Tin thế giới tổng hợp 17/7/2014
1. Do Thái, Hamas tạm ngưng bắn vì lý do nhân đạo
Israel và phe Hamas hôm nay bắt đầu tuân hành một lệnh ngưng bắn vì lý do nhân đạo sau khi chấp nhận yêu cầu tạm ngưng giao tranh của Liên hiệp quốc.
Cuộc hưu chiến 5 giờ đồng hồ sẽ cho người Palestine ở Dải Gaza một cơ hội để mua sắm, tích trữ nhu yếu phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Trước khi cuộc ngưng bắn bắt đầu, quân đội Israel cho biết họ đã ngăn chặn một âm mưu tấn công của 13 tay súng của Hamas xâm nhập vào miền nam Israel qua một đường hầm.
Sáng sớm hôm nay, trước cuộc ngưng bắn, Israel đã tiếp tục chiến dịch không kích và tấn công 37 mục tiêu ở Dải Gaza.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cảnh cáo quân đội nước ông sẽ phản ứng nếu các phần tử chủ chiến bắn rocket trong thời gian hưu chiến.
“Quân đội chúng tôi làm việc theo đúng phương pháp và mục tiêu của chúng tôi là giáng cho Hamas một cú đánh để khi các nhân vật lãnh đạo của họ đánh giá mức độ thiệt hại họ sẽ hiểu rằng tấn công Israel là một hành động sai lầm. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động một cách quả quyết cho tới khi Israel vãn hồi tình trạng yên tĩnh. Chúng tôi không chấp nhận việc gây gián đoạn cho sinh hoạt ở Israel. Chúng tôi sẽ tấn công quân khủng bố và những kẻ sai khiến họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy với sự khôn khéo, với tinh thần trách nhiệm và với thái độ hợp lý.”
Quân đội Israel cũng nói rằng cư dân của một số khu vực xung quanh thành phố Gaza ở mạn bắc của phần đất này không nên quay về nhà, “để bảo đảm an toàn” sau khi cuộc ngưng bắn chấm dứt.
Một số người Palestine nói rằng việc nghe theo những lời cảnh báo sẽ không bảo đảm cho sự an toàn của họ. Ông Rifat Helis, một người bán trái cây, cho biết như sau.
“Chúng tôi có con nhỏ. Chúng tôi đưa tụi nó đi đâu bây giờ? Nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết trong nhà của mình. Chúng tôi không bỏ đi nơi khác. Chúng tôi đã nghe điện thoại, chúng tôi nghe thấy những lời cảnh cáo và họ bắn rocket vào những nơi gần nhà chúng tôi. Chúng tôi không đi đâu hết. Chúng tôi sẽ chết và chúng tôi muốn cuộc kháng chiến được tiếp tục. Quí vị biết là chúng tôi ủng hộ cuộc kháng chiến, ủng hộ phe Hamas.”
Hôm qua, 4 em bé bị thiệt mạng vì một vụ không kích của Israel trong lúc chơi đùa tại một bãi biển gần thành phố Gaza.
Các giới chức Israel nói rằng những cái chết đó là “bi thảm” và họ đang điều tra vụ việc.
Các giới chức Palestine cho biết số tử vong từ khi Israel bắt đầu cuộc phản công hồi tuần trước đã tăng lên tới 213 người trong ngày hôm qua.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố Washington sẽ sử dụng mọi nguồn lực ngoại giao và các mối quan hệ để tìm cách chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và phe Hamas. – VOA
2. Nga tập trung thêm hàng ngàn quân dọc biên giới Ukraine
Hoa Kỳ và NATO ngày càng quan tâm đến những hoạt động quân sự của Nga. Washington cáo buộc Nga tập trung thêm hàng ngàn quân dọc theo biên giới Ukraine, cùng với xe tăng và pháo binh.
Công nhân tại thành phố Slovyansk miền đông Ukraine đang bắt đầu tiến trình chậm chạp để sửa chữa những thiệt hại do các cuộc giao tranh gây ra.
Trong một chuyến viếng thăm vùng này vào ngày thứ Tư, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk cáo buộc Moscow hỗ trợ cho các phần tử ly khai đã chiếm đóng thành phố cho đến đầu tháng này.
“Họ gây nên những xung đột quân sự tại đây. Họ giống như ma cà rồng, hút hết tiền bạc của chúng tôi và giết hại người dân chúng tôi.”
Và hiện nay, các giới chức quốc phòng Mỹ lo ngại là những hoạt động quân sự của Nga có thể là chỉ dấu cho thấy sẽ có thêm những cuộc xung đột.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại tá Steve Warren, nói:
“Điều lo ngại thực sự lớn nhất hiện nay là việc tăng cường thêm binh sĩ ở đó.”
Đại tá Warren cho biết thêm hiện nay Nga đã có từ 10.000 đến 12.000 quân dọc biên giới miền đông Ukraine, cao hơn nhiều so với con số chưa tới 1.000 hồi tháng trước.
“Chúng tôi cũng có lý do để tin rằng có một số vũ khí, có thể có cả vũ khí hạng nặng, được chuyển qua biên giới đến Ukraine.”
Các giới chức NATO nói với Đài VOA là những vũ khí tối tân của Nga được gởi đến cho các phần tử ly khai đang gia tăng và Moscow dường như cũng cung cấp cho các lực lượng ly khai những kỹ năng chuyên môn cần thiết để “sử dụng các loại vũ khí này với hiệu quả cao.”
Ông Jorge Benitez, một chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương, nói việc Nga không chịu thay đổi thái độ cho dù phải nhận lãnh thêm những chế tài kinh tế, cho thấy Tổng thống Vladimir Putin vẫn còn cảm thấy ông đang chiếm thế thượng phong.
“Hoa Kỳ là nền kinh tế 16 ngàn tỉ đô la và EU là nền kinh tế 12 ngàn tỉ đô la và chúng ta không thể bị chèn ép bởi một trạm xăng trị giá 2 ngàn tỉ đô la là nền kinh tế Nga.”
Hoa Kỳ và NATO đang tăng cường các cuộc tập trận, và tại Điện Capitol, Thứ trưởng Quốc phòng Bob Work đang thuyết phục Quốc hội tài trợ cho một chương trình có kinh phí 1 tỉ đô la để trấn an các nước đồng minh ở Âu châu.
“Tất cả số tiền này sẽ cho phép chúng ta điều động binh sĩ nhiều hơn, tập trận thường xuyên hơn. Chúng ta sẽ có thể cải thiện hạ tầng cơ sở để có thể nhanh chóng tăng cường lực lượng trong trường hợp cần thiết.”
Các giới chức quân sự Mỹ nói rõ ràng là các lực lượng Nga tập trung gần Ukraine có khả năng để thực hiện những cuộc hành quân ở cả hai phía của biên giới. – VOA
3. Nhật: Phái Lực Lượng Tự Vệ tới Biển Đông còn tuỳ tình hình
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố việc Tokyo có phái Lực lượng Tự vệ thực thi quyền tự vệ tập thể trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Biển Đông hay không sẽ ‘tùy thuộc vào tình hình.’
Thông tấn xã Jiji của Nhật dẫn lời ông Abe ngày 15/7 cho biết việc dùng võ lực trong các trường hợp riêng lẻ sẽ được quyết định trên việc đánh giá toàn diện tình hình dựa theo 3 điều kiện mới về việc thực thi quyền tự vệ tập thể của Nhật.
Thủ tướng Abe nhấn mạnh việc dùng võ lực tối thiểu của binh sĩ Nhật có thể được quyết định theo từng hoàn cảnh, tùy theo mức độ và kiểu tấn công quân sự chống lại một nước bạn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật lưu ý rằng các tranh chấp chủ quyền hiện tại giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam tại Biển Đông không được xem là các trường hợp mà Nhật có thể điều động Lực lượng Tự vệ chiếu theo các quy định mới Nội các Nhật vừa thông qua trước đây trong tháng.
Các quy định này cho phép Nhật thực thi quyền tự vệ tập thể khi xảy ra tấn công võ trang với một nước đồng minh mà đe dọa đến sự sống còn của Nhật và gây nguy cơ đảo lộn quyền sống, sự tự do, và mưu cầu hạnh phúc của người dân.
Theo đó, Nhật cũng có thể thi hành quyền của mình khi không còn các phương pháp nào thích hợp để đảm bảo sự sống còn của dân tộc và bảo vệ người dân. – VOA
4. Chính quyền quân sự cho phép cựu Thủ tướng Yingluck ra nước ngoài
Theo AFP, hôm nay 17/07/2014, chính quyền quân sự Thái Lan đã cho phép cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra rời đất nước lần đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính hôm 22/5 vừa qua.
Bà Yingluck dự kiến đến Paris vào tuần tới để dự sinh nhật người anh Thaksin Shinawatra, cũng là một cựu Thủ tướng bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2006, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Phát ngôn viên của chính quyền quân sự ông Winthai Suvaree cho AFP biết, hội đồng Quốc gia vì hoà bình và trật tự ( NCPO), tên gọi của chính quyền quân sự hiện nay tại Thái Lan, đã chấp thuận đề nghị của bà Yingluck xin được ra nước ngoài “vì từ khi có cuộc đảo chính, bà không hề cản trở công việc của NCPO và bà đã tỏ ra khiêm nhường”.
Theo một nguồn tin của quân đội Thái, khi ra nước ngoài bà cựu Thủ tướng sẽ phải thông báo cho sứ quán Thái ở nước sở tại nơi tạm trú.
Lên nắm quyền năm 2011 sau thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội, đến tháng 5 vừa qua, bà Yingluck bị tư pháp phế truất trước khi giới quân sự làm đảo chính chấm dứt làn sóng biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt 7 tháng.
Sau đảo chính, bà Yingluck là một trong số hàng trăm nhân vật của chính quyền cũ bị phe quân sự triệu tập và tạm giữ tại một nơi bí mật trong một thời gian ngắn, rồi được thả sau khi đã ký cam kết chấm dứt hoạt động chính trị.
Từ khi đảo chính, phe quân sự đã cho đình chỉ hiệu lực Hiến pháp, hạn chế nhiều quyền tự do công dân và sẽ chỉ cho tổ chức bầu cử Quốc hội sau tháng 10 năm 2015.
Chính trường Thái lan đã rơi vào khủng hoảng liên miên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006 bởi cuộc chiến giữa phe chống và phe ủng hộ Thaksin. Nhà tài phiệt này phải lưu vong ra nước ngoài nhưng vẫn là một tâm điểm của sự chia rẽ ở trong nước. – RFI
5. Trung Quốc nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy nổi để khai thác khí đốt ở Biển Đông
Trong chiều hướng gia tăng sản xuất năng lượng ngoài khơi, Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy nổi để khai thác khí đốt ở Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters ngày 17/07/2014, tập đoàn năng lượng CNOOC của Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng nổi trị giá hàng tỷ đô la để khai thác khí đốt ở vùng biển sâu của khu vực Biển Đông.
Theo Reuters, CNOOC chưa có thông báo chính thức, nhưng họ đang tiến hành nghiên cứu khả thi, theo lời các quan chức tập đoàn Nhà nước của Trung Quốc. Tập đoàn này cũng đang thảo luận với các công ty ngoại quốc khả năng tham gia thiết kế nhà máy nổi.
Các nhà máy nổi này có thể hút khí đốt lên và chuyển thành khí hóa lỏng và đưa sang các tàu để vận chuyển. Đây là công nghệ hiện chưa có nước nào sử dụng, thay thế cho các đường ống dẫn khí dưới đáy biển, để khai thác các mỏ khí nằm xa bờ hoặc quá nhỏ.
Trên toàn thế giới, hiện có khoảng 10 nhà máy khí hóa lỏng nổi được dự trù, trong đó một số đang được xây dựng. Nhà máy nổi lớn nhất, mang tên Prelude, của công ty Royal Dutch Shell, dự trù sẽ bắt đầu sản xuất từ các mỏ khí của Úc kể từ năm 2017.
Về phần nhà máy nổi của Trung Quốc thì phải mất nhiều năm mới xây dựng xong, nhưng các quan chức ngành công nghiệp của nước này cho biết kế hoạch nói trên sẽ là một thành tố quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng sản lượng dầu khí ngoài khơi.
Tập đoàn CNOOC cho biết là họ sẽ tiến hành thêm các cuộc thăm dò với mục tiêu là từ đây đến năm 2020 sẽ tìm ra một mỏ dầu khí quan trọng không kém mỏ Đại Khánh trong đất liền, ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Mỏ này có sản lượng tương đương 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
CNOOC là tập đoàn sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vào đầu tháng 5 vừa qua đã đưa vào đặt tại khu vực mà theo Hà Nội nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hành động này đã gây nên khủng hoảng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng hôm qua, tập đoàn CNPC tuyên bố giàn khoan này đã hoàn thành nhiệm vụ sau khi tìm thấy những dấu hiệu dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa, cho nên đã quyết định rút giàn khoan về khu vực gần đảo Hải Nam, sớm hơn dự kiến ban đầu là 15/08.
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki đã hoan nghênh việc Trung Quốc rút giàn khoan đi, nhưng bà nhắc lại lập trường của Washington rằng các bên tranh chấp ở Biển Đông “cần làm rõ các đòi hỏi chủ quyền theo đúng công pháp quốc tế để có ứng xử và hoạt động thích hợp tại các vùng tranh chấp”. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên ngưng “mọi hành động khiêu khích đơn phương”. – RFI
6. Mỹ lên tiếng việc TQ dời giàn khoan
Hoa Kỳ hoan nghênh việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nói trong tuyên bố ngày 16/7.
Bà Jen Psaki được hãng thông tấn Reuters dẫn lời nói vụ việc cho thấy “tầm quan trọng của việc các bên có yêu sách làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế, từ đó đi đến nhận thức chung về cách ứng xử và hành vi phù hợp ở những khu vực tranh chấp”.
Bà cũng kêu gọi các bên ngưng có hành động “gây hấn đơn phương” nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông mà Trung Quốc và ASEAN đã ký hồi năm 2002.
Trước đó, hôm 16/7, Thủ tướng Việt Nam nói Việt Nam ‘yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan’.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì tuyên bố quyết định chỉ thuần túy mang tính chất thương mại.
Phát biểu tại một phiên họp của chính phủ hôm 16/7 sau khi đã nhận tin mới nhất về giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam nói Việt Nam “luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền”.
Ông Nguyễn Tấn Dũng “yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam”.
Ông cũng nói thêm: “Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển.”
Việt Nam “sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế,” theo ông Dũng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày vẫn khẳng định khu vực giàn khoan tác nghiệp là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc”.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối Việt Nam quấy nhiễu một cách vô lý hoạt động tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc,” người phát ngôn Hồng Lỗi nói.
Do mưa bão?
Tân Hoa Xã dẫn thông cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) hôm thứ Ba ngày 15/7 cho biết họ chấm dứt hoạt động của giàn khoan với lý do là mùa mưa bão bắt đầu.
Hãng tin Anh Reuters cho biết ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, đã xác nhận với họ rằng giàn khoan này đã di chuyển về phía đảo Hải Nam từ tối hôm thứ Ba ngày 15/7.
Giàn khoan Hải Dương 981 đã gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ khi được đưa ra vùng biển này từ đầu tháng Năm.
Khi thông báo đưa giàn khoan ra Biển Đông, Bắc Kinh nói họ sẽ rút giàn khoan về vào ngày 15/8.
Thông cáo còn cho biết giàn khoan sẽ được dời đến vị trí gần đảo Hải Nam và rằng CNPC đã tìm thấy dầu và khí đốt trong quá trình thăm dò ở gần quần đảo Hoàng Sa và họ hiện đang đánh giá các dữ liệu thu thập được trước khi quyết định bước kế tiếp.
Tuy nhiên thông cáo không đưa ra chi tiết gì về trữ lượng ước lượng hay độ khó trong việc khai thác lượng dầu và khí này.
Bản tin của Tân Hoa Xã cho biết giàn khoan sẽ được triển khai cho hoạt động của dự án Hải Nam Lăng Thủy nhưng không cho biết ngày giờ và vị trí mới của giàn khoan này.
Lăng Thủy là một khu vực ven biển trên đảo Hải Nam.
Các phân tích ban đầu của CNPC về dữ liệu địa chất cho thấy ‘khu vực này có những điều kiện cơ bản và tiềm năng để khai thác dầu’ nhưng ‘việc khai thác thử chưa thể bắt đầu trước khi những dữ liệu này được đánh giá toàn diện’, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Chấn, phó giám đốc Phòng Nghiên cứu Chính sách của CNPC cho biết.
Các chuyên gia dầu khí của Trung Quốc cho biết giàn khoan nhiều khả năng phát hiện đủ trữ lượng khí đốt để đưa khu vực này vào khai thác.
Phóng viên Reuters đi theo tàu cảnh sát biển của Việt Nam ra khu vực giàn khoan cho biết họ đã chứng kiến một đội tàu Trung Quốc truy đuổi tàu Việt Nam hôm thứ Ba ngày 15/7.
Kể từ giàn khoan Hải Dương 981 được triển khai, việc truy đuổi này đã diễn ra hàng ngày, theo Reuters.
Phóng viên BBC Hồng Nga có mặt trên tàu cảnh sát biển Việt Nam ra khu vực gần giàn khoan cho hay:
“Có thể thấy nhiều tàu Trung Quốc mà chúng tôi nghe được là đang bảo vệ giàn khoan.
Nhưng có vẻ như họ đã biến mất sau một đêm. Sáng nay (16/7), biển như vắng lặng hẳn.”
Tuy nhiên phóng viên của chúng tôi nói “Rất khó để biết được động cơ thực sự phía sau quyết định di chuyển giàn khoan này”.
“Các tính toán kinh tế và đợt bão sắp tới đều có thể đóng vai trò nào đó. Nhưng việc di chuyển sớm trước một tháng có thể giúp giảm căng thẳng hiện nay giữa hai quốc gia láng giềng, ít nhất là một cách tạm thời.” – BBC