Tin Tổng Hợp – 10/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 10/11/21

Thủ tướng Nhật thay ngoại trưởng trong nội các mới sau bầu cử

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 31/10, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay 10/11/2021 công bố danh sách tân nội các, với thành phần hầu như không thay đổi, ngoại trừ một ngoại trưởng mới. 

Hạ Viện Nhật Bản chiều nay đã họp phiên đặc biệt để phê chuẩn việc bổ nhiệm trở lại ông Kishida vào chức vụ thủ tướng. Thượng Viện ngay sau đó cũng đã thông qua việc tiếp tục giao cho ông Kishida quyền lãnh đạo chính phủ. 

Theo hãng tin AFP, thành phần tân nội các được thủ tướng Kishida công bố hôm nay hầu như không có gì thay đổi, chỉ có ngoại trưởng là người mới: Ông Yoshimasa Hayashi, 60 tuổi, được giao lãnh đạo ngành ngoại giao Nhật Bản, thay thế ông Toshimitsu Motegi, đã được bổ nhiệm làm tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do sau cuộc bầu cử Quốc Hội. Ông Hayashi hiện đứng đầu nhóm nghị sĩ thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc và đã được một số nhà phân tích xem là có quan điểm ôn hòa về quan hệ Tokyo-Bắc Kinh. 

Trong thành phần tân nội các của thủ tướng Kishida, chỉ có 3 phụ nữ trên tổng số 21 thành viên và trong Quốc Hội mới, số phụ nữ cũng rất ít : 45 người trên tổng số 465 dân biểu. Dân Nhật nghĩ thế nào về tình trạng này ?

Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval tường trình : Publicité

Tại Nhật Bản, các chính đảng không sợ bị phạt nếu có quá ít phụ nữ trong các danh sách ứng cử viên. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua, có đến 82% ứng cử viên là nam giới.

Những phụ nữ mà chúng tôi gặp trên đường phố lấy làm tiếc về điều đó, nhưng họ không hề ngạc nhiên. Người phụ nữ thứ nhất nói : « Ở đây, trong cuộc sống thường nhật, và tôi ghi nhận điều này mỗi ngày, đàn ông bao giờ cũng được đánh giá cao hơn phụ nữ. Một cách logic, trong chính trị cũng như thế thôi ». Người phụ nữ thứ hai tỏ vẻ bi quan : « Chắc chắn sẽ là không thể một sớm một chiều có ngay bình đẳng nam nữ ở Nhật Bản. Đây là một xã hội mang tính gia trưởng quá mạnh ». Phụ nữ thứ ba thì ghi nhận : « Phái nữ có quá ít người trong chính giới, các nam chính khách của chúng ta tha hồ có những lời lẽ xem thường phụ nữ mà không sợ bị trừng phạt. » 

Tuy nhiên, một số nam giới cũng không đồng tình với một nền chính trị trọng nam khinh nữ như thế. Một người phát biểu : « Thật đáng xấu hổ và chính vì điều này mà Nhật Bản vẫn luôn đội sổ trong bảng xếp hạng về bình đẳng nam nữ trên thế giới. Theo tôi, chỉ có thể giải quyết vấn đề này bằng cách ban hành một hệ thống quota. »  Người thứ hai thì nhận xét : « Đảng bảo thủ cầm quyền đâu để ý gì đến bình đẳng giới, không thể trông chờ họ điều gì. Nếu mọi người muốn thay đổi thì đừng có bỏ phiếu cho họ trong mỗi kỳ bầu cử, mà nên làm như tôi, tức là bầu cho phe đối lập. »

Còn theo kết quả các cuộc thăm dò, có đến 46% dân Nhật bằng lòng với tình trạng bất bình đẳng nam nữ này trong chính trị. 46% tức là nhiều hơn tỷ lệ 42% không chấp nhận tình trạng đó. 

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211110-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-nh%E1%BA%ADt-thay-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-trong-n%E1%BB%99i-c%C3%A1c-m%E1%BB%9Bi-sau-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD

Ngoại trưởng Blinken: Mỹ và đồng minh sẽ ‘hành động’ nếu Đài Loan bị TQ tấn công

Reuters – Mỹ và các đồng minh sẽ có ‘hành động’ nếu Trung Quốc dùng vũ lực thay đổi nguyên trạng Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố ngày 10/11.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Phát biểu này đáp câu hỏi tại một diễn đàn do báo New York Times tổ chức rằng liệu Mỹ có can thiệp để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công. Ông nhắc lại những tuyên bố thường xuyên của Mỹ rằng vai trò của Washington là đảm bảo Đài Loan có phương tiện để tự vệ, theo quy định trong luật Mỹ.

“Đồng thời, tôi nghĩ công bằng mà nói chúng ta không cô độc trong quyết định đảm bảo rằng chúng ta gìn giữ hòa bình và ổn định tại phần đất đó của thế giới,” ông Blinken nói thêm.

“Có nhiều nước, cả trong khu vực lẫn bên ngoài, thấy được rằng bất cứ hành động đơn phương nào sừ dụng vũ lực phá vỡ nguyên trạng là một mối đe dọa quan trọng cho hòa bình và an ninh, và họ cũng sẽ hành động nếu chuyện đó xảy ra.”

Tổng thống Joe Biden tháng trước nói Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công.

Những phát biểu này dường như xa rời chính sách lâu nay vốn không nêu rõ Mỹ sẽ đáp ứng thế nào. Tuy nhiên, sau phát biểu của Tổng thống Biden, Tòa Bạch Ốc khẳng định đó không phải là chỉ dấu thay đổi chính sách.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện đầy thế lực, Adam Smith, tuần trước yêu cầu chính quyền ông Biden rõ ràng hơn về điều mà ông gọi là nghĩa vụ của Mỹ bảo vệ Đài Loan chống Trung Quốc tấn công.

Dự kiến sớm nhất là tuần tới sẽ diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-blinken-my-va-dong-minh-se-hanh-dong-neu-dai-loan-bi-trung-quoc-tan-cong/6308312.html

Mỹ triển khai ‘Vòm sắt’ ở đảo Guam để chặn tên lửa Trung Quốc

Ảnh: Youtube/Matsimus.

Quân đội Mỹ đang khai triển và thử nghiệm hệ thống phòng không “Vòm sắt” nhập khẩu từ Israel ở Guam để đánh chặn tên lửa hành trình của quân đội Trung Quốc có thể tấn công Guam trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo nhiều thông tin từ báo chí Mỹ, trong quá trình khai triển hệ thống “Vòm sắt” ở Guam, Mỹ cũng sẽ thử nghiệm tích hợp với các hệ thống phòng không và chống tên lửa khác đã được khai triển ở Guam. Quân đội Mỹ đã khai triển Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối THAAD ở Guam từ năm 2013.

Hệ thống “Vòm sắt” được khai  triển ở Guam, khi căng thẳng ở eo biển Đài Loan tăng mạnh. Trong bốn ngày đầu tháng 10, quân đội Trung Quốc đã điều 149 phi vụ máy bay quân sự xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không Tây Nam của Đài Loan. Động thái này đã làm dấy lên sự lên án từ Hoa Kỳ và cũng gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu Hoa Kỳ có nên giúp bảo vệ Đài Loan hay không. Trong cuộc trò chuyện với giới truyền thông, Tổng thống Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ Đài Loan; tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc sau đó đã đưa ra tuyên bố rằng, không có sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ.

“Vòm sắt” là một hệ thống phòng không được phát triển bởi Công ty Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael của Israel, được sử dụng chủ yếu để đánh chặn tên lửa trong phạm vi từ 5 đến 70 km. Hệ thống phòng không “Vòm sắt” bao gồm các thiết bị phóng, radar, điều khiển và phát hiện, có thể tự động phát hiện tên lửa đang bay tới, và phóng tên lửa để đánh chặn mục tiêu bay tới trên không. Trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine vào tháng 5 năm nay, Israel đã sử dụng hệ thống này để đánh chặn tên lửa Hamas xuất phát từ Gaza. Quân đội Israel cho biết tỷ lệ đánh chặn từ 85% đến 90%.

Kênh thông tin quốc phòng Mỹ “Stars and Stripes” từng dẫn lời Đại tá Nicholas Chopp, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Phòng không và Tên lửa số 94 của Quân đội Mỹ cho biết, “Vòm Sắt” khai triển trên đảo Guam “là một tập hợp hoàn chỉnh của hệ thống, bao gồm radar, trung tâm điều khiển và bệ phóng”. Ông Chopp cũng tiết lộ rằng, các binh sĩ từ một tiểu đoàn pháo phòng không đóng tại Fort Bliss, Texas, đã đến Guam để vận hành hệ thống phòng không “Vòm sắt”.

Theo sự ủy quyền của Quốc hội Hoa Kỳ, Quân đội Hoa Kỳ đã chi 373 triệu đô-la Mỹ vào năm ngoái để mua hai hệ thống “Vòm sắt”. Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên của một trong các hệ thống tại Bãi Tên lửa White Sands ở New Mexico vào tháng 8 năm nay. Kết quả là nó đã bắn trúng thành công 8 mục tiêu tên lửa hành trình mô phỏng.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời Tom Karako, giám đốc dự án chống tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết: “Nếu chúng ta không thể bảo vệ Guam, các căn cứ không quân của hòn đảo và các cơ sở vật chất, thì sẽ rất khó để thi triển sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương”.

Guam là một lãnh thổ của Hoa Kỳ và hiện có 190.000 cư dân và đồn trú trên đảo. Hòn đảo này có các căn cứ của Lực lượng Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Guam cách Trung Quốc 1.800 dặm, và là lãnh thổ Hoa Kỳ gần Trung Quốc nhất.

Khi quan hệ Mỹ- Trung tiếp tục xấu đi trong những năm gần đây, và căng thẳng ở eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng, Bắc Kinh ngày càng coi việc tấn công đảo Guam là một trong những mục tiêu quan trọng để chuẩn bị quân sự nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ, khi xung đột nổ ra ở Eo biển Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc có nhiều vũ khí tiềm năng để tấn công Guam, bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh.

Các chuyên gia quân sự cho rằng hệ thống phòng không “Vòm sắt” do Israel sản xuất, có thể không chống được tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa siêu thanh, nhưng đối với tên lửa hành trình bay chậm hơn hoặc thấp hơn một chút tốc độ âm thanh, chẳng hạn như Longsword-20 gắn trên máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc. Và vòm sắt cũng có khả năng đánh chặn đáng kể đối với tên lửa hành trình tấn công lướt sóng trên biển.

Ông Karako nói với Wall Street Journal rằng, hệ thống “Vòm sắt” không thể đánh chặn tên lửa hành trình tốc độ cao, vì vậy “Vòm sắt” có lẽ chỉ là một biện pháp tạm thời.”

Tuy nhiên, nếu quân đội Hoa Kỳ không từ bỏ ngay cả một biện pháp tạm thời, nó phải được thử nghiệm. Điều này cũng cho thấy rằng, quân đội Hoa Kỳ coi trọng mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Phụng Minh

https://www.dkn.tv/the-gioi/my-trien-khai-vom-sat-o-dao-guam-de-chan-ten-lua-trung-quoc.html

(Inquirer) – Tầu tuần duyên Nhật Bản thao dượt với nhiều đối tác Đông Nam Á. Theo Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (JCG), trong vòng khoảng một tháng triển khai ở Đông Nam Á kể từ ngày 05/11/2021, tầu tuần duyên Tsugarut tham gia nhiều hoạt động với một số nước trong vùng, như huấn luyện trên biển, phối hợp hoạt động và đóng góp vào việc duy trì, tăng cường tự do lưu thông hàng hải dự trên luật pháp quốc tế. Tầu Tsugarut dự kiến thao dượt với lực lượng tuần duyên Philippines vào giữa tháng 11. Từ giờ đến năm 2022, Manila sẽ nhận được thêm 2 tầu đa năng của Nhật Bản giúp tăng cường hoạt động tuần duyên ở Biển Đông.

(Reuters) – Covid-19: Việt Nam phê duyệt vac-xin Covaxin của Ấn Độ. Hôm nay, 10/11/2021, bộ Y Tế Việt Nam thông báo đã phê duyệt « có điều kiện » vac-xin Covaxin của Ấn Độ để « phục vụ nhu cầu cấp bách » phòng chống dịch tại Việt Nam. Vac-xin Covaxin do công ty Bharat Biotech International của Ấn Độ sản xuất. Đây là vac-xin thứ 9 được phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở Việt Nam. Tám vac-xin đã được cấp phép trước đó là AstraZeneca, Pfizer, Janssen, Sputnik V, Moderna, Sinopharm, Hayat-Vax và Abdala.

(RFI) – Thế giới có nguy cơ thiếu kim tiêm vào năm 2022. Ngày 09/11/2021, Tổ Chức Y Tế Thế Giới quan ngại về khả năng này. Dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu về kim tiêm bùng nổ trong năm 2021, vượt quá khả năng của các nhà sản xuất, chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo các nước chỉ đặt mua số lượng cần thiết vì kể cả khi các nhà sản xuất nâng năng suất thì cũng cần rất nhiều thời gian mới có đủ hàng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có gần 7 tỉ liều vac-xin được tiêm trên thế giới, tương đương với 7 tỉ kim tiêm. Ngoài ra còn phải kể đến nhu cầu kim tiêm cho các loại vac-xin phòng bệnh khác.

(AFP) – Google bị châu Âu phạt 2,4 tỷ euro vì lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường so sánh giá. Tư pháp châu Âu hôm nay 10/11/2021 đã bác đơn kháng án của Google. Trước đó, Ủy Ban Châu Âu đã tuyên phạt Google 2,4 tỷ euro vì « lạm dụng vị trí thống lĩnh » của công cụ tìm kiếm khổng lồ, bằng cách ưu tiên thiết bị so sánh giá trên dịch vụ mua sắm Google Shoppings so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, Google vẫn có thể kháng cáo tại Tòa án Công lý châu Âu.  Publicité

(AFP) – Pháp sẽ xây các lò nguyên tử mới. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình tối qua, 09/11/2021, tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo là Pháp sẽ khởi động lại chương trình hạt nhân và sẽ xây các lò phản ứng hạt nhân mới trên lãnh thổ của mình, trong khi vẫn tiếp tục phát triển các năng lượng tái tạo. Mục tiêu là để bảo đảm sự độc lập về năng lượng cho nước Pháp. Cho tới nay, điện hạt nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất điện của Pháp. 

(AFP) – Iran thả tàu dầu Việt Nam. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hôm nay, 10/11/2021, thông báo trả tự do cho một tàu chờ dầu treo cờ Việt Nam mà họ bắt giữ gần đây trên vùng biển Oman. Hãng tin chính thức của Vệ binh Cách mạng Iran, Sepah News, cho biết : « Tàu Sothys đã được tự do theo quyết định của tư pháp sau khi đã được bơm ra hết lượng dầu thuộc sở hữu của Cộng hòa Hồi giáo Iran. »   

(AFP) – Nghị sĩ Chilê bật đèn xanh cho tiến trình truất phế tổng thống Piñera. Quyết định được thông qua ngày 09/11/2021. Tổng thống Sebastian Piñera bị cáo buộc liên quan đến vụ bán một công ty khai thác mỏ được tiến hành ở một thiên đường thuế. Vụ việc được tiết lộ trong khuôn khổ điều tra của phóng viên quốc tế mang tên « Pandora Papers ». Sau Hạ Viện đến lượt Thượng Viện bỏ phiếu. Tuy nhiên, ông Piñera sẽ vẫn đảm nhiệm hết nhiệm kỳ vì khó có thể có được kết quả bỏ phiếu trước ngày bầu cử tổng thống thống và Quốc Hội diễn ra ngày 21/11.

(AFP) – Afghanistan: Đặc sứ Mỹ sẽ gặp lực lượng Taliban. Ông Thomas West sẽ làm việc với ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi của chế độ Taliban, cùng với một số nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc tại Islamabad, Pakistan vào ngày 11/11/2021. Theo một quan chức Pakistan ẩn danh, mục tiêu đầu tiên của cuộc gặp « Ba Bên mở rộng »« tìm cách tránh cuộc khủng hoảng nhân đạo » ở Afghanistan và mở rộng thành phần chính phủ cho những khuynh hướng khác với Taliban. Sau đó, ông West có thể sẽ đến Nga và Ấn Độ. Đây là chuyến công du khu vực đầu tiên của ông Thomas West, được bổ nhiệm thay ông Zalmay Khalilzad giữ chức đặc sứ từ khi Taliban lên nắm quyền.

(AFP) – Hoa Kỳ hoãn kế hoạch đưa người trở lại Mặt trăng. Hôm qua, 09/11/2021, Cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA thông báo là kế hoạch đưa người trở lại Mặt trăng trong khuôn khổ chương trình Artemis của Mỹ, dự kiến vào năm 2024, đã được dời lại cho đến sớm nhất là năm 2025. Trong khuôn khổ chương trình này, cơ quan NASA dự trù sẽ đưa một nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên lên Mặt trăng. 

(AFP) – Hai chiếc vòng tay của hoàng hậu Marie-Antoinette được bán hơn 7 triệu euro. Đây là lần đầu tiên 2 chiếc vòng tay thời vua Louis XVI (Pháp), gồm 112 viên kim cương, được đưa ra bán đấu giá và được bán trong vòng 5 phút ngày 09/11/2021, với giá gần gấp đôi (tính cả tiền hoa hồng) so với giá khởi điểm 3,7 triệu euro của nhà bán đấu giá Shotheby’s tại Geneve (Thụy Sĩ). Trước khi trốn khỏi Pháp với vua Louis XVI và các con, hoàng hậu Marie-Antoinette đã gửi hết nữ trang sang Bruxelles (Bỉ), sau đó chuyển sang cho người thân ở Áo, quê hương của hoàng hậu.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211110-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p