Tin Tổng Hợp – 1/8/21
Đông Nam Á: Ngoại trưởng Mỹ sẽ họp trực tuyến “mỗi ngày” với ASEAN vào tuần sau
Kể từ ngày mai, 02/08/2021, khối Đông Nam Á ASEAN chính thức khai mạc Hội Nghị Ngoại Trưởng (thường niên) lần thứ 54 và các hội nghị cùng với các đối tác trong đó có Hoa Kỳ, dự trù kéo dài đến ngày 06/08. Theo hãng tin Anh Reuters, nhân dịp này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có những cuộc họp trực tuyến “mỗi ngày” cùng các đối tác Đông Nam Á, một quyết định nhằm chứng minh rằng khu vực là ưu tiên của Mỹ.
Reuters trích dẫn một quan chức cao cấp tại bộ Ngoại Giao Mỹ xác định rằng ông Blinken sẽ tham gia các cuộc họp trực tuyến trong 5 ngày liên tiếp, bao gồm các buổi làm việc cùng 10 ngoại trưởng trong khối ASEAN cũng như của một số quốc gia khác. Quan chức này còn nói rõ thêm là ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ họp với đại diện các quốc gia thuộc vùng hạ lưu sông Mêkông như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN, ngoài các cuộc họp của nội bộ 10 nước trong khối, còn có một loạt hội nghị giữa ASEAN và các đối tác, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Mỹ, Ấn Độ và hai nước ở Châu Đại Dương là Úc và New Zealand. Một hội nghị quan trọng khác là Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ARF.
Đối với quan chức Mỹ, các hoạt động của ông Blinken là bằng chứng rõ rệt về quyết tâm dấn thân vào khu vực của Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, các quan chức hàng đầu của Mỹ không thường xuyên tham gia những cuộc họp của ASEAN và thường cử cấp dưới tới làm việc tại các cuộc họp thượng đỉnh của khu vực.
Với chính quyền của tổng thống Biden, Đông Nam Á như đang nổi lên thành một ưu tiên với một loạt những chuyến thăm gần đây của các lãnh đạo cao cấp : thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman đã ghé thăm Indonesia, Cam Bốt và Thái Lan trong hai tháng 5 và tháng 6, tiếp đến là vòng công du ba nước Singapore, Việt Nam và Philippines trong tuần này của bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin. Đỉnh cao là vào tháng 08, với chuyến thăm Singapore và Việt Nam của phó tổng thống Mỹ.
Trọng Nghĩa
Miến Điện: Lãnh đạo tập đoàn quân sự cam kết tổ chức bầu cử và hợp tác với ASEAN
Ngày 01/08/2021, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, đã cam kết «từ đây đến tháng 8/2023 » sẽ tổ chức bầu cử. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh ASEAN đang chịu áp lực từ Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, hối thúc khối 10 nước thành viên nhanh chóng cử một đặc sứ đến Miến Điện.
Trong diễn văn đánh dấu sáu tháng sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, lật đổ lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, tướng Min Aung Hlaing khẳng định đang «nỗ lực thiết lập một hệ thống dân chủ đa đảng», và một lần nữa hứa hẹn tổ chức một kỳ bầu cử «từ đây đến tháng 8/2023». Ông cáo buộc đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) đã làm «vấy bẩn cuộc bầu cử» qua việc «lạm dụng quyền hành pháp một cách không phù hợp».
AFP lưu ý, ngày 26/07/2021, tập đoàn quân sự thông báo hủy bỏ kết quả bầu cử lập pháp được tổ chức hồi tháng 11/2020, mà đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành được thắng lợi to lớn. Tập đoàn quân sự khẳng định hơn 11 triệu phiếu bầu gian lận đã được phát hiện, nhưng lời khẳng định này đã bị đảng LND hoàn toàn bác bỏ.
Cũng trong bài phát biểu trên truyền hình này, tướng Min Aung Hlaing còn tuyên bố rằng «Miến Điện sẵn sàng hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ được khối này quyết định và đối thoại với đặc sứ do ASEAN đề cử».
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh, sau nhiều tháng thương lượng bất thành, ngoại trưởng các nước ASEAN, dưới áp lực của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ có một cuộc họp vào ngày 02/08/2021, bổ nhiệm một đặc sứ đến Miến Điện, nhằm tìm cách chấm dứt các cuộc bạo động ở quốc gia này và thiết lập một cuộc đối thoại giữa tập đoàn quân sự và những nhà đối lập.
Minh Anh
Iran phủ nhận tấn công tàu chở dầu do Israel quản lý ngoài khơi Oman
01/08/2021 – Reuters – Iran hôm 1/8 nói rằng nước này không tham gia vào cuộc tấn công vào một tàu chở sản phẩm dầu mỏ do Israel quản lý ở ngoài khơi bờ biển Oman, vốn xảy ra tuần trước khiến hai người thiệt mạng và Israel đổ lỗi cho Iran.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett cáo buộc Tehran “cố trốn tránh trách nhiệm” đối với vụ việc xảy ra hôm 29/7, đồng thời gọi sự phủ nhận của Iran là “hèn nhát”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói trong một cuộc họp báo hàng tuần rằng “Israel đã tạo ra bất an, khủng bố và bạo lực… Những cáo buộc về sự tham gia của Iran bị Tehran lên án”.
Ông Khatibzadeh nói: “Những cáo buộc như vậy nhằm mục đích chuyển hướng sự chú ý khỏi sự thật và là điều vô căn cứ”.
Một người Anh và một người Romania đã thiệt mạng khi Mercer Street, tàu mang cờ Liberia, thuộc sở hữu của Nhật Bản và do Zodiac Maritime thuộc sở hữu của Israel quản lý bị tấn công, dường như bởi một máy bay không người lái, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, mặc dù vẫn cần bằng chứng để đưa ra kết luận.
Hiện có nhiều cách giải thích khác nhau cho những gì đã xảy ra với tàu chở dầu. Zodiac Maritime nghi vụ việc do “cướp biển” gây ra và nguồn tin tại Trung tâm An ninh Hàng hải Oman nói rằng đây là một vụ tai nạn xảy ra bên ngoài lãnh hải Oman.
Các nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ và châu Âu nói rằng Iran là nghi phạm hàng đầu.
(AP) – Tư Pháp Mỹ: Tin tặc Nga đã tấn công vào hệ thống công tố liên bang. Theo Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ngày 30/07/2021, tin tặc Nga đứng sau chiến dịch gián điệp mạng lớn của SolarWinds đã đột nhập vào tài khoản email của một số văn phòng công tố liên bang nổi tiếng nhất trên toàn quốc vào năm ngoái. 80% tài khoản email của Microsoft được sử dụng tại 4 văn phòng công tố ở New York đã bị xâm phạm. 27 văn phòng công tố trên toàn quốc đã có ít nhất một tài khoản email của một nhân viên bị xâm phạm. Các tài khoản đã bị xâm nhập từ ngày 07/05 đến 27/12/2020. Chiến dịch SolarWinds, thâm nhập vào hàng chục công ty tư nhân và tổ chức tư vấn và ít nhất 9 cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, lần đầu tiên được phát hiện và công khai vào giữa tháng 12/2020.
(AFP) – Thủ tướng Cam Bốt tuyên bố khai thác dầu là một «thất bại». Nguyên nhân là vì công ty KrisEnergy của Singapore, vì không thể trả được nợ vay, đã nộp hồ sơ xin thanh lý hồi tháng 6/2021. Trước giới báo chí ngày hôm nay 01/08/2021, thủ tướng Hun Sen nói: «Ngày 29/12/2020, chúng tôi thông báo giọt dầu đầu tiên được khai thác. Liệu đó có thể là một thất bại cho bây giờ? Cuối cùng, chúng ta khai thác được một ngàn thùng dầu/ngày, nhưng bây giờ doanh nghiệp lại bị phá sản». Thủ tướng Cam Bốt khẳng định KrisEnergy «ra đi cùng với chiếc tầu chở dầu».
(AFP) – Tầu dầu bị tấn công: Mỹ chấp nhận tham gia cuộc điều tra. Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 31/07/2021 khẳng định như trên. Chiếc tầu chở dầu Mercer Street, do một tỷ phú Israel quản lý, hôm thứ Năm 29/07/2021, đã bị tấn công ngoài khơi Oman, làm hai thuyền viên thiệt mạng. Israel cáo buộc «kẻ thù truyền kiếp» Iran đứng sau sự cố này. Theo quân đội Mỹ và hãng khai thác, chiếc tầu này bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái.
(RFI) – Hungary: Nhân viên chăm sóc y tế biểu tình phản đối điều kiện làm việc. Hơn 1.000 người đã tụ họp tại thủ đô Budapest ngày 31/07/2021, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn. Một thăm dò gần đây cho biết hơn 1.000 y tá có dự định rời đất nước. Còn số liệu do Phòng Các nghề nghiệp Y tế mỗi năm Hungary mất khoảng 500 y tá do lương của họ là thấp nhất so với khối các nước Tây Âu. Để đối phó với tình trạng khan hiếm nhân viên y tế, hồi tháng 10/2020, Nghị Viện Hungary thông qua dự luật tăng đáng kể mức lương cho các bác sĩ, nhưng lại không tăng lương cho các đối tượng khác trong ngành y tế.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ khẩn cấp sơ tán dân cư và du khách tránh hỏa hoạn. Từ năm ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với tình trạng cháy rừng lan rộng, ít nhất có sáu người đã thiệt mạng. Toàn bộ dân cư tại một khu phố và du khách tại bãi biển Bodrum đã phải được sơ tán, do gió mạnh gây khó khăn cho công tác cứu hỏa. Theo kênh truyền hình CNN Thổ Nhĩ Kỳ, vì không thể đi bằng đường bộ, 540 người đã được đưa đi sơ tán bằng thuyền.
(AFP) – Indonesia: Hai con hổ Sumatra bị nhiễm Covid-19. Chính quyền Indonesia ngày 01/08/2021 nêu rõ đây là hai con hổ trong vườn bách thú, và một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm xác định làm thế nào những con thú này lại bị nhiễm bệnh. Giống hổ Sumatra hiện đang được xếp vào diện loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210801-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Tin TG tối 01/8: COVID-19 tổng tấn công châu Á; Hoa Kỳ đã phân phối hơn 400 triệu liều vắc-xin cho thế giới
COVID-19 tổng tấn công châu Á: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia số ca nhiễm tăng kỷ lục
Reuters – Thành phố đăng cai Olympic, Tokyo (Nhật Bản), cũng như Thái Lan và Malaysia đã công bố số ca nhiễm COVID-19 kỷ lục vào thứ Bảy, chủ yếu là do biến thể Delta.
Sự gia tăng các trường hợp biến thể Delta đang làm chao đảo các khu vực châu Á trước đây tương đối thành công trong việc khống chế dịch COVID-19, như Việt Nam.
Các ca cũng tăng cao ở Sydney, cảnh sát ở đây đã phong tỏa khu trung tâm thương mại để ngăn chặn cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm cửa nghiêm ngặt sẽ kéo dài đến cuối tháng 8.
Chính quyền thủ đô Tokyo đã công bố con số kỷ lục 4.058 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Các nhà tổ chức Olympic báo cáo 21 ca nhiễm mới Covid-19 liên quan đến Olympic, nâng tổng số lên 241 ca kể từ ngày 1/7.
Trước đó một ngày, Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo đến cuối tháng 8 và mở rộng ra 3 quận gần thủ đô và đến quận phía tây Osaka.
Malaysia, một trong những điểm nóng của dịch bệnh, đã báo cáo 17.786 trường hợp nhiễm coronavirus vào thứ Bảy, một mức cao kỷ lục. Hơn 100 người tập trung tại trung tâm Kuala Lumpur bày tỏ sự bất bình trước cách xử lý của chính phủ đối với đại dịch và kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức
Thái Lan cũng báo cáo mức cao kỷ lục hàng ngày với 18.912 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 597.287. Chính phủ cho biết biến thể Delta chiếm hơn 60% các trường hợp trong nước và 80% các trường hợp ở thủ đô Bangkok.
Brazil: Số ca tử vong do COVID trung bình hàng ngày vượt qua mốc 1.000
Aljazeera – Số ca tử vong liên quan đến virus Corona trung bình trong bảy ngày của Brazil đã vượt qua mốc 1.000 người/ngày lần đầu tiên kể từ tháng Giêng, khi đợt đại dịch thứ hai đang hoành hành quốc gia Nam Mỹ này.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, quốc gia này đã ghi nhận hơn 19,8 triệu trường hợp mắc COVID-19 và hơn 555.400 trường hợp tử vong kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Trong khi các ca tử vong và dương tính với COVID-19 đã giảm trong những tuần gần đây và tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, các chuyên gia y tế đang cảnh báo rằng một sự gia tăng mới có thể xảy ra một phần do sự lây lan của biến thể Delta rất dễ lây lan.
Campuchia nhận một triệu liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc
Xinhuanet – Theo Khmer Times, ngày 31/7, Campuchia đã nhận hỗ trợ một triệu liều vắc-xin Sinovac cùng với 300.000 bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh đến từ Trung Quốc.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cho biết dự kiến trong tháng 8, Campuchia nhận tổng cộng khoảng 26 triệu liều vắc-xin COVID-19 thông qua việc mua bán và nhận hỗ trợ từ các nước.
Với số lượng vắc-xin đó, Campuchia sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho 13 triệu người, tương đương với 80% dân số.
Ngoài ra, 415.000 liều vắc-xin AstraZeneca do Vương quốc Anh viện trợ cũng sẽ đến Campuchia vào ngày 3-4/8.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia báo cáo 658 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 77.243. Nước này cũng ghi nhận thêm 22 người chết vì COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 1.397 người kể từ khi dịch bùng phát.
Hoa Kỳ đã phân phối 345,6 triệu liều vắc-xin COVID-19
Reuters – Hoa Kỳ đã cung cấp 345,6 triệu liều vắc-xin chống COVID-19 trong nước và đã phân phối 400,6 triệu liều cho thế giới, tính đến sáng thứ Bảy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Hoa Kỳ cho biết trong một kiểm đếm.
Các con số này tăng từ 344,9 triệu liều vắc-xin mà CDC cho biết đã được đưa vào sử dụng vào ngày 30/7, trong số hơn 399 triệu liều được giao.
CDC Hoa Kỳ cho biết, 190,9 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều, trong khi 164,4 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến thứ Bảy.
Kiểm đếm này bao gồm vắc-xin hai liều của Moderna và Pfizer/BioNTech, vắc-xin một liều của Johnson & Johnson’s.
Trung Quốc báo cáo 55 trường hợp COVID-19 mới khi biến thể Delta lây lan từ Nam Kinh
Reuters – Trung Quốc hôm thứ Bảy đã báo cáo 55 ca nhiễm mới COVID-19 ở đại lục trong ngày 30/7, so với 64 ca nhiễm một ngày trước đó, do biến thể Delta lây lan khắp đất nước trong kỳ nghỉ hè.
Phần lớn các ca nhiễm địa phương được báo cáo ở tỉnh Giang Tô. Thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô đang phải đối mặt với sự bùng phát của biến thể Delta của Covid-19 trong tháng này, bắt nguồn từ các nhân viên làm vệ sinh cho một máy bay đến từ Nga.
Nam Kinh đã báo cáo 190 ca lây nhiễm địa phương kể từ ngày 20/7, trong khi tổng cộng 262 ca trên toàn quốc, theo số liệu công bố hôm thứ Bảy.
Dịch bùng phát ở Nam Kinh đã lan sang các thành phố khác ở Giang Tô và lan đến thủ đô Bắc Kinh, đến các tỉnh khác bao gồm An Huy, Tứ Xuyên, Liêu Ninh, Quảng Đông và Hồ Nam.
Tô Châu, một thành phố lớn ở Giang Tô, vào hôm thứ Bảy thông báo sẽ đóng cửa tất cả các sòng bài, sau khi một số người ở một thành phố khác của Giang Tô bị nhiễm virus sau khi đi chơi trong một sòng bài.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO vào ngày 30/7 kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu ngăn chặn Delta trước khi nó biến thành thứ gì đó nguy hiểm hơn và gây ra đại dịch. WHO cho biết, ở 5 trong 6 khu vực của WHO, số ca nhiễm tăng 80%, hoặc gần gấp đối, trong 4 tuần qua. Ở châu Phi, số người chết đã tăng 80% so với cùng kỳ. Phần lớn sự gia tăng này là do biến thể Delta có khả năng lây lan cao, hiện đã được phát hiện ở ít nhất 132 quốc gia.
Trung Quốc đã sử dụng hơn 1,6 tỷ liều vaccine COVID-19 tính đến ngày 30/7.