Tin Thế Giới 29/9/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới 29/9/2014

Người biểu tình Hong Kong trông đợi sự ủng hộ của quốc tế – Đài Loan hậu thuẩn – Báo chí TQ tấn công

Các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đã được đáp lại phần lớn bằng sự im lặng của các chính phủ nước ngoài, gây thất vọng cho người tổ chức biểu tình.

Nhiều nước trong vùng không phải là các nền dân chủ, trong khi những nước khác do dự không muốn đưa ra các thông cáo gần như chắc chắn sẽ làm mích lòng người giám sát Hong Kong đầy quyền lực là chính quyền Trung Quốc.

Trang Twitter của phong trào Chiếm Trung than rằng “Một lần nữa, các chính phủ dân chủ không lên tiếng ủng hộ dân chủ” khi chuyển đi thông cáo của lãnh sự quán Hoa Kỳ mà phong trào mô tả là “không dám nói thẳng thắn.”

Thông cáo 2 đoạn được lãnh sự quán công bố vào giữa trưa thứ hai, giờ Hong Kong, nêu ra hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ dành cho các quyền tự do cơ bản của Hong Kong, “như quyền tự do hội họp, quyền tự do phát biểu và quyền tự do báo chí.”

Thông cáo nói thêm: “Chúng tôi không đứng về phe nào trong cuộc thảo luận về diễn biến chính trị của Hong Kong, và chúng tôi cũng không hậu thuẫn cho bất cứ cá nhân hay đoàn thể cụ thể nào can dự vào cuộc thảo luận đó.”

Lãnh sự quán kêu gọi “tất cả các bên tránh các hành động làm cho căng thẳng leo thang thêm, tự chế trong hành động, và bày tỏ các quan điểm” về tương lai chính trị của Hong Kong một cách ôn hoà.

Bộ Ngoại giao Anh hôm nay cho biết đang thận trọng theo dõi các diễn biến và “bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Hong Kong, và khuyến khích tất cả các bên tham gia vào cuộc bình phẩm xây dựng.”

Hàng ngàn người biểu tình đã canh thức đêm thứ hai tại các giao lộ chính của đặc khu hành chính Trung Quốc, nhưng chính phủ Hong Kong cho biết đã rút cảnh sát bạo động sau cuộc rối loạn tối hôm trước vì “người dân phần lớn đã bình tĩnh trở lại.”

Hành chánh trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh không được lòng dân, mà người biểu tình đang kêu gọi từ chức, phủ nhận những tin đồn rằng binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ được điều tới để đàn áp phong trào biểu tình.

Các tổ chức tôn giáo và dân sự bày tỏ sự bất bình rằng cảnh sát đã ném các bình hơi cay và xịt hơi cay vào người biểu tình ôn hoà hôm chủ nhật.

Cảnh sát nói họ đã sử dụng vũ lực tối thiểu để giữ khoảng cách an toàn giữa người biểu tình và nhân viên công lực. Tại một cuộc họp báo, cảnh sát còn cáo buộc người biểu tình là sử dụng bạo lực khiến họ phải dùng đến sức mạnh.

Không có mấy bằng chứng về bất kỳ hành vi bạo động nào của người biểu tình. Nhiều người trên mạng xã hội nhận xét về sự ôn hoà của các hành vi ngoài đường phố.

Người sáng lập Nhóm Nhà văn Hong Kong, ông Lawrence Gray, qua trang Twitter, nêu nhận định rằng chỉ có ở Hong Kong “người biểu tình mới giữ chai nước để tái chế và thậm chí không đập vỡ một cửa kính nào.”

Một thông cáo của Hội Luật gia Hong Kong nói tổ chức “hết sự quan ngại, công kích và lên án việc sử dụng vũ lực một cách quá đáng và không cân xứng” của cảnh sát, và nêu ra nhiều người biểu tình, có hành vi rất ôn hoà, là sinh viên học sinh.

Nhóm luật gia cảnh báo rằng sự đáp ứng của cảnh sát “đã gây trầm trọng thêm một cách vô ích cảm giác hận thù và bất mãn của công chúng.”

Đức Hồng y John Tong đã ký một “lời kêu gọi khẩn cấp” của Giáo phận Công giáo kêu gọi chính phủ “coi an ninh cá nhân các công dân là mối quan tâm chính” và “áp dụng sự tự chế và lắng nghe tiếng nói của thế hệ trẻ và người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội.”

Ngoài một cuộc bãi khoá của sinh viên, bắt đầu hôm thứ sáu, phong trào hôm thứ hai còn quy tụ được hậu thuẫn của một phần ngày càng lớn dân chúng thuộc mọi thành phần khác nhau.

Nhiều công ty, kể cả công ty Coca-Cola ở Hong Kong, xác nhận rằng một số công nhân đã lãn công để bày tỏ sự ủng hộ cho các mục tiêu của phong trào non trẻ.

Nhân viên của hãng cửa hàng Apple ở Hong Kong đã phổ biến một thỉnh nguyện thư kêu gọi Chủ tịch ban Quản trị Tim Cook và hãng sản xuất máy điện toán và điện thoại thông minh có trụ sở ở Hoa Kỳ “hậu thuẫn và hỗ trợ cho chiến dịch bất tuân dân sự của chúng tôi, và đáp lại cuộc tranh đấu của người dân Hong Kong.”

Theo các bản tin, hơn 1.000 công nhân viên của hãng Apple ở Hong Kong đã ký thư thỉnh nguyện.

Chiều thứ hai, khoảng 1.000 cán sự xã hội và học sinh đã tụ tập tại trường Đại học Bách Khoa để dự một cuộc biểu tình do Tổng liên đoàn Lao động tổ chức, và cho biết nhiều cán sự xã hội dự tính lãn công cho đến khi phong trào Chiếm Trung chấm dứt.

Cuộc biểu tình lần đầu tiên, do phong trào này tổ chức, đã biến thành một hành động lớn hơn và tự phát hôm chủ nhật tại nhiều địa điểm để yêu cầu các nhà lãnh đạo Hong Kong được bầu ra mà không có sự can thiệp của Bắc Kinh.

Qua Twitter, hashtag #OccupyCentral để theo dõi các hoạt động biểu tình đã làm sinh sôi thêm các hashtag khác như #OccupyHongKong và #UmbrellaRevolution, ám chỉ các cây dù mà người biểu tình sử dụng để tránh các bình hơi cay và thuốc xịt cay.

Các quang cảnh hàng ngàn người biểu tình tụ tập ở trung tâm tài chính của châu Á dường như chưa có tác động tức thời đối với ngành du lịch.

Australia và Italia nằm trong số các nước đầu tiên công bố lệnh cảnh báo du hành.

Lời cảnh báo ở mức thấp của Australia kêu gọi công dân thận trọng khi du hành đến Hong Kong vì “sự gián đoạn đáng kể trong giao thông và các dịch vụ chuyên chở công cộng” ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Sự quan ngại và các ảnh hưởng chính ban đầu đối với thuộc địa cũ của Anh quốc này chủ yếu có liên quan đến các hoạt động kinh tế, phù hợp với danh tiếng mạnh về tư bản chủ nghĩa của Hong Kong.

Chỉ số chứng khoán của Hong Kong sụt 449 điểm vào cuối ngày giao dịch hôm nay, tức là sụt 1,9%.

Thẩm quyền Tiền tệ Hong Kong, trên thực tế là ngân hàng trung ương, cho biết sẵn sàng “bơm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng nếu và khi nào cần thiết.”

Với các đường đi vào quận thương mại Trung ương bị chận trong ngày hôm nay, các ngân hàng đóng cửa một số chi nhánh và khuyến cáo nhân viên đến làm việc ở các chi nhánh khác hoặc làm việc ở nhà.

Cơ quan đánh giá tín dụng Fitch cho biết không có sự quan ngại tức thời đối với đểm xếp hạng AA+ của Hong Kong với triển vọng bình ổn.

Người đứng đầu cơ quan Asia-Pacific Sovereigns của Fitch, ông Andrew Colquon nói: “Sẽ là điều tiêu cực nếu như các cuộc biểu tình lên đến mức độ đủ rộng và kéo dài đủ để có ảnh hưởng vật chất lên nền kinh tế hay sự ổn định tài chính. Nhưng chúng tôi thấy điều này rất khó xảy ra.”

Một số giới chức kỳ cựu của Trung Quốc tỏ ra bi quan hơn.

Qua Twitter, giảng viên kỳ cựu của Học viện Hoa Kỳ-Trung Quốc và từng là thông tín viên cho đài CNN, Mike Chinoy nói: “Tôi đã tường thuật về Thiên An Môn năm 1989. Tôi thấy không có cách nào chính phủ Trung Quốc có thể dung túng những gì đang xảy ra ở Hong Kong. Tôi rất ngại là việc này sẽ kết thúc xấu.”

Một bài bình luận trên tờ Global Times của Trung Quốc quy trách cho các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ là “tìm cách đánh lạc hướng và khích động xã hội Hong Kong” bằng cách liên kết phong trào xuống đường với vụ nổi dậy Thiên An Môn cách đây 1/4 thế kỷ ở Bắc Kinh.

Thứ tư này, ngày 1 tháng 10, sẽ đánh dấu 65 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Với người biểu tình đòi dân chủ còn đang xuống đường và chưa thấy dấu hiệu phong trào chấm dứt, chính quyền Hong Kong đã loan báo huỷ bỏ việc đốt pháo hoa hàng năm nhân ngày Quốc Khánh tại cảng Victoria, vì “những quan ngại về an toàn công cộng và sắp xếp chuyên chở công cộng.”

Hàng ngàn người Đài Loan hôm chủ nhật đã xuống đường biểu tình để bày tỏ hậu thuẫn cho phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông. Các nhà lãnh đạo Đài Loan cũng công khai lập lại sự ủng hộ dành cho các nhân vật tranh đấu ở Hồng Kông.

Chính phủ Đài Loan đã bày tỏ sự hối tiếc đối với những vụ đụng độ hôm chủ nhật ở Hồng Kông.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Al-Jazeera, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết ông cảm thấy lo lắng về tình hình Hồng Kông và tuyên bố Đài Loan là nơi duy nhất của Trung Quốc có được dân chủ. Ông cũng bác bỏ đề nghị “một quốc gia hai chế độ” mà giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra.

“Tôi nghĩ rằng nếu có được phổ thông đầu phiếu thì đó là một việc có ý nghĩa vô cùng to lớn cho Hồng Kông và Hoa Lục, nhất là cho hình ảnh của Hoa Lục trên trường quốc tế. Chúng tôi đã nói rất rõ là Đài Loan không chấp nhận mô thức “một quốc gia, hai chế độ”. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chế độ đó là một chế độ tốt thì chúng ta nên có “một quốc gia, một chế độ”.”

Các nhà phân tích ở Đài Bắc cho rằng sự ủng hộ cho phong trào dân chủ Hồng Kông có thể sẽ được tăng cường sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với một phái đoàn Đài Loan đến thăm Hoa Lục rằng Đài Loan nên chấp nhận mô thức một quốc gia, hai chế độ – như Hồng Kông đã làm.

Ông Ngô Thụy Quốc, Giám đốc công ty tư vấn rủi ro chính trị e-telligence, nói rằng Bắc Kinh không hiểu rõ tình hình.

Rõ ràng là có một cái hố ngăn cách giữa nhận thức của Bắc Kinh và thực tế ở Đài Loan. Nói một cách bao quát, nếu tự do dân chủ là những gì mà người dân Hồng Kông đang theo đuổi thì đó là điều mà tất cả các nước láng giềng cần phải chú tâm theo dõi.”

Đài Loan đã có một chính phủ riêng từ những năm cuối của thập niên 1940, khi chính phủ Quốc Dân Đảng bị phe Cộng Sản đánh bại và thiên đô sang Đài Loan. Từ khi ông Mã Anh Cửu lên giữ chức tổng thống năm 2008, các nhà lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc đã bắt đầu gạt qua một bên những sự khác biệt về chính trị để tiến hành các cuộc thương nghị về kinh tế, thương mại. Những cuộc thương nghị đó đã mang lại hơn 20 hiệp định có lợi cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đài Loan.

Bắc Kinh áp dụng mô thức “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông năm 1997, theo đó cựu thuộc địa Anh này nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc nhưng được tự trị về kinh tế và chính trị trong vòng 50 năm. Giờ đây các nhà tranh đấu dân chủ Hồng Kông muốn thực hiện phổ thông đầu phiếu để chọn trưởng quan hành chánh vào năm 2017 và các thành viên của Viện Lập pháp vào năm 2020.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng này Trung Quốc nói rằng họ không sẵn sàng để cho Hồng Kông có bầu cử tự do. Họ muốn một ủy ban đề cử, hầu hết là những người thân Bắc Kinh, lựa chọn các ứng cử viên cho chức vụ trưởng cơ quan hành chánh.

Ủy ban Hoa Lục của chính phủ Đài Loan hôm thứ 6 vừa qua cho biết đảo quốc này không thể chấp nhận mô thức một quốc gia hai chế độ mà Bắc Kinh đề nghị. Ủy ban này nói rằng hơn 70% dân chúng Đài Loan phản đối mô thức đó.

Trước sự sôi sục của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, hôm nay 29/09/2014, báo chí chính thức tại Trung Quốc lục địa gần như đồng thanh lên án gay gắt lãnh đạo biểu tình đòi bầu cử tự do là những “kẻ cực đoan chính trị”. Các thông tin liên quan đến biến động tại Hồng Kông bị kiểm duyệt chặt chẽ.

Xã luận của nhật báo anh ngữ Global Times nhấn mạnh “các nhóm đối lập (Hồng Kong) biết rõ rằng không thể thay đổi được quyết định” của Bắc Kinh về thể thức bầu cử lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, “những kẻ đấu tranh cực đoan đó đang chuốc lấy thất bại” và biến động chỉ làm xấu đi hình ảnh của Hồng Kông…

Trong khi đó nhật báo China Daily tố cáo chiến dịch mang tên gọi “Occupy central” do những “những kẻ cực đoan chính trị” tổ chức và lợi dụng lý tưởng và lòng nhiệt huyết của sinh viên.

Tờ Global Times còn khẳng định, mọi liên hệ với sự kiện Thiên An Môn năm 1989 là “không có cơ sở”. Tờ báo viết: “Trung Quốc là một nước không còn giống như cách đây 25 năm… đất nước giờ đây có nhiều cách thức hơn để xử lý những hình thức biến động khác nhau”.

Trong khi những bài viết chỉ trích nhằm vào phong trào dân chủ Hồng Kông đăng đầy kín các báo chính thức, thì chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm duyệt trên tất cả các mạng xã hội những thông tin liên quan đến biến động chính trị xã hội trong những ngày qua ở đặc khu hành chính này của Trung Quốc. Các ứng dụng Instagram dành cho điện thoại smartphone để trao đổi ảnh cũng bị chặn.

Theo trang mạng của Mỹ China Digital, chuyên theo dõi vấn đề tuyên truyền của Trung Quốc, thì Bắc Kinh đã ra lệnh tất cả các địa chỉ internet ở Trung Quốc phải gỡ bỏ “ngay lập tức” những thông tin về biểu tình tại Hồng Kông. – VOA, RFI

Tượng Lenin ở Kharkiv, Ukraine bị giật sập

Phe chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã giật sập một bức tượng Lenin ở trung tâm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine, trong một hành động được chính quyền ủng hộ.

Người dân đứng xem đã reo hò vui mừng khi bức tượng sụp xuống.

Bức tượng này từng được người biểu tình thân Nga ở thành phố mà đa số người dân nói tiếng Nga này bảo vệ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.

Kharkiv đã không hề hấn gì khi làn sóng bạo loạn của những người thân Nga càn quét miền đông Ukraine, trong đó có các thành phố Luhansk và Donetsk.

Hiện giờ đang có một thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa phe ly khai thân Nga và chính quyền Ukraine ở hai khu vực này.

Vào tối Chủ nhật ngày 28/9, khi những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc tề tựu lại xung quanh tượng Lenin để tham gia vào một cuộc tập hợp có tên gọi ‘Kharkiv là Ukraine’, ông Ihor Baluta, tỉnh trưởng Kharkiv, đã ký một sắc lệnh tháo dỡ tượng.
Một số phóng viên cho rằng sắc lệnh này có lẽ là một động thái giữ thể diện vào giờ chót.

Ông Avakov, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã viết bằng tiếng Nga trên tài khoản Facebook của ông rằng ông đã ra lệnh cho cảnh sát đảm bảo an toàn cho người dân chứ ‘không phải thần tượng’.
“Lenin à? Hãy để ông ta sụp cho rồi…,” ông viết, “Miễn là người dân không bị thương. Miễn là biểu tượng cộng sản đẫm máu này không gây hại cho thêm nạn nhân nào nữa khi nó sụp.”

Tuy nhiên, truyền thông Ukraine cho biết một người đã bị thương ở đầu trong quá trình tháo dỡ tượng.
Truyền thông Ukraine cũng cho biết cảnh sát đã bắt đầu điều tra về ‘hành vi phá hoại’. – BBC

Tin Hoa Kỳ
Thủ Tướng Ấn Độ sẽ gặp TT Obama tại Tòa Bạch Ốc

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày hôm nay 29/9 sẽ gặp tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc. Sự kiện này được chính quyền Obama mô tả là một nỗ lực của cả hai nước để xây dựng một liên minh chiến lược mới.

Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình rằng ông Modi đã được các Ấn Kiều tại New York nhiệt liệt chào mừng.

Tổng thống Obama sẽ mở dạ tiệc tối ngày hôm nay để chào mừng Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến viếng thăm chính thức nước Mỹ kể từ khi đảng dân tộc Hindu Bharatiya Janata Party (BJP) của ông thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 năm nay. Tiếp theo dạ tiệc này là cuộc thảo luận song phương vào ngày mai mà phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest gọi là một nỗ lực làm sâu rộng đối tác chiến lược Hoa Kỳ-Ấn Độ.

“Đây là một đối tác được Ấn Độ và Tòa Bạch Ốc đánh giá cao. Chúng tôi sẽ thảo luận về các phương thức tăng gia tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh hợp tác an ninh và hợp tác về những hoạt động mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai nước và thế giới. Chúng tôi sẽ chú trọng về các vấn đề vùng, gồm có những diễn biến hiện nay tại Afghanistan, Syria và Iraq nơi Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể làm việc với nhau cùng với các đối tác khác để đạt được một kết quả tích cực.

Chính Tổng thống cũng mong muốn làm việc với Thủ tướng để thực hiện lời hứa về một đối tác chiến lược Hoa Kỳ-Ấn Độ có lợi cho dân chúng cả hai nước.”

Chính quyền Obama gọi mối liên hệ song phương “là một đối tác đặc điểm của thế kỷ 21.” Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ về các cải cách kinh tế của ông Modi và sẽ giúp trong việc chống khủng bố và an ninh năng lượng.

Thủ tướng Ấn Độ cũng sẽ gặp lãnh đạo các công ty như Google, IBM, General Electric, Goldman Sachs và Boeing trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Rafiq Dossani, nhà phân tích về Ấn Độ của RAND Corporation nói thông điệp của Thủ tướng Modi đối với các công ty thật đơn giản: Ấn Độ mở ngỏ cho việc kinh doanh:

“…Quan liêu hầu như chi phối việc làm ăn buôn bán với Ấn Độ là một chuyện đã qua. Hiện nay có những điều ông hứa hẹn nhưng chưa đưa ra, nhưng ý định của ông là đưa ra một thông điệp mạnh mẽ là mọi sự sẽ thay đổi.”

Ông Rajiv Biswas, kinh tế gia trưởng của IHS Toàn cầu cũng nói Ấn Độ đang nhìn về Hoa Kỳ để giúp New Delhi hiện đại hoá lực lượng vũ trang và phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước.

“Đối với Thủ tướng Modi, ưu tiên chính trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ là khía cạnh kinh tế, xây dựng các mối quan hệ thương mại và đầu tư, thuyết phục các công ty đa quốc gia Mỹ là Ấn Độ đang lớn mạnh, kinh tế đang phục hồi, và ông sẽ năng động hơn chính phủ trước trong việc giải quyết việc chấp thận những đầu tư mới và cũng củng cố hợp tác quốc phòng bằng một số những cuộc thương thuyết quan trọng hiện đang được đẩy mạnh đặc biệt là một thỏa thuận 2,5 tỉ đô la để quân đội Ấn Độ mua các máy bay trực thăng quân sự Apache và Chinook, nhưng những thỏa thuận quan trọng khác cũng đang được thương thuyết.”

Ông Biswas nói Ấn Độ đại diện cho một trong những thị trường tiêu thụ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tổng số chi tiêu của người tiêu dùng từ 1,1 ngàn tỉ năm ngoái lên đến 4,3 ngàn tỉ vào năm 2023.

Mậu dịch song phương Ấn-Mỹ đạt mức 63,7 tỉ vào năm 2013, dưới trị giá thương mại Ấn Độ-Trung Quốc một ít. Tuy nhiên ông Biswas nói khi đưa vào các mối giao dịch về dịch vụ, quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Ấn Độ đạt được tổng cộng là 94 tỉ đô la vào năm ngoái.

Ngày Chủ Nhật, ông Modi được hàng ngàn người Mỹ gốc Ấn Độ đón chào nồng nhiệt tại Quảng trường Madison Square Garden nổi tiếng của New York.

“Nước Mỹ có nền dân chủ lâu đời nhất thế giới. Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Toàn thế giới đã đến và định cư tại Ấn Độ và người dân Ấn Độ đã đến và định cư trên toàn thế giới.”

Một trong những người tham dự buổi đón tiếp Thủ tướng Modi, bà Sonny Khurana gọi tân Thủ tướng là một mẫu người lãnh đạo mới.

“Ông phát biểu như một nhà lãnh đạo thế giới. Việc này hầu như thiếu trong giới lãnh đạo Ấn Độ trong quá khứ. Chúng tôi có những chính trị gia nhưng không có nhà lãnh đạo thế giới đúng nghĩa. Một phần sáu nhân loại chắc chắn đang có được một người có thể nói và khởi xướng một phong trào mới, và ông là người này. Ông là người xứng đáng cho công việc.”

Ông Rafiq Dossani thuộc The RAND Corporation nói chuyến đi của ông Modi quan trọng đối với cá nhân ông để đánh bóng vị thế của ông trên thế giới chung quanh việc Hoa Kỳ thu hồi visa của ông vào năm 2005 sau những cuộc bạo động giáo phái tại bang Gujarat trong nhiệm kỳ Thủ hiến của ông. Ông Dassani nói nếu Thủ tướng Modi có thể tạo ra một ấn tượng tốt tại Hoa Kỳ, thì sẽ cải thiện vị thế của ông tại các nơi khác, làm cho chuyến đi này của ông quan trọng hơn các chuyến viếng thăm Nhật Bản và Trung Quốc của ông. – VOA

California có luật ‘sex ở đại học’

California trở thành tiểu bang đầu tiên tại Mỹ yêu cầu sinh viên ở các đại học công phải có sự đồng ý rõ ràng trước khi quan hệ tình dục.

Thống đốc Jerry Brown đã ký dự luật “yes means yes”, mà những người vận động nói sẽ giúp thay đổi nhận thức về hiếp dâm.

“Yes means yes” là luật đầu tiên ở một tiểu bang Mỹ yêu cầu đặt sự đồng ý là trung tâm trong chính sách chống hiếp dâm trong trường.

Luật định nghĩa sự đồng ý là “thỏa thuận tự nguyện, khẳng định, tỉnh táo để tham gia hoạt động tình dục”.

Luật mới nhằm thách thức quan điểm cho rằng nạn nhân cần chống đối thì mới có thể kiện.

Theo luật này, sự im lặng hay thiếu chống đối không có nghĩa là đồng ý. Một người say, bị thuốc, bất tỉnh hay buồn ngủ không thể nói người ấy đồng ý.

Thống kê tại Mỹ ước tính cứ một trong năm phụ nữ là bị bạo hành tình dục khi ở đại học. – BBC

Mỹ-Philippines tập trận gần quần đảo Trường Sa

Philippines và Hoa Kỳ tiến hành cuộc diễn tập quân sự thường niên tại Biển Đông, gần khu vực Trung Quốc tranh chấp với các quốc gia láng giềng.

Khoảng 5.000 binh sĩ hải quân và binh sĩ thủy quân lục chiến từ hai nước hôm nay đã bắt đầu cuộc tập trận trên biển kéo dài 11 ngày.

Cuộc thao diễn, có tên gọi Các cuộc tập trận song phương Philippines hay “Phiblex”, được thực hiện nhằm trắc nghiệm khả năng sẵn sàng đáp ứng trước bất kỳ tình huống khẩn cấp nào của hai quốc gia đồng minh.

Hai nước đã tập luyện các vụ đột kích thuyền bè, đổ bộ lên bờ biển, bắn đạn thật và diễn tập thiết giáp gần quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc có nhiều cuộc đối đầu đầy căng thẳng với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền tại khu vực. – VOA