Tin Thế Giới – Thứ Hai 6/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – Thứ Hai 6/1/2014

1. Cam Bốt: Ông Sam Rainsy thề không lui buớc, mật vụ bắt người đấu tranh chống cướp đất
2. Thủ tướng Đức Angela Merkel bị thuơng khi trượt tuyết
3. Miến Điện: Cánh cửa chỉ mới hé mở cho bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống
4. Dennis Rodman dẫn đội bóng rổ đến Bắc Hàn biểu diễn
5. Hoa Kỳ: FBI chính thức thay đổi sứ mạnh trọng yếu
6. Bangkok: Người biểu tình lại xuống đường
7. Cam Bốt: Các lãnh đạo đối lập bị tư pháp triệu tập
8. Miến Điện: Hàng nghìn người biểu tình đòi hủy bỏ các luật trấn áp
9. Mỹ kêu gọi Nhật cải thiện quan hệ với Trung Quốc

1. Campuchia: Ông Sam Rainsy thề không lui buớc, mật vụ bắt người đấu tranh chống cướp đất

Lãnh đạo đối lập Campuchia hôm Chủ nhật ngày 5/1 thề sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình chống chính phủ bất chấp việc chính quyền đàn áp bằng bạo lực và đe dọa đưa các lãnh đạo đối lập ra tòa.

Ông Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), cũng nói rằng ông sẽ không bị dụ từ bỏ con đường phi bạo lực sau các hành động bạo lực của chính phủ.

Các cuộc biểu tình do CNRP phát động kể từ khi kết thúc cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Bảy nhằm lật đổ Thủ tướng Hun Sen và tổ chức bầu cử mới, là thách thức lớn nhất đối với Hun Sen.

Những người biểu tình trong thời gian qua nhìn chung ôn hòa, nhưng cuộc đình công của công nhân ngành may mặc vốn là ngành công nghiệp chủ chốt của Campuchia, đã gia tăng sức ép lên chế độ của Hun Sen. Các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân mặc dầu tách biệt với các cuộc biểu tình chống chính phủ nhưng công đoàn ở Campuchia từ lâu đã có quan hệ chặt chẽ với phe đối lập.

Hành động bạo lực này khiến Đảng CNRP hủy bỏ đàm phán với Đảng CPP cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen để tìm giải pháp chính trị. Sam Rainsy nói chỉ nối lại đàm phán khi nào chính phủ chấm dứt bạo lực và đe dọa.

Ông cáo buộc việc Đảng CPP huy động cảnh sát giải tán người biểu tình ở Công viên Độc lập hôm thứ Bảy là ‘cái bẫy’ để dụ người biểu tình phản kháng và qua đó ‘làm mất uy tín phe đối lập’.

Ông Sam Rainsy đã tổ chức buổi lễ cầu siêu cho những người bị thiệt mạng tại trụ sở đảng của ông với sự tham dự của khoảng 1.000 người. Ông cho biết ngay khi nghe tin cảnh sát đến giải tỏa, ông đã nói với người biểu tình tránh có hành động bạo lực và rời khỏi công viên.

Đảng CNRP cũng hủy các cuộc biểu tình tại Công viên Độc lập dự tính diễn ra vào Chủ nhật 5/1.

Trong khi đó, tòa án Phnom Penh đã ra trát yêu cầu ông Sam Rainsy và Kem Sokha, phó chủ tịch Đảng CNRP, đến tòa vào ngày 14/1 để thẩm vấn về các cáo buộc ‘bạo loạn’ và ‘kích động người khác phạm tội nghiêm trọng’. Hành động này cho thấy các lãnh đạo CNRP có thể đối mặt với cáo trạng hình sự.

Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Licadho tại Cam Bốt, 5 phụ nữ trong phong trào đấu tranh chống trưng thu đất đai vừa bị bắt vào hôm nay, 6/1. Trong lúc chuẩn bị đi biểu tình để đòi trả tự do cho những người đã bị bắt giam trong hồ sơ này, họ đã bị công an mặc thường phục đẩy lên một chiếc xe hơi chở đi mất tích.

Theo AFP, một số nhân chứng cho biết là những người vừa bị bắt thuộc cộng đồng cư dân khu Boeung Kak, nơi mà hàng ngàn gia đình đã bị trục xuất để lấy chỗ cho một dự án xây dựng bên bờ hồ ở Phnom Penh. Tổ chức nhân quyền Licadho cho biết thêm: Trong những người bị bắt hôm nay có hai thành viên hàng đầu trong phong trào đấu tranh là Tep Vanny và Yorm Bopha.

Tổ chức nhân quyền Licadho hôm nay còn tố cáo chính quyền Phnom Penh không cho biết rõ đã giam giữ 23 người bị bắt vào tuần qua ở nơi nào. – BBC & RFI

2. Thủ tướng Đức Angela Merkel bị thuơng khi trượt tuyết

Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp tai nạn gây rạn nứt một xương hông do trượt tuyết ở vùng biên giới Thụy Sĩ. Bà Merkel sẽ phải cố gắng nằm nguyên vị càng nhiều càng tốt trong ba tuần tới và một số công du sẽ phải hủy bỏ. Vụ tai nạn xảy ra ở vùng núi Alpine Engadine, phía Đông Thụy Sĩ, cũng gây một số chấn thương khác. Lúc đó bà Merkel trượt tuyết với tốc độ không nhanh lắm.

Phát ngôn nhân chính phủ, ông Steffen Seibert cho biết chấn thương gây ra “vết bầm tím nghiêm trọng liên quan tới một bộ phận bị rạn ở bên trái, phía sau xương hông”.

Ngay sau tai nạn xảy ra vào đúng kỳ nghỉ Giáng sinh, bà Merkel không nhận ra rằng một phần xương hông của bà đã bị rạn. Người phát ngôn không nói rõ tai nạn đã xảy ra như thế nào, nhưng bà dự định vẫn sẽ chủ trì cuộc họp nội các vào thứ Tư tới. Hiện bà đã có thể dùng nạng để di chuyển, nhưng trong thời gian tới bà sẽ chủ yếu làm việc từ nhà.

Thủ tướng Đức đã phải hủy chuyến thăm Ba Lan trong tuần này và cũng sẽ không tiếp đón được thủ tướng mới Xavier Bettel của Luxemburg.

Theo phóng viên Andrew Marr của BBC, bà Merkel là chính trị gia kín đáo một cách khác thường – không phô trương và trịch thượng. Ngay cả đối với người Đức, bà là một phụ nữ khó hiểu.

Bà Angela Merkel sinh ở Hamburg, Tây Đức. Ông Horst cha của bà, một mục sư Tin Lành, đã chuyển cả gia đình về phía Đông vào năm 1954 khi Angela chỉ mới vài tuần tuổi. Thời thơ ấu của bà cũng đã được định hình bởi cuộc Chiến tranh lạnh – người cha theo đảng Xã hội của bà Merkel đã từng tổ chức các cuộc họp mặt về chính trị tại Nhà thờ của ông và khi bà lớn lên, các cuộc tranh luận mạnh mẽ thường vang lên xung quanh bàn ăn.

Đến cuối năm 1990 bà Merkel trở thành một thành viên của Quốc hội Đức đại diện cho CDU, đảng phái lớn nhất ở Tây Đức và bắt đầu cất cánh lên đỉnh cao. Thủ tướng Đức Helmut Kohl muốn tìm một phụ nữ, trầm lặng và một người cựu Đông Đức cho nội các đầu tiên của ông thời kỳ hậu thống nhất đất nước. Bà Merkel được tiến cử. Vậy là khởi đầu với ghế Bộ trưởng phụ trách phụ nữ, bà từ từ đi lên trên các cấp bậc. – BBC

3. Cánh cửa chỉ mới hé mở cho bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống

Hôm qua 5/1/2014, hàng ngàn người đã biểu tình ở Rangoon để đòi xóa bỏ những đạo luật mang tính trấn áp và chấm dứt các vụ bắt giữ mang tính chính trị ở Miến Điện. Nhưng những người biểu tình cũng đòi chính phủ sửa đổi bản Hiến pháp năm 2008, để lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể lên làm tổng thống Miến Điện.

Hiến pháp hiện hành cấm một công dân Miến Điện có chồng hoặc con mang quốc tịch nước ngoài trở thành Tổng thống.

Bà Aung San Suu Kyi đã cho biết sẽ đại diện đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ra tranh chức tổng thống Miến Điện. Chức vụ này sẽ được chọn bởi các dân biểu Quốc hội được bầu lên trong cuộc bầu cử năm 2015.

Trong thời gian gần đây, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã liên tiếp đưa ra lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp Miến Điện theo đúng các chuẩn mực dân chủ. Ngày 2/1/2014 vừa qua, ngay chính tổng thống Miến Điện Thein Sein cũng đã tuyên bố ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp.

Theo quy định hiện hành, mọi sửa đổi Hiến pháp cần phải được thông qua với hơn 75% số phiếu ở Quốc hội. Điều này có nghĩa là muốn sửa đổi Hiến pháp, nhất thiết phải có sự ủng hộ của phe quân sự Miến Điện, hiện đang nắm 25% số ghế ở Quốc hội. Chính vì vậy mà thứ bảy tuần trước, bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi quân đội tham gia vào việc cải tổ Hiến pháp.

Cách đây vài tháng, một Ủy ban Quốc hội, gồm đại diện của các chính đảng và của quân đội, đã bắt đầu họp bàn về cải tổ Hiến pháp Miến Điện. Ủy ban này sẽ trao báo cáo kết luận trước cuối tháng Giêng.

Trước mắt, người ta được biết là Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang, đảng của tổng thống Thein Sein, hiện nắm đa số ở Quốc hội Miến Điện, chỉ đề nghị một sửa đổi nhỏ về Hiến pháp, tức là con dâu của ứng cử viên tổng thống không nhất thiết là công dân Miến Điện.

Các dân biểu đảng này vẫn giữ nguyên quy định là các con của ứng cử viên tổng thống phải là người mang quốc tịch Miến Điện.

Theo lời một dân biểu Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang, để bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống, hai con trai của bà phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài và xin nhập tịch Miến Điện.

Trong bài phát biểu ngày 2/1, tổng thống Thein Sein đã không nhắc đến những đề nghị sửa đổi Hiến pháp của đảng cầm quyền, cũng như không nói rõ là ông sẽ thúc đẩy đảng của ông đi xa hơn nữa hay không. Hiện cũng chưa biết là ông Thein Sein có tranh chức tổng thống nhiệm kỳ 2 hay không.

Một điều chắc chắn là các ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền sẽ tìm cách ngăn chận việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng có lợi cho nhà đối lập Aung San Suu Kyi, cho dù làm như vậy là đi ngược lại với xu thế dân chủ hóa ở Miến Điện. – RFI

4. Dennis Rodman dẫn đội bóng rổ đến Bắc Hàn biểu diễn

Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đã đến Bình Nhưỡng với một đội bóng gồm 12 cầu thủ về hưu để tham dự một trận đấu biểu diễn để mừng sinh nhật của lãnh tụ Kim Jong Un.

Phát biểu với báo chí ngày hôm nay trước khi rời Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng, Rodman nói rằng Kim Jong Un đối với anh rất tốt và anh không hề bận tâm tới những gì mà nhà lãnh đạo Bắc Hàn làm trên phương diện chính trị.

Đây là chuyến viếng thăm thứ tư của Rodman. Tháng trước, anh đã tới huấn luyện cho các cầu thủ của Bắc Hàn, nhưng không gặp ông Kim Jong Un trong chuyến đi đó.

Trong những chuyến trước, Rodman đã có những cuộc gặp gỡ riêng tư với Kim Jong Un, người anh gọi là “một người bạn suốt đời” và là “một người tốt.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Rodman không đại diện cho chính phủ Mỹ. – VOA

5. Hoa Kỳ: FBI chính thức thay đổi sứ mạnh trọng yếu

FBI vừa chính thức thay đổi sứ mạng trọng yếu, từ cơ quan “thực thi luật pháp” (law enforcement) đến “an ninh quốc gia” (national security).

Sự nâng cấp này đã được đưa vào văn kiện tổ chức của FBI trong mùa hè vừa qua để phản ảnh sự thay đổi vai trò của cơ quan này sau biến cố 9/11.

Phát ngôn nhân FBI Paul Bresson nói với tạp chí Foreign Policy rằng “Chúng tôi xếp hạng 10 ưu tiên và chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu, phản gián là ưu tiên thứ nhì, không gian ảo là ưu tiên thứ ba”. “Có thể nói một cách chính xác, nhiệm vụ chính yếu của chúng tôi là an ninh quốc gia”. – FP

6. Bangkok: Người biểu tình lại xuống đường

Hàng ngàn người biểu tình đối lập tại Thái Lan lại tiếp tục tuần hành ở thủ đô Bangkok, đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức, trong một sự kiện mở đầu của kế hoạch làm tê liệt thủ đô vào tuần tới.

Những người biểu tình tuần hành qua quận lịch sử của thành phố ngày Chủ Nhật 5/1/2014, trong một nỗ lực thu hút sự ủng hộ cho việc chiếm thủ đô, với những hoạt động tương tự được dự trù sẽ diễn ra vào thứ Ba và thứ Năm.

Người biểu tình dự định sẽ làm cho Bangkok tệ liệt vào ngày 13 tháng này. – VOA

7. Cam Bốt: Các lãnh đạo đối lập bị tư pháp triệu tập

Hôm 5/1, tiếp theo lệnh cấm biểu tình, chính quyền Cam Bốt ra quyết định triệu tập các lãnh đạo đối lập để thẩm vấn, với cáo buộc tình nghi kích động gây rối trật tự công cộng.

Giấy triệu tập của tòa án Phnom Penh được đăng tải trên trang web của đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP) vào tối hôm 4/1/2014.

Ông Sam Rainsy, người đứng đầu đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt và người phó, ông Kem Sokha, sẽ phải trình diện tại tòa án thành phố Phnom Penh ngày 14/01 tới. Trả lời báo giới, lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc khẳng định ông sẵn sàng tự bào chữa, và đồng thời cho rằng đây chính là “một cơ hội” giúp cho đối lập “làm sáng tỏ sự thật”.

Lệnh triệu tập các lãnh đạo đối lập của tòa án Phnom Penh được đưa ra sau các cuộc biểu tình đòi tăng lương của công nhân ngành dệt may bị cảnh sát vũ trang đàn áp. Ngày 3/1, cảnh sát đã nổ súng vào đoàn biểu tình khiến ít nhất ba người chết.

Theo một số nhà bảo vệ nhân quyền, đây là các đàn áp khốc liệt nhất chống lại thường dân từ 15 năm nay tại Cam Bốt. Ngày 4/1/2014, cảnh sát vũ trang đã dùng sức mạnh giải tán hàng trăm người đối lập tập hợp biểu tình tại công viên Tự Do giữa trung tâm thủ đô Cam Bốt từ hơn ba tuần qua.

Cũng ngày 5/1, đảng đối lập đã tổ chức lễ truy điệu các công nhân dệt may bị bắn chết hôm thứ Sáu 3/1. Các lãnh đạo đảng đối lập kêu gọi những người ủng hộ bình tĩnh. Trả lời báo giới, ông Sam Rainsy cho biết ông không lo sợ và không tin rằng ông sẽ bị chính quyền bắt giữ, vì hiện thời tình hình đã thay đổi.

Giải thích về cuộc biểu tình của công nhân dệt may bị đàn áp khốc liệt, ông Sam Rainsy khẳng định chính quyền đã cử một số kẻ gây rối trà trộn vào hàng ngũ biểu tình, không do đối lập tổ chức, để khiến cho tình hình trở nên rối loạn buộc cảnh sát phải can thiệp mạnh tay. Lãnh đạo đối lập cũng nhắc lại rằng đảng của ông đã tổ chức thành công rất nhiều cuộc biểu tình bất bạo động với đông đảo người tham gia, mà không hề bị bất cứ một lộn xộn nhỏ nào.

Theo lãnh đạo đối lập, chính quyền hiện tại lo ngại trước cuộc biểu tình dự kiến được tổ chức ngay trước ngày 7/1, một ngày lễ quốc gia chính thức của Cam Bốt, kỷ niệm 35 năm ngày chế độ diệt chủng Khmer đỏ bị quân đội Việt Nam lật đổ. Đối với đối lập Cam Bốt, đây là ngày khởi đầu cho việc đất nước bị chiếm đóng trong vòng một thập kỷ. Đảng đối lập Cam Bốt dự kiến ba ngày hành động liên tiếp bắt đầu từ Chủ nhật để gây áp lực đòi Thủ tướng Hun Sen từ chức và tổ chức bầu cử lại Quốc hội. – RFI

8. Miến Điện: Hàng nghìn người biểu tình đòi hủy bỏ các luật trấn áp

Hôm 5/1, theo AFP, hàng nghìn người Miến Điện biểu tình tại Rangoon để đòi chính quyền hủy bỏ các điều luật đàn áp và chấm dứt các vụ bắt bớ liên quan đến chính trị.

Người biểu tình tập hợp khoảng hai giờ trước trụ sở tòa thị chính thành phố Rangoon, hô vang các khẩu hiệu “tự do” và “trả lại cho người dân đầy đủ các quyền căn bản”.

Có mặt trong cuộc biểu tình, ông Pyone Cho, một nhà tranh đấu thuộc nhóm “Thế hệ 88”, tuyên bố không chấp nhận chính quyền có thêm “bất cứ vụ bắt bớ mới nào nhắm vào những người hoạt động chính trị”. Thế hệ 88 là lực lượng đứng ra tổ chức cuộc biểu tình hôm nay.

Tuần rồi, vào đúng ngày cuối năm, chính quyền Miến Điện tuyên bố đã thực hiện lời hứa thả hết tù nhân chính trị trước ngày 31/12, bằng một lệnh ân xá mới. Tuy nhiên, giới bảo vệ nhân quyền tỏ ra ngờ vực trước tuyên bố này. Các tổ chức nhân quyền lo ngại chính quyền có thể bắt bớ thêm những tù nhân chính trị mới, dựa trên các điều luật mang tính trấn áp hiện hành, đặc biệt liên quan đến các cuộc biểu tình mà chính quyền coi là “bất hợp pháp” hay các bắt bớ liên quan đến việc thu hồi đất đai.

Những người biểu tình cũng kêu gọi sửa đổi Hiến pháp 2008, vốn dành một phần tư số ghế cho giới quân sự và cản trở lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi ứng cử Tổng thống. Tổng thống Thein Sein, trong tuần vừa rồi, cũng thông báo ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp. Một Ủy ban Quốc hội bắt đầu họp bàn về cải tổ Hiến pháp cách đây vài tháng. Ủy ban này sẽ ra báo cáo kết luận từ đây đến cuối tháng Giêng. – RFI

9. Mỹ kêu gọi Nhật cải thiện quan hệ với Trung Quốc

Hôm 4/1/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã thúc giục Nhật Bản cải thiện quan hệ với Trung Quốc, sau sự kiện Thủ tướng Shinzo Abe đến viếng đền Yasukuni, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Trên website của Bộ Quốc phòng Mỹ, ông John Kirby, phụ trách báo chí và truyền thông, cho biết: “Bộ trưởng Hagel đã nhấn mạnh rằng điều rất quan trọng là Nhật Bản phải có những biện pháp để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và thúc đẩy hợp tác hướng tới mục đích chung là hòa bình, ổn định khu vực”.

Theo hãng thông tấn Kyodo, trích dẫn nguồn tin từ các quan chức Nhật Bản, thì tối hôm qua, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định rằng khi đi thăm đền Yasukuni, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc lại cam kết của Nhật Bản là không tiến hành chiến tranh nữa.

Hoa Kỳ, đồng minh thân thiết của Nhật Bản tỏ thái độ không tán đồng và cho rằng việc đến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật chỉ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Tokyo với các nước láng giềng. – RFI