Tin Tổng Hợp – 12/6/21
Kế hoạch của G7 đối trọng với Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc
12/06/2021 – Dự án của G7 đối trọng với « Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21» của Bắc Kinh là một trong những chủ đề chính ngày họp thứ nhì của thượng đỉnh khối 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, hôm nay, 12/06/2021. Dự án chính thức mang tên « Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn».
Mục tiêu của dự án đối trọng với « Con Đường Tơ Lụa » của Trung Quốc là nhằm trợ giúp các quốc gia nghèo và đang trỗi dậy phục hồi sau đại dịch, với trọng tâm là các lĩnh vực khí hậu, y tế, kỹ thuật số và cuộc chiến chống bất bình đẳng, theo thông báo hôm nay của Nhà Trắng. Trước đó, một quan chức cao cấp Mỹ xin ẩn danh cho hãng tin Anh Reuters biết dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ của G7 « không chỉ nhằm để đối đầu với Trung Quốc », mà còn nhằm xác lập một giải pháp mới « phản ánh các giá trị, chuẩn mực và quan niệm về quan hệ kinh tế » của các nền dân chủ.
Tới nay dự án « Con Đường Tơ Lụa mới », được Bắc Kinh khởi động từ 2013, đã được hơn 100 quốc gia trên thế giới hưởng ứng. Chương trình nói trên liên quan đến hơn 2.600 dự án đầu tư, với tổng số vốn khoảng 3.700 tỷ đô la, tính đến giữa năm 2020. Về dự án của G7, hiện chưa có mức tiền nào được đưa ra. Theo quan chức cao cấp Mỹ, dự án này đòi hỏi khoảng 40.000 tỉ đô la, từ đây đến 2035.
Hồ sơ thứ nhì cũng liên quan đến Trung Quốc, được thảo luận tại thượng đỉnh G7 trong ngày, liên quan đến vấn đề Bắc Kinh cưỡng bức lao động tại Tân Cương. Vẫn nguồn tin xin được giấu tên từ phía chính quyền Mỹ tiết lộ với Reuters, có thể là trong thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh Cornwall, các bên sẽ trực tiếp chỉ trích Trung Quốc cưỡng bức lao động nhắm vào cộng đồng người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng, không chắc Mỹ dễ dàng thuyết phục được các đối tác châu Âu trong nhóm G7 về điểm này và Trung Quốc chỉ là một trong số những chủ đề mà hai bên Âu, Mỹ không hoàn toàn ăn ý với nhau.
Các hồ sơ gai góc khác của ngày làm việc thứ hai
Sau buổi lễ khai mạc tại thành phố biển Falmouth, Cornwall, miền nam nước Anh, chiều Thứ Sáu 11/06/2021 dưới sự chủ tọa của nữ hoàng Elizabeth II, ngay từ sáng sớm hôm nay 12/06/2021, lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới họp lại với nhiều chủ đề nhậy cảm.
Đặc phái viên đài RFI Cléa Broadhurst có mặt tại chỗ ghi nhận hôm nay mới là ngày các lãnh đạo G7 thực sự bắt tay vào việc với một số hồ sơ gai góc khác, ngoài các hồ sơ liên quan đến Trung Quốc:
« Trước hết là trên vấn đề vac-xin ở quy mô toàn cầu. Các bên cam kết viện trợ thuốc tiêm ngừa cho các nước đang phát triển. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres đã hoan nghênh tuyên bố này và hôm nay ông sẽ có mặt tại các cuộc họp của nhóm G7. Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới muốn tìm mọi cách tránh để tái diễn khủng hoảng y tế như vừa qua. Do vậy các bên sẽ đưa ra bản tuyên bố Carbis Bay.
Anh Quốc trong cương vị chủ nhà đánh giá đây là một văn bản mang tính lịch sử. Tuyên bố này dự trù rút ngắn thời gian, từ các khâu bào chế vac-xin đến trị liệu và chẩn bệnh ; tăng cường các phương tiện giám sát về mặt y tế, cải tổ Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Tuy nhiên, tranh cãi liên quan đến vấn đề bảo vệ bằng sáng chế vac-xin. Mỹ và Pháp chủ trương từ bỏ bản quyền sáng chế vac-xin, thế nhưng Berlin phản đối biện pháp này.
Ngoài ra, các lãnh đạo G7 hôm nay tập trung nhiều vào vế ngoại giao, mà điển hình là hàng loạt các cuộc họp song phương diễn ra trong ngày. Sáng nay chẳng hạn tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã có một buổi làm việc với thủ tướng Anh Boris Johnson và đến chiều nguyên thủ Pháp sẽ họp với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden. Bang giao quốc tế là trọng tâm của các cuộc hội thảo bàn tròn, với Nga và Trung Quốc là hai thách thức. Khối G7 muốn khẳng định những giá trị dân chủ tự do. Ngay từ hôm qua, Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt qua việc tố cáo Washington « kéo bè, kết đảng».
Sau cùng là dự án đánh thuế toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia. Cuối tuần trước, chúng ta đã đề cập nhiều đến hồ sơ này nhân cuộc họp cấp bộ trưởng Tài Chính G7. Khuya hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng thông báo trên Twitter rằng G7 sẽ thông qua đề xuất của Mỹ đòi các doanh nghiệp đa quốc gia đóng thuế tối thiểu là 15 %».
Thanh Hà
Trung Quốc ra luật chống «các trừng phạt của nước ngoài»
11/06/2021
Trọng Thành
Hoa Kỳ và Liên Âu gia tăng áp lực với Trung Quốc trong những tháng qua, với hàng loạt trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp, bị nghi ngờ tiếp tay cho quân đội Trung Quốc, cũng như nhắm vào nhiều quan chức vì xâm phạm nhân quyền. Hôm nay, 11/06/2021, Bắc Kinh trả đũa. Quảng cáo
Theo báo chí Nhà nước Trung Quốc, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội nước này đã thông qua luật cho phép đáp trả các trừng phạt nước ngoài. Truyền thông Pháp dẫn lại thông tin, được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc công bố, theo đó luật dự kiến « từ chối cấp thị thực nhập cảnh, hoặc tiến hành trục xuất … niêm phong, tịch thu hay phong tỏa tài sản của những cá nhân hay doanh nghiệp tham gia vào các trừng phạt của nước ngoài chống lại các doanh nghiệp hay các quan chức Trung Quốc ».
Về luật chống trừng phạt của nước ngoài được thông qua, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, nổi tiếng về quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, bình luận rằng luật này « sẽ là một phương tiện răn đe mạnh (…) chống lại các chính phủ nước ngoài đưa ra các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp chống lại Trung Quốc ». Hoàn Cầu Thời Báo nêu rõ tên Hoa Kỳ trong bài xã luận, nhưng không nêu cụ thể các biện pháp trừng phạt được dự kiến.
Ngày 03/06 vừa qua, chính quyền Biden đã phê chuẩn một sắc lệnh, bổ sung thêm 28 công ty Trung Quốc vào danh sách 31 doanh nghiệp bị trừng phạt dưới thời Donald Trump. Đây là những doanh nghiệp bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Tiếp xúc cấp cao đầu tiên thời Biden: Mỹ – Đài thách thức Bắc Kinh
Cùng ngày với cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Thương Mại Mỹ – Trung, hôm qua 10/06, đại diện Thương Mại Mỹ, bà Katherine Tai, đã có cuộc trao đổi trực tuyến với một quan chức Đài Loan hàm bộ trưởng, phụ trách các đàm phán thương mại, ông John Deng (Đặng Chấn Trung). Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa các giới chức cao cấp của Đài Loan với đại diện chính phủ Mỹ, kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Theo AFP, cuộc tiếp xúc này rõ ràng là một thông điệp mang tính thách thức gửi đến chính quyền Trung Quốc.
Trong cuộc họp trực tuyến, đại diện Thương Mại Mỹ nhấn mạnh đến «tầm quan trọng của quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ – Đài» và khẳng định Hoa Kỳ có «lợi ích thiết thân khi làm việc với Đài Loan» về các ưu tiên chung «trong khuôn khổ các định chế đa phương».
Sau cuộc trao đổi nói trên, Cơ quan phụ trách các đàm phán kinh tế và thương mại Đài Loan ra thông báo, cho biết Washington và Đài Bắc sẽ tổ chức họp bàn về việc thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại song phương « trong những tuần tới ». Cuộc trao đổi trực tuyến nói trên diễn ra ít ngày sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Hai, 08/06, khẳng định Mỹ sẽ «sớm» có các thảo luận với Đài Bắc về một «hiệp định khung» về thương mại.
G7: Nỗ lực thể hiện vị thế của Hàn Quốc có thể bị hồ sơ Trung Quốc che lấp
11/06/2021
Anh Vũ
Hôm nay, 11/06/2021, hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 mở ra tại nước Anh với sự hiện diện của tổng thống Mỹ Joe Biden là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Các cuộc thảo luận tập trung nhằm ngăn chặn Trung Quốc có thể làm lu mờ các hồ sơ khác. Quảng cáo
Nguyên thủ của một quốc gia phát triển của châu Á, ông Moon Jae In tới dự G7 với tư cách khách mời, mang theo tham vọng chứng tỏ Hàn Quốc cũng là một tác nhân quan trọng trên các vấn đề quốc tế lớn như biến đổi khí hậu hay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các nỗ lực ngoại giao của Seoul lần này có thể sẽ bị khỏa lấp bởi các cuộc thảo luận chiến lược địa chính trị của phương Tây nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, một hồ sơ được cho là khá tế nhị cho sự tham gia của Hàn Quốc.
Từ khoảng một năm trở lại đây, Hàn Quốc vẫn nuôi hy vọng muốn có được quy chế chính thức là thành viên G7 mở rộng. Trước khi lên đường tới dự hội nghị, tổng thống Moon tuyên bố trong một cuộc họp chính phủ trong tuần này : « Việc tôi tham dự thượng đỉnh sẽ có tác dụng xúc tác để cải thiện ngoại giao của chúng ta …trách nhiệm và vai trò của chúng ta trong cộng đồng quốc tế đã được nâng cao ».
Các nước dân chủ giàu có nhân cuộc họp thượng đỉnh lần này đang muốn chứng tỏ với thế giới là họ có thể phối hợp hành động để đối phó với các cuộc khủng hoảng lớn, sẵn sàng cung cấp hàng trăm triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, đồng thời cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mặc dù bị dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần, Hàn Quốc vẫn được đánh giá là quốc gia thành công trong chống dịch, không phải phong tỏa dân cư làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Dưới thời của tổng thống Moon Jae In, Hàn Quốc cam kết từ nay đến năm 2050 sẽ đạt mức không phát thải, bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ xanh.
Tuy nhiên, hồ sơ trọng tâm được thảo luận ở thượng đỉnh G7 là về tự do mậu dịch và tạo lập một mặt trận thống nhất chống lại đà bành trướng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Viện Thomas More, nhận định trong một bài viết trên Le Figaro : « Hội nghị thượng đỉnh lần này phải là dịp để xác định lại chiến lược địa chính trị của phương Tây để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc ».
Một nước khách mời khác là Úc đã đặt vấn đề G7 ủng hộ cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế giới theo hướng chống lại các hành vi « lấn lướt kinh tế » trong quan hệ thương mại quốc tế, một ám chỉ nhắm vào Trung Quốc trong những căng thẳng gần đây giữa Bắc Kinh và Canberra. Có lẽ những đề xuất theo hướng như của Úc thích hợp với chương trình nghị sự và mục tiêu của thượng đỉnh G7 lần này.
Trong khi đó, Seoul luôn tỏ ra thận trọng khi tiếp cận các vấn đề liên quan tới Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc. Quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn diễn ra ổn định, ngoại trừ hồi năm 2017 có bị khuấy động chút ít sau vụ Seoul cho lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ trên đất Hàn Quốc.
Trong lần gặp tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước, ông Moon Jae-In đã khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ khi tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ chung tay với Hoa Kỳ vì « hòa bình và ổn định trong eo biển Đài Loan ». Ngay lập tức Bắc Kinh cảnh cáo rằng Seoul không nên can dự vào chuyện này.
Nhiều nhà phân tích nhận thấy có nhiều lý do để các lãnh đạo Hàn Quốc tránh các tuyên bố mạnh mẽ thể hiện lập trường chống Trung Quốc, chia sẻ quan điểm với các đồng minh phương Tây. Trước hết phải cân nhắc lợi hại về kinh tế, thứ nữa là vì Seoul vẫn coi Bắc Kinh như là nhân tố có khả năng kiềm chế mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
Thế nhưng về mặt đối nội, giới quan sát gần đây nhận thấy, chính quyền Moon đang bị áp lực khá lớn bởi tâm lý chống Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. « Trong kỳ bầu cử trong chưa đầy một năm tới, đảng cầm quyền phải chứng tỏ cho cử tri thấy họ có lập trường đủ kiên quyết để chống Trung Quốc », theo nhận định của Anthony Rinna, lãnh đạo nhóm nghiên cứu bán đảo Triều Tiên và các mối quan hệ với láng giềng Trung Quốc Sino-NK.
Ở hội nghị G7 lần này, có thể những nỗ lực mà tổng thống Moon Jae In muốn thể hiện về sự đóng góp và vai trò quốc tế của Hàn Quốc sẽ trở nên lạc lõng, hay ít ra không hợp thời, cũng chỉ vì cái bóng Trung Quốc phủ kín bàn hội nghị.
Liên Âu và Anh kêu gọi «điều tra độc lập» về nguồn gốc đại dịch Covid-19
11/06/2021
Trọng Thành
Liên Âu và Anh quốc hôm nay, 11/06/2021, lên tiếng yêu cầu một « điều tra độc lập » về nguồn gốc đại dịch, khiến ít nhất hơn 170 triệu người nhiễm virus, gần 4 triệu người chết cho đến nay, theo các số liệu chính thức. Điều tra đầu tiên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bị chỉ trích gay gắt, do sự thiếu hợp tác và các giới hạn mà Bắc Kinh áp đặt. Quảng cáo
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, đòi hỏi: «Các nhà điều tra phải có quyền tiếp cận đầy đủ tất cả những gì cần thiết, để tìm ra được nguồn gốc của đại dịch này». Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh: «Thế giới có quyền biết được chính xác về những gì đã diễn ra, để có thể rút ra được các bài học». Về phía nước Anh, tại Nghị Viện, bộ trưởng Y Tế Matt Hancock cũng yêu cầu «một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập tại Trung Quốc, nhằm phát hiện được tất cả những gì có thể liên quan đến hồ sơ này, và cuộc điều tra cần được tiến hành mà không gặp trở ngại».
Reuters tiếp cận được với một dự thảo tuyên bố chung Hoa Kỳ – Liên Âu, dự kiến sẽ được chính thức công bố ngày 15/06, theo đó, Washington và Bruxelles yêu cầu «một cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc Covid-19, dựa trên các bằng chứng, do các chuyên gia tiến hành dưới sự điều hành của Tổ Chức Y Tế Thế giới, và không bị bất cứ can thiệp nào».
Cuối tháng 1, đầu tháng 2/2021, một phái đoàn chuyên gia của WHO đã đến Vũ Hán, Trung Quốc, nơi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên hồi tháng 1/2020, để tiến hành điều tra. Báo cáo của các chuyên gia WHO soạn thảo, cùng với nhiều khoa học gia Trung Quốc, được công bố cuối tháng 3/2021, nêu khả năng virus có thể truyền từ loài dơi đến người thông qua một loài động vật trung gian. Trong báo cáo này, giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm được coi là « có xác suất rất thấp ». Tuy nhiên, sau khi báo cáo được công bố, định chế y tế của Liên Hiệp Quốc cũng phàn nàn về việc cuộc điều tra đã bị chính quyền Trung Quốc áp đặt nhiều hạn chế.
Cuối tháng 5/202, phái bộ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ở Genève, yêu cầu WHO tiến hành một cuộc điều tra thứ hai, do các kết quả của cuộc điều tra đầu tiên là «không đủ và không có ý nghĩa kết luận». Trong giới khoa học quốc tế, có nhiều tiếng nói yêu cầu xem xét nghiêm túc giả thiết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, giả thiết vốn gần như bị gạt sang một bên trong cuộc điều tra của WHO tại Trung Quốc.
Đàn áp tại Tân Cương: Ân Xá Quốc Tế tố cáo Bắc Kinh phạm tội ác chống nhân loại
11/06/2021
Trọng Nghĩa
Trong một bản báo cáo công bố vào hôm qua, 10/06/2021, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đã tố cáo chính sách đàn áp thô bạo của Trung Quốc nhắm vào người Hồi Giáo tại Tân Cương. Đối với Ân Xá Quốc Tế, những biện pháp khắc nghiệt được áp dụng “đồng dạng với tội ác chống nhân loại”. Quảng cáo
Theo ghi nhận của Ân Xá Quốc Tế, tại vùng Tân Cương (Trung Quốc) đã có hàng trăm ngàn người Hồi Giáo, cả nam lẫn nữ, từ người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, cho đến những nhóm thiểu số khác, đã bị giam giữ tập thể và tra tấn, trong bối cảnh hàng triệu người Hồi Giáo bị giám sát một cách triệt để.
Trong bản báo cáo dày 160 trang, mang tựa đề “Cứ như chúng tôi là kẻ thù trong chiến tranh – Tình trạng giam cầm, tra tấn và truy bức trên quy mô hàng loạt nhắm vào người Hồi Giáo Tân Cương” (tựa đề tiếng Anh: “Like We Were Enemies in a War”: China’s Mass Internment, Torture, and Persecution of Muslims in Xinjiang) – tổ chức Amnesty International đã công bố lời chứng chưa từng được tiết lộ của hơn 50 người từng bị cầm giữ trong các trại giam, mô tả những biện pháp cực kỳ khắc nghiệt mà Bắc Kinh đã dùng từ năm 2017 để xóa bỏ các truyền thống tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của các nhóm Hồi Giáo trong vùng, cũng như đàn áp các sắc dân thiểu số địa phương.
Theo Ân Xá Quốc Tế, dưới chiêu bài “chống khủng bố”, các hành vi tội ác này nhắm vào các cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, người Hồi, người Kirghistan, Uzbekistan và Tadjikistan. Báo cáo đặc biệt nêu chi tiết về các nỗ lực trên quy mô rộng lớn của chính quyền Trung Quốc nhằm che giấu tội trạng của mình.
Đối với Amnesty International, các hành động của chính quyền Trung Quốc chống lại các sắc dân thiểu số trong nước là những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng “đồng dạng với các tội ác chống nhân loại”.
Liên Hiệp Quốc từng cho rằng có đến 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam trong các trại cải tạo tại Trung Quốc mà Bắc Kinh khẳng định là những trung tâm huấn nghệ. Trong thời gian gần đây, Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh Quốc, Mỹ và Canada đã có những biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Vụ hai nhà báo RFI bị sát hại: Thêm một “thủ phạm” bị quân đội Pháp tiêu diệt
12/06/2021
Thanh Hà
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly, ngày 11/06/2021, thông báo Paris đã «vô hiệu hóa» thủ lĩnh nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Bắc Phi Baye Ag Bakabo. Nhân vật này bị coi là một trong những thủ phạm chính trong vụ bắt cóc và sát hại hai nhà báo đài RFI, Ghislaine Dupont và Claude Vernon, hồi 2013. Quảng cáo
Theo lời bộ trưởng Quân Lực Pháp, hôm 05/06/2021, lực lượng Barkhane can thiệp tại vùng sa mạc Sahel, châu Phi, đã phát hiện Baye Ag Bakabo đang chuẩn bị một vụ tấn công tại miền bắc Mali, nhắm vào một cơ sở của Liên Hiệp Quốc. Lực lượng Barkhane đã can thiệp, hạ sát bốn kẻ khủng bố trong đó có « Baye Ag Bakobo, thủ lĩnh tổ chức Aqmi », cánh tay nối dài của Al Qaeda tại Bắc Phi.
Bà Parly khẳng định nhân vật này là một trong số những thủ phạm vụ bắt cóc và sát hại hai nhà báo Pháp hồi 2013. Đó là nữ phóng viên Ghislaine Dupont và kỹ sư âm thanh Claude Vernon. Cả hai đã bị giết hại hôm 02/11/2013 tại Kiali, miền bắc Mali. Bốn ngày sau đó tổ chức Aqmi nhân là tác giả.
Tập đoàn truyền thông France Media Monde, công ty mẹ của RFI, lập tức thông báo «ghi nhận» tin trên và cho biết chờ đợi cuộc điều tra tư pháp để «làm sáng tỏ các tình tiết của vụ sát hại và cho phép bắt được toàn bộ các thành viên còn lại của toán khủng bố, cùng các đồng lõa nếu có, để đưa ra xét xử». Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, cái chết của thủ lĩnh Aqmi chưa cho phép xua tan tất cả «những mờ ám» trong hồ sơ này.
Tin quân đội Pháp triệt hạ một thủ lĩnh khủng bố ở Bắc Phi được đưa ra một ngày sau thông báo của tổng thống Macron, giảm sự hiện diện của quân đội Pháp trong vùng sa mạc Sahel trong khuôn khổ chiến dịch Barkhane.