Tin Tổng Hợp – 10/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 10/9/21

Người Việt ở New York hồi tưởng vụ khủng bố 11 tháng 9

Tòa tháp thứ hai của Trung tâm Thương mại Thế giới phát nổ sau khi bị một máy bay đâm vào ở New York, ngày 11 tháng 9, 2001.
Tòa tháp thứ hai của Trung tâm Thương mại Thế giới phát nổ sau khi bị một máy bay đâm vào ở New York, ngày 11 tháng 9, 2001.

Bà Nguyên Vân dán mắt vào màn hình tivi, bàng hoàng trước cảnh tượng bà đang chứng kiến. Hai chiếc máy bay đâm sầm vào hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở quận Manhattan của Thành phố New York, cách nơi bà sinh sống chừng 30 phút.

Những vụ nổ kinh hoàng khoét thủng hai tòa nhà chọc trời biểu tượng của thành phố, vốn là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới. Không lâu sau đó, chúng đổ sập tan tành.

Đó là ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Gần 3.000 người thiệt mạng khi những tay không tặc thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaida của Osama bin Laden lao bốn máy bay thương mại vào tòa tháp đôi ở New York, Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington DC, và một cánh đồng ở bang Pennsylvania.

Biến cố đó đã khiến nước Mỹ và cả thế giới thay đổi mãi mãi, với nỗi đau thương, sự phẫn nộ và cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn kéo dài đến ngày nay.

Hai mươi năm sau, những gì diễn ra hôm đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của bà Nguyên Vân, chủ tiệm làm móng 76 tuổi ở quận Bronx giờ đã về hưu. Đó là một sự kiện “nhớ đời không làm sao quên được,” bà nói.

Bà nhớ cả ngày hôm đó bà và nhân viên trong tiệm đều hoang mang không làm việc được mà chỉ tập trung theo dõi tin tức. Rồi bà quyết định đóng cửa tiệm vào buổi chiều trong nỗi bất an và lo sợ cao độ.

“Khi đó tôi có người cháu làm ở gần tòa tháp đó, chỉ có đi hai chân không thôi vì mang giày cao gót chạy không được, đi bộ qua Cầu Brooklyn để về bên [quận] Queens,” bà kể. “Còn con rể tôi lái taxi ở Manhattan cũng mất liên lạc một hồi mấy tiếng đồng hồ. Sau nó chạy bao qua bên [quận] Brooklyn rồi mới về nhà được.”

Dù gia đình và người thân của bà được bình an vô sự sau vụ tấn công khủng bố, bà nói cuộc sống của bà vẫn bị ảnh hưởng nhiều tháng sau đó vì hệ lụy của nó trong khi thành phố chật vật nỗ lực dọn dẹp và tái thiết.

“Cái mùi cháy, những cái chất sắt, đồ vật liệu hòa lẫn với xác người cháy, nó hôi cái mùi khét. Hôi cái mùi đó mà những lúc gió thổi về vùng Bronx này vẫn thấy hôi, cho nên thấy nguy hiểm,” bà cho biết.

“Suối thời gian mấy tháng không dám đi tới Manhattan, mà nơi đó có Chinatown có mấy siêu thị bán thức ăn Việt Nam. Không có dám ra mua thức ăn luôn, chỉ có ở nhà ăn đồ Mỹ thôi không dám ra đó vì cái mùi hôi vẫn còn.”

Đối với ông Liêng Chấn Hoàng, vụ tấn công 11 tháng 9 khiến ông và gia đình ông nhận thấy rõ ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết và sức mạnh của niềm hy vọng.

Ông kể ông không quá lo lắng khi hay tin tòa tháp đầu tiên của Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công, lưu ý rằng trước đây vào năm 1993 cũng từng có một vụ đánh bom xảy ra tại địa điểm này. Nhưng ông bắt đầu “hết hồn” khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp Nam vào lúc 9 giờ 3 phút sáng.

“Em gái tôi làm người phát thư cho [công ty bảo hiểm] Blue Cross Blue Shield. Thường thường khoảng 9 giờ nó mang từ tầng hầm của tòa nhà lên trên lầu cao rồi phát xuống,” ông kể.

Người thân của ông liên tục gọi điện thoại tới cho gia đình hỏi thăm tình hình của cô em gái nhưng không ai hay biết bất cứ tin tức gì vì không liên lạc được. Đến đầu giờ chiều, vài tiếng sau khi cả hai tòa tháp đã sụp, nỗi tuyệt vọng gia tăng và gia đình bắt đầu chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong khi người em gái vẫn bặt vô âm tín.

Ông Liêng Chấn Hoàng giờ làm chủ một nhà hàng Việt Nam ở Manhattan.
Ông Liêng Chấn Hoàng giờ làm chủ một nhà hàng Việt Nam ở Manhattan.

“Bà mẹ cứ khóc lóc, nói là kiểu này chắc là nó mất mạng rồi, sao không thấy gọi về gì hết. Tôi cứ an ủi bả, nói là không chừng không có sao đâu, làm gần ở đó thôi mà chứ không phải trong tòa nhà đó.”

“Tới chiều tối khoảng 5 giờ rưỡi, 5 giờ 45 tự nhiên nghe tiếng chuông ting tong, tôi chạy ra mở cửa thì thấy nhỏ em đã về tới, lúc đó chạy vô kêu bà mẹ ra, bà mẹ khóc quá trời. Tưởng đâu là mất mạng rồi.”

Em gái của ông sau đó kể lại rằng bà đang phát thư thì được người quản lý hối phải chạy ra ngoài ngay lập tức và không kịp mang theo bất cứ thứ gì. Khi bà vừa ra khỏi tòa nhà thì nhìn thấy chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp Nam. Bà ùa vào dòng người tháo chạy và không bao giờ nhìn lại.

Ông Hoàng, 62 tuổi, hiện là chủ một nhà hàng Việt Nam ở Manhattan, cho biết ông phải đóng cửa nhà hàng một tuần sau vụ tấn công vì thành phố bị phong tỏa nghiêm ngặt và vì mùi hôi khói vẫn dày đặc.

Ông nói tác động của vụ 11 tháng 9 đối với hoạt động kinh doanh của ông còn kéo dài nhiều tháng sau đó vì khách du lịch giảm mạnh và người dân hoảng sợ không dám tụ tập ở những nơi đông người.

Biến đau thương thành hành động

Sống giữa sự tàn phá và đau thương, dược sĩ Danny Đặng quyết định dấn thân giúp đỡ cư dân của thành phố để giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ khủng bố tiềm tàng.

Ông nói vụ 11 tháng 9 xảy ra khiến ông “rất buồn” vì nó không những là một vụ tấn công vào nước Mỹ mà còn cả thế giới, vì New York là biểu tượng của nước Mỹ và là nơi mọi người từ khắp nơi trên thế giới đổ về sinh sống và làm việc.

Ông Danny, khi đó là sinh viên trường dược, đã quyết định theo giáo sư học hỏi về bệnh than (anthrax) vì những vụ đe dọa khủng bố sinh học qua thư gây hoảng sợ trong công chúng Mỹ sau vụ 11 tháng 9, và sau đó ông tham gia công tác phổ biến thông tin để giúp người dân đề phòng và tự bảo vệ.

Giờ đây ông là thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Chống Khủng bố Sinh học của New York, với gần 20 năm kinh nghiệm.

“Vụ 11 tháng 9 kêu gọi nơi mình tinh thần cộng đồng, tinh thần sống chung chứ không phải riêng một mình,” ông nói. “Chính vì vậy lúc nào mình cũng nhìn mọi người như gia đình của mình, cho nên mình cố gắng làm tốt công việc của mình. Mình không có nghĩ nó là công việc riêng mà là một công việc chung trong một gia đình lớn.”

“Mình cảm thấy công việc của mình rất là có ý nghĩa,” dược sĩ Danny, cũng là chủ nhân một nhà thuốc tư ở Manhattan, chia sẻ.

Ông Danny Đặng làm chủ một nhà thuốc tư ở Manhattan
Ông Danny Đặng làm chủ một nhà thuốc tư ở Manhattan

Dù hoang mang và lo sợ sau vụ khủng bố 11 tháng 9, một số người Việt ở Thành phố New York nói với VOA họ chưa bao giờ có ý định dọn đi nơi khác, phần vì đã quen sống ở nơi này và phần vì kinh doanh thuận lợi.

Đối với ông Danny Đặng, thành phố này đã trở thành quê hương thứ hai. Sau 20 năm, ông vẫn tâm huyết với sứ mạng thời sinh viên khi New York trải qua những ngày tháng khốn khó nhất.

“Bảo vệ thành phố và bảo vệ gia đình đi chung với nhau,” ông nói từ kinh nghiệm của bản thân. “Vì không có thành phố thì không có gia đình.”

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-o-new-york-hoi-tuong-vu-khung-bo-11-thang-9/6211872.html

Joe Biden muốn gỡ bế tắc trong quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng

Như vậy là vào hôm qua, 09/09/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 90 phút. Sự kiện này được cho là rất quan trọng vì từ ngày nhậm chức đến nay, ông Biden chỉ mới nói chuyện với ông Tập một lần duy nhất là vào tháng Hai.

Mục tiêu được tuyên bố công khai của cuộc điện đàm là giảm nhiệt trong một mối quan hệ đang càng lúc càng căng thẳng, tránh để bế tắc kéo dài có hại không chỉ cho hai nước, mà cho cả thế giới. Có điều là dưới bề ngoài hòa dịu đó, Washington vẫn kiên định trên những lãnh vực được cho là giá trị và lợi ich nền tảng của Mỹ.

Thiện chí giảm nhiệt từ phía Biden

Hãng tin Mỹ AP đã ghi nhận một số yếu tố thể hiện thiện chí muốn giảm nhiệt từ phía Hoa Kỳ, đặc biệt là việc chính Washington là bên đã chủ động tổ chức cuộc gọi.

Theo AP, cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh phía Hoa Kỳ ngày càng bực bội trước thực tế là các cuộc nói chuyện ở mức cố vấn cao cấp của hai lãnh đạo hầu như không có kết quả, vào thời điểm không thiếu những vấn đề hóc búa giữa hai quốc gia, từ những vụ tin tặc tấn công từ Trung Quốc, việc Bắc Kinh xử lý đại dịch Covid-19, cho đến những hành vi bị Nhà Trắng coi là mang tính chất “cưỡng ép và không công bằng” về mặt thương mại của Trung Quốc.

Cuộc nói chuyên hôm qua đã không đề cập nhiều đến những vấn đề nóng đó mà tập trung vào việc thảo luận hướng đi sắp tới cho quan hệ Mỹ-Trung, mà theo ngôn từ của Nhà Trắng bao gồm “các lĩnh vực mà lợi ích của hai bên hội tụ và các lĩnh vực mà lợi ích, giá trị và quan điểm của hai bên khác nhau.”

Một cách cụ thể, Nhà Trắng hy vọng hai nước có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề cùng quan tâm – bao gồm biến đổi khí hậu và ngăn chặn khủng hoảng hạt nhân trên Bán Đảo Triều Tiên – bất chấp những khác biệt ngày càng tăng.

Lời lẽ của tổng thống Mỹ lần này có vẻ nhẹ nhàng hơn so với lần nói chuyện đầu tiên của ông với chủ tịch Trung Quốc hồi tháng Hai, lúc ông Biden vừa nhậm chức không lâu.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, vào khi ấy, ông Biden đã nêu ra một số vấn đề gai góc bao gồm các hành vi cưỡng bức kinh tế của Bắc Kinh, vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương và “những hành động ngày càng quyết đoán” đối với Đài Loan.

Nhà Trắng không hài lòng về thái độ các cấp dưới của Tập Cận Bình

Thông cáo báo chí Nhà Trắng đưa ra hôm qua về cuộc điện đàm không cho biết là tổng thống Mỹ có đề cập cụ thể đến những quan ngại nói trên của Washington hay không, tuy nhiên, theo AP, trước lúc cuộc gọi được thực hiện, một quan chức Mỹ cấp cao cho biết Nhà Trắng không hài lòng với những cách xử sự gần đây của Trung Quốc.

Theo quan chức này, xin ẩn danh vì không được phép bình luận công khai, thì giới chức Nhà Trắng Mỹ hy vọng rằng việc ông Tập nghe trực tiếp từ Biden có thể khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ.

Quan chức Nhà Trắng này cho biết là ông Biden đã nói rõ với ông Tập Cận Bình rằng ông không có ý định từ bỏ chính sách của chính quyền ông nhằm thúc ép Trung Quốc về nhân quyền, thương mại và các lĩnh vực khác mà Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang hành động ngoài các chuẩn mực quốc tế.

Bắc Kinh hung hăng với Washington chỉ vì mục tiêu đối nội?

Phải nói rằng trong thời gian qua, không thiếu những cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ-Trung. Gần đây nhất là vào tuần trước, khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry là quan hệ Mỹ-Trung xấu đi có thể làm suy yếu hợp tác về biến đổi khí hậu.

Vào tháng 7 trước đó, khi đến Thiên Tân, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman đã phải đối mặt với một danh sách dài các yêu cầu và khiếu nại, bao gồm cả những cáo buộc theo đó Hoa Kỳ đang cố gắng kiềm chế và kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

Đỉnh cao của thái độ hung hăng của Bắc Kinh được thấy qua cuộc họp vào tháng Ba tại Alaska, giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan với trưởng ban đối ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và một số quan chức hàng đầu của Bắc Kinh. Tại cuộc họp đó, ông Dương đã cáo buộc Hoa Kỳ không giải quyết được các vấn đề nhân quyền của chính mình và nêu vấn đề về thái độ mà ông gọi là “đạo đức giả” của Mỹ.

Đối với các quan chức Hoa Kỳ, những lời lẽ hung hăng đó chỉ mang tính chất đối nội, nhằm vào công luận bên trong Trung Quốc, chứ không phải là thông điệp gởi đến Nhà Trắng. Chính vì vậy mà tổng thống Biden đã coi trọng khả năng nói chuyện tay đôi giữa hai lãnh đạo để làm rõ các ưu tiên của nhau.

Dùng vải nhung để bọc quả đấm sắt

Theo một số nhà quan sát, động thái bề ngoài mềm mỏng của tổng thống Biden đối với Trung Quốc vào hôm qua rất có thể là cách bao phủ một lớp vải nhung quanh một bàn tay sắt, vì về cơ bản, chính sách Trung Quốc của Mỹ không hề thay đổi.

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Biden đã tìm cách chĩa mũi dùi nhiều hơn vào Trung Quốc, tập hợp các đồng minh để nói lên tiếng nói thống nhất hơn về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, các hoạt động thương mại mang tính chất cưỡng ép và hành vi ngày càng quyết đoán của quân đội Bắc Kinh khiến các đồng minh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương phải lo ngại. Ông Biden coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh kinh tế quan trọng nhất với Hoa Kỳ và là mối quan tâm ngày càng tăng về an ninh quốc gia.

Hãng tin Nhật Kyodo đã nhắc lại rằng cuộc điện đàm Joe Biden – Tập Cận Bình đã diễn ra vào lúc sắp sửa mở ra trong tháng này hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ (Quad) bao gồm bốn nền dân chủ – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Theo các nguồn tin thông thạo về quan hệ Nhật-Mỹ, lãnh đạo bốn nước dự kiến sẽ trực tiếp gặp mặt nhau để trao đổi quan điểm về cách giải quyết vấn đề an ninh và mối đe dọa kinh tế đến từ Trung Quốc, đẩy lùi sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ngoài ra, chính quyền Biden cũng đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan để chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ trong lịch sử, một quyết định mà theo chính tổng thống Mỹ, sẽ cho phép Hoa Kỳ tập trung nguồn lực nhiều hơn vào việc đối phó với những thách thức mới do các quốc gia chuyên chế đặt ra, cụ thể là Trung Quốc và Nga.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210910-joe-biden-mu%E1%BB%91n-g%E1%BB%A1-b%E1%BA%BF-t%E1%BA%AFc-trong-quan-h%E1%BB%87-m%E1%BB%B9-trung-%C4%91ang-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng

Đại tướng csvn Phùng Quang Thanh từ trần, 72 tuổi

Đại tướng Phùng Quang Thanh (ảnh chụp năm 2015). (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi Trẻ).

Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng csvn từ trần lúc 3h45 phút, ngày 11/9 tại nhà riêng ở Hà Nội sau thời gian lâm bệnh nặng, thọ 72 tuổi.

Báo Dân Trí dẫn tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh năm 1949, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được tận tình cứu chữa nhưng do bệnh nặng, sức yếu, đã từ trần vào hồi 03 giờ 45 phút ngày 11/9/2021 tại nhà riêng số 10, ngõ 9, đường Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng, Lễ Truy điệu, Lễ An táng Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ được thông báo sau.

Phùng Quang Thanh sinh ngày 2/2/1949 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Là ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII. Thanh được trao quân hàm đại tướng tháng 7/2007.

Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ.

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Thanh được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/dai-tuong-phung-quang-thanh-tu-tran-tho-72-tuoi.html

Truyền thông Việt Nam) – Việt Nam huy động quân đội để đối phó với bão nhiệt đới. Cụ thể là có khoảng 500.000 quân nhân, dân quân tự vệ đã được quân đội huy động để chuẩn bị ứng phó với cơn bão nhiệt đới Côn Sơn, hiện đang di chuyển ngoài khơi Biển Đông, với sức gió 100km/h. Theo dự kiến, bão sẽ di chuyển về hướng tây bắc, đổ bộ vào đất liền trong đêm 12 rạng sáng 13/9/2021. Với sức gió ở cấp 10-11, kèm theo mưa to, các vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất. Một kế hoạch sơ tán gần 74.000 dân cũng được dự trù. Cơn bão nhiệt đới thứ năm trong năm 2021 ập đến trong bối cảnh Việt Nam đang khó khăn đối phó với dịch bệnh Covid-19, bùng phát mạnh do biến thể Delta.

(AFP) – Miến Điện: 10 người chết trong vụ đụng độ giữa quân đội và dân quân. Theo chính quyền Miến Điện ngày 10/09/2021, quân đội bắn trả vụ tấn công của một nhóm dân quân ở làng Myin Thar, phía tây Miến Điện và giết chết ít nhất 10 người, theo một số nhân chứng. Nhiều ngôi nhà trong làng bị quân đội Miến Điện đốt, còn người dân chạy lánh nạn trong một ngôi đền. Người phát ngôn của tập đoàn quân sự Zaw Min Tun cho biết, nhiều toán quân của chính phủ đã bị tấn công hôm 09/09 bằng “vũ khí hạng nhẹ và vũ khí tự chế” khi tiến vào làng Myin Thar.

(RFI) – Bangkok mở chiến dịch xét nghiệm Covid-19 cho khu dân nghèo. Trong tuần này, tổ chức Bangkok Help Community đã xét nghiệm miễn phí cho hàng chục nghìn người dân khu ổ chuột Khlong Toei ở thủ đô Thái Lan, trong khi chính phủ không cung cấp được bộ xét nghiệm. Người đến tiêm chủng được tặng thêm túi gạo 1 kg. Thái Lan đang trải qua đợt dịch thứ 3 làm tê liệt nền kinh tế và gây bất ổn chính trị. Người dân Bangkok hy vọng các biện pháp phong tỏa sớm được nới lỏng, chủ yếu là giới nghiêm và mở cửa lại trường học.

(NHK) – Thủ tướng Nhật Bản có thể đi Mỹ họp thượng đỉnh QUAD. Ông Suga sẽ gặp các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ vào cuối tháng 09/2021 trong khuôn khổ cuộc họp của liên minh Bộ Tứ do tổng thống Joe Biden chủ trì. Theo NHK ngày 09/09, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như đại dịch Covid-19.

(Yonhap) – Hàn Quốc tăng cường hợp tác với các nước hạ lưu sông Mêkông. Seoul tái khẳng định sẽ củng cố hợp tác về y tế và kinh tế, cấp song phương, cấp vùng và đa phương, để giảm thiểu tác hại của đại dịch Covid-19 và tạo điều kiện tái thúc đẩy kinh tế. Thông báo được đưa ra trong cuộc họp lần thứ 11 giữa ngoại trưởng Hàn Quốc với ngoại trưởng các nước lưu vực sông Mêkông là Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Miến Điện, hôm 08/09/2021. Trong thông cáo chung, ngoại trưởng các nước nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình tương thân tương ái và chủ nghĩa đa phương để thúc đẩy các mục tiêu chung. 

(RFI) – Pháp và Úc đàm phán tăng cường hợp tác quân sự ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nếu đàm phán có kết quả, Pháp có thể trở thành đồng minh thân cận nhất của Úc, sau Mỹ. Quân nhân và chiến hạm Pháp có thể đóng ở các căn cứ của Úc. Pháp và Úc thắt chặt quan hệ vào lúc Canberra phải đối phó với những trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh và Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong vùng.

(Le Figaro) – Gián điệp : Đức mở điều tra nhắm vào nhiều dân biểu. Tư pháp Đức ngày 09/09/2021 có thông báo như trên. Điều tra được mở trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần là đến kỳ bầu cử lập pháp tại Đức. Hồi đầu tuần, chính phủ Đức đã đưa ra các cáo buộc nhắm vào mật vụ Nga, thậm chí còn nêu đích danh nhóm Goshwitter, chuyên về phát tán tin giả tại nhiều nước và được đặt dưới sự điều phối của cơ quan tình báo Nga GRU. Matxcơva bị Berlin chỉ trích là muốn tác động đến kết quả bầu cử Nghị Viện Đức ngày 26/09.

(RFI) – Nga tìm cách kiểm soát lạm phát. Chỉ ít ngày trước kỳ bầu cử Quốc Hội, Ngân hàng Trung ương Nga họp vào ngày 10/09/2021 để tìm giải pháp cho tình trạng lạm phát lên đến hơn 6,7% và là mức cao nhất kể từ 5 năm nay. Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá trong thời gian qua, như thực phẩm tăng thêm 8,5% trong vòng 12 tháng gần đây. Sức mua là một trong những vấn đề người dân Nga quan tâm và điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc Hội diễn ra từ ngày 17-19/09.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210910-tin-tong-hop