Tin Tổng Hợp – 10/3/22: Mỹ bác đề nghị chuyển MIG-29 cho Ukraina

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 10/3/22: Mỹ bác đề nghị chuyển MIG-29 cho Ukraina

Phó tổng thống Harris thăm Ba Lan, Mỹ bác đề nghị chuyển MIG-29 cho Ukraina

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm nay 10/03/2022 bắt đầu thăm Ba Lan, trước khi sang Rumani. Chuyến đi của bà Harris nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ba Lan, nước láng giềng của Ukraina, vài ngày sau khi ngoại trưởng Antony Blinken thăm và hứa sẽ trợ giúp Bucarest đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo do chiến tranh.

Tuy nhiên, mới đây hai bên có bất đồng về việc chuyển giao chiến đấu cơ Mig-29 cho Ukraina. Hoa Kỳ bác hẳn đề nghị của Ba Lan đưa các phi cơ này sang một căn cứ quân sự ở Đức để chính phủ Mỹ chuyển cho Kiev, cho rằng giải pháp này có quá nhiều rủi ro.

Từ Vacxava, thông tín viên Sarah Bakaloglou tường trình:

«Trong chương trình thảo luận giữa bà Kamala Harris với thủ tướng và tổng thống Ba Lan, có cam kết của Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh NATO, và việc trừng phạt Nga vì đã xâm lăng Ukraina. Chuyến đi này cũng nhằm bày tỏ sự ủng hộ Ukraina, nhất là về quân sự.

Nhưng vài giờ trước khi lên đường, một hồ sơ nhạy cảm đã đặt ra, đó là các chiến đấu cơ Mig-29 của Ba Lan mà Kiev yêu cầu được cung cấp. Để không phải can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, Vacxava muốn giao cho Mỹ, rồi sau đó Washington hoặc NATO chuyển cho Ukraina. Về phía Hoa Kỳ lại muốn rằng quyết định gởi máy bay cho Ukraina phải được chính phủ Ba Lan đưa ra, và bác bỏ đề nghị của Vacxava.

Theo văn phòng tổng thống Ba Lan, vụ này không làm nguội lạnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ba Lan. Lúc bà Kamala Harris sắp sang Ba Lan, Vacxava nhắc nhở rằng liên minh giữa hai nước rất chặt chẽ, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Phía Ba Lan nhấn mạnh mục tiêu chính là bảo đảm an ninh cho Ukraina, nhưng cũng lo cho an ninh của chính họ.

Khoảng 10.000 quân nhân Mỹ đã hiện diện tại Ba Lan và hôm qua Hoa Kỳ thông báo gởi thêm hai dàn hỏa tiễn phòng không Patriot mới.»

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220310-ph%C3%B3-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-harris-th%C4%83m-ba-lan-m%E1%BB%B9-b%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-chuy%E1%BB%83n-mig-29-cho-ukraina

Cố vấn tổng thống Ukraine: Chiến tranh gây ra thiệt hại 100 tỷ đô la tính đến nay

Cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ Ukraine Oleg Ustenko hôm thứ Năm 10/3 nói rằng các lực lượng xâm lược Nga cho đến nay đã phá hủy cơ sở hạ tầng, các tòa nhà và các tài sản vật chất khác trị giá ít nhất 100 tỷ đô la Mỹ.

Trong một hội thảo trực tuyến do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức, ông Ustenko, cố vấn kinh tế chính của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói rằng chiến tranh đã khiến 50% doanh nghiệp Ukraine phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi nửa còn lại hoạt động dưới công suất của họ.

Ông cho biết ước tính về thiệt hại là “rất tương đối” và bao gồm đường xá, cầu cống, bệnh viện, thiết bị và các tài sản khác.

Khi được hỏi nỗ lực tái thiết sẽ lấy ngân quỹ từ đâu, ông Ustenko cho rằng có lẽ một phần sẽ là các tài sản của Nga đang bị phong tỏa trên toàn thế giới, bao gồm cả tài sản của ngân hàng trung ương Nga được gửi ở hải ngoại và bị giữ lại theo các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông nói thêm rằng các tài sản bị tịch thu của các nhà tài phiệt Nga giàu có cũng có thể được chuyển vào quỹ tái thiết.

(Reuters)

22:10
10.3.2022

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm 10/3 nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đều không hợp pháp và Nga sẽ bình tĩnh giải quyết các vấn đề nảy sinh từ chúng.

Phát biểu trong một cuộc họp chính phủ, ông Putin cũng cho biết Moscow – nhà sản xuất năng lượng lớn cung cấp một phần ba khí đốt cho châu Âu – sẽ tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng.

“Rõ ràng là vào những thời điểm như vậy, nhu cầu của người dân về một số mặt hàng nhất định luôn tăng lên, nhưng chúng ta không nghi ngờ gì là chúng ta sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề này trong khi làm việc một cách bình tĩnh”, ông Putin nói.

“Dần dần, mọi người sẽ tự định hướng cho mình, họ sẽ hiểu rằng đơn giản là không có sự kiện nào mà chúng ta không thể khép lại và giải quyết”, vẫn lời ông Putin.

(Reuters)

21:37
10.3.2022

Trang tin chính trị Politico đưa tin rằng cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ở thời điểm hiện tại để đàm thoại về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Ông Schroeder, thủ tướng Đức từ 1998 đến 2005, đã bị soi mói, bới móc trong thời gian gần đây vì ông có những mối liên hệ với các công ty Nga.

Ông là thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga và là chủ tịch ủy ban cổ đông của công ty phụ trách việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 đang bị Hoa Kỳ trừng phạt.

(Reuters)

16:51
10.3.2022

Anh trừng phạt thêm các tài phiệt Nga, gồm cả Abramovich

Anh ra lệnh cấm du hành và đóng băng tài sản của thêm bảy nhà tài phiệt Nga nữa, trong đó có ông Roman Abramovich, tỷ phú sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea thuộc giải Premier League của Anh.

Chính phủ cho biết hôm thứ Năm 10/3 rằng tài sản của ông Abramovich bị đóng băng, ông bị cấm đến Vương quốc Anh và ông bị cấm giao dịch với các cá nhân và doanh nghiệp ở Vương quốc Anh.

Tuần trước, tỉ phú Abramovich cho biết ông đang tìm cách bán câu lạc bộ Chelsea khi có nguy cơ ông bị trừng phạt.

Trong số những người mới bị Anh đưa vào danh sách trừng phạt còn có nhà công nghiệp Oleg Deripaska và giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin.

Các biện pháp trừng phạt của Anh quốc nhằm đáp trả hành động Nga xâm lược Ukraine.

(AP)

https://www.voatiengviet.com/a/nga-ukraine-xung-dot/6456674.html

Đại sứ các nước thuộc EU, Thuỵ Sĩ, Na Uy và Anh kêu gọi Việt Nam ủng hộ Ukraine

RFA – 2022.03.10 – Các vị đại sứ Liên Minh Châu Âu (EU), Na Uy, Thụy Sĩ, và Vương Quốc Anh tại Hà Nội cùng kêu gọi Việt Nam theo lập trường ủng hộ Ukraine. Trang mạng của Phái đoàn EU tại Việt Nam vào ngày 8/3 đăng bài báo chung do các vị đại sứ vừa nêu.

Đại sứ các nước thuộc EU, Thuỵ Sĩ, Na Uy và Anh kêu gọi Việt Nam ủng hộ Ukraine

Đại diện ngoại giao các nước thuộc EU chụp hình ủng hộ Ukraine tại Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội hôm 28/2/2022 – European Union in Hanoi

Bài báo chung nhắc lại việc Việt Nam không nằm trong nhóm 141 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Liên hiệp quốc hôm 2/3 kêu gọi Nga rút quân ngay ra khỏi Ukraine.

Việt Nam nằm trong số 35 quốc gia đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết này mặc dù trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ trước đó, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang đã nêu lập trường của Việt Nam là phản đối chiến tranh và kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bài báo chung của các Đại sứ các nước EU, Na Uy và Anh có đoạn viết:

Cũng giống như người dân châu Âu, người dân Việt Nam không may mắn khi biết quá rõ chiến tranh là như thế nào. Việt Nam, cũng như châu Âu, đã nếm trải nỗi đau khổ của những thường dân vô tội và biết rằng tại sao việc đấu tranh cho quyền tự do và giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình là vô cùng quan trọng. Việt Nam, cũng như châu Âu, hiểu rất rõ những gì mà người dân Ukraine đang phải trải qua.”

Và đặt câu hỏi cho lập trường của Việt Nam:

Xét về mặt khoảng cách địa lý, Việt Nam đương nhiên có những lợi ích riêng và một số quan điểm khác với chúng tôi ở châu Âu. Nhưng trong thời điểm khủng hoảng này, tất cả chúng ta phải tập trung vào câu hỏi căn bản là liệu có biện minh được cho việc Nga, một nước lớn, bắt nạt và xâm lược nước láng giềng Ukraine để cố gắng vẽ lại các ranh giới trên bản đồ, đi ngược lại các quy tắc quốc tế hay không? Việt Nam liệu có được lợi ích khi thế giới được cai trị bằng logic đó hơn là bằng luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình?”

Các đại sứ các nước nhìn nhận Việt Nam và Liên Xô cũ đã có quan hệ tốt đẹp trong quá khứ khi Liên Xô đã giúp Việt Nam rất nhiều nhưng “Liên Xô đã tan rã từ lâu và chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới.”

Vì vậy, các đại sứ các nước Châu Âu kêu gọi “Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ với Nga”. Phần cuối của bài báo viết:

Chúng tôi tin rằng các bạn, những người Việt Nam, cũng như chúng tôi, đều mong muốn một kết quả tích cực cho cả Nga và Ukraine. Chúng tôi hy vọng rằng các bạn chia sẻ quan điểm với chúng tôi rằng việc giảm leo thang và rút lui quân sự không chỉ là điều đúng đắn cần làm vì những lý do về mặt pháp lý và nhân đạo, mà đó còn là lựa chọn chính trị đúng đắn của Nga vì toàn thể cộng đồng quốc tế và vì hòa bình và sự ổn định mà các dân tộc của chúng ta cần có để phát triển.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ambassadors-of-the-eu-norway-switzerland-and-the-uk-encourga-vietnam-to-support-ukraine-03102022080303.html

(AFP) – Ukraina: Bộ phim «Đầy tớ của nhân dân» mà ông Zelensky từng đóng trước khi làm tổng thống được săn đón. Nhiều đài truyền hình trên thế giới và các mạng phim trực tuyến, trong đó có Netflix, đang tìm mua bản quyền phát sóng bộ phim nhiều tập từng mở ra cơ hội cho diễn viên hài Zelensky bước vào chính trường. Tại Hy Lạp, bộ phim đang được phát hàng tối vào giờ có nhiều khán giả xem truyền hình nhất. Eccho Rights, công ty nắm bản quyền phát hành phim, có trụ sở tại Stockholm, thông báo tặng 50.000 euro cho Hội chữ thập đỏ chi nhánh Ukraina và sẽ tiếp tục tài trợ mỗi khi ký thêm được hợp đồng.

(France 24) – Formule 1: Tay đua Nga Nikita Mazepin lập quỹ ủng hộ các vận động viên Nga bị mất việc vì các lý do chính trị. Thông báo được đưa ra ngày 09/03/2022. Bản thân tay đua Nikita Mazepin, 23 tuổi, hồi tuần trước đã bị loại khỏi giải đua xe Formule 1 Hass sau khi Nga xâm lược Ukraina. Đơn vị tài trợ cho quỹ «We compete As One» là tập đoàn Nga Uralkali, nhà tài trợ của giải Formule 1 Hass, nhưng đã bị Mỹ cắt hợp đồng. Cha của tay đua Nikita Mazepin là nhà tài phiệt Smitry Mazepin, cổ đông của tập đoàn Uralkali, chuyên về sản xuất kali.

(AFP) – Đại học Canada McGill dựng video hướng dẫn bằng tiếng Ukraina các kỹ thuật hồi sức, băng bó, chăm sóc vết thương. Bác sĩ Tarek Razek, trưởng khoa Chấn thương, bệnh viện đại học Y McGill, ngày 09/03/202 cho biết các bác sĩ, trong mỗi video dài khoảng vài phút, giải thích các khái niệm cơ bản về sơ cứu và hồi sức cho các tình nguyện viên về chăm sóc y tế tại Ukraina. Rồi sau đó, các bác sĩ phối hợp với trung tâm dạy tiếng Steinberg để chuyển ngữ sang tiếng Ukraina. Mỗi video được dựng trong khoảng dưới 3 tiếng đồng hồ và được giao cho lực lượng y tế Ukraina tối đa là 24 tiếng sau đó.

(AFP) – Lính Anh tình nguyện đi chiến đấu bảo vệ Ukraina có thể gây rắc rối cho Anh Quốc. Bộ trưởng James Heappey hôm nay 10/03/2022 cảnh báo dù số lính nói trên chỉ rất ít, nhưng việc binh lính Anh tự ý sang nước ngoài tham chiến là không thể chấp nhận được, vì có thể khiến Nga hiểu nhầm là nước Anh hiếu chiến và điều này sẽ gây rắc rối cho Luân Đôn.

(Reuters) – Lạm phát do chiến tranh Ukraina có thể gây rối loạn xã hội. Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 10/03/2022 cảnh báo giá năng lượng và thực phẩm gia tăng sau khi Nga xâm lược Ukraina có thể làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực ở Trung Đông và châu Phi, dẫn đến bất ổn xã hội. Tháng trước, WB đã dự báo chiến tranh Ukraina tác động rất lớn đến hai khu vực trên, chẳng hạn Ai Cập nhập khẩu đến 80% lúa mì từ Ukraina và Nga. Các nước Trung Á cũng bị ảnh hưởng do quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga, quốc gia mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay do phương Tây cấm vận.

(AFP) – Tin giả về Ukraina nở rộ trên Telegram. Hai ngày sau khi Nga đưa quân xâm lược Ukraina, một tài khoản Telegram mạo danh tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các quân nhân Ukraina đầu hàng. Nguyên thủ Ukraina nhanh chóng bác bỏ, và tài khoản giả hiệu có 20.000 người theo dõi đã bị đóng, nhưng tin giả về Ukraina tiếp tục hoành hành trên ứng dụng có 500 triệu người sử dụng, chủ yếu thông qua các nhóm công khai. Chẳng hạn có tin kêu gọi tắt điện thoại vào một giờ cụ thể vì lý do an ninh, nhưng thực tế làm như vậy người sử dụng lâm vào nguy hiểm, vì không nhận được báo động máy bay thả bom.

(AFP) – Pháp sẵn sàng giúp đỡ các nghệ sĩ Nga buộc phải lưu vong. Bộ trưởng Văn Hóa Pháp, Roselyne Bachelot, hôm 09/03/2022 tuyên bố, nếu cần, Pháp sẵn sàng giúp đỡ các nghệ sĩ Nga buộc lòng phải lưu vong vì có quan điểm đối kháng với chính quyền của Vladimir Putin, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết quảng bá các ngành nghệ thuật cổ điển Nga.

(AFP) – Sony và Nintendo ngưng bán hàng cho Nga. Hai tập đoàn Nhật hôm nay 10/03/2022 loan báo ngưng cung cấp tất cả các trò chơi và thiết bị chơi game cho Nga. Sony Interactive Entertainment (SIE), nhà sản xuất PlayStation cho biết «tham gia cùng với cộng đồng quốc tế kêu gọi hòa bình cho Ukraina». Nintendo cũng ngưng giao dịch với Nga, do không còn thanh toán được bằng đồng rúp và do những rối loạn về logistic. Trước đó, đối thủ Microsoft của Sony về trò chơi video cũng chấm dứt hoạt động, Apple đã ngưng bán iPhone, máy tính bảng cho Nga, còn Facebook, YouTube, Twitter chặn các nội dung của truyền thông Nhà nước Nga ở châu Âu.

(AFP) – Các bị cáo trong vụ khủng bố ở Saint-Étienne-du-Rouvray lãnh án 8 đến 13 năm tù. Ba người thân của hai kẻ thánh chiến đã sát hại dã man linh mục Hamel ngay tại giáo đường năm 2016 đã bị tòa án hình sự đặc biệt Paris hôm qua 09/03/2022 tuyên án từ 8 đến 13 năm tù giam vì «tham gia tổ chức khủng bố». Bị cáo thứ tư, kẻ tuyên truyền cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, được cho là đã chết ở Irak, bị tuyên án chung thân khiếm diện vì tội «đồng lõa».

(AFP) – Nga tố Mỹ tài trợ một chương trình phát triển vũ khí sinh học tại Ukraina. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nga Igor Konachenkov trong cuộc họp báo sáng 10/03/2022 cho biết đã «tìm thấy bằng chứng» trong nhiều phòng thí nghiệm tại Ukraina cho phép khẳng định điều này. Năm 2018, Nga từng đưa ra những cáo buộc tương tự liên quan đến «một phòng thí nghiệm tại Gruzia». Gruzia là một nước cộng hòa từng thuộc về Liên Xô cũ. Tương tự như Ukraina, Gruzia khi đó cũng có tham vọng gia nhập NATO và Liên Âu.

(AFP) – Bệnh nhân đầu tiên được ghép tim heo qua đời. David Bennett, 57 tuổi, từ trần hôm 09/03/2022. Bệnh viện của Đại Học Maryland – Mỹ, cho biết tình trạng sức khỏe của ông sa sút trong nhiều ngày trước đó. Bennet được giải phẫu hôm 07/01/2022 và đã sống được nhờ tim heo trong hai tháng. Cuộc ghép nội tạng súc vật sang người làm dấy lên hy vọng giới y khoa sẽ còn đi xa hơn nữa trong lĩnh vực này.

(AFP) – Katalin Novak, nữ tổng thống đầu tiên của Hungary. Quốc Hội Hungary ngày 10/03/2022 bỏ phiếu bầu cựu bộ trưởng bộ Gia Đình, Katalin Novak, 44 tuổi, vào chức vụ tổng thống. Nổi tiếng là một người thân cận với thủ tướng Viktor Orban, bà đã đánh bại đối thủ là chuyên gia kinh tế Peter Rona. Tháng tới, Hungary bầu lại Quốc Hội. Sáu đảng đối lập đang hợp sức với hy vọng loại đảng của Fidesz do thủ tướng Orban lãnh đạo.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220310-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p