Tin Thể Thao «Euro 2016» – 23/06/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thể Thao «Euro 2016» – 23/06/2016

Tuyển Anh- Sư tử không răng?

Alan Shearer – Viết cho BBC từ Pháp

Huấn luyện viên Roy Hodgson tuyên bố đội Anh sẽ không ngại bất cứ đội nào trong vòng knock-out, nhưng tôi cũng thấy không một đội nào ngại gặp chúng ta.

Tôi không muốn bi quan nhưng chúng ta đã có ba trận tại Euro 2016, trong đó chúng ta bị Nga, đội kém nhất giải, thủ hòa, thắng Wales với bàn thắng muộn và không thể chọc thủng lưới Slovakia.

Tôi vẫn bảo lưu ý kiến đã nói trên BBC One, sau trận Anh-Slovakia vào hôm thứ Hai 20/06 – đó là tôi tin rằng Roy Hodgson không thể chọn được đội hình chính 11 cầu thủ tốt nhất, không đưa ra được sơ đồ chiến thuật hợp lý và hiệu quả nhất, và đó là những lý do tại sao tuyển Anh không đạt kết quả tốt.

Đứng thứ hai tại vòng bảng không có gì đáng nói, vì chúng ta vẫn có thể gặp đội dễ chịu, tùy thuộc vào đối thủ nào sẽ về nhì ở bảng F, trong số các đội Bồ Đào Nha, Áo,Iceland và Hungary.

Nhưng, dù là đội nào đi nữa, chúng ta vẫn cần phải cải thiện. Ông Roy nói chúng ta đã sẵn sàng làm đối thủ lo sợ, và tôi mong là vậy, nhưng chúng ta cần nhất là phải hiệu quả trước cầu môn và phải ghi bàn, nếu không điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.

Chúng ta ở cùng nhánh với các đội như Đức, Tây Ban Nha, Ý và chủ nhà Pháp, là những đội có thể là đối thủ của chúng ta nếu đội Anh vào đến vòng tứ kết, nhưng tôi thật sự chưa nghĩ đến lúc ấy.

Tôi nghĩ cơ hội chia đều cho tất cả cho các đội trong giải đấu năm nay , là một điều có ý nghĩa tích cực cho tuyển Anh, nhưng hiện tại, chúng ta nên tập trung làm cách nào để vượt qua vòng 1/16.

Sơ đồ 4-3-3 không hiệu quả

Daniel Sturridge được bố trí đá cánh phải trong hàng công ba người nhưng anh ta không thật sự muốn thi đấu ở vị trí này. Anh ta muốn được chơi ở giữa như là một trung phong.

Sterling đã có nhiều cơ hội nhưng không tận dụng được. Hiện tại, dường như chúng ta còn chưa có được sự ăn ý và vẫn còn nhiều lúng túng.

Chúng ta cần thêm sự tinh quái và ý tưởng trong khu vực trước cầu môn để có thêm cơ hội đứt điểm. Giống như Kyle Walker trong hai trận đầu, trong trận gặp Slovakia, Nathaniel Clyne thường xuyên dâng cao bên hành lang cánh nhưng bị đối phương ép phải bó vào trong, nơi không có nhiều khoảng trống và cuối cùng, chúng ta rơi vào thế bế tắc.

Hàng tiền vệ kim cương và hai tiền đạo phía trên

Trong trận đấu tiếp theo của chúng ta tại Nice vào hôm thứ Hai, 27/06, tôi thích tuyển Anh thi đấu với sơ đồ 4-2-3-1 hoặc với hàng tiền vệ kim cương, là những sơ đồ thích hợp hơn với những cầu thủ chúng ta đang có.

Nếu được chọn, sơ đồ kim cương của tôi sẽ có Eric Dier đá trụ, Dele Alli và Adam Lallana bên trái và phải, Rooney đá ngay sau lưng tiền đạo ở đỉnh, còn hai cầu thủ trên cùng sẽ chọn ra trong số Sturridge, Jamie Vardy và Hary Kane.

Tôi nêu ý kiến để Vardy và Sturridge ra quân trong trận gặp Slovakia, và thực tế đã diễn ra, nhưng tiếc là Sturridge được xếp đá bên phải-và cả hai đã không thể phát huy tác dụng. Dù ai thi đấu ở trên, cả hai nên đá ở vị trí trung tâm.

Có một điều khôi hài là, như bao nhiêu người khác khi giải đấu chưa bắt đầu, tôi luôn lo lắng về hàng phòng ngự của chúng ta, nhưng thật ra hàng công mới làm chúng ta lo ngại vào lúc này.

Và đây không phải là một điều ngẫu nhiên.

Kiểm soát bóng nhiều cũng vô ích nếu không ghi bàn

Chúng ta chứng kiến rất nhiều đội thi đấu với đội hình thấp tại giải lần này, đặc biệt tại loạt trận cuối cùng của vòng bảng, khi đa số chỉ cần một điểm để vào vòng sau.

Khi vào vòng knock-out của một giải đấu lớn, mọi chuyện sẽ rất khác nhưng giải đấu năm nay có chất lượng không cao, và vì thế, một số đội yếu vẫn tiếp tục vào sâu.

Nhiều đội có lối chơi phòng ngự và nhìn cách đội Anh thi đấu, có thể họ sẽ đá thấp vì các cầu thủ chúng ta không thể phá vỡ thế phòng ngự của họ.

Nếu chúng ta có thể đưa bóng vào lưới đối phương, tất cả sẽ thay đổi, và đó là vì sao chúng ta cần phải thi đấu hiệu quả hơn mỗi khi có cơ hội.

Chúng ta làm tốt công việc kiểm soát bóng và phối hợp nhưng nếu chúng ta không ghi bàn thì mọi thứ sẽ trở nên vô ích-điều này đã được Leicester chứng minh ở mùa giải vừa qua.

http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/06/160622_alan_shearer_england_euro2016

 

Hungary và Iceland nhất, nhì bảng F

Loạt trận cuối bảng F diễn ra với nhiều điều bất ngờ: đó là cuộc rượt đuổi của Bồ Đào Nha và Iceland thắng Áo phút cuối để đứng thứ nhì.

Cơn mưa bàn thắng ở Lyon

Bồ Đào Nha bước vào trận cuối với hai trận hòa và Ronaldo vẫn tịt ngòi, đặc biệt là pha đá hỏng phạt đền trong trận gặp Áo khiến đội nhà đánh rơi chiến thắng.

Thực tế đội đứng thứ ba bảng F vẫn có cơ hội vào vòng 1/16, nhưng Bồ Đào Nha cần chứng minh là đội được đánh giá cao và Ronaldo cần phải phá vỡ thế bết tắc của một tiền đạo hàng đầu.

Trận đấu diễn ra điên rồ với cơn mưa bàn thắng của hai đội, và cũng là cuộc rượt đuổi của Bồ Đào Nha trước một Hungary tự tin dù không có tên tuổi lớn với đa số cầu thủ đang thi đấu cho các câu lạc bộ làng nhàng ở châu Âu.

Lão tướng Zoltan Gera, 37 tuổi, cầu thủ từng thi đấu cho Fullham và West Brom của Ngoại Hạng Anh, cũng là người đóng vai trò quan trọng nhất trong thành tích của Hungary ở vòng bảng, là người đã mở tỉ số vào phút thứ 19 và truyền cảm hứng cho đồng đội.

Kể từ đây, trận đấu là một cuộc đua bàn thắng nhưng ưu thế thuộc về Hungary khi họ là đội luôn dẫn trước: Dzsudzsák đưa Hungary dẫn trước ở các phút 47 và 55 nhưng đều bị Bồ Đào Nha cân bằng ở các phút 50 và 62 do công của Ronaldo.

Bàn gỡ 1-1 được thực hiện ở phút 42, do công của Nani, trong trận đấu mà cả hai tiền đạo của Bồ Đào Nha đều nổ súng.

Tuy nhiên, xét về mặt hiệu quả, Hungary cho thấy họ tốt hơn hẳn khi cả trận chỉ có 37 % thời gian kiểm soát bóng và chín cú dứt điểm cầu môn. Ngược lại, với ưu thế nhỉnh hơn về đội hình và kỹ thuật, Bồ Đào Nha áp đặt thế trận và có đến 21 lần nã pháo về phía khung thành thủ môn Kiraly, 40 tuổi, một lão tướng khác của Hungary.

Quan trọng nhất, Ronaldo đã có bàn hai thắng và một pha kiến tạo thành bàn cho Nani, giải tỏa được sự ức chế tâm lý.

Iceland thắng vào phút cuối

Sau trận đấu mở màn với Bồ Đào Nha, Ronaldo chỉ trích Iceland có lối đá tiêu cực và một ý chí kém cỏi.

Vậy nhưng, sau khi kết thúc vòng bảng, có lẽ Ronaldo cần phải suy nghĩ lại khi Iceland đã thi đấu không mệt mỏi đến phút cuối cùng và xếp trên Bồ Đào Nha với chiến thắng vào phút cuối trước đội Áo.

Vẫn thi đấu với chiến thuật của đội chiếu dưới, nhường sân và nhường luôn cả bóng cho đối phương, Iceland chủ động phòng ngự chặt, và trông chờ vào những pha phản công nhanh.

Suốt 90 phút, Iceland chỉ kiểm soát bóng 30% và có 11 pha dứt điểm, thua kém hẳn so với Áo, là đội cầm bóng đến 70 % và có 23 lần “nhả đạn” về phía khung thành các cầu thủ áo xanh dương.

Nhưng Iceland mới là đội hiệu quả hơn khi có bàn dẫn trước và với nỗ lực không mệt mỏi, đã có bàn thắng vào phút bù giờ sau pha phản công nhanh. Cần phải nói thêm là thần may mắn cũng đứng về phía Iceland khi trước đó, Alexander Dragovic của Áo đá hỏng phạt đền vào phút 37.

Với thắng lợi này, Iceland đứng nhì bảng, gặp tuyển Anh, là đội nhì bảng B, còn Bồ Đào Nha sẽ phải thi đấu với Croatia, đội đứng đầu bảng D tại vòng knock-out.

http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/06/160622_hungary_iceland_euro_2016_last16

 

Bồ Đào Nha thoát hiểm, Iceland không còn là đội bóng nhỏ

Anh Vũ

Euro 2016 đã đi qua vòng bảng sau ngày thi đấu hôm qua 22/06/2016 ở bảng E và F. Kịch tính và hấp dẫn là những trận đấu ở bảng F. Bồ Đào Nha chạy theo Hungary ba lần mới có tỷ số hòa 3-3 và chỉ thoát hiểm được nhờ ngôi sao Cristiano Ronaldo tỏa sáng. Iceland làm được kỳ tích lịch sử vào vòng trong ngay lần đầu tham dự Euro, không còn ai dám nghĩ họ là một đội bóng nhỏ.

Bồ Đào Nha đã suýt nữa phải về nước sớm nếu không có Ronaldo chơi bùng nổ và hiệu quả. Danh thủ của Real Madrid đã lập cú đúp trong đó có một cú đánh gót điệu nghệ và một đường chuyền quyết định giúp Bồ Đào Nha có được một điểm và xếp vị trí thứ 3 bảng.

Lính mới Iceland, đến từ quốc đảo có 330 000 dân không những đã làm nên kỳ tích lịch sử, một lần nữa, khiến người hâm mộ phải thán phục khi họ chơi tưng bừng thắng 2-1 đẩy Áo ra khỏi Euro, chững chạc chiếm ngôi nhì bảng trên cả Bồ Đào Nha. Các cầu thủ Iceland tạo cho khán giả cảm giác họ tiến bộ từng ngày ở Euro 2016 và rất có thể sẽ không dễ gì buộc họ phải dừng bước ở vòng 1/8 sắp tới.

Bảng E : Ý đã thay hầu hết đội hình chính để giữ quân khi họ chắc chắn vị trí nhất bảng, khi gặp đối thủ Ailen ở trận cuối. Các cầu thủ Ailen tiếp tục lối chơi kiên cường, phòng ngự chắc, phản công sắc bén và họ đã thành công. Chiến thắng 1-0 ở phút chót đã giúp Ailen có được tấm vé đi tiếp. Một diễn biến khác ở bảng E, tuyển Bỉ khá vất vả mới tiễn được Thụy Điển của Zlatan Ibrahimovic về nước nhờ bàn thắng ghi được ở phút thứ 87 trận đấu.

Sau loạt trận tối qua, các cặp đấu của vòng 1/8 đã được sắp xếp : Chủ nhà Pháp gặp Ailen ; Croatia gặp Bồ Đào Nha, Anh – Iceland, Đức –Solvakia ; Xứ Wales gặp Bắc Ailen ; Ý đối mặt với Tây Ban Nha ; Thụy Sĩ gặp Ba Lan và Hungary gặp Bỉ.

Vòng 1/8 sẽ có hai cặp đấu được chú ý đặc biệt bởi nó gợi nhắc lại những duyên nợ giữa các đối thủ. Đó là Pháp gặp Ailen với nỗi ấm ức của Ailen về vụ bàn tay của Thierry Henry đã tước đi tấm vé vớt dự Cúp thế giới 2010. Còn trận Ý gặp Tây Ban Nha là sự tái hiện của trận chung kết Euro 2012. Khi đó người các cầu thủ Tây Ban Nha đã hạ ý bằng tỷ số 4-0 giành ngôi vô địch.

Cuộc tranh đua ở vòng bảng báo hiệu các trận đấu loại trực tiếp sẽ còn rất quyết liệt bởi các đội được đánh giá là yếu đều đã tỏ ra hết sức nguy hiểm trước các đối thủ lớn. Các cặp đấu sẽ lần lượt diễn ra trong các ngày 25, 26 và 27/6 trên 8 thành phố của Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20160623-bo-dao-nha-thoat-hiem-nho-ronaldo-iceland