Tin Khắp Nơi – 6/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 6/6/21
  • Mỹ: Cựu TT Trump lần đầu tiên chính thức xuất hiện kể từ tháng 2/2021
  • Tập Cận Bình: ĐCSTQ sẽ ‘sở hữu’ nước Mỹ trước năm 2035
  • Tiến sĩ Fauci kêu gọi Bắc Kinh công bố hồ sơ y tế của nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán
  • Liệu Campuchia còn che giấu điều gì khác?
  • Anh Quốc mở “Tòa án Duy Ngô Nhĩ” về cáo buộc ĐCSTQ diệt chủng ở Tân Cương.

Mỹ: Cựu TT Trump lần đầu tiên chính thức xuất hiện kể từ tháng 2/2021

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại đại hội đảng Cộng Hòa Bắc Carolina ngày 05/06/2021.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại đại hội đảng Cộng Hòa Bắc Carolina ngày 05/06/2021. AP – Chris Seward

Trọng Thành

Sau ba tháng vắng mặt trên chính trường, hôm qua, 05/06/02021, cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên chính thức ra mắt trở lại. Dĩ nhiên đây là dịp để ông Trump tấn công chính quyền đương nhiệm, và tất cả những ai dám chống lại ông.

Tại đại hội thường niên của đảng Cộng Hòa ở Geenville, bang Bắc Carolina, miền đông nam nước Mỹ, nhà tỉ phú Donald Trump 74 tuổi đã có bài phát biểu dài một tiếng rưỡi đồng hồ trước khoảng 1.200 đại biểu của đảng Cộng Hòa, mà đại đa số là người trung thành với cựu tổng thống.

Mục tiêu chính của Donald Trump là cổ vũ đảng Cộng Hòa giành lại đa số tại Hạ Viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm 2022. Ông Trump cảnh báo : « Sự sống còn của đất nước chúng ta phụ thuộc vào khả năng bầu được các ứng cử viên Cộng Hòa vào mọi cấp. Bắt đầu trước hết là các cuộc bầu cử giữa kỳ năm tới. Chúng ta phải chiến thắng ! ».

Cựu tổng thống Mỹ lên án mọi chính sách của chính quyền đương nhiệm, từ kinh tế, cho đến chính sách đối ngoại, nhập cư… Theo ông Trump, « tất cả những gì mà Joe Biden đang làm là không làm gì cả… Nền kinh tế Mỹ sẽ hoàn toàn sụp đổ và lạm phát sẽ gây ra thảm họa ». Donald Trump dự báo « nước Mỹ sẽ bị khinh rẻ và bị hạ nhục trên trường quốc tế », và phải cúi đầu « trước Trung Quốc ».

Tiếp tục lên án « gian lận bầu cử »

Về phần mình, cựu tổng thống khẳng định những gì mà ông đã làm là « tuyệt vời », đồng thời tiếp tục tố cáo các gian lận bầu cử quy mô lớn trong cuộc bầu tổng thống tháng 11/2020. Theo Donald Trump, « cuộc bầu cử này sẽ được Lịch sử ghi nhận như là tội ác lớn nhất của thế kỷ ».

Bất chấp vụ những người ủng hộ ông Trump tấn công nhà Quốc Hội Mỹ (ngày 06/01/2021), khiến 5 người chết, và các cáo buộc gian lận bầu cử quy mô, đã hoàn toàn không dựa trên bằng chứng có thực nào, đại đa số đảng viên Cộng Hòa vẫn ủng hộ cựu tổng thống. Nhiều người coi sự ủng hộ của Donald Trump là rất quý giá, bởi có thể giúp cho phe Cộng Hòa thắng cử trong cuộc bầu lại Hạ Viện năm tới. Tối hôm qua cũng là dịp để Donald Trump chính thức tuyên bố ủng hộ một số ứng cử viên vào Hạ Viện. Một bằng chứng cho thấy Donald Trump vẫn là người dẫn dắt đảng Cộng Hòa.

Tuyên bố « tự hào » cứu thoát hàng triệu mạng sống không được hưởng ứng

Nhìn chung, ông Trump đã được hưởng ứng nhiệt liệt hôm qua tại đại hội đảng Cộng Hòa bang Bắc Carolina, nhưng theo AFP, công chúng đã im lặng khi Trump khẳng định ông « rất tự hào » vì đã « đặt mua hàng tỉ đô la vac-xin, loại vac-xin chưa biết trước là có tốt hay không », đồng thời nhấn mạnh « chúng ta đã cứu thoát được hàng triệu, hàng triệu mạng sống ». Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thiệt hại nặng nhất do đại dịch bùng lên trước hết tại Trung Quốc. Kể từ đầu đại dịch đến nay, gần 600.000 người chết vì Covid-19 ở Mỹ.

Đông đảo công chúng Mỹ cũng phê phán cách TT Trump xử lý đại dịch, theo nhiều thăm dò dư luận. Nhà báo nổi tiếng Bob Woodward, trong cuốn « Rage » (xuất bản cuối năm ngoái), cung cấp thông tin về việc tổng thống đã biết rõ mức độ nguy hiểm chết người của virus gây bệnh Covid-19, nhiều tuần lễ trước khi thừa nhận chính thức, nhưng đã cố tình giảm nhẹ mối đe dọa kinh hoàng này với công chúng Mỹ. Thông tin được rút ra từ 18 cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa tác giả cuốn sách với ông Trump, được ghi âm với sự chấp thuận của đương sự.

Tập Cận Bình: ĐCSTQ sẽ ‘sở hữu’ nước Mỹ trước năm 2035

Mạn Vũ | DKN

Tập Cận Bình: ĐCSTQ sẽ 'sở hữu' Mỹ vào năm 2035
Ảnh: Tổng hợp.

“Tập Cận Bình tin chắc rằng vào năm 2030 hoặc trước năm 2035, Trung Quốc sẽ ‘sở hữu’ được nước Mỹ!”…

Đây là đoạn sau bài phát biểu của Biden vào ngày 28/5 tại Căn cứ Liên hợp quân đội Hoa Kỳ ở Hampton, Virginia. 

Trước đây, Biden tưởng rằng ông Tập nói đùa nhưng với tình huống hiện tại thì Biden đã cảm nhận được mối nguy hiểm từ ‘người bạn thân thiết’.

Vậy thì điều này nguy hiểm đến mức nào và đằng sau câu nói ‘lỡ miệng’ của ông Tập phản ánh nhận thức gì của giới lãnh đạo cao tầng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)? Chúng ta cùng xem phân tích dưới đây của học giả Đường Tĩnh Viễn trong Viễn khán khoái bình (Nhìn xa bình nhanh) đăng ngày 1/6. 

Quan hệ mật thiết giữa Biden và Tập Cận Bình 

Đoạn sau của bài phát biểu ở Căn cứ Liên hợp quân đội Hoa Kỳ, Biden nói: “Thời gian tôi ‘ở’ với Chủ tịch Tập Cận Bình lớn hơn bất kỳ lãnh đạo nào của các quốc gia trên thế giới. Trong cuộc họp riêng tư 24 giờ với ông ấy mà chỉ có một thông dịch viên, tôi đã cùng ông ấy đi du lịch Trung Quốc 17.000 dặm (khoảng 27.300 km). Tập Cận Bình tin chắc rằng vào năm 2030 hoặc trước năm 2035, Trung Quốc sẽ ‘sở hữu’ được nước Mỹ; bởi vì quốc gia chuyên chế (độc tài) có thể quyết định nhanh chóng hơn”. 

Sau đó Biden còn nói thêm rằng: “Trong cuộc chiến đấu giữa quốc gia dân chủ với quốc gia chuyên chế, khi thế giới càng trở nên phức tạp, thì các nền dân chủ càng khó xích lại cùng nhau để đạt được sự đồng thuận”.

Chúng tôi nói rằng thông tin này rất khác thường, bởi vì từ vài năm trước, Tập Cận Bình đã công khai biểu thị rằng: “Phải định nghĩa lại quan hệ giữa hai nước lớn Mỹ – Trung”. Từ đó trở đi ông ấy có ẩn ý rằng ĐCSTQ muốn thay thế Hoa Kỳ và có dã tâm muốn thiết lập trật tự thế giới mới dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Điều này không có gì là kỳ lạ. 

Nhưng điều kỳ lạ ở đây là, Tập Cận Bình nói những điều thẳng thắn như vậy với quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, thân phận của quan chức cấp cao thời đó là Phó Tổng thống (Biden). Đương nhiên quan hệ mật thiết giữa Tập Cận Bình và Biden khi đó cũng cho phép Tập Cận Bình nói với ngữ khí ‘nửa đùa nửa thật’ như vậy. Biden khi ấy cũng không cho là quá nghiêm trọng, nhưng chúng ta hôm nay quay đầu lại nhìn thì hiển nhiên những lời đó của Tập Cận Bình không phải là câu nói đùa. 

Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình (ảnh chụp màn hình Breitbart).

ĐCSTQ ‘thâm nhập thẩm thấu’ để quản lý nước Mỹ

Bởi vì năm 2035 luôn là viễn cảnh và mục tiêu mà ĐCSTQ đặt ra. Theo kế hoạch đó, năm 2035 ĐCSTQ sẽ thực hiện được quy mô kinh tế vượt qua Mỹ quốc một cách toàn diện, hơn nữa còn thực hiện cái gọi là ‘hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa’. Đây là chỗ bất bình thường đầu tiên. 

Bởi vì không có lãnh đạo một quốc gia bình thường nào nói trực tiếp với lãnh đạo một quốc gia khác rằng ‘một năm nào đó tôi sẽ sở hữu quốc gia của bạn’. Đó là một loại trạng thái rất tự phụ, rất đắc ý nên mới có thể nói như vậy. Điều đó còn biểu thị rằng câu nói ‘rất sinh động’ này tiết lộ 2 bí mật: 

Bí mật thứ nhất, chính là trong mắt Tập Cận Bình, Biden bây giờ là một ông lão không có uy hiếp gì đối với ĐCSTQ, cho nên Tập Cận Bình mới suồng sã nói những câu đùa vui nhưng lại rất nhạy cảm và mang tính ‘xâm lược’ như vậy. 

Bí mật thứ hai chính là, ĐCSTQ đã công khai nói rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ, nhưng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là ‘thâm nhập thẩm thấu’ để tiếp quản nước Mỹ. 

‘Vượt qua’ nước Mỹ và ‘sở hữu’ nước Mỹ là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trước đây là cạnh tranh bình thường, sau này là một loại ‘ăn cắp’ ác tính. 

Biden không đề cập đến việc ông ấy sẽ hồi đáp Tập Cận Bình như thế nào, nhưng mọi người vẫn còn chút ấn tượng về việc này. Chính là trong cuộc tổng tuyển cử, về vấn đề sự uy hiếp của ĐCSTQ đối với nước Mỹ thì Biden ‘dè bỉu coi thường’. Vào ngày 1/5/2019 ông ấy đã có bài diễn giảng nói rằng: “Trung Quốc có thể ăn mất bữa cơm của chúng ta sao? Cố lên anh bạn! Họ không phải là người xấu, họ không phải là đối thủ cạnh tranh của chúng ta”. 

Cũng chính là nói thời ấy Biden là ‘giả vờ ngốc nghếch’ hoặc là ‘thực sự ngốc nghếch’. Nói ‘giả vờ ngốc nghếch’, có thể ông ấy có mục đích chính trị, bởi vì tổng tuyển cử mà, ông dùng hết tâm trí để thể hiện mình có cách nhìn khác với ông Trump trong chính sách đối ngoại với ĐCSTQ. Vì vậy dù ông biết ĐCSTQ là một mối đe dọa, nhưng ông vờ như không nghe, không thấy.

Nếu ‘thật sự ngốc nghếch’, vậy thì điều này nói lên rằng ban đầu ông Biden không nhận rõ được ý đồ của ông Tập trong đoạn lời đó. Ông thật sự cho rằng Tập Cận Bình chỉ muốn nói cho ông biết ĐCSTQ ‘nhiều tiền’ như thế nào. Nhưng hiện tại Biden có bài phát biểu trước quân đội Hoa Kỳ, ông lại đem đoạn đối thoại vô cùng riêng tư ấy mà chủ động công khai biểu đạt. Điều này nói rõ Tập Cận Bình không phải nói đùa, Biden biết rằng tình thế rốt cuộc đã nghiêm trọng như thế này rồi. 

Tập Cận Bình ‘lỡ miệng’?

Từ một phương diện khác, đoạn tuyên bố mà Biden tiết lộ đã cho chúng ta một tham chiếu rất tốt, chính là cho chúng ta thấy được Tập Cận Bình lấy góc nhìn như thế nào để đối đãi quan hệ Mỹ – Trung. 

Chúng ta biết rằng lần gần đây nhất, Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ để liên lạc với Biden là khi nào? Vào tháng 9/2015. Khi đó Tập Cận Bình là lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ chỉ hơn 2 năm, ông vẫn đang ở thời kỳ căng thẳng trong việc chống tham nhũng, nói một cách nghiêm khắc chính là địa vị của ông ấy còn chưa kiên cố. 

Dưới bối cảnh như thế, Tập Cận Bình lại có thể dám cao giọng đối với Phó Tổng thống Mỹ, nói rằng ’20 năm sau chúng tôi sẽ tiếp quản nước Mỹ’. Những lời này của Tập Cận Bình so với những câu của Kim Xán Vinh ‘thế hệ tiếp theo sẽ quản lý nước Mỹ’, có thể nói là không có gì khác nhau. 

Ở đây thuyết minh những lời này không phải là cá nhân Tập Cận Bình trong lúc ‘tâm huyết dâng trào’ nói ra, mà nó chính là nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ. Hơn nữa nhận thức chung này từ thời Giang Trạch Dân – Hồ Cẩm Đào (Giang – Hồ) đã dần dần thành hình và tiếp diễn. Cũng chính là nói ‘đánh sập nước Mỹ, chiếm lĩnh nước Mỹ’ đều là chiến lược xuyên suốt to lớn trong hệ thống ĐCSTQ. 

Trước đó ĐCSTQ đã ẩn mình rất thành công, chẳng qua là Tập Cận Bình đã xắn tay áo để lộ chuỷ thủ (dao găm) sáng loáng dưới lớp nguỵ trang. Đồng thời chúng ta cũng không khó lý giải việc ĐCSTQ dưới nhận thức chung như vậy thì nó có thể làm ra những sự việc gì đối với nước Mỹ… Hiện tại chúng ta thấy được những màn ngoại giao ‘sói chiến’ v.v… những biểu hiện ấy kỳ thực chỉ là biểu hiện bề mặt, chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. 

Chỉ có hiểu được điểm này, tôi nghĩ rằng người mỹ mới thật sự hiểu được, vấn đề Trung – Mỹ kỳ thực không phải là vấn đề của một cá nhân nào. Không phải nói Tập Cận Bình hạ đài thì ‘mọi người đều vui’. Nếu thể chế đó không giải thể thì ai lỡ sa chân vào vị trí ấy cũng phải đi theo quỹ đạo như vậy, chỉ khác biệt là gia tốc nhanh hay chậm mà thôi. 

Mạn Vũ 

Tiến sĩ Fauci kêu gọi Bắc Kinh công bố hồ sơ y tế của nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán

Ivanka Nguyễn | DKN

Dữ liệu rò rỉ xác nhận Bắc Kinh ‘thanh lọc’ số liệu Covid trong phòng thí nghiệm Vũ Hán để giấu dịch
Phòng thí nghiệm virus Vũ Hán (ảnh Từ video của Sky News).

The Epoch Times hôm 5/6 đưa tin, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc về đại dịch COVID-19, đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc công bố hồ sơ y tế của 9 người làm việc cho phòng thí nghiệm Vũ Hán từng trải qua các triệu chứng như người nhiễm virus corona, theo Epoch Times.

Ông Fauci nói: “Tôi muốn xem hồ sơ bệnh án của ba người được cho là đã mắc bệnh vào năm 2019. Họ có thực sự bị bệnh không, và nếu có, họ bị bệnh gì?”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 1 cho biết các nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm virus học Trung Quốc ở Vũ Hán đã bị ốm nặng vào năm 2019, một tháng trước khi các trường hợp COVID-19 đầu tiên được báo cáo.

Các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc đã liên tục bác bỏ giả thuyết virus corona mới đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cho rằng virus có thể đã lưu hành ở các khu vực khác trước khi tấn công Vũ Hán và thậm chí có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc thông qua các lô hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu hoặc động vật hoang dã.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, từ chối bình luận về việc liệu Trung Quốc có công bố các hồ sơ theo đề nghị của Tiến sĩ Fauci hay không.

Theo Financial Times, trừ khi có các bằng chứng rõ ràng, ông Fauci vẫn tiếp tục tin rằng virus corona xuất phát từ động vật, nói rằng ngay cả khi các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nhiễm COVID-19, thì là do họ đã lây từ ai đó.  

https://www.dkn.tv/the-gioi/tien-si-fauci-keu-goi-bac-kinh-cong-bo-ho-so-y-te-cua-nhan-vien-phong-thi-nghiem-vu-han.html

Liệu Campuchia còn che giấu điều gì khác?

Sơn Minh Ngọc – 2021-06-06
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại cuộc gặp ở Phnompenh hôm 1/6/2021.  US Embassy in Phnom Penh, AFP

Liệu Campuchia còn che giấu điều gì khác?
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại cuộc gặp ở Phnompenh hôm 1/6/2021.

Chuyến công du của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ

Chuyến viếng thăm Đông Nam Á mới đây của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ – bà Wendy R. Sherman, vừa kết thúc. Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của một quan chức cấp cao của tân chính quyền Mỹ kể từ khi ông Biden lên nắm quyền hồi tháng 1/2021. Tại Đông Nam Á, nữ Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã “tái khẳng định cam kết của Washington đối với vai trò trung tâm của ASEAN và xử lý hàng loạt vấn đề song phương và khu vực…”. 

Theo nhận định của Sebastián Strangio (1) – Một nhà báo và cũng là một chuyên gia về Đông Nam Á thì sự lựa chọn điểm dừng chân là Thái Lan và Indonesia trong chuyến công du này không có gì đáng ngạc nhiên khi Bangkok là đồng minh hiệp ước của Mỹ, còn Jakarta đóng vai trò trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Cả Thái Lan và Indonesia đều đang ở tình thế đặc biệt liên quan cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Bangkok là nước láng giềng ngay sát Myanmar và có mối quan hệ gần gũi với giới tướng lĩnh quân đội Myanmar, trong khi Jakarta lâu nay vẫn đóng vai trò dẫn dắt trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng ở Myanmar. 

Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của nữ quan chức ngoại giao Mỹ này lại có điểm dừng chân khác nữa là Phnom Penh, điều này tạo nên nhiều chú ý cho giới nghiên cứu. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã cáo buộc Campuchia càng ngày càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng không giấu giếm mối quan hệ “nồng ấm” với Trung Quốc  trong suốt thời gian vừa qua. Trung Quốc đang là đối thủ lớn nhất và đáng lo ngại nhất của Mỹ bây giờ.

Ngược lại, quan hệ Mỹ – Campuchia thời gian qua tỏ ra “băng giá”. Mỹ đã cấm vận một số quan chức Campuchia, đồng thời tỏ ý lo ngại trước việc Campuchia phá bỏ một căn cứ cũ của Mỹ và có khả năng sẽ biến nó thành một căn cứ quân sự bí mật cho Trung Quốc.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng đối với Mỹ là việc Campuchia sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2022. Do đó, Phnom Penh sẽ đóng một vai trò thiết yếu đối với mọi kế hoạch gia tăng can dự của Mỹ đối với ASEAN. 

Strangio nhận định, với tam giác quan hệ Campuchia-Trung Quốc-Mỹ, cùng với chính sách hiện nay của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á, thì mục đích lớn nhất trong chuyến công du của bà Sherman là đối phó lại ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc ở khu vực này. Truyền thông khu vực cho biết, bà Sherman đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Koy Kuong không tiết lộ chi tiết về các cuộc hội đàm, chỉ nói rằng các cuộc hội đàm này đề cập đến những vấn đề song phương, đồng thời khẳng định “quan hệ Campuchia-Mỹ là tốt và không có gì thay đổi”. 

000_92F27A.jpg
Hình minh hoạ. Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) nhận vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm của Trung Quốc từ Đại sứ Trung Quốc Wang Wentian hôm 7/2/2021. AFP

Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Campuchia?

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã tiếp tục bày tỏ quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia, đồng thời muốn chính quyền Phnom Penh giải thích về việc phá bỏ những cơ sở quân sự do Mỹ tài trợ tại Campuchia. Là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Campuchia trong nhiều năm qua, bà Sherman đã bày tỏ quan ngại và đưa ra đề nghị nói trên trong khuôn khổ cuộc gặp Thủ tướng Hun Sen hôm 1/6. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo  rằng: “Thứ trưởng Sherman bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và việc xây dựng các cơ sở tại căn cứ Hải quân Ream. Thứ trưởng Sherman đã tìm kiếm sự giải thích về việc phá hủy hai tòa nhà do Mỹ tài trợ tại căn cứ Ream mà không đưa ra bất kỳ thông báo hoặc giải thích nào, đồng thời nhận thấy rằng một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia sẽ làm suy yếu chủ quyền của Campuchia, đe dọa an ninh khu vực và tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Campuchia” (2). Cũng tại cuộc gặp trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đã hối thúc ban lãnh đạo Campuchia “duy trì một chính sách ngoại giao cân bằng và độc lập, vì lợi ích tốt nhất của người dân Campuchia”.

Lầu Năm góc hồi năm 2020 cho biết, Washington quan ngại về những báo cáo cho rằng trụ sở chỉ huy chiến thuật của Hải quân Campuchia tại căn cứ Hải quân Ream đã bị phá dỡ và yêu cầu phía Campuchia giải thích về sự việc này. Trụ sở này chỉ dài khoảng 30 m và là nơi chứa một số tàu tuần tra nhỏ. Đến tháng 10/2020, Campuchia cho biết họ đã san bằng trụ sở này để phục vụ cải tạo mở rộng thêm và sẽ chuyển trụ sở đã bị phá dỡ đến vị trí khác, song phủ nhận những thông tin về sự liên quan đến Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết, có bằng chứng công khai “quan trọng” cho thấy Trung Quốc đang thực hiện một dự án cải tạo lớn tại căn cứ Ream (3). Báo chí cũng cho biết những “báo cáo đáng tin cậy” nói rằng dự án này sẽ bao gồm một khu vực đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bắc Kinh.

Ngày 2/6, truyền thông Campuchia đưa tin về việc Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh của nước này xác nhận Trung Quốc đang “tình nguyện” giúp hiện đại hóa và mở rộng căn cứ Ream – căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh còn khẳng định thêm là Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp quân cảng Ream mà không hề có điều kiện ràng buộc nào.

000_1J42Z0.jpg
Lính Hải quân Campuchia ở căn cứ hải quân Ream tại tỉnh Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức cho báo chí hôm 26/7/2019. AFP

“Hung tin” đối với Việt Nam

Việc quan chức Campuchia chính thức thừa nhận Trung Quốc giúp đỡ xây dựng căn cứ Ream, mặc dù năm ngoái kiên quyết phủ nhận liên quan đến Trung Quốc cho thấy, dường như những lo ngại của Mỹ và một số quốc gia khác về sự hiện diện của Trung Quốc ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia là có cơ sở. Nếu như vậy, đây có thể là nguy cơ đối với an ninh khu vực. Đây có lẽ không chỉ là “hung tin” đối với Mỹ, mà còn đối với cả Việt Nam.

Việt Nam trước đây là quốc gia láng giềng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với Campuchia. Thủ tướng Campuchia hiện nay, Hun Sen là người trước đây rất thân thiết với Việt Nam. Ông là người nói tiếng Việt thành thạo, thậm chí ông đã viết luận án tiến sĩ tại Học viện chính trị quốc gia tại phía Nam.

Việt Nam cũng có đường biên giới trên đất liền với Campuchia dài 1.245 km. Cho đến nay, hai quốc gia mới chỉ hoàn thành phân giới cắm mốc được khoảng 80%. Việt Nam rất muốn sớm hoàn tất việc phân giới cắm mốc giữa hai bên, nhưng có nhiều vị trí phía Campuchia vẫn chưa đồng ý cho nên việc phân giới cắm mốc vẫn chưa thể hoàn tất như dự kiến sau hơn nửa thế kỷ. Hai bên đã tiến hành ký kết Hiệp định về Đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia từ ngày 27-12-1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 10-10-2005.

Càng về sau này, ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia càng mờ nhạt trước Trung Quốc. Campuchia đã tích cực tham gia dự án “Vành đai Con đường” với Trung Quốc, thậm chí khu vực tỉnh Sihanoukville có các đặc khu Trung Quốc cùng nhiều người Trung Quốc tới đây sinh sống. Campuchia còn là bên ủng hộ tích cực Trung Quốc trong các cuộc đàm phán COC. Năm 2012, Campuchia với vai trò chủ nhà đã ngăn chặn các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra thông cáo chung trong đó có nội dung lên án các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam là quốc gia đang tìm cách chống lại các hành động và yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Chính vì vậy, việc chính quyền Campuchia có những tuyên bố bất nhất về việc xây dựng căn cứ Ream cùng với vai trò của Trung Quốc cho thấy, đây là vấn đề mà Việt Nam không thể xem thường. Bởi vì có thể Campuchia còn che giấu nhiều vấn đề khác.

Trước mắt, Việt Nam cần yêu cầu Campuchia giải thích thoả đáng các thắc mắc này, vì một căn cứ quân sự trá hình của Trung Quốc tại khu vực Vịnh Thái Lan sẽ có thể tạo ra những đe doạ cho an ninh của Việt Nam, cũng như an ninh trong khu vực biển Đông.

Thêm nữa, Việt Nam cần tính đến việc đặt ra các kịch bản nhằm “vô hiệu hoá” căn cứ quân sự này nếu xảy ra chiến sự trên biển Đông. Đây là viễn cảnh mà nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã từng cảnh báo.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Anh Quốc mở “Tòa án Duy Ngô Nhĩ” về cáo buộc ĐCSTQ diệt chủng ở Tân Cương.

Tiến Minh•Thứ Sáu, 04/06/2021
Một “Tòa án Duy Ngô Nhĩ” điều tra các cáo buộc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền và phạm tội ác diệt chủng ở khu vực Tân Cương đã được mở ra ở London vào hôm thứ Sáu. 

Cuộc điều trần đã được yêu cầu bởi Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới có trụ sở tại Đức, là nhóm vận động hành lang Duy Ngô Nhĩ do Hoa Kỳ tài trợ nhằm “điều tra những hành vi tàn bạo và có thể cả diệt chủng đang diễn ra” ở vùng viễn tây Trung Quốc. 

Các phiên điều trần sẽ kéo dài trong bốn ngày và được lên kế hoạch tiếp tục trong tháng Chín.

Cuộc điều tra độc lập này không có quyền lực thực thi, nhưng các nhà tổ chức hy vọng sẽ bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cách đối xử của họ với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Trung Quốc cho biết các cuộc điều trần như vậy là “không hợp pháp và không đáng tin cậy”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm thứ Năm: “Đó lại là một trò hề khác chống Trung Quốc do một vài cá nhân dựng nên.” 

Tòa án sẽ được triệu tập bởi luật sư nhân quyền nổi tiếng Geoffrey Nice, người từng là phó công tố viên tại phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của cựu quân nhân Serbia Slobodan Milosevic.

Tám thành viên hội đồng còn bao gồm Nick Vetch, nhà sáng lập của công ty lưu trữ Big Yellow Group của Vương quốc Anh, và bác sĩ nổi tiếng Dame Parveen Kumar.

Đã có các báo cáo của phương Tây về hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các cơ sở giống như nhà tù ở Tân Cương cũng như các cáo buộc cưỡng bức phá thai, tra tấn, đàn áp văn hóa và lao động nô lệ. 

Cả Hoa Kỳ và Quốc hội Canada đều gán cho các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương là “tội diệt chủng”. EU và Vương quốc Anh đã dẫn đầu một đợt trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc. Cũng đã có những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với các chính trị gia và học giả phương Tây. Bắc Kinh đã bảo vệ các chính sách của mình, gọi các cơ sở giam giữ là “trung tâm dạy nghề” và rằng họ đang cố gắng quản lý các căng thẳng sắc tộc, chống lại chủ nghĩa cực đoan và giảm nghèo trong khu vực.

Cuộc điều tra sẽ nghe lời khai từ các nhân chứng, bao gồm những người Duy Ngô Nhĩ từng được cho là bị lạm dụng hoặc người có các thành viên trong gia đình đang bị giam giữ.

Các chuyên gia cũng sẽ xem xét việc sử dụng giám sát kỹ thuật số ở Tân Cương, nơi được mô tả là “cuộc diệt chủng đầu tiên của thời đại công nghệ cao”.

“Người Duy Ngô Nhĩ xứng đáng có ngày này tại tòa án. Điều này không chỉ là đạo đức mà còn có tầm quan trọng về mặt pháp lý”, Jaya Pathek, đồng giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Yet Again, một chiến dịch tuổi trẻ chống lại sự tàn bạo của chính phủ, cho biết.

Quốc hội Anh vào tháng 4 đã thông qua một kiến nghị không ràng buộc tuyên bố rằng người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc đang “gánh chịu tội ác chống lại loài người và diệt chủng”.

Tuy vậy, chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson do muốn thúc đẩy thương mại với Trung Quốc, đã không ủng hộ động thái kêu gọi chính phủ Anh “thực hiện các nghĩa vụ của mình” theo các công ước liên quan của Liên hợp quốc “để chấm dứt tình trạng này”.

Thay vào đó, Ngoại trưởng Dominic Raab kêu gọi Trung Quốc cho phép một phái bộ độc lập của Liên hợp quốc kết luận liệu một vụ diệt chủng có đang diễn ra hay không.

Khi cuộc bỏ phiếu được thông qua, Nigel Adams, Bộ trưởng Châu Á của Vương quốc Anh, nói với Quốc hội rằng tuyên bố diệt chủng là “vấn đề của các tòa án” như Tòa án Hình sự Quốc tế hoặc Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Hai ý kiến pháp lý, một ở Mỹ và một ý kiến khác của các luật sư tại Tòa án Essex Court Chambers có trụ sở tại London, đã xác định rằng một cuộc diệt chủng đang diễn ra. Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với công ty luật này.

Các chuyên gia nhân quyền cho rằng với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có thể phủ quyết một vụ việc được đưa ra trước ICJ.

London trước đây đã tổ chức các cuộc điều tra độc lập về Trung Quốc, bao gồm một lần vào năm 2019 để điều tra hoạt động thu hoạch nội tạng đối với học viên Pháp Luân Công.

Ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng nở rộ tại quốc gia này.

Tiến Minh (theo Newsweek)