Tin Tổng Hợp – 12/11/21
Sở Di trú Mỹ vinh danh tướng hồi hưu Lương Xuân Việt là ‘Người Mỹ xuất sắc’
Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) mới đây vinh danh Thiếu tướng hồi hưu Lương Xuân Việt và hai người nữa có gốc gác Việt Nam về nhiều đóng góp của họ cho nước Mỹ.
Ngay sát dịp Ngày lễ Cựu chiến binh (11/11), USCIS loan báo trên trang Facebook chính thức của sở rằng hôm 9/11 Giám đốc của sở, bà Ur Jaddou, trao cho tướng hồi hưu Lương Xuân Việt tấm bằng công nhận ông là “Người Mỹ xuất sắc” tại trụ sở của USCIS ở bang Maryland.
Giới thiệu tóm tắt về ông Việt, USCIS viết rằng ông cùng gia đình là những người tị nạn chính trị từ Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ hồi năm 1975, trong khuôn khổ chiến dịch Frequent Wind (Gió Lốc), là chiến dịch giúp giải cứu các công dân Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Bản thân ông Việt trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1984, hiện cư trú ở Frisco, bang Texas, theo thông tin trên trang web của USCIS.
Sự nghiệp quân ngũ của Tướng Việt có nguồn cảm hứng từ trải nghiệm của ông ở trên boong của chiến hạm Mỹ USS Hancock khi ông còn là một cậu bé rời khỏi Việt Nam, bài đăng trên Facebook của USCIS cho biết thêm.
“Gần trọn 40 năm sau khi được giải cứu, ông Lương [Xuân Việt] đã trở thành sĩ quan cấp tướng gốc Việt đầu tiên trong quân đội Mỹ. Xin chúc mừng Thiếu tướng Lương [Xuân Việt] và xin cảm ơn ông về nhiều đóng góp của ông”, USCIS nói trên Facebook.
Thông qua trang Facebook cá nhân, ông Việt bày tỏ niềm vinh hạnh với sự ghi nhận của USCIS, báo Người Việt có trụ sở ở bang California tường thuật.
“Tôi giải ngũ từ tháng 10 [năm 2021], sau 34 năm phục vụ trong quân đội. Khoảng thời gian ấy không mấy dễ dàng, nhưng tôi nhất định vẫn chọn phục vụ trong quân đội nếu có dịp lần nữa. Chúng ta đang sống trong một quốc gia tuyệt vời”, ông Việt chia sẻ trong bài đăng của mình trên Facebook, theo trích dẫn của báo Người Việt hôm 11/11.
Giải thưởng có tên đầy đủ là “Người Mỹ xuất sắc theo chọn lọc” được USCIS lập ra hồi tháng 1/2006 để công nhận những thành tựu và đóng góp lớn của những người nhập cư đã trở thành công dân Mỹ.
Những người được trao giải phải thể hiện vai trò lãnh đạo và thành tựu to lớn trong ít nhất một trong số các lĩnh vực: chuyên ngành, kinh doanh, văn hóa-nghệ thuật, phục vụ cộng đồng và tham gia hoạt động dân sự, công việc chính phủ, phục vụ trong quân đội, hoặc khắc phục khó khăn.
Họ cũng phải là những công dân có trách nhiệm và tâm huyết với nước Mỹ, cũng như với các giá trị dân sự chung đưa người dân Mỹ lại đoàn kết với nhau.
Theo trang web của USCIS, giải thưởng năm 2021 được trao cho 8 người, trong đó có 3 người có gốc gác Việt Nam là Thiếu tướng hồi hưu Lương Xuân Việt; tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức BPSOS; và bà Sandy Hoa Dang, chủ hãng tư vấn Coinnovate Consulting.
Năm người còn lại gồm có một nhân viên USCIS là người gốc Ai Cập, một thẩm phán tòa liên bang ở bang Massachusetts là người từng sống ở Đức thời Quốc xã, một viên cảnh sát thuộc Điện Capitol là người gốc Cộng hòa Dominica, một phụ nữ da đen là giám đốc dịch vụ y tế ở New York, và một diễn giả kiêm tác giả sách là người gốc Rwanda.
Tiểu sử của cựu Thiếu tướng Lương Xuân Việt do USCIS đăng trên trang web của sở cho biết ông bắt đầu là sĩ quan trong Lục quân Mỹ từ năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Southern California.
Ông phục vụ trong quân ngũ 34 năm trước khi nghỉ hưu. Chức vụ cuối cùng ông nắm giữ là Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Nhật Bản, từ năm 2018-2021.
Về thành tựu của ông Việt trong giai đoạn này, tiểu sử viết rằng trên cương vị của mình, ông đã làm tăng tính hiệu quả trong hoạt động của bộ tư lệnh, cũng như cải thiện tư thế của lực lượng Mỹ ở Nhật Bản trong bối cảnh có cạnh tranh gay gắt của các siêu cường trong khu vực.
Ông cũng làm việc chặt chẽ với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để cải thiện khả năng phối hợp tác chiến giữa hai bên, đồng thời giúp họ tăng năng lực phòng vệ và tăng khả năng tiêu diệt đối phương, vẫn theo tiểu sử.
Bằng cấp cao nhất của ông Việt là Thạc sĩ về Khoa học và Nghệ thuật Quân sự. Ông cũng từng là nghiên cứu sinh về Chính sách Mỹ-Trung tại Đại học Stanford. Vị tướng này có vợ và 1 con gái, 2 con trai.
Cũng trong ngày 9/11, cựu Thiếu tướng Lương Xuân Việt và Giám đốc USCIS đã làm lễ tuyên thệ công dân Mỹ cho 12 quân nhân là những người nhập cư từ các nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Nepal, Cameroon, El Salvador, Ghana, Jamaica, Mexico, và Ba Lan.
Trong tài khóa 2021, kết thúc hôm 30/9/2021, có khoảng 855.000 người được nhập quốc tịch Mỹ, USCIS cho biết.
Biden ký đạo luật gia tăng hạn chế cấp phép thiết bị của các công ty viễn thông Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm 11/11/2021, đã ký ban hành một đạo luật mới ngăn chặn việc cấp phép dùng các thiết bị mới của các công ty viễn thông Trung Quốc như Hoa Vi (Huawei), ZTE.
Đạo luật mới, còn được gọi là “Đạo luật Thiết bị An toàn”, đã được Quốc Hội lưỡng viện Mỹ thông qua trong tháng 10 vừa qua, quy định là Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ ( FCC) không xem xét hoặc cấp phép sử dụng các thiết bị viễn thông mới được xác định là đe dọa an ninh quốc gia.
Theo Reuters, đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Mỹ trong việc ngăn cản các công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Ông Brendan Carr, thuộc FCC, cho biết, Ủy ban đã phê duyệt hơn 3000 đơn xin cấp phép bán thiết bị của Hoa Vi kể từ năm 2018. Bộ luật mới này sẽ “bảo đảm là các thiết bị không an toàn từ các công ty như Hoa Vi và ZTE, sẽ không thể được đưa vào sử dụng trong mạng lưới truyền thông của Hoa Kỳ.”
Tháng 3 năm 2021, chính quyền Washington đã nêu ra 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa cho an ninh Hoa Kỳ. Tiếp đó, vào tháng 10 /2021, FCC đã thu hồi giấy phép hoạt động của công ty con của China Telecom tại Hoa Kỳ với cùng lý do. Publicité
Phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định rằng Hoa Kỳ “không có bất kỳ bằng chứng nào”, chỉ là viện dẫn “lý do an ninh” để “trấn áp các công ty Trung Quốc”.
Tổng thống Mỹ ký ban bố văn bản luật này vài ngày trước cuộc hội đàm trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến vào thứ Hai 15/11/2021, trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn tiếp tục căng thẳng về thương mại, nhân quyền và các hoạt động quân sự.
Chi Phương
Nhà báo Mỹ bị Myanmar kết án 11 năm tù
Một tòa án ở Myanmar, đất nước đang do quân đội cai trị, đã kết án 11 năm tù với nhà báo người Mỹ Danny Fenster trong ngày 12/11.
Fenster, 37 tuổi, biên tập viên của tạp chí trực tuyến Frontier Myanmar, bị kết tội kích động và vi phạm luật nhập cư và tụ tập bất hợp pháp.Quảng cáohttps://acbf3c7c5114a3ada60f2f7fc2edf6fd.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên bị kết án tù trong những năm gần đây ở Myanmar.
Vào hôm 1/2/2021, quân đội đã đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi.
“Hoàn toàn không có cơ sở để kết tội Danny về những tội danh này”, Thomas Kean, tổng biên tập của Frontier Myanmar, một trong những hãng tin độc lập của Myanmar, tuyên bố.
“Mọi người ở Frontier đều thất vọng trước quyết định này. Chúng tôi chỉ muốn thấy Danny được trả tự do càng sớm càng tốt để anh ấy có thể về nhà với gia đình”.
Richard Horsey, cố vấn cấp cao của Crisis Group Myanmar, mô tả bản án này là “thái quá”.
Ông nói với hãng tin AFP: “Nó gửi một thông điệp không chỉ tới các nhà báo quốc tế … mà cả các nhà báo Myanmar rằng việc đưa tin thực tế về tình hình có thể khiến họ phải ngồi tù nhiều năm”.
Ông nói thêm rằng các nhà ngoại giao Mỹ đang làm việc để đảm bảo trả tự do cho Fenster nhưng lưu ý rằng “rõ ràng bản án này là một trở ngại lớn đối với các nỗ lực của Mỹ.”
Fenster bị bắt khi đang cố gắng rời khỏi Myanmar vào tháng 5 và kể từ đó bị giam tại nhà tù Insein khét tiếng của Yangon.
Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói việc Fenster bị bắt giam cũng nhằm cảnh báo Hoa Kỳ và giới truyền thông.
Ông nói: “Cơ sở lý luận của chính quyền cho bản án vi phạm nhân quyền thái quá này là để gây sốc và đe dọa tất cả các nhà báo Miến Điện còn lại ở Myanmar.”
Ông nói: “Thông điệp thứ hai mang tính chiến lược hơn, tập trung vào việc gửi thông điệp tới Hoa Kỳ rằng các tướng lĩnh không đánh giá cao việc bị tấn công bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế và có thể đáp trả bằng ngoại giao con tin.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước đó nói rằng việc giam giữ ông là “vô cùng bất công”, đồng thời kêu gọi chính quyền trả tự do cho ông ngay lập tức.
Bản án vào thứ Sáu diễn ra vài tháng sau khi một nhà báo tự do Nhật Bản bị bắt ở Myanmar và bị buộc tội tung tin giả.
Yuki Kitazumi, người đã đưa tin cho nhiều hãng thông tấn lớn của Nhật Bản, là một trong số ít các phóng viên nước ngoài tại nước này. Chính quyền Myanmar cho rằng ông ta vi phạm luật nhưng đã thả ra vì Nhật Bản đã yêu cầu.
Cuộc đảo chính
Các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đã lên nắm quyền vào tháng 2 sau khi bị thất bại trong cuộc bầu cử dưới tay của Liên đoàn Dân chủ Quốc gia cầm quyền.
Quân đội tuyên bố rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảo chính vì gian lận phổ biến trong cuộc bầu cử, mặc dù ủy ban bầu cử nói rằng không có bằng chứng hỗ trợ những tuyên bố này.
Đảo chính đã gây ra các cuộc biểu tình dân sự quy mô lớn trên khắp đất nước, và quân đội đã giải tán bằng vũ lực tàn bạo.
Kể từ đó, ít nhất 1.178 người đã thiệt mạng và 7.355 người bị bắt, buộc tội hoặc kết án trong một cuộc đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
Cho đến nay, khoảng 80 nhà báo địa phương đã bị giam giữ vì đưa tin. Theo AAPP, 50 người trong số họ vẫn đang bị giam giữ và một nửa đã bị truy tố.
Bình luận của Jonathan Head, phóng viên Đông Nam Á của BBC
“Phiên tòa xét xử Danny Fenster diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, theo đúng nghĩa đen, bên trong nhà tù Insein, nơi ông và nhiều người bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính hồi tháng Hai.
Chúng tôi chỉ biết những gì luật sư của anh ấy có thể cho chúng tôi biết về quá trình này. Nhưng những cáo buộc mà nhà chức trách quân sự đưa ra chống lại anh rõ ràng là vô lý.
Công tố viên tuyên bố rằng liên quan đến việc làm của anh ở tổ chức tin tức độc lập Myanmar Now, một trong năm tổ chức truyền thông mà quân đội nhắm mục tiêu sau cuộc đảo chính, và hủy bỏ giấy phép phát sóng của họ.
Nhưng Danny Fenster đã rời Myanmar Now vào tháng 5 năm 2020, và gia nhập tạp chí tin tức Frontier. Điều này đã được các luật sư của anh làm rõ trước tòa, được hỗ trợ bằng tài liệu, nhưng bị thẩm phán bỏ qua, người đã đưa ra mức án tối đa cho ba tội danh.
Vậy tại sao quân đội lại truy lùng một nhà báo Mỹ?
Chính quyền Biden đã gia tăng áp lực lên chế độ, đặc biệt là thông qua các lệnh trừng phạt nhắm vào các sĩ quan quân đội cấp cao, và kêu gọi khôi phục chính phủ được bầu ra.
Có lẽ quân đội đang hy vọng vào một cử chỉ, một bức ảnh chụp chung với một quan chức Hoa Kỳ; không có bạn bè và bị cô lập, quân đội có thể coi đó là một giải thưởng xứng đáng để thả anh.
Nó cũng gửi một thông điệp lạnh lùng đến tất cả các nhà báo ở Myanmar. Nếu họ sẵn sàng bỏ qua một siêu cường như Mỹ, và bắt một trong những công dân của nước này làm con tin, thì việc đối xử với các nhà báo địa phương có thể còn khắc nghiệt hơn.
Như mọi khi với các tướng Myanmar, động cơ thực sự của họ rất khó đoán.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-59263059
(AFP) – Căn cứ hải quân Ream: Cam Bốt lên án các trừng phạt của Mỹ. Hôm nay, 12/11/2021, chính phủ Phnom Penh đã lên án các trừng phạt mà Hoa Kỳ ban hành có liên quan đến một căn cứ hải quân của Cam Bốt mà Bắc Kinh cũng đang dòm ngó. Thứ Tư vừa qua, bộ Tài Chính Mỹ thông báo phong tỏa các tài sản, nếu có, cũng như cấm tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ đối với hai lãnh đạo của bộ Quốc Phòng Cam Bốt. Hai nhân vật này bị Washington cáo buộc đã biển thủ ngân sách dành cho việc phát triển căn cứ hải quân Ream, gần thành phố biển Sihanoukville. Theo bộ Ngoại Giao Cam Bốt, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đã được ban hành dựa trên « những cáo buộc không có cơ sở».
(AFP) – Tấn công Capitol: Tòa án Mỹ tạm ngưng công bố tài liệu của Nhà Trắng. Hôm qua, 11/11/2021, một tòa án ở Mỹ đã chấp nhận yêu cầu của cựu tổng thống Donald Trump tạm ngưng việc công bố các tài liệu của Nhà Trắng về vụ tấn công tòa nhà Quốc Hội trên đồi Capitol, Washington, ngày 06/01/2021. Trong tuần, một thẩm phán lên bang, nhân danh « lợi ích của công chúng » đã ra lệnh công bố các tài liệu có thể cho thấy ông Trump có dính líu đến cuộc tấn công của những người ủng hộ ông vào tòa nhà Quốc Hội đúng vào lúc các nghị sĩ đang họp để chứng nhận chiến thắng của ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden.
(AFP) – Sáng lập viên Wikileaks được phép kết hôn trong tù. Người bạn gái Stella Moris của Julian Assange vừa cho biết là người sáng lập trang mạng Wikileads sẽ được phép kết hôn trong nhà tù được bảo vệ rất chặt chẽ ở Luân Đôn, nơi mà ông đang bị giam chờ quyết định của ngành tư pháp Anh về việc dẫn độ sang Mỹ theo yêu cầu của Washington. Ngày giờ tổ chức lễ kết hôn giữa Assange với nữ luật sư Nam Phi Moris chưa được ấn định.
(AFP) – Mỹ tái cam kết về chống nghèo đói toàn cầu. Tại Diễn đàn Hòa bình Paris từ ngày 11/11/2021-13/11/2021, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, khẳng định lại cam kết của Mỹ trong cuộc chiến chống nghèo đói toàn cầu. Đây là một hành động, « thể hiện », vai trò của Hoa Kỳ trong cộng đồng quốc tế dưới chính quyền Biden. Ba mươi nguyên thủ quốc gia có mặt tại diễn đàn, thảo luận về việc chống bất bình đẳng và phân biệt đối xử trên toàn cầu.
(AFP) – Miến Điện: Nhà báo Mỹ lãnh án 11 năm tù giam. Luật sư của nhà báo Danny Fenster, quốc tịch Mỹ, hôm 12/11/2021 cho biết thân chủ của ông bị kết án 11 năm tù với 3 tội danh : xúi giục các làn sóng chống đối, vi phạm luật nhập cư, và tham gia một số hoạt động bất hợp pháp. Ngoài ra, trong một vụ khác, nhà báo Mỹ bị buộc tội khủng bố và âm mưu phản chống lại chính quyền. Với những tội danh này, Fester có nguy cơ phải đối mặt với án tù chung thân.
(AFP) – Thêm hai triệu người phải di tản vì chiến tranh vào năm 2021. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, ngày 11/11/2021, những người tị nạn, người di cư, những người phải di dời nơi sinh sống đã tăng thêm 2 triệu người tính từ đầu năm 2021, nâng tổng số những người phải rời bỏ quê hương thành 84 triệu người. Bạo lực, xung đột chiến tranh, nghèo đói, hay biến đổi khí hậu và tác động của đại dịch covid-19 là một trong những nguyên nhân chính của vụ việc.
(AFP) – Triển lãm gây sốc ở Ý : nghệ sĩ thách thức lệnh kiểm duyệt của Trung Quốc. Triển lãm của nghệ sĩ người Trung Quốc diễn ra ngày từ ngày 12/11/2021 đến giữa tháng 2/2022 tại thành phố Brescia, Ý, bất chấp lệnh cấm từ Bắc Kinh. Nghệ sĩ biếm họa Badiucao, trưng bày các tác phẩm như ghế tra tấn biến thành chiếc bập bênh đơn giản hay súng máy nhắm vào ô – biểu tượng của cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nhằm tố cáo sự đàn áp chính trị ở Trung Quốc và lệnh kiểm duyệt.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211112-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p