Tin Tổng Hợp – 08/02/23: Hoa Kỳ “sẽ có hành động” nếu TC đe dọa chủ quyền; Dân biểu đảng CH Mỹ: Khinh khí cầu TC xâm nhập là ‘hành động gây hấn’; Mỹ không trả các mảnh vỡ khinh khí cầu
Tổng thống Biden: Hoa Kỳ “sẽ có hành động” nếu bị Trung Quốc đe dọa chủ quyền
08/02/2023 – Thanh Phương – Hôm qua, 07/02/2023, trong bài diễn văn về “Tình trạng Liên bang”, tổng thống Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ “sẽ có hành động” nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền nước Mỹ. Tuyên bố được đưa ra sau khi quân đội Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc xâm phạm không phận Hoa Kỳ.
Hôm thứ Bảy tuần trước, 04/02, ngoài khơi bang South Carolina, quân đội Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc mà Lầu Năm Góc cho là khinh khí cầu do thám nhằm thu thập các thông tin nhạy cảm về nước Mỹ. Bắc Kinh thì vẫn khẳng định đó chỉ là một quả bóng thám không dân sự, chủ yếu nhằm thu thập các dữ liệu khí tượng học.
Vụ này đã khiến quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng trong những ngày qua đến mức ngoại trưởng Antony Blinken đã đình hoãn vô thời hạn chuyến thăm Bắc Kinh. Hôm thứ Hai, chính phủ Trung Quốc cho rằng khi bắn hạ khinh khí cầu, Hoa Kỳ đã “gây tổn hại nặng nề” cho quan hệ giữa hai nước. Hôm qua, Lầu Năm Góc tiết lộ là hôm thứ Bảy, hôm mà quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, Bắc Kinh đã từ chối đáp ứng đề nghị của Washington về một cuộc điện đàm giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).
Bị đối lập chỉ trích là đã phản ứng quá chậm trễ trong vụ khinh khí cầu, thể hiện thái độ “mềm yếu” trước Trung Quốc, tổng thống Biden trong bài diễn văn về Tình trạng Liên bang trước Quốc Hội lưỡng viện hôm qua đã tỏ vẻ cứng rắn, tuyên bố là “Mỹ sẽ không để Trung Quốc hù dọa”. Ông Biden khẳng định Hoa Kỳ “đang trong thế mạnh nhất từ nhiều thập niên qua để cạnh tranh với Trung Quốc hoặc với bất kỳ quốc gia nào khác”. Nhưng tổng thống Mỹ nhấn mạnh Washington chỉ cạnh tranh chứ không muốn có xung đột với Bắc Kinh.
Đáp lại các phát biểu nói trên của tổng thống Biden, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố sẽ “kiên quyết” bảo vệ các lợi ích của mình, nhưng kêu gọi Hoa Kỳ cùng với Trung Quốc “ đưa quan hệ song phương trở lại con đường phát triển lành mạnh và ổn định”.
Dân biểu Mỹ: Khinh khí cầu Trung Quốc xâm nhập Mỹ là ‘hành động gây hấn’
08/02/2023 – VOA Tiếng Việt – Vụ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc bay qua lãnh thổ của Mỹ và sau đó bị Mỹ bắn hạ ngoài biển là điều “thật sự gây sốc” và cho thấy “hành động gây hấn ngày càng tăng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Michelle Steel nói với VOA ngày 7/2, đồng thời chỉ trích Tổng thống Joe Biden về cách thức ứng phó vụ việc.
Phát biểu của bà Steel, nhà lập pháp gốc Hàn thuộc Đảng Cộng hòa đại diện một địa hạt Quốc hội đông cử tri người Việt ở bang California, được đưa vài tiếng trước khi Tổng thống Biden thuộc Đảng Dân chủ trình bày một bài diễn văn quan trọng hàng năm trước các nhà lập pháp tại Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ.
Diễn tiến này xảy ra vài ngày sau khi máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc lúc nó bay dạt ra ngoài khơi bờ biển của bang South Carolina hôm 4/2. Hiện vùng nước này đang được tạm thời phong tỏa để quân đội tiến hành tìm kiếm những mảnh vỡ của nó.
Khinh khí cầu này lần đầu tiên đi vào vùng nhận dạng phòng không của Mỹ hôm 28/1, vào không phận Canada ba ngày sau đó rồi trở lại không phận Mỹ ngày 31/1, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Các quan chức Mỹ tiết lộ cho công chúng biết sự hiện diện của khinh khí cầu này vào ngày 2/2.
Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã chất vấn tại sao khinh khí cầu không bị bắn hạ trước khi nó đi ngang qua lãnh thổ của Mỹ. Ông Biden nói ông đã ra lệnh bắn hạ nó vào ngày 1/2 nhưng Lầu Năm Góc nói thực hiện việc này bên trên đất liền đề ra rủi ro quá lớn và khuyến nghị đợi cho đến khi nó bay ra ngoài biển.
Dân biểu Steel nói sự chần chừ là “không thể chấp nhận” vì những nguy cơ an ninh mà thiết bị này đề ra.
“Khinh khí cầu do thám thu thập rất nhiều dữ liệu, tại sao lại đợi thêm mấy ngày? Đây chính xác là nỗ lực tiếp diễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm do thám người dân Mỹ và đây thực sự là vấn đề an ninh quốc gia,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Vì vậy, khi phát hiện ra nó thì lẽ ra nên bắn hạ nó ngay, đợi thêm mấy ngày nữa làm gì?”
“Chúng ta không thể nào dung thứ hành động gây hấn ngày càng tăng của
Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ đối với Đài Loan mà bây giờ là với
Mỹ và tất cả các nước khắp thế giới. Điều này thật sự gây sốc.”
Bắc Kinh lên án việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu là “phản ứng thái quá rõ ràng” và kêu gọi Washington kiềm chế, theo Reuters.
Hôm 7/2, khi được hỏi liệu Trung Quốc có yêu cầu Mỹ trả lại những mảnh vỡ từ khinh khí cầu bị bắn rơi hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói khinh khí cầu thuộc về Trung Quốc.
“Khí cầu này không phải là của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình,” bà nói trong một cuộc họp báo thường kì.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ đang tỏ ý cho thấy họ định sẽ điều tra cách ứng phó của chính quyền Biden về vụ này.
Khi được hỏi có ủng hộ một cuộc điều tra không, bà Steel, một trong những thành viên của một ủy ban Hạ viện mới được thành lập tập trung vào vấn đề “cạnh tranh chiến lược” giữa Mỹ và Trung Quốc, nói bà chờ xem Tổng thống Biden sẽ nói gì về Trung Quốc khi ông đọc bài diễn văn Tình trạng Liên Bang (State of the Union) vào tối ngày 7/2 rồi mới đưa ra quyết định.
“Ông ấy có rất nhiều điều cần giải thích với nước Mỹ, với cử tri. Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và có những tập tục thương mại không công bằng,” nữ dân biểu này nói. “Báo Wall Street Journal gần đây đưa tin Trung Quốc đang hỗ trợ Nga tấn công Ukraine. Họ đang hỗ trợ những tác nhân xấu toàn cầu bao gồm Nga, Triều Tiên và Iran.”
“Đảng Cộng sản Trung Quốc rất hung hăng và chúng ta phải ngăn bọn họ lại.”
Các quan chức Mỹ đã giảm nhẹ tác động của khinh khí cầu với an ninh
quốc gia, nhưng nói rằng thu hồi thành công các mảnh vỡ có thể giúp Mỹ
hiểu rõ hơn về khả năng gián điệp của Trung Quốc, theo Reuters.
Một tướng cấp cao của Mỹ chịu trách nhiệm bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hôm 6/2 cho biết quân đội Mỹ đã không phát hiện được các khinh khí cầu do thám trước quả khí cầu phát hiện hôm 28/1 trên không phận Mỹ, và gọi đó là một “sơ suất về cảnh giác.”
Lầu Năm Góc cuối tuần qua nói các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua Mỹ trong một khoảng thời gian ngắn ít nhất ba lần dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump và một lần trước đây dưới thời đương kim Tổng thống Biden.
Dân biểu Steel nói bà “chưa nghe nói” về những vụ xâm nhập trước đó nhưng nói đây là vấn đề mà Mỹ cần phải khắc phục.
“Chúng ta cần phải ngăn chặn nó, chúng ta phải tìm hiểu. Nếu cuộc điều tra mở ra, tôi nghĩ chúng ta sẽ biết thêm được một chút về chuyện này,” bà nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết một khí cầu khác, được phát hiện bên trên khu vực Mỹ Latin, là một khí cầu dân sự không người lái đang bay thử nghiệm thì “bị chệch hướng nghiêm trọng và vô tình đi vào không phận bên trên Mỹ Latin do bị ảnh hưởng bởi thời tiết và khả năng tự điều khiển hạn chế.”
Hôm 5/2, quân đội Colombia cho biết nhìn thấy một vật thể trên không, giống như khinh khí cầu sau khi Lầu Năm Góc hôm 3/2 thông báo một khinh khí cầu khác của Trung Quốc đang bay qua Mỹ Latin.
https://www.voatiengviet.com/a/michelle-steel-khinh-khi-cau-trung-quoc-my/6952593.html
Khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ: Mỹ sẽ không trả lại các mảnh vỡ
07/02/2023 – Trọng Nghĩa – Hoa Kỳ đã thu hồi những mảnh vỡ đầu tiên của chiếc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi cuối tuần trước ngoài khơi bờ biển miền đông nam nước Mỹ. Một phát ngôn viên Nhà Trắng đã cho biết như trên hôm qua, 06/02/2023, đồng thời khẳng định sẽ không trả lại những mảnh này cho Trung Quốc.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby xác nhận các đội tìm kiếm được triển khai ngoài khơi bờ biển bang South Carolina, đã “thu hồi được một số mảnh vỡ nổi trên mặt nước” của chiếc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, chưa thể lặn tìm để trục vớt thiết bị mà Washington coi là khinh khí cầu “do thám” này. Ông John Kirby cũng nói rõ là Hoa Kỳ “không có ý định trả lại” cho Trung Quốc các mảnh vỡ thu hồi được.
Còn trong một cuộc họp báo riêng, tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Không Gian Bắc Mỹ (Norad), cho biết là một tàu hải quân Mỹ đang khoanh vùng địa điểm mà các mảnh vỡ rơi xuống. Theo quan chức này, chiếc khinh khí cầu Trung Quốc cao khoảng 60 mét và mang theo một loại giỏ nặng hơn một tấn. Các mảnh vỡ sẽ được nghiên cứu cẩn thận.
Vào lúc tổng thống Mỹ Joe Biden đang bị phe đối lập thuộc đảng Cộng Hòa chỉ trích vì đã quá chần chờ trước khi cho bắn hạ thiết bị bay của Trung Quốc, phát ngôn viên John Kirby đã đảm bảo rằng khoảng thời gian “chậm trễ” đó đã mang lại một “cơ hội to lớn để nghiên cứu và hiểu rõ hơn “công cụ do thám” của Trung Quốc trong khi chờ đợi các mảnh vỡ cung cấp thêm thông tin.
Ông Kirby cũng khẳng định Hoa Kỳ đã “áp dụng những biện pháp để hạn chế khả năng thu thập (dữ liệu) của chiếc khinh khí cầu (Trung Quốc) khi bay qua các cơ sở quân sự nhạy cảm”.
Trung Quốc và Ukraina trong Diễn Văn về Tình Trạng Liên Bang
Cùng với hồ sơ Ukraina, vụ khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc bị bắn hạ nói riêng và quan hệ Washington-Bắc Kinh nói chung được cho là sẽ bao trùm phần nói về đối ngoại trong bài “Diễn Văn về Tình Trạng Liên Bang” mà tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đọc hôm nay trước Quốc Hội Lưỡng Viện Hoa Kỳ.
Theo AFP, về Ukraina, dĩ nhiên là ông Biden sẽ nêu bật vai trò đầu tàu của Mỹ trong cuộc phản công của phương Tây chống lại cuộc xâm lược Ukraina mà Nga khởi động.
Còn đối với Bắc Kinh, tổng thống Biden sẽ phải nêu bật thái độ kiên quyết của Hoa Kỳ trong cuộc canh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Bị chỉ trích là thiếu quyết đoán trong vụ khinh khí cầu Trung Quốc, ông Joe Biden đã nhiều lần nhắc lại ông đã đưa ra quyết định bắn hạ ngày thứ Tư 01/02 nhưng quân đội Mỹ đã khuyên ông nên đợi đến thứ Bảy 04/02, lúc khinh khí cầu bay đến Đại Tây Dương, nhưng còn trong lãnh hải của Mỹ, để tránh gây hại cho người dân ở dưới đất.
Rút kinh nghiệm từ Ukraine, Đài Loan tăng tốc phát triển máy bay không người lái
08/02/2023 – Reuters
Đài Loan sẽ tăng tốc phát triển máy bay không người lái cho mục đích quân sự, rút kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Ukraine và mối đe dọa do Trung Quốc gây ra, Bộ Quốc phòng cho biết ngày 7/2.
Máy bay không người lái đã đóng một vai trò quan trọng đối với cả hai bên kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết ông coi máy bay không người lái là tương lai của chiến tranh hiện đại.
Trung Quốc muốn sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng, Đài Loan đã nhiều lần nói rằng họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến Ukraine và rút ra những bài học có thể áp dụng để chống lại một cuộc tấn công của Trung Quốc, bao gồm cả cách Ukraine đã chống lại một cuộc tấn công của một lực lượng vượt trội với số lượng lớn.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Sun Li-fang nói với các phóng viên rằng Đài Loan đang tăng tốc phát triển và sản xuất máy bay không người lái.
“Đối phó với mối đe dọa hiện tại của kẻ thù và sử dụng kinh nghiệm chung về máy bay không người lái trong cuộc chiến Ukraine-Nga, để xây dựng sức mạnh chiến đấu phi đối xứng cho máy bay không người lái của đất nước chúng tôi, Bộ Quốc phòng đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất nhiều loại máy bay không người lái khác nhau,” ông Sun nói.
Ông nói thêm, Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung-Shan thuộc sở hữu của quân đội đang đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển và sẽ bao gồm cả các công ty dân sự.
Ông Chi Li-ping, giám đốc Phòng Nghiên cứu Hệ thống Hàng không của Viện, đã trình bày chi tiết về các máy bay không người lái đang được phát triển cho quân đội, bao gồm cả mục đích do thám.
“Máy bay không người lái của đất nước chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn quốc tế về chủng loại, khả năng và công nghệ liên quan”, ông nói.
Trong một báo cáo trước quốc hội năm ngoái, Viện đã đưa ra kế hoạch cho các phi đạn và máy bay không người lái mà họ đang phát triển, trong khi Bộ Quốc phòng trước đó đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất “máy bay không người lái tấn công”.
Đài Loan đã phải đối phó với các máy bay không người lái của Trung Quốc bay lượn trên các hòn đảo do Đài Loan kiểm soát ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
(Le Figaro) – Pháp: Số người tham gia biểu tình chống cải cách hưu trí giảm. Chiều 07/02/2023, khoảng 757.000 người, theo số liệu của cảnh sát, còn giới nghiệp đoàn nêu con số «gần 2 triệu người», đã tham gia ngày hành động thứ ba chống kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 62 lên thành 64. Cơ quan Fig Data ghi nhận số người biểu tình giảm trên khắp nước Pháp dù có hơn 200 cuộc tập hợp đã được tổ chức. Tại Paris, khoảng 400.000 người, giảm hơn 100.000 so với cuộc biểu tình lần trước hôm 31/01. Tám người thuộc phong trào nữ quyền Les Rosies bị cảnh sát câu lưu tại Paris do hành động ở trước quảng trường Hạ Viện, nơi các dân biểu thảo luận dự luật cải cách hưu trí từ chiều 06/02.
(Reuters) – Matxcơva khẳng định châu Âu vẫn lệ thuộc vào dầu khí Nga. Theo phát biểu của phó thủ tướng Nga Alexander Novak, được cơ quan thông tấn TASS đăng ngày 08/02/2023, Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị nhiều «trường hợp ngoại lệ» về biện pháp trừng phạt dầu lửa Nga, được Bruxelles công bố tuần trước. Điều đó cho rằng «sản phẩn dầu lửa của Nga vẫn rất được chú trọng ở châu Âu». Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom cho biết đã chuyển 30,8 triệu m3 khí đốt trong sáng 08/02 sang châu Âu qua trung gian Ukraina.
(RFI) – Anh: Một cựu cảnh sát Luân Đôn bị kết án chung thân. David Carrick đã bị kết án hôm 07/02/2023 vì đã hãm hiếp 85 nạn nhân. Bản cáo trạng của quan tòa nhấn mạnh cựu cảnh sát Luân Đôn «là mối nguy hiểm cho phụ nữ». Trong những năm 2000 đến 2021, David Carrick đã hãm hiếp, đánh đập và quấy rối ít nhất 12 phụ nữ, lạm dụng chức vụ cảnh sát để bẫy các nạn nhân. David Carrick bị đồng nghiệp mệnh danh là «kẻ khốn».
(AFP) – Pháp: Quốc Hội thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Dự luật được chính thức thông qua hôm 07/02/2023 sau phiên bỏ phiếu của Thượng Viện với 300 phiếu thuận, 13 phiếu chống, trong đó đặc biệt phải kể đến kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi và điện mặt trời. Dự luật được cho là nhằm đáp ứng mục tiêu được tổng thống Pháp Emmanuel Macron ấn định là vào năm 2050 phải tăng gấp 10 lần khả năng sản xuất điện mặt trời, vượt ngưỡng 100 GW và triển khai 50 khu vực điện gió ngoài khơi để đạt mức 40 GW.
(AFP) – Tây Ban Nha: Thượng Viện chuẩn bị bỏ phiếu dự thảo luật về nghỉ kinh nguyệt. Nếu được thông qua trong phiên họp dự kiến từ 07 đến 09/02/2023, Tây Ban Nha trở thành nước đầu tiên ở châu Âu công nhận quyền được nghỉ của những phụ nữ phải chịu đau đớn trong mỗi tháng kinh nguyệt. Bộ trưởng về Bình Đẳng Tây Ban Nha hoan nghênh chủ đề vẫn bị coi là cấm kỵ đã được đề cập. Trước đó, Hạ Viện Tây Ban Nha đã thông qua dự luật với 190 phiếu thuận, 154 phiếu chống. Biện pháp này đã được áp dụng ở Nhật Bản và Indonesia.
(AFP) – Băng núi lở ‘‘trực tiếp’’ đe dọa mạng sống của ít nhất 15 triệu người. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá về hậu quả núi lở với con người trên quy mô toàn cầu. Theo một nghiên cứu công bố trên Nature ngày 07/02/23, cư dân nhiều nơi trên địa cầu, đặc biệt là Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Peru, là nạn nhân tiềm tàng của băng lở. Biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân của hiểm họa này. Đã có hàng ngàn người là nạn nhân của nạn băng lở, nhưng trong tương lai số nạn nhân sẽ tăng gấp bội. Nhìn chung, khoảng 90 triệu dân cư sống tại 30 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng. 15 triệu người mà mạng sống trực tiếp bị đe dọa sống tại các khu vực cách các hồ băng trên núi khoảng một cây số.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên có thể phô trương tên lửa hành trình trong buổi diễu binh kỷ niệm thành lập quân đội. Theo một cựu tư lệnh Quân Đội Mỹ ở Hàn Quốc, trong dịp kỷ niệm 75 năm lập quân đội tối hôm nay, 08/02/2023, Bình Nhưỡng có thể phô trương các vũ khí đã thử nghiệm thành công, như tên lửa hành trình MDC và dàn phóng hỏa tiễn đa nòng LRM. Nếu cuộc diễu binh diễn ra tối nay thì đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên duyệt binh kể từ tháng 4/2022.
(Europe 1) – Lợi nhuận kỷ lục của tập đoàn dầu khí Pháp Total năm 2022: hơn 20 tỉ đô la. Theo tập đoàn Pháp TotalEnergies, hôm qua, 07/02/23, khoản lợi nhuận kỷ lục trên có được là nhờ giá dầu khí tăng cao, đặc biệt là khí đốt, kể từ khi Nga đánh Ukraina. Đây là khoản lợi nhuận năm chưa từng có với doanh nghiệp này, và một trong các kỷ lục của các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp trong nhóm CAC40. Total có thể còn lãi thêm 15 tỉ đô la, nếu không có chính sách rút dần khỏi thị trường Nga.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230208-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(AFP) – Olympic 2024: Đô trưởng Paris không muốn các VĐV Nga thi đấu nếu chiến tranh vẫn tiếp diễn. Là đô trưởng Paris, nơi đăng cai Olympic 2024, bà Hidalgo là đại diện của thành phố trong ban tổ chức. Hồi cuối tháng 01/2023, bà Anne Hidalgo đã ủng hộ việc vận động viên Nga – Belarus được thi đấu tại Thế Vận Hội, nhưng không đại diện cho nước họ. Tuy nhiên, hôm nay 07/02/2023, một số người thân cận của đô trưởng Paris cho đài France Info biết bà Anne Hidalgo thấy rằng điều đó không còn phù hợp.
(AFP) – Google và Baidu dự kiến ra mắt robot cạnh tranh với công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT của OpenAI. Hôm 06/02/2023, tập đoàn Mỹ Google thông báo bắt đầu cho thử nghiệm robot Bard. Theo Sundar Pichai, tổng giám đốc Alphabet, công ty mẹ của Google, Bard hoạt động với phần mềm LaMDA của Google, tích hợp hiểu biết sâu rộng với sức mạnh, trí thông minh và sáng tạo về khả năng ngôn ngữ của con người, để đưa ra những câu trả lời mang tính thời sự và có chất lượng cao. Hôm nay, 07/02, tập đoàn Trung Quốc Baidu cũng thông báo đang thử nghiệm một chatbot riêng có tên gọi «Ernie Bot».
(AFP) – Anh Quốc: 52.000 bất động sản có sở hữu chủ mờ ám. Theo báo cáo hôm nay, 07/02/2023, của tổ chức phi chính phủ Minh Bạch Quốc Tế, khối bất động sản trị giá hơn 6,7 tỉ bảng Anh, đặc biệt ở khu phố sang trọng của Luân Đôn, được mua bằng nguồn tiền mờ ám. Hơn 20% khoản tiền nói trên đến từ Nga, mang lại mối lời cho những nhân vật thân cận với điện Kremlin đang bị các lệnh trừng phạt nhắm tới. Hồi hè năm 2022, một báo cáo của Quốc Hội Anh chỉ trích chính phủ thất bại trong việc chống dòng «tiền bẩn» từ Nga chuyển sang Anh.
(AFP) – Ấn Độ khai trương nhà máy sản xuất trực thăng lớn nhất nước. Tại lễ khánh thành ngày 06/02/23, thủ tướng Narendra Modi tuyên bố cơ sở sản xuất trực thăng mới đáp ứng cam kết của chính phủ «nhằm giảm dần sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nước ngoài cho nhu cầu quốc phòng.» Theo dự phóng, nhà máy mới này có thể sản xuất 1.000 trực thăng mỗi năm. Điều này thể hiện nỗ lực tự cường phòng thủ trước hành động mỗi lúc hung hăng từ Trung Quốc.
(Reuters) – Iran tiết lộ thêm căn cứ không quân ngầm dưới lòng đất. Theo truyền thông chính thức Iran (IRNA) ngày 07/02/23, căn cứ nằm dưới lòng đất này có tên gọi là «Eagle 44». Căn cứ này có khả năng chứa và vận hành các loại máy bay không người lái và chiến đấu cơ. Tuy nhiên, hãng tin này không nêu cụ thể địa điểm của căn cứ. Tháng 5/2022, Iran cũng từng thông báo về một căn cứ không quân ngầm khác có nhiệm vụ bảo vệ các thiết bị quân sự trước nguy cơ bị không kích từ Israel, kẻ thù không đội trời chung của Iran.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230207-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p