Tin Thế Giới 13/8/2014
Mỹ-Úc nhất trí mở rộng liên minh quốc phòng với Nhật Bản và Ấn Độ — Viện Lowy: Các nước cần liên minh ứng phó với TQ
Trong một động thái chắc chắn sẽ khiến cho Trung Quốc phật ý, Hoa Kỳ và Úc vào hôm qua 12/08/2014 đã chính thức ký Hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt là chính thức hóa việc triển khai 2500 lính thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Darwin, miền Bắc Úc, sát Biển Đông. Bên cạnh đó, hai đồng minh thân thiết còn đồng ý mở rộng liên minh quốc phòng với Nhật Bản ở vùng Đông Bắc Á, và Ấn Độ ở vùng Nam Á.
Hiệp ước đã được hai bên ký kết vào hôm qua nhân Hội nghị Tham vấn thường niên Mỹ-Úc cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng – AUSMIN 2014 – với sự tham gia của các ông John Kerry và Chuck Hagel, phía Mỹ, và bà Julie Bishop cùng ông David Johnston, phía Úc.
Hiệp ước có hiệu lực trong vòng 25 năm này đã chính thức hóa yếu tố nổi nhất trong chính sách xoay trục của Mỹ qua Châu Á Thái Bình Dương: tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Theo hiệp ước Mỹ-Úc, Hoa Kỳ có quyền cho đồn trú thường xuyên 2.500 lính Thủy quân lục chiến tại căn cứ Darwin để sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Không quân và Hải quân Mỹ cũng được quyền tiếp cận các căn cứ Úc một cách rộng rãi hơn.
Bên cạnh đó, hai bên cũng quyết định hợp tác với nhau trong việc hình thành hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại khu vực Đông Bắc Á, cũng như tăng gia hợp tác và thao dượt hải quân.
Khía cạnh song phương Mỹ-Úc dĩ nhiên đã được hầu hết các nhà quan sát chú ý, nhưng kết quả các cuộc đàm phán Mỹ-Úc vào hôm qua còn bao hàm một yếu tố khác quan trọng không kém: Đó là việc cả Canberra lẫn Washington đều nhất trí dùng hợp tác quân sự-quốc phòng của mình làm nòng cốt để mở rộng liên minh.
Trước hết là liên minh với Nhật, từng được dự báo sau chuyến thăm Úc lịch sử gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong lãnh vực này, bản Thông cáo chung của AUSMIN nói rõ: “Úc và Hoa Kỳ hoan nghênh nỗ lực của Nhật Bản nhằm đóng góp lớn hơn vào hòa bình và ổn định quốc tế, bao gồm cả quyết định của Nhật hành xử quyền tự vệ tập thể theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Hai nước (Mỹ và Úc) cam kết duy trì các quan hệ an ninh song phương mạnh mẽ với Nhật Bản, phát huy hợp tác an ninh và quốc phòng ba bên, trong đó có cơ chế Đối thoại Chiến lược Ba bên, và phát triển hơn nữa các cuộc tập trận ba bên hiện hữu”.
Đối với Ấn Độ cũng thế, Mỹ và Úc đều công nhận tư cách “nền dân chủ lớn nhất thế giới” và “cường quốc kinh tế và chiến lược quan trọng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” của New Delhi.
Trên cơ sở đó, Mỹ và Úc xác nhận ý định mở rộng hợp tác ba bên với Ấn Độ, trong những lãnh vực như an ninh hàng hải, an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế, cũng như thông qua hợp tác với Ấn Độ trong các tổ chức khu vực.
Theo kết luận của cuộc khảo sát do Viện Lowy, tổ chức nghiên cứu và cố vấn chiến lược tại Australia, thực hiện vừa công bố hôm nay 13/8, sự hung hãn của Trung Quốc và cảm giác chưa an tâm về cách ứng phó của Mỹ khiến các cường quốc hạng trung ở khu vực Ấn Độ-Châu Á Thái Bình Dương hướng tới các phương thức vượt ra ngoài những biện pháp truyền thống để đảm bảo an ninh.
Các tác giả cuộc nghiên cứu nhận xét sự trỗi dậy của Trung Quốc có phần chắc sẽ không ôn hòa và rằng cam kết của Mỹ với khu vực chưa mấy đáng trông cậy vì dù có chính sách xoay trục về Châu Á, nhưng Mỹ vẫn bị chi phối bởi tình hình bất ổn ở Trung Đông và các thách thức mới từ Nga.
Vì vậy, vẫn theo cuộc nghiên cứu, thay vì chờ xem mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi về đâu, các nước trong khu vực nên áp dụng chính sách gọi là ‘liên minh các cường quốc hạng trung.’
Viện Lowy nhận định sự hợp tác giữa liên minh các cường quốc hạng trung sẽ giúp gầy dựng một sức bật trong khu vực trước những thay đổi bất thường trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Nghiên cứu nói Ấn Độ, Nhật, Nam Triều Tiên, Australia, Indonesia, Việt Nam, Philippines, và các nước khác nên chủ động và tự hoạch ra tương lai an ninh của mình bằng cách siết chặt quan hệ quốc phòng và chiến lược với nhau để đối phó với một Trung Quốc ‘giương oai diễu võ’, góp phần bảo vệ an ninh khu vực.
Các nghiên cứu gia ở Viện Lowy chỉ ra rằng Ấn Độ và Australia có thể là những thành tố cốt lõi trong việc xây dựng liên minh các cường quốc hạng trung này. – RFI, VOA
Hơn 200 xe cứu trợ Nga vẫn tiến về biên giới, bất chấp cảnh báo của Kiev
Theo AFP, đoàn xe của Nga chở đồ cứu trợ nhân đạo cho người dân vùng chiến sự tại miền đông Ukraine hôm nay 13/8/2014 vẫn tiếp tục tiến gần về biên giới với Ukraine, bất chấp những lo ngại từ Kiev và các nước phương Tây.
Phát ngôn viên bộ Tình trạng khẩn cấp Nga của Ukraine cho AFP biết, “đoàn xe đang tiếp tục hành trình” hướng về biên giới Ukraine theo dự kiến. Theo cơ quan này, đoàn cứu trợ gồm khoảng 280 xe tải. Tuy nhiên nguồn tin ngoại giao Nga nói chỉ có 262 xe.
Đài truyền hình Nga đưa tin trong ngày hôm nay đoàn cứu trợ nhân đạo còn phải đi qua 500 km, dự kiến tối nay mới tới cửa khẩu biên giới Chebekino-Pletnevka, nằm giữa vùng Belgorod và Khorkov, nằm dưới sự kiểm soát của quân chính phủ Ukraine.
Báo chí Nga hôm nay theo dõi rất sát và đưa tin rầm rộ về hành trình của đoàn xe cứu trợ, xuất phát sáng hôm nay từ căn cứ quân sự Alabino, phía tây nam Moscow, chở theo 1800 tấn thực phẩm, thuốc men và máy phát điện.
Bộ Ngoại giao Nga hôm qua khẳng định đoàn xe sẽ tiến hành đưa đồ cứu trợ theo đúng như quy định của Ukraine, tức là chấp nhận đi theo hành trình của Kiev và chịu sự kiểm tra hàng hoá.
Tuy nhiên, phía Ukraine tố Nga mượn đường cứu trợ nhân đạo để tiếp viện vũ khí cho quân nổi dậy thân Nga. Kiev cảnh báo những xe như vậy sẽ không được phép xâm nhập vào bên trong lãnh thổ Ukraine. Đồng thời Kiev cũng yêu cầu các thùng hàng cứu trợ phải được chuyển qua xe của Hội chữ thập đỏ tại biên giới Nga-Ukraine.
Đòi hỏi này của Ukraine đã được Hoa Kỳ ủng hộ. Phát ngôn viên Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf hôm qua tuyên bố: “Nga không có quyền vào bên trong Ukraine một cách đơn phương không được phép của Kiev, cho dù dưới hình thức đoàn cứu trợ nhân đạo hay bất kỳ lý do gì khác”. Trước đó, tổng thống Nga đã biện minh cho quyết định đưa hàng cứu trợ vào Ukraine là do hậu quả tai hoạ từ những cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Ukraine vào các vùng miền đông Donetsk và Lugansk, hai cứ điểm chính của quân nổi dậy. – RFI
Xây dựng đường truyền Internet tốc độ cao xuyên TBDương — Các nhà khoa học tìm cách bỏ việc sử dụng mật khẩu
Một đường tuyến cáp quang mới xuyên Thái Bình Dương với tốc độ 60 terabyte mỗi giây sẽ được xây giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trước cuối năm 2016.
Hệ thống trị giá 300 triệu đô được gọi là “FASTER” sẽ được tài trợ bởi 5 công ty công nghệ châu Á, trong đó có China Mobile International và tập đoàn NEC của Nhật Bản, sẽ xây dựng hệ thống này. Google cho biết họ cũng sẽ hỗ trợ cho dự án mới.
Tuyến cáp quang mới này sẽ được trang bị công nghệ cáp quang tiên tiến nhất và sẽ truyền tải giữa các trung tâm lớn trong vùng Duyên hải phía tây Hoa Kỳ và tại 2 nơi ở Nhật Bản. Ở 2 đầu đường truyền sẽ kết nối liền mạch với những đường cáp khác mở rộng đường truyền dữ liệu.
Các bên ký kết của thỏa thuận này cho biết hệ thống sẽ cung cấp đường truyền dữ liệu kỹ thuật số nhanh hơn giữa 2 khu vực, nơi mà ngày càng cần các đường truyền rộng lớn và vì thế việc xây dựng sẽ được bắt đầu ngay lập tức.
Trong khi đó, một vấn nạn Internet hiện nay là tin tặc khắp nơi trên thế giới đang ngày càng thiện nghệ hơn trong việc đánh cắp mật khẩu, vì vậy các nhà khoa học về công nghệ máy tính đang tìm cách thay thế sự phiền toái lớn nhất này của máy tính cho thế hệ máy kế tiếp sau khi hệ thống này đình chỉ.
Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Phòng thủ Tối tân của Quân đội Hoa Kỳ (DARPA), chịu trách nhiệm về việc thiết lập mạng Internet, đang được hỗ trợ kinh phí cho những dự án nghiên cứu để máy tính sẽ không còn sử dụng mật khẩu nữa.
Trong dự án có tên là “Active Authentication Project”, các nhà khoa học đang hướng vào việc sử dụng một số những dấu hiệu tiềm ẩn đặc trưng cho mỗi người và người khác không thể lặp lại.
Ví dụ, cách mà chúng ta xử lý điện thoại thông minh của mình, cử động của bàn tay và những động tác khi chúng ta sử dụng điện thoại, có thể được nhận dạng bởi các bộ phận cảm biến. Điện thoại có thể “ghi nhớ” những dấu hiệu đó, tích cực theo dõi và tự động khóa khi có người khác tìm cách sử dụng điện thoại.
Các nhóm nhà khoa học khác đang tìm cách làm cho các máy tính và các điện thoại thông minh của chúng ta làm thế nào nhận ra cách viết, từ ngữ ta sử dụng, cách chúng ta cấu trúc câu và những lỗi mà chúng ta thường mắc phải.
Vẫn còn một dạng bảo mật khác sẽ hỏi người sử dụng nói một cụm từ thay vì phải gõ mật khẩu, để cảm nhận không chỉ những từ ngữ mà còn là những khác biệt tinh tế trong giọng nói và phát âm.
DARPA cho biết những dự án này đã cho các kết quả rất tốt và một số trong những nhà sản xuất máy tính và điện thoại thông minh lớn nhất đã tỏ ý muốn lắp ghép chúng vào những thiết bị mới. – VOA
Mỹ sẽ giám sát ‘các đảo đá, đảo san hô và bãi cạn’ ở Biển Đông
Hoa Kỳ cho biết sẽ giám sát những vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông để xem căng thẳng có giảm đi hay không, sau khi Trung Quốc bác bỏ một đề nghị mà Washington trình bày tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Myanmar nhằm ngưng chỉ các hành động gây hấn.
Các giới chức Hoa Kỳ cho biết họ sẽ giám sát “các đảo đá, các đảo san hô, và các bãi cạn” ở Biển Đông để tìm kiếm những dấu hiệu của sự giảm thiểu căng thẳng ở những vùng biển mà lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong thời gian qua đã đối đầu với tàu bè của Việt Nam và Philippines. Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau, khiến vùng này trở thành một điểm nóng có thể gây ra những vụ xung đột với những hậu quả tai hại cho công cuộc giao thương toàn cầu.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry từng hy vọng hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Myanmar sẽ tán đồng đề nghị ngưng chỉ mọi hành vi gây hấn ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đã tạo áp lực, đưa tới chỗ ASEAN chấp nhận một thỏa thuận có tính chất hòa hoãn hơn và không có tính chất cưỡng hành.
Khi được hỏi về thỏa thuận đó, Ngoại trưởng Kerry nói rằng “ngôn từ trong đó quả thật đã đủ mạnh” để đạt được một số tiến bộ.
“Chúng tôi không tìm cách thông qua một điều gì đó cho có lệ. Chúng tôi tìm cách đưa ra bàn hội nghị những điều mà các nước có thể ủng hộ. Một số nước đã quyết định rằng đó là những điều mà họ sẽ làm. Đây là một tiến trình tự nguyện.”
Nhưng thông cáo của ASEAN không hề trực tiếp nói rằng Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, theo nhận xét của nhà phân tích Michael Auslin của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.
“Nếu chúng ta tiếp tục nói “Chúng tôi không muốn thấy những hành vi cưỡng ép”, Trung Quốc sẽ nói “Vâng, chúng tôi không hề cưỡng ép, họ mới chính là những kẻ cưỡng ép.” Do đó, chúng ta phải dùng những cách khác.”
Ông Auslin cho rằng nếu không như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục định nghĩa lại quyền kiểm soát hành chánh đối với những lãnh thổ có tranh chấp.
“Điều mà Trung Quốc muốn làm là tuyên bố rằng “Không. Không hề có tranh chấp. Không có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku. Không có tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa. Không có tranh chấp gì ở phần lớn khu vực Biển Đông. Không có tranh chấp gì đối với không phận ở Biển Đông Trung Hoa liên quan tới Khu vực Nhận dạng Phòng không, bởi vì đây là nơi mà Trung Quốc chúng tôi đang thật sự thực thi quyền quản lý hành chánh.”
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị tiến hành điều mà ông gọi là “hiệp thương hữu nghị” với ASEAN, nhưng mạnh mẽ khẳng định là Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình trước điều mà ông gọi là “những sự khiêu khích vô lý.”
Sau khi hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc nêu lên nghi vấn về điều mà họ gọi là “ý đồ thật sự” của Mỹ ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf nói rằng Washington không hề gây bất ổn ở Biển Đông.
“Chính những hành vi hung hãn của Trung Quốc đã gây ra bất ổn. Tất cả những gì mà chúng tôi làm đều nhắm tới mục tiêu giảm thiểu căng thẳng, giúp cho các nước giải quyết những bất đồng của họ bằng đường lối ngoại giao, chứ không bằng những biện pháp cưỡng ép hay khiêu khích như chúng ta đã thấy Trung Quốc thực hiện mỗi ngày một nhiều trong những tháng vừa qua.”
Ngoại trưởng Myanmar Wunna Muang Lwin, người đã chủ tọa cuộc họp ngoại trưởng của ASEAN, nói rằng “Không phải là một bên tìm cách ảnh hưởng những bên khác” để chống lại một nước”, mà “Toàn thể ASEAN, không phải ASEAN đối kháng với Trung Quốc,” sẽ giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hòa bình. – VOA
Cảnh sát: ‘Robin Williams treo cổ tự vẫn’
Giới chức thực thi pháp luật cho biết diễn viên hài người Mỹ Robin Williams tự sát bằng cách treo cổ tại nhà riêng ở bang California.
Một giới chức văn phòng cảnh sát trưởng địa phương tiết lộ chi tiết về cái chết của nghệ sĩ này vào thứ Ba, nói rằng trợ lý cá nhân tìm thấy ông đã chết hôm thứ Hai.
Tin tức cho hay Williams, 63 tuổi, lần cuối cùng được nhìn thấy còn sống là ở nhà vào đêm Chủ nhật.
Một thông cáo từ người đại diện cho biết Williams trước khi qua đời đã chống chọi với chứng trầm cảm. Từ lâu người ta vẫn biết Williams chiến đấu với chứng nghiện ma túy và nghiện rượu. Chỉ mới tháng trước, ông thừa nhận ông có vào một cơ sở phục hồi chức năng để giúp duy trì sự tỉnh táo.
Trong sự nghiệp truyền hình và điện ảnh kéo dài nhiều thập kỷ, Williams mang lại niềm vui cho người hâm mộ mọi lứa tuổi. Ông được khen ngợi qua nhiều bộ phim, trong đó có phim “Mrs. Doubtfire”, “Good Morning, Vietnam” và “Good Will Hunting”, bộ phim mang về cho ông giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất vào năm 1998.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi Williams là một nghệ sĩ “có một không hai”, người chạm đến “mọi phần của tinh thần nhân bản.” – VOA