Tin Thế Giới – Thứ Tư 8/1/2014
1. Cao ủy Nhân quyền LHQ báo động về đàn áp ở Cam Bốt
2. Doanh nhân Nhật ngày càng chuộng phương án “Trung Quốc + 1″
3. Bắc Hàn sẽ tổ chức bầu cử quốc hội
4. 15,000 quân nhân, cảnh sát sẽ được điều động tại Bangkok
5. Robert Gates: TT Obama “mất tin tưởng” vào chánh sách A Phú Hãn
6. Hơn 100 nhà báo Miến Điện biểu tình đòi trả tự do cho đồng nghiệp
7. Iran không có trong danh sách của Liên Hiệp Quốc mời hội nghị về Syria
8. Bắc Hàn: Bà Kim Kyong-hui, dì của Kim Chánh Ân đã chết
9. Nghi can đốt lãnh sự quán TQ ở San Francisco bị truy tố
1. Cao ủy Nhân quyền LHQ báo động về đàn áp ở Cam Bốt
Phủ Cao Uỷ Nhân quyền LHQ hôm qua 7/1, lên tiếng báo động về chiến dịch đàn áp các cuộc biểu tình chống thủ tướng Hun Sen ở Cam Bốt, đồng thời kêu gọi chính quyền Phnom Penh giữ thái độ chừng mực.
Rupert Colville, phát ngôn viên của Cao Uỷ Nhân quyền LHQ, tuyên bố với các phóng viên tại Genève: “Chúng tôi theo dõi tình hình Cam Bốt với mối quan ngại sâu sắc và rất lo lắng trước
việc các lực lượng an ninh sử dụng vũ lực một cách quá đáng đối với những người biểu tình”.
Hôm thứ sáu 3/1, lực lượng an ninh Cam Bốt đã nổ súng vào những công nhân dệt may biểu tình để đòi tăng lương. Theo cảnh sát Cam Bốt, chỉ có 3 người bị bắn chết, nhưng theo Phủ Cao Uỷ Nhân quyền LHQ, có đến 5 người thiệt mạng và 20 người bị thương vì bị đánh đập
hoặc bị trúng đạn.
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền Cam Bốt, ông Surya Subedi, hôm
qua loan báo sẽ đến nước này từ ngày 12 đến 17/1 để thảo luận với thủ tướng Hun Sen và các thành viên khác trong chính phủ. Ông Subedi cũng sẽ gặp các nhà hoạt động nhân quyền và các đại diện xã hội dân sự ở Cam Bốt. Đến tháng 9 năm nay, ông sẽ đệ trình lên Hội đồng Bảo an bản báo cáo về tình hình nhân quyền tại Cam Bốt. – RFI
2. Doanh nhân Nhật ngày càng chuộng phương án “Trung Quốc + 1″
Tình hình quan hệ căng thẳng do tranh chấp biển đảo giữa Tokyo và Bắc Kinh tác động đến giao thương Trung-Nhật vốn rất quan trọng. Một cuộc thăm dò ý kiến mà kết quả được công bố hôm nay 8/1, cho thấy là quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc càng khó khăn, thì các nước Đông Nam Á càng hưởng lợi, vì ngày càng có nhiều doanh nhân Nhật Bản cổ võ cho phương án gọi là Trung Quốc + 1, tức là vừa làm ăn với Trung Quốc, nhưng vừa chuyển
hướng qua vùng Đông Nam Á.
Theo cuộc khảo sát do ba tờ báo Nikkei của Nhật, Global Times của Trung Quốc và South Korea Mail Business của Hàn Quốc đồng thực hiện vào tháng 12/2013 vừa qua, có đến 60% chủ doanh nghiệp Trung Quốc cảm thấy khó mà làm ăn được với các công ty Nhật Bản do quan hệ chính trị đang rất căng thẳng giữa hai nước. Chỉ có 13% là cho rằng họ hoàn toàn có thể bỏ qua những căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Tuy nhiên, nếu các doanh nhân Trung Quốc cảm thấy khó chịu, thì ngược lại, các đồng nghiệp Nhật Bản của họ lại rất thoải mái: 80% doanh nghiệp Nhật Bản xác định rằng họ không thấy khó khăn gì trong việc giao thương với Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Cho dù vậy, các chủ doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng có thái độ ngần ngại hơn trong việc bỏ cả vốn liếng vào
công cuộc kinh doanh với Trung Quốc, cho dù nước láng giềng này vẫn là một thị trường béo bở.
Theo kết quả thăm dò, hiện vẫn có 38% doanh nhân Nhật Bản xem Trung Quốc là thị trường nhiều hứa hẹn nhất đối với họ. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm 10% so với một cuộc khảo sát tương tự, được thực hiện vào cùng một thời điểm.
Song song với đà giảm sút lòng tin vào thị trường Trung Quốc, giới kinh doanh Nhật đã
tín nhiệm Đông Nam Á nhiều hơn : Có đến gần 2/3 chủ doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng vùng Đông Nam Á, với 600 triệu người, là thị trường hứa hẹn nhất của họ. Theo ghi nhận của AFP, trong giới kinh doanh Nhật Bản hiện nay, công thức thời thượng là “Trung Quốc + 1″. Nói cách khác, bên cạnh Trung Quốc, các công ty Nhật Bản ngày càng tìm cách mở rộng địa bàn kinh doanh ở nơi khác, chủ yếu là ở vùng Đông Nam Á, như Việt Nam, Thái Lan, thậm chí Miến Điện.
Chuyên gia Mitsumaru Kumagai, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Daiwa, giải thích: “Tốt hơn hết là phải đa dạng hóa đầu tư, đặc biệt là vào vùng Đông Nam
Á, để giữ một khoảng cách nhất định đối với Trung Quốc, qua đó tránh được các vấn đề tiềm
tàng”.
Theo kết quả cuộc thăm dò được công bố hôm nay, cũng có đến 60% chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng hạn chế quan hệ kinh doanh với các công ty Nhật Bản. Lý do cũng bắt nguồn từ căng thẳng ngoại giao Nhật-Hàn liên quan đến tranh chấp biển đảo.
Cuộc khảo sát được công bố hôm nay đã được tiến hành vào tháng 12 vừa qua, với 109 công ty tại Nhật Bản, 100 ở Trung Quốc và 137 tại Hàn Quốc. Cuộc khảo sát diễn ra trước lúc Thủ tướng Nhật đi viếng đền Yasukuni. – RFI
3. Bắc Hàn sẽ tổ chức bầu cử quốc hội
Bắc Triều Tiên cho hay vào tháng Ba năm nay, họ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử để chọn các đại biểu vào Quốc hội, một cơ chế được coi là không có thực quyền.
Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên hôm nay nói rằng cuộc bầu cử Quốc hội Nhân dân Tối cao sẽ được tổ chức vào ngày 9/3. Cuộc bầu cử này, tổ chức 5 năm một lần, phần lớn chỉ có tính cách hình thức, với chỉ có một ứng cử viên duy nhất ra tranh cử tại một địa phương.
Tuy nhiên vì cơ chế này gồm rất nhiều quan chức hàng đầu của miền Bắc, kết quả sẽ được theo sát, xem liệu ông Kim có củng cố quyền lực hơn nữa hay không. Cuộc bầu cử Quốc hội 9/3 có thể cho thấy ai là người có quyền lực lớn sau vụ xử tử ông Chang Song-thaek. – VOA
4. 15,000 quân nhân, cảnh sát sẽ được điều động tại Bangkok
Bầu không khí tại thủ đô Thái Lan vào đầu tuần tới có lẽ sẽ rất căng thẳng, với quyết định vừa được chính quyền loan báo hôm nay 8/1: Một lực lượng bao gồm gần 15,000 quân nhân và cảnh sát sẽ được điều động tại thủ đô Thái Lan để phòng ngừa bạo động bùng lên do kế hoạch “đóng cửa” chính phủ của phong trào biểu tình dự trù thực hiện kể từ ngày 13/1.
Phát biểu trên truyền hình Thái Lan, ông Piya Uthayo, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia, cho biết là chính quyền đang đang huy động 14,880 nhân viên cảnh sát và binh sĩ để giữ an ninh tại Bangkok. Mục tiêu là để “ngăn chặn mọi hành vi bạo lực hay xung đột”.
Càng gần đến ngày quy định, tác hại của kế hoạch trên càng thấy rõ. Theo AFP, thị trường chứng khoán Thái Lan cũng như giá trị đồng baht đã giảm mạnh, vì giới kinh doanh lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng sẽ xua đuổi du khách ngoại quốc cũng như giới
đầu tư quốc tế. Hãng hàng không Singapore Airlines đã hủy 19 chuyến bay đến Bangkok kể từ ngày 14/1 cho đến ngày 25/2. Chính quyền thành phố Bangkok đã chỉ thị cho 146 trường học phải đóng cửa vào thứ Hai 13/1.
Chính quyền Thái Lan từng xác định là họ sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu cần thiết để đối phó với tình trạng bất ổn. Một số người đã phê phán phong trào biểu tình chống chính phủ là muốn kích động bạo lực với hy vọng quân đội can thiệp và tiến hành một cuộc đảo chính quân sự.
Ông Suthep Thaugsuban, phó Thủ tướng thời nổ ra chiến dịch đàn áp, đã bị mời ra tòa vào hôm nay để bị truy tố về tội sát nhân trong vụ đàn áp năm 2010. Tuy nhiên ông đã yêu cầu tòa
dời việc truy tố ông qua một ngày khác với lý do là ông đang dẫn đầu các cuộc biểu tình hiện nay.
Yêu cầu của ông đã bị bên công tố bác bỏ. Văn phòng Chưởng lý Thái Lan đã ra thông cáo cho biết là nếu ông Thaugsuban không trình diện, viện công tố sẽ đề nghị ban hành lệnh tầm nã nhắm vào ông. Hiện lãnh đạo đối lập này đã bị một lệnh truy bắt khác liên quan đến việc ông bị cáo buộc vào tội danh nổi loạn nhằm lật đổ chính phủ.
Trong khi đó, cơ quan chống tham nhũng nói rằng sẽ truy tố hơn 300 chính khách, đa số từ
đảng cầm quyền, vì muốn thay đổi hiến pháp. Cơ quan này nói Thủ tướng Yingluck Shinawatra không nằm trong danh sách truy tố. – RFI & BBC
5. Robert Gates: TT Obama “mất tin tưởng” vào chánh sách A Phú Hãn
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng HK Robert Gates sắp ra mắt hồi ký chỉ trích mạnh mẽ cách thức Tổng thống Barack Obama xử lý cuộc chiến tại Afghanistan.
Trong cuốn ‘Duty: Memoirs of a Secratary of War’ hay ‘Nhiệm vụ: Hồi ký của một Bộ trưởng Chiến tranh’, ông Gates nói tổng thống đã nghi ngờ về khả năng thành công của chính quyền
ông trong chiến lược Afghanistan. “Tôi không bao giờ nghi ngờ về sự ủng hộ (của TT) đối với binh lính, nhưng nghi ngờ về sự ủng hộ của ông với sứ mệnh của họ,” ông Gates viết.
Ông Gates là người đứng đầu Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama và George W Bush. Ông là lãnh đạo đầu tiên của Lầu Năm Góc phục vụ 2 đời tổng thống thuộc 2 đảng khác nhau trước khi rời bỏ chính trị vào năm 2011.
Tuy mô tả ông Obama là đã đúng trong các quyết định về Afghanistan nhưng ông Gates nói tổng thống đã không thấy dễ chịu gì với các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan mà ông nhận lại từ chính quyền ông Bush.
Theo ông Gates thì Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai là người mà ông Obama “không thể chịu nổi” Ông cũng nói rằng ông Obama cảm thấy không tin cậy các đề nghị của các tướng lãnh. Ông viết trong cuốn sách, vào tháng Ba 2011, ông Obama đã không tin tưởng Tướng David Petraeus, vị chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan hồi 2010-11 và “không thể chịu nổi” Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.
Tổng thống “không coi cuộc chiến đó là cuộc chiến của ông ấy,” ông Gates viết về cuộc họp diễn ra trong tháng Ba 2011 tại Tòa Bạch Ốc. “Với ông ấy, tất cả chỉ là làm sao để thoát
ra.”
Washington Post nói cuốn sách “tương phản với cách ứng xử mềm mại, cân bằng của ông ấy trong cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc”, và ông Gates “có lời lẽ cay đắng trong hồi ký của mình”.
Trong cuốn sách, cựu bộ trưởng quốc phòng lên tiếng bực tức về “bầu không khí kiểm soát” của Tòa Bạch Ốc của ông Obama, mà ông nói là thường can thiệp vào các quan hệ của Lầu Năm Góc, mặc dù các nhân viên dân sự không biết gì về các chiến dịch quân sự. Các thành viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc “đã áp dụng cách quản lý chi tiết và can thiệp vào hoạt động ở một mức độ mới,” ông viết và so sánh cách tiếp cận này với những gì diễn ra dưới thời Nixon trong thập niên 1970.
Tuy nhiên, ông Gates đánh giá cao tổng thống trong việc chuẩn thuận kế hoạch bố ráp khu nhà của Bin Laden tại Pakistan, điều mà bản thân ông ban đầu đã phản đối. Ông gọi đó là “một trong những quyết định can đảm nhất mà tôi từng được chứng kiến tại Tòa Bạch Ốc.” Ông cũng dành nhiều lời ca ngợi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. – BBC
6. Hơn 100 nhà báo Miến Điện biểu tình đòi trả tự do cho đồng nghiệp
Trong một sự kiện hiếm thấy tại Miến Điện, hôm qua 7/1, khoảng 150 nhà báo và giới bảo về quyền tự do ngôn luận đã biểu tình tuần hành trên đường phố Rangoon để báo động về các mối đe dọa mới nhắm vào quyền tự do báo chí. Họ đồng thời yêu cầu chính quyền thả một đồng nghiệp – người đầu tiên bị bắt giam kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện rời bỏ quyền hành.
Theo AFP, đoàn người xuống đường đã hô vang các khẩu hiệu như: “Không được đe dọa tự do
báo chí”, và trương cao các biểu ngữ bên trên ghi rõ: “Quyền được thông tin là sức sống của dân chủ”. Cuộc biểu tình đã được Mạng lưới Nhà báo Miến Điện kêu gọi, nhằm phản đối một bản án ba tháng tù mà chính quyền đã ban hành đối với một nhà báo địa phương, bị bắt khi đang thực hiện một phóng sự điều tra ở bang Kayah, miền Đông Miến Điện.
Nữ phóng viên Ma Khine, làm việc cho nhóm truyền thông Eleven Media, đã bị buộc tội phỉ báng một luật sư, xâm nhập tư gia của nhân vật này khi đến phỏng vấn, và sử dụng ngôn ngữ mang tính chất lăng mạ. Tuy nhiên, theo nhóm truyền thông Eleven Media, nhà báo của họ có thể là đã bị đàn áp vì một bài viết được công bố về tệ nạn tham nhũng trong hệ thống tư pháp Miến Điện.
Sự kiện tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện rời bỏ quyền hành năm 2011 đã mở đường cho những cải cách mạnh mẽ liên quan đến ngành truyền thông báo chí, trong đó có hai sự kiện nổi bật: bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và trả tự do cho các nhà báo bị cầm cố.
Tuy nhiên, theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các phương tiện truyền thông Miến Điện hiện đang phải đối mặt với những mối đe dọa khác.
Trả lời AFP, ông David Mathieson của Human Rights Watch, xác định: “Phương thức tấn công vào quyền tự do báo chí ở Miến Điện đã chuyển từ việc chính quyền công khai đàn áp qua hình thức sử dụng các vụ kiện, trong bối cảnh các luật lệ mới về truyền thông tìm cách gây áp lực trên các nhà báo một cách tinh tế hơn để cản trở công việc làm của họ”.
Trong bảng xếp hạng về tự do báo chí trên thế giới vào năm ngoái của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Miến Điện đã tăng được 18 bậc, nhưng vẫn đứng gần cuối bảng ở vị trí thứ 151/179 quốc gia.
Hôm 6/1, nhật báo Anh ngữ New Light of Myanmar, cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Miến Điện cho biết: Tổng thống Thein Sein hôm 2/1 vừa qua đã ký một lệnh ân xá mới
liên quan đến 13,274 tù nhân. Quyết định đại ân xá trên được ban hành một hôm trước ngày Miến Điện kỷ niệm 66 năm ngày giành được độc lập vào năm 1948. Tuy nhiên, chưa biết là có bao nhiều tù chính trị được trả tự do nhân đợt ân xá mới đó.
Theo Reuters, thông tin do nhật báo chính thức Miến Điện đưa ra chưa thể được kiểm chứng bằng các nguồn độc lập, nhất là không xác định được số lượng tù nhân lương tâm được hưởng lệnh ân xá.
Vào tuần trước, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Miến Điện, một tổ chức có đại diện trong ủy ban do chính quyền thiết lập để xét duyệt các trường hợp tù nhân chính trị, đã cho biết là khoảng 230 tù nhân trong diện này có thể được trả tự do trong khuôn khổ lệnh ân xá mới. –
RFI
7. Iran không có trong danh sách của Liên Hiệp Quốc mời hội nghị về Syria
Hôm 6/1/2014, Liên Hiệp Quốc mời 30 nước tham dự việc thương thảo để giải quyết vấn đề nội chiến Syria. Cuộc nói chuyện bắt đầu vào ngày 22/1/2014 và Hoa Kỳ, Anh, Saudi Arabia, Nga, và Trung Quốc dự trù tham gia.
Một sự vắng mặt đáng chú ý trong danh sách mời là Iran, nước chính yếu hổ trợ chế độ Assad trong vùng.
HK và Nga sẽ gặp nhau tuần tới để điều chỉnh danh sách các nước tham dự. Ngoại Trưởng Kerry đề nghị hôm Chủ Nhật là có thể có vai trò cho Iran trong các cuộc thương thuyết “từ phía bên lề”, và rằng HK sẽ “vui mừng vì Iran hổ trợ”.
Nhưng hôm 6/1, nữ phát ngôn nhân của bộ ngoại giao Iran gạt bỏ đề nghị của ông Kerry, bà nói với cơ quan thông tấn quốc gia IRNA của Iran rằng “Iran đã luôn luôn tuyên bố sẵn sàng tham dự mà không đặt điều kiện ban đầu” nhưng “Tehran sẽ chỉ chấp nhận những mời gọi có tính cách tôn trọng danh dự của một quốc gia cộng hoà Hồi Giáo”. – FP
8. Bắc Hàn: Bà Kim Kyong-hui, dì của Kim Chánh Ân đã chết
Bà Kim Kyong-hui, dì của Kim Chánh Ân, được tin là đã chết. Bà là vợ của ông Jang Song-taek, người dượng bị xử tử tháng trước. Hiện không rõ là bà đã chết như thế nào.
Các báo cáo trước đây nói rằng bà chết vì truỵ tim hay tự tử, nhưng các nguồn tin khác cho rằng bà chết khi đang trị bệnh ở ngoại quốc.
Tin bà chết đưa ra khi cựu ngôi sao bóng rỗ Dennis Rodman trở lại Bắc Hàn cùng với đội cựu cầu thủ NBA để đấu biểu diễn như “quà sinh nhật” cho Kim Chánh Ân với đội Bắc Hàn. – FP
9. Nghi can đốt lãnh sự quán TQ ở San Francisco bị truy tố
Các công tố viên Hoa Kỳ đã truy tố một người đàn ông có liên hệ đến một vụ hỏa hoạn tại lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco tuần trước.
Ông Phùng Nghiêm Phong (Yan Feng) ngày 6/1/2014 bị truy tố về tội gây thiệt hại cho tài sản của chính phủ nước ngoài và gây hỏa hoạn. Cư dân California 39 tuổi này ra trình diện cảnh sát địa phương thứ Sáu tuần qua, hai ngày sau khi lãnh sự quán bị hư hại vì lửa và khói.
FBI không tiết lộ động cơ của vụ tấn công. Họ chỉ cho biết là cuộc điều tra đang tiến hành. Ông David Johnson, nhân viên FBI chịu trách nhiệm điều tra vụ này nói đang điều tra sự kiện này như là một vụ hình sự và hiện chưa có chỉ dấu cho thấy việc này dính líu tới khủng bố, có động cơ chính trị hay nhân quyền.
Một báo cáo của FBI cho biết ông Phong nói với các nhà điều tra là ông nhắm vào lãnh sự quán Trung Quốc vì “tất cả những tiếng nói ông nghe được là tiếng Trung Quốc và lãnh sự quán Trung Quốc phải có dính líu.”
Vụ lãnh sự quán Trung Quốc bị tấn công xẩy ra đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ.
Theo cơ quan FBI, nghi phạm nói trên đối mặt với cáo buộc gây thiệt hại cho cơ sở ngoai giao
bằng lửa hoặc bằng thuốc nổ. Tuy nhiên, Cục điều tra Liên bang Mỹ cũng khẳng định, giống như tất cả bị cáo, nghi phạm Yan Feng được hưởng quyền được suy đoán vô tội, cho đến khi có đủ bằng chứng kết tội. – VOA & RFI