1. Cử tri Ai Cập tán đồng hiến pháp mới
2. Thái Lan: Huy động cảnh sát bắt giữ lãnh đạo phong trào biểu tình
3. Đối lập Cam Bốt muốn thoả hiệp và Pháp kêu gọi chính quyền Hun Sen thương thuyết
4. Nga cấm nhà báo Mỹ David Satter nhập cảnh
1. Thái Lan tổ chức bầu cử như dự kiến
2. TQ thử thành công tên lửa siêu tốc
3. Lãnh tụ đối lập Campuchia ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông
4. NSA theo dõi cả máy tính không nối mạng
5. Dân biểu Mỹ đòi Washington tỏ lập trường cứng rắn về Biển Đông
1. Cử tri Ai Cập tán đồng hiến pháp mới
Các giới chức Ai Cập nói rằng kết quả sơ khởi cho thấy cử tri đã tán đồng bản hiến pháp mới với đa số áp đảo.
Các giới chức chính phủ và truyền thông nhà nước Ai Cập nói rằng kết quả sơ khởi cho thấy hơn 90% những người đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hai ngày đã tán đồng bản hiến pháp mà chính phủ do quân đội hậu thuẩn ủng hộ. Kết quả chính thức theo dự kiến sẽ được loan báo vào cuối tuần này.
Các quan sát viên bầu cử báo cáo là cuộc đầu phiếu hôm thứ tư đã diễn ra mà hầu như không có một sự trục trặc nào cả.
Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo về phe ông Morsi đã hối thúc dân chúng tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý mà họ cho là bất hợp pháp.
Hiến pháp mới sẽ thay cho hiến pháp thân Hồi giáo được ban hành năm 2012 dưới thời Tổng thống Morsi. Hiến pháp mới loại bỏ những điều khoản ưu đãi cho phe Hồi giáo, dành cho phụ nữ nhiều quyền hơn và tăng cường quyền lực của quân đội.
Theo dự trù, cuộc trưng cầu dân ý tuần này sẽ được nối tiếp bằng các cuộc đầu phiếu để bầu quốc hội và tổng thống mới.
Đại tướng Abdel Fatteh el-Sissi, vị tư lệnh quân đội đã lật đổ ông Morsi, được nhiều người xem có phần chắc sẽ giành phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. – VOA
2. Thái Lan: Huy động cảnh sát bắt giữ lãnh đạo phong trào biểu tình
Tiếp người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia vào hôm nay 16/1, Phó Thủ tướng Thái Lan kêu gọi cảnh sát bắt giữ lãnh đạo phong trào biểu tình, ông Suthep Thaugsuban. Phong trào đối lập Thái Lan bắt đầu hụt hơi. Người biểu tình dọa bắt giữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikum tuyên bố: “Bắt ông Suthep là nhiệm vụ của ngành cảnh sát, người đang bị truy tố vì tội kích động quần chúng nổi dậy”.
Lãnh đạo phong trào chống chính phủ, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban luôn được khoảng 40 cận vệ bao quanh. Đến nay, cảnh sát Thái Lan chưa câu lưu Suthep. Một số nhà quan sát cho rằng, cảnh sát chưa dám đụng tới ông Suthep do ông này được phe Hoàng gia ngầm ủng hộ và ít có khả năng ông Suthep bị bắt giam.
Về phần Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra không chỉ bị phe biểu tình dọa bắt giữ, bà còn đang lấn cấn về một thủ tục pháp lý. Hôm nay, ủy ban chống tham nhũng ra phán quyết xem chương trình trợ giúp nông dân Thái Lan của chính phủ Yingluck có hợp pháp hay không.
Cảnh sát Thái Lan cho biết phong trào đối lập chiếm đóng thủ đô Bangkok đang hụt hơi. Hôm nay 16/1 chỉ còn có khoảng 7,000 người tham gia các cuộc xuống đường. Con số này giảm đi nhiều so với tối hôm qua (23,000 người). – RFI
3. Đối lập Cam Bốt muốn thoả hiệp và Pháp kêu gọi chính quyền Hun Sen thương thuyết
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius kêu chính quyền Cam Bốt thương thuyết với đối lập và cảnh cáo Phnom Penh không nên có bất cứ động thái nào khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, có thể làm bùng lên các xung đột. Lời phát biểu của Ngoại trưởng Pháp được đưa ra trong buổi trình bày về chính sách ngoại giao của Pháp tại Quốc hội, hôm qua 15/1.
Ngoại trưởng Laurent Fabius tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi đàm phán để làm dịu lại bầu không khí vốn đã quá căng thẳng hiện nay”. Ngoại trưởng Pháp khẳng định Paris hết sức quan tâm đến các quyết định của chính quyền Cam Bốt liên quan đến các lãnh đạo đối lập.
Theo Bộ trưởng ngoại giao Laurent Fabius, “không có giải pháp nào khác (để giải quyết khủng hoảng) ngoài việc tôn trọng các cơ chế dân chủ và tất cả những gì dẫn đến một xung đột, đặc biệt từ phía chính quyền, sẽ không thể nhận được sự ủng hộ” của nước Pháp, “thương thuyết không thay thế được tiến trình dân chủ, nhưng cho phép mang lại sự ổn định mà đất nước này rất cần”.
Trong phát biểu nói trên, Ngoại trưởng Laurent Fabius cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ sâu sắc giữa Pháp và Cam Bốt về văn hóa và lịch sử. Một loạt các cam kết hành động chung khiến hai dân tộc gắn bó với nhau và Pháp sẽ không bỏ rơi nhân dân Cam Bốt.
Trong khi đó, đối lập Cam Bốt đang tiếp xúc mật với Thủ Tuớng Hun Sen để tìm một thoả thuận để chấm dứt khủng hoảng chính trị, và đã gần đạt được, theo hai nhà phân tích có thông tin về việc này cho biết.
Ông Sam Rainsy và phó là Kem Sokha đã viết thư cho Hun Sen và nhờ nguời trung gian hoà giải để tìm một “thoả thuận cho hoà giải dân tộc”, hai nhà phân tích Kem Ley và Heang Rithy cho Reuters biết hôm Thứ Tư. “Tôi đã thấy lá thư Sam Rainsy và Kem Sokha viết cho TT Hun Sen, đưa ra 4 điểm” Heang Rithy, chủ tịch Tổ Chức Nghiên Cứu Quốc Gia Cam Bốt, nói.
Heang Rithy và Kem Ley nói Đảng Cứu Quốc (CNRP) của Sam Rainsy muốn đảng cầm quyền Nhân Dân Cam Bốt (CPP) đồng ý một cuộc bầu cử mới vào 2015 hay 2016, CNRP nắm chủ tịch một số uỷ ban trong quốc hội, cho phép được có một đài truyền hình và đồng ý cải tổ thủ tục bầu cử. CNRP cũng đòi nắm chức phó chủ tịch quốc hội, từ bỏ ý muốn nắm chủ tịch trước đây, đại biểu CNRP sẽ họp trở lại và không tẩy chay quốc hội, ông Kem Ley cho biết. “Đã có những cuộc thương thảo mật xuyên qua trung gian và phía trung gian đã cho chúng tôi biết phần lớn đã được đồng ý, khoảng 80%,” nhà phân tích xã hội Kem Ley nói.
Sam Rainsy từ chối là đã có các cuộc thương thảo mật và nói rằng đảng của ông không có thảo luận gì về chuyện chia quyền ở quốc hội. “Hai bên tiếp tục liên lạc qua lại và chuẩn bị gặp gỡ ở cấp độ nào đó, do đó nó không bí mật,” Sam Rainsy nói với Reuters.
Ông Rainsy xác nhận CNRP muốn bầu cử mới và có giấy phép đài truyền hình, để giúp phía ông thăng bằng lại đài nhà nước của Hun Sen. “Có một số ý kiến, chúng tôi có làm một số liên hệ, khi vầy khi khác. Không có gì ngã ngũ. Vẫn chưa có kết quả gì,” ông Rainsy nói.
Lãnh đạo cao cấp của CPP là ông Cheam Yeap nói rằng ông không biết về các cuộc thương thảo giữa hai bên này. Ông Hun Sen không có dấu hiệu gì là muốn bầu cử sớm. “Tôi muốn cảm ơn nhân dân cả nước đã bầu cho CPP và tín nhiệm tôi để tiếp tục là thủ tướng cho 5 năm tới,” ông Hun Sen đã nói trong tuần này. – RFI & Reuters
4. Nga cấm nhà báo Mỹ David Satter nhập cảnh
Trong một động thái gợi nhớ lại thời chiến tranh lạnh, Nga vừa cấm một nhà báo Mỹ nhập cảnh để sinh sống và làm việc tại Moscow. Ông David Satter, thông tín viên nước ngoài kỳ cựu làm việc cho đài Âu Châu Tự Do (RFE/RL) do Hoa Kỳ cấp ngân sách, cho biết ông được thông báo vào tháng 12 là yêu cầu xin thị thực vào Nga đã được phê chuẩn. Tuy nhiên, sau đó ông được một quan chức tại sứ quán Nga ở Kyiv, Ukraine, nơi ông đến để gia hạn thị thực, cho biết là “các cơ quan có thẩm quyền” tại Nga đã quyết định là sự hiện diện của ông trong nước là “không mong muốn” và ông sẽ bị cấm nhập cảnh.
Bộ Ngoại giao Nga trong thông cáo hôm thứ Ba nói ông Satter bị cấm nhập cảnh vào nước này trong 5 năm. Bộ này cho biết ông Satter đã vào Nga ngày 21/11/2013 nhưng đã không được cấp loại thị thực nhập cảnh nhiều lần ngay lập tức như luật pháp Nga quy định. Cũng theo bộ này, ông Satter đã nộp đơn xin loại thị thực nhập cảnh nhiều lần vào ngày 26/11, nhưng đơn của ông đã bị từ chối vì ông đã ở Nga “bất hợp pháp” từ ngày 22/11 đến 26/11. Vào ngày 29/11, toà án Nga đã quyết định phạt ông Satter và trục xuất ông. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết như vậy.
Ông Satter, người có những bài viết chỉ trích về những gì ông thấy về sự độc tài và tham nhũng của chính phủ Nga, nói với ban tiếng Nga của đài VOA, hôm thứ Ba, trong một cuộc phỏng vấn qua Skype từ London rằng ông nghĩ những hành động chống lại ông là do động cơ chính trị và là bằng chứng cho thấy “nhà cầm quyền Nga đang mất đi sự tự tin của mình”. Ông nói: “Tôi tin rằng trong một mức độ nhất định, họ hiểu rằng mặt đất dưới chân họ không còn an toàn như trước đây nữa và họ không muốn các nhà báo ở Moscow có thể biết được những gì đang xảy ra trong đất nước”.
Giám đốc đài RFE/RL Kevin Klose cho biết hôm 13/1 rằng đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow đã được thông báo về hành động đối với ông Satter và đã gửi kháng nghị ngoại giao chính thức.
Ông Satter, người làm việc trong vai trò thông tín viên Moscow cho tờ Financial Times vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, đã viết cuốn sách nhan đề “Bóng tối lúc bình minh, sự nổi lên của nhà nước hình phạm Nga” được xuất bản vào năm 2003. Trong đó, ông lập luận rằng có bằng chứng “áp đảo” về cơ quan an ninh liên bang, hay FSB, cơ quan an ninh nội địa chính của Nga, đứng đằng sau một chuỗi những vụ đánh bom vào các tòa nhà ở Moscow và các thành phố khác vào năm 1999 khiến cho hàng trăm người thiệt mạng. Những vụ nổ trên mà các giới chức Nga, bao gồm cả Thủ tướng Vladimir Putin, đều đổ lỗi cho các phần tử khủng bố Chechen, xảy ra sau sự can thiệp quân sự với quy mô lớn thứ hai của Nga thời hậu Xô Viết ở Chechnya. – VOA
1. Thái Lan tổ chức bầu cử như dự kiến
Bầu cử Thái Lan vẫn sẽ tiến hành vào ngày 2/2 theo kế hoạch, chính phủ nước này cho biết, trong lúc người biểu tình vẫn đang phong tỏa nhằm làm tê liệt thủ đô Bangkok. Tin trên được đưa ra sau một cuộc họp bị phía đi biểu tình tẩy chay.
Những người biểu tình bắt đầu “đóng cửa” trung tâm thành phố hôm thứ Hai 13/01, muốn thủ tướng phải từ chức và lập ra một “Hội đồng Nhân dân” không phải do cử tri bầu để tiến hành cải cách. Đoàn người chặn các ngã tư chính ở Bangkok và cắm trại ở một số khu vực.
Ủy ban bầu cử đã đề nghị hoãn cuộc bỏ phiếu tới tháng Năm.
Bà Yingluck cũng đề nghị đàm phán với phe đối lập vào sáng thứ Tư 15/1 để bàn về việc hoãn bỏ phiếu, nhưng ông Suthep Thaugsuban từ chối mọi thỏa hiệp và không tới dự. Tiếp sau cuộc họp vào buổi sáng, bà Yingluck nói với phóng viên rằng không có phương thức pháp lý nào có thể đình hoãn cuộc bỏ phiếu. “Quyền của người dân là điều quan trọng,” bà nói.
Phó thủ tướng Pongthep Thepkanchana nói: “Chúng tôi tin rằng cuộc bầu cử sẽ ổn định lại tình hình”. “Chúng tôi có thể thấy rằng sự ủng hộ ông Suthep đang dần giảm xuống. Đa số người dân không ủng hộ những gì ông ta làm trái với pháp luật,” ông nói thêm.
Nhiều khu vực ở Bangkok vẫn tiếp tục hoạt động trong giai đoạn đóng cửa. Nhưng những người biểu tình đã chặn các nơi đường giao nhau và bao vây các tòa nhà chính phủ nhằm làm gián đoạn công việc. Họ nói sẽ giữ nguyên vị trí cho tới khi chính phủ rời chức.
Trong một vụ việc xảy ra vào buổi đêm, một nhân chứng nói có vài phát súng bắn về phía hàng rào của những người biểu tình trong vòng hai giờ đồng hồ. Cảnh sát cho biết một người đàn ông bị bắn vào mắt cá chân và một phụ nữ bị bắn vào tay.
Một vụ nổ nhỏ – có thể do thiết bị gây nổ cỡ nhỏ hoặc pháo hoa – cũng xảy ra trong đêm ở nhà riêng của lãnh đạo đảng đối lập Abhisit Vejjajiva, tuy không gây thiệt hại gì tới ông này.
Cho tới nay những người ủng hộ ông Thaksin – phe “áo đỏ”, vẫn đứng bên ngoài những cuộc biểu tình này. Các nhà phân tích lo ngại rằng chỉ một động thái châm ngòi cũng có thể khiến họ quay trở lại đường phố và có khả năng xảy ra bạo lực. – BBC
2. TQ thử thành công tên lửa siêu tốc
Trung Quốc vừa cho bay thử thành công thiết bị mang tên lửa siêu tốc với đầu đạn hạt nhân có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện thời, theo báo South China Morning Post (SCMP) dẫn tin từ Ngũ Giác đài.
Khí cụ bay siêu tốc (HGV) của Trung Quốc bắt chước theo chiếc “WU-14” của Hoa Kỳ, được phát hiện trong lúc bay với vận tốc 10 lần vận tốc âm thanh trong không phận Trung Quốc. Theo so sánh của tờ Daily Star, với vận tốc này, khí cụ bay có thể chỉ mất 45 phút bay từ Bắc Kinh tới thủ đô Washington.
Chủ tịch Ủy ban Vũ khí của Hạ viện Hoa Kỳ và hai thành viên cấp cao khác đã bày tỏ lo ngại về vụ thử nghiệm của Trung Quốc, theo Washington Free Beacon đưa tin hôm 14/01. “Trong khi việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng diễn ra hết lượt này tới lượt khác làm ảnh hưởng tới tiến bộ kỹ thuật của Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia đối thủ khác đang cố gắng đạt ngang bằng với Hoa Kỳ; trong một số trường hợp thậm chí còn có vẻ đã dẫn trước chúng ta,” theo một tuyên bố của ba nhân vật trên.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng tuyên bố cuộc thử nghiệm là bước đột phá, theo SCMP. Vụ thử này có nghĩa rằng Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ đã thử nghiệm thành công HGV có khả năng mang tên lửa đầu đạn hạt nhân với vận tốc trên Mach 10 (khoảng trên 3,402.9 m/s).
Loại vũ khí này từ lâu đã được các chuyên gia an ninh coi là làm thay đổi cục diện do có thể bắn trúng mục tiêu trước khi mọi hệ thống tên lửa phòng vệ hiện thời kịp phản ứng. Một khi được đưa vào sử dụng, nó có thể đẩy mạnh một cách đáng kể lực lượng và chiến lược tên lửa sẵn có của Trung Quốc. Nó được thiết kế để có thể mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Khi đạt tới độ cao tiểu quỹ đạo nhất định, tàu bay và tên lửa tách rời nhau và phần mũi sẽ bay tới mục tiêu với vận tốc khoảng 12,359 cây số một giờ.
Nga và Ấn Độ là hai quốc gia cũng đang sản xuất loại vũ khí này.
Hồi năm 2010 Hoa Kỳ cho thử Lockheed HTV-2, loại khí cụ bay tương tự có khả năng đạt vận tốc Mach 20 (khoảng 6,805.8 m/s).
Cuộc thử nghiệm vào hôm 9/1 cho thấy Trung Quốc đã rút ngắn khoảng cách với các nhà khoa học Hoa Kỳ, do quốc gia này “đầu tư khổng lồ” vào dự án, theo SCMP. Lý Khiết, chuyên gia ngành hàng hải ở Bắc Kinh, được tờ báo ở Hong Kong dẫn lời nói vũ khí siêu thanh vốn có rất nhiều vấn đề kỹ thuật, “và chưa có quốc gia nào có thể chế tạo ra [vũ khí siêu tốc này] sẵn sàng dùng được trong thực tế”. – BBC
3. Lãnh tụ đối lập Campuchia ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông
Lãnh tụ đối lập Campuchia Sam Rainsy hôm thứ tư 15/1 nói với những người ủng hộ ông rằng Đảng Cứu Quốc Campuchia và các thành viên của đảng này ‘hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc’ trong các yêu sách của Bắc Kinh chống lại Việt Nam.
Rainsy nói: “Lợi ích của Trung Quốc phù hợp với chủ quyền của chúng ta. Nếu Việt Nam có thể thôn tính Campuchia, họ sẽ trở nên mạnh hơn và sẽ gây thêm xích mích với Trung Quốc. Vì thế cho nên, để cho Trung Quốc bảo vệ lợi ích của họ, họ cần phải ngăn không cho Việt Nam mạnh lên và tạo thành vấn đề cho họ. Đó là lý do tại sao Trung Quốc phải bảo vệ cho Campuchia trước sự thôn tính của Việt Nam. Điều này có lợi cho chúng ta. Chúng ta phải làm hết sức mình để tìm kiếm một thế lực ngăn không cho Việt Nam thôn tính đất nước chúng ta.” Ông Sam Rainsy cho biết như trên trong lúc Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến công du Phnom Penh để tăng cường quan hệ thương mại với Campuchia.
Các nhà quan sát cho biết nhiều người Campuchia có tâm lý bài xích Việt Nam vì họ vẫn còn cảm thấy căm tức đối với cuộc chiếm đóng của Việt Nam kéo dài từ năm 1979 đến năm 1989. Phe đối lập ở vương quốc này thường lợi dụng tâm lý đó để tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của người dân.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành quả trong việc tăng cường ảnh hưởng ở Campuchia, thông qua các chương trình viện trợ, đầu tư và phát triển. – VOA
4. NSA theo dõi cả máy tính không nối mạng
Tin cho hay Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) sử dụng công nghệ bí mật để theo dõi các máy tính thậm chí còn không được kết nối với internet. Trích dẫn tài liệu của Edward Snowden, tờ New York Times cho biết 100,000 máy tính được gắn các thiết bị nhỏ phát ra sóng vô tuyến.
Mục tiêu bao gồm quân đội Trung Quốc và Nga cũng như băng đảng ma túy, báo này đưa tin.
Vào thứ Sáu tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ theo dự kiến sẽ nói về những quan ngại đối với hoạt động của NSA.
Dẫn các nguồn “đã được nghe báo cáo” về kế hoạch của ông Barack Obama, New York Times đưa tin sẽ có việc hạn chế về phạm vi thu thập dữ liệu điện thoại với số lượng lớn, và rằng sẽ có một người được chỉ định để đại diện cho quan điểm của công chúng trong các cuộc họp tình báo bí mật.
Ngoài ra, hoạt động do thám ở nước ngoài sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong một nỗ lực mà báo này nói đã có tác động xấu đến cuộc khủng hoảng chính trị từ việc phát hiện Hoa Kỳ đã thu thập được dữ liệu từ thiết bị liên lạc của các nhà lãnh đạo thế giới mà họ không hề hay biết.
Việc tiết lộ mới nhất cho thấy NSA đã tiếp cận các mục tiêu bằng cách chèn bảng mạch nhỏ hoặc thẻ USB vào máy tính và sử dụng sóng vô tuyến để truyền dữ liệu mà máy tính không cần phải kết nối với mạng rộng hơn. Đây là tiết lộ quan trọng đáng kể ở chỗ nó làm người ta hết tin rằng một trong những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để đảm bảo cho hệ thống được an toàn là không truy cập vào mạng internet.
Trong một tuyên bố gửi cho tờ New York Times, một người phát ngôn của NSA cho biết không ai trong số các mục tiêu là ở Hoa Kỳ. Tuyên bố này nói thêm: “Các hoạt động của NSA chỉ tập trung và đặc biệt là để triển khai chống lại – và chỉ chống lại – mục tiêu tình báo nước ngoài…”
“Chúng tôi không sử dụng các biện pháp tình báo ở nước ngoài để đánh cắp các bí mật thương mại…hoặc cung cấp thông tin tình báo…cho các công ty Mỹ để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế…hoặc làm tăng lợi nhuận của họ.” – BBC
5. Dân biểu Mỹ đòi Washington tỏ lập trường cứng rắn về Biển Đông
Theo AP, trong một cuộc điều trần vào hôm 14/1 tại Hạ viện Mỹ, các dân biểu đã yêu cầu chính quyền Obama là không được để yên cho Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để áp đặt các yêu sách lãnh thổ của mình trong vùng biển khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Nhân cuộc điều trần này, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng thái độ quyết đoán của Bắc Kinh đang thách thức lợi ích an ninh của Mỹ. Đây là cuộc điều trần chung của các dân biểu có nhiệm vụ giám sát chính sách châu Á của Mỹ, cũng như vấn đề sử dụng sức mạnh trên biển.
Các nhà lập pháp muốn xem xét phản ứng của Washington, trong bối cảnh lo ngại đã nẩy sinh về nguy cơ Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vì Mỹ có hiệp ước quốc phòng song phương với Nhật Bản và Philippines.
Tuyên bố gần đây của TQ về việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Seankaku/ Điếu Ngư và các quy định mới “cấm” tàu cá ngoại quốc tại một vùng rất rộng lớn trên Biển Đông, đã gia tăng mối quan ngại rằng sự vươn lên của TQ trong tư cách một cường quốc khu vực có thể tạo ra xung đột.
Dân biểu Steve Chabot thuộc đảng Cộng hòa-Ohio đã gọi Trung Quốc là một kẻ “hiếu chiến nguy hiểm”, đang cố gắng cướp lãnh thổ tranh chấp bằng cách dần dần leo thang vũ lực với “hy vọng sai lầm rằng Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp nhận”.
Dân biểu Ami Bera thuộc đảng Dân chủ-California thì kêu gọi cả hai chính đảng tại Mỹ đồng lòng tung ra một thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội Hoa Kỳ, lên án Trung Quốc về “các động thái đe dọa và khiêu khích nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển” và xem các hành động đó của Bắc Kinh là điều “không thể chấp nhận được”.
Theo Dân biểu Cộng hòa Randy Forbes-Virginia, Mỹ phải có thái độ là “100% không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và việc nước này tiếp tục dùng các hình thức cưỡng ép bằng quân sự để thay đổi hiện trạng trong khu vực”.
Ý kiến của các dân biểu phản ảnh mối quan ngại sâu rộng ở Washington về ý định của Trung Quốc vào lúc Bắc Kinh lao vào thách thức ưu thế quân sự của Mỹ tồn tại trong hàng thập kỷ tại châu Á, cũng như về thái độ thiếu tuân thủ luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Trong một diễn biến khác, Đại sứ Philippines tại Washington vào hôm qua đã lên tiếng phản đối hành vi “xâm lược” của TQ tại Biển Đông, và kêu gọi Việt Nam, một nước cũng bị TQ chèn ép ở Biển Đông, là nên theo gương Philippines trong việc kiện Bắc Kinh trước quốc tế về các yêu sách chủ quyền quá đáng. – RFI
Copyright © 2024 | TDV tandaiviet.org