Tin Thế Giới – Thứ Tư 22/1/2014
1. Đụng độ tại thủ đô Ukraine, 3 người biểu tình thiệt mạng
2. Thái Lan: Lãnh tụ phe Áo Đỏ bị bắn, bạo động tiếp diễn
3. Hội nghị Geneva 2 về Syria khai mạc tại Thụy Sĩ
4. China Leaks: Tiết lộ khối tài sản ở nước ngoài của các lãnh đạo Trung Quốc
5. Cộng Hoà Trung Phi có nữ tổng thống đầu tiên
6. Tàu Trung Quốc sẽ tuần tra thường xuyên từ đảo Phú Lâm-Trường Sa
7. Khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ làm lu mờ chuyến đi Âu Châu của ông Erdogan
1. Đụng độ tại thủ đô Ukraine, 3 người biểu tình thiệt mạng
Các giới chức tại Ukraine cho hay 3 người biểu tình chống chính phủ đã thiệt mạng ở thủ đô Kiev, trong các cuộc xung đột mới với cảnh sát.
Theo tin cho hay 2 người biểu tình bị thương vì những vết đạn. Một nhân viên y tế nói rằng một người đấu tranh khác đã thiệt mạng sau khi bị ngã tại địa điểm xảy ra cuộc xung đột. Nguồn tin này nói rằng cảnh sát đang tìm cách giải tán một trại biểu tình ở Kiev hôm nay, bắn lựu đạn cay vào những người biểu tình. Những người này đánh trả bằng cách ném đá và chất nổ tự chế vào cảnh sát.
Trong một thông báo hôm nay, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kiev cho hay tòa đại sứ đã thu hồi giấy nhập cảnh dành cho nhiều công dân Ukraine có dính líu tới các vụ bạo động. Tên tuổi của những người Ukraine trong cuộc chưa được phổ biến.
Trong khi đó, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên hiệp Âu Châu, bà Catherine Ashton hôm nay kêu gọi phải “lập tức chấm dứt” những vụ bạo động đang leo thang. Sau khi có tin về các ca tử vong, bà Ashton đã lên tiếng “mạnh mẽ lên án” những hành vi bạo động. – VOA
2. Thái Lan: Lãnh tụ phe Áo Đỏ bị bắn, bạo động tiếp diễn
Một nhân vật lãnh đạo của phe Áo Đỏ thân chính phủ đã bị thương sau khi bị bắn ở miền bắc Thái Lan trong lúc thủ đô Bangkok được đặt trong tình trạng khẩn trương để ứng phó với những vụ bạo động chính trị.
Cảnh sát cho biết lãnh tụ phe Áo Đỏ, ông Kwanchai Praipana hôm nay bị bắn trúng hai lần bởi những kẻ vũ trang không rõ lai lịch lái xe ngang qua nhà ông trong tỉnh Udon Thani ở miền bắc.
Vụ này xảy ra tiếp theo sau những vụ tấn công nhắm vào những người biểu tình chống chính phủ, là những người ngày hôm nay đã xuống đường biểu tình ở Bangkok sang tới ngày thứ 9 liên tiếp. Bạo động đã khiến cho chính quyền ban hành tình trạng khẩn trương trong 60 ngày ở Bangkok và vùng phụ cận, tuy không có dấu hiệu nào cho thấy các lực lượng an ninh sẽ tìm cách giải tán những cuộc biểu tình.
Mặc dù cảnh sát đã tăng cường việc kiểm tra tại các trạm kiểm soát gần những khu lều trại của người biểu tình, sự hiện diện của binh lính trên đường phố không mấy đông đảo. Giới hữu trách cũng không ban hành lệnh giới nghiêm hay ngăn cấm những cuộc tụ họp chính trị, là những việc mà họ được phép thực hiện trong tình trạng khẩn trương.
Đại tướng Prayuth Chan-ocha, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan, cho biết binh sĩ của ông “sẽ không đưa đất nước vào bạo động.” Nhưng ông cảnh báo rằng trong trường hợp tình hình không thể giải quyết được, “binh sĩ sẽ phải can thiệp để giải quyết.”
Một số người biểu tình thuộc phe đối lập, trong đó có ông Sirijai Puapanwattana, nói rằng việc ban bố tình trạng khẩn trương làm cho tự do của họ bị hạn chế. “Chính quyền chỉ nên ban bố tình trạng khẩn trương khi nào những người biểu tình tạo ra một tình huống khẩn cấp. Những người biểu tình không hề gây ra bạo động mà chính họ là mục tiêu tấn công của những hành vi bạo động.”
Vì e rằng rối loạn có thể làm cho cuộc bầu cử không thể tiến hành, Ủy ban Bầu cử Thái Lan hôm nay cho biết họ sẽ yêu cầu Tòa án Hiến pháp phân xử về vấn đề họ có quyền hoãn cuộc bầu cử hay không. – VOA
3. Hội nghị Geneva 2 về Syria khai mạc tại Thụy Sĩ
Hôm nay 22/1/2014, Hội nghị quốc tế về Syria, được gọi là Geneva 2 khai mạc tại thành phố Montreux, Thụy Sĩ, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc.
Sau nhiều tháng thương lượng giằng co, dàn xếp, cuối cùng, các đối tác chính trong cuộc xung đột tại Syria đã chấp nhận đến dự hội nghị, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài từ ba năm qua. Tuy nhiên, phiên khai mạc hôm nay chỉ là thủ tục, các nội dung chính sẽ được thương lượng kể từ thứ Sáu, 24/01 tại Geneva.
Tiến trình hội nghị Geneva 2 hoàn toàn do Liên Hiệp Quốc chủ trì. Trong ngày đầu tiên của hội nghị, không có chuyện để cho các đại diện của chính quyền Bachar Al Assad và phe đối lập có bất kỳ tiếp xúc trực tiếp nào, có nguy cơ làm cho hội nghị thất bại.
Hôm nay, mỗi bên đọc một bài diễn văn và bên kia chỉ ngồi nghe mà không được có phản ứng. Một khi xong phần thủ tục, các vấn đề chính sẽ được bắt đầu vào thứ Sáu, tại Geneva và đó là sẽ lần đầu tiên, trong cùng một phòng họp, đại diện chính quyền Damas và phe đối lập sẽ thương lượng trực tiếp với nhau, một cuộc đối thoại giữa những người Syria.
Đại diện nước ngoài duy nhất có mặt trong cuộc đối thoại này là đặc sứ của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập, ông Lakhdar Ibrahim.
Mục đích của cuộc thương lượng là cải thiện điều kiện sống của người dân Syria, thiết lập các hành lang cứu trợ nhân đạo, trao đổi tù binh, tiến hành ngừng bắn ở các địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Syria và điểm cuối cùng, quan trọng hơn cả là vấn đề chính quyền chuyển tiếp với ẩn số lớn nhất là Tổng thống Bachar Al Assad sẽ ở lại hay phải ra đi.
AFP cho biết, phiên khai mạc diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Khẩu chiến đã diễn ra quyết liệt giữa đại diện chính quyền Damas và phe đối lập.
Chủ tịch Liên minh đối lập Syria, ông Ahmad Jarba, đã kêu gọi Tổng thống Bachar Al Assad từ chức, trao quyền hành, kể cả các đặc quyền chỉ huy quân đội, an ninh, cho một chính phủ chuyển tiếp và chính phủ này chịu trách nhiệm đặt ra những nền tảng đầu tiên cho một đất nước Syria mới.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem cáo buộc đại diện phe đối lập là những kẻ phản bội, theo đuôi nước ngoài, và thách thức là những ai muốn phát biểu nhân danh nhân dân Syria thì hãy tới Syria để chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố.
Đài truyền hình Nhà nước Syria cho phát bài diễn văn của đại diện phe đối lập trên nền hình phía sau là các tội ác của khủng bố. – RFI
4. China Leaks: Tiết lộ khối tài sản ở nước ngoài của các lãnh đạo Trung Quốc
Những người thân của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, trong đó có Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng …đã che giấu một khối tài sản to lớn tại các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.
Tiết lộ trên từ cuộc điều tra công phu của Liên minh quốc tế các phóng viên điều tra (ICIJ) có trụ sở tại Washington, được nhiều tờ báo lớn trên thế giới cùng công bố hôm nay 22/1/2014 khiến người ta càng thêm nghi ngờ về nỗ lực chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Vụ China Leaks này là phần tiếp theo của chiến dịch Offshore Leaks do ICIJ khởi động từ tháng 4/2013. Ban đầu là sự rò rỉ một ổ cứng chứa các dữ liệu của hai nhà cung cấp dịch vụ vi tính tại Singapore và quần đảo Virgin thuộc Anh, với hai triệu rưỡi tài liệu mật.
Khi nghiên cứu tỉ mỉ các tài liệu trên, các nhà báo ban đầu đã phát hiện ra các tài khoản ở nước ngoài của cựu thủ quỹ ông François Hollande, tài sản che giấu của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, con gái nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos của Philippines. Nhưng phần liên quan đến Hoa lục và Hồng Kông phải mất thêm nhiều tháng trời, chủ yếu là do khó khăn từ chữ Hán.
Trong số 22,000 cái tên được tiết lộ, có thân nhân của các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, chủ yếu là tầng lớp “thái tử đỏ”. Hiện diện đông đảo trong danh sách này là các đại biểu Quốc hội, những người thân của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các cựu Thủ tướng Lý Bằng, Đặng Tiểu Bình, Ôn Gia Bảo, và đặc biệt là đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình. Tổng cộng Nhà nước Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 3.000 tỉ euro do khối tài sản trốn thuế này.
Theo ICIJ, đại gia bất động sản Deng Jiagui đã kết hôn với chị của Tập Cận Bình năm 2006, sở hữu 50% vốn một công ty đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh là Excellence Effort Property Development. Con trai ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong) cũng lập một công ty tại đây năm 2006, trong đó Ôn Vân Tùng là cổ đông duy nhất.
Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của Claremont McKenne College nhận định, cho dù các công ty trên “có thể không hẳn là bất hợp pháp”, nhưng thường là những “xung đột lợi ích, phục vụ cho các quan hệ ở trung tâm quyền lực”.
Chủ đề này quá nhạy cảm đối với Bắc Kinh, nên hôm nay trang web của ICIJ hoàn toàn không truy cập được tại Trung Quốc, cũng như các trang mạng của những tờ báo liên kết với ICIJ như tờ The Guardian của Anh, Le Monde của Pháp, El Pais của Tây Ban Nha, hay Minh Báo của Hồng Kông.
Một trùng hợp ngẫu nhiên là cũng trong hôm nay diễn ra phiên tòa xử luật sư chống tham nhũng Hứa Chí Vĩnh, nhà sáng lập phong trào Tân Công dân đã kiên trì đòi minh bạch tài sản của các lãnh đạo cao cấp.
Vài ngày trước đó, một lá thư của Ôn Gia Bảo được công bố trên một tờ báo Hồng Kông nhằm minh oan trước các tiết lộ của báo chí. Hồi tháng 11/2013, tờ New York Times khẳng định ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase đã tuyển dụng con gái ông là Wen Ruchun, có thể là nhằm giành được những hợp đồng béo bở tại Trung Quốc.
Theo tờ báo trên, Ngân hàng này với chính sách tuyển mộ người thân của các lãnh đạo Bắc Kinh, từng bị chính quyền Mỹ điều tra, đã chi 1,8 triệu đô la cho công ty tư vấn của con gái Ôn Gia Bảo từ 2006 đến 2008. Tài liệu của ICIJ hôm nay cho thấy cách thức bà Wen Ruchun đã xóa dấu vết liên hệ giữa công ty của bà và người cha, sử dụng tên giả là Lily Chang.
Cũng theo ICIJ, đến 90% khách hàng Hoa lục đã lập các công ty tại quần đảo Virgin thuộc Anh để trốn thuế, 7% tại quần đảo Samoa, 3% còn lại tại các thiên đường thuế khóa khác.
Hôm nay phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã cho rằng: “Logic các bài viết của ICIJ là không thuyết phục, đặt ra dấu hỏi về động cơ của họ”. – RFI
5. Cộng Hoà Trung Phi có nữ tổng thống đầu tiên
Các nhà lập pháp của nước Cộng hòa Trung Phi nhiều bất ổn đã chọn Đô trưởng Bangui, bà Catherine Samba-Panza, làm Tổng thống lâm thời trong lúc Liên hiệp Châu Âu chấp thuận một kế hoạch để phái thêm binh sĩ duy trì hòa bình tới quốc gia Phi châu này.
Công việc quan trọng nhất của bà Catherine Samba-Panza hiện nay là chấm dứt tình trạng hỗn loạn kéo dài nhiều tháng và những vụ bạo động giữa người Hồi giáo và người Cơ đốc giáo đã buộc hơn 900,000 người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Vị nữ tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Trung Phi đã lên tiếng kêu gọi hòa bình. “Tôi muốn đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ tới những đồng bào thuộc phe chống Balaka là hãy lắng nghe, hãy gắng sức thực hiện một cử chỉ mạnh dạn, và hãy buông vũ khí. Tôi cũng kêu gọi những đồng bào là cựu phiến quân Seleka hãy lắng nghe và hãy buông vũ khí.”
Bà Samba-Panze lên thay cho cựu Tổng thống lâm thời Michel Djotodia, là người đã từ chức dưới áp lực của quốc tế vì không ngăn chận được những vụ giao tranh. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA hôm thứ hai, bà Samba-Pamza nói rằng việc có một nhà lãnh đạo phái nữ ở Cộng hòa Trung Phi sẽ có ích cho mục tiêu “xoa dịu sự căm phẫn của những người đang mang trong lòng sự thù hận.”
Cộng hòa Trung Phi đã rơi vào tình trạng hỗn loạn từ năm ngoái, sau khi phiến quân Seleka, hầu hết là người theo đạo Hồi, lật đổ Tổng thống Francois Bozize.
Chương trình Thực phẩm Thế giới cho biết vụ rối loạn đang tiếp diễn làm cho thực phẩm cứu trợ của họ ở Cộng hòa Trung Phi sắp bị cạn kiệt. Họ nói rằng những chiếc xe tải chở lương thực đã có mặt tại biên giới Cameroon, nhưng vì mất an ninh, cho nên những người tài xế không chịu lái xe sang biên giới.
Cũng trong ngày thứ hai, các vị ngoại trưởng Liên hiệp Châu Âu họp tại Brussels đã chấp thuận một kế hoạch để phái hàng trăm binh sĩ duy trì hòa bình tới Cộng hòa Trung Phi để hỗ trợ cho 1,600 binh sĩ Pháp và gần 5,000 binh sĩ Phi châu đang có mặt tại nước này.
Hoa Kỳ cho biết họ quyết định cung cấp thêm 30 triệu đô la viện trợ để góp phần thỏa mãn những nhu cầu nhân đạo ở đó. – VOA
6. Tàu Trung Quốc sẽ tuần tra thường xuyên từ đảo Phú Lâm-Trường Sa
Tờ báo China Ocean News, do Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc xuất bản hôm nay 21/1, loan tin là Trung Quốc sẽ đặt một tàu tuần tra dân sự trọng tải 5,000 tấn trên một trong những đảo chính mà Bắc Kinh đang kiểm soát trên Biển Đông.
Tờ báo China Ocean News cho biết chiếc tàu tuần tra này sẽ đậu tại đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi đảo Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là đảo mà trên đó Bắc Kinh đã thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Theo tờ báo này, Trung Quốc sẽ thiết lập một hệ thống tuần tra thường xuyên trên “thành phố Tam Sa” để bảo vệ lợi ích trên biển của nước này. Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm, cũng như xây một cơ sở dữ liệu về an ninh hàng hải.
Tờ báo của Cục Hải dương Trung Quốc không nói rõ khi nào các cuộc tuần tra bắt đầu, mà chỉ cho biết một trong những nhiệm vụ của đoàn tuần tra là tìm kiếm cứu hộ và đối phó một cách “nhanh chóng, hiệu quả” với mọi sự cố bất ngờ trên biển.
Việc tuần tra trên Biển Đông vẫn do các tàu dân sự của Trung Quốc tiến hành, mặc dù các chiến hạm của hải quân nước này cũng thường xuyên diễn tập ở đây, trong đó có cuộc diễn tập vào năm ngoái của hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, một đội tàu thuộc Hạm đội Nam Hải hôm qua (20/01/2014) đã rời một hải cảng quân sự ở tỉnh Hải Nam để mở một cuộc tập trận mới trên Biển Đông. Đội tàu diễn tập lần này có ba chiếc, gồm tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn, tàu đổ bộ có trọng tải lớn nhất của Trung Quốc và hai khu trục hạm Hải Khẩu và Vũ Hán. – RFI
7. Khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ làm lu mờ chuyến đi Âu Châu của ông Erdogan
Chuyến đi Brussels của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan được mô tả là một bước quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới mục tiêu gia nhập Liên hiệp Châu Âu. Nhưng chuyến đi này đang bị lu mờ bởi một vụ khủng hoảng chính trị ngày càng nghiêm trọng, phát sinh từ cuộc điều tra tham nhũng kéo dài cả tháng nay mà ông Erdogan mô tả là một cuộc đảo chánh tư pháp được nước ngoài hậu thuẫn.
Các công tố viên đã bắt giữ mấy mươi đồng minh của ông Erdogan và truy tố 20 người về tội rửa tiền, nhận hối lộ và vi phạm các luật lệ về qui hoạch đất đai.
Chuyến viếng thăm đầu tiên trong vòng 5 năm của ông Erdogan tới thủ đô của Liên hiệp Châu Âu vốn có mục đích đưa ra những tín hiệu về một đà tiến mới trong các mối quan hệ sau khi Liên hiệp Châu Âu hồi tháng 11 đồng ý thực hiện lại cuộc đàm phán về vấn đề gia nhập sau 3 năm bị ngưng trệ.
Nhưng nhà bình luận Kadri Gursel của tờ Milliyet ở Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng ông Erdogan có thể đối mặt với một chuyến công du có nhiều khó khăn sau khi ông thực hiện điều mà nhiều người gọi là một vụ thanh trừng trong hàng ngũ cảnh sát và ngành tư pháp. “Ông ấy tới đó như một vị thủ tướng mà tính chính đáng đã bị sứt mẻ. Ông ấy đang bị mọi người chăm chú theo dõi từng li từng tí. Ông ấy đang bị chỉ trích dữ dội vì vụ can thiệp vào ngành tư pháp. Có một sự quan tâm rất lớn vì Thổ Nhĩ Kỳ đang mất đi tính chất của một nhà nước pháp trị.”
Theo lịch trình đã được ấn định, ông Erdogan sẽ họp với các thành viên cấp cao của Ủy hội Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Ủy hội Châu Âu đã bày tỏ sự lo ngại là những đề nghị cải cách pháp lý của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể đe dọa tới nguyên tắc tam quyền phân lập, một đòi hỏi chủ yếu để gia nhập Liên hiệp Châu Âu. Ông Erdogan đã bác bỏ mối quan tâm đó. “Không ai có quyền đưa ra một thông cáo về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ về cải cách tư pháp. Tôi xin lỗi quí vị, nhưng tôi không chấp nhận những thông cáo như vậy. Chúng tôi là những người biết đọc biết viết.”
Nhà khoa học chính trị của Diễn đàn Chính sách Istanbul, ông Cengiz Aktar, nói rằng phản ứng của ông Erdogan đối với sự chỉ trích của Liên hiệp Châu Âu có thể ảnh hưởng tới những mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên hiệp Châu Âu trong tương lai. “Sự nồng ấm trở lại của các mối quan hệ trong năm ngoái đã chấm dứt một cách đột ngột trong ngày hôm nay. Quả banh bây giờ đang ở trên sân của ông thủ tướng. Ông ấy sẽ quyết định có nhượng bộ hay không, hay là ông ấy vẫn cứ làm tới. Nếu cứ làm tới thì sẽ có một vụ khủng hoảng nghiêm trọng với Liên hiệp Châu Âu, vì điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ đang tụt hậu chứ không còn tiến bộ nữa.”
Các nhà quan sát cho rằng vì sự ủng hộ của công chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với mục tiêu gia nhập Liên hiệp Châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục, cho nên một vụ đối đầu với Brussels có thể làm nức lòng những người ủng hộ ông Erdogan. Đây là một yếu tố quan trọng cần phải suy xét vì những cuộc bầu cử cấp địa phương sẽ diễn ra vào tháng 3 và tiếp theo đó là cuộc bầu cử tổng thống vào mùa hè năm nay và bầu cử quốc hội vào năm tới.
Nhưng nhà bình luận Gursel cảnh báo rằng ông Erdogan sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu xảy ra một vụ đối đầu với Liên hiệp Châu Âu. “Nếu ông thủ tướng lợi dụng sự bài xích Liên hiệp Châu Âu để làm hài lòng những người ủng hộ ông thì điều đó chắc chắn sẽ làm cho hình ảnh và sự chính danh của Thổ Nhĩ Kỳ bị hủy hoại hoàn toàn. Và điều đó sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước.”
Vụ bất ổn chính trị hiện nay đã gây thiệt hại nặng nề cho các thị trường tài chánh của Thổ Nhĩ Kỳ, với tỉ giá của đồng lira xuống thấp tới mức kỷ lục. Các nhà quan sát cảnh báo rằng một vụ khủng hoảng ngoại giao với Liên hiệp Châu Âu sẽ làm mất tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ. – VOA