Tin Tổng Hợp – 02/03/23: TikTok nguy hiểm; TC dẫn trước cuộc cạnh tranh về công nghệ mới nổi quan trọng; Lục quân Mỹ vạch chiến lược chiến tranh với TC
Mối nguy hiểm mang tên TikTok
02/03/2023 – Phan Minh – Mạng xã hội TikTok và tình hình tại Ukraina là những chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay 02/03/2023.
Nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về mối nguy tiềm tàng của mạng xã hội TikTok. Vụ TikTok thoạt nhìn có vẻ không có gì đặc biệt. Suy cho cùng, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hàng ngày, trong cuộc sống riêng tư và trong công việc của mình, và đăng tải rất nhiều dữ liệu cá nhân lên mạng. Hãy nhớ lại vụ bê bối của Cambridge Analytica, công ty đã ăn cắp một phần dữ liệu người dùng Facebook vào năm 2014 để phục vụ cuộc bầu cử của Donald Trump hai năm sau đó. Hay những «trò chơi nguy hiểm» của Elon Musk trên Twitter.
Phân tích kỹ hơn, vụ TikTok khiến cho nhiều nước lo lắng như vậy phản ánh sự nguội lạnh giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Thậm chí trong thời gian gần đây, quan hệ giữa hai bên đang trở nên cực kỳ căng thẳng hay thậm chí gần như là Chiến Tranh Lạnh. Trong vài tuần qua, mọi người đã chứng kiến vụ Trung Quốc thả khinh khí cầu bay qua lãnh thổ Hoa Kỳ dẫn tới việc chuyến thăm quan trọng tới Bắc Kinh của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bị hủy bỏ, khiến chính quyền Trung Quốc rất khó chịu.
Sau đó, tin đồn về việc quan hệ Trung-Nga tăng cường có thể đi xa đến mức Bắc Kinh chuyển giao vũ khí cho Matxcơva, một thảm họa đối với Ukraina. Và giờ đây, TikTok bị coi là Hoa Vi (Huawei), tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp cho chính quyền Bắc Kinh vô số những thông tin thu thập được ở phương Tây.
Do vậy, đây thực sự là một mối đe dọa và cảnh báo từ Nghị Viện Châu Âu không hề thái quá, nhất là đối với những thanh thiếu niên có xu hướng suốt đời chỉ biết có TikTok. Bản thân Emmanuel Macron, người đã sử dụng rộng rãi mạng xã hội này để tương tác với những thanh niên trẻ tuổi, cũng lo lắng về sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với TikTok. Giờ đây, tổng thống Pháp sẽ phải làm gương cho 4 triệu người theo dõi trên TikTok.
Nội dung «nguy hiểm» của TikTok
Vẫn về chủ đề TikTok, nhật báo Công Giáo La Croix dành trang nhất và bài xã luận để nói về những nội dung «nguy hiểm» được đăng trên mạng xã hội. Sau khi Hoa Kỳ xem xét cấm hoàn toàn ứng dụng để bảo đảm «an ninh quốc gia», Ủy Ban Châu Âu và sau đó là Nghị Viện Châu Âu yêu cầu tất cả nhân viên xóa TikTok khỏi các thiết bị công vụ để bảo mật dữ liệu, đây không phải là mối đe dọa duy nhất do mạng xã hội này gây ra.
Cơ quan An toàn Dược phẩm Quốc gia (ANSM) vừa cảnh báo mọi người không lạm dụng thuốc điều trị tiểu đường Ozempic để giảm cân. Ozempic được quảng bá trên TikTok bởi những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội và các video về loại thuốc này đã được hơn 500 triệu lượt xem. Ngoài việc có thể gây thiếu hụt thuốc trên thị trường do nhu cầu người dùng quá cao, ANSM còn chỉ ra những tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thuốc không đúng cách.
Những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội dường như không biết gì về «bê bối Mediator», vụ việc hiện đang được xét xử tại tòa phúc thẩm Paris. Loại thuốc điều trị tiểu đường này được kê đơn rộng rãi như một loại thuốc «chống đói» cho đến năm 2009, và đây là nguồn gốc của vụ bê bối dược phẩm lớn nhất Pháp cho đến nay, gây ra cái chết của hàng ngàn người và gây ra nhiều di chứng tàn tật cho những người khác. Do vậy, quảng bá Ozempic để thuyết phục các thiếu nữ trẻ giảm cân nhanh có thể là một hành động vô ý thức, và là tội ác.
Thanh niên Đài Loan sang chiến đấu ở Ukraina
Về tình hình tại Ukraina, Libération có bài viết nói về phong trào thanh niên Đài Loan sang Ukraina chiến đấu với binh sĩ nước này chống lại điện Kremlin. Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina vào tháng 2 năm ngoái, đã có hàng chục người Đài Loan quyết định sang Ukraina để đánh Nga, như trường hợp của Jonathan Tseng, người đã tử trận ở tuổi 25 vào tháng 11 vừa qua. Đối với những tình nguyện quân này, tình hình ở Ukraina giống với tình hình ở Đài Loan, khi hòn đảo luôn bị Trung Quốc đe dọa xâm lược.
Trong một căn lều nhỏ ở gần đường sắt, mọi thứ không có gì thay đổi. Trên giá có treo bộ quân phục của Jonathan Tseng và những khẩu súng hơi nén vẫn còn đó. Ở giữa căn phòng, mẹ anh xúc động đến nỗi bà quên rằng sinh nhật của mình trùng với ngày bà trả lời phỏng vấn: «Bình thường nó sẽ gọi điện cho tôi. Nó tặng tôi một bông hoa hồng mỗi năm vì nó thấy tên của tôi nghe giống từ “rose” trong tiếng Anh.» Vào tháng 11, Jonathan đã bỏ mạng ở mặt trận Ukraina, cách hòn đảo quê hương mình 8.000 km. Trước đó trong một đoạn video ngắn được quay ở mặt trận, Jonathan đã thẳng thắn giải thích lý do anh ra đi: «Tôi đến đây nhằm tích lũy kinh nghiệm để có thể bảo vệ Đài Loan, bởi Trung Quốc muốn xâm lược chúng tôi», Jonathan nói trong đoạn phim, tay cầm khẩu súng trường và chỉ vào một mảnh cờ Đài Loan được gắn trên quân phục.
Giống như nhiều thanh niên tại đây, Jonathan đã gia nhập hàng ngũ quân đội Đài Loan ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Trên các mạng xã hội, những bài đăng của Jonathan thể hiện anh là một thanh niên lo lắng về khả năng phòng vệ của Đài Loan trước sự hiện đại hóa nhanh chóng của Quân Đội Trung Quốc và cho thấy anh là một thanh niên tự hào về bản sắc của hòn đảo. Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, anh đã xuất ngũ hai tháng trước khi Nga xâm lược Ukraina. Mẹ Jonathan thuật tiếp: «Vào tháng 2, nó nói với tôi là muốn sang Ukraina. Tôi thấy thật khó hiểu, tôi nói với nó rằng chiến tranh xảy ra ở bên kia thế giới không liên quan gì tới nó. Nó cho tôi xem những hình ảnh về các cuộc oanh kích của Nga nhắm vào thường dân Ukraina. Sau này tôi mới hiểu rằng nó đang liên tưởng đến những gì có thể xảy ra với Đài Loan.»
Ra đi mà không có sự chấp thuận của gia đình vào tháng 6, Jonathan gia nhập Binh đoàn Quốc tế Ukraina do tổng thống Zelensky thành lập. Sau một vài tuần huấn luyện, anh ấy nói với mẹ rằng muốn ra tiền tuyến «để học cách sử dụng các loại vũ khí vốn bị cấm ở Đài Loan» và để có thể «dạy cách sử dụng chúng cho binh lính Đài Loan khi trở về». Vào đầu tháng 11, Jonathan tử thương vì một quả đạn pháo của Nga. Anh là tình nguyện quân châu Á đầu tiên chết ở Ukraina. «Không lâu trước khi qua đời, nó phấn khởi nói với tôi rằng những người bạn Ukraina đã hứa sẽ đến giúp chúng ta trong trường hợp Trung Quốc tiến hành xâm lược, nhưng nó phải giúp họ trước để ngăn chặn cuộc chiến khốc liệt này», mẹ Jonathan than thở.
Đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc có lợi cho ai?
Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phỏng vấn cựu đại sứ Pháp tại Nga Jean de Gliniasty với nhận định rằng đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc là phản ứng mang tính bước ngoặt đầu tiên của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh Ukraina. Bản thân đề xuất này vốn có lợi cho Nga, vì nó kêu gọi chấm dứt chiến sự (ngầm hiểu là ngừng chiến đấu tại các chiến tuyến hiện tại và Nga sẽ bảo toàn được 1/5 lãnh thổ đã chiếm được từ Ukraina trước khi bắt đầu tổ chức đàm phán), cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tự do xuất khẩu ngũ cốc, hay từ bỏ mọi mối đe dọa hạt nhân, tức là những yếu tố thuận lợi hơn cho Ukraina. Kiev bày tỏ sự hài lòng khi thấy Trung Quốc cố gắng làm trung gian, nhưng có giữ khoảng cách phần nào với quan điểm của Nga.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại
Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất nói về đà phục hồi kinh tế tại Trung Quốc đang rõ hơn bao giờ hết, sau một năm 2022 bị khó khăn bởi chính sách «zero-Covid» khắc nghiệt. Dường như đà phục hồi cũng nhanh hơn dự đoán của các nhà kinh tế học.
Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 01/03, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đang ở mức 52,6 trong tháng 2 so với 50,1 một tháng trước đó. Đây là mức PMI hàng tháng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua khi nhân viên tại các nhà máy sản xuất đã đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, hỗ trợ thêm cho sự phục hồi kinh tế vốn chủ yếu dựa vào ngành thương mại và dịch vụ bán lẻ.
Ông Triệu Thanh Hà, thuộc Cục Thống kê Quốc gia, cho biết: «Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong tháng 2 nhờ hoạt động kinh tế tăng trưởng và nhờ nối lại sản xuất khi tác động của làn sóng Covid đã giảm bớt. Các biện pháp ổn định tăng trưởng trong nước cũng bắt đầu có hiệu lực.»
Sau nhiều tháng khủng hoảng, lĩnh vực bất động sản dường như cũng đang ổn định trở lại. Lần đầu tiên sau 20 tháng, doanh số bán nhà của 100 công ty bất động sản lớn nhất nước đã tăng 14,9% vào tháng 2, báo hiệu nhu cầu đang phục hồi sau quyết định của Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực này, theo dữ liệu sơ bộ từ công ty thông tin bất động sản Trung Quốc
Trung Quốc bất ngờ quay lưng với chính sách «zero-Covid» vào đầu tháng 12, khiến làn sóng dịch bệnh bùng lên dữ dội. Trung Quốc qua được đỉnh dịch nhanh hơn dự kiến vào tháng 1, sự phục hồi kinh tế mà nhiều nhà quan sát kỳ vọng vào cuối quý 1 đã diễn ra sớm hơn. Sau khi GDP của Trung Quốc tăng ở mức 3% vào năm 2022, Bắc Kinh đã cam kết ưu tiên cho tăng trưởng trong năm nay, đặc biệt nhấn mạnh mức cầu trong nước chính là động lực phục hồi.
Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ trình bày chi tiết các mục tiêu kinh tế chính trong năm 2023 vào Chủ nhật tới 05/03, nhân dịp khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên. Giới quan sát dự đoán Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% hoặc 5,5%.
Nghiên cứu: Trung Quốc dẫn trước Mỹ trong cuộc cạnh tranh về công nghệ mới nổi quan trọng
02/03/2023 – Reuters
Trung Quốc ‘dẫn đầu ngoạn mục’ 37 trong số 44 công nghệ quan trọng và mới nổi trong lúc các nền dân chủ phương Tây thua trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về sản lượng nghiên cứu, một tổ chức nghiên cứu an ninh cho biết ngày 2/3 sau khi theo dõi quốc phòng, không gian, năng lượng và công nghệ sinh học.
Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) nói nghiên cứu của họ cho thấy, trong một số lĩnh vực, toàn bộ ‘top 10’ tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới đều có trụ sở tại Trung Quốc.
Nghiên cứu do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ cho thấy Hoa Kỳ thường xếp
hạng hai, mặc dù nước này dẫn đầu nghiên cứu toàn cầu về điện toán hiệu
năng cao, điện toán lượng tử, vệ tinh nhỏ và vắc-xin.
“Các nền dân chủ phương Tây đang thua cuộc cạnh tranh công nghệ toàn
cầu, bao gồm cả cuộc đua về đột phá khoa học và nghiên cứu”, phúc trình
cho biết, thúc giục các chính phủ đầu tư nghiên cứu nhiều hơn.
Trung Quốc đã đạt được một “vị trí dẫn đầu đáng kinh ngạc trong nghiên cứu có tác động cao” dưới các chương trình của chính phủ.
Phúc trình kêu gọi các quốc gia dân chủ hợp tác thường xuyên hơn để tạo ra chuỗi cung ứng an toàn và “nhanh chóng theo đuổi bước phát triển công nghệ quan trọng chiến lược”.
ASPI đã theo dõi các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất, mà Viện cho là có nhiều khả năng dẫn đến bằng sáng chế nhất. Phúc trình cho biết, bước đột phá bất ngờ của Trung Quốc về phi đạn siêu thanh vào năm 2021 lẽ ra đã được xác định sớm hơn nếu nghiên cứu mạnh mẽ của Trung Quốc bị phát hiện.
“Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đưa ra 48,49% tài liệu nghiên cứu có tác động lớn trên thế giới về động cơ máy bay tiên tiến, bao gồm cả động cơ siêu thanh, và nước này có 7 trong số 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới,” phúc trình cho biết.
Trong các lĩnh vực cảm biến quang tử và truyền thông lượng tử, sức mạnh nghiên cứu của Trung Quốc có thể khiến nước này “chìm vào bí mật” trước sự giám sát của tình báo phương Tây, bao gồm cả “Ngũ Nhãn” của Anh, Mỹ, Australia, Canada và New Zealand, phúc trình nói.
Dòng chảy nhân tài quốc gia gồm các nhà nghiên cứu cũng được theo dõi và nguy cơ độc quyền cũng được xác định.
Trung Quốc có khả năng nổi lên với vị thế độc quyền trong 10 lĩnh vực bao gồm sinh học tổng hợp, nơi nước này sản xuất 1/3 tổng số nghiên cứu, cũng như pin điện, 5G và sản xuất nano.
Hàn lâm viện Khoa học Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ, xếp thứ nhất hoặc thứ hai trong hầu hết 44 công nghệ được theo dõi, bao gồm quốc phòng, không gian, người máy, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu tiên tiến và công nghệ lượng tử.
Trung Quốc đang củng cố nghiên cứu của mình bằng kiến thức thu được ở nước ngoài và dữ liệu cho thấy 1/5 các nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc được đào tạo tại một quốc gia thuộc Ngũ Nhãn.
Nghiên cứu khuyến nghị các chương trình sàng lọc visa để hạn chế chuyển giao công nghệ bất hợp pháp và thay vào đó ủng hộ sự hợp tác quốc tế với các đồng minh an ninh.
Các trường đại học của Úc cho biết họ tuân thủ luật ảnh hưởng của nước ngoài được thiết kế để ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ bất hợp pháp sang Trung Quốc, nhưng cũng lưu ý rằng hợp tác quốc tế là một phần không thể thiếu trong nghiên cứu đại học.
Sang trang quan hệ với châu Phi: Thách thức nan giải với Pháp
01/03/2023 – Trọng Thành – Hạn hán trầm trọng tại Pháp, nước Pháp đón tiếp lâu dài hơn 100 nghìn người tị nạn Ukraina, Paris khởi động cuộc đua xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới là các chủ đề thời sự trong nước nổi bật của các báo Pháp số ra đầu tháng 3/2023. Về thời sự châu Âu, Liên Âu và Anh Quốc sưởi ấm lại quan hệ sau giai đoạn ly dị Brexit là chủ đề hàng đầu.
Paris muốn sang trang quan hệ với châu Phi, Pháp đồng chủ trì thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về bảo vệ rừng nhiệt đới tại Gabon, là chủ đề chính của nhiều báo. Nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tít trang nhất ‘‘Macron muốn dàn hòa nước Pháp với châu Phi’’.Tổng thống Emmanuel Macron có chuyến công du 4 ngày tại 4 quốc gia Trung Phi, bao gồm Gabon, Angola, Cộng Hòa Congo và Cộng Hòa Dân Chủ Congo.
Le Figaro cho biết ngay trên trang nhất : ‘‘hình ảnh và và ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi không ngừng suy yếu. Vị thế truyền thống của Pháp bị đẩy lùi do sức mạnh gia tăng của Trung Quốc và Nga, cũng như cạnh tranh của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ’’. Tại châu Phi, ‘‘tâm lý chống Pháp gia tăng’’ do các đối thủ cạnh tranh, và đặc biệt là Nga.
Theo Le Figaro, chuyến đi của tổng thống Pháp có mục tiêu ‘‘xác định lại khuôn khổ cho quan hệ’’ giữa hai bên, với kỳ vọng để nước Pháp tiếp tục là một ‘‘đối tác hàng đầu’’ của châu Phi. Tuy nhiên, việc xác lập được một ‘‘khuôn khổ’’ mới là điều rất nan giải.
Những điều khó nói trong quan hệ Pháp – châu Phi
Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý vạch ra những điều ít được nói ra trong quan hệ Pháp – châu Phi. Bài ‘‘Ưu tiên không được nói ra của điện Elysée: chống lại tâm lý bài Pháp và sức mạnh gia tăng của công ty Nga Wagner’’ nhấn mạnh trước hết đến phát biểu của tổng thống Pháp tại Paris trước vòng công du châu Phi. Phát biểu cho thấy ông Macron thừa nhận là tiến trình cải thiện quan hệ đã ‘‘không được như mong muốn’’, sau tuyên bố đầu tiên của ông hướng đến sang trang quan hệ Pháp – châu Phi, đã sáu năm về trước.
Theo Le Figaro, những đề xuất của tổng thống Macron trong việc ‘‘tổ chức lại’’ các căn cứ quân sự Pháp tại châu Phi, biến thành học viện hay các căn cứ đồng quản lý với quân đội của quốc gia sở tại, không có gì thật là mới mẻ, và có nguy cơ được nhìn nhận như một ‘‘biện pháp nửa vời’’. Tương tự như cuộc cải cách đồng franc châu Phi (Franc CFA), được tuyên bố rầm rộ vào năm 2018, cũng đang gây thất vọng.
Đối với nhật báo thiên hữu, việc tổng thống Macron chọn khởi đầu chuyến công du, với hai quốc gia Gabon và Cộng Hòa Congo khó có thể cho thấy ‘‘một chính sách mới’’ từ Paris. Gabon và CH Congo là nơi giới lãnh đạo hiện được bầu lên qua các cuộc bỏ phiếu ‘‘với rất nhiều bất thường’’, và được coi là những người tiếp tục đường lối lệ thuộc vào nước Pháp (‘‘Francafrique’’) (theo điều tra năm 2021 của Economist Intelligence Unit, thuộc tập đoàn truyền thông The Economist, Gabon thuộc nhóm nước độc tài, xếp hạng thứ 28 ở châu Phi về ”chỉ số dân chủ” (Democracy Index), tuy nhiên riêng trong khu vực tiểu vùng Trung Phi, Gabon lại đứng hàng đầu về “chỉ số dân chủ”).
Trước hết để ngăn ảnh hưởng Nga
Mục tiêu trước hết của tổng thống Pháp trong chuyến đi này là ‘‘ngăn chặn’’ ảnh hưởng của Nga, theo nhận định của nhà nghiên cứu Roland Marchal, Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Chuyên gia về châu Phi, ông Thierry Vircoulon, Viện Pháp về Quan hệ Quốc tế IFRI, ghi nhận tổng thống Macron đã trở lại với chính sách truyền thống, sau khi đã từng hứa thiết lập một chính sách mới.
Le Monde cũng cùng ghi nhận về các thách thức với tổng thống Pháp trong lần công du châu Phi thứ 18 của ông. Cũng như Le Figaro, Le Monde nhấn mạnh đến tính chất độc tài của hai chính quyền Gabon và Cộng Hòa Congo, hai điểm đến đầu tiên của tổng thống Pháp. Kết thúc bài viết về hồ sơ này, Le Monde dẫn lại phát biểu của chính tổng thống Pháp, thừa nhận nỗ lực sang trang quan hệ với châu Phi chỉ mới được ‘‘nửa đường’’ và ‘‘những đường nét của tương lai chung (Pháp – châu Phi) vẫn còn chưa thuyết phục’’.
‘‘Lá phổi rừng Congo’’, phao cứu nạn của thế giới
Tuy nhiên, chuyến công du của tổng thống Macron không chỉ có mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, và xây dựng lại hình ảnh nước Pháp. Khí hậu, môi trường là hồ sơ cấp bách hàng đầu khác. Ngày mai, 02/03, tại Gabon, ông Macron sẽ đồng chủ trì thượng đỉnh One Forest Summit (diễn ra trong hai ngày), có mục tiêu bảo vệ vùng đại ngàn Congo.
Rừng Congo được coi là một trong ba lá phổi của hành tinh, cùng với rừng Amazon (Nam Mỹ) và rừng châu Á (chủ yếu tại Indonesia). Rừng Congo có diện tích gần 3 triệu km², trải rộng trên lãnh thổ của 6 quốc gia châu Phi. Gọi là ba lá phổi của hành tinh, nhưng thực ra mỗi lá phổi hoạt động một cách khác nhau.
Theo tổ chức tư vấn Mỹ WRI, ‘‘lá phổi rừng Congo’’ hoạt động tốt nhất, hấp thu được tổng cộng 610 triệu tấn CO2 toàn cầu hàng năm, nhiều hơn rừng Amazon (110 triệu tấn). Trong khi đó rừng châu Á thay vì hấp thu khí thải, lại phát thải đến hàng trăm triệu tấn CO2. Rừng Congo châu Phi giờ đang trở thành phao cứu nạn của thế giới (nhìn chung, rừng đóng góp tới 20% cho việc chống biến đổi khí hậu).
Hội nghị về rừng ở Gabon: Pháp thúc đẩy cơ chế đầu tư cho rừng đổi quyền phát thải
Nhân dịp này, Le Figaro có bài phỏng vấn bộ trưởng Môi Trường Gabon Lee White, với tựa đề ‘‘Chống nạn phá rừng là phương cách ít tốn kém nhất để chống lại biến đổi khí hậu’’. Bộ trưởng Môi Trường Gabon ca ngợi vai trò đặc biệt của Gabon, đất nước với khoảng 88% diện tích là rừng. Bộ trưởng Môi Trường Gabon nói rõ là chỉ riêng rừng ở Gabon hấp thu được lượng khí thải ‘‘tương đương một phần ba tổng lượng khí thải của nước Pháp’’.
Trong một bài viết khác, Le Figaro cũng nhấn mạnh là, cho đến nay, Gabon đòi hỏi việc bồi hoàn công bằng về đóng góp của rừng cho khí hậu, và bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng chưa thành công. Trước thềm thượng đỉnh, chính quyền Pháp đang nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư lớn mua tín chỉ phát thải của nhà nước Gabon, với giá 30 đôla/ tấn CO2 theo cơ chế đánh đổi lượng khí phát thải với đầu tư tài chính cho rừng.
Cần đầu tư mạnh trực tiếp cho rừng thay vì cơ chế ‘‘đánh đổi quyền phát thải’’
Ngược hẳn lại với quan điểm của chính quyền Gabon và chính quyền Pháp, Le Figaro nêu bật thái độ bất bình cao độ của giới bảo vệ môi trường, khi dẫn lời ông Klervi Le Guenic, tổ chức phi chính phủ Canopée, khẳng định không nên chờ đợi gì ở Thượng đỉnh này, và cơ chế đền bù khí thải là một giải pháp sai lầm.
Bởi thay vì nỗ lực đầu tư khẩn cấp ngăn chặn nạn phá rừng, người ta đã để kéo dài lê thê việc thiết lập cơ chế đền bù như trên. Chuyên gia Sébastien Treyer (Viện Iddri Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế) không đề cao cơ chế đầu tư cho rừng đổi quyền phát thải, mà nhấn mạnh đến mệnh lệnh đầu tư mạnh hơn gấp bội trực tiếp cho rừng, để cứu vãn tương lai nhân loại. Chuyên gia Sébastien Treyer cũng đề cao việc gắn liền việc liên kết giữa tài trợ bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ rừng để hấp thu khí thải, mới xuất hiện trong những tháng gần đây, kể từ hội nghị về đa dạng sinh học COP15 tại Montreal, với thỏa thuận lịch sử, bảo vệ 30% diện tích trên đất liền và đại dương toàn cầu, để bảo vệ đa dạng sinh học.
Nạn dò rỉ dầu khí: Gabon không hề là mẫu mực về môi trường
Về chủ đề thượng đỉnh bảo vệ rừng nhiệt đới tổ chức tại Gabon, nhật báo Libération có bài nêu bật quan điểm của các nhà hoạt động địa phương. Trái ngược với tuyên bố đầy lạc quan của tổng thống Gabon, về triển vọng rừng Gabon trở thành một ‘‘mô hình phát triển sinh thái mới’’, nhiều nhà hoạt động môi trường tố cáo Gabon cũng là quốc gia phát thải lớn. Lãnh đạo đất nước Gabon là gia tộc Bongo, cầm quyền liên tục từ năm 1967, làm giàu nhờ dầu khí. 80% thu nhập của Gabon là từ dầu khí, chiếm 45% GDP. Nạn dò rỉ các đường ống dầu khí và đặc biệt là việc đốt khí trong quá trình khai thác. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2021, Gabon đã đốt cháy gần 1,4 tỷ mét khối khí đốt. Hơn 17 triệu hecta rừng Gabon đã bị khai thác quá mức.
Tóm lại, theo Libération, Gabon không hề là một quốc gia mẫu mực trong lĩnh vực môi trường, như việc lãnh đạo nước này thường được nhiệt liệt ca ngợi như người hùng tại các hội nghị khí hậu quốc tế. Nhật báo thiên tả cũng tỏ ra hoài nghi về việc các chỉ trích, phê phán bởi giới chuyên gia quốc tế, các nhà hoạt động sẽ được đề cập trong hai ngày hội nghị về rừng nhiệt đới ở Gabon.
Hạn hán Pháp: Các địa phương cần ‘‘không run tay’’ khi siết sử dụng nước
Khí thải tiếp tục gia tăng khiến nhiệt độ Trái đất tiếp tục gia tăng, tình trạng hạn hán ở nhiều nơi trở thành phổ biến và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Chủ đề của Libération hôm nay là hạn hán, hạn hán ngay trong mùa đông. ‘‘Siết chặt việc sử dụng nước: Mùa đông nước cạn’’ là tít lớn trang nhất của Libération. Tình hình hiện tại buộc chính phủ Pháp phải ‘‘chuẩn bị công luận làm quen với việc giảm mạnh dùng nước, để giảm bớt mức độ thiếu nước trong mùa hè sắp tới’’.
Xã luận Libération với tựa đề ‘‘Nguồn lực’’ nhấn mạnh đến tình hình chưa từng có, với dự báo là mùa hè 2023 này sẽ có đáng sợ hơn nhiều so với mùa hè năm ngoái, đã phá kỷ lục về hạn hán, cùng với các đợt nóng liên tục, và các trận cháy rừng lớn. Tình hình không hể khả quan, bởi, trong 6 tháng vừa qua, lượng nước mưa sụt giảm 15% so với thường lệ.
Hạn hán: Cần chủ động thay đổi lối sống, lối tiêu thụ, cách sản xuất
Libération chú ý đến phát biểu của bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái, khi yêu cầu lãnh đạo các địa phương ‘‘đừng run tay’’ khi đưa ra các quyết định siết chặt về nước. Nhật báo thiên tả bình luận, chỉ thị ‘‘đừng run tay’’ nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Thách thức lớn với các lãnh đạo địa phương là phải có được các quyết định ‘‘công bằng’’ giữa các bên, giữa người dân với các ngành công nghiệp, và đặc biệt là ngành nông nghiệp. Libération chỉ thẳng thách thức với nhiều lãnh đạo địa phương, sẽ ‘‘khó mà không run tay’’ khi đối diện với áp lực của các nhóm lobby của liên đoàn nông nghiệp hùng mạnh FNSEA.
Libération cũng nêu bật một thách thức lớn liên quan, đó là thay vì bị động chờ đối phó trong tình trạng khẩn cấp với hạn hán, cháy rừng, buộc phải đưa ra các quyết định ngày càng khó khăn hơn trong việc siết chặt dùng nước, cần phải thích nghi lối sống, lối tiêu thụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp với ‘‘cuộc chiến về nước’’, giờ không còn là một viễn cảnh xa xôi, mà là thực tế nhãn tiền.
Pháp cần nỗ lực đón tiếp dân tị nạn Ukraina lâu dài
Thách thức đáp ứng được sứ mạng bảo đảm tiếp đón hơn trăm nghìn người tị nạn Ukraina là chủ đề xã luận La Croix. Bài ‘‘Cần một nỗ lực kéo dài’’ cho biết nước Pháp hiện đón hơn 115 nghìn người, đa số là trẻ em và phụ nữ. Pháp đã chi hơn 600 triệu euro trong năm ngoái cho người tị nạn. La Croix cảnh báo Pháp cần gia tăng chuẩn bị để hỗ trợ thêm nhiều vợ con binh sĩ Ukraina, đang chiến đấu chống xâm lược Nga.
Chính phủ Anh muốn vượt qua ‘‘giai đoạn Brexit chua cay’’
Anh Quốc và Liên Âu siết lại quan hệ sau giai đoạn Brexit căng thẳng là chủ đề chính trang nhất Le Monde. Le Monde đăng hình ảnh thủ tướng Anh Rishi Sunak và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen siết tay nhau tại lâu đài Windsor, Anh Quốc, hôm 27/02. Cuộc hội kiến diễn ra với việc Liên Âu và Anh Quốc đạt thỏa thuận về vùng Bắc Ireland, thuộc Anh, chủ đề đầu độc quan hệ song phương từ ba năm nay, sau cuộc ly dị khó khăn giữa Luân Đôn và Bruxelles.
Xã luận Le Monde với tựa đề ‘‘Thoát ra khỏi cảm giác chua cay Brexit’’, cho biết thủ tướng Anh Sunak đã có một nỗ lực khác thường khi thoát ra khỏi các hành xử lâu nay của đa số các thủ tướng Anh, khi thường nhấn mạnh nhiều đến thái độ nghi ngại với Liên Âu để làm vừa lòng cử tri. Việc thủ tướng Sunak tổ chức long trọng việc ký kết thỏa thuận về vùng Bắc Ireland cho thấy chính phủ Anh quyết định sang trang với giai đoạn Brexit đầy cay đắng.
Trên thực tế, chính phủ Anh cũng khó làm khác bởi giờ đây gió đang xoay chiều, dân Anh giờ đây đa số đã nuối tiếc về quyết định rời khỏi Liên Âu. Tuy nhiên, theo Le Monde, thách thức với thủ tướng Sunak lại chính là các đối thủ trong nội bộ. Cụ thể là khi đoạt tuyệt với giáo điều chống phương Tây của đảng bảo thủ cầm quyền, đã làm suy yếu nước Anh, đương kim thủ tướng sẽ còn phải ”thuyết phục được” phe cực đoan Bắc Ireland, và các phần tử cứng rắn trong đảng, và nhất là cựu thủ tướng Boris Johnson, hiện đang ”phục kích chờ thời”.
Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ vạch chiến lược chiến tranh với Trung Quốc
02/03/2023 – VOA News
Quan chức chịu trách nhiệm trực tiếp về Lục quân Hoa Kỳ đưa ra chi tiết đáng ngạc nhiên trong tuần này về một chiến lược nhiều gọng kìm để ngăn chặn, và nếu cần, chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai với Trung Quốc.
“Cá nhân tôi không cho rằng một cuộc đổ bộ vào Đài Loan sắp xảy ra,” Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Christine Wormuth phát biểu trước cử tọa tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) hôm 27/2. “Nhưng rõ ràng là chúng ta phải chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong cuộc chiến đó.”
Các yếu tố của kế hoạch bao gồm triển khai thêm binh sĩ ở châu Á và trang bị cho họ các thiết bị được nâng cấp, bao gồm cả tàu đổ bộ và vũ khí siêu thanh, phần lớn trong số đó sẽ được bố trí sẵn trong khu vực.
“Mục tiêu của chúng tôi là tránh xảy ra chiến tranh trên bộ ở châu Á,” bà Wormuth nói. “Tôi nghĩ cách tốt nhất để tránh gây ra cuộc chiến đó là cho Trung Quốc và các nước trong khu vực thấy rằng chúng ta thực sự có thể thắng cuộc chiến đó.”
Các thành phần chính của ‘chiến dịch’
Bà Wormuth đã đưa ra ba thành phần chính của cái mà bà gọi là “chiến dịch” của Lục quân Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn một cuộc chiến như vậy, bắt đầu bằng việc xây dựng liên minh với các đồng minh và đối tác nước ngoài để “làm phức tạp” quá trình ra quyết định của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Bà nói, thứ hai là, Lục quân đang xem xét việc xây dựng “các trung tâm phân phối” trong khu vực để dự trữ vật tư và nhiên liệu, “có khả năng bắt đầu từ Úc”. Bà Wormuth cũng nêu tên Nhật Bản là một địa điểm tiềm năng và bà gợi ý rằng các thiết bị phi sát thương có thể được tồn trữ ở Philippines và Singapore.
Yếu tố thứ ba của chiến dịch răn đe là bố trí các lực lượng có thể nhìn thấy được, đáng tin cậy trong chiến đấu, các lực lượng trong khu vực, bà Wormuth nói. “Mục tiêu của chúng tôi là triển khai các lực lượng Lục quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ 7 đến 8 tháng trong năm.”
Nếu việc răn đe thất bại, bà Wormuth nói với cử tọa tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ AEI, Lục quân Hoa Kỳ, mà bà gọi là “lực lượng chốt,” có năm nhiệm vụ cốt lõi.
Trước hết, “công việc của chúng tôi là thiết lập, sau đó xây dựng, kế đó là giữ an toàn và bảo vệ, bố trí các căn cứ cho Hải quân, Thủy quân lục chiến, Không quân, và đó là lý do tại sao chúng tôi đang thực sự xây dựng hệ thống phòng không hội nhập và khả năng phòng thủ phi đạn, chẳng hạn, để có thể bảo vệ những loại căn cứ đóng quân sẽ là then chốt,” bà nói.
Nhiệm vụ cốt lõi thứ hai là duy trì lực lượng chung, “và đó là lúc các trung tâm phân phối phát huy tác dụng. Chúng tôi mang đến cơ hội cung cấp thông tin liên lạc an toàn cho lực lượng rộng lớn hơn, để một lần nữa cung cấp khả năng duy trì bên trong, thiết lập kho dự trữ đạn dược, thiết lập các điểm tiếp nhiên liệu trên không, bảo vệ chúng.”
Bà nói, tất cả những điều trên sẽ cực kỳ quan trọng, “dựa trên những khoảng cách rộng lớn mà chúng ta đang thấy.”
Bà Wormuth cho biết Lục quân cũng đang mở rộng đội tàu mặt nước của mình, lưu ý rằng một công ty tàu mặt nước sẽ được thành lập tại Nhật Bản. Một đơn vị quân đội cỡ đại đội có thể có từ vài chục đến 200 binh sĩ.
Lục quân hiện báo cáo có một hạm đội gồm 132 chiếc tàu mặt nước như vậy, phù hợp để vận chuyển binh lính và thiết bị từ các tàu nước sâu đến các bãi biển và bờ biển, cũng như tiến hành các hoạt động kéo và cứu hộ.
Bà Wormuth cho biết nhiệm vụ quan trọng thứ tư của Lục quân, đang được tiến hành, là cập nhật kho vũ khí và phát triển các khả năng khác mà theo truyền thống thường không liên quan đến lực lượng trên bộ.
Bà nói: “Chúng tôi thực sự đã có dàn vũ khí siêu thanh tầm xa đầu tiên của mình,” đồng thời cho biết thêm bà hy vọng đơn vị này sẽ được đưa vào sử dụng vào mùa thu và trở thành một phần của “lực lượng đặc nhiệm đa lĩnh vực đầu tiên của Lục quân.”
“Và điều cuối cùng chúng tôi làm, tất nhiên, là cung cấp các lực lượng phản công nếu cần,” bà nói. “Có rất nhiều cuộc thảo luận về cách thức hoạt động trong các tình huống khác nhau.”
Bà Wormuth đã chỉ ra một vai trò quan trọng khác của Lục quân nếu xung đột nổ ra với Trung Quốc – đó là bảo vệ quê hương Hoa Kỳ.
Bà nói: “Nếu chúng ta tham gia vào một cuộc chiến tranh lớn với Trung
Quốc, quê hương Hoa Kỳ cũng sẽ gặp rủi ro, với cả các cuộc tấn công sát
thương và các cuộc tấn công không sát thương.”
“Cho dù đó là các cuộc tấn công mạng vào lưới điện hay đường ống, tôi
chắc chắn, Lục quân Hoa Kỳ sẽ được kêu gọi để cung cấp hỗ trợ phòng thủ
cho các cơ quan dân sự.”
Bà Wormuth cho biết, chức năng quan trọng này của Lục quân thường được “đặt thứ yếu”, đó là một suy nghĩ hạng nhì, đó là một sai lầm, bà nói.
Bà nói: “Quân đội Trung Quốc “sẽ theo dõi ý muốn của công chúng Hoa Kỳ, họ sẽ cố gắng làm xói mòn sự ủng hộ cho một cuộc xung đột”. “Tôi nghĩ Lục quân sẽ đóng một vai trò ở đây tại quê nhà.”
Khi được VOA hỏi liệu bà có tin rằng người Mỹ sẵn sàng chịu đựng mức thương vong có thể xảy ra trong một cuộc chiến với Trung Quốc hay không, bà cho biết bà tin rằng họ sẵn sàng chiến đấu cho quê hương và lý tưởng của mình trong trường hợp và khi điều đó trở nên cần thiết, “giống như chúng ta đã làm trong Thế chiến Thứ hai.”
Cuối cùng, bà nói, “sức mạnh trên bộ là sức mạnh duy trì, đó là những gì chúng tôi hướng tới.”
(Reuters) – Hoa Kỳ phối hợp với đồng minh áp đặt trừng phạt mới với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga. Hôm qua, 01/03/2023, bốn quan chức Hoa Kỳ và các nguồn tin gần gũi với hồ sơ này cho biết như trên. Các cuộc tham vấn, vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ, nhằm thu hút sự hỗ trợ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước trong nhóm G7. Các nguồn tin cho biết thảo luận ban đầu của Washington về các biện pháp trừng phạt vẫn chưa dẫn đến đồng thuận rộng rãi về bất kỳ biện pháp cụ thể nào. Vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga-Ukraina dự kiến sẽ là một chủ đề trong cuộc hội kiến giữa tổng thống Mỹ Biden và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng vào ngày mai, 03/02.
(ISW) –Belarus và Trung Quốc ký 16 thỏa thuận hợp tác. Theo
hãng thông tấn chính thức của Belarus, trong số các tài liệu ký kết hôm
qua, 01/03/2023, nhân chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Loukachenko,
có chiến lược phát triển công nghiệp chung Belarus-Trung Quốc, hợp tác
khoa học và kỹ thuật Belarus-Trung Quốc giai đoạn 2023-2024 và biên bản
ghi nhớ về các dự án chung sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc.
Belarus dự kiến tăng cường hợp tác với Trung Quốc về phát triển công
nghệ, bao gồm thành lập liên doanh, hiện đại hóa các doanh nghiệp
Belarus bằng công nghệ Trung Quốc. ISW từng cảnh báo các thỏa thuận hợp
tác có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh chuyển viện trợ đến Nga qua ngõ
Belarus.
(Reuters) – Nga đã trực tiếp thiết lập và cấp
kinh phí cho mạng lưới gồm ít nhất 20 phòng tra tấn tại vùng Kherson,
miền nam Ukraina. Thông cáo của nhóm nhà điều tra Mỹ, Liên Âu
và Anh Quốc hợp tác với các chưởng lý Ukraina chuyên trách về tội ác
chiến tranh ở Ukraina nói chung và Kherson nói riêng cho biết như trên
ngày 02/03/2023. Hồi tháng 01/2023, nhà chức trách Ukraina cho biết có
ít nhất 200 người bị tra tấn ở 10 địa điểm trong vùng Kherson. Những nạn
nhân còn sống sót đã kể với Reuters là họ bị quân Nga tra tấn bằng sốc
điện và gây ngạt thở.
(AFP) – Hải Quân Anh tịch thu vũ khí của Iran trong vùng vịnh Oman. Đại
sứ Anh tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hôm nay 02/03/2023
thông báo, với sự trợ giúp của các lực lượng Mỹ, Hải Quân Anh đã chặn
giữ tại vùng vịnh Oman một tàu chở vũ khí do Iran sản xuất. Các loại vũ
khí bị tịch thu gồm có tên lửa chống tăng Dehlavieh, các linh kiện tên
lửa đạn đạo tầm trung. Tàu chở vũ khí Iran bị bắt giữ trên tuyến đường
biển vốn từ trước tới nay thường được Iran sử dụng để chuyển vũ khí bất
hợp pháp sang Yemen.
(AFP) – Lượng khí CO2 thế giới thải ra trong lĩnh vực năng lượng tăng 0,9% trong năm 2022. Cơ
quan Năng lượng Quốc tế hôm nay, 02/03/2023, thông báo đây là mức tăng
kỷ lục, cho dù thấp hơn dự báo. Sự phát triển nhảy vọt của các loại năng
lượng xanh đã phần nào bù đắp được hậu quả của việc gia tăng sử dụng
dầu lửa và than đá. Lượng khí thải trong lĩnh vực năng lượng, vốn chiếm
hơn ¾ tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, vẫn trên đà
gia tăng, khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm nghiêm trọng.
(AFP) – Một tàu Philippines chở 800.000 lít dầu cặn bị chìm, làm tràn dầu ra vùng biển của nước này. Nhà chức trách Philippines hôm nay 02/03/2023 cho biết đang khẩn trương xác định vị trí tàu đắm từ hôm thứ Ba và hạn chế dầu loang. Thông báo của lực lượng hải cảnh Philippines làm dấy lên mối lo ngại là dầu loang gây tác hại đến đời sống sinh vật biển và san hô trong vùng.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230302-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(Reuters/NHK) – 19 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 01/03/2023, trong vòng 24 tiếng, 19
máy bay J-10 của Trung Quốc bay ở góc tây nam của vùng ADIZ, nhưng không
vượt qua đường trung tuyến và buộc chiến đấu cơ của Đài Loan lên giám
sát tình hình. Trước đó, Hạm đội 7 Hoa Kỳ cho biết một máy bay tuần tra
Poseidon P-8A của Mỹ đã bay qua eo biển Đài Loan, trong không phận quốc
tế, hôm 27/02. Chiến khu Đông Bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
lên án « những hành động từ phía Mỹ là cố ý can thiệp, gây rối tình
hình khu vực. Hoa Kỳ gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở eo biển
Đài Loan ».
(Reuters) – Tư pháp Nga phạt trang Wikipedia 27.000 đô la. Theo
cáo buộc của tòa án Nga ngày 28/02/2023, tổ chức Wikimedia, sở hữu
trang bách khoa toàn thư điện tử Wikipedia, bị phạt vì đã không xóa « thông tin sai lệch »
về quân đội Nga trên trang Wikipedia. Năm 2022, trang Wikipedia cũng bị
phạt vì không xóa hai bài viết liên quan đến chiến tranh, trong đó có
một bài về « đánh giá cuộc xâm chiếm của Nga tại Ukraina năm 2022 ».
Chỉ ít tháng sau khi Matxcơva đem quân xâm lược Ukraina, Nga đã áp dụng
nhiều đạo luật hà khắc và phạt nặng những người tuyên truyền thông tin
trái với thông tin chính thức của điện Kremlin.
(AFP) – Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thăm Irak.
Ông Antonio Guterres đến Bagdad ngày 01/03/2023, đúng dịp tròn 20 chế
độ Saddam Hussein sụp đổ. Trong chuyến công du đầu tiên kể từ 6 năm qua,
tổng thư ký Liên Hiệp Quốc gặp các nhà lãnh đạo và bày tỏ « đoàn kết » của Liên Hiệp Quốc với người dân và « các thể chế dân chủ » ở Irak.
(AFP) – Cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Pháp sẽ kiện bộ trưởng Thể Thao. Ngày
28/02/2023, ông Noël Le Graët chính thức thông báo từ chức sau 11 năm
giữ chức chủ tịch FFF vì những tai tiếng và cáo buộc quấy rối đạo đức và
tình dục. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ kiện bộ trưởng Thể Thao Pháp
Amélie Oudéa-Castéra vì tội phỉ báng, cáo buộc bà bộ trưởng đã « nói dối »
về nội dung bản báo cáo thanh tra của Tổng cục thành tra giáo dục, thể
thao và nghiên cứu (IGESR). Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Noël Le Graët
dường như lại thăng hoa vì ông trở thành đại diện của chủ tịch FIFA
Gianni Infantino và điều hành văn phòng của FIFA tại Paris.
(AFP) – Theo FBI, Covid-19 « rất có thể » bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ Fox News, giám đốc FBI Christopher
Wray hôm 28/02/2023 cho biết một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán,
Trung Quốc « rất có thể » là nguyên nhân khiến cho đại dịch
Covid-19 bùng nổ. Tuyên bố này của ông Wray được đưa ra 2 ngày sau khi
bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đưa ra giả thuyết tương tự.
(AFP) – Cúm gia cầm ở Cam Bốt không lây giữa người với người.
Cơ quan y tế Cam Bốt hôm 28/02/2023 đã loại bỏ giả thuyết về sự lây
truyền của cúm gia cầm giữa người với người đối với trường hợp một người
đàn ông xét nghiệm dương tính với virus sau cái chết của cô con gái bị
nhiễm bệnh. Cơ quan này cho biết, cả 2 bố con đều bị nhiễm virus trực
tiếp khi tiếp xúc với chim. Người đàn ông tuy bị nhiễm virus, nhưng
không có triệu chứng và đã xuất viện.
(Reuters) – Tai nạn tàu hỏa thảm khốc ở Hy Lạp.
Ít nhất có 36 người thiệt mạng và 85 người bị thương ở Hy Lạp trong một
vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra vào tối 28/02/2023 giữa một đoàn tàu chở hàng
và một đoàn tàu chở khách đi giữa Athens và Thessaloniki. Đây là vụ tai
nạn tàu hỏa thảm khốc nhất Hy Lạp trong nhiều thập kỷ qua.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230301-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p