Tin Thế Giới – Thứ Năm 30/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – Thứ Năm 30/1/2014

1. Phe đối lập Thái quyết định không gây cản trở cuộc bầu cử
2. Bắc Kinh gia tăng áp lực với báo chí nước ngoài
3. Đối lập Ukraine không ủng hộ luật ân xá do Tổng thống đề nghị
4. Chương trình hạt nhân, phi đạn của Bắc Hàn đang tiến triển
5. Edward Snowden được đề cử giải Nobel hoà bình
6. Google bán Motorola cho Lenovo

1. Phe đối lập Thái quyết định không gây cản trở cuộc bầu cử

Những người biểu tình thuộc phe đối lập Thái Lan hôm nay 30/1/2014 xuống đường biểu tình ở Bangkok trong khuôn khổ của một nỗ lực có phối hợp kéo dài 3 ngày để gây áp lực lên chính phủ trước cuộc bầu cử ngày chủ nhật.

Trong vài ngày qua, những người biểu tình đã gây cản trở cho việc đầu phiếu sớm bằng cách ngăn chặn các phòng phiếu ở nhiều nơi trong nước.

Hôm nay, lãnh tụ biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết mặc dù ông tiếp tục hối thúc cử tri tẩy chay cuộc bầu cử, nhưng nhóm của ông sẽ không gây cản trở thêm nữa cho công tác đầu phiếu. “Chúng tôi không tán thành cuộc bầu cử này, nhưng chúng tôi sẽ không gây cản trở. Nếu chúng tôi cản trở thì một số người sẽ nói là chúng tôi xâm phạm các quyền của người dân. Vì vậy cho nên, những người nào muốn bỏ phiếu có thể bỏ phiếu. Nhưng điều mà chúng tôi đang ra sức vận động là nếu quí vị đồng ý với chúng tôi thì quí vị đừng đi bỏ phiếu.”

Bất chấp những cam kết đó của phe đối lập, nhiều người dự kiến bạo động sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử vào chủ nhật này.

Quân đội đang gia tăng sự hiện diện ở thủ đô Bangkok để ngăn chặn những vụ rối loạn trong cuộc bầu cử, giữa lúc tình trạng khẩn trương đã được ban bố ở thủ đô.

Các nhà phân tích cho rằng ngay cả trong trường hợp phe đối lập tham gia bầu cử, đảng Pheu Thai của bà Yingluck vẫn nắm chắc phần thắng trong tay, một phần là nhờ ông Thaksin được nhiều người ưa chuộng. – theo VOA

2. Bắc Kinh gia tăng áp lực với báo chí nước ngoài

Chính quyền Bắc Kinh từ chối gia hạn visa cho phóng viên thường trực của báo New York Times. Tờ báo này từng đăng bài tiết lộ về tài sản của gia đình cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo và của đương kim lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình.

Báo New York Times số đề ngày 30/01/2014 cho biết thông tín viên của tòa soạn, Austin Ramzy đã phải lập tức rời khỏi Trung Quốc vì hết hạn visa. Ông này đã liên tục làm việc tại Bắc Kinh từ hơn 6 năm qua.

Hôm nay nhà báo Mỹ lên đường tới Đài Bắc và sẽ tiếp tục làm việc từ đây. Tháng 6/2013, ông Austin Ramzy đã chia tay với tòa soạn của tạp chí Time để về làm việc cho tờ báo New York Times.

Việc TQ từ chối gia hạn thị thực nhập cảnh cho nhà báo Mỹ Austin Ramzy diễn ra sau một sự việc khác: tháng 12 năm ngoái, nhân chuyến công du của phó tổng thống Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông Joe Biden đã lưu ý TQ về những áp lực nhắm vào giới phóng viên ngoại quốc. Hiện nay, địa chỉ trang mạng của báo New York Times và hãng thống tấn Bloomberg bị chặn tại Trung Quốc.

Vào năm 2012, hai cơ quan truyền thông này đăng những bài phóng sự điều tra về tài sản của các lãnh đạo TQ. Trong số đó có tài sản của gia đình cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo và của chủ tịch Tập Cận Bình. Tổ chức FCCC quy tụ các phóng viên nước ngoài làm việc tại TQ cho rằng “khó có thể không gắn liền hai vụ việc này với nhau”.

Phóng viên người Mỹ Austin Ramzy là nhà báo thứ ba của NYT không được phép tiếp tục hành nghề tại TQ trong 18 tháng qua. Tháng 12/2013 một thành viên kỳ cựu khác của Reuters tại TQ và là cộng tác viên của Times cũng đã phải rời khỏi TQ với lý do tương tự. Trả lời báo chí về việc visa của phóng viên NYT không được gia hạn, phát ngôn viên bộ Ngoại giao TQ bác bỏ mọi cáo buộc coi đây là một hình thức để Bắc Kinh trục xuất phóng viên nước ngoài. – theo RFI

3. Đối lập Ukraine không ủng hộ luật ân xá do Tổng thống đề nghị

Phe đối lập Ukraine từ chối ủng hộ luật ân xá những người biểu tình, vừa được Quốc hội thông qua hôm qua 29/1, nhằm đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng. Tình hình chính trị Ukraine càng thêm rối rắm với việc tổng thống Ianoukovitch phải nghỉ bệnh mà theo một một số nhận định là để mua thêm thời gian.

Tối hôm qua 29/1, với 232 phiếu thuận trên tổng số 416 dân biểu có mặt, Quốc hội Ukraine đã thông qua luật ân xá những nhà hoạt động bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình nhiều tuần qua, với điều kiện là những người biểu tình phải dẹp những rào cản và rời những công thự đã chiếm trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, việc thông qua luật ân xá này bị phe đối lập phản đối kịch liệt.

Một trong những lãnh đạo đối lập nói “Luật này chỉ làm gia tăng xung đột”, phản ảnh thái độ bất bình của họ.

Việc thông qua dự luật ân xá là một thất bại của phe đối lập vì họ đã không thuyết phục được Quốc hội thông qua một dự luật ân xá vô điều kiện những người biểu tình đang bị giam.

Trách nhiệm chính là của tổng thống Ianoukovitch, vì ngay giữa phiên họp của Quốc hội, đích thân ông đã đến cỗ vũ tinh thần cho các dân biểu thuộc phe đa số của ông.

Trong khi đó, phủ tổng thống Ukraine hôm nay vừa thông báo là Tổng thống Ianoukovitch đang nghỉ bệnh do bị một căn bệnh hô hấp cấp tính, một sự kiện càng khiến tình hình Ukraine thêm rối rắm.

Đang có mặt ở Ukraine, hôm qua, đại diện ngoại giao cao cấp của Liên hiệp châu Âu Catherine Ashton đã kêu gọi chấm dứt bạo lực và những hành động hù dọa, dù là từ phe nào. Về phần thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi điện cho tổng thống Nga Vladimir Putin để kêu gọi ông thúc đẩy đối thoại ở Ukraine.

Còn ông Putin hôm qua tuyên bố là ông chờ Ukraine thành lập chính phủ mới, để quyết định xem có tiết tục cấp viện trợ kinh tế 15 tỷ đôla cho nước này hay không. – theo RFI

4. Chương trình hạt nhân, phi đạn của Bắc Hàn đang tiến triển

Một viên chức tình báo cao cấp Hoa Kỳ và một phúc trình của một viện nghiên cứu tại Washington cảnh báo là có những tiến triển trong chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper nói Bình Nhưỡng đã mở rộng phạm vi của cơ sở tinh chế hạt nhân Yongbyon và tái khởi động một lò phản ứng sản xuất plutonium.

Tuyên bố của ông Clapper dường như xác nhận những tin tức mới đây là Bắc Triều Tiên đang thực hiện lời hứa “điều chỉnh và thay đổi” các cơ sở hạt nhân tiếp theo việc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào năm ngoái.

Trong một điều trần bằng văn bản trước một ủy ban Thượng viện, ông Clapper cũng nói chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên “đe dọa nghiêm trọng” Hoa Kỳ và châu Á và Bình Nhưỡng đang dốc sức phát triển một phi đạn có thể bắn đến lục địa Hoa Kỳ. Ông Clapper nói Bắc Triều Tiên đã công khai trưng bày một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa di động, có tên là KN-98, nhưng ông nhấn mạnh thêm là hệ thống này chưa được thử nghiệm.

Trong một phúc trình khác ngày hôm qua, Viện Hoa Kỳ-Triều Tiên tại trường đại học Johns Hopkins cho biết Bắc Triều Tiên dường như mở rộng địa điểm phóng chính để có thể sử dụng cho những phi đạn lớn hơn có thể bắn trúng Hoa Kỳ.

Phúc trình được đưa lên trang blog 38 North của Johns Hopkins, cho biết Địa điểm Phóng Vệ tinh Sohae đang được điều chỉnh để có thể phóng những rốckết dài hơn 25% phi đạn phóng vệ tinh không gian Unha-3 được thử nghiệm vào năm 2012.

Tuy nhiên phúc trình dựa trên những hình ảnh vệ tinh mới đây, cảnh báo rằng vì công tác xây dựng đang được tiến hành tại địa điểm này, thì sớm nhất là tháng 3 hay tháng 4, địa đểm này mới sẵn sàng cho việc phóng phi đạn mới. – theo VOA

5. Edward Snowden được đề cử giải Nobel hoà bình

Hai chính khách Na Uy mới đây đã đề cử Edward Snowden nhận Giải Nobel Hòa bình trong lúc cựu nhân viên khế ước của tình báo Mỹ này đang bị nhà chức trách Hoa Kỳ truy nã về tội tiết lộ thông tin mật.

Hai chính khách thuộc phe xã hội cánh tả, ông Baard Vegar Solhjell và ông Snorre Valen, nói rằng họ không tán thành mọi sự tiết lộ của ông Snowden và họ thừa nhận là ông này có thể đã gây thiệt hại cho an ninh của một số quốc gia.

Nhưng họ cho biết họ tin là hành vi báo động của ông Snowden đã làm bùng ra một cuộc tranh luận trong công chúng và tạo ra những sự thay đổi chính sách. Họ nói rằng những thay đổi đó đã góp phần tạo dựng một trật tự thế giới hòa bình và ổn định hơn.

Tại Washington, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper không tán đồng quan điểm đó. Ông Clapper cho rằng những gì mà ông Snowden tiết lộ đã vượt khỏi những mối quan tâm mà ông nêu ra về các chương trình theo dõi trong nước. Ông Clapper phát biểu như sau tại một cuộc điều trần mới đây trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ. “Kết quả là chúng tôi đã mất đi những nguồn thu thập tình báo nước ngoài vô cùng quan trọng, trong đó có những nguồn được các đối tác có giá trị cao chia sẻ với chúng tôi. Những phần tử khủng bố và những thành phần thù địch của quốc gia này đang học hỏi về những phương pháp tìm nguồn và những kỹ năng của tình báo Mỹ và những gì mà họ học được đang làm cho công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn rất nhiều.”

Giám đốc Clapper cho biết ông Snowden có thể ngưng gây thiệt hại thêm cho an ninh của nước Mỹ. “Ông Snowden tuyên bố ông ấy đã thắng và sứ mạng của ông ấy đã hoàn thành. Nếu quả là như vậy, tôi kêu gọi ông ấy và những người đồng lõa với ông ấy tạo điều kiện để trả lại những tài liệu đã bị đánh cắp nhưng chưa được tiết lộ để tránh gây thêm thiệt hại cho an ninh của nước Mỹ.

Một nhà lập pháp Nga mới đây cho biết chính phủ ở Moscow không có ý định trục xuất ông Snowden khi thời hạn tị nạn tạm thời của ông đáo hạn vào tháng 8.”

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder hôm thứ năm tuần trước nói rằng chính phủ sẽ không xem xét tới việc ân xá cho ông Snowden, nhưng sẽ thảo luận với luật sư của ông về một thỏa hiệp để ông nhận tội. – theo VOA

6. Google bán Motorola cho Lenovo

Google bất ngờ loan báo việc bán công ty Motorola Mobility mới mua năm 2012 cho tập đoàn Trung Quốc Lenovo với giá 2.91 tỷ đôla. Hãng này đã phải trả 12.5 tỷ đôla để mua Motorola gần hai năm trước.

Lenovo đang có kế hoạch phát triển mảng điện thoại di động thông qua thương vụ Motorola, nhằm đối phó tình trạng mặt hàng truyền thống là máy tính cá nhân đang bán chậm.

Tuy nhiên, Google vẫn giữ phần lớn các bản quyền sáng giá của Motorola, trong đó có bản quyền phần mềm Android.

Trong một thông cáo, Google nói thị trường điện thoại thông minh “quá cạnh tranh” và Motorola nhập vào Lenovo thì sẽ tốt hơn.

Thương vụ này sẽ khiến Lenovo trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới, sau Samsung và Apple.

Công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics nói đây là quyết định sáng suốt của Lenovo, giúp cho công ty này tiếp cận các thị trường Hoa Kỳ và Mỹ Latin đồng thời giúp Motorola bước vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc. “Đối với Google, thương vụ này giúp khắc phục thua lỗ từ bộ phận sản xuất phần cứng.”

Đây là thương vụ mua vào lần thứ hai của Lenovo trong vòng hai tuần. Thứ Năm tuần trước, hãng này cũng thông báo mua dịch vụ server của IBM với giá 2.3 tỷ đôla, vụ mua này được cho là lớn nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Trung Quốc.

Cổ phiếu của Lenovo tại Hong Kong giảm hơn 8% theo sau các thông báo trên. Câu hỏi đặt ra là liệu Lenovo có thể vực dậy việc kinh doanh khó khăn lâu nay của Motorola hay không và điều gì sẽ xảy ra với thương hiệu Motorola về lâu dài.

Giám đốc tài chính của Lenovo, Wong Waiming, nói công ty của ông không lo lắng về việc đã trả quá nhiều tiền để mua Motorola. Ông Wong cũng nói Lenovo chưa có nhu cầu cần sự cầu viện của thị trường vốn cho thương vụ Motorola vì tập đoàn này có hơn 3 tỷ đôla tiền mặt. – theo BBC