lên tiếng phản đối gay gắt phán quyết của tư pháp Trung Quốc và bày tỏ sự ủng hộ đối với Canada, xem bản án này là cách trả đũa vụ bắt giám đốc tài chính của Hoa Vi tại Canada.

Bộ Ngoại Giao Pháp cũng phản ứng ngay về bản án 11 năm tù vì tội gián điệp đối với công dân Canada Michael Spavor và án tử hình đối với Robert Lloyd Schellenberg vì tội buôn ma túy. Phát ngôn viên Ngoại Giao Pháp trong một thông cáo tuyên bố « Pháp lên án mạnh mẽ tính chất vô lối của các bản án này » và « khẳng định lại Pháp luôn phản đối án tử hình ».

Hai công dân Canada - Michael Kovrig (T) và Michael Spavor (P) - bị Trung Quốc bắt giam và kết án, những vụ án mà  phương Tây cáo buộc là có động cơ chính trị.
Hai công dân Canada – Michael Kovrig (T) và Michael Spavor (P) – bị Trung Quốc bắt giam và kết án, những vụ án mà phương Tây cáo buộc là có động cơ chính trị. © La Presse canadienne/Twitter

Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Bắc Kinh trả tự do « ngay lập tức và không điều kiện » cho công dân Canada Michael Spavor. Trong một thông cáo ra hôm qua, lãnh đạo Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh : « Việc bắt giữ vô cớ các cá nhân để tạo áp lực đối với các chính phủ nước ngoài là hoàn toàn không thể chấp nhận được ».

Về phần mình, Canada khẳng định sẽ kháng cáo. Thông tín viên RFI tại Québec Pascale Guéricolas tường trình:

“Chính phủ Canada sẽ kháng cáo bản án đối với doanh nhân Michael Spavor mà thủ tướng Justin Trudeau đánh giá là hoàn toàn không thể chấp nhận và bất công.

Bản án 11 năm tù cho ông Spavor được tuyên ngay ngày hôm sau kháng án của một công dân Canada khác bị bác. Đó là một bị cáo bị kết án tử hình vì tội buôn ma túy tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia ngoại giao, thời điểm được chính quyền Trung Quốc chọn để thông báo phán quyết của tư pháp này không hề ngẫu nhiên. Thực tế, nhân vật số hai của tập đoàn viễn thông Hoa Vi hiện đang chờ tòa án Canada ra quyết định về việc dẫn độ sang Hoa Kỳ.

Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại sân bay Vancouver hồi tháng 12/2018 đã dẫn đến vụ bắt giam ông Michael Spavor, khi đó đang sống nhiều năm ở Trung Quốc và vẫn thường xuyên qua lại Bắc Triều Tiên.

Một công dân Canada khác là Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao, cũng đang phải trả giá cho những rối ren giữa hai cường quốc hiện nay. Ông cũng bị giam tại Trung Quốc từ hai năm rưỡi nay và đang chờ tuyên án sau một phiên xử chóng vánh.

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210812-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-%C4%91%E1%BB%93ng-thanh-l%C3%AAn-%C3%A1n-trung-qu%E1%BB%91c-x%E1%BB%AD-c%C3%A1c-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-canada

Trung Quốc cay cú vì không soán được ngôi Cường Quốc Thế Vận số 1 của Mỹ

Đội bóng chuyễn nữ đã mang lại huy chương vàng thứ 39 cho đoàn Mỹ tại Thế Vận Hội Tokyo 2020 ngày 08/08/2021, giúp Hoa Kỳ vượt qua Trung Quốc về số huy chương vàng.
Đội bóng chuyễn nữ đã mang lại huy chương vàng thứ 39 cho đoàn Mỹ tại Thế Vận Hội Tokyo 2020 ngày 08/08/2021, giúp Hoa Kỳ vượt qua Trung Quốc về số huy chương vàng. AP – Manu Fernandez

Trong hầu như tất cả các kỳ Thế Vận Hội, Hoa Kỳ đều đứng đầu bảng xếp hạng về số danh hiệu vô địch thế vận đoạt được. Ngoại lệ duy nhất gần đây là tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, khi Mỹ bị Trung Quốc vượt qua về số huy chương vàng. Luôn ngấp nghé soán đoạt ngôi vị “Cường Quốc Thế Vận” Số 1 từ tay Mỹ, tại Thế Vận Hội Tokyo 2020 vừa bế mạc hôm 08/08/2021, Bắc Kinh rất cay cú vì suýt nữa đã thành công trước khi bị thất bại vào giờ chót. Quảng cáo

Cuộc đấu tranh Mỹ-Trung để giành vị trí cường quốc thể thao hàng đầu thế giới đó đã được tuần báo Pháp Le Point chú ý. Ngày 08/08 vừa qua, trong một bài phân tích mang tựa đề hóm hỉnh “Chiến lược (gần như) toàn thắng của Trung Quốc tại Thế Vận Hội”, tờ báo Pháp đã nêu bật bí quyết thành công của Trung Quốc, đã được Bắc Kinh áp dụng trong lãnh vực địa chính trị: Huy động quần chúng tấn công vào những lãnh vực bị bỏ bê – tức là những bộ môn thể thao ít nổi tiếng.

Trung Quốc bị Mỹ vượt qua trong gang tấc vào giờ chót

Phải nói là tại Thế Vận Hội Tokyo lần này, Trung Quốc rất cay cú, vì bị Mỹ vượt qua trong gang tấc về số huy chương vàng giành được vào ngày thi đấu cuối cùng (08/08), sau khi đã liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương ngay từ ngày thi đấu đầu tiên (24/07).

Thật vậy, cho đến ngày 07/08, tức là một hôm trước lúc Thế Vận Hội bế mạc, Trung Quốc vẫn đứng hạng nhất với 38 huy chương vàng, trong lúc Hoa Kỳ đứng hạng nhì với 36 huy chương.

Thế nhưng, bước qua ngày thi đấu cuối cùng 08/08, các vận động viên bóng rổ nữ của Mỹ, cùng với tay đua xe đạp nữ Jennifer Valente trong môn đua trong sân lòng chảo đã chiến thắng trong trận chung kết, đã giúp đoàn Mỹ vươn lên đứng đầu bảng vàng Thế Vận Hội Tokyo, với 38 huy chương vàng như Trung Quốc, nhưng hơn hẳn về tổng số huy chương.

Cú ân huệ giáng vào đoàn Trung Quốc đến từ đội tuyển bóng chuyền nữ Hoa Kỳ, đã xuất sắc đánh bại đội Brazil (đứng thứ hai thế giới) để mang về thêm một huy chương vàng cho đoàn Mỹ và vượt qua đoàn Trung Quốc cả về số danh hiệu thế vận.

“Ngụy tạo” hay “nhận vơ” thành tích

Trên bảng vàng thế vận, vị trí số một của Mỹ là điều không tranh cãi. Ngoài 39 huy chương vàng, vốn được dùng là tiêu chí xếp hạng chính, Mỹ còn hơn xa Trung Quốc về số huy chương bạc, (41 so với 32), cũng như đồng (33 so với 18). Thế nhưng, đó là một thực tế mà Bắc Kinh không thể chấp nhận và sẵn sàng bẻ cong.

Báo chí Mỹ, cụ thể là tờ New York Post (ngày 10/08) và tờ Washington Free Beacon ngày (09/08) đã phát hiện việc một số phương tiện truyền thông Nhà Nước Trung Quốc không ngần ngại “ngụy tạo” thành tích của đoàn Trung Quốc tại Thế Vận Hội Tokyo 2020, bằng cách nhận vơ huy chương của Hồng Kông và Đài Loan, được Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế xếp vào diện các phái đoàn độc lập.

Một cách cụ thể, đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc CCTV ngày 09/08 đã công bố trên tài khoản Instagram của họ một bảng xếp hạng huy chương trong đó Trung Quốc đứng đầu với 42 huy chương vàng, trong lúc Hoa Kỳ chỉ đứng thứ hai với 39 huy chương.

Bản xếp hạng này đã gộp luôn hai huy chương vàng của vận động viên Đài Loan (ở bộ môn cử tạ và cầu lông) và một huy chương vàng của Hồng Kông (ở bộ môn đấu kiếm). Mạng xã hội Vi Bác của Trung Quốc dĩ nhiên đã loan truyền rộng rãi bảng thành tích “nhận vơ” này, vì trên bảng xếp hạng chính thống, Đài Loan, Hồng Kông và Macao đều được tính là những thực thể riêng biệt với Trung Quốc.

Cũng như thế, theo trang tin Đài Loan Taiwan News, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng gộp chung thành tích của Đài Loan, Hồng Kông và Macao vào kết quả của đoàn Trung Quốc, đẩy tổng số huy chương giành được lên thành 110 chiếc (bao gồm 42 vàng, 37 bạc và 27 đồng), hơn hẳn con số được quốc tế công nhận là 88.

Chiến lược ưu tiên các môn thể thao “thứ yếu”

Bên cạnh các thủ thuật mang nặng tính chất cay cú đó, có một điểm mà tất cả các nhà phân tích đều công nhận là Trung Quốc đã thành công trong việc vươn lên giành các vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng các cường quốc thế vận. Bí quyết thành công của Trung Quốc là một chiến lược được tính toán cẩn thận, từ việc phát hiện sớm và đào tạo các tài năng, cho đến việc – và đây là yếu tố quan trọng nhất – đầu tư vào các bộ môn thể thao gọi là “thứ yếu”, ít được báo chí chú ý và không được các “đại gia” quan tâm nhiều.

Theo ghi nhận của tuần báo Pháp Le Point, một chi tiết tại Thế Vận Hội Tokyo lần này phản ánh rõ rệt chiến lược đó của Trung Quốc: 3/4 số huy chương mà nước này giành được tập trung ở 6 bộ môn: bóng bàn, bắn súng, nhẩy cầu, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ. Ngoài ra các môn thể thao cá nhân cũng được chú ý vì dễ huấn luyện một người, thay vì các môn thể thao đồng đội, cần đến một sự gắn bó tập thể khó tìm hơn, trong lúc kết quả lại tùy thuộc vào những tình huống khách quan khó làm chủ hơn.

Điểm lý thú được tuần báo Pháp ghi nhận là chiến lược mà Trung Quốc áp dụng trong lãnh vực thể thao về cơ bản rất giống với những gì mà nước này đang thực hiện trong lãnh vực kinh tế và địa chính trị, với những thành công nhất định.

Thay vì cố gắng đánh bại bằng mọi giá các ngôi sao thế vận Hoa Kỳ trên đường đua tốc độ hay trên sân bóng rổ, Trung Quốc đã nhắm vào cử tạ, thể dục dụng cụ và các môn thể thao khác bị coi là thứ yếu. Điều này giống như việc Bắc Kinh tránh thách thức trật tự thế giới được tổ chức xung quanh Hoa Kỳ, mà tập trung tấn công vào các mặt trận thứ yếu như công nghiệp hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng, trong khi những nhà hoạch định chính sách kinh tế ở các nước giàu thì quan tâm nhiều hơn đến tài chính, dịch vụ và công nghệ mới.

Tương tự như vậy, để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình, Bắc Kinh trước hết đã cố chiêu dụ các nước đang phát triển, bằng cách chỉ trích một hệ thống quốc tế có lợi cho các cường quốc, và bằng cách đầu tư mạnh vào châu Phi và châu Á thông qua những “con đường tơ lụa mới”.

Kết quả là ngày nay, Trung Quốc đã kiểm soát được một số tổ chức quốc tế, và vô hiệu hóa được nhiều đồng minh của Mỹ, khiến các nước này không thể lên tiếng chống lại Bắc Kinh trước nguy cơ bị trả đũa thương mại.

Trong thể thao cũng như trên đấu trường thế giới, nước Trung Hoa Cộng Sản đã vươn lên rất nhanh, trong vòng chưa đầy 40 năm, tính từ khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chính thức tham dự Thế Vận Hội đầu tiên vào năm 1984 tại Los Angeles, khi GDP bình quân đầu người của họ còn thấp hơn cả Ấn Độ.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/th%E1%BB%83-thao/20210812-trung-qu%E1%BB%91c-cay-c%C3%BA-v%C3%AC-kh%C3%B4ng-so%C3%A1n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-ng%C3%B4i-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-qu%E1%BB%91c-th%E1%BA%BF-v%E1%BA%ADn-s%E1%BB%91-1-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9

Phe phái đánh nhau, điều tuyệt mật của ông Tập đã bị tiết lộ?

Ảnh tổng hợp.

Mới đây tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông cho biết, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đang mâu thuẫn về cách đối phó với các mối quan hệ quốc tế, qua đó càng cho thấy thái độ thực sự của quân đội Trung Quốc là từ chối tham chiến với “Liên minh quốc tế”. Nhà bình luận của trang Apollowang Lý Ngọc Thương phân tích rằng chính phe của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã tiết lộ con bài tẩy của ông Tập Cận Bình, là thường xuyên có những hành động chống lại Đài Loan và thế giới phương Tây.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông dẫn lời một người trong cuộc nói rằng Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Trung Quốc đang chiến đấu cả công khai lẫn bí mật về phong cách diễn thuyết trước quốc tế của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao bị cho là dùng phong cách chiến lang đã gây ra thù hằn vô số trên trường quốc tế, nhiều nước đã bị chọc giận và thực sự đang trên bờ vực chiến tranh với ĐCSTQ. Nhưng ngược lại, quân đội Trung Quốc có vẻ muốn từ chối đối đầu theo kiểu đó với “lực lượng liên minh đa quốc gia” các nước dân chủ trên thế giới.

Bài báo dẫn nguồn tin cho biết, “Bộ Ngoại giao Trung Quốc được biết đến với những nhận xét cứng rắn – thậm chí còn chỉ trích Quân đội Trung Quốc (PLA) quá ‘yếu kém’ trong giao tiếp với Hoa Kỳ”.

Nguồn tin cũng tiết lộ rằng cuộc khẩu chiến giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng thậm chí đã đến tai ông Tập Cận Bình, và hai phe tố cáo nhau. Bộ Quốc phòng nói với ông Tập rằng sẽ không vì việc Bộ Ngoại giao dùng ngôn luận chiến lang mua rắc rối mà gánh trách nhiệm giùm”.

Bình luận viên Lý Ngọc Thương phân tích rằng nếu tin tức này là sự thật, nó sẽ tương đương với việc phe của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã tiết lộ ra thế giới bên ngoài và cho Hoa Kỳ biết sự thật về cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ, và tiết lộ những bí mật lớn của ông Tập Cận Bình.

Bằng cách này, cho dù ĐCSTQ có sử dụng thủ đoạn nào đi chăng nữa thì cũng không hiệu quả. Bởi vì cả thế giới đều biết con át chủ bài thực sự của Tập Cận Bình là quân đội, lại đang từ chối tham chiến.

Bình luận viên Lý Ngọc Thương cho rằng thông tin tuyệt mật này do phe ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cố tình làm rò rỉ, cũng không kém so với “đạn rỗng” năm nào.

“Đạn rỗng” của Giang Trạch Dân

Năm 1996, Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống trực tiếp lần đầu tiên, ĐCSTQ đã chi 4 tỷ nhân dân tệ để tập trận tên lửa qua eo biển Đài Loan. Trong một thời gian, eo biển Đài Loan phủ đầy khói đạn và bầu không khí căng thẳng chưa từng thấy.

Vào thời điểm quan trọng này, kế hoạch hành động của quân đội TQ và các thông tin cực kỳ bí mật khác đã bị Thiếu tướng Lưu Liên Côn bí mật tiết lộ cho chính phủ Trung Hoa Dân quốc.

Theo loạt thông tin được cung cấp, Mỹ đã cử hai nhóm tác chiến tàu sân bay “Independence” và “Nimitz” du hành quanh eo biển Đài Loan để răn đe ĐCSTQ.

Thông tin quan trọng và bí mật nhất mà Lưu Liên Côn cung cấp là các tên lửa do ĐCSTQ phóng đi là có đầu đạn rỗng. Thông tin tình báo này cho phép chính quyền Đài Loan nắm được đường lối của ĐCSTQ.

Sau khi nắm được thông tin, ông Lý Đăng Huy đã trấn an người dân ở Đài Loan rằng: Đừng lo lắng, quân đội đại lục sẽ bắn những quả tên lửa rỗng. Theo các báo cáo, Lý Đăng Huy đã vạch trần vụ bê bối về các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ, và Giang Trạch Dân đã phải đập bàn tức giận. Lưu Liên Côn đã phá bỏ mối đe dọa vũ lực của ĐCSTQ đối với Đài Loan.

Hai ví dụ này có điểm tương đồng. Các bí mật quân sự hàng đầu của ĐCSTQ đã bị rò rỉ, dẫn đến việc bên kia nắm được điểm mấu chốt của ĐCSTQ. Tuy nhiên, các chính trị gia tham gia vào hai sự kiện này có xuất phát điểm hoàn toàn khác nhau.

Với tư cách là một thiếu tướng của Trung Quốc, lý do tại sao  Lưu Liên Côn lại thông báo những bí mật quân sự cao nhất của ĐCSTQ cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vào thời điểm quan trọng như vậy. Chính là vì vụ nổ súng vào sinh viên ngày 4/6/1989 đã khiến ông ta hiểu rõ bộ mặt thật của ĐCSTQ. Ông là một người thực sự yêu nước nên Tướng Lưu cuối cùng đã phải trả giá bằng mạng sống của mình cho điều này, và tấm bia của ông đã được đặt trong “Đền thờ liệt sĩ” của Đài Loan.

Tuy nhiên, so với Lưu Liên Côn, phe của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng có xuất phát điểm hoàn toàn khác, mục tiêu của họ là sử dụng công cụ của dư luận dưới quyền để khiến cho ông Tập Cận Bình phải từ chức và phe này lại lên nắm quyền. Cái này có nghĩa là là “đổi thang không đổi thuốc, đổi Tập không đổi đảng”.

Ngày càng có nhiều người nhận thức thấu đáo rằng nếu hệ thống ĐCSTQ không bị loại bỏ, Trung Quốc sẽ không bao giờ có hòa bình, và đất nước Trung Quốc sẽ tiếp tục hứng chịu những thảm họa. Ngoại giới từng đầy ảo tưởng về các nhà lãnh đạo tiếp theo của ĐCSTQ sẽ thay đổi, nhưng lịch sử cho thấy Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa”, Đặng Tiểu Bình bắn vào các sinh viên không có vũ khí ở Thiên An Môn, và Giang Trạch Dân đã phạm tội ác tày trời chống lại hàng triệu học viên Pháp Luân Công …, ĐCSTQ liên tiếp đời này đến đời khác đã mang đến các thảm họa nghiêm trọng như vậy cho đất nước Trung Quốc.

Phụng Minh

https://www.dkn.tv/the-gioi/phe-phai-danh-nhau-dieu-tuyet-mat-cua-ong-tap-da-bi-tiet-lo.html

(Reuters) – Pháp chia sẻ 670.000 liều vac-xin ngừa COVID-19 với Việt Nam qua chương trình COVAX. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo hôm thứ Năm, 12/08/2021, trên tài khoản Twitter cá nhân: « Để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, việc tiếp cận vac-xin phải mang tính toàn cầu và bình đẳng… Đây là lý do tại sao Pháp vừa chia sẻ 670.000 liều vac-xin cho Việt Nam, như một phần của chương trình đoàn kết COVAX, của Liên Hiệp Quốc, do Tổ Chức Y Tế Thế Giới điều phối”.

(Yonhap) – Bắc Triều Tiên 3 ngày liên tiếp không tiếp nhận cuộc gọi trên đường dây nóng với Hàn Quốc. Các quan chức Hàn Quốc hôm nay 12/08/2021 cho biết như trên. Bình Nhưỡng bắt đầu « phớt lờ » các cuộc gọi của Seoul từ chiều thứ Ba 10/08. Đây dường như là dấu hiệu Bình Nhưỡng phản đối Seoul về cuộc tập trận chung Hàn Quốc – Mỹ vào tuần tới. Dường dây nóng liên Triều mới được nối lại từ tháng 07 sau hơn 1 năm gián đoạn. Thường thì đôi bên liên lạc mỗi ngày 2 lần.

(AFP) – Minsk đề nghị Washington cắt giảm ngay 5 nhân viên ngoại giao sứ quán Mỹ tại Belarus, theo ông báo hôm qua 11/08/2021. Kỳ hạn đưa ra là ngày 01/09/2021. Minsk tiếp tục từ chối tiếp nhận đại sứ mới mà Washington bổ nhiệm hồi đầu năm. Đây là biện pháp đáp trả của Minsk sau khi Mỹ ban hành một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào nhiều lĩnh vực kinh tế của Belarus. Minsk coi là đó là hành động « công khai thù địch » đối với Belarus.  

(AFP) – Tân thổng thống Iran giới thiệu nội các mới, với các thành viên thuộc phe bảo thủ và đều là nam giới. Thông báo được đưa ra hôm qua 11/08/2021. Ngoại trưởng mới là Hossein Amir Abdollahian, 56 tuổi, một nhân vật cực kỳ bảo thủ và có thái độ bài Tây Phương. Danh sách thành viên nội các sẽ phải được Quốc Hội Iran thông qua trong những ngày tới.

(AFP) – Trực thăng rơi tại Nga, 8 người có thể đã thiệt mạng. Hôm nay, 12/08/2021, một chiếc trực thăng chở 16 người, trong đó có 13 khách du lịch, đã bị rơi trên vùng bán đảo Kamtchatka, Viễn Đông Nga. Trong số này, 8 người mất tích, có khả năng là đã thiệt mạng. Chiếc trực thăng Mi-8 đã bị rơi và lao xuống hồ Kourril, ở khu bảo tồn thiên nhiên Kronotski, trong đời kiện thời tiết sương mù dày đặc, tầm nhìn kém, theo chính quyền địa phương. Các nhân viên của khu bảo tồn thiên nhiên đã tới hiện trường vụ tai nạn vài phút sau khi chiếc trực thăng rơi. Họ đã cứu được một nửa số người đi trên chuyến bay. Hai trong số họ bị thương nặng.

(AFP) – Bắt đầu lễ rước đuốc Paralympic tai Tokyo. Hôm nay, 12/08/2021, đuốc Paralympic đã được châm lên, bắt đầu cuộc rước đốc qua nước Nhật. Trong bối cảnh đại dịch, nghi lễ tiếp đuốc Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật, Paralympic, có thể sẽ diễn ra kín, không khán giả, cũng giống như hành trình rước đuốc Olympic. Theo kênh truyền hình Nhật NTV, Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật từ ngày 24/08 đến 05/09 sẽ diễn ra không khán giả ở Tokyo và vùng phụ cận. Một vài nội dung sẽ diễn ra ở các địa phương xa Tokyo.  Thứ Hai tuần tới, các nhà tổ chức sẽ có quyết định cụ thể hơn về việc tổ chức sự kiện Paralympic, theo truyền thống diễn ra tiếp sau Olympic. Tình hình dịch Covid vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Tokyo cũng như trong cả nước Nhật. Chính quyền đã thống kê 510 ca nhiễm Covid trong số những người tham gia Olympic Tokyo. 

(Reuters) – Trung Quốc soạn thảo nhiều luật mới, nhất là về an ninh quốc gia. Trung Quốc sẽ soạn thảo nhiều dự luật mới, đặt biệt là các đạo luật về an ninh quốc gia, đổi mới công nghệ, độc quyền và giáo dục, cũng như các dự luật liên quan đến người nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc hôm nay 12/08/2021 tuyên bố như trên. Đảng Cộng Sản Trung Quốc và chính phủ công bố sẽ soạn thảo một « kế hoạch thúc đẩy việc xây dựng một chính phủ tôn trọng luật pháp ». Theo Tân Hoa Xã, đây là kế hoạch 5 năm và sẽ được triển khai vào năm 2025. Nhà chức trách cũng muốn xây dựng pháp chế trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, hoặc trí thông minh nhân tạo. Đảng Cộng Sản Trung Quốc và chính phủ cũng thông báo là Bắc Kinh có ý định hoàn thiện các đạo luật về y tế cộng đồng, bằng cách sửa đổi luật về bệnh truyền nhiễm và « các luật liên quan đến biên giới và kiểm dịch, cách ly ». 

(AFP) – Chính quyền Venezuela và đối lập nối lại đàm phán. Một phiên họp trù bị dự kiến sẽ được tổ chức ngày mai, 13/08/2021, có thể là tại Mêhicô. Đàm phán chính thức sẽ bắt đầu ngày 30/08. Theo một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, tiến trình chuẩn bị nối lại đàm phán diễn ra có bài bản hơn những lần trước. Chính quyền của tổng thống Maduro, chịu nhiều áp lực do các trừng phạt quốc tế, nhưng rất có khả năng bị lật đổ. Theo viện trưởng Viện Dư luận Datanalisis, Luis Vicente Leon, đàm phán có thể dẫn đến việc giảm nhẹ một số trừng phạt quốc tế, đổi lại sẽ có những cải thiện về vấn đề tù nhân chính trị và thừa nhận đối lập.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210812-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p