Tin Tổng Hợp – 10/1/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 10/1/22

Công đoàn độc lập ở Việt Nam: Vẫn còn nhiều trở ngại

Cách đây một năm, ngày 01/01/2021, Luật Lao động sửa đổi, được Quốc Hội Việt Nam thông qua tháng 11/2019, bắt đầu có hiệu lực. Nhưng cho tới nay, việc thành lập các công đoàn độc lập, như được quy định trong Luật Lao động mới, vẫn còn nhiều trở ngại.

Ngay sau khi Luật Lao động sửa đổi được Quốc Hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2019, đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra thông cáo hoan nghênh “một đạo luật lịch sử cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở”. Nhưng trong bản thông cáo, đại sứ quán Mỹ cũng đã nhấn mạnh ngay đến “tầm quan trọng của việc củng cố những cải cách trong Luật Lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công.”

Một năm sau khi Luật Lao động sửa đổi
bắt đầu có hiệu lực, câu hỏi đang được đặt ra là chính quyền Việt Nam
có đã thật sự chấp nhận cho hình thành các công đoàn hoàn toàn độc lập
với công đoàn của nhà nước hay không?

Hai áp lực

Trong một bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 01/01/2022, tức là đúng một năm luật Lao động mới có hiệu lực, Joe Buckley, một chuyên gia về chính sách lao động ở Việt Nam, nhắc lại, các thay đổi nói trên là kết quả của hai áp lực lên Nhà nước Việt Nam. Thứ nhất là các hiệp định tự do mậu dịch, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) và Hiệp định Thương Mại Tự do  Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam ( EVFTA ). Các hiệp định này buộc Việt Nam phải thực hiện 8 công ước căn bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, như công ước về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, về phân biệt đối xử và quyền thành lập công đoàn độc lập.

Trước năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 6 trong số 8 công ước đó. Các hiệp định tự do mậu dịch nói trên buộc Việt Nam phải phê chuẩn hai công ước còn lại, có liên quan đến quyền thành lập công đoàn độc lập là Công ước 98, tức là Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, và Công ước 87, tức là Công ước về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Quốc Hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 vào năm 2019 và theo dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước 87 vào năm 2023.

Áp lực thứ hai, theo tác giả Joe Buckley, đó là áp lực từ bên dưới: Hàng chục ngàn cuộc đình công tự phát của công nhân trong khoảng 15 năm trước đó đã buộc nhà nước Việt Nam phải cải thiện các cơ chế quan hệ lao động, chẳng hạn như lập một cơ quan để thương lương hàng năm về mức tăng lương tối thiểu, cải thiện việc thương lượng tập thể,  thử nghiệm việc tổ chức công đoàn từ cơ sở….

Tác giả bài viết trên The Diplomat nhìn nhận
rằng những thay đổi nói trên đã có một tác động nhất định: trong hai năm
qua, số cuộc đình công đã giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 120 vụ, so với
trung bình hàng năm 300-350 vụ trong khoảng thời gian giữa thập niên
2010 và gần 1.000 vụ năm 2011.

Nhưng theo Joe Buckley, khả năng
thành lập các công đoàn độc lập theo tinh thần của Luật Lao động 2019
vẫn còn xa vời, bởi vì luật này không quy định chi tiết về việc thành
lập và đăng ký các tổ chức đó. Các chi tiết này trên nguyên tắc sẽ được
ghi rõ trong các nghị định của chính phủ. Thế nhưng, cho đến nay, tức là
hơn một năm sau khi Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực, các nghị định đó
vẫn chưa được ban hành.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/01/2022,
luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật, một trong
những luật sư chuyên về lao động ở Việt Nam, cho biết:

“Theo
khoản 4, Điều 172 của Luật lao động thì chính phủ quy định về hồ sơ,
trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng
ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của
người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải
thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Nhưng đến nay thì tôi chưa thấy chính phủ ban hành về thủ tục này.

Tôi
nghĩ, hiện nay vẫn còn trong thời gian chuẩn bị. Bởi lẽ theo lộ trình
ký kết các công ước về lao động thì đến năm 2023 Việt Nam mới ký Công
ước 87, là công ước cuối cùng trong bốn cặp công ước mà Việt Nam ký kết
cho tiến trình hội nhập. Công ước cuối cùng này mới là công trực tiếp
liên quan đến việc thành lập công đoàn độc lập. Dù muốn dù không, khi
thay đổi một chính sách thì cần phải có thời gian nhất định. nhất là đối
với Việt Nam.”

“Độc lập” là “phản động”?

Vào tháng 07/2020, một tổ chức mang tên Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), đã được thành lập. Công đoàn độc lập này khẳng định họ là một tổ chức “bất vụ lợi và phi chính trị, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam”.

Trong bức thư ngỏ đề ngày 1/11/2021,
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đã yêu cầu chính phủ nhanh chóng ra các
nghị định “quy định chi tiết, hướng dẫn người lao động thực hiện những
quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của họ được quy định trong Bộ
luật”. 

Nghiệp đoàn này cho rằng, chính vì chưa có những nghị định
đó mà người lao động trên cả nước “dù muốn vẫn chưa thể thành lập hay
gia nhập và hoạt động trong các tổ chức đại diện người lao động tại cơ
sở như Bộ luật quy định”. 

Nhưng như ghi nhận của chuyên gia Joe
Buckley trong bài báo đăng trên trang The Diplomat, trái với thông tin
do báo chí chính thức bằng tiếng Anh loan tải, Việt Nam vẫn chưa cho
phép thành lập các công đoàn độc lập. 

Trên thực tế, theo tác giả
bài viết, trong Luật Lao động sửa đổi, đã có một số thay đổi về quyền tự
do lập hội. Trong số những thay đổi đó, lần đầu tiên luật cho phép
người lao động tự thành lập các tổ chức đại diện cho họ mà không trực
thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng khẳng định đó là những
công đoàn độc lập là diễn giải sai luật ( hay cố tình diễn giải sai luật
).

Joe Buckley còn lưu ý báo chí chính thức cũng liên tục nhấn
mạnh rằng các tổ chức đại diện người lao động không phải là các công
đoàn, rằng chỉ có Tổng Liên đoàn Lao động là đại diện chính đáng của
người lao động. Các tổ chức đại điện của người lao động đó chỉ được
thành lập ở cơ sở, tức riêng từng doanh nghiệp và có khuôn khổ hoạt động
hạn chế hơn so với các công đoàn thật sự. 

Báo chí nhà nước trong
năm qua cũng đã thi nhau lên án Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam “chỉ là vỏ
bọc cho mưu đồ chống phá Đảng, nhà nước và nhân dân ta”,  là “tiền đề
cho việc hình thành tổ chức đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam”. 

Cụ thể, trong một bài báo đề ngày 19/10/2021, tờ An ninh
Thủ đô còn khẳng định là thông qua việc thành lập công đoàn độc lập,
“các thế lực phản động, thù địch đang muốn tái hiện điều mà “Công đoàn
đoàn kết Ba Lan” đã làm được tại quốc gia Đông Âu này những năm 1980, đã
tổ chức các hoạt động dẫn đến sự mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công
nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan
vào năm 1989”.

Tờ báo này còn tố cáo: “Mưu đồ sâu xa của chúng là
nhằm hình thành các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập trong nội địa
nhằm tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hòng lật
đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.”

Nhưng luật sư Hoàng Cao Sang phản bác cáo buộc đó:

“Tôi
cho rằng nói như vậy là sai. Sai cả về mặt lý luận cũng như quy định
của pháp luật và quan điểm, chính sách khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Thứ
nhất, về mặt lý luận: Trước đây, khi chỉ có doanh nghiệp nhà nước, chưa
có doanh nghiệp tư nhân thì lúc đó nhiều quan điểm cho rằng không nên
cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, vì cho doanh nghiệp tư nhân hoạt
động là đối lập, canh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, vì nhu
cầu thực tế, doanh nghiệp tư nhân đã ra đời. Lúc này, một số quan điểm
miễn cưỡng chấp nhận, nhưng lại nói doanh nghiệp nhà nước sẽ là chủ đạo.

Nhưng đến nay thì hoàn toàn khác. Doanh nghiệp nhà nước
toàn thua lỗ, doanh nghiệp tư nhân mới là chủ đạo. Và nhờ như vậy Việt
Nam mới phát triển như ngày hôm nay. Các quốc gia khác họ cũng có công
đoàn độc lập mà có thấy công đoàn nào đối lập đâu, nếu các bên đề hướng
về quyền lợi của người dân.

Thứ hai, về mặt pháp lý: Trong quá trình hội nhập và ký kiết các hiện định thương mại, Việt Nam đã ký kết 7/8 Công ước về lao động, trong đó có các quy định về công đoàn độc lập, và ngay trong Bộ luật Lao động, Quốc Hội đã dành hẳn Chương XIII để quy định về Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nên nói như vậy là sai.

Thứ ba là
về mặt chính sách: Đến nay, Việt Nam đang trên con đường hội nhập với
thế giới, nâng cao quyền con người người và đặc biệt là quyền của người
lao động. Và để đảm bảo quyền của người lao động, các tổ chức chính trị,
Quốc Hội đã thống nhất cho ký các Công ước về công đoàn độc lập mà anh
lại nói là công đoàn độc lập chống nhà nước, thì chính anh mới là chống
nhà nước. Còn để quản lý công đoàn này hoạt động đúng chủ chương chính
sách thì đã có pháp luật điều chỉnh, mà cụ thể là đã có luật lao động
quy định về vấn đề này.

Giám sát của quốc tế?

Như vậy là trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều trở ngại trên con đường hình thành các công đoàn độc lập ở Việt Nam. Nói cách khác, Luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ cách đây một năm, chưa có tác động gì trên vấn đề này. Vấn đề là những phản ứng dữ dội của báo chí nhà nước khiến người ta phải đặt nghi vấn: Chính phủ Việt Nam có thật sự muốn tạo điều kiện cho sự ra đời của các công đoàn độc lập? Theo luật sư Hoàng Cao Sang, cần phải có sự giám sát của quốc tế trên vấn đề này:

“Có
thể về mặt tiểu cục thì không, vì mở ra thì phải thay đổi cách quản lý,
cách điều hành, mà quản lý về vấn đề này nó nhạy cảm, phức tạp hơn.
Nhưng xét về đại cục thì Việt Nam phải thực hiện để hội nhập thế giới.
Đến nay VN đã ký 7/8 Công ước liên quan đến lao động, chỉ còn Công ước
87 là công ước về quyền thành lập hội hay nói cách khác là quyền thành
lập công đoàn tự do là chưa ký. Theo thông báo của Bộ Lao động Thương
binh Xã hội thì Công ước 87 này sẽ được ký trong năm 2023. Nhưng tôi cho
rằng để thực hiện tốt những vấn đề này thì hai tổ chức đó phải có sự
giám sát, đôn đốc của quốc tế để Việt Nam thực hiện tốt việc thành lập
công đoàn độc lập để bảo vệ quyền của người lao động được tốt hơn.”

Tuy nhiên, như ghi nhận của chuyên gia Joe Buckley trên trang The Diplomat, trước mắt, những thay đổi đáng kể nhất có thể là sẽ đến từ chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong bài viết trên tờ The Diplomat, tác giả kết luận: “ Nếu các thành phần cấp tiến trong Liên đoàn dùng sự tồn tại của các tổ chức đại diện người lao động ( ít ra là trên giấy tờ ) để thúc đẩy Liên đoàn cố gắng trở thành một tổ chức thật sự đại diện của người lao động, thì chúng ta sẽ bước vào một thời kỳ thú vị về chính sách lao động và công đoàn ở Việt Nam”

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20220110-c%C3%B4ng-%C4%91o%C3%A0n-%C4%91%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-v%E1%BA%ABn-c%C3%B2n-nhi%E1%BB%81u-tr%E1%BB%9F-ng%E1%BA%A1i

Đình công tiếp diễn ngày thứ 3 tại nhà máy giày Pouchen ở Đồng Nai

VOA Tiếng Việt – Tình trạng công nhân đình công tiếp diễn sang ngày thứ ba vào ngày 10/1 tại một nhà máy ở Đồng Nai của Tập đoàn Pouchen, nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới của Đài Loan, do công nhân không hài lòng với các khoản thưởng Tết.

Công nhân Công ty Pouchen ở Đồng Nai đình công, đứng chắn ngang quốc lộ 1K, bắt đầu từ ngày 7/1/2022.
Công nhân Công ty Pouchen ở Đồng Nai đình công, đứng chắn ngang quốc lộ 1K, bắt đầu từ ngày 7/1/2022.

Theo Taiwan News, 14.000 nhân viên của nhà máy đã đình công vào thứ
Sáu (7/1) do quyết định cắt giảm tiền thưởng Tết của công ty Đài Loan.

Trước đó, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam thông báo rằng nhân viên phải
làm đủ một năm mới được thưởng thêm một tháng lương (tháng lương 13) và
mức thưởng này tăng dần đến 1,54 tháng lương tuỳ theo thâm niên làm
việc, tương đương với 5 – 20 triệu đồng.

Năm ngoái, mức thưởng cao nhất của Pouchen Việt Nam là 1,9 tháng lương, và trước đó nữa là 2,2 tháng lương, theo Thanh Niên.

Công nhân Pouchen bắt đầu đình công từ trưa 7/1 để đòi công ty Đài loan giữ nguyên mức thưởng Tết như năm ngoái.

Ngày 9/1, Pouchen ra thông báo kêu gọi công nhân đi làm trở lại và cho biết sẽ không thay đổi mức thưởng Tết đã đưa ra trước đó.

“Chúng tôi mong người lao động thấu hiểu cho công ty, khi ảnh hưởng
bởi đại dịch Covid-19 lần 4, công ty đã dốc hết sức để chăm lo đời sống
cho người lao động và nỗ lực không ngừng để duy trì cuộc sống ấm no cho
người lao động”, Thanh Niên trích dẫn thông báo nói.

Lý giải về những thay đổi trong mức thưởng Tết của Pouchen, ông Wu
Ming-ying, Chủ tịch Phòng Thương mại Đài Loan Đồng Nai, cho biết công
việc kinh doanh của các doanh nghiệp Đài Loan không được tốt trong năm
qua. Thêm vào đó, các doanh nghiệp bị buộc phải tuân thủ các biện pháp
phòng chống dịch do chính phủ Việt Nam yêu cầu, gây ảnh hưởng đến lợi
nhuận, CNA đưa tin.

Ông Wu nói ông tin rằng hầu hết các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt
Nam sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cho nhân viên, nhưng đại dịch bất ngờ đã
gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận và tiền thưởng. Ông bày tỏ hy vọng rằng
tất cả các bên sẽ thông cảm cho nhau và chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ Tập
đoàn Pouchen trao đổi với người lao động để chấm dứt tình trạng đình
công.

Pouchen là nhà sản hàng đầu cho nhiều thương hiệu quốc tế lớn như Nike, Adidas, Asics, New Balance, Timberland và Salomon. Tại Việt Nam, tập đoàn này có các nhà máy tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%C3%ACnh-c%C3%B4ng-ti%E1%BA%BFp-di%E1%BB%85n-ng%C3%A0y-th%E1%BB%A9-3-t%E1%BA%A1i-nh%C3%A0-m%C3%A1y-gi%C3%A0y-pouchen-%E1%BB%9F-%C4%91%E1%BB%93ng-nai/6390482.html

Myanmar: Bà Suu Kyi bị tòa án của chính quyền sau đảo chính xử thêm 4 năm tù

Người đoạt giải Nobel đã bị giam giữ kể từ một cuộc đảo chính quân sự vào tháng Hai năm ngoái
Chụp lại hình ảnh, Người đoạt giải Nobel đã bị giam giữ sau một cuộc đảo chính quân sự vào tháng Hai năm ngoái

Một tòa án ở Myanmar đã kết án nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi thêm 4 năm tù, trong một phiên xét xử mới nhất.

Bà bị kết án vì tàng trữ và nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm và vi phạm các quy tắc chống Covid-19.

Bà Suu Kyi bị kết án lần đầu vào tháng 12/2021 và được giảm hai năm tù.

Bà đã bị giam giữ kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 02/2021 và đối mặt với hàng chục cáo buộc, mà bà đều phủ nhận tất cả.Q

Những cáo buộc này bị lên án rộng rãi là bất công và các tổ chức nhân quyền, EU, Hoa Kỳ và Anh kêu gọi Myanmar phục hồi nền dân chủ và thả bà Aung San Suu Kyi.

Người ta tin rằng các cáo buộc hôm thứ Hai (10/01) bắt nguồn từ khi binh lính lục soát nhà của bà vào ngày diễn ra cuộc đảo chính bởi lực lượng do Tướng Min Aung Hlaing chỉ huy, khi họ nói rằng họ phát hiện ra các thiết bị này.

Phiên tòa xét xử hôm thứ Hai ở thủ đô Nay Pyi Taw, không cho phép truyền thông tham dự và các luật sư của bà Suu Kyi bị cấm giao tiếp với giới truyền thông và công chúng.

Bản án mới nhất sẽ nâng tổng số án tù của bà lên sáu năm.

Tháng trước, người từng đoạt giải Nobel đã bị kết tội kích động bất đồng chính kiến ​​và vi phạm các quy tắc chống Covid-19, điều mà người đứng đầu cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet lên án là “một phiên tòa giả mạo”.

Human Rights Watch – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã gọi thủ tục tố tụng này là một “rạp xiếc xử án với thủ tục tố tụng bí mật về những cáo buộc không có thật… để (Aung San Suu Kyi) sẽ ở trong tù vô thời hạn”.

Tuyên bố của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW cũng cáo buộc quân đội đang tìm cách đạt được việc kết tội “tại một tòa án kangaroo (cách gọi một tòa án bất hợp pháp trừng phạt mọi người một cách bất công) với những cáo buộc hời hợt nhất, có động cơ chính trị”, và tuyên bố đó là “hành động thô bạo đối với nhân quyền của tất cả mọi người, từ bà Suu Kyi… cho đến các nhà hoạt động Phong trào Bất tuân Dân sự trên đường phố.”

Aung San Suu Kyi at a conference in 2019

Quân đội nắm quyền ở Myanmar vào tháng 2/2021, vài tháng sau khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020.

Quân đội cáo buộc có gian lận cử tri trong chiến thắng này, tuy nhiên các nhà quan sát bầu cử độc lập cho biết các cuộc bầu cử phần lớn diễn ra tự do và công bằng.

Cuộc đảo chính quân sự đã gây ra các cuộc biểu tình lan rộng và quân đội Myanmar đã đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động và nhà báo.

Bà Suu Kyi là một trong số hơn 10.600 người bị quân đội chính phủ bắt giữ kể từ tháng Hai, và ít nhất 1.303 người khác thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Người ta tin rằng nếu bị kết án với tất cả các tội danh mà bà phải đối mặt, bà Suu Kyi cuối cùng có thể bị tù chung thân.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-59936752

Sự việc ở Kazakhstan vô tình làm lộ nguồn dự trữ uranium của Trung Quốc

Người biểu tình Kazakhstan (ảnh: Từ video của India Today)

Các cuộc biểu tình bùng nổ những ngày qua ở Kazakhstan khiến
quốc gia này trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Mối quan hệ thân
thiết giữa chính phủ Kazakhstan và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) theo
đó được giới quan sát phân tích nhiều hơn. Kho dự trữ uranium của Trung
Quốc cũng được nhắc tới.

Lương uranium mà Kazakhstan sản xuất chiếm 40% sản lượng của thế
giới, đưa quốc gia này đứng đầu trong số danh sách các nước sản xuất
nhiều nhất loại nguyên tố hóa học có thể dùng tạo ra các loại vũ khí hạt
nhân.

Theo Creaders, 50% lượng uranium của Kazakhstan được bán cho Trung Quốc. Điều này vô tình tiết lộ rằng ĐCSTQ đã tích lũy được một lượng lớn uranium. Ước tính, lượng uranium mà Bắc Kinh đã mua được của Kazakhstan trong 10 năm qua có thể đáp ứng nhu cầu uranium của Trung Quốc trong vòng 11 đến 12 năm tới.

Theo Financial Times, công ty tư vấn CRU Group cho biết, các khu vực
khai thác uranium ở Kazakhstan không bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu
tình. Tuy nhiên, tuyến đường xuất khẩu uranium chính từ Kazakhstan tới
Trung Quốc đi qua khu vực Almaty, đây là nơi đã xảy ra các cuộc đụng độ
lớn giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Vì vậy việc vận chuyển
uranium đến Trung Quốc có thể gặp một số trở ngại.

Mặc dù vậy, CRU Group đưa ra thông tin rằng, trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tích lũy được một lượng lớn uranium, nên tình trạng hỗn loạn hiện nay tại Kazakhstan có thể chỉ gây ra “sự khó chịu nhẹ” đối với chính quyền Trung Quốc.

Thanh Trúc

https://www.dkn.tv/the-gioi/su-viec-o-kazakhstan-vo-tinh-lam-lo-nguon-du-tru-uranium-cua-trung-quoc.html

(AFP) – Cháy lớn tại một trại tị nạn Rohingya ở Bangladesh. Cảnh sát cho biết hôm qua 09/01/2022, hàng nghìn người đã mất nhà sau khi hỏa hoạn thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà ở trại tị nạn Rohingya thuộc quận Cox’s Bazar ở phía nam Bangladesh. Ngọn lửa đã bùng lên từ Trại 16 ở Cox’s Bazar, nơi có hơn một triệu người tị nạn Rohingya sinh sống, hầu hết là những người đã chạy trốn khỏi một cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo ở Miến Điện tiến hành vào năm 2017.

(AFP) – 19 người thiệt mạng trong vụ cháy ở New York, Mỹ.
Thị trưởng New York Eric Adams thông báo, có ít nhất 19 người, trong đó
có 9 trẻ em, đã chết và khoảng 60 người bị thương vào hôm qua
09/01/2022 trong một vụ cháy lớn tại một tòa nhà ở khu Bronx. Đây được
coi là một trong những vụ hỏa hoạn chết chóc nhất ở New York.

(AFP) – Phái đoàn bốn quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh đến Trung Quốc.
Hôm nay 10/01/2022, phái đoàn 4 nước Ả Rập Xê Út, Koweit, Oman và
Bahrain đến Trung Quốc trong chuyến công du 5 ngày, trong bối cảnh giá
dầu tăng vọt. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Đây là một chuyến công du hiếm hoi của các nhà ngoại giao nước ngoài đến
Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh. Chuyến thăm diễn ra
vào thời điểm tình hình bất ổn ở nước láng giềng Kazakhstan, một thành
viên của OPEC +. Giới đầu tư lo nguồn cung dầu mỏ có thể bị gián đoạn.  

(AFP) – Vụ Aung San Suu Kyi: Ủy ban Nobel tố cáo « một bản án chính trị ».
Ủy ban giải Nobel Na Uy, nơi trao giải Nobel Hòa bình, hôm 10/01/2022,
đã lên án bản án được tuyên cùng ngày đối với cựu lãnh đạo Miến Điện
Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel năm 1991. Trong một tuyên bố
được gửi đến AFP, chủ tịch ủy ban Nobel, Berit Reiss-Andersen đã đưa ra
tố cáo nói trên. Ủy ban Nobel, vốn rất hiếm khi bình luận về các tin tức
thời sự, hồi tháng 12, đã bày tỏ mối quan ngại, và cho rằng các phiên
tòa xử cựu lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện là « không đáng tin
cậy ».

(Le Monde) – Anh Quốc chuẩn bị tổ chức Đại lễ 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Các cuộc diễu hành, hòa nhạc và làm bánh pudding nằm trong chuỗi hoạt động được tổ chức theo như thông báo từ cung điện Buckingham thông báo ngày hôm nay 10/01/2022. Các lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 6 để kỷ niệm năm lễ bạch kim – 70 năm trị vì của bà. Elizabeth II trở thành Nữ hoàng ở tuổi 25 vào ngày 06/02/1952 sau cái chết của cha bà là vua George VI.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220110-tin-tong-hop