Tin Thế Giới – Thứ Tư 1/1/2014
Tin Thế Giới – Thứ Tư 1/1/2014
1. Hồng Kông đón năm 2014 bằng một cuộc biểu tình đòi dân chủ
2. Kim Jong Un kêu gọi đoàn kết sau vụ thanh trừng lãnh đạo
3. Thủ tướng Nhật: Hiến pháp sẽ được sửa đổi từ nay đến năm 2020
4. Cần sa được bán hợp pháp ở Colorado, Mỹ
5. Miến Điện tuyên bố: Không còn tù nhân chính trị
6. Người dân Trung Quốc không ngần ngại đòi chấm dứt độc tài
7. Một tỷ phú Trung Quốc đòi mua lại báo Mỹ The New York Times
8. Căng thẳng Mỹ-Trung làm lu mờ nổ lực xây dựng quan hệ theo “mô thức mới”
1. Hồng Kông đón năm 2014 bằng một cuộc biểu tình đòi dân chủ
Hồng Kông bước vào năm 2014 với một cuộc xuống đường đòi dân chủ. Ban tổ chức dự kiến 50 ngàn người tham gia cuộc tuần hành phản kháng nhân ngày đầu năm dương lịch, chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh trong bối cảnh đang diễn ra một chiến dịch thăm dò ý kiến về việc cải cách ứng cử và bầu cử.
Theo AFP, hàng chục ngàn người đã tuần hành tại Hồng Kông trong ngày đầu năm dương lịch 2014. Người biểu tình mang biểu ngữ và hô to những khẩu hiệu lên án Trung Quốc và chính quyền Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) bị xem là người của Bắc Kinh.
Trong rừng biểu ngữ có những câu “dân chủ sẽ chiến thắng” hoặc là “muốn cải cách phải tranh đấu”.
Một doanh nhân giải thích: Chúng tôi là dân Hồng Kông, chúng tôi phải có quyền bầu người đại diện. Người dân có thừa thông minh để chọn lãnh đạo tương lai.
Đoàn biểu tình tập họp tại quảng trường Nữ Hoàng Victoria và tuần hành đến Trung tâm tài chính Hồng Kông. Vào trưa nay, ban tổ chức cho biết sẽ có hơn 50 ngàn người tham gia cuộc biểu tình trong “Ngày Đầu năm Dân chủ” hàng năm và kéo dài cho đến tối.
Thông điệp của cuộc biểu dương lực lượng hôm nay là khuyến cáo đảng CSTQ cũng như chính quyền Hồng Kông rằng “người dân Hồng Kông muốn một nền dân chủ thật sự”. Johnson Yeung, thành viên Mặt Trận Nhân Quyền Công Dân, giải thích.
Mặc dù Bắc Kinh cam kết tôn trọng quyền tự quyết, nhưng từ 1997 đến nay, TQ tìm cách trì hoãn không cho bầu cử phổ thông. Lời hứa hẹn cuối cùng là vào năm 2017. Trong hệ thống hiện hành, lãnh đạo Hồng Kông do một ủy ban thân Bắc Kinh gồm 1200 “đại cử tri” bầu lên.
Theo các nhà tranh đấu thì cuộc tham khảo ý kiến cử tri (do chính quyền tiến hành) trong khuôn khổ cải cách luật bầu cử là một “trận chiến phải chiến thắng” trong năm nay. Người dân Hồng Kông lo ngại Trung Quốc sẽ tìm kế hoãn binh để từng bước gậm nhấm không gian còn tương đối tự do tại đây.
Ban tổ chức biểu tình đe dọa là “nếu đảng CSTQ không hiểu thông điệp dân chủ này thì người dân sẽ hành động trực tiếp”. Nhiều nhà tranh đấu dự trù sẽ “chiếm lĩnh” khu tài chính để gây sức ép buộc TQ phải tôn trọng một chế độ bầu cử công bình. Vào trưa nay, hơn 50 ngàn người đã tham gia cuộc thăm dò ý kiến trên mạng về cách chọn lựa lãnh đạo trong kỳ bầu cử 2017. – RFI
2. Kim Jong Un kêu gọi đoàn kết sau vụ thanh trừng lãnh đạo
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã dùng bài diễn văn đầu năm để hô hào tăng cường đoàn kết, tiếp theo sau một vụ thanh trừng trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao gây nhiều chấn động.
Ông Kim Jong Un nói rằng việc xử tử ông Jang Song Thaek là cần thiết để diệt trừ tệ nạn bè phái trong Đảng Lao Động đương quyền.
“Đảng ta đã thực hiện những biện pháp cứng rắn để loại trừ những thành phần cặn bã trong đảng. Tình đoàn kết của chúng ta đã tăng lên gấp trăm lần và những đường lối của cách mạng và của đảng đã trở nên vững chắc hơn qua việc thanh trừng bọn phản đảng, phản cách mạng.”
Cũng giống như những bài diễn văn của những năm trước, năm nay ông Kim cũng đưa ra một thông điệp vừa có tính chất đe dọa vừa có tính chất hòa giải cho thế giới bên ngoài.
Ông nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện điều gọi là “những nỗ lực rất tích cực” để cải thiện quan hệ với Nam Triều Tiên trong năm mới. Nhưng ông cũng dùng điều gọi là “thảm họa hạt nhân cực kỳ to lớn” để đe dọa nước Mỹ.
“Những tình huống nguy hiểm đã xuất hiện và nó có thể làm cho một vụ va chạm quân sự nhỏ bùng ra thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Nếu chiến tranh bùng ra trên đất nước này, nó sẽ mang lại một thảm họa hạt nhân vô cùng to lớn. Thậm chí nước Mỹ sẽ không bao giờ được an toàn.”
Các nhà phân tích cho rằng ông Kim Jong Un đang tìm cách phô bày một thái độ tự tin sau khi ông Jang Song Thaek bị xử tử một cách bất ngờ vì tội gọi là âm mưu lật đổ chính quyền.
Vụ thanh trừng ông Jang và những người thân cận của ông này đã làm cho một số người nêu ra câu hỏi là phải chăng ông Kim Jong Un đã không còn nắm chắc quyền hành trong tay nữa, bởi vì Bắc Triều Tiên lâu nay rất ít khi thừa nhận có sự bất đồng ý kiến trong nội bộ.
Ông Stephen Noerper, một nhà phân tích của Hội Triều Tiên, cho đài VOA biết rằng mặc dù ông Kim Jong Un có vẻ tự tin, nhưng sự ổn định trong dài hạn của chính quyền ở Bình Nhưỡng cần phải được theo dõi sát.
“Có thể có những phe nhóm đang tranh nhau để thu hút sự chú ý của nhà lãnh đạo trẻ. Điều này không có nghĩa là ông ấy đang nắm chắc toàn bộ quyền hành trong tay. Đó có thể là ý kiến của hầu hết các nhà phân tích. Nhưng cũng có một số người cho rằng có sự chia rẽ trong số những người trung thành với dượng của ông Kim Jong Un.”
Diễn văn này cũng có những lời lẽ có tính chất khiêu khích nhắm vào Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên mà một số người cho là có ích cho ông Kim Jong Un trong việc khích động tinh thần dân tộc và tăng cường sự đoàn kết.
Ông Raph Cossa, chuyên gia an ninh Á châu của Diễn đàn Thái bình dương ở Hawaii, cho rằng những lời đe dọa của ông Kim nhắm vào Hoa Kỳ là “ngu xuẩn”, nhưng không khác gì những lời lẽ hung hăng mà Bình Nhưỡng đã đưa ra trong thời gian gần đây.
“Đó là gịong điệu chính mà chúng ta đã nghe trong năm vừa qua. Bắc Triều Tiên giờ đây tuyên bố họ có thể bắn tới Washington và tấn công nước Mỹ. May cho họ là chúng ta không tin như vậy, bởi vì nếu chúng ta tin họ có thể làm điều đó, thì chúng ta sẽ có phản ứng vào lần tới khi họ đặt phi đạn lên bệ phóng và bắt đầu đưa ra những lời đe dọa.”
Ông Cossa không tin là ông Kim Jong Un sẽ thực hiện lời hứa cải thiện quan hệ với Nam Triều Tiên. Ông nói rằng ông Kim Jong Un năm ngoái cũng đã hứa như vậy, trước khi liên tục đưa ra những lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân tấn công Hoa Kỳ và đồng minh. – VOA
3. Thủ tướng Nhật: Hiến pháp sẽ được sửa đổi từ nay đến năm 2020
Hôm nay 1/1/2014 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, bản Hiến pháp hòa bình do người thắng trận là Hoa Kỳ áp đặt từ sau Đệ nhị Thế chiến, sẽ được sửa đổi từ nay cho đến năm 2020 – năm diễn ra Thế vận hội Tokyo.
Trên mục diễn đàn nhật báo bảo thủ Sankei Shimbun, ông Shinzo Abe khẳng định bản Hiến chương trong đó điều 9 nói rằng “vĩnh viễn không tham gia chiến tranh”, “sẽ được sửa đổi từ nay đến năm 2020”. Ông tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ tái lập hoàn toàn vị thế và đóng góp lớn lao cho hòa bình trong khu vực và trên thế giới”.
Bị Trung Quốc và Hàn Quốc coi là một nhân vật “diều hâu” về chính sách đối ngoại, ngay từ khi quay lại nắm quyền vào cuối tháng 12/2012 ông Abe đã nêu ra mục tiêu xem xét lại Hiến pháp. Bắt đầu là việc “giảm nhẹ” điều 96 chi phối mọi tu chính Hiến pháp, có hiệu lực từ năm 1947.
Trong thông điệp đầu năm hôm nay, Thủ tướng Abe nhấn mạnh ý hướng sửa đổi Hiến pháp. Ông giải thích: “68 năm đã trôi qua, đã đến lúc đi sâu tranh luận trên toàn quốc về việc sửa đổi cho phù hợp với những thay đổi của thời đại. Bây giờ là thời điểm cho nước Nhật tiến một bước dài về phía trước, và nỗ lực xây dựng quốc gia”.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng nhân dịp này tái khẳng định quyết tâm không hề nhường bước trong các xung đột lãnh thổ với Bắc Kinh và Seoul. Ông cảnh báo: “Chúng ta quyết tâm bảo vệ đến cùng lãnh thổ quốc gia trên đất liền, trên biển và trên không”. – RFI
4. Cần sa được bán hợp pháp ở Colorado, Mỹ
Bang Colorado của Hoa Kỳ đi vào lịch sử khi trở thành bang đầu tiên cho phép các cửa hàng bán cần sa từ hôm nay 1/1/2014.
Ước tính có tới khoảng 30 cửa hàng sẽ bắt đầu bán cần sa cho mục đích tiêu khiển vào ngày đầu năm mới, được gọi là Thứ Tư Xanh.
Colorado, cùng với bang Washington, đã bỏ phiếu hợp pháp hóa việc dùng và sở hữu cần sa cho người trên 21 tuổi hồi tháng 11/2012.
Nhưng bang Washington sẽ chưa cho phép bán cho tới những tháng sau này của năm 2014.
Colorado vàd Washington nằm trong số 20 bang đã cho phép sử dụng cần sa để chữa trị bệnh nhưng nó vẫn bị cấm theo luật liên bang.
Chủ các cửa hàng đã dự trữ sẵn cần sa, chuẩn bị khai trương và thuê thêm nhân viên an ninh nhằm chuẩn bị cho ngày Thứ Tư Xanh.
Theo luật mới, cần sa sẽ được bán như rượu. Cư dân của Colorado có thể mua một ounce (chừng 28 gram) trong khi những người không sống ở bang này có thể mua một phần tư ounce.
Khi hút cần sa ở các tư gia, những người hút cần được sự đồng ý của chủ nhà.
Báo Denver Post nói cần sa sẽ bị đánh thuế như rượu và các quan chức ước tính họ sẽ thu được hàng triệu đô la tiền thuế.
Giới chức cũng nói 40 triệu đô la tiền thuế đầu tiên sẽ được dùng để xây trường học.
Cả thảy có 136 cửa hàng ở Colorado đã được cấp phép bán cần sa, đa số ở Denver.
Một số cộng đồng ở Colorado đã thực hiện quyền chọn không có cửa hàng trong khu vực của họ.
Những người ủng hộ hợp pháp hóa cần sa đã khen ngợi quyết định của Colorado và nói rằng bang này đã tìm được lối thoát cho cuộc chiến chống ma túy bất thành.
Nhưng giới chỉ trích nói Colorado gửi đi thông điệp sai lầm cho giới trẻ và sợ rằng nó sẽ mang lại các vấn đề về xã hội và sức khỏe nghiêm trọng. – BBC
5. Miến Điện tuyên bố: Không còn tù nhân chính trị
Vào đúng ngày cuối năm, 31/12/2013, chính quyền Miến Điện chính thức loan báo là không còn một tù nhân chính tri nào trên đất nước này. Vào hôm 30/12, Tổng thống Thein Sein đã ban hành cùng một lúc hai lệnh ân xá, qua đó thực hiện đầy đủ lời hứa trả tự do cho toàn bộ các tù nhân lương tâm trước cuối năm nay.
Theo AFP, vào tối hôm qua, ông Thein Sein đã ra lệnh trả tự do cho tất cả các tù nhân bị kết án về tội phản quốc, nổi loạn, biểu tình bất hợp pháp và các tội khác trong khuôn khổ các đạo luật hà khắc được tập đoàn quân sự trước đây sử dụng để trấn áp đối lập.
Trong một quyết định riêng biệt, Tổng thống Miến Điện cũng đã ân xá cho năm tù nhân chính trị bị giam giữ vì những lý do khác.
Trên trang mạng Facebook của mình, ông Ye Htut, phát ngôn viên của Tổng thống Miến Điện tuyên bố là thông qua hai lệnh ân xá, “Tổng thống (Thein Sein) đã hoàn thành cam kết với mọi người, bởi vì vào cuối năm 2013, sẽ không còn bất kỳ một tù nhân chính trị nào”. Tuy nhiên nhân vật này không cho biết là có bao nhiêu người được ân xá, và họ sẽ được phóng thich từ lúc nào.
Trả lời AFP, lãnh đạo cơ quan phụ trách các nhà tù tại Miến Điện, ông Than Htay, thừa nhận là trước mắt ông chưa biết là có bao nhiêu tù nhân được hưởng lệnh ân xá vừa được ban hành. Theo ông, giới hữu trách vẫn đang kiểm tra danh sách để trả tự do cho những người thực sự nằm trong diện được ân xá. Ông cam kết: “Chúng tôi sẽ thả họ càng sớm càng tốt”.
Theo một nhà báo AFP tại Rangoon, ít ra là đã có hai tù nhân chính trị trong đợt ân xá cuối năm này đã được thả ra khỏi nhà tù Insein vào sáng hôm nay. Hàng trăm thân nhân của các tù chính trị đã tụ tập trước cổng nhà tù lớn ở Rangoon này đã đón người thân.
Yan Naing Tun, một trong hai người vừa được tự do, đã hoan nghênh việc ông Thein Sein giữ lời hứa: “Tổng thống đã giữ lời hứa, tôi kính trọng ông ấy vì đã giữ lời cam kết của mình”. Cựu tù nhân này đã bị kết án tám tháng tù giam vì tham gia vào một cuộc tuần hành vì hòa bình tại bang Kachin, ở miền Bắc Miến Điện, nơi vẫn diễn ra một số cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa quân đội và phiến quân của dân tộc thiểu số Kachin.
Trước ngày chính quyền quân sự tự giải thể vào tháng Ba năm 2011, các tổ chức nhân quyền tố cáo Miến Điện là đã giam giữ khoảng 2,000 tù nhân lương tâm. Tuy nhiên, kể từ lúc đó đến nay, chế độ dân sự lên thay tập đoàn quân sự đã lần lượt trả tự do cho hàng trăm người đối lập, từ tu sĩ, nhà báo cho đến các luật sư.
Nhân chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Thein Sein đến Luân Đôn vào tháng Bảy vừa qua, ông đã hứa sẽ thả toàn bộ các tù nhân lương tâm vào cuối năm nay. – RFI
6. Người dân Trung Quốc không ngần ngại đòi chấm dứt độc tài
Với những tấm biểu ngữ kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài Trung Quốc, phong trào đường phố ở Quảng Đông muốn thắp lên ngọn đuốc cách mạng dân chủ phát xuất từ quê quán của nhà cách mạng dân chủ Tôn Dật Tiên. Họ gọi chế độ Trung Quốc là “côn đồ” và yêu cầu quan chức từ trung ương đến địa phương công khai hóa tài sản.
Phong trào tranh đấu từ đường phố phát xuất ở miền nam TQ với tên gọi “Nam Phương Nhai Thủ Vận Động” (Nan Fang Jie Tou Yun Dong). Đây là một mạn lưới tranh đấu được thành lập tại tỉnh Quảng Đông chỉ cách nay hai năm đã đặt chính quyền TQ vào thế cố thủ. Phương châm hành động của tổ chức xã hội dân sự này là “không sợ” chính quyền , công khai các yêu sách chính trị để các phong trào phản kháng trên toàn quốc noi theo.
Tỉnh Quảng Đông nằm sát Hồng Kông nên mức độ kiểm soát của chính quyền TQ cũng tương đối nới lỏng hơn những nơi khác. Nhưng đặc biệt hơn cả, Quảng Đông có một truyền thống nổi dậy, được tiếp cận với văn hóa cỡi mở của Tây phương và là quê hương của bác sĩ Tôn Dật Tiên, cha đẻ của cuộc cách mạng dân chủ lật đổ nhà Thanh vào năm 1911, chấm dứt hơn 2,000 năm phong kiến để thành lập chế độ Cộng hòa.
Đương nhiên là chính quyền TQ không để yên cho một phong trào công dân lớn mạnh. Nhiều thành viên của tổ chức đã bị nhốt vào nhà giam nhưng chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi. Một trong những thành viên được AFP tiếp xúc tên là Tạ Văn Phi, một công nhân 37 tuổi quê quán ở miền trung. Trên danh thiếp ghi hai hàng chử: thành viên Nam Phương Nhai Thủ Vận Động, thấy việc sai trái mà im lặng là theo kẻ gian tà.
Tháng 9/2013, trong một cuộc xuống đường,Tạ Văn Phi đi đầu với biểu ngữ “chấm dứt độc tài”. Dù bạn bè khuyến cáo thế nào cũng bị bắt nhưng anh giải thích hai lý do: một là chứng minh với những người bạn có cùng quan điểm là phải “chiến thắng tâm lý sợ chính quyền” và thứ hai là để xác định rằng đảng Cộng sản đã mất tính chính đáng trong đôi mắt của người dân và luật pháp.
Theo lời kể của doanh nhân trẻ Vương Ái Trung, phong trào tranh đấu đường phố phương Nam được thành lập vào năm 2011, lúc đầu tổ chức tập họp thường xuyên mỗi tháng trong một công viên cho đến khi công an ngăn cấm.
Từ đó, họ chuyển sang hình thức họp mặt từng nhóm nhỏ hàng chục lần trong năm nay và yêu cầu giới cầm quyền phải báo cáo với nhân dân tài sản của bản thân và gia đình, phải trả tự do cho các nhà dân chủ và chấm dứt chế độ áp bức, độc đảng.
Theo Vương Ái Trung, các yêu sách có thể khác nhau nhưng có cùng một mục tiêu đi tới là “chấm dứt chế độ độc tài này”.
Rất nhiều di dân từ các tỉnh khác đến Quảng Đông lao động đã tham gia phong trào phản kháng này nhất là từ khi xảy ra các cuộc biểu tình ủng hộ tuần báo Nam Phương Châu Mục nổi tiếng có nhiều bài viết “tự do” bị kiểm duyệt hồi đầu năm 2013.
Nếu ở một tỉnh khác, phong trào xã hội dân sự tương tự như vậy sẽ bị trả giá nặng hơn như trường hợp ba nhà tranh đấu ở Quảng Tây bị lãnh án năm năm tù vì đòi lãnh đạo công bố tài sản.
Phong trào công dân, theo giới phân tích, là đại diện của đa số thầm lặng nhưng hết muốn im lặng bên cạnh những khuôn mặt biểu tượng như ông Lưu Hiểu Ba, nghệ sĩ Ngải Vị Vị, luật sư mù Trần Quang Thành.
Họ có thể là một công nhân bị sa thải như Gia Bình, 24 tuổi. Do uất ức, anh giương biểu ngữ “đảng Cộng sản không đại diện nhân dân” với hậu quả là 20 ngày tù nhưng anh không sợ và sẽ tiếp tục tranh đấu.
Nhân vật lãnh đạo phong trào đường phố Nam phương là ai ? Ông Dương Mậu Đông, bút hiệu Quách Phi Hùng bị bắt lại hồi tháng 8 năm nay sau khi mãn hạn bản án 5 năm tù hay một nhà đối lập nào đó mà Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan tuyên truyền đại diện của xu hướng cực đoan nhất tại Trung Quốc gọi là “những kẻ nguy hiểm cho chế độ, lấy việc chống đảng Cộng sản làm lẽ sống”.
Theo chuyên gia độc lập Eva Pils, đại học Hồng Kông, thì đông đảo người dân miền nam TQ muốn tiến xa hơn, tấn công thẳng vào chế độ độc đoán, đòi tự do, đòi dân chủ và nhân quyền. – RFI
7. Một tỷ phú Trung Quốc đòi mua lại báo Mỹ The New York Times
Chưa biết sẽ mua thật hay không, phát biểu nhân một buổi lễ trao giải thưởng báo chí tại Thâm Quyến vào hôm 30/12, một tỷ phú Trung Quốc đã cho biết là ông sắp qua Mỹ để bàn bạc về việc mua lại nhật báo Mỹ nổi tiếng The New York Times.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cách nay 4 tháng giới chủ nhân tờ báo Mỹ đã khẳng định là không hề có ý định nhượng tờ The New York Times lại cho người khác.
Theo AFP, người tuyên bố muốn mua lại nhật báo Mỹ là ông Trần Quang Tiêu (Chen Guangbiao), một trong những người được nằm trong danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc. Nhân vật này được biết đến qua một số hoạt động từ thiện, nhưng lại nổi tiếng nhiều hơn qua quan điểm dân tộc chủ nghĩa và những pha quảng cáo phô trương quá trớn.
Phát biểu với đám đông vào hôm qua, nhà tỷ phú này đã khẳng định rằng ông sắp qua Mỹ để làm ba việc, trong đó công việc đầu tiên là “thảo luận về việc mua lại tờ The New York Times”. Khi được yêu cầu giải thích rõ hơn, nhà tỷ phú này chỉ nói đơn giản “Đàm phán đang được tiến hành”.
Tuy nhiên, chủ nhân của tờ báo Mỹ đã từng lên tiếng cho biết là họ không hề có ý định bán tờ The New York Times cho người khác. Lập trường này đã được tập đoàn phát hành tờ báo khẳng định chắc chắn vào tháng Tám vừa qua khi có hai tờ báo Mỹ khác là The Boston Globe và The Washington Post đã được chủ mới mua lại.
Theo AFP, tài sản của ông Trần Quang Tiêu được ước tính khoảng 5 tỷ nhân dân tệ (825 triệu đô la).
Quan điểm dân tộc chủ nghĩa và bài Nhật của nhân vật này rất rõ, đặc biệt là trong tương quan với tờ The New York Times.
Vào năm 2012, khi Bắc Kinh tăng tốc tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Tokyo, ông Trần Quang Tiêu đã bỏ tiền mua quảng cáo trên tờ báo Mỹ để khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Vào tháng Tám vừa qua, đến lượt con trai ông, và rồi chính ông, hai lần mua quảng cáo cũng trên tờ New York Times để kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đừng đi thăm đền Yasukuni, điều mà ông Abe vẫn làm hồi tuần trước.
Theo giới quan sát, việc ông Trần Quang Tiêu nhắm vào tờ The New York Times có thể xuất phát từ ý muốn khống chế một phương tiện truyền thông đầy uy tín, đã từng khiến chế độ Bắc Kinh nhức đầu vào năm 2012 khi công bố một phóng sự điều tra về tài sản kếch xù của gia đình cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Ngay sau vụ này, trang web của báo The New York Times đã bị chặn tại Trung Quốc, trong khi một số phóng viên của tờ báo bị cấm visa nhập cảnh vào Trung Quốc. – RFI
8. Căng thẳng Mỹ-Trung làm lu mờ nổ lực xây dựng quan hệ theo “mô thức mới”
Hoa Kỳ và Trung Quốc đứng trước nhiều căng thẳng quan trọng trong bang giao vào năm 2013, làm lu mờ các nỗ lực xây dựng điều họ gọi là một “mô thức mới” trong quan hệ giữa hai cường quốc.
Viện nghiên cứu Washington, Trung tâm Woodrow Wilson cứu xét các căng thẳng đó trong tháng này, trong khuôn khổ một cuộc thảo luận nhằm duyệt lại những diễn biến then chốt trong bang giao Trung-Mỹ suốt năm vừa qua.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nhậm chức vào tháng 3. TT Obama đã mở cuộc hội kiến lần đầu tiên với ông Tập tại khu nghỉ mát Sunnylands ở California hồi tháng 6.
Ông Isaac Stone Fish, phó chủ biên tạp chí Ðối Ngoại, nói rằng cuộc họp đã làm thay đổi các quan niệm của Hoa Kỳ về nhà lãnh đạo TQ.
“Ðây là lần đầu tiên chúng ta thấy một nhà lãnh đạo TQ dường như thực sự tin rằng HK và TQ nên giao tiếp trên một vị thế bình đẳng. Chúng ta đã thấy rằng với Sunnylands, ông Tập Cận Bình dường như tin rằng gây ra được cảm tưởng đó là có lợi cho TQ. Biến chuyển đó sẽ làm thay đổi bản chất của bang giao Trung-Mỹ trong mọi lãnh vực từ nhân quyền…cho đến thương mại, chính trị quốc tế cho đến việc giao dịch với Nhật Bản.”
GS sử học Jeffrey Wasserstrom của trường Ðại học California, nói rằng các giới chức HK đã học được thêm một điều khác về ông Tập, đó là ông ta có nhiều điểm chung với những người tiền nhiệm.
“Bất cứ lúc nào có các nhà lãnh đạo mới của TQ, là HK lại nuôi những hy vọng quá mức rằng bởi lẽ họ nói về cải cách kinh tế và xã hội nên ắt hẳn trong thâm tâm, họ cũng muốn có cải cách chính trị. Chúng ta đã thất vọng về ông Hồ Cẩm Ðào. Và nay chúng ta lại thất vọng về ông Tập Cận Bình. Chung quy ông là một nhà độc tài, một nguời theo chủ nghĩa dân tộc, một nhà cải cách muốn can dự với nhiều thứ trong nền kinh tế và cơ cấu xã hội, và điều đó rất giống với bản chất của ông Ðặng Tiểu Bình. Chúng ta muốn ông ta là một thứ Gorbachev của Trung Quốc, nhưng chúng ta sẽ thất vọng.”
Sự kiện Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các vụ tranh chấp lãnh hải với các lân quốc cũng là một nguồn căng thẳng đáng kể với Hoa Kỳ. Bắc Kinh tuyên bố thành lập một vùng Nhận diện Phòng không ADIZ ngoài khơi duyên hải phía đông vào tháng 11.
Ðiều phối viên của cuộc hội thảo, ông Robert Daly, đứng đầu Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ của Trung tâm Wilson, nói rằng vùng này là một động thái không đến mức gây thiệt hại nhiều cho Bắc Kinh như một số người nghĩ.
“Theo quan điểm của Bắc Kinh, họ đang đạt được các mục tiêu của họ, họ đang tỏ ra các dấu hiệu rằng họ sẽ không rút lại những tuyên bố mơ hồ rằng đây là một vùng của TQ. Và họ đã làm điều này một phần để chứng tỏ sự nhất quán – có liên quan đến những hòn đảo đang có tranh chấp Senkaku/Ðiếu Ngư. Tôi nghĩ có lẽ họ cảm thấy đây là một thắng lợi cho họ, và chúng ta không nên vui mừng về các mục tiêu riêng của TQ. Tôi sẽ không lấy làm lạ khi thấy sẽ có thêm những vùng của TQ, cũng mơ hồ, và được công bố tốt hơn, trong vùng Hoàng Hải và Biển Ðông vào năm 2014.”
Một nguồn căng thẳng khác trong bang giao giữa HK và TQ là việc TQ bắt giữ hàng chục nhà hoạt động Internet hô hào tôn trọng nhân quyền.
Tham dự viên hội thảo, ông David Wertime, sáng lập viên của tạp chí mạng Tea Leaf Nation, nói rằng vụ trấn át đã khiến nhiều blogger hoảng sợ và tự kiểm duyệt.
Bang giao Trung-Mỹ cũng bị căng thẳng trong lúc các cơ quan truyền thông tin tức của Hoa Kỳ phổ biến thêm các bài báo phơi bày sự giàu có của các nhà lãnh đạo TQ và cách thức gia đình họ thủ lợi nhờ quan hệ chính trị.
Những câu chuyện như thế làm Bắc Kinh bất bình, và đáp lại bằng cách trì hoãn việc gia hạn thị thực cho các ký giả Mỹ và các ký giả Tây phương khác.
Ông Isaac Stone Fish của tạp chí Ðối Ngoại nói việc trì hoãn cấp thị thực có tác dụng như một vụ trấn át truyền thông Tây phương của Trung Quốc.
“Vị trí của chúng ta ngay bây giờ là các ký giả của báo New York Times và hãng tin Bloomberg có thể sẽ không được gia hạn thị thực và trên thực tế sẽ đi đến chỗ có khoảng 2 chục ký giả sẽ bị trục xuất, và đó sẽ là biện pháp lớn nhất của Trung Quốc nhắm vào báo giới nước ngoài kể từ năm 1989, hay cuộc Cách mạng Văn hóa thời thập niên 1960 và 70, hoặc thậm chí kể từ ngày thành lập nuớc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Do đó đây là một thời điểm hết sức căng thẳng đối với các phóng viên nước ngoài ở Bắc Kinh và cũng đối với bang giao Trung-Mỹ.”
Bất chấp các căng thẳng trong quan hệ giữa HK và TQ, quan hệ kinh tế lâu năm giữa hai quốc gia và các cuộc trao đổi giữa nhân dân hai nước vẫn bền bỉ.
Ông David Wertime của tạp chí mạng Tea Leaf Nation nói rằng dựa vào tương quan đó, ông vẫn là một người lạc quan kiên cường về mối bang giao Trung-Mỹ.
“…500 tỷ đôla kim ngạch mậu dịch hàng năm, 15 tỷ đôla đầu tư trực tiếp, hàng triệu người đi lại, để học, làm việc, hay thăm viếng, tôi nghĩ các yếu tố cơ bản này là nền tảng cho mối bang giao của chúng ta…”
Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác trong năm 2014, tập trung vào việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, duy trì việc cung ứng tốt cho các thị trường năng lượng và cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm và dược phẩm. – VOA