Tin Khắp Nơi – 10/5/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 10/5/21

* Dân biểu lưỡng đảng Mỹ giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam
* Ts. Phạm Đình Bá: Đổi chuyên chính nhai lại Mác Lê qua dân chủ thảo luận
* Đối lập Miến Điện bác bỏ đàm phán với quân đội
* Gordon Chang: Ông Biden chưa đủ nhanh nhạy để đối phó với Trung Quốc
* Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Trái đất

Dân biểu lưỡng đảng Mỹ giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam

10/05/2021

Một buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam hôm 11/5/2016 tại Quốc hội Mỹ. Một nhóm các dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ vừa giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam nhằm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Một buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam hôm 11/5/2016 tại Quốc hội Mỹ. Một nhóm các dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ vừa giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam nhằm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Một nhóm lưỡng đảng các thành viên Hạ viện Mỹ vừa giới thiệu một đạo luật về nhân quyền Việt Nam nhằm buộc các quan chức của quốc gia cộng sản Đông Nam Á “phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đồng thời giúp ưu tiên bảo vệ các quyền tự do và phát triển nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.”

Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, HR 3001, do các dân biểu Chris Smith, thành viên đảng Cộng hoà đại diện bang New Jersey, và bà Zoe Lofgren cũng như ông Alan Lowenthal, đều là đảng viên Dân chủ và cùng đại diện bang California, đồng chủ trì và được đưa ra ngay trước ngày Nhân quyền cho Việt Nam 11/5.

“Tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do internet, các công đoàn độc lập, việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bị buôn bán, và những tiến bộ trong nhà nước pháp quyền phải là những thành phần thiết yếu của bất kỳ nỗ lực nào do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm đảm bảo rằng Việt Nam và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” Dân biểu Smith, người đã chủ trì 11 buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam, nói trong thông cáo đưa ra hôm 6/5 khi công bố về đạo luật lưỡng viện.

Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thường bị các chính phủ phương tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích, nhưng Hà Nội từng lên tiếng phản bác. Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam “tồi tệ về nhiều mặt”, từ tự do ngôn luận cho đến tự do tôn giáo, trong đó Đảng Cộng sản duy trì độc quyền chính trị, không cho phép bất cứ thách thức nào đe doạ sự lãnh đạo của đảng.

“Đáng buồn thay, chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất và ngang nhiên từ chối tôn trọng các quyền mà công dân Việt Nam được hưởng theo luật pháp của họ,” Dân biểu Lowenthal, đại diện Quận 47, nói trong thông cáo. “Đạo luật này cho chính phủ Việt Nam thấy rằng chúng tôi không chỉ theo dõi mà sẽ còn tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền của người dân Việt Nam.”

“Đạo luật Nhân quyền Việt Nam của các thành viên lưỡng đảng chúng tôi sẽ giúp cung cấp cho người dân Việt Nam những công cụ và thông tin mà họ cần để đấu tranh cho sự thay đổi từ bên trong, và nó sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo,” Dân biểu Lofgren, người đại diện cho Quận 19, nơi có một trong những cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Mỹ đang sinh sống, cho biết trong thông cáo đưa ra cùng ngày 6/5.

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 30/3 cho rằng Việt Nam, quốc gia đang nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ từ Hoa Kỳ, là nước độc tài dưới sự cai trị duy nhất của Đảng Cộng sản và có nhiều vấn đề nhân quyền “đáng lưu ý.”

Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản bác các báo cáo nhân quyền của Mỹ và các tổ chức quốc tế và khẳng định rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người.”

Cùng nhận được sự bảo trợ của các dân biểu khác như Lou Correa, thành viên đảng Dân chủ đại diện Quận 46 ở California, Young Kim và Michelle Steel, đều là thành viên đảng Cộng hoà đại diện lần lượt Quận 39 và 48 ở California, đạo luật lưỡng đảng này sẽ cho phép Hoa Kỳ áp chế tài lên các quan chức Việt Nam và những người vi phạm có hệ thống các quyền con người được quốc tế công nhận, đặc biệt bao gồm những sự vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại với các quốc gia trên thế giới và trong cách tiếp cận các vấn đề toàn cầu của Washington.

Dân biểu Smith, tác giả của dự luật này, trước đây từng ba lần giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam ra Quốc hội Mỹ. Các phiên bản trước đều được Hạ viện Mỹ thông qua khi nhận được sự ủng hộ áp đảo từ các thành viên lưỡng đảng nhưng đều bị đình trệ tại Thượng viện.

Đây là nỗ lực mới nhất của Dân biểu Smith, người từng là chủ tịch tiểu ban nhân quyền của Hạ viện Mỹ, nhằm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

“Dự luật này gửi đi một thông điệp lưỡng đảng mạnh mẽ rằng một Việt Nam tự do hơn – quốc gia có tiềm năng là một mỏ neo chiến lược của khu vực và một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ – là lợi ích quốc gia quan trọng đối với Mỹ,” Dân biểu Smith nói trong thông cáo.

Việt Nam chưa có phản ứng ngay về việc công bố Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, nhưng Hà Nội trước đây từng nói rằng báo cáo về nhân quyền của Mỹ là “không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”.

Ngày Nhân quyền cho Việt Nam được tổ chức hàng năm vào 11/5 tại Mỹ sau khi được chỉ định bởi một Nghị quyết chung do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 1994.

VOA

Ts. Phạm Đình Bá: Đổi chuyên chính nhai lại Mác Lê qua dân chủ thảo luận 

Dân ta có thể nghe muốn mệt về cái gọi là chuyên chính Mác Lê mà lãnh đạo đảng đã nhai lại hơn 70 năm nay. Trên tình thần đổi mới và nghĩ khác, tôi loay hoay xem có thứ nào khác không. Dân chủ thảo luận cho rằng các quyết định chính trị phải là sản phẩm của sự thảo luận và tranh luận công bằng và hợp lý giữa các công dân.

Ts. Phạm Đình Bá: Đổi chuyên chính nhai lại Mác Lê qua dân chủ thảo luận

Trong quá trình cân nhắc, các công dân trao đổi các lập luận và xem xét các quyết định khác nhau để đảm bảo lợi ích công cộng. Thông qua cuộc trò chuyện này, công dân có thể đi đến thống nhất về thủ tục, hành động hoặc chính sách nào sẽ tạo ra lợi ích công cộng tốt nhất. Cân nhắc là điều kiện tiên quyết cần thiết cho tính hợp pháp của các quyết định chính trị dân chủ. Thay vì coi các quyết định chính trị là tổng hợp các sở thích của công dân, thuyết dân chủ thảo luận cho rằng công dân nên đi đến các quyết định chính trị thông qua lý trí và tập hợp các lập luận và quan điểm cạnh tranh. Nói cách khác, sở thích của công dân nên được định hình bằng cách cân nhắc trước khi đưa ra quyết định công. Đối với việc ra quyết định của công dân, dân chủ thảo luận chuyển sự chú trọng từ kết quả của quyết định sang chất lượng của quá trình đưa đến quyết định.

Cân nhắc hoặc thảo luận trong các quy trình dân chủ tạo ra các kết quả bảo đảm công ích hoặc lợi ích chung thông qua lý trí hơn là thông qua quyền lực chính trị. Nền dân chủ thảo luận không dựa trên sự cạnh tranh giữa các lợi ích xung đột mà dựa trên sự trao đổi thông tin và những lời biện minh ủng hộ các quan điểm khác nhau về lợi ích công cộng. Cuối cùng, công dân được thuyết phục bởi sức mạnh của lập luận hơn là bởi những mối quan tâm riêng tư, thành kiến hoặc quan điểm không thể biện minh công khai đối với những người tham gia trong tranh luận.

Ảnh hưởng ban đầu của dân chủ thảo luận

Hai trong số những người có ảnh hưởng ban đầu đến lý thuyết dân chủ thảo luận là các nhà triết học John Rawls và Jürgen Habermas. Rawls ủng hộ việc sử dụng lý trí để đảm bảo khuôn khổ cho một xã hội chính trị công bằng. Đối với Rawls, lý trí cắt bỏ tư lợi để biện minh cho cấu trúc của một xã hội chính trị công bằng cho tất cả những người tham gia trong xã hội đó và đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các thành viên của xã hội. Những điều kiện này đảm bảo khả năng tham gia công bằng của công dân. Habermas cho rằng các thủ tục công bằng và thông tin liên lạc rõ ràng có thể tạo ra các quyết định hợp pháp và đồng thuận của công dân. Các thủ tục công bằng này điều chỉnh quá trình cân nhắc là những gì hợp pháp hóa các kết quả.

Các tính năng của sự cân nhắc trong dân chủ thảo luận

Các nhà lý thuyết dân chủ thảo luận có xu hướng lập luận rằng công khai và minh bạch là một đặc điểm cần thiết của các quá trình dân chủ hợp pháp. Đầu tiên, các vấn đề trong một nền dân chủ nên được công khai, minh bạch và nên được tranh luận rộng rãi. Thứ hai, các quy trình trong thể chế dân chủ phải được công khai và chịu sự giám sát của công chúng. Cuối cùng, ngoài việc được cung cấp thông tin, công dân cần đảm bảo sử dụng một hình thức tranh luận công khai để đưa ra các quyết định chính trị, thay vì dựa vào các nguồn thẩm quyền “siêu việt”, chẳng hạn như “đảng”, “lãnh đạo”, “tư tưởng Mác Lê”, “đạo đức bác XX”. Bản chất công khai của lý do được sử dụng để đưa ra các quyết định chính trị tạo ra kết quả công bằng và hợp lý nhưng có thể được sửa đổi lại nếu được có thông tin mới hoặc cần cân nhắc thêm.

Một số nhà lý thuyết dân chủ thảo luận cho rằng quá trình trao đổi tranh luận nhằm tìm ra những quan điểm trái ngược nhau có thể và nên tạo ra một sự đồng thuận. Những người khác nghĩ rằng sự bất đồng sẽ vẫn còn sau khi quá trình thảo luận hoàn thành nhưng sự cân nhắc đó có thể tạo ra kết quả chính đáng mà không cần sự đồng thuận. Ngay cả khi việc trao đổi lý do, lập luận và quan điểm dường như không tạo ra kết quả rõ ràng, nhiều nhà lý thuyết dân chủ thảo luận cho rằng bất đồng chính kiến được đưa ra ánh sáng và làm cho công khai, và nếu tiếp tục tranh luận, sẽ tăng cường quá trình dân chủ.

Bởi vì quá trình thảo luận đòi hỏi công dân phải hiểu, hình thành và trao đổi lập luận cho quan điểm của họ, các quy tắc giao tiếp rõ ràng và các quy tắc tranh luận là rất quan trọng để hình thành một môi trường trong đó tranh luận là điều bình thường. Công dân phải có khả năng trình bày các yêu sách của họ theo những cách dễ hiểu và có ý nghĩa với những người tham gia vào tranh luận. Những trao đổi này cũng phải được hỗ trợ bởi lập luận và lý do làm cho những quan điểm này có thể biện minh công khai cho những người tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Hầu hết các lý thuyết về dân chủ thảo luận đều cho rằng sự bao gồm tối đa các công dân và quan điểm khác nhau của họ sẽ tạo ra các kết quả chính trị hợp pháp và hợp lý nhất. Ngoài việc cải thiện mức độ thảo luận và chiếm nhiều tranh luận nhất, các quá trình thảo luận rộng rãi hơn thường là công bằng hơn vì nhiều người đưa ra ý kiến và các ý kiến nầy được xem xét cẩn trọng hơn. Cho dù quan điểm của một công dân có xuất hiện trong kết quả hay không, thì ít nhất các quan điểm nầy đã được đưa vào cuộc tranh luận, và quan trọng hơn nữa, nhiều công dân tham gia vào các cuộc tranh luận.

Những thách thức đối với lý thuyết dân chủ thảo luận

Nhiều nhà lý thuyết dân chủ thảo luận coi những thách thức có thể xảy ra sau đây với dân chủ thảo luận. Nếu chỉ một số phương thức biểu đạt, hình thức lập luận và phong cách văn hóa nhất định được chấp nhận một cách công khai, thì tiếng nói của một số công dân sẽ bị loại trừ. Việc loại trừ này sẽ làm giảm chất lượng và tính hợp pháp của các kết quả của quá trình cân nhắc. Hơn nữa, thảo luận giả định năng lực của công dân là hợp lý, hợp tác, thống nhất và định hình quan điểm của họ dựa trên tranh luận hợp lý và cân nhắc quan điểm của người khác. Một số người cho rằng điều này có thể vượt qua khả năng của các công dân thường, hoặc do bản chất con người hoặc do những thành kiến và bất bình đẳng xã hội đã tồn tại. Các điều kiện xã hội, chẳng hạn như bất bình đẳng xã hội, đa nguyên, phức tạp xã hội cũng là những lý do tại sao một số người hoài nghi về khả năng tồn tại của một hình thức dân chủ thảo luận.

Mục đích cuối cùng của thực hành dân chủ thảo luận là tăng cường sự tham gia của người dân, kết quả tốt hơn và một xã hội dân chủ thực sự hơn.

https://www.britannica.com/

Đối lập Miến Điện bác bỏ đàm phán với quân đội

Đăng ngày: 10/05/2021 – 15:11

(Ảnh minh họa) - Biểu tình phản đối vụ quân đội đảo chính, tại Kyaukme, bang Shan, ngày 02/05/2021.
(Ảnh minh họa) – Biểu tình phản đối vụ quân đội đảo chính, tại Kyaukme, bang Shan, ngày 02/05/2021. AFP – HANDOUT

Trọng Thành

Nỗ lực khẳng định một chính quyền đối lập với tập đoàn quân sự tiếp tục tại Miến Điện. Theo báo chí đối lập hôm nay, 10/05/2021, « Chính phủ Đoàn kết Dân tộc » (NUG) chống chính quyền quân sự bắt đầu xây dựng một « nền giáo dục song song », chống lại ảnh hưởng của tập đoàn quân sự trong giới trẻ. Trước đó, thứ Bảy, 08/05, đối lập Miến Điện khẳng định sẽ không đàm phán với giới tướng lĩnh, nếu việc đối thoại này đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân Miến Điện.

Theo báo Irrawady, phó tổng thống « Chính phủ Đoàn kết Dân tộc » Miến Điện, ông Duwa Lashi La, người đứng đầu lực lượng đối lập, có một bài phát biểu đáng chú ý, nhấn mạnh hiện tại « con đường đàm phán được thống nhất tại hội nghị cấp cao của khối ASEAN không phải là điều mà người dân Miến Điện mong muốn ». Lãnh đạo lực lượng chống tập đoàn quân sự hoan nghênh các nỗ lực của khối ASEAN trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng Miến Điện, nhưng khẳng định ASEAN nên lắng nghe người dân Miến Điện, đồng thời nhấn mạnh là đối lập Miến Điện sẽ chỉ đàm phán với tập đoàn quân sự, khi nào dân chúng muốn.

Đây là lần thứ hai Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện từ chối đối thoại với tập đoàn quân sự. Tuyên bố đầu tiên được đưa ra ngày 27/04. Lực lượng chống tập đoàn quân sự khẳng định « thủ phạm duy nhất » của tình trạng bạo lực hiện nay là tập đoàn quân sự. Tuyên bố của lãnh đạo NUG được đưa đúng vào lúc chính quyền quân sự tuyên bố chỉ tiếp đón đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện, một khi tình hình tại quốc gia này bình ổn trở lại.

Theo Irrawady, đông đảo dân chúng tại Miến Điện thất vọng trước việc khối ASEAN loại NUG khỏi hội nghị về Miến Điện tại Indonesia hôm 24/04. Việc các lãnh đạo ASEAN không yêu cầu trả tự do cho những người bị giam giữ cũng đã khiến nhiều người Miến Điện thất vọng, và cho rằng ASEAN không hiểu được thực chất tình hình tại Miến Điện. Rất ít người hy vọng ASEAN có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay.

Lực lượng chống tập đoàn quân sự nỗ lực khẳng định vị thế, trong lúc chờ đợi các điều kiện cho phép đối thoại với chính quyền quân sự. Trả lời báo Myanmar Now, ông Ja Htoi Pan, một người phụ trách Giáo Dục của NUG, cho biết lực lượng đối lập đang có kế hoạch xây dựng một hệ thống đào tạo song song, với đối tượng là các sinh viên không muốn học tại các trường do Quân Đội kiểm soát. Phương thức « đào tạo ngay tại nhà » sẽ là một trong các giải pháp thay thế chính.

Về phía quốc tế, có thêm vận động yêu cầu công nhận Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện. Hôm nay, nhiều chuyên gia hàng đầu về Miến Điện tại Pháp, trong đó có nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher, đã công bố thư ngỏ trên Le Monde, kêu gọi nước Pháp « công nhận ngay tức khắc Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện ». Hôm 08/06, theo CNBC, cựu đại sứ Mỹ tại Miến Điện, Scot Marciel, khẳng định Hoa Kỳ và Trung Quốc nên phối hợp tìm giải pháp chấm dứt bạo lực tại Miến Điện.

RFI

Gordon Chang: Ông Biden chưa đủ nhanh nhạy để đối phó với Trung Quốc

Tiến Minh•Thứ Hai, 10/05/2021

Khi Joe Biden còn đang tiếp tục rà soát lại chính sách về Trung Quốc, chuyên gia Gordon Chang đã phàn nàn về các bước đi chậm chạp của Mỹ nhằm đối phó với sự hung hăng và các ý đồ của nhà nước cộng sản này.

Gordon Chang (Ảnh: Epoch Times)
“Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng chưa đủ nhanh, và đó là một hiểm họa”, ông Chang nói với chương trình “American Thought Leader” (“Các chuyên gia tư tưởng hàng đầu của Mỹ”) của The Epoch Times. 

“Những gì Trung Quốc đang làm có thể hủy diệt hệ thống của chúng ta, bởi vì chúng ta đang không có các động thái và phương tiện đáp trả thích ứng và kịp thời.”

Ông Chang nói thêm, “Trung Quốc rồi sẽ thống trị thế giới, trừ phi họ không quá hiếu chiến.”

Ông Chang là một trong những người hăng hái nhất trong việc tố cáo các nỗ lực của Trung Quốc nhằm xâm nhập và tác động vào xã hội Mỹ.

“Trung Quốc đã khuynh đảo xã hội của chúng ta. Họ đã thao túng FBI, họ thao túng cả việc thực thi pháp luật của chính quyền ở các địa phương”, ông Chang nói, “Chúng ta phải tìm cách đối phó với hành vi này.”

“Ví dụ, phi vụ ‘mật ngọt’ của điệp viên Trung Quốc Christine Fang nhắm vào Dân biểu Eric Swalwell. Khởi đầu, anh ta chỉ là một quan chức chính phủ cấp thấp, nhưng cuối cùng anh ta đã khuynh đảo được cả chính phủ Liên bang.”

“Điều này cho thấy có nhiều hơn một Eric Swalwell. “Có thể có hàng chục, thậm chí hàng trăm Swalwell, đồng nghĩa với có hàng chục và hàng trăm Christine Fan,” ông Chang nói thêm.

“Cần phải bắt đầu loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc ra khỏi xã hội của chúng ta. Trung Quốc đều tìm cách xâm nhập vào bất cứ cơ quan nào ở Mỹ,” ông cảnh báo.

“Thật trớ trêu cho nước ta, là khi chúng ta nói về bộ mặt thật của Trung Quốc, thì một vị tổng thống của chúng ta lại bảo: “Ồ Trung quốc, chỉ là một kẻ cạnh tranh ấy mà!”. Ừ, theo một nghĩa nào đó, cứ giả định họ là đối thủ cạnh tranh đi! Nhưng thực tế, cái tên chuẩn nhất dành cho họ và cần được phổ biến rộng rãi, phải là Kẻ thù.”

Ông Chang lưu ý rằng truyền thông Trung Quốc đã “bắt đầu nói về nước Mỹ với giọng điệu binh biến” kể từ năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch virus corona toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó đã cố ý đóng cửa đất nước của mình nhưng lại cho phép người Trung Quốc bay khắp thế giới ngay khi COVID-19 bắt đầu lan rộng từ Vũ Hán.

“Tập đã đi những bước mà ông ấy biết, hoặc phải biết, là sẽ gieo rắc mầm bệnh này ra ngoài biên giới Trung Quốc, và điều đó có nghĩa là những người Mỹ đã bị giết. Đó là hành vi giết người, giết người hàng loạt. Chúng ta cần làm gì để bắt đầu tự vệ đây?” – ông Chang đặt câu hỏi.

“Chúng ta biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia đã tấn công tất cả các quốc gia khác”, ông Chang nói thêm.

“Trong thể chế dân chủ, thật khó cho chúng ta khi phải đối mặt với khái niệm về cái ác, và chúng ta thực sự không thể nói điều này ra. Nhưng theo tôi, chúng ta phải bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về hậu quả của những gì Trung Quốc đã làm.”

“Tôi tin rằng [chế độ cộng sản Trung Quốc] là một tội ác chống lại loài người, chống lại toàn thể nhân loại.”

“Ngay cả khi Trung Quốc không cho phép bất cứ ai chứng minh COVID-19 có nguồn gốc từ Viện Vi trùng học Vũ Hán, thì hành vi của ông Tập là hiểm ác”, ông Chang nói tiếp: “Chúng tôi có thể vạch ra những vấn đề khác nữa, tất cả những gì chúng tôi cần làm sang tỏ”.

“Đây là cuộc chiến không giới hạn”, ông Chang nói, đề cập đến việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas, vì các cáo buộc liên quan đến việc phát tán thông tin qua TikTok nhằm kích động các cuộc nổi loạn ở Mỹ thông qua phong trào Black Lives Matter và tổ chức Antifa vào năm 2020.

“Đó không chỉ là sự lật đổ, mà còn là một hành động chiến tranh”, ông Chang nói, lưu ý rằng vào tháng 10/2020, trưởng văn phòng châu Âu của tờ China Daily đã “hy vọng” trên Twitter rằng sẽ có nhiều bom xăng được ném ra đường phố trong các cuộc biểu tình bạo loạn ở Mỹ.

“Họ đang quyết lật đổ chính phủ Hoa Kỳ và chúng ta dường như không phản ứng gì với điều đó,” ông Chang than thở.

Tiến Minh (theo Newsmax)

Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Trái đất

Tâm Di • 10/05/21

Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Trái đất

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B được phóng từ Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc vào hôm 29/4 vừa qua (Nguồn ảnh: STR / AFP) / China OUT (Photo by STR/AFP via Getty Images)

Vào sáng ngày 9/5 theo giờ địa phương, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã quay trở lại khí quyển Trái đất và rơi xuống Ấn Độ Dương. Cảnh mảnh vỡ tên lửa này rơi xuống Trái đất đã được quay lại.

Theo hãng Reuters đưa tin, vào lúc 10h24’ sáng 9/5 theo giờ địa phương, Văn phòng Kỹ thuật không gian có người lái của Trung Quốc cho biết, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã quay trở lại khí quyển Trái đất và rơi xuống Ấn Độ Dương.

Ngày 9/5, tờ Guardian của Anh cũng đã đăng một số cảnh quay ở Jordan và Oman ghi lại cảnh mảnh vỡ tên lửa này rơi xuống Trái đất. Trên bầu trời Jordan, mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống trông như một đốm sáng, còn tại Oman thì có hình dạng một vệt sáng.

Tờ New Zealand Herald cũng chia sẻ một video được đăng trên tài khoản Twitter của người dùng có tên Walid cho thấy, mảnh vỡ tên lửa này đã bay qua bầu trời Jordan.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, xác tên lửa rơi xuống địa điểm có tọa độ 2,65 độ vĩ Bắc và 72,47 độ kinh Đông, gần đảo quốc Maldives. Tuy nhiên, hầu hết các mảnh vỡ đã bị thiêu rụi khi đi vào bầu khí quyển Trái đất.

Theo tờ South China Morning Post, vụ việc xác tên lửa Trung Quốc rơi trở lại Trái đất hiện chưa có thiệt hại nào được ghi nhận. Thông tin này đã kết thúc một tuần đầy lo âu khi nhiều người bàn tán về thời điểm và địa điểm mà xác tên lửa này rơi xuống Trái đất.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B được phóng từ Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc vào hôm 29/4 vừa qua, mang theo mô-đun lõi Thiên Hòa của trạm không gian Thiên Cung mà Bắc Kinh đang xây dựng.

Tuy nhiên, thay vì rơi xuống địa điểm đã định trước trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh địa cầu trong tình trạng mất kiểm soát. Tầng trung tâm này nặng khoảng 21 tấn, dài khoảng 30m và rộng khoảng 5m.

Theo tờ The Hill, vào hôm thứ Bảy ngày 8/5 theo giờ Mỹ, ông Bill Nelson, Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cũng đã lên tiếng về vụ việc này. Ông nói: “Các quốc gia có hoạt động du hành vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro cho con người và tài sản trên Trái đất trong quá trình các vật thể không gian quay trở lại Trái đất, đồng thời tối đa hóa tính minh bạch về các hoạt động đó”. 

Ông nói thêm rằng: “Rõ ràng Trung Quốc đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ tàu vũ trụ của họ.”

Trong một diễn biến khác, nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell, người theo dõi sát sao phần tên lửa rơi của Trung Quốc, đã cho biết trên Twitter rằng: “Về mặt thống kê, một chuyến du hành quay trở lại đại dương [của các mảnh vỡ] luôn có khả năng xảy ra cao nhất. Có vẻ như Trung Quốc đã may mắn trong canh bạc của mình (trừ phi có tin tức gì mới từ Maldives…) Nhưng họ đã rất liều lĩnh”.

An ocean reentry was always statistically the most likely. It appears China won its gamble (unless we get news of debris in the Maldives). But it was still reckless

— Jonathan McDowell (@planet4589) May 9, 2021

Tâm Di