Tin Tổng Hợp – 10/7/21
Pháp, Mỹ tăng cường hợp tác chống khủng bố Hồi Giáo
Hôm qua, 09/07/2021, tại Washington, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã ký một thỏa thuận hợp tác mới giữa lực lượng đặc nhiệm của hai nước trong cuộc chiến chống quân thánh chiến Hồi Giáo cực đoan.
Theo lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Anton Semelroth, thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng đặc nhiệm Pháp và Mỹ không nêu cụ thể một vùng nào, bởi vì hai nước tham gia chống khủng bố Hồi Giáo ở những chiến trường rất khác nhau.
Việc ký kết thỏa thuận nói trên, cũng như chuyến thăm của bộ trưởng Parly đến Washington, diễn ra vào lúc Hoa Kỳ sắp hoàn tất cuộc triệt thoái khỏi Afghanistan, còn Pháp thì giảm bớt sự hiện diện quân sự ở vùng Sahel, châu Phi. Hôm thứ Năm 08/07, tổng thống Joe Biden đã thông báo sẽ rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan từ đây đến ngày 31/08, còn hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron cho biết là Pháp sẽ bắt đầu đóng cửa các căn cứ ở miền bắc Mali trong 6 tháng cuối năm nay.
Tuy nhiên, cả Washington lẫn Paris đều không muốn từ bỏ nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo.
Biden bổ nhiệm tân đại sứ Mỹ tại Pháp
Cũng về quan hệ Pháp-Mỹ, hôm qua, Nhà Trắng thông báo tổng thống Biden đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, bà Denise Campbell Bauer làm tân đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, kiêm đại sứ ở Monaco. Năm nay 57 tuổi, nói tiếng Pháp rất thông thạo, bà Campbell Bauer từng là đại sứ Mỹ ở Vương quốc Bỉ và là một người đấu tranh bảo vệ vị trí của phụ nữ trong chính giới. Việc bổ nhiệm bà làm đại sứ Mỹ ở Pháp còn phải chờ được Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn y.
Thanh Phương
Nghị Viện Châu Âu kêu gọi các lãnh đạo Liên Âu không dự Thế Vận Hội Bắc Kinh
Hôm qua, 08/07/2021, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu từ chối lời mời của Trung Quốc đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 để tỏ thái độ phản đối những vi phạm nhân quyền, đặc biệt là tại Hồng Kông.
Trong bản nghị quyết, các nghị sĩ châu Âu «lên án một cách mạnh mẽ nhất» việc cưỡng bức nhật báo Apple Daily đình bản, phong tỏa tài sản của tờ báo này và bắt giữ các phóng viên của nhật báo ủng hộ dân chủ. Theo các nghị sĩ châu Âu, với những hành động này, Trung Quốc đã tiến thêm một bước đến việc « giải thể xã hội tự do ở Hồng Kông và chấm dứt vĩnh viễn các quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Hồng Kông».
Nghị quyết (không mang tính ràng buộc pháp lý) của Nghị Viện Châu Âu còn yêu cầu Ủy Ban Châu Âu và các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu xem luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông là chủ đề «ưu tiên tuyệt đối» trong chương trình nghị sự của mọi cuộc họp giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc.
Theo hãng tin AFP, Văn phòng đại diện cao cấp nhất của Trung Quốc ở Hồng Kông đã chỉ trích việc Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết nói trên, xem đây là một hành động «mị dân» và «gây cản trở» cho hợp tác «hai bên cùng có lợi» giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.
Cùng ngày, Quốc Hội Bỉ cũng đã thông qua một nghị quyết cảnh báo về « nguy cơ diệt chủng nghiêm trọng » đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nghị quyết đã được thông qua với 125 phiếu thuận và không có phiếu chống nào. Quốc Hội của Hoa Kỳ và của một số nước phương Tây cũng đã xem chính sách mà Bắc Kinh thi hành đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo là hành động «diệt chủng». Bắc Kinh, hôm nay, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, đã có phản ứng, yêu cầu Bỉ «sửa chữa ngay lập tức sai lầm để tránh làm tổn hại quan hệ Trung Quốc – Bỉ».
Chính quyền của tổng thống Joe Biden ngay từ hôm nay 09/07/2021 sẽ đưa thêm vào danh sách đen của Mỹ 10 công ty Trung Quốc và các thực thể khác bị nghi ngờ đã hưởng lợi từ việc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Thanh Phương
G20 bật đèn xanh cho việc đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia
Trong cuộc họp tại Venise, Ý, ngày 09/07/2021, bộ trưởng Kinh Tế của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thống nhất bật đèn xanh về thỏa thuận đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia. Mức thuế « ít nhất là 15% », được áp dụng ở nơi mà những tập đoàn này có doanh thu, được cho là biện pháp hữu hiệu để xóa những thiên đường thuế. Quảng cáo
Biện pháp áp thuế toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia đã được 131 nước thông qua trước đó. Những quy định cụ thể sẽ được nghiên cứu từ nay đến tháng 10/2021 và có thể sẽ được áp dụng ngay từ năm 2023.
Đối với bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, được AFP trích dẫn, « điều mà không một ai chấp nhận được » là « các tập đoàn kỹ thuật số vẫn lách được thuế ». Pháp, cùng với nhiều nước thành viên G20, như Mỹ và Đức, muốn áp mức thuế trên 15%, tuy nhiên tạm thời sẽ không có gì thay đổi cho đến cuộc họp của 19 nước giầu nhất thế giới và Liên Hiệp Châu Âu, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới đây.
Theo thẩm định của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE), mức thuế tối thiểu 15% sẽ giúp thu về thêm 150 tỉ đô la hàng năm.
Một trong những điểm quan trọng của biện pháp cải cách trên là phân phối công bằng giữa các quốc gia quyền đánh thuế lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, ví dụ như tập đoàn dầu khí BP có mặt tại 85 nước. Ngoài ra, nằm trong tầm ngắm còn có « 100 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất thế giới, chỉ riêng họ chiếm đến một nửa lợi nhuận của cả thế giới », trong đó có GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple), theo giải thích của ông Pascal Saint-Amans, thuộc OCDE.
Một điểm quan trọng khác trong cải cách là sẽ có ít nhất 10.000 doanh nghiệp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là những doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro.
Thu Hằng
Anh, Mỹ và nhiều nước quan ngại sẽ có luật truyền thông mới ở Hong Kong
Anh, Hoa Kỳ và một liên minh các quốc gia khác hôm 9/7 nói họ lo ngại có thể luật mới sẽ được đưa ra ở Hong Kong và có thể được sử dụng để hạn chế tự do truyền thông của thành phố này, Reuters đưa tin.
“Chúng tôi rất lo ngại về khả năng ban hành luật mới nhằm mục đích hoặc có thể có nguy cơ chúng được sử dụng để loại bỏ sự giám sát và chỉ trích của giới truyền thông về các chính sách và hành động của chính phủ”, tuyên bố do Anh thay mặt cho Liên minh Tự do Truyền thông công bố nói.
Liên minh Tự do Truyền thông bao gồm Úc, Áo, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ý, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Slovakia, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
(SCMP) – Trung Quốc tập trận ở Hoàng Hải. «Cuộc tập trận lớn» trong 5 ngày 09-13/07/2021, diễn ra ngoài khơi bờ đông, từ phía đông nam thành phố Vinh Thành (Rongcheng, tỉnh Sơn Đông) đến gần thành phố Liên Vân Cảng (Lianyungang, tỉnh Giang Tô). Trong thời gian tập trận, khu vực này bị cấm lưu thông hàng hải, theo thông báo ngày 08/07 của Cơ quan An toàn Hàng hải và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Còn theo South China Morning Post, một chiếm hạm chở tên lửa của Đơn vị 91208, thuộc Chiến khu Bắc Bộ, có thể tham gia tập tấn công các mục tiêu trên biển cùng với một số chiến hạm nhỏ được trang bị tên lửa chống hạm.
(AFP) – Thế Vận Hội Tokyo: Vùng Hokkaido cấm khán giả xem bóng đá. Do tình hình dịch Covid-19, tối qua, 09/07/2021, thống đốc vùng Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản, Naomichi Suzuki thông báo quyết định cấm khán giả có mặt trên các khán đài khi diễn ra các trận bóng đá trong khuôn khổ Thế Vận Hội Mùa Hè Tokyo. Theo dự kiến, sẽ có 5 trận bóng đá tại thủ phủ Sapporo của vùng Hokkaido. Tỉnh Fukushima cũng vừa ra quyết định cấm khán giả đến xem các trận bóng chày và bóng mềm ở tỉnh này.
(AFP) – Covid-19: Vac-xin ARNm có thể gây viêm tim. Ngày 09/07/2021, các chuyên gia của Ban Cố vấn toàn cầu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho rằng có thể có mối quan hệ giữa những ca viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và việc tiêm vac-xin ngừa Covid-19 sử dụng công nghệ ARNm. Tuy nhiên, lợi ích của những loại vac-xin này vẫn cao hơn rủi ro. Giới chuyên gia vẫn tiếp tục theo dõi «để xác định những hiệu ứng phụ trong dài hạn». Như vậy, nhóm chuyên gia của WHO đã xác nhận nghiên cứu của Mỹ sau khi nhiều ca viêm tim được cảnh báo sau khi tiêm vac-xin ARNm tại một số nước, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
(Reuters) – Covid-19: Kỷ lục tử vong ở Nga. Hôm nay, 10/07/2021, Nga thông báo đã có đến 752 người chết vì Covid-19 trong vòng 24 tiếng đồng hồ, một kỷ lục mới về số tử vong hàng ngày tại một quốc gia mà dịch bệnh đang bùng phát trở lại rất mạnh, chủ yếu là do biến thể Delta. Việc phòng chống dịch Covid-19 ở Nga hiện rất phức tạp, với tỷ lệ chích ngừa còn thấp (gần 19,5% dân số), do đa số dân Nga vẫn nghi ngại các vac-xin.
(Reuters) – Mỹ từ chối yêu cầu gởi quân đến Haiti. Hôm qua, 09/07/2021, một bộ trưởng Haiti cho biết hôm thứ Tư 07/07 chính quyền Haiti đã yêu cầu Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc gởi quân đến nước này sau vụ ám sát tổng thống Jevenel Moise. Mục tiêu là bảo vệ những địa điểm chiến lược của Haiti như sân bay, hải cảng hay các cơ sở dầu khí. Washington đã từ chối gởi quân, nhưng hứa sẽ hợp tác với Haiti trong cuộc điều tra về vụ ám sát này.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc triển hạn cơ chế trợ giúp xuyên biên giới tại Syria. Lần đầu tiên, nghị quyết được toàn bộ thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua ngày 09/07/2021. Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 10/07/2022 và chỉ áp dụng cho một đồn biên phòng duy nhất, Bab al Hawa, ở phía tây bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassily Nebenzia, nhấn mạnh là sau cuộc họp thượng đỉnh gần đây tại Geneve giữa tổng thống Putin và Biden, thỏa thuận triển hạn cơ chế trợ giúp nhân đạo Syria mang ý nghĩa «lịch sử», vì «lần đầu tiên, Nga và Mỹ không những đồng thuận, mà còn đệ trình một văn kiện chung được các đồng nhiệm trong Hội Đồng Bảo An ủng hộ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210710-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p