Tin Tổng Hợp – 1/7/22
Quốc Hội Pháp trở lại với vai trò đối trọng thật sự
01/07/2022 – RFI – Thanh Phương – Cuộc bầu cử Quốc Hội trong tháng 6 vừa qua đã đặt nước Pháp trước nguy cơ bế tắc chính trị do liên minh tranh cử của tổng thống Emmanuel Macron bị mất đa số tuyệt đối và nay đang cố chiêu dụ các chính đảng khác tham gia vào một chính phủ liên minh và hội đủ đa số ghế cần thiết để có thể thông qua các cải tổ.
Theo các số liệu mới nhất do Hạ Viện Pháp công bố, sau cuộc bầu cử, liên minh Đồng Lòng! ( Ensemble! ) của tổng thống Macron có tổng cộng 250 ghế, còn thiếu đến 39 ghế để đạt đa số tuyệt đối 289. Đây là đa số tương đối có số ghế thấp nhất trong lịch sử của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, ra đời vào năm 1958. Tính riêng từng đảng, trong Nghị Viện mới, đảng Phục Hưng ( Renaissance – tên mới của đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron ) có nhóm nghị sĩ đông nhất (171 ghế), nhưng đông thứ hai là đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc với 89 ghế và thứ ba là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất với 75 ghế. Đây lại chính là hai đảng mà tổng thống Macron dứt khoát không mời tham gia chính phủ liên minh. Trước một Hạ Viện mà “phe ta” không còn áp đảo như trước, tổng thống Macron không còn có thể xem nhẹ vai trò của Quốc Hội như trước. Nói cách khác, sau cuộc bầu cử lần này, Quốc Hội đã trở lại với vai trò đối trọng thật sự với cơ quan hành pháp.
Vai trò của dân biểu
Nhưng trước hết, nhà chính trị học Olivier Rouquant, tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hành chính và Chính trị, giải thích về vai trò của các dân biểu Pháp khi trả lời RFI Pháp ngữ ngày 20/06:
“ Có thể nói dân biểu đóng vai trò trung gian giữa đơn vị bầu cử của mình với lợi ích quốc gia. Họ luôn nghĩ đến các cử tri của mình, nhưng cũng phải làm sao cho lợi ích của địa phương tương hợp với lợi ích chung. Đó là chủ thuyết đã có từ thời Cách mạng Pháp: dân biểu là đại diện của quốc gia.
Về căn bản, dân biểu có hai vai trò chính. Thứ nhất là tác nhân quan trọng trong việc làm luật, thứ hai là kiểm soát hành động của chính phủ. Về hai vai trò này thì trong nền Đệ ngũ Cộng hòa, Quốc Hội lại có trọng lượng kém hơn dưới thời Đệ tam và Đệ tứ Cộng hòa và kém hơn cả các chế độ đại nghị ở Anh Quốc hay ở Hoa Kỳ.
Chúng ta hay nói đến chế độ tổng thống ở Hoa Kỳ, nhưng trên thực tế Quốc Hội lưỡng viện Mỹ có nhiều quyền hành hơn là Hạ viện và Thượng viện Pháp.
Mục đích của sửa đổi Hiến Pháp của Pháp vào năm 2008 trước hết là nhằm trao lại một vài quyền hành cho dân biểu trong việc kiểm soát, đánh giá các chính sách, thứ hai là hạn chế việc kiểm soát của chính phủ đối với các thủ tục lập pháp.”
Chưa biết là chính phủ của tổng thống Macron và các dân biểu vừa được bầu sẽ làm việc với nhau như thế nào, trước mắt đã có một vài làn gió mới thổi qua Quốc Hội Pháp. Thứ nhất lần đầu tiên trong lịch sử của định chế này, hôm 27/06, một phụ nữ được bầu làm chủ tịch Hạ Viện, đó là bà Yaël Braun-Pivet, thuộc đảng Phục Hưng. Và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa, một phụ nữ đứng đầu nhóm nghị sĩ đa số, đó là bà Aurore Bergé, được bầu làm chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Phục Hưng hôm 22/06.
Không chỉ bị mất đa số tuyệt đối trong Quốc Hội mới, chính phủ của tổng thống Macron nay còn phải đối đầu với hai nhóm nghị sĩ cực tả và cực hữu chưa bao giờ có một thế lực mạnh như thế. Quốc Hội mới sẽ không còn dễ nghe dễ bảo như trong nhiệm kỳ đầu của ông Macron.
Thật ra, thì trong Quốc Hội khóa trước, một số dân biểu ngay trong phe đa số đã không chấp nhận sự áp đặt của chính phủ hay lãnh đạo phe đa số, như trường hợp của ông Matthieu Orphelin. Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 20/06, ông Orphelin cho biết:
“Tôi đã được bầu làm dân biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, nhưng chỉ một năm sau đó tôi đã rời khỏi nhóm nghị sĩ của đảng này. Ngay từ cuộc họp đầu tiên của nhóm, tôi đã đụng với Richard Ferrand (lúc đó là chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Cộng Hòa Tiến Bước), vì ông muốn chúng tôi thông qua một quy định theo đó toàn bộ các dân biểu của đảng phải bỏ phiếu theo định hướng chung của nhóm. Tôi đã nói ngay rằng làm như vậy là trái với Hiến Pháp. Ngay từ đầu họ đã muốn đưa nhóm nghị sĩ Cộng Hòa Tiến Bước vào khuôn phép và sau đó, nhiều dân biểu đã tin như thế, vì nhiều người trong số họ lần đầu tiên được bầu vào Quốc Hội, không biết về giới chính trị, nên cứ nghĩ rằng dân biểu là lúc nào cũng nghe theo lời một bộ trưởng, trong khi không phải như thế: Làm dân biểu, dù là thuộc phe đa số cầm quyền, hay thuộc phe đối lập, là phải biết đấu tranh, đấu tranh vì quan điểm, lập trường của mình.
Tôi đã đắc cử tại một đơn vị bầu cử mà bà Roselyne Bachelot (cựu bộ trưởng) đã được bầu 5 lần. Khi tôi đắc cử, bà ấy đã nói: “Mathieu, tôi có một lời khuyên duy nhất với anh: Hãy bỏ phiếu theo quan điểm, lập trường của mình, chứ đừng bỏ phiếu theo nhóm của anh”.
Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng. Chúng ta vào Quốc Hội chính là để đấu tranh cho những gì mà mình tin là đúng. Dĩ nhiên cũng phải tôn trọng kỷ luật của nhóm khi nào có thể được, nhưng không có gì bằng làm đúng theo những giá trị của mình, không có gì bằng đấu tranh cho lý tưởng của mình.
Trước hết phải biết cưỡng lại áp lực của một bộ trưởng, áp lực của các cố vấn của bộ trưởng, những người vẫn xem các dân biểu là những kẻ cản trở việc ban hành luật một cách nhanh chóng. Nếu biết lắng nghe các dân biểu, thì trong nhiệm kỳ vừa qua, họ đã không làm nhiều điều sai như thế. Chính phủ mới phải biết sử dụng các dân biểu như những mạng lưới liên lạc với các địa phương, để nắm bắt những suy nghĩ của người dân các nơi. Dĩ nhiên, làm dân biểu thì phải tuân thủ kỷ luật, nhưng trên hết là phải biết tôn trọng các giá trị, mà những giá trị là không thể thỏa hiệp được. Một vị dân biểu tốt là một dân biểu biết đấu tranh.”
“Khám phá lại” Hạ Viện
Đối với ông Antoine Leaument, dân biểu thuộc liên minh cánh tả NUPES, kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua khiến mọi người nhận thức trở lại về vai trò của Hạ Viện trong chính trường nước Pháp:
“Mọi người đang phần nào khám phá lại Hạ Viện, vì định chế này coi như đã biến mất từ 20 năm qua, kể từ khi hoán đổi lịch trình bầu cử tổng thống và bầu cử Quốc Hội, tức là kể từ năm 2002, bầu cử Quốc Hội được tổ chức ngay sau bầu cử tổng thống và thường là xác nhận kết quả bầu cử tổng thống. Cùng với việc rút thời gian nhiệm kỳ tổng thống xuống còn 5 năm, nhiệm kỳ của tổng thống trùng với nhiệm kỳ các dân biểu Hạ Viện. Ngay từ đầu, đây đã là một vấn đề lớn về dân chủ, bởi vì quyền hành pháp và quyền lập pháp đều cùng một phe từ 20 năm qua. Mọi người đã quen với việc tổng thống giống như là một ông vua, muốn làm gì thì làm, vì dầu sao Quốc Hội cũng sẽ nghe theo lệnh của ông.
Nhờ cuộc bầu cử lần này mà người ta khám phá là nước ta cũng có một Quốc Hội, rằng về mặt lý thuyết, trong một nền dân chủ phải có tam quyền phân lập. Như vậy là trong những tháng tới, Quốc Hội sẽ có vai trò trọng tâm. Coi như là người dân được học công dân giáo dục, vì nhiều người sẽ khám phá vai trò của Hạ Viện, vai trò của các dân biểu. Chính phủ đương nhiệm cũng sẽ khám phá lại rằng các dân biểu đối lập cũng đóng vai trò điều tra, cũng có quyền đi kiểm tra các nhà tù. Ví dụ như trong đơn vị bầu cử của tôi có nhà tù Fleury-Mérogis, lớn nhất châu Âu. Một trong những điều mà tôi muốn làm sau khi đắc cử dân biểu chính là đến thăm nhà tù đó để xem điều kiện giam giữ có được bảo đảm đúng theo luật hay không. Nên nhớ là Pháp đã bị Tòa án Nhân quyền châu Âu lên án nhiều lần về vấn đề này. Nói tóm lại là có rất nhiều nhiệm vụ mà dân biểu có thể thi hành.”
Theo cái nhìn của dân biểu Orphelin, chính vì trong nhiều năm qua vai trò của Quốc Hội bị mờ nhạt đi, nên dân Pháp không còn có mấy ai quan tâm đến công việc của các dân biểu và cũng chính vì vậy mà trong cuộc bầu cử vừa qua, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu rất cao, nhất là những người trẻ. Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 20/06, ông Orphelin ghi nhận:
“Hôm qua (19/06), đã có đến 75% những người dưới 45 tuổi không đi bầu. Tôi nghĩ chúng ta phải giải quyết vấn đề đó. Giới trẻ họ đòi hỏi gì? Tôi và ê kíp của tôi đã hỏi ý kiến của 500 bạn trẻ tại đơn vị bầu cử của tôi. Họ muốn được giảng dạy về chính trị ở trường trung học. Khi một bạn trẻ 19 tuổi nói với chúng ta: “ Tôi đã không đi bỏ phiếu bởi vì tôi không được giải thích rõ cánh tả và cánh hữu khác biệt với nhau như thế nào”, thì rõ ràng là có những vướng mắc cần được tháo gỡ. Cần phải nối lại sợi dây liên kết với người dân và phải cho họ thấy là chính trị mang lại những thay đổi trong cuộc sống. Còn hiện giờ có vẻ như người dân không mấy quan tâm đến lịch trình bầu cử. Điều họ muốn là các giới chính trị quan tâm đến họ. Tôi nghĩ là phải làm sao khôi phục lòng tin của công dân vào chính trị, nhất là đối với những người dưới 45 tuổi mà gần 80% đã không đi bầu.”
Chuyển sang Đệ lục Cộng hòa?
Kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua cũng đã khơi dậy cuộc tranh luận về những điều bị xem là hạn chế của nền Đệ ngũ Cộng hòa, một thể chế nửa tổng thống, nửa đại nghị. Nước Pháp nên đoạn tuyệt với nền Đệ ngũ Cộng hòa để chuyển hẳn sang nền Đệ lục Cộng hòa, đó vẫn là chủ trương từ nhiều năm nay của ông Jean-Luc Mélenchon, chủ tịch đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất. Nền Đệ lục Cộng hòa theo quan điểm của ông Mélenchon là nhằm chấm dứt một chế độ mà trong đó tổng thống hành xử như một ông vua và nhằm để cho công dân được tham gia nhiều hơn vào các quyết định chính trị của đất nước. Chủ trương này được một số người ủng hộ, trong đó có ông Leaument, dân biểu liên minh cánh tả NUPES:
“Tình hình chính trị hiện nay cho thấy cuộc đấu tranh của tôi từ khoảng 10 năm nay cùng với ông Jean-Luc Mélenchon là đúng đắn, vì chúng tôi vẫn chủ trương chuyển nước Pháp sang nền Đệ lục Cộng hòa. Nền Đệ ngũ Cộng hòa nay đã đến lúc gặp bế tắc. Sẽ rất khó mà tiếp tục cầm quyền với một Hạ viện mà trong đó giữa đảng cánh hữu Tập Hợp Dân Tộc với chúng tôi là hai thái cực, giữa đảng Cộng Hòa Tiến Bước với chúng tôi cũng không có gì tương đồng. Đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa thì nói là trên nguyên tắc họ sẽ vẫn ở bên phía đối lập. Tôi không biết là họ giữ được quan điểm này trong bao lâu, bởi vì giữa họ với đảng cầm quyền có rất nhiều điểm tương đồng.
Tôi nghĩ là Pháp đang ở trong một tình hình chính trị rất mới, ít ra là đáng để chúng ta suy nghĩ. Mọi người khám phá lại rằng tổng thống của nền Cộng hòa là một tổng thống gần như không có quyền hành nếu không có một đa số tuyệt đối ở Hạ Viện. Nếu nắm được Hạ Viện, tổng thống giống như một ông vua chuyên quyền, nhưng nếu không có đa số tuyệt đối thì coi tổng thống như bị tê liệt.”
Ngoại lệ Pháp ở châu Âu
Thật ra, nhiều nước láng giềng của Pháp ở châu Âu đã quá quen với tình trạng mà tổng thống hoặc thủ tướng chỉ nắm một đa số tương đối ở Quốc Hội, nhất là ở Đức, kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, hầu hết các chính phủ đều là chính phủ liên minh, thậm chí liên minh giữa các đảng có quan điểm rất khác biệt. Các đảng thường bỏ ra từ một đến ba tháng để soạn thảo một “hợp đồng” liên minh cầm quyền, bảo đảm cho chính phủ hoạt động ổn định.
Nước Ý cũng có truyền thống lập chính phủ liên minh, nhưng khác với Đức, đó thường là những liên minh không ổn định, khiến chính trường nước Ý luôn bị xáo trộn. Còn tại Thụy Điển, từ thập niên 1920 thường xuyên có các chính phủ thiểu số, như chính phủ hiện nay của thủ tướng Magdalena Andersson, chỉ nắm 100 ghế trên tổng số 349 ghế ở Quốc Hội. Chính trường nước này vẫn ổn định đó là nhờ văn hóa “thỏa hiệp” đã bám rễ từ lâu trong các chính đảng. Riêng Tây Ban Nha thì chỉ mới “khám phá” chính phủ liên minh kể từ năm 2015, khi hai đảng chủ chốt Nhân dân (cánh hữu) và Xã hội (cánh tả) không còn tiếp tục luân phiên cầm quyền nữa.
Trên nguyên tắc, từ đây đến cuối tuần hoặc đầu tuần tới, thủ tướng Elisabeth Borne phải lập cho xong một chính phủ liên minh có đủ đa số tuyệt đối ở Quốc Hội. Nhưng cho dù thành phần của chính phủ liên minh này như thế nào, Quốc Hội cũng sẽ là một định chế thật sự có vai trò đối trọng, tổng thống Macron sẽ buộc phải thương lượng, mặc cả với các nhóm nghị sĩ trước khi ra những quyết định quan trọng cho đất nước.
WHO: Số ca COVID tăng khắp nơi trên thế giới
02/07/2022 – AP – Số ca COVID tăng 18% trong tuần trước, với hơn 4,1 triệu ca được báo cáo trên toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Cơ quan y tế Liên hiệp quốc cho biết trong báo cáo hàng tuần mới nhất về đại dịch rằng số người chết trên toàn thế giới vẫn tương tự như tuần trước, khoảng 8.500 người. Các ca tử vong liên quan đến COVID gia tăng ở ba vùng: Trung Đông, Đông Nam Á và châu Mỹ.
Theo báo cáo được công bố cuối ngày 29/6, số ca nhiễm COVID tăng mạnh
nhất hàng tuần ở Trung Đông, tăng 47%. WHO cho biết số ca nhiễm tăng
khoảng 32% ở châu Âu và Đông Nam Á, và khoảng 14% ở châu Mỹ.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay số ca bệnh đang gia tăng ở 110 quốc gia, chủ yếu là do các biến thể Omicron BA.4 và BA.5.
“Đại dịch này đang thay đổi, nhưng chưa kết thúc”, ông Tedros nói trong một cuộc họp báo tuần này. Ông cho biết khả năng theo dõi sự tiến hóa gen của COVID đang bị “đe dọa” khi các quốc gia nới lỏng các nỗ lực giám sát và giải trình tự gen, đồng thời cảnh báo rằng điều này sẽ khiến việc phát hiện các biến thể mới xuất hiện và nguy hiểm tiềm ẩn trở nên khó khăn hơn.
Ông kêu gọi các quốc gia tiêm chủng cho những nhóm dân số dễ bị tổn
thương nhất, bao gồm cả nhân viên y tế và những người trên 60 tuổi, nói
rằng hàng trăm triệu người vẫn chưa được chủng ngừa và có nguy cơ mắc
bệnh nặng và tử vong.
Ông Tedros nói trong khi hơn 1,2 tỷ vắc-xin COVID đã được sử dụng trên toàn cầu, tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở các nước nghèo mới khoảng 13%.
Ông nói: “Nếu các nước giàu đang tiêm chủng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và có kế hoạch thực hiện các đợt tiêm chủng tiếp theo, thì không thể không đề nghị các nước có thu nhập thấp hơn tiêm chủng và tiêm tăng cường cho những người có nguy cơ cao nhất.”
Theo số liệu từ Oxfam và Liên minh Vắc-xin Nhân dân, chưa đến một nửa
trong số 2,1 tỷ vắc- xin do G7 hứa cung cấp cho các nước nghèo đã được
chuyển giao.
Đầu tháng này, Hoa Kỳ đã cho phép tiêm vắc-xin COVID cho trẻ từ 6 tháng tuổi, triển khai kế hoạch tiêm chủng quốc gia nhắm vào 18 triệu trẻ em nhỏ tuổi nhất.
Các nhà ban hành qui định Mỹ cũng khuyến cáo rằng một số người lớn nên nhận các liều tăng cường cập nhật vào mùa thu phù hợp với các biến thể mới nhất.
https://www.voatiengviet.com/a/who-so-ca-covid-tang-khap-noi-tren-the-gioi/6642006.html
(AFP) – Tòa Án Hình Sự Quốc Tế không có nhiều thành tích sau 20 năm hoạt động. Ngày 01/07/2022 đánh dấu 20 năm khai sinh Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, trụ sở tại La Haye, Hà Lan. Nhưng trong hai thập niên qua, Tòa chỉ tuyên 5 bản án, nhắm vào 5 người châu Phi vì tội nổi loạn. Không một bản án nào nhắm vào các nhà lãnh đạo phạm tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại hay tội ác chiến tranh. Các phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo Nam Tư hay châu Phi đều bị bỏ dở. Thêm một tì vết khác là một số quốc gia, như Mỹ tuy đã ký kết vào Quy Ước Roma năm 1998, nền tảng để thành lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, nhưng văn bản đó đến nay vẫn chưa được Washington phê chuẩn.
(AFP) – Phong tỏa hơn 1 tỷ đô la tài sản của một công ty Nga hoạt động tại Hoa Kỳ. Theo thông báo ngày 30/06/2022 của bộ Tài Chính Mỹ, đó là tài sản của Heritage Trust, một tập đoàn do nhà tài phiệt Nga Suleiman Kerimov làm chủ. Nhật vật này đã nằm trong tầm ngắm của Tư Pháp Mỹ từ 2018 do bị nghi ngờ rửa tiền. Vì chiến tranh Ukraina, Suleiman Kerimov bị cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu đưa vào danh sách trừng phạt.
(Reuters) – Không có dấu hiệu Trung Quốc giúp Nga về quân sự. Một quan chức Mỹ hôm 30/06/2022 được Reuters trích dẫn cho biết “hiện thời” chưa phát hiện bằng chứng là Trung Quốc lách lệnh cấm vận phương Tây ban hành trực phạt Nga xâm chiếm Ukraina. Cũng không có dấu vết Bắc Kinh cung cấp trang thiết bị quân sự cho Nga. Tin trên được đưa ra vào lúc bộ Thương Mại hôm 28/06 đưa thêm 5 hãng Trung Quốc vào danh sách đen hôm với lý do các công ty này bị nghi ngờ “giúp đỡ Nga” về quân sự trong chiến dịch Ukraina.
(AFP) – Estonia và Litva mua chung hệ thống phòng thủ. Thêm một tác động trực tiếp từ chiến tranh Ukraina: Tại Madrid hôm 30/06/2022, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đã ký kết một văn bản với ý định hợp tác, cùng trang bị hệ thống phòng không tầm trung. Estonia và Litva là thành viên NATO, Liên Âu và là hai nước trong vùng Baltic sát cạnh Nga. Chưa có thêm chi tiết về trị giá hợp đồng, cũng như thời hạn Riga và Tallinn được giao hàng.
(AFP) – Liên Âu và New Zealand ký kết hiệp định tự do mậu dịch. Sau bốn năm đàm phán, tại Bruxelles hôm 30/6/22, đôi bên chính thức đặt bút ký vào văn bản cho phép trao đổi mậu dịch hai chiều tăng thêm 30%. Tuy nhiên để có hiệu lực, hiệp định còn phải đợi được Quốc Hội của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thông qua. Chứng kiến lễ ký kết hiệp định tự do mậu dịch, nữ thủ tướng Jacinda Ardern xem đây là “cơ hội tốt nhất để một nước nhỏ với 5 triệu dân đối mặt với những bất ổn trên thế giới” như Covid-19 và khủng hoảng Ukraina.
(AFP) – Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) lo ngại Covid-19 sẽ lại lan rất mạnh ở châu Âu vào mùa hè. Vì số ca nhiễm mới thường nhật đã tăng gấp 3 trong tháng 06/2022, WHO kêu gọi châu Âu theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh. Giám đốc WHO chi nhánh châu Âu Hans Kluge, hôm 30/06/2022 cũng kêu gọi các nước tiếp tục tăng tỉ lệ người dân được tiêm chủng, bởi tính miễn dịch cộng đồng cao là yếu tố then chốt giảm tỉ lệ tử vong trong đợt dịch mùa hè 2022. Do biến thể phụ BA.05 của biến thể Omicron, số ca nhiễm Covid tại khoảng 50 nước thành viên Tổ Chức Y Tế Thế Giới chi nhánh châu Âu đã lên đến mức 500.000/ngày, so với con số 150.000 ca/ngày.
(AFP) – Ba Lan hoàn thành bức tường thép dọc biên giới với Belarus. Thông báo của Vacxava được đưa ra hôm 30/06/2022. Bức tường thép cao 5,5m, dài 186km, với chi phí khoảng 350 triệu euro được dựng lên nhằm ngăn cản di dân vượt biên giới từ Belarus sang Ba Lan. Hồi mùa hè 2021, hàng ngàn di dân, chủ yếu từ Trung Đông đã qua ngả này nhập cư hoặc tìm cách nhập cư trái phép vào Liên Hiệp châu Âu. Ba Lan tố cáo Minsk cố tình gây bất ổn cho Liên Âu bằng cách đưa di dân đến vùng biên giới với Ba Lan.
(AFP) – Lạm phát ở châu Âu trong tháng 06/2022 lên cao đến mức kỷ lục tính từ 25 năm qua. Chiến tranh Ukraina và các biện pháp trừng phạt nhắm vào Matxcơva là lý do chủ yếu. Theo số liệu cơ quan thống kê Liên Âu Eurostat, công bố hôm nay 01/07/2022, lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 06 là 8,6%, so với tỉ lệ 7,4% hồi tháng 04 và 8,1% hồi tháng 05. Đây là con số cao nhất được Cơ quan thống kê châu Âu ghi nhận kể từ khi bắt đầu công bố chỉ số này vào tháng 01/1997.
(AFP) – Chủ tịch hãng xe hơi Đức Volkswagen lo ngại về thái độ cứng rắn của Berlin đối với Trung Quốc. Trả lời báo Đức Spiegel, chủ tịch Herbert Diess ngày 30/06/2022 cho rằng thái độ cứng rắn của chính phủ không có lợi cho sự phát triển thương mại giữa hai nước, nên Berlin cần đối thoại nhiều hơn với Bắc Kinh. Hồi tháng 05/2022, bộ Kinh Tế Đức đã quyết định không bảo lãnh cho các khoản đầu tư của Volkswagen vào Tân Cương, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc đàn áp người Hồi Giáo thiểu số duy Nhô Nhĩ. Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng xe hơi này, 40% xe hơi Volkswagen bán ra trong 3 tháng đầu năm 2022 là sang thị trường Trung Quốc.
(RFI) – Chặng đầu vòng đua xe đạp Tour de France 2022 diễn ra tại Đan Mạch. Lúc 4 giờ chiều nay 01/07/2022, Tour de France lần thứ 109 bắt đầu. Trong chặng đầu tiên diễn ra tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, 176 tay đua sẽ biểu diễn một vòng hơn 13 cây số xung quanh thành phố. Chặng cuối cùng kết thúc tại Paris, dự trù diễn ra vào ngày 24/07. Để vinh danh 200 năm ngày sinh Louis Pasteur, cha đẻ vac-xin chống bệnh dại, ban tổ chức cố ý dành chọn thành phố Dole, vùng Jura, cho chặng đua thứ 8 vào ngày 09/07. Đó là chặng nối liền Dole với Lausanne, Thụy Sĩ.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220701-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p