Tin Tổng Hợp – 12/7/21
Biển Đông: Mỹ tái khẳng định yêu sách của Bắc Kinh là phi pháp
Hôm nay 12/07/2021 là dịp kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về đơn Manila kiện Bắc Kinh, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông. Nhân dịp này, Hoa Kỳ đã có hai động thái biểu tượng : tái bác bỏ đòi hỏi phi pháp của Bắc Kinh và đưa tàu áp sáp quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một tuyên bố bằng văn bản đề ngày 11/07/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một mặt tái khẳng định chính sách Biển Đông đã được chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Donald Trump thúc đẩy, nhấn mạnh tính phi pháp của các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ ghi rõ: “Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13/07/2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền trên biển ở Biển Đông”. Theo Reuters, ông Blinken cũng bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trên gần như toàn bộ Biển Đông.
Về Philippines, ông Blinken xác nhận trở lại cam kết bảo vệ Manila : Hoa Kỳ “tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vào lực lượng võ trang, tàu công vụ hay phi cơ tại vùng Biển Đông, sẽ nằm trong diện áp dụng cam kết bảo vệ lẫn nhau ghi trong Điều 4 bản Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 ký kết giữa Mỹ và Philippines“. Nói cách khác, Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc tấn công.
Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa
Như để cho thấy rõ lời nói đi đôi với hành động, gần như cùng lúc với tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ, Hải Quân Mỹ ngày 12/07/2021 cho biết là khu trục hạm USS Benfold (DDG-65) đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông để “khẳng định tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc kiểm soát sau khi chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, vẫn đang bị cả Việt Nam và Đài Loan tranh chấp.Publicité
Trong một thông cáo được Reuters trích dẫn, Hải Quân Mỹ xác định rõ : “bằng chiến dịch được mệnh danh là tự do hàng hải ở vùng Hoàng Sa, Hoa Kỳ muốn chứng minh rằng những vùng biển đó nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải hợp pháp của họ và các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vẽ ra để đòi hỏi chủ quyền xung quanh quần đảo Hoàng Sa đều không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Như thông lệ, Quân Đội Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định rằng họ đã phát hiện được tàu chiến Mỹ “xâm phạm trái phép” vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đã triển khai lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và xua đuổi chiến hạm Mỹ.
Hôm nay là lần thứ ba từ đầu năm đến nay Hoa Kỳ cho chiến hạm tiến vào vùng biển Hoàng Sa để thách thức các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Ngày 20/05 vừa qua, chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur cũng đã tiến vào vùng biển gần Hoàng Sa trong một hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải. Chiếc Curtis Wilbur đã tiếp nối hành động trước đó của chiếc USS John McCain ngày 05/02.
Trọng Nghĩa
Tin TG trưa 12/7: Úc chính thức rút hết quân khỏi Afghanistan; ông Pompeo nói ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất
Hàng trăm nhân viên y tế Thái Lan mắc COVID dù đã tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc
Bangkok Post – Hàng trăm nhân viên y tế Thái Lan mắc COVID-19 dù đã tiêm đầy đủ hai liều vaccine Sinovac của Trung Quốc, trong đó có 1 người đã tử vong và 1 người nguy kịch.
Theo đó, Bộ Y tế Thái Lan ngày 11.7 trong số 677.348 nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi của Sinovac của Trung Quốc, 618 người đã mắc COVID-19, số liệu này được cập nhật từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 10 tháng 7. Trong số đó có một điều dưỡng đã tử vong và một người khác trong tình trạng nguy kịch.
Hiện Thái Lan đang cân nhắc tiêm liều vaccine thứ ba tăng cường cho các nhân viên y tế.
Tiến sĩ Sopon, Phó tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan trong cuộc họp báo hôm 11 tháng 7 cho biết: “Đây sẽ là một vắc xin khác, có thể là của AstraZeneca hay một vắc xin ARN mà Thái Lan sẽ nhận được trong thời gian sắp tới”. Ông Sopon cũng cho biết khuyến cáo sẽ được xem xét vào ngày 12 tháng 7.
Thông tin được đưa ra sau khi Thái Lan ghi nhận tổng cộng 336.371 ca mắc COVID-19 và 2.711 ca tử vong kể từ đầu dịch, trong đó có kỷ lục 91 ca tử vong được ghi nhận vào ngày 10 tháng 7.
Thái Lan dự kiến sẽ nhận 1,5 triệu liều của Pfizer/BioNTech từ Mỹ trong tháng 7 và đã đặt 20 triệu liều sẽ nhận sau tháng 10.
Cũng giống như Thái Lan – Indonesia, quốc gia dựa nhiều vào vắc xin Sinovac của Trung Quốc, ngày 9/7 đã thông báo sẽ tiêm mũi thứ 3 vắc xin Mordena của Mỹ cho các nhân viên y tế để bảo vệ lực lượng này.
Dịch bệnh leo thang ở Campuchia, WHO lo ngại
Khmer Times – Trước bối cảnh sự gia tăng của số ca nhiễm và tử vong COVID-19 gần đây ở Campuchia, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Li Ailan nói rằng tình hình rất đáng lo ngại. kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng để ngăn chặn sự lây nhiễm.
Trên mạng xã hội, bà Li nói rằng tình hình dịch bệnh tại Campuchia sẽ không được kiểm soát nếu không có những biện pháp can thiệp không cần dùng thuốc (như khẩu trang, rửa tay, giãn cách…).
Đại diện của WHO đưa ra bình luận khi Campuchia nhận được lô vắc-xin COVID-19 mới của Trung Quốc, cụ thể là Sinovac và Sinopharm, vào ngày 10 tháng 7, hiện tổng ca mắc COVID-19 ở nước này đã vượt mốc 60.000 ca. Dịch bệnh đến nay cũng đã cướp đi sinh mạng của 902 người Campuchia.
Ngoại trưởng Y tế, bà Yok Sambath cho biết đến nay Campuchia mua được hơn 16 triệu liều vắc xin từ Trung Quốc và cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo Khmer Times, Campuchia đã khai triển đợt tiêm chủng vào ngày 10 tháng 2 năm nay. Cho đến nay đã có 4,84 triệu người ở nước này, tương đương 48,46% trong số 10 triệu dân số trưởng thành đã được tiêm chủng.
Úc chính thức rút hết quân khỏi Afghanistan
The Australian – Hãng tin AFP ngày 11/7 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton /Pi-tơ đắt-từn/ xác nhận nước này đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, qua đó kết thúc 20 năm khai triển lực lượng tại đây.
Theo Bộ trưởng Dutton, 80 quân nhân cuối cùng của Australia đồn trú tại Afghanistan đã rời khỏi quốc gia này trong những tuần vừa qua. Tuy nhiên, ông Dutton lưu ý rằng nếu cần, Australia có thể sẽ tái triển khai các lực lượng đặc biệt của nước này tới Afghanistan để ngăn ngừa các mối đe dọa khủng bố, đồng thời bảo vệ lợi ích của Australia và các đồng minh, chẳng hạn như Mỹ.
Kể từ năm 2001, Australia đã đưa hơn 39.000 binh sĩ đến Afghanistan, trong đó có 41 binh sĩ đã thiệt mạng. Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ tiếp bước Mỹ để chấm dứt hiện diện quân sự tại Afghanistan.
Hiện tình hình ở Afghanistan đang hết sức rối ren khi quân Mỹ và đồng minh rút đi, các tay súng taliban không ngừng đánh chiếm thêm lãnh thổ, giới quan sát cho rằng, quốc gia này đang tiến sát đến bờ vực nội chiến.
Pakistan sẽ mua 36 máy bay chiến đấu J-10C từ Trung Quốc
VOA Chinese – Truyền thông Ấn Độ “Defense World” mới đây cho biết Pakistan sẽ mua 36 tiêm kích J-10 từ Trung Quốc. Nếu tin này là sự thật, đây sẽ là đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đối với tiêm kích dòng J-10 của Trung Quốc. Tuy nhiên, tin tức này vẫn chưa được hai quốc gia chính thức xác nhận.
Tờ “Defense World” dẫn nguồn tin từ “Viện Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế Pakistan” (HSIA) cho biết, Pakistan sẽ mua 36 tiêm kích J-10C từ Trung Quốc vào cuối năm 2021.
Tiêm kích J-10C được đánh giá là có thể so sánh với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 3 trên thế giới về nhiều mặt, nó được trang bị hệ thống radar đường không mảng định pha chủ động tiên tiến và có thể mang tên lửa PL-15 với tầm bắn 200 km.
Trung Quốc là đồng minh quan trọng của Pakistan. Pakistan cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn của Trung Quốc. Trung Quốc và Pakistan đã nhiều lần tổ chức huấn luyện chung, và Không quân Trung Quốc đã điều động các tiêm kích, trong đó có J-10C, do đó, Không quân Pakistan không lạ gì khả năng hoạt động của loại tiêm kích này.
Các trang web của chính phủ Iran liên tục bị tin tặc tấn công
The Jerusalem Post – Nhiều kênh truyền thông tiếng Do Thái ngày 10/7 đưa tin, tin tặc đã tấn công trang web của Bộ Giao thông vận tải Iran.
Truyền hình nhà nước Iran gọi đây là “sự gián đoạn mạng”. Kênh truyền hình đưa tin, hệ thống máy tính của các nhân viên của Bộ Đường bộ và Phát triển Đô thị là đối tượng của cuộc tấn công khiến cổng thông tin của bộ và các trang cổng thông tin phụ không khả dụng.
Vụ việc đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp một trang web của chính phủ Iran bị tấn công. Trước đó, vào hôm thứ Sáu, trang web của công ty đường sắt nhà nước đã bị tin tặc tấn công. Các dịch vụ tàu hỏa ở Iran đã bị gián đoạn. Các tin tặc đăng số điện thoại của nhà lãnh đạo tối cao của đất nước Ali Khamenei lên trang web để người dân liên lạc.
Trong khi đó, các chuyến tàu ở nước này đã bị hoãn hoặc hủy hoàn toàn kể từ thứ Sáu, do các phòng vé và dịch vụ vận chuyển hàng hóa đã bị gián đoạn.
Tin tặc đã đăng các thông báo trì hoãn giả mạo trên các bảng thông tin nhà ga, nhưng công ty đường sắt do chính phủ điều hành cho biết các chuyến tàu vẫn chạy bình thường.
Iran cho biết họ đang ở trong tình trạng cảnh giác cao đối với các cuộc tấn công mạng, trước đây Tehran đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ và Israel về các vụ tấn công mạng. Trong khi đó, Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác đã cáo buộc Iran cố gắng gây rối và đột nhập vào mạng lưới của họ.
Ông Pompeo cảnh báo về ‘thế giới khác’ nếu ĐCSTQ kỷ niệm 200 năm
Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News ngày 11/7, Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng người Mỹ sẽ sống trong một “thế giới rất khác” nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kỷ niệm 200 năm thành lập. Ông cho rằng ĐCSTQ là ‘mối đe dọa lớn nhất duy nhất’ đối với Mỹ
Ông Pompeo bày tỏ, “Nói về các thế lực bên ngoài, ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất… Chúng ta cần xây dựng một chiến dịch nghiêm túc và bền vững để đẩy lùi chế độ này. Điều này có thể làm được”.
Cựu ngoại trưởng tiếp tục, “Chúng ta không muốn sống trong một thế giới do ĐCSTQ thống trị. Và khi mọi người nghe Tập Cận Bình đưa ra những lời đe dọa như vậy, những lời đe dọa đối với người dân Đài Loan, điều này đòi hỏi sự quyết tâm, sức mạnh, sự răn đe của Mỹ và sự lãnh đạo của Mỹ phải ở đó. Tôi hy vọng Tổng thống Biden sẽ thực hiện điều này”.
Ông Pompeo nhấn mạnh, chính quyền cần phải làm nhiều hơn là chỉ ứng phó với tội ác diệt chủng mà chính quyền tiền nhiệm đã tuyên bố. Ông nói: “Họ cần phải bắt đầu đối đầu với ĐCSTQ một cách nghiêm túc và bắt ĐCSTQ phải thực sự trả giá. Họ vừa kỷ niệm 100 năm thành lập. Và nếu họ có thể kỷ niệm 200 năm thành lập, chúng ta sẽ sống trong một thế giới rất, rất khác”.
(Reuters) – Miến Điện: Quân Đội tuyên bố tăng cường cung cấp oxy vào lúc số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến. Theo phát ngôn viên quân đội Miến Điện ngày hôm nay 12/07/2021, các nhà máy oxy sẽ hoạt động hết công suất để giúp điều trị bệnh nhân Covid-19. Viên chức này đồng thời cho biết việc tiêm chủng sẽ được mở rộng cho những người dưới 18 tuổi. Theo ông, Miến Điện đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc sản xuất 5 triệu liều vac-xin mỗi năm.
(RFI) – Tàu vũ trụ chở nhà tỷ phú Richard Branson đã lên được vũ trụ. Theo Công Ty Du Lịch Vũ Trụ Virgin Galactic ngày 11/07/2021, con tàu vũ trụ của họ chở theo nhà tỷ phú người Anh Richard Branson, hai phi công và ba hành khách khác, đã lên được vũ trụ. Con tàu chỉ ở đó vài phút, trước khi quay trở lại. Theo định nghĩa của Mỹ, giới hạn đánh dấu sự bắt đầu của vũ trụ nằm ở độ cao 80 km, với bầu trời chuyển dần từ màu xanh thẳm sang màu đen, con người có thể lơ lửng trong tình trạng không trọng lượng và chiêm ngưỡng đường cong của Trái Đất.
(AFP) – Bắc Kinh hứa đưa ra «các biện pháp cần thiết» để đối phó với «sự trấn áp vô căn cứ» của Mỹ nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Trung Quốc. Thông báo của phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc được đưa ra ngày hôm qua 11/07/2021 trong bối cảnh hôm thứ Sáu 09/07 Washington đưa thêm 23 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, trong đó có 14 công ty bị xem là vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương. Nhiều công ty khác bị coi là có liên hệ với việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
(Russia Today) – Pháp lấy làm tiếc về việc Hy Lạp mở cửa cho du khách tiêm ngừa với vac-xin Sputnik V của Nga, Matxcơva phản ứng cứng rắn. Quốc Vụ Khanh Pháp Clément Beaune, đặc trách các vấn đề châu Âu, hôm qua 11/07/2021 tái khẳng định quan điểm của Pháp là chỉ chấp nhận 4 loại vac-xin do Cơ quan Y Tế châu Âu thông qua. Ông Clément Beaune khẳng định điều này không liên quan đến quốc gia mà chỉ liên quan đến yếu tố an toàn của vac-xin. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, ngay lập tức lên án Pháp có « những tuyên bố kỳ thị » làm dấy lên tinh thần tân Quốc Xã ở châu Âu.Publicité
(AFP) – Nhiệt độ ở Mỹ có thể lên cao vượt mức kỷ lục. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) hôm qua 11/07/2021 thông báo như trên. Hôm thứ Bảy, nhiệt độ ở Las Vegas lên mức kỷ lục là 47,2 độ C, hôm qua tại một số nơi ở California, nhiệt độ lên tới 52,2 độ C. Hiện giờ, nhiều vùng ở miền Tây nước Mỹ với 30 triệu dân đang chịu đợt nắng nóng thứ 2 chỉ trong vòng vài tuần. Còn tại nước láng giềng Canada, chính quyền hôm qua thông báo các biện pháp khẩn cấp để phòng cháy rừng trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Tổng số vụ cháy rừng tính đến hôm qua đã lên đến 298 vụ, riêng trong hai này qua Canada có thêm 50 vụ cháy rừng.
(Reuters) – Liên Hiệp Châu Âu đề xuất kế hoạch hạ tầng để chống Trung Quốc. Kế hoạch này mang tên « A Globally Connected Europe », một kế hoạch cơ sở hạ tầng nối liền châu Âu với phần còn lại của thế giới. Theo đồng thuận mà ngoại trưởng các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đạt được ngày 12/07/2021, kế hoạch này có thể được triển khai ngay từ năm 2022. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, khi nhấn mạnh đến nhu cầu của Liên Hiệp Châu Âu cần phải điều phối những sáng kiến trên với Hoa Kỳ, lưu ý là « chúng ta thấy Trung Quốc sử dụng các công cụ kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng chính trị khắp nơi trên thế giới. Phàn nàn chỉ vô ích mà thôi, chúng ta phải đề xuất những giải pháp thay thế. »
(Reuters) – Đài Loan có được vac-xin nhờ Foxconn và TSMC. Hai hãng lớn của Đài Loan hôm nay, 12/07/2021, cho biết đã đúc kết được những thỏa thuận mua 10 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 từ hãng BioNtech trong khuôn khổ một cuộc giao dịch trị giá 350 triệu đô la. Từ nhiều tháng nay, chính phủ Đài Bắc nhọc nhằn tìm mua vac-xin trực tiếp từ hãng dược Đức nhưng bất thành. Đài Loan chỉ trích Trung Quốc – vốn xem hòn đảo tự trị này như là một tỉnh của Hoa Lục – đã tìm cách phá hỏng một thỏa thuận mua mà hai bên lẽ ra đã phải đúc kết được từ đầu năm 2021. Những cáo buộc mà Bắc Kinh đến giờ luôn bác bỏ.
(AFP) – New Zealand thông báo một cuộc họp bất thường của APEC. Thủ tướng Jacinda Ardern hôm nay 12/07/2021 thông báo một cuộc họp bất thường của các lãnh đạo diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào thứ Sáu 16/7. Mục tiêu là nhằm cải thiện phương cách đối phó dịch bệnh tại nhiều nước trong khu vực. Tham dự cuộc họp sẽ có sự hiện diện của tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin. Tháng 11/2021, New Zealand sẽ là nước chủ nhà cho cuộc họp thượng đỉnh thường niên, năm nay được tổ chức trực tuyến, quy tụ 21 nước thành viên.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210712-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p