Tin Thế Giới – Thứ Sáu 24/1/2014
1. Tòa Bảo Hiến Thái: thay đổi ngày bầu cử phải có Thủ Tướng chấp thuận
2. Các phát biểu ở Davos làm tăng lo ngại về xung đột Nhật-Trung
3. Ở Davos, Ngoại Trưởng Mỹ phát biểu về vấn đề Iran, Syria
4. Trung Quốc bắn thử tên lửa liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân
5. Hội Nghị Geneva II theo dự đoán sẽ không mang lại giải pháp cho Syria
6. Mỹ, Nga hợp tác bảo vệ an ninh cho Thế Vận Hội ở Sochi
7. Meeting tuần hành phản đối phán quyết cho phép phá thai hơn 40 năm trước
1. Tòa Bảo Hiến Thái: thay đổi ngày bầu cử phải có Thủ Tướng chấp thuận
Toà Bảo Hiến Thái Lan hôm 24/1 phán quyết rằng cuộc bầu cử dự kiến ngày 2/2 có thể được hoãn lại một cách hợp pháp. Nhưng Tòa cũng nói rằng bất cứ sự hoãn lại nào phải có sự đồng ý của Ủy ban bầu cử và thủ tướng.
Tòa Bảo Hiến phán rằng Ủy ban bầu cử phải đưa đề nghị của mình lên chính phủ, sau đó chính phủ phải nộp cho vua Bhumibol Adulyadej để lấy sự chấp thuận của hoàng gia. Việc này phải xảy ra trước ngày bỏ phiếu sớm bắt đầu vào chủ nhật này. Nhưng không rõ là liệu Ủy ban bầu cử có thể thuyết phục chính phủ đồng ý với kế hoạch của Ủy Ban. Hội đồng Bảo hiến cho rằng việc quyết định hoãn bầu cử là trách nhiệm chung của Ủy ban Bầu cử và Thủ tướng.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan, vì cho rằng tình hình đất nước còn quá rối loạn để có thể tổ chức bầu cử, đã yêu cầu Hội đồng Bảo hiến ra phán quyết về yêu cầu hoãn bầu cử. Trong khi đó, đối với chính phủ Yingluck, sắc lệnh ấn định ngày bầu cử Quốc hội là do Quốc vương ký ban hành, cho nên không thể được sửa đổi.
Lãnh đạo phong trào biểu tình, Sutheo Thaugsuban hôm qua đã dọa sẽ chặn mọi ngã đường đến các phòng phiếu, bất chấp tình trạng khẩn cấp được ban hành ở Bangkok. – BBC & RFI
2. Các phát biểu ở Davos làm tăng lo ngại về xung đột Nhật-Trung
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi đầu tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã so sánh mối quan hệ căng thẳng giữa nước ông và Trung Quốc với mối quan hệ giữa Anh và Đức trước khi thế chiến thứ nhất bùng nổ.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng cả hai cường quốc kinh tế này đều bị tổn hại nếu xảy ra xung đột quân sự, nhưng một số người đang tranh luận về vấn đề phải chăng xung đột là điều không thể tránh khỏi.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm cho nhiều người kinh ngạc khi ông so sánh những mối căng thẳng hiện nay giữa Nhật Bản và Trung Quốc với mối quan hệ giữa Anh và Đức trước năm 1914, là năm hai nước giao chiến với nhau.
Nhiều người đã lưu ý tới sự đề cập tới Thế chiến thứ nhất, một cuộc đại chiến đã bùng nổ một cách bất ngờ, bất chấp những mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa các cường quốc đang trỗi dậy và những đế quốc đang sa sút.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã có phản ứng gay gắt và nói rằng Nhật Bản nên nhìn lại lịch sử của nước họ: ‘Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nói như vậy chỉ để lẩn tránh lịch sử xâm lăng, để lừa gạt mọi người. Như tôi đã nói, lịch sử về mối quan hệ Anh-Đức thời thế chiến thứ nhất chẳng có ý nghĩa gì cả. Thay vì đem việc này làm một vấn đề để bàn cãi, Nhật Bản nên phản tỉnh về lịch sử xâm lăng của nước họ.”
Tokyo đã nhanh chóng bác bỏ tố cáo cho rằng phát biểu của ông Abe có nghĩa là chiến tranh giờ đây không thể tránh được. Họ nói rằng nhận định đó chỉ có mục đích đưa ra một thông điệp là Nhật Bản không muốn chiến tranh.
Trong bài diễn thuyết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thủ tướng Abe cũng lên tiếng chỉ trích quân đội Trung Quốc. Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, ông Abe kêu gọi kiềm chế các hoạt động bành trướng quân sự ở Á châu và hô hào cho việc minh bạch hóa các ngân sách quân sự có thể kiểm chứng được. Ông nói: “Nếu hòa bình và ổn định ở Á châu bị lung lay, tác động giây chuyền đối với toàn thể thế giới sẽ vô cùng to lớn. Những lợi ích có được từ sự tăng trưởng ở Á châu không nên bị phung phí cho sự bành trướng quân sự.”
Trong thập niên qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã gia tăng với tỉ lệ hai con số mỗi năm. Và trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện những hoạt động tuần tra mỗi ngày một hung hãn hơn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và nới rộng một khu vực nhận dạng phòng không tới những hòn đảo do Nhật kiểm soát. Những hành động quyết liệt này đã gây lo ngại cho các nước láng giềng vốn đã chịu nhiều tác động bởi sự lớn mạnh nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc.
Giáo sư Brad Williams, một chuyên gia Á châu của Đại học Thành phố Hồng Kông, nhận định như sau về phát biểu của Thủ tướng Abe: “Ông Abe có lẽ đang xem Trung Quốc là một đế quốc Đức của thời nay, là một nước sẵn sàng thực hiện những hành vi xâm lấn. Điều đó, dĩ nhiên, có thể làm cho xung đột bùng ra, bất chấp sự liên lập sâu sắc về kinh tế giữa hai nước.” – VOA
3. Ở Davos, Ngoại Trưởng Mỹ phát biểu về vấn đề Iran, Syria
Ngoại trưởng John Kerry hôm nay phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sỹ, có 30 vị nguyên thủ quốc gia, trong đó có cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nằm trong số 2,500 đại biểu tham dự cuộc họp thường niên tại Thụy Sỹ, và Iran, Syria, và kinh tế toàn cầu là các vấn đề hàng đầu trong nghị trình của diễn đàn năm nay.
Ông Kerry đến Davos hôm thứ Năm sau khi tham dự hội nghị hòa bình Syria ở Montreux. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Al- Arabiya, ông Kerry chỉ trích việc Iran ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông nói: “Iran hiểu rằng Tuyên bố Geneva 1 qui định việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp có đầy đủ quyền hành pháp dựa trên sự đồng ý của đôi bên. Iran lẽ ra đã có thể tới Geneva nhưng họ từ chối chấp nhận điều cơ bản đó”.
Ông Kerry phát biểu như thế vài giờ sau khi Tổng thống Iran tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới làm ăn ở nước ông trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo này đang hứng chịu nhiều biện pháp chế tài.
Ông Rouhani nói rằng chính phủ nước ông đã thực hiện các bước đi lớn để cải thiện quan hệ với phương Tây: “Giao tiếp giữa Iran và Hoa Kỳ cũng đã bước vào một giai đoạn mới trong tháng trước, và lần đầu tiên, các chính trị gia của cả hai nước đã đàm phán, trao đổi ý kiến và đưa ra các quyết định để giải quyết các khác biệt liên quan tới vấn đề hạt nhân. Đây là một diễn tiến quan trọng kể từ Cuộc cách mạng Hồi giáo của Iran”.
Ông Rouhani nói rằng Iran có quyền phát triển điện hạt nhân mà ông nói hoàn toàn vì mục đích hòa bình. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tức thời đặt dấu hỏi về các tuyên bố của Iran: “Họ nói họ phản đối vũ khí hạt nhân. Thế thì vì sao họ lại khăng khăng đòi duy trì các phi đạn đạn đạo, plutonium và các máy ly tâm tân tiến mà chỉ có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Vì thế, nghe thì có vẻ hay, nhưng tôi ước gì đó là sự thật. Nó không phải là sự thật. Tôi nghĩ cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ ngăn không cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc sản xuất vũ khí hạt nhân”.
Israel đang thúc đẩy thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Tehran, trái với điều Washington đang làm.
Ông Kerry trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ cho phép Iran sản xuất vũ khí hạt nhân. – VOA
4. Trung Quốc bắn thử tên lửa liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân
AFP hôm 23/1, loan tin trang mạng nhật báo của Quân đội Trung Quốc có đăng tải các bức hình cho thấy một cuộc bắn thử tên lửa xuyên lục địa, có khả năng tấn công nước Mỹ. Các bức hình nói trên được công bố trong lúc căng thẳng tiếp diễn giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngày thứ Ba 21/01, xuất hiện các bức hình trên trang mạng của nhật báo Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, theo đó binh sĩ Trung Quốc đang thực hiện cuộc bắn thử tên lửa tầm xa xuyên lục địa Đông Phong-31, có tầm bắn 8,000 km. Theo các chuyên gia, tên lửa nói trên có thể mang được đầu đạn hạt nhân.
Trên trang Sohu.com, một trong các địa chỉ mạng nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, cũng xuất hiện các bức ảnh tương tự cho thấy các binh sĩ mang mặt nạ phòng độc và quần áo bảo hộ toàn thân, có thể đang làm công việc mô phỏng việc bắn thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Các bức ảnh trên Sohu.com, được cho là của nhật báo Quân giải phóng Nhân dân, hôm nay không thấy trên trang mạng của tờ nhật báo quân sự được trích dẫn.
Ngày 22/01, tại Diễn đàn kinh tế Davos, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi chấm dứt chạy đua vũ trang trong khu vực, tuy không chỉ đích danh Bắc Kinh. Theo Thủ tướng Nhật, bất ổn và chạy đua vũ trang tiếp tục tại khu vực này sẽ để lại những hậu quả hết sức tệ hại đối với nền kinh tế toàn cầu. – RFI
5. Hội Nghị Geneva II theo dự đoán sẽ không mang lại giải pháp cho Syria
Hội nghị quốc tế lần thứ nhì về Syria có phần chắc sẽ không dẫn đến một giải pháp cho đất nước bị chiến tranh xâu xé này, trong bối cảnh các đại diện của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập Syria xung đột với nhau ngay trong phiên họp khai mạc hội nghị tại Montreux, Thụy Sĩ. Các nhà phân tích nói rằng kết quả tốt nhất mà mọi người có thể trông đợi từ hội nghị, được gọi là Geneva Hai, là một thỏa thuận khung cho các cuộc đàm phán giữa các bên lâm chiến.
Vòng đàm phán hòa bình mới cho Syria đã có một khởi đầu không mấy tốt đẹp hôm Thứ tư 22/1 tại thị trấn Montreux của Thụy Sĩ, giữa lúc chính phủ Syria và phe đối lập – đều tự xưng là đại diện cho nhân dân Syria, tiếp tục các cuộc giao tranh trên khắp nước.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Syria Theodore Kattouff nói một vấn đề là các cường quốc thế giới không đồng ý với nhau về giải pháp tốt nhất cho Syria. Nga và Trung Quốc ủng hộ chính phủ của ông Assad, trong khi nhiều nước khác muốn ông phải rời bỏ chức vụ. Nhưng không một thế lực lớn nào, hoặc Liên Hiệp Quốc, sẵn sàng triển khai lực lượng tới Syria. Cựu đại sứ Mỹ Kattouf nhận định: “Điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán chủ yếu sẽ được quyết định bởi cán cân lực lượng ở bên trong Syria, giữa các phe phái đối lập khác nhau và chế độ cầm quyền. Hiện giờ chúng ta dường như đang chứng kiến một tình trạng gần như bế tắc. Cả hai bên, không bên nào có thể đánh bại được phía bên kia. Không bên nào có thể ép buộc phía bên kia làm theo ý muốn của mình, và vì thế, tình trạng này có thể kéo dài, và những sự gian khổ của người tị nạn, những vụ tra tấn và giết chóc sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian rất lâu. “
Nhưng theo Đại tá quân đội Mỹ hồi hưu Jeff McCausland, sẽ là điều sai lầm nếu chúng ta gạt bỏ tầm quan trọng của cuộc đàm phán hòa bình. Ông lưu ý rằng bất chấp những bất đồng, Hoa Kỳ và Nga đã dồn nỗ lực để đạt một thỏa thuận về việc phá hủy các vũ khí hóa học của Syria, và rốt cuộc hội nghị đang diễn ra có khả năng dẫn đến các cuộc đàm phán giữa các bên đối nghịch ở Syria.
Tuy nhiên ông McCausland nói ông không kỳ vọng gì khác hơn là một thỏa thuận tổng quát về Syria từ vòng đàm phán hiện nay.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên hãy thương thuyết vì lợi ích của nhân dân Syria.
Các nhà lãnh đạo quốc tế cũng quan tâm đến những tin tức nói rằng các nhóm khủng bố nước ngoài đang thâm nhập vào Syria, và cả hai bên đối nghịch đều bị quy lỗi là đã tạo điều kiện cho tình trạng này diễn ra.
Ngoài ra, đang có mối lo sợ ngày càng tăng về nguy cơ cuộc xung đột có thể lan rộng ra trong khu vực. Các chính trị gia và các nhà ngoại giao không có mấy hy vọng sẽ có một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột này.
Ngày đầu tiên của hội nghị kết thúc trong sự chia rẽ sâu sắc xung quanh số phận của Tổng thống Bashar al-Assad. Hoa Kỳ nói tình hình tại Syria sẽ là vô phương cứu vãn nếu ông này vẫn tiếp tục cầm quyền, trong khi phái đoàn của Syria lại nhấn mạnh: “Tổng thống Assad phải ở lại.”
Cuộc hòa đàm sẽ chuyển địa điểm từ thành phố Montreux sang Geneva vào thứ Sáu, 24/1.
Liên Hiệp Quốc hy vọng các bên sẽ đạt được những bước tiến về thỏa thuận ngừng bắn cấp địa phương, cũng như mở đường cho công tác cứu trợ nhân đạo trong những ngày tới.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi cho biết ông sẽ có các cuộc gặp riêng phái đoàn của chính phủ Syria và phe đối lập vào thứ Năm, 22/1, và ông hy vọng cả hai bên sẽ ngồi xuống trong cùng một căn phòng vào thứ Sáu. Ông nói: “Các bên đã ra chỉ dấu khá rõ rằng họ đã sẵn sàng thảo luận việc mở đường cho công tác cứu trợ, trả tự do cho các tù nhân và ngừng bắn cấp địa phương.”
Theo BBC, một khi các cuộc đối thoại được tiến hành sau cánh cửa khép kín, giọng điệu của các bên được hy vọng là sẽ mang tính xây dựng hơn.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói: “Tôi không tưởng tượng nổi làm sao một người đáp trả nhân dân mình một cách tàn bạo có thể lấy lại sự chính danh để tiếp tục cầm quyền.” “Người đó và tất cả những ai ủng hộ ông ta không thể tiếp tục nắm giữ cả đất nước cũng như khu vực làm con tin.”
Tuy nhiên, trước đó trong cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin Syria, ông Omran al-Zoubi, nói với các phóng viên: “Sẽ không có sự chuyển nhượng quyền lực nào và Tổng thống Bashar Assad phải được ở lại.”
Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, ông Bashar Jaafari, nói chính phủ của ông sẵn sàng thảo luận về mọi khía cạnh của Tuyên bố Geneva (vạch ra một kế hoạch chuyển giao chính trị tại Syria). Tuy nhiên, ông Jaafari cũng dẫn tình hình tại Libya và Iraq sau khi ông Muammar Gaddafi và Saddam Hussein bị lật đổ để đặt nghi vấn trước điều mà ông này gọi là “nỗi ám ảnh của một số bên rằng nếu họ dẹp được ông Bashar al-Assad sang một bên, mọi thứ tại Syria sẽ trở nên tốt hơn.”
Ông này cũng lên án những bài phát biểu của khoảng 40 ngoại trưởng các nước là “những tuyên bố mang tính khiêu khích và trùng lặp dựa trên sự thù ghét nhằm vào chính phủ Syria”. Phái đoàn Syria cũng bày tỏ sự tức giận trước việc đồng minh chính của nước này, Iran, bị rút lời mời đến tham dự hội nghị.
Một điểm gây mâu thuẫn nữa đó là tuyên bố Geneva I được các bên đưa ra tại hội nghị lần trước, vốn kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp, với đầy đủ các quyền hành pháp, và đặt nền tảng chính cho cuộc hòa đàm lần này.
Ông Kerry nói: “Tất cả các đại biểu, ngoại trừ một trường hợp cá biệt, đã ủng hộ tuyên bố Geneva,” ám chỉ chính phủ Syria.
Ông Ban nói ông thất vọng trước thái độ của cả chính phủ Syria lẫn phía Iran.
Chính phủ Syria chỉ ra rằng việc chấm dứt điều mà họ gọi là “chủ nghĩa khủng bố” phải nằm trong ưu tiên hàng đầu của tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Ahmad Jarba, người đứng đầu lực lượng đối lập chính – Liên minh Quốc gia – nói chính phủ Syria phải chấp thuận chuyển giao quyền lực. Ông Jarba cũng nói rằng điều này sẽ “mở đầu cho việc ông Bashar al-Assad phải từ chức và bị đưa ra xét xử cùng những kẻ tội phạm trong chính quyền của ông ta”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem nói một số quốc gia tham dự hội nghị cũng “vấy máu của người Syria trên tay” và gọi phe đối lập là “những kẻ phản bội”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov, cho biết ông đang tìm cách làm giảm những mâu thuẫn giữa hai bên. “Đúng như dự đoán, các bên đã có những tuyên bố đầy cảm tính và không ngừng đổ lỗi cho nhau.” Tuy nhiên, ông nói thêm: “Lần đầu tiên sau ba năm xung đột đẫm máu, các bên… đã đồng ý ngồi xuống bàn đàm phán.” – VOA & BBC
6. Mỹ, Nga hợp tác bảo vệ an ninh cho Thế Vận Hội ở Sochi
Trước các mối đe dọa khủng bố, Hoa Kỳ đã đề nghị giúp Nga tăng cường an ninh tại Thế vận hội Mùa đông diễn ra vào tháng sau tại thành phố Sochi. Theo VOA, đề nghị này có thể giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Nga nhưng cũng có thể làm cho mối bang giao trở nên xấu hơn nữa.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney cho biết Tổng thống Barack Obama hôm 22/1 đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các nỗ lực bảo đảm an toàn cho Thế vận hội mùa đông. Hai nhà lãnh đạo điện đàm với nhau một ngày sau khi Ngũ Giác Đài cho biết họ sẽ hỗ trợ cho Nga về hải quân và không quân để giúp bảo đảm an ninh cho thành phố nghỉ mát Sochi nằm bên bờ biển Đen và vùng lân cận.
Ông James Goldgeier, Khoa trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học American University tại Washington nói rằng dù vẫn còn các khác biệt, ông Obama và ông Putin có thể hợp tác với nhau trong trường hợp cần thiết.
Cuộc điện đàm giữa hai tổng thống diễn ra trong khi Nga đang truy tìm ít nhất 3 phụ nữ nhiều khả năng là những người đánh bom tự sát và đối mặt với các mối đe dọa khủng bố mới. Một trong các đe dọa đó là từ nhóm chủ chiến Hồi giáo từng tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra hai vụ đánh bom tự sát hồi tháng trước tại Volgograd.
Trong khi đó, Israel cho biết họ đã phá vỡ âm mưu đánh bom tự sát của al-Qaida nhắm vào đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban bố một lệnh cảnh báo du hành để khuyến cáo người Mỹ tới Sochi tham gia Thế vận hội mùa đông phải cảnh giác.
Trong khi sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở Hắc Hải có thể làm Nga phật lòng, ông James Goldgeier nói sự hiện diện đó cho thấy Washington cũng giống như các nước khác trên thế giới quan tâm tới việc ngăn chặn một vụ khủng bố xảy ra tại Thế vận hội mùa đông.
Với các bất đồng giữa hai nước về vấn đề Syria và Edward Snowden, nhiều người ở cả hai phía hy vọng rằng hợp tác an ninh giữa hai nước tại Thế vận hội mùa đông sẽ dẫn tới mối bang giao tốt đẹp hơn. – VOA
7. Meeting tuần hành phản đối phán quyết cho phép phá thai hơn 40 năm trước
Những người chống đối phá thai bất chấp thời tiết giá rét đã tuần hành ở thủ đô Washington để phản đối phá thai được hợp pháp hóa tại Mỹ, với những lời ủng hộ từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Hàng chục ngàn người hôm thứ Tư 22/1 đã tề tựu về khu vực Quảng trường Quốc gia tham gia sự kiện “March for Life” thường niên được tổ chức vào ngày kỷ niệm phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao trong vụ kiện ‘Roe v Wade’, nói rằng phá thai là quyền hợp hiến của người phụ nữ.
Người tham gia bao gồm học sinh sinh viên từ nhiều trường trung học và đại học Công giáo từ khắp nước Mỹ. Buổi cầu nguyện theo sau bằng một cuộc mít-tinh và tuần hành tới Điện Capitol trụ sở Quốc hội Mỹ và Tòa án Tối cao.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời ủng hộ của ông cho cuộc tuần hành chống phá thai hôm thứ Tư trong một dòng tin đăng trên trang mạng xã hội Twitter. Ông cầu mong sự phù trợ của Thiên Chúa cho con người để quý trọng sự sống, “đặc biệt là những người dễ tổn thương nhất.”
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Ba nói kỷ niệm 41 năm phán quyết của Tòa án Tối cao là cơ hội để “tiếp tục gắn bó” với nguyên tắc “mỗi người phụ nữ đều có quyền đưa ra những lựa chọn riêng về cơ thể và sức khỏe của mình.” – VOA