Tin Thế Giới 11/8/2014
Tổng Thống Iraq yêu cầu Phó Chủ tịch Quốc hội Haider Al-Abadi làm tân thủ tướng
Tổng Thống Iraq Fouad Massoum đã yêu cầu Phó Chủ tịch Quốc hội Haider Al-Abadi thành lập chính phủ mới, giữa lúc nước này đang chiến đấu chống các phần tử chủ chiến thuộc nhóm Nhà Nước Hồi giáo.
Ông Al-Abadi hôm thứ Hai được Liên minh Quốc gia, là khối Shia chủ yếu ở Iraq, đề cử vào chức vụ mới.
Động thái này diễn ra giữa lúc đương kim Thủ Tướng Nouri al-Maliki đang tìm cách bám lấy quyền lực, bất chấp những lời kêu gọi của người Hồi giáo Sunni, người Kurd và cả một số người thuộc nhóm Hồi giáo Shia của ông đòi ông từ bỏ quyền lực để nhường chỗ cho một nhân vật ít gây chia rẽ hơn.
Ông Al-Abadi là một kỹ sư điện tử, ngoài ra ông còn có bằng tiến sĩ của Đại học Manchester của Anh.
Trước đó trong ngày thứ Hai, Tòa án cao nhất Iraq phán rằng liên minh của Thủ Tướng Nouri al-Maliki là liên minh có số ghế cao nhất trong quốc hội.
Ông Maliki đã tuyên bố sẽ đệ đơn kiện Tổng Thống Massoum vì đã không đề cử một tân Thủ Tướng trước hạn chót hôm Chủ Nhật.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói thành lập chính phủ là điều thiết yếu cho sự ổn định của Iraq, và ông yêu cầu ông Maliki hãy tránh “châm dầu vào lửa” làm cho tình hình xấu đi hơn nữa.
Ngoại trưởng Kerry nói có 1 điều mà tất cả mọi người dân Iraq nên biết, đó là sẽ không có bao nhiêu hỗ trợ quốc tế cho bất cứ điều gì đi chệch hướng khỏi tiến trình hợp hiến hiện tại đang hình thành. Người Iraq cần hoàn tất tiến trình hợp pháp đó để tạo cơ hội cho một chính phủ mới được bầu lên hầu có thể tiến tới phía trước.
Baghdad đang đối mặt với áp lực cực kỳ cao để đề cử một chính phủ mới trước đà tiến công của các phần tử thuộc Nhà nước Hồi giáo đã tiến chiếm nhiều khu vực ở miền Bắc và miền Tây Iraq, mà không gặp sức kháng cự đáng kể nào của các lực lượng chính phủ Iraq, ít quân hơn nhiều.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói 3 ngày không kích nhắm vào các phần tử chủ chiến của Nhà Nước Hồi giáo ở miền Bắc Iraq đã tỏ ra “rất hiệu quả.”
Phát biểu trong một chuyến đi thăm Australia hôm thứ Hai, ông Hagel cho biết Hoa Kỳ sẽ xem xét thêm các yêu cầu xin giúp đỡ hơn nữa từ chính quyền Iraq.
Bộ trưởng Hagel nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq bằng mọi cách có thể, trong khi họ còn yêu cầu được hỗ trợ, đồng thời Mỹ một lần nữa sẽ xây dựng các quan hệ đối tác như đang làm bây giờ, dựa trên nhận thức là “mối đe dọa không chỉ nhắm vào Hoa Kỳ mà còn nhắm tới thế giới văn minh”.
Các lực lượng Mỹ đang tìm cách chặn đứng một chiến dịch tấn công do nhóm Nhà nước Hồi giáo, một tổ chức cực đoan, đang đe dọa tiến chiếm Irbil, thủ đô của khu vực bán tự trị của người Kurd.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm thứ Hai nói rằng Úc, Anh và Pháp đang làm việc với Hoa Kỳ để cung cấp viện trợ nhân đạo cho hàng ngàn người Kytô giáo, Yazidi, và các nhóm tôn giáo thiểu số khác bị kẹt trong khu vực.
Ông Hagel nói đây là một vấn đề nhân đạo sẽ có hệ quả lớn lao cho toàn thế giới. Ông nói các cường quốc hiểu rõ các nghĩa vụ của họ trong những lĩnh vực đó.
Chiều tối Chủ Nhật, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay đã rút một số nhân viên ra khỏi lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Irbil.
Một thông báo nói rằng một số nhân viên đã được điều tới thành phố Basra ở miền Nam Iraq, trong khi một số người khác sẽ được đưa tới thủ đô Amman của Jordan.
Theo nguồn tin này thì động thái này được đưa ra “như một biện pháp thận trọng phòng hờ, chứ không phải do một mối đe dọa cụ thể nào”.
Tổ chức Di Dân Quốc tế nói con số những người bị buộc phải dời cư bên trong lãnh thổ Iraq giờ đã vượt quá con số 1 triệu người.
Từ chối bước xuống, ông Maliki tuyên bố ông muốn có nhiệm kỳ lần ba, và an ninh ủng hộ ông đã chiếm các vị trí quan trọng ở Baghdad.
Mỹ đã bắt đầu chuyển vũ khí cho nhóm người Kurd chiến đấu chống lại nhóm Nhà Nước Hồi Giáo. – VOA, BBC
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đắc cử tổng thống
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thắng cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp được tổ chức lần đầu tiên tại nước này, đảm bảo ông sẽ tiếp tục lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm nữa.
Ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm qua cho biết gần như tất cả phiếu bầu đã được kiểm, và kết quả sơ khởi cho thấy ông Erdogan chiếm được đa số tuyệt đối.
Kết quả cho thấy ông Erdogan dễ dàng vượt xa hai đối thủ, là ông Ekmeleddin Ihsanoglu – cựu thủ lãnh của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, và ông Selahattin Demirtas, ứng cử viên người Kurd.
Trong bài diễn văn mừng thắng lợi tại thủ đô Ankara tối hôm qua từ bao lơn trụ sở Đảng AK của ông, ông Erdogan kêu gọi hoà giải xã hội.
“Hôm nay, đất nước lại một lần nữa đạt được thắng lợi. Hôm nay dân chủ một lần nữa lại chiến thắng. Những người không bỏ phiếu cho tôi cũng thắng như những người bầu cho tôi, những người không thích tôi cũng thắng như những người thích tôi.”
Ông Erdogan đang là thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba và việc đắc cử tổng thống cho phép ông tiếp tục chiếm ưu thế trong các vấn đề chính trị Thổ Nhĩ Kỳ như trong cả thập niên qua.
Những người ủng hộ xem ông Erdogan đã có công thăng tiến kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khi hướng nước này đến chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo, và phá vở việc nắm giữ quyền hành của những người thế tục đã cầm quyền từ khi ông Mustafa Kemal Ataturk thành lập nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1923.
Ông Ahmet Uzen, một người ủng hộ ông Erdogan nói:
“Ông Erdogan đã có những đóng góp giá trị cho đất nước. Một số người có thể nói ông kỳ thị, nhưng đánh giá một cách khách quan, chúng ta dễ dàng thấy rằng không có kỳ thị. Ông công bằng đối với tất cả mọi người, và quốc gia đã phát triển rất nhiều. Do tính chất công việc của tôi, tôi có dịp đi đến rất nhiều thị trấn, đất nước trong 10 năm qua đã phát triển không thể tưởng tượng được.”
Tuy nhiên những người chỉ trích ông Erdogan nghi ngờ về nguồn gốc chính trị Hồi Giáo và khuynh hướng chuyên chế ngày càng tăng của ông. Trong năm qua, ông Erdogan đã thanh trừng hàng ngàn cảnh sát và công tố viên, gia tăng quyền lực của các cơ quan tình báo và cấm truy cập YouTube và Twitter giữa lúc ông chống lại các cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào chính phủ và thân nhân của các thành viên chính phủ.
Ông Erdogan đã nêu lên quyết tâm thay đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, và biến chức vụ tổng thống từ một chức vụ có tính cách nghi lễ trở thành một chức vụ có quyền hành thực sự.
Trong cuộc vận động tranh cử, ông cho biết sẽ hành xử toàn quyền của tổng thống theo luật hiện hành của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có quyền triệu tập quốc hội và nội các và chỉ định các thủ tướng, hội đồng bộ trưởng và một số thẩm phán của tòa án cấp cao. – VOA
Do Thái, Palestine thi hành lệnh ngưng bắn mới
Israel và phe Hamas đã khởi sự một cuộc ngưng bắn mới kéo dài 72 giờ, cho phép hai bên giao tranh có thêm một cơ hội khác nữa để thương thuyết một giải pháp lâu dài hầu chấm dứt một tháng giao tranh đã giết chết 2.000 người.
Ai Cập đã đứng ra làm trung gian điều giải cuộc đình chiến đã bắt đầu có hiệu lực từ sáng sớm hôm thứ Hai.
Ai Cập cũng là nước chủ nhà đang tiếp đón các phái đoàn của Israel và Palestine đến dự các cuộc đàm phán ở Cairo.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh lệnh ngưng bắn, và bày tỏ “hy vọng mạnh mẽ” rằng Israel và phe Hamas có thể đồng ý chấm dứt cuộc xung đột, vì quyền lợi của người thường dân.
Ông Ban còn nói rằng Liên Hiệp Quốc đã sẵn sàng hỗ trợ để thi hành bất cứ thỏa thuận nào có thể mang lại hòa bình, và một cơ hội “vô cùng cần thiết để tái thiết và phát triển dải Gaza.” – VOA
Hơn 150 đào phạm kinh tế Trung Quốc đang lẩn trốn tại Mỹ
Theo Reuters, báo chí Trung Quốc ngày hôm nay, 11/08/2014, trích dẫn một quan chức cao cấp của Bộ Công An cho biết, hiện có hơn 150 đào phạm kinh tế đang lẩn trốn tại Hoa Kỳ, trong số này có nhiều cựu quan chức bị truy nã hoặc kết án về tội tham nhũng.
Ông Vương Cương (Wang Gang) cán bộ cao cấp thuộc Cục hợp tác quốc tế, Bộ Công An Trung Quốc nói với báo China Daily là để có thể truy tìm và đưa về nước những đào phạm kinh tế, Bộ Công An có kế hoạch họp hàng năm với các cơ quan tư pháp Mỹ.
Vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một trong những ưu tiên của ông, chính quyền Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch truy lùng các “lõa quan – luo guan”, tức là những quan chức có gia đình sinh sống ở nước ngoài và tranh thủ cất giấu tài sản ở ngoại quốc, nhằm tránh bị phát hiện hoặc chuẩn bị ra ngoại quốc sinh sống khi cần.
Theo một số thẩm định, gần một triệu quan chức Trung Quốc thuộc diện “lõa quan”. China Daily trích dẫn lời ông Liệu Tiến Vinh (Liao Jinrong), Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ Công An Trung Quốc, cho biết, Hoa Kỳ là nơi mà những kẻ đào phạm muốn trốn tránh pháp luật Trung Quốc thường xuyên đến lẩn trốn.
Trong thập niên qua, mới chỉ có hai người Trung Quốc lưu vong tại Hoa Kỳ bị trả về Trung Quốc để xét xử, do hai nước không có hiệp định dẫn độ tội phạm và thủ tục phức tạp, mất thời gian. – RFI