Tin Tổng Hợp – 03/03/23: QUAD lo ngại về quân sự hóa các vùng biển quanh TC; Mỹ lại kêu gọi thả Phạm Đoan Trang; Lãnh đạo đối lập Cam Bốt bị 27 năm tù; Ða số nạn nhân buôn người mất tích ở Anh là người Việt; Bắc Hàn khan hiếm lương thực; Lao động TC giảm 41 triệu người
QUAD lo ngại về việc quân sự hóa các vùng biển xung quanh Trung Quốc
03/03/2023 – Thanh Phương – Hôm nay, 03/03/2023, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, các nước nằm trong Bộ Tứ (QUAD) đã bày tỏ quan ngại về việc quân sự hóa các vùng biển xung quanh Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Theo hãng tin AFP, bên lề cuộc họp nhóm G20 ở New Delhi, các ngoại trưởng các thành viên nhóm QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn và Úc) đã có một cuộc họp riêng. Trong tuyên bố chung do nước chủ nhà Ấn Độ công bố sau cuộc họp, nhóm QUAD nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế” ở vùng biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết chống lại mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng hoặc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.
Tuy không nêu tên Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ, Ấn, Nhật, Úc bày tỏ quan ngại trước “việc quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, việc sử dụng một cách nguy hiểm các lực lượng hải cảnh và dân quân biển, cũng như những nỗ lực nhằm cản trở các hoạt động của những nước khác khai thác tài nguyên trên biển”.
QUAD (Đối thoại An ninh Bốn bên) là một liên minh chiến lược không chính thức được khởi xướng từ năm 2007, sau đó đến năm 2017 được khởi động trở lại trước ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh thì vẫn xem QUAD là một công cụ của Washington để chống Trung Quốc.
Nhưng phát biểu tại New Delhi hôm nay, ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho rằng Trung Quốc không có lý do gì để e ngại QUAD, vì đây không phải là một tổ chức hợp tác về quân sự.
Hoa Kỳ lại kêu gọi Việt Nam phóng thích Phạm Đoan Trang
03/03/2023 – VOA Tiếng Việt – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa lặp lại lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động nổi tiếng đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm vì các hoạt động bị gán là “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lời kêu gọi trên Twitter hôm 27/2, đồng thời đăng chân dung nữ nhà báo 44 tuổi.
“Là một nhà báo và tác giả, bà Phạm Đoan Trang vận động ôn hòa cho nhân quyền, pháp quyền và một Việt Nam bao trùm hơn. Bà bị kết án 9 năm tù vì những vận động của mình”, Cục DRL cho biết.
Hồi tháng 1/2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một chiến dịch vận động toàn cầu yêu cầu trả tự do cho gần 20 tù nhân chính trị đang bị giam cầm mà không có lý do chính đáng, gọi là Sáng kiến Không Lý do chính đáng (Without Just Cause), trong đó có nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ lặp lại lời kêu gọi phóng thích bà Phạm Đoan Trang giữa lúc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức khóa họp thường kỳ lần thứ 52 tại tại Geneva, Thụy Sĩ, trong đó Việt Nam hiện là một thành viên. Khóa họp này diễn ra từ ngày 27/2 đến 4/4.
Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên khai mạc của khóa họp này hôm 27/2, nói rằng Hà Nội đặt con người ở vị trí “trung tâm” trong quá trình phát triển.
Ông nói qua lời phiên dịch tại phiên họp cấp cao của kỳ họp được trang UN Web TV truyền trực tiếp:
“Hành trang của Việt Nam đến với Hội đồng Nhân quyền là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành tựu đáng tự hào trong đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, là chủ trương luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển”.
Ông Quang đồng thời nói rằng Việt Nam cam kết mạnh mẽ với luật pháp
quốc tế và Hiến chương LHQ, và bày tỏ khát vọng về thúc đẩy và bảo vệ
quyền con người.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Từ trước đến nay, vào các dịp khác nhau, chính quyền Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây
liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích bà Trang, người bị bắt
từ tháng 10/2020 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Bà Vi Trần, đồng sáng lập Tổ chức phi chính phủ LIV có trụ sở ở California, nói với VOA về trường hợp của bà Trang đang thụ án tù 9 năm tại trại giam An Phước, Bình Dương, nơi cách gia đình ở Hà Nội hơn 1.500 km.
“Tôi biết rằng sự sắp xếp của chính quyền luôn luôn là để người bị giam cách xa gia đình và có rất nhiều trường hợp như vậy, vì họ làm khó cho người nhà khi đi thăm gặp người thân, và đó là một cách họ đối xử với tù nhân lương tâm.
“Việc Trang bị điều vào Nam để giam thì tôi không ngạc nhiên. Gia đình thăm gặp Trang thì rất khó. Đó là cách hành hạ con người mà tôi thấy là không có tử tế gì cho lắm!” bà Vi Trần nói.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, người ca ngợi lòng quả cảm của Phạm Đoan Trang trong sự kiện vinh danh Phụ nữ Quốc tế Can đảm năm 2022, hôm 2/3 phát biểu trực tuyến với Viện Brookings nói rằng Hoa Kỳ thường xuyên nêu vấn đề các nhà tranh đấu bị giam giữa với phía Việt Nam, nhưng ông thừa nhận rằng giữa hai nước có sự khác biệt về vấn đề nhân quyền.
Ông Knapper cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Ông nói:
“Trong cuộc đối thoại nhân quyền gần đây nhất cách đây vài tháng, chúng tôi đã nêu lên những quan ngại liên quan đến tình hình nhân quyền, xã hội dân sự cũng như các vấn đề khác liên quan đến những người đang bị giam cầm”.
Nhà ngoại giao Mỹ cho biết thêm:
“Chúng tôi tiếp tục bày tỏ mối quan ngại của mình theo cả hai cách tôn trọng, cởi mở, thẳng thắn, nhưng cũng theo cách riêng tư và kiểu như vận động sau hậu trường. Chúng tôi cố gắng không để những cuộc thảo luận này xuất hiện trang nhất của báo chí”.
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-lai-keu-goi-viet-nam-phong-thich-pham-doan-trang/6988420.html
Cam Bốt: Lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha bị kết án 27 năm tù vì tội phản quốc
03/03/2023 – Phan Minh – Một tòa án Cam Bốt hôm nay 03/03/2023 đã kết án thủ lĩnh phe đối lập Kem Sokha 27 năm tù vì tội phản quốc. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng ông Sokha bị kết án hoàn toàn vì mục đích chính trị, khi cuộc tổng tuyển cử Cam Bốt sẽ diễn ra vào tháng 07/2023.
Từ Phnom Pênh, thông tín viên Juliette Buchez tường trình:
Ngay sau khi có tuyên án, Kem Sokha đã rời Tòa án theo một lối khác, cách xa khu vực các nhà báo và một số ít người ủng hộ ông tập trung trước Tòa sáng nay. Chính trị gia 69 tuổi vừa mới bị tuyên án : 27 năm tù và bị cấm vĩnh viễn tham gia hoạt động chính trị hay đi bầu cử.
Hiện đang bị quản thúc tại gia, Kem Sokha sẽ phải giữ im lặng. Tòa cũng cấm ông không được giao tiếp với bất kỳ ai ngoại trừ gia đình thân cận. Như vậy là kết thúc phiên tòa khởi động vào tháng 01/2020, hơn 2 năm sau khi ông bị bắt và sau hơn 60 phiên xét xử.
Vụ xét xử Kem Sokha đã trở thành chủ đề chất vấn từ phía các tổ chức nước ngoài. Phiên tòa cũng chịu sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền tố cáo bản án được tuyên với động cơ chính trị.
Kể từ cuối năm 2017 và sự giải thể của đảng đối lập chính do Kem Sokha đồng sáng lập, các thủ tục pháp lý chỉ trích chính phủ Cam Bốt đã tăng lên gấp bội. Có nhiều người ủng hộ Kem Sokha có mặt trước Tòa án, cùng với một số tổ chức phi chính phủ về nhân quyền đã lo ngại về thông điệp mà bản án này gửi đi.
Bản án được tuyên chỉ 4 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc Hội, tại một quốc gia mà phe đối lập chính trị vẫn bị trấn áp mạnh mẽ. Tại đây, thủ tướng Hun Sen sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ mới, 38 năm sau khi ông lên cầm quyền.
Báo cáo Anh: Hàng trăm nạn nhân buôn người bị mất tích, đa số là người Việt
03/03/2023 – VOA Tiếng Việt – Hàng trăm nạn nhân của nạn buôn người đã mất tích sau khi họ được giới thiệu đến chương trình của chính phủ Anh được thiết kế ra để bảo vệ họ, phần lớn trong số nạn nhân trưởng thành là người Việt Nam, tờ The Guardian đưa tin hôm 2/3.
Thông tin được đưa ra sau khi Bộ trưởng Nhập cư của Anh, Robert Jenrick, thừa nhận hồi tháng 1 rằng kể từ năm 2021, khoảng 200 trẻ em xin tị nạn đã mất tích khỏi các khách sạn mà Bộ Nội vụ và các nhà thầu của Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm.
Theo dữ liệu mà The Guardian có được về quyền tự do thông tin từ Bộ Nội vụ Anh, có 566 nạn nhân có thể là nạn nhân buôn người hoặc đã được xác nhận là nạn nhân buôn người từ Vương quốc Anh và các quốc gia khác, được phân loại là “mất tích” từ năm 2020 đến năm 2022, sau khi được chuyển đến cơ chế giới thiệu quốc gia (NRM), vốn được thiết kế để bảo vệ an toàn và hỗ trợ cho nạn nhân.
Con số cao nhất là 258 nạn nhân vào năm 2022, tăng từ 232 người vào năm 2021 và 76 vào năm 2020. Phần lớn trẻ em mất tích là bé trai người Albania và phần lớn người trưởng thành mất tích là đàn ông Việt Nam.
Tờ báo Anh cho biết các tổ chức ủng hộ nạn nhân buôn người đã bày tỏ lo ngại về dữ liệu trên và kêu gọi Bộ Nội vụ Anh mau chóng điều tra những gì đã xảy ra với hàng trăm nạn nhân mất tích.
Bà Kathy Betteridge, Giám đốc chống buôn người và chế độ nô lệ hiện đại của Salvation Army, nơi có hợp đồng chăm sóc các nạn nhân buôn người với Bộ Nội vụ Anh, cho biết: “Các băng nhóm tội phạm sử dụng nhiều kỹ thuật để gài bẫy mọi người làm nô lệ hiện đại, trong đó bao gồm bạo lực và đe dọa đối với gia đình nạn nhân. Tất nhiên, nhân viên của chúng tôi giải thích là họ sẽ được dịch vụ hỗ trợ của chúng tôi bảo vệ an toàn trên thực tế như thế nào, nhưng chúng tôi không thể đảm bảo an toàn cho gia đình họ. Đối với một số người, nỗi sợ hãi quá lớn”.
Bà nói: “Đáng buồn thay, hầu hết những người bỏ trốn là công dân Việt Nam và điều này dường như có liên quan đến mức độ áp lực tâm lý nghiêm trọng mà họ phải chịu từ những kẻ buôn người. Khi họ đến các dịch vụ của chúng tôi, họ đặc biệt cảnh giác với chính quyền và lo lắng về các mối đe dọa đối với gia đình họ”.
Theo tổ chức Chống Buôn người Quốc tế, tình trạng buôn người từ Việt Nam sang Vương quốc Anh đang ngày càng gia tăng. Phần lớn bị đưa vào các cơ sở sản xuất cần sa, tiệm làm móng và ép buộc làm gái mại dâm. Đa số các nạn nhân buôn người còn rất trẻ, đôi khi là trẻ em, rất dễ bị bóc lột dưới bàn tay của những kẻ buôn người với những lời hứa hão huyền về những công việc hấp dẫn và lương cao. Chính sự tự nguyện của các nạn nhân, vốn phần lớn xuất thân nghèo khổ, đã gây ra những thách thức và khó cho giới hữu trách Anh trong việc trấn áp tội phạm buôn người.
Một báo cáo năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc ước tính mỗi năm, các mạng lưới buôn người đưa khoảng 18.000 người từ Việt Nam sang châu Âu. Giao dịch bất hợp pháp này mang đến khoảng 300 triệu euro (315,6 triệu USD) cho các mạng lưới buôn người.
https://www.voatiengviet.com/a/6988619.html
Khan hiếm lương thực: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên yêu cầu gia tăng sản xuất nông nghiệp
03/03/2023 – Thanh Phương – Theo hãng tin chính thức KCNA hôm qua, 02/03, trong một cuộc họp quan trọng của đảng Lao Động Triều Tiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã yêu cầu các cấp chính quyền là «bằng mọi giá» phải đạt được các chỉ tiêu về sản xuất ngũ cốc. Yêu cầu của ông Kim Jong Un được đưa ra vào lúc có nhiều báo cáo cho thấy tình trạng khan hiếm lương thực đang ngày càng trầm trọng tại quốc gia bị cô lập này.
Từ Seoul, thông tín viên Celio Fioretti gởi về bài tường trình:
Phải làm như trước đây. Để giải quyết khủng hoảng lương thực, lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn quay trở lại chính sách kế hoạch hóa nông nghiệp. Kể từ nạn đói thập niên 1990, ngành nông nghiệp Bắc Triều Tiên được phần nào tự do về sản xuất. Cuộc họp toàn thể của Trung ương Đảng đánh dấu việc Nhà nước tăng cường trở lại kiểm soát lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ cuộc “cách mạng nông thôn” được phác họa vào năm 2021, ông Kim Jong Un muốn thúc đẩy nông dân Bắc Triều Tiên làm việc nhiều hơn để cải thiện năng suất lao động. Nhưng các nhà quan sát không tin vào các biện pháp đó. Sự kiểm soát của Nhà nước được tăng cường, nhưng những chi tiết về các phương tiện thực hiện vẫn chưa rõ ràng.
Những hậu quả của việc quay trở lại với kế hoạch hóa nông nghiệp chưa biết sẽ như thế nào, nhưng các chuyên gia nhắc lại rằng chính là nhờ từ bỏ kế hoạch hóa mà Bắc Triều Tiên đã có thể thoát được nạn đói. Họ nhấn mạnh đến việc thiếu các biện pháp để khuyến khích nông dân sản xuất nhiều hơn.
Trong bối cảnh mà Hoa Kỳ vừa ban hành các trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, cuộc sống của người dân Bắc Triều Tiên trong những tháng tới sẽ còn khó khăn hơn.
Lực lượng lao động Trung Quốc giảm 41 triệu người trong 3 năm
03/03/23 – Liên Thành – Lực lượng lao động của Trung Quốc đã giảm hơn 40 triệu người trong ba năm. Nó được hiểu là kết quả của sự kết quả của đại dịch Covid19 và sự lão hóa dân số.
Theo Bloomberg, dân số có việc làm ở Trung Quốc năm ngoái là khoảng 733,5 triệu người, giảm hơn 41 triệu người so với số khảo sát (774,7 triệu người) năm 2019 của Ngân hàng Thế giới. Con số này tương đương với toàn bộ dân số có việc làm của Đức (khoảng 44 triệu người vào năm 2021).
Dân số có việc làm của Trung Quốc đã giảm trong 5 năm liên tiếp kể từ năm 2018. 3 năm qua đã bị ảnh hưởng rất nhiều do các hoạt động của công ty bị thu hẹp trong đại dịch. Đặc biệt, năm 2020, khi Covid 19 lên đến đỉnh điểm, số người có việc làm giảm mạnh 120,5 triệu người chỉ trong một năm. Nó lớn hơn gấp đôi so với toàn bộ dân số Hàn Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/luc-luong-lao-dong-trung-quoc-giam-41-trieu-nguoi-trong-3-nam.html