Tin Tổng Hợp – 05/02/23
Báo Mỹ tiết lộ Trung Quốc cung cấp công nghệ cho quân đội Nga phục vụ chiến tranh Ukraina
05/02/2023 – Thanh Hà – Theo báo The Wall Street Journal hôm 04/02/2023 bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế, Trung Quốc vẫn cung cấp công nghệ cần thiết cho quân đội Nga. Các tập đoàn trong ngành quốc phòng của Trung Quốc xuất khẩu thiết bị hoa tiêu hàng hải, công nghệ làm nhiễu sóng rada, linh kiện phục vụ chế tạo chiến đấu cơ cho các đối tác Nga.
Căn cứ trên các dữ liệu do tổ chức C4ADS, một cơ quan tư vấn có trụ sở tại thủ đô Washginton, báo The Wall Street Journal ghi nhận: 84.000 lô hàng Trung Quốc được đưa sang Nga kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra ngày 24/02/2022. Trong số này có nhiều mặt hàng lưỡng dụng – quân sự và dân sự như linh kiện bán dẫn, phụ tùng máy bay…
Bài viết nêu bật trường hợp cụ thể: “Ngày 31/8/22 tập đoàn quốc doanh Trung Quốc Poly Technologies đã cung cấp cho đối tác Nga JSC Rosoboronexpor thiết bị dẫn đường trang bị cho trực thăng M-17 của Nga”. Tháng 10/2022 Trung Quốc bán linh kiện để Nga chế tạo máy bay phản lực Su-35, trị giá hợp đồng 1,2 triệu đô la. Gần đây hơn, công ty điện tử Fujian Nanan Baofeng Electronic Co. cũng đã cung cấp cho cùng một đối tác Nga, qua trung gian một hãng Ouzbekistan ăng ten quân sự để làm nhiễu sóng liên lạc của đối phương.
Liên quan đến những công ty Trung Quốc và Nga vi phạm lệnh cấm vận, “có khoảng hơn một chục hãng của Nga và Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ”. Vẫn theo tờ The Wall Street Journal, hàng của Trung Quốc được đưa sang Nga chủ yếu thông qua một số trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Bắc Kinh bác bỏ các thông tin trên và chỉ trích báo tài chính Mỹ “suy đoán và thổi phồng sự thật”. Về phía Matxcơva phát ngôn viên của phủ tổng thống ông Dmitri Peskov cho rằng Nga có đủ công nghệ để bảo đảm an ninh và tiến hành chiến dịch đặc biệt (tại Ukraina)”.
Tổng bí thư đảng Việt Tân nói về Lực lượng 47
04/02/2023 – VOA Tiếng Việt
Như VOA đã đưa tin, nhân dịp sinh nhật lần thứ 19 của Facebook vào ngày 4/2, hơn 60 tổ chức phi chính phủ về nhân quyền và các Facebooker có nhiều ảnh hưởng hôm 1/2 đã gửi thư ngỏ kêu gọi ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, giải quyết tình trạng mạng lưới tài khoản giả, độc hại, trong đó có sự tham gia của Lực lượng 47 hay các dư luận viên, đang tồn tại và hoạt động mạnh tại Việt Nam nhằm phổ biến các thông tin sai lệch và gây thiệt hại cho các tài khoản thật.
VOA có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư của đảng Việt Tân, một trong những tổ chức phi chính phủ đã tham gia gửi thư ngỏ, để tìm hiểu thêm về sự kiện cũng như một báo cáo chi tiết của tổ chức này về Lực lượng 47 và tình trạng kiểm duyệt không gian mạng tại Việt Nam.
VOA: Xin chào ông Hoàng Tứ Duy. Chúng tôi nhận được lá thư ngỏ (gửi cho Facebook) cũng như báo cáo về Lực lượng 47 và việc kiểm duyệt trên không gian mạng. Ông có thể cho biết là vì sao có cái lá thư mở và báo cáo vào lúc này?
Ông Hoàng Tứ Duy: Mạng xã hội đã giúp cho người Việt Nam biết được thông tin và kết nối với nhau, nhưng đồng thời chúng ta thấy với sự xuất hiện của Lực lượng 47 và các dư luận viên, đã có những nỗ lực để kiểm duyệt trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook. Có các tài khoản giả tấn công vào các nhà dân báo, nhà hoạt động… Những nỗ lực báo cáo để làm sao kiểm soát được nội dung đó. Lý do có lá thư chung của hơn 60 tổ chức nhân quyền NGO và các nhà hoạt động trên Facebook là vì nhân dịp sinh nhật thứ 19 của Công ty Facebook, chúng tôi kêu gọi ông Mark Zuckerberg giải quyết tệ nạn dư luận viên trên Facebook ở Việt Nam. Cụ thể là làm sao xoá các tài khoản giả, tài khoản ảo, và đóng các mạng lưới độc hại đang có những nỗ lực gây tác hại cho người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.
VOA: Xem báo cáo thì thấy báo cáo được thực hiện khá công phu và chi tiết. Ông có thể cho biết báo cáo được thực hiện trong bao lâu và dựa trên những cơ sở dữ liệu nào không?
Ông Hoàng Tứ Duy: Lúc lực lượng 47 của Việt Nam ra đời vào năm 2016, đã có những thông tin về những nỗ lực của họ tấn công vào cộng đồng mạng, cái này đã được một số cơ quan truyền thông, tổ chức nhân quyền đã tường thuật về những nỗ lực của Lực lượng 47. Điều chúng tôi muốn làm là chúng tôi muốn tổng hợp tất cả các dữ kiện của các tổ chức nhân quyền, các ký giả đã nghiên cứu về Lực lượng 47, kèm theo đó là những dữ kiện mà chúng tôi đã có qua chính kinh nghiệm bản thân khi Lực lượng 47 tấn công vào trang Facebook của Việt Tân. Đã có những nỗ lực báo cáo hàng loạt để Facebook phải làm sao xoá tất cả những nội dung của trang Facebook Việt Tân. Từ những kinh nghiệm đó, chúng tôi đã chia sẻ vào bản phúc trình.
VOA: Ông có thể cho biết một số ảnh hưởng tác hại của Lực lượng 47 đối với xã hội Việt Nam nói chung không?
Ông Hoàng Tứ Duy: Vâng, nó có nhiều ảnh hưởng tác hại, mà tôi muốn đưa ra hai tác hại lớn nhất. Đầu tiên, Lực lượng 47 đã tổ chức những kế hoạch báo cáo hàng loạt bài vở của các nhà hoạt động, trong đó có Việt Tân, mà chúng tôi đã đăng trên Facebook. Khi họ báo cáo hàng loạt như vậy, công ty Facebook nhiều khi không phân biệt được là những nội dung nào thực sự vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook hay không nên đã tháo gỡ những nội dung đó.
Một trong những ví dụ trong báo cáo là một bài của Việt Tân đã bị tháo gỡ vì bị cho là vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng. Đó là một bài đăng vào đầu năm 2022 và có một tấm hình. Bài về nội dung Tết Mậu Thân và có tấm hình chụp tại Huế. Đó là tấm hình rất nổi tiếng mà báo chí đăng nhiều trong 50 năm qua, nhưng tấm hình đó bị cho là vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng. Sau khi chúng tôi làm việc với Facebook thì Facebook đã đổi ngược quyết định đó. Đó là một ví dụ của việc báo cáo hàng loạt của các dư luận viên, vì khi nhân viên ban đầu của Facebook họ nhìn bài đó, họ nghĩ rằng mình đang cổ võ vấn đề bạo động hay thù ghét… Đó là một ví dụ của những bài vở bị gỡ xuống. Đó cũng là hình thức mà nhà nước Cộng sản Việt Nam kiểm duyệt những tiếng nói độc lập và đối kháng trên Facebook.
Tác hại thứ nhì là Lực lượng 47 họ đã dùng rất nhiều tài khoản giả để họ spam ồ ạt những trang Facebook có nhiều comments (bình luận). Họ dùng những tài khoản giả để tung ra rất nhiều spam như vậy và đó là cách mà họ đóng vai trò dư luận viên, họ tung những tin giả để tuyên truyền, gây ảnh hưởng xấu dư luận trên mạng.
Với hai tác hại đó, chúng tôi kêu gọi Facebook phải có hành động cụ thể là làm sao dẹp bỏ những tài khoản giả, dẹp bỏ những mạng lưới gây hại đang hiện diện tại Việt Nam.
VOA: Xét đến cùng thì Facebook cũng chỉ là một doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thì ưu tiên lớn nhất của họ là lợi nhuận và lợi ích cho doanh nghiệp, mà Việt Nam được xem là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực đối với nhữg ông khổng lồ về công nghệ như Facebook, Google… Chúng ta có thể thấy là trong thời gian qua đã có những động thái có thể xem là “nhún nhường” của Facebook hay Google trước những yêu cầu của chính phủ Việt Nam như ngăn chặn hoặc gỡ bỏ bài viết, đóng tài khoản… Như vậy, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của yêu cầu mà trong báo cáo và thư ngỏ mà Việt Tân và các tổ chức NGO khác đã gửi đến Facebook?
Ông Hoàng Tứ Duy: Điều chị nói rất đúng. Nguyên nhân của vấn đề kiểm duyệt internet tại Việt Nam hay là trù dập trong tự do ngôn luận, đó là chính sách độc tài của Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, những công ty internet lớn như Facebook, Google, họ có trách nhiệm đối với người sử dụng hệ thống của họ. Ngày hôm nay, nếu Facebook chấp nhận những mạng lưới độc hại tại Việt Nam, những tài khoản giả, thì đây không chỉ là vấn đề nhân quyền. Lý do là vì tại Việt Nam, theo con số chính thức là có khoảng 70 triệu người sử dụng Facebook. Nhưng theo tài liệu được tiết lộ qua bà Frances Haugen là người tố giác Facebook và là nhân viên bên trong, thì Việt Nam có khoảng 15 triệu tài khoản giả trong số 70 triệu tài khoản đã công bố.
Khi Facebook chấp nhận những tài khoản giả như vậy thì những cái đó nó ảnh hưởng lên các nhà đầu tư. Một khi họ mua cổ phiếu của Facebook, họ muốn biết có bao nhiêu tài khoản thực sự ở Việt Nam. Nó ảnh hưởng đến các nhà quảng cáo khi họ mua quảng cáo trên Facebook tại Việt Nam. Cho nên đây là điều mà chính Facebook phải giải quyết cho vấn đề kinh tế của họ. Nó đi ngoài vấn đề chính sách kiểm duyệt của Hà Nội, mà đây là vấn đề của Facebook đối với các nhà đầu tư, nhà quảng cáo.
Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng đây là lúc mà chúng ta phải kêu gọi Facebook phải thực sự hành động để giải quyết nạn dư luận viên ở Việt Nam.
VOA: Việt Tân lâu nay được xem là một trong những đảng đối lập chính trị với đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam. Vậy làm sao Việt Tân bảo đảm được rằng việc gửi báo cáo và thư ngỏ tới ông Mark Zuckerberg của Facebook là thực sự công tâm, khách quan và có lợi cho xã hội tại Việt Nam?
Ông Hoàng Tứ Duy: Đây là lá thư của nhiều tổ chức NGO và nhà hoạt động, trong đó có Việt Tân cũng ký vào. Qua lá thư, chúng tôi nêu lên một sự thật ở Việt Nam đối với Facebook. Đó là mạng lưới độc hại đang kiểm duyệt tiếng nói tại Việt Nam và nó làm hại cho Facebook. Vì quyền lợi của Facebook, họ phải giải quyết những mạng lưới độc hại do Lực lượng 47 và các dư luận viên gây ra.
VOA: Cám ơn ông Hoàng Tứ Duy đã dành thời gian cho VOA.
https://www.voatiengviet.com/a/6947674.html
(Reuters) – Báo Nhật tiết lộ Mỹ đề nghị triển khai tên lửa tầm trung. Hệ thống này nhằm giúp Tokyo tăng cường khả năng đối phó với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tờ Sankei số ra ngày 05/02/2023 trích dẫn một nguồn tin xin được giấu tên cho biết Washington đã đưa ra đề nghị này với phía Nhật Bản. Đề xuất này bao gồm luôn cả việc triển khai tên lửa siêu thanh và tên lửa Tomahawk. Về địa điểm đặt tên lửa của Mỹ, vẫn tờ báo này tiết lộ “đảo Kyushu là một khả năng”. Kyushu là hòn đảo nằm xa nhất về hướng tây nam Nhật Bản.
(Yohanap) – Mỹ kiên quyết sử dụng mọi khả năng, kể cả nguyên tử, để bảo vệ Hàn Quốc. Lời trấn an được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố hôm 03/02/2023 trong buổi họp báo chung, sau khi tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Park Jin tại Washington. Trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiến hành hơn 90 vụ thử tên lửa chỉ trong năm 2022 và có thể tái khởi động thử hạt nhân, người dân Hàn Quốc bắt đầu thắc mắc về quyết tâm của Mỹ trong việc cung cấp năng lực quân sự cho Seoul vào thời điểm cần thiết.
(AFP) – Vacxava xác nhận tổng thống Hoa Kỳ chuẩn bị viếng thăm Ba Lan. Một cố vấn ngoại giao của tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 05/02/2023 cho biết Joe Biden sẽ viếng thăm Ba Lan. Trong tuần Nhà Trắng đã nêu lên khả năng này trong một vòng công du châu Âu của nguyên thủ Mỹ, nhưng chưa thông báo ngày giờ cụ thể. Có nhiều nguồn tin cho rằng, chuyến đi đó có thể sẽ diễn ra vào khoảng ngày 24 tháng 2 nhân kỷ niệm đúng một năm Nga xâm chiếm Ukraina.
(Reuters) – Pháp đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Trong thông cáo hôm 04/02/2023, ba quốc gia liên quan khởi động nhiều chương trình hợp tác. Quan trọng nhất là trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong khu vực Ấn Độ Dương. Ngoại trưởng ba nước, trong cuộc điện đàm, cam kết «thông qua một lộ trình để thực hiện các mục tiêu này».
(AFP) – Giáo hoàng Phanxicô kết thúc chuyến tông du hai ngày Nam Sudan. Trong buổi thánh lễ hôm 05/02/2023 tại thủ đô Juba, lãnh đạo Tòa Thánh Vatican kiêu gọi 2 lãnh đạo chính trị thù nghịch nhau hãy «buông vũ khí», «xóa bỏ hận thù» «xây dựng hòa bình» cho quốc gia còn non trẻ này. Nam Sudan với 12 triệu dân, đa số là người Công Giáo, từ 2013 đến 2018 lâm vào nội chiến do hai phe của Salva Kiir và Riek Machar đứng đầu, 380.000 người tử vong, và hàng triệu người phải di tản.
(AFP) – Cựu tổng thống Pakistan, Pervez Musharraf, qua đời tại Dubai, thọ 79 tuổi. Vị tướng bốn sao này lên cầm quyền từ năm 1999 sau một cuộc đảo chính cho đến tận năm 2008. Ông là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Al Qaeda. Pervez Musharraf điều hành đất nước trong giai đoạn Al Qaeda tiến hành khủng bố ngày 11/09/2001 trên lãnh thổ Mỹ.
(AFP) – Hàng ngàn người lại biểu tình tại thủ đô Lima, đòi nữ tổng thống Peru Dina Boluarte từ chức và giải tán Quốc Hội. Phong trào phản kháng tính hôm qua 04/02/2023 đã làm ít nhất 48 người chết. Cảnh sát giải tán người biểu tình bằng lựu đạn cay.
(AFP) – CH Chypre bầu tổng thống trong bối cảnh lạm phát và tham nhũng. Ngày 05/02/2023, hơn 561.000 cử tri Chypre được mời đến phòng phiếu để lựa chọn trong số 14 ứng cử viên người sẽ thay thế tổng thống cánh hữu Nicos Anastasiades, ra tái tranh cử với tư cách ứng viên «độc lập» và hiện có «ưu thế nhất». Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Chypre phải đối mặt với tình trạng lạm phát phi mã, nhiều tai tiếng tham nhũng và hòn đảo vẫn bị chia đôi từ gần nửa thế kỷ. Theo các cuộc thăm dò, sẽ không có ứng viên nào giành được đa số tuyệt đối. Vòng hai được dự kiến diễn ra ngày 12/02.
(AFP) – Hàn Quốc: 9 ngư dân mất tích sau khi một tầu đánh cá bị lật. Tại nạn xảy ra đêm thứ Bẩy rạng sáng Chủ Nhật 05/02/2023 ở ngoài khơi tây nam Hàn Quốc. Ba thành viên của con tầu 24 tấn đã được cứu, tuy nhiên lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm 9 người khác mất tích.
(Reuters) – Sri Lanka hoàn tất điều kiện tiên quyết để được FMI hỗ trợ. Trong bài diễn văn ngày 04/02/2023 nhân kỷ niệm 75 năm độc lập, tổng thống Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka đáp ứng đủ kiều kiện để Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế giải ngân kế hoạch hỗ trợ 2,9 tỉ đô la và chờ kế hoạch được sớm phê chuẩn. Quốc gia Nam Á đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ khi giành độc lập năm 1948. Khoảng 22 triệu người dân bị ảnh hưởng vì thuế cao, thiếu các loại mặt hàng thiết yếu và nhiên liệu, trong khi điện thì bị cắt luân phiên hàng ngày.
(AFP) – Cuba bị kiện vì thiếu nợ. Quỹ đầu tư CRF Limited khởi kiện Cuba ra một tòa án ở Luân Đôn vì không trả khoản nợ 72 triệu euro trong thập niên 1980. Hôm 02/02/2023, kết thúc phiên tòa kéo dài 7 ngày ở Luân Đôn, thẩm phán Sara Cockerill cho biết sẽ không sớm đưa ra phán quyết do tính chất phức tạp của vụ việc. Quỹ CRF, một trong những chủ nợ tư nhân lớn của Cuba, đòi tổng cộng 1,3 tỉ đô la, do tính thêm lạm phát và lợi nhuận trong suốt 40 năm. Trong trường hợp thua kiện, Cuba có thể sẽ rơi vào loạt tranh chấp kiện tụng tương tự.
(L’Express) – Vac-xin chống ung thư: Hy vọng mới cho người bệnh. Tiêm phòng trị liệu giúp hệ thống miễn dịch của con người chống lại các tế bào ung thư, tiêu diệt chúng và chữa khỏi bệnh. Phương pháp này được thử nghiệm lần đầu vào năm 2011 và đã được trao giải Nobel năm 2018. Theo L’Express ngày 04/02/2023, nhiều phòng thí nghiệm đang phát triển biện pháp điều trị, được điều chỉnh theo từng người bệnh. Kết quả ban đầu rất đáng khích lệ nhưng vẫn còn hạn chế : hiệu quả với khoảng 40-50% u ác tính và từ 20-30% đối với các loại u khác. Bác sĩ chuyên khoa ung thư Stéphane Champiat, bệnh viện Gustave-Roussy (Pháp), cho rằng «tiêm vắc-xin trị liệu là một trong những cách có thể giúp» chữa bệnh ung thư.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230205-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(AFP) – Nhật Bản : Một thư ký của thủ tướng Fumio Kishida bị sa thải. Ngày 04/02/2023, ông Kishida đã sa thải một trong những thư ký của ông vì những bình luận bài bác những người đồng tính. Hôm 03/02, trên đài truyền hình NHK, Masayoshi Arai tuyên bố ông không thích những người đồng tình sống kế bên nhà ông. Thư ký của thủ tướng Nhật còn khẳng định “nhiều người sẽ rời bỏ Nhật Bản nếu chúng ta cho phép hôn nhân đồng tính”. Thủ tướng Kishida xem những tuyên bố này là “đáng chê trách” và “không tương hợp” với chủ trương của chính phủ về một xã hội không loại trừ bất cứ thành phần nào.
(AFP) – Vì chiến tranh Ukraina, một ban nhạc nổi tiếng của Áo phải giải thể. Ban nhạc Russkaja hoạt động tại Áo chuyên hướng về những tác phẩm vang bóng một thời dưới những năm tháng của chế độ Liên Xô. Hôm 4/3/23, nhóm này cho biết phải tử giải thể vì lý do “an ninh”. Trong số 7 thành viên, có một người Nga và một là người Ukraina. Trên trang mạng xã hội Facebook, Russkaja giải thích với những người mến mộ rằng sau 18 năm hoạt động, từ ngày được thành lập tại thủ đô Vienna, ban nhạc phải giải thể do hình ảnh “mãi mãi bị chiến tranh Ukraina làm hoen ố cho dù Russkaja phản đối Nga xâm lược Ukraina”.
(Reuters) – Mỹ cân nhắc ban hành thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc bán trang thiết bị cho công an Iran. Báo tài chính The Wall Street Journal ngày 04/02/2023 trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo nêu đích danh một công ty Trung Quốc, Tiandy Technologies, trụ sở tại Thiên Tân. Công ty này chuyên cung sản xuất và xuất khẩu thiết bị điện tử và bị Mỹ nghi ngờ bán thiết bị theo dõi thường dân cho Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran.
(AFP) – Paris đòi Mỹ “minh bạch”, tôn trọng “cạnh tranh bình đẳng” trong chính sách hỗ trợ phát triển “công nghiệp xanh”. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire trong cuộc trả lời hãng tin AFP hôm 04/02/2023 xoáy vào luật giảm lạm phát IRA đã được Hoa Kỳ thông qua hồi tháng 8/2022. Văn bản dự trù một ngân sách 430 tỷ đô la mà trong đó 370 tỷ nhằm khuyến khích phát triện mọi phương tiện để phát triển “công nghiệp xanh”, giảm thiểu khí thải carbon làm hâm nóng Trái Đất. Châu Âu, mà đứng đầu là Pháp, xem luật IRA là một mối đe dọa trực tiếp đến “tăng trưởng” đối với “nền công nghiệp” của Liên Âu. Pháp thậm chí xem IRA là một hình thức bảo hộ trá hình. Ngày 06/02, bộ trưởng kinh tế Pháp, Bruno Le Maire và đồng cấp Đức, Robert Habeck sẽ cùng đến Washington thuyết phục Hoa Kỳ bảo đảm luật IRA không bóp nghẹt kinh tế châu Âu, vì cạnh tranh bất bình đẳng.
(AFP) – Trang mạng báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo bị tin tặc Iran tấn công. Microsoft hôm 03/02/2023 tiết lộ thủ phạm vụ tấn công tin học nhắm vào tờ báo Pháp mang tên Holy Souls và đứng sau là Emennet Pasargad. Đây là một công ty chuyên về an ninh mạng của Iran. Một nhân viên của Microsoft là Clint Watts đã khẳng định như trên trên trang blog cá nhân. Đầu tháng Giêng 2023, Holy Souls cho biết chiếm đoạt được hơn 200.000 dữ liệu cá nhân của độc giả tuần báo Charlie Hebdo. Hiện tại, tuần báo trào phúng của Pháp từ chối bình luận về tin trên. Cơ quan an ninh mạng Iran “phạt” Charlie Hebdo vì đã đăng tranh biếm họa nhạo báng giáo chủ Khamenei để tỏ tình liên đới với phong trào nổi dậy, đòi tự do cho phụ nữ Iran.
(AFP) – Bộ trưởng Lao Động “vẫn được thủ tướng Pháp tin tưởng”. Ngày 4/2/23, Điện Matignon (phủ thủ tướng Pháp) tuyên bố bộ trưởng Lao Động Olivier Dussopt vẫn được thủ tướng Elisabeth Borne tin tưởng, mặc dù ông bị Viện Công tố Tài chính cáo buộc đã thiên vị khi ký một hợp đồng giữa nhà nước với tập đoàn Saur vào cuối thập niên 2000. Bộ trưởng Dussopt khẳng định không hề có chuyện “dàn xếp với nhau” trong vụ này.
(AFP) – Đợt giá lạnh lịch sử tại Hoa Kỳ và Canada. Các cơ quan khí tượng của Mỹ và Canada ngày 03/02/2023 đã cảnh báo về một đợt giá lạnh chưa từng có từ nhiều thế hệ qua, với nhiệt độ có thể xuống tới -50°C ở miền đông bắc Hoa Kỳ và miền đông Canada. Riêng tại bang Maine của Mỹ ngày 04/02, nhiệt độ được cảm nhận có thể xuống tới -51°C, còn ở Montréal, nhiệt độ được cảm nhận chiều 03/02 đã là -41°C và có thể xuống -50°C ở những vùng phía bắc Québec.
(Bangkok Post) – Thái Lan: Trường học ở Bangkok bị đóng cửa do ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn khiến nhiều trường ở Bangkok và vùng phụ cận phải tạm đóng cửa hôm qua, 03/02/2023. Chính phủ khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra ngoài và nếu được thì nên làm việc ở nhà.
(AFP) – Pháp: Tháp “mũi tên” của Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được xây lại trước cuối năm 2023. Ngày 03/02/2023, văn phòng của bộ trưởng Văn Hóa Pháp Rima Abdul Malak xác nhận là tháp hình mũi tên nổi tiếng của nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được xây lại trước cuối năm nay. Nhà thờ Đức Bà Paris, bị cháy vào tháng 4/2019, sẽ mở cửa trở lại vào cuối năm 2024, theo đúng mục tiêu mà tổng thống Emmanuel Macron đề ra. Trước khi bị cháy, nhà thờ này thu hút 12 triệu du khách mỗi năm.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230204-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(AFP) – Indonesia yêu cầu các siêu cường thế giới tránh lôi kéo Đông Nam Á vào mọi cuộc đối đầu. Khai mạc cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN hôm 03/02/2023 tại Jakarta, tổng thống Joko Widodo tuyên bố : ASEAN không thể là nơi để diễn ra bất kỳ một cuộc « xung đột ủy nhiệm » nào. Indonesia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN. Miến Điện tiếp tục là hồ sơ nổi bật trong hai ngày họp 3 và 04/2023 tại Jakarta, nhưng vắng mặt ngoại trưởng của chính quyền quân sự.
(AFP) – Pháp và Israel ‘‘phối hợp hành động’’ chống Iran gây hỗn loạn ở Trung Đông, và việc Teheran hậu thuẫn Nga. Tổng thống PhápEmmanuel Macron và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc hội kiến tại Paris, hôm qua, 02/02, đã bày tỏ mong muốn như trên. Đại sứ quán Israel cho biết : ‘‘Lãnh đạo hai nước đã thảo luận nhiều về các biện pháp chống lại đe dọa hạt nhân Iran’’. Trước chuyến công du Pháp của thủ tướng Netanyahu, Israel tỏ ý muốn lập một liên minh quân sự, nhất là với các cường quốc Tây phương, để khi cần sẽ tấn công Iran, tuy nhiên Paris và Washington đã bác bỏ khả năng này.
(NHK) – Ngoại trưởng Nhật – Trung điện đàm: Tranh chấp ở Biển Hoa Đông là trọng tâm. Hôm qua, 2/2, trong cuộc điện đàm lần đầu tiên với tân ngoại trưởng Trung Quốc, ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự của Bắc Kinh gần Nhật Bản, bao gồm cả sự phối hợp của nước này với Nga. Ông Hayashi cũng bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông và khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Theo báo Ấn Độ The Hindu, ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và người đồng cấp Nhật Bản đã thảo luận về các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Phía Trung Quốc hy vọng Nhật Bản ngừng các hành động khiêu khích.
(AFP) – Hàng không mẫu hạm Pháp Foch bị nhận chìm trong lòng Đại Tây Dương. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường hôm 02/02/2023 mạnh mẽ phản đối Brazil quyết định nhận chìm hàng không mẫu hạm Foch mua lại của Pháp từ hồi năm 2000. Từng là một niềm tự hào của Hải Quân Pháp, tàu sân bay Foch, được chuyển nhượng lại cho Brasilia, đã được kéo tới một địa điểm cách bờ 350 cây số, và sẽ ngủ vùi trong lòng đại dương ở độ sâu 5.000 mét. Trong 37 năm hàng không mẫu hạm Foch phục vụ trong Hải Quân Pháp trước khi được chuyển nhượng lại cho Brazil và được đổi tên thành hàng không mẫu hạm Sao Paulo.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên thông qua luật «bảo vệ bí mật Nhà nước». Dự luật mới được thông qua trong một phiên họp quốc hội trong nỗ lực được cho là củng cố kỷ luật nội bộ. Theo KCNA, mục tiêu của luật «bảo vệ bí mật Nhà nước» là nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển việc «xây dựng xã hội chủ nghĩa» qua việc thiết lập một hệ thống và một trật tự. Tuy nhiên, hãng thông tấn Bắc Triều Tiên không nêu chi tiết về nội dung cũng như là số lượng những gì mà nước này quy định thuộc diện «bí mật Nhà nước».
(Reuters) – Nga bác thông tin Washington trao cho Matxcơva kế hoạch hòa bình của Kiev. Điện Kremlin hôm nay, 03/02/2023, phủ nhận thông tin cho rằng giám đốc CIA William Burn đã đến Matxcơva trao cho Nga thỏa thuận hòa bình bí mật đề nghị Ukraina nhượng 1/5 lãnh thổ cho Nga. Theo phát ngôn viên điện Kremlin, đây là một thông tin lừa bịp.
(AFP) – Nga tịch thu tài sản của Ukraina tại Crimée để chi cho chiến tranh. Hôm nay, chính quyền Nga thông báo tịch thu 500 tài sản của Ukraina tại bán đảo Crimée, mà Nga sáp nhập từ năm 2014. Đa số tài sản thuộc về các ngân hàng Ukraina và một số tài phiệt Ukraina. Chính quyền do Nga dựng lên tại vùng chiếm đóng tuyên bố một phần tài sản tịch thu sẽ được sử dụng để chi trả cho cuộc can thiệp quân sự của Matxcơva ở Ukraina. Hiện tại phía Nga chưa thông báo tổng số tiền thu được từ số tài sản gọi là ‘‘quốc hữu hóa’’ nói trên.
(AFP) – Ukraina: Nga bán trẻ em cho các mạng lưới tội phạm. Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Ukraina hôm qua cáo buộc Nga bắt cóc trẻ em Ukraina cung cấp cho các mạng lưới tội phạm tình dục. Trên mạng Telegram, ông Dmytro Lubinets cho biết: Nga rao bán hơn 250.000 rúp, tương đương với hơn 3.200 euro, một em nhỏ. Ủy Ban Nhân Quyền Ukraina cáo quân đội Nga bắt cóc và đưa về các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát tại Ukraina hàng nghìn trẻ em, trong đó có nhiều trẻ mồ côi.
(AFP) – Lập trung tâm quốc tế về tội ác xâm lăng Ukraina. Theo đài NHK, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đang có mặt tại Kiev, hôm qua thông báo Liên Âu có kế hoạch thành lập một tổ chức quốc tế để điều phối việc thu thập bằng chứng để truy tố tội ác xâm lược của Nga ở Ukraine, ‘‘Một trung tâm quốc tế truy tố tội ác xâm lược Ukraina sẽ được thành lập ở La Haye, Hà Lan’’. Lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm pháp lý về ‘‘những tội ác ghê tởm của mình’’.
(AFP) – Đức cho phép giao xe tăng Leopard 1 cho Ukraina. Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit hôm nay, 03/02/2023, nêu rõ số xe tăng này sẽ được trích ra từ kho dự trữ, nhưng không cho biết cụ thể số lượng cũng như thời điểm giao xe.
(AFP) – Na Uy mua 54 xe tăng Leopard 2 thế hệ mới. Theo chính phủ Na Uy hôm nay, 03/02/2023, việc đặt mua 54 chiếc Leopard 2A7 sẽ cho phép thay thế 36 chiếc xe tăng Leopard 2A4 cũ kỹ, mà nhiều chiếc trong số này sẽ được giao cho Ukraina.
(AFP) – Sinh mạng cựu tổng thống Gruzia bị đe dọa. Luật sư của Mikheïl Saakachvili hôm 03/02/2023 báo động tình trạng sức khỏe cựu tổng thống Gruzia đang suy sụp đến mức tính mạng của ông bị đe dọa. Năm nay 55 tuổi, Saakachvili đang thi hành án tù với tội danh «lạm dụng quyền lực». Giới bảo vệ Saakachvili coi đây là một bản án mang nặng màu sắc chính trị. Năm ngoái, cựu tổng thống Gruzia đã được chuyển từ nhà tù vào một bệnh viện sau 50 ngày tuyệt thực để phản đối bán án nói trên.
(AFP) – Vận động viên Nga tham gia Thế Vận Hội 2024 với tư cách cá nhân: Mỹ ủng hộ, khoảng 40 nước phản đối. Theo bộ trưởng Thể Thao Ba LanKamil Bortniczuk, Varsava trông đợi quốc tế có thái độ cứng rắn với Nga, quốc gia xâm lược Ukraina, và hy vọng tuần tới sẽ có sự phản đối của tổng cộng 40 nước. Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định Mỹ ủng hộ sự tham gia của các vận động viên Nga, nhưng hoàn toàn cấm mang các biểu tượng quốc gia.
(AFP) – Đạo diễn Iran Jafar Panahi tuyệt thực phản đối các điều kiện giam giữ. Đạo diễn Jafar Panahi đã bị bắt vào tháng 7/2022 ngay trước khi bắt đầu làn sóng phản kháng làm rung chuyển chế độ Iran kể từ tháng 9 năm ngoái. Ông Jafar Pahani bị giam giữ trong nhà tù Evin ở Teheran. Nhà làm phim bắt đầu tuyệt thực từ hôm 1/2. Hôm qua, vợ của đạo diễn Iran đã thông báo tin trên. Đạo diễn Jafar Panahi từng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh lớn của châu Âu, như giải Sư Tử Vàng Liên hoan Venisia với bộ phim Vòng Tròn, giải Gấu Vàng Liên hoan Berlin với phim Taxi Teheran. Năm 2018, ông đoạt giải kịch bản xuất sắc nhất tại của Liên hoan Cannes với ‘‘Ba gương mặt’’.
(AFP) – “Khủng bố sushi” trên xứ hoa anh đào. Dư luật Nhật Bản đang bị chấn động vì hình ảnh một thiếu niên tay dính nước bọt đã xờ vào thức ăn vốn là biểu tượng của ẩm thực Nhật Bản. Hình ảnh đó lan truyền trên các mạng xã hội. Cổ phiếu của chuỗi nhà hàng này mất giá gần 5 % trong một phiên giao dịch hôm 31/01/2023. Thanh niên này đã xin lỗi, nhưng hai chuỗi nhà hàng Hama Sushi và Kura Sushi hôm 03/02/2023 cho biết đã đệ đơn kiện đương sự ra tòa. Lý do là cử chỉ nói trên làm xấu đi hình ảnh và uy tín của các món ăn mà dân Nhật vốn rất tự hào là “rất vệ sinh”.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230203-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p