Tin Thế Giới 27/9/2014
Cảnh sát Hong Kong bắt giữ mấy chục sinh viên biểu tình
Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông đã bắt giữ mấy chục sinh viên biểu tình đã tìm cách mở đường để đi vào khu trung tâm hành chánh của chính phủ tối hôm qua.
Cảnh sát đã xô xát nhiều lần với người biểu tình trong đêm hôm qua, khi hàng trăm người biểu tình tìm cách phá một cổng an ninh và kéo một hàng rào cao xuống để vào quảng trường nơi có các văn phòng chính phủ.
Nhà cầm quyền đã dùng hơi cay để giải tán đám đông hôm thứ Bảy và xua đuổi những người không chịu rời quảng trường. Bên ngoài quảng trường, một đám đông các sinh viên hô khẩu hiệu phản đối cảnh sát, và yêu cầu ngưng bắt giữ các bạn sinh viên của họ.
Cảnh sát nói nhiều người đã bị xây xát trong các vụ va chạm.
Thứ Bảy là ngày cuối của cuộc biểu tình kéo dài một tuần của các sinh viên bãi trường để đòi Bắc Kinh để cho các cuộc bầu cử được dân chủ hoàn toàn năm 2017.
Các nhà tranh đấu thân dân chủ phẫn nộ sau khi Trung Quốc hồi tháng trước ra quyết định rằng ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm 2017 phải được một ủy ban thân Bắc Kinh thông qua. – VOA
Lãnh đạo Catalonia, Tây Ban Nha, đòi độc lập
Lãnh đạo vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã ký nghị định kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập.
Ông Artur Mas muốn Catalonia tổ chức bỏ phiếu như Scotland vào ngày 9/11, nhưng không được chính quyền trung ương ở Madrid ủng hộ.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã nói sẽ chặn mọi cuộc trưng cầu.
Catalonia, vùng bao gồm cả Barcelona, là một trong những nơi giàu nhất Tây Ban Nha.
Giới quan sát nói Thủ tướng Tây Ban Nha sẽ đưa tranh cãi ra Tòa Hiến pháp. Nhưng ông Mas tuyên bố có thể dùng luật địa phương để tổ chức bỏ phiếu chỉ trong vài tuần.
Ông Mas trước đây vẫn nói phong trào đòi độc lập sẽ chiến thắng.
Cho tới gần đây không mấy người ở Catalonia muốn hoàn toàn độc lập, nhưng khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều người đòi ly khai, theo phóng viên BBC. – BBC
Bình Nhưỡng xác nhận Kim Jong-Un bị bệnh
Báo chí Nhà nước của Bắc Triều Tiên xác nhận là ông Kim Jong-Un đang bị bệnh, vào lúc đang có nhiều tin đồn về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng sau ba tuần không thấy ông xuất hiện trước công chúng.
Hôm qua, 26/09/2014, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết là Đài truyền hình Nhà nước đã gián tiếp xác nhận như trên trong một phim tài liệu dài một tiếng đồng hồ, phát ngày 25/09/2014. Phim này chiếu cảnh ông Kim Jong-Un đi thăm một nhà máy ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Người dẫn chuyện trong phim nói rằng lãnh đạo trẻ họ Kim vẫn “say sưa dẫn đường cho nhân dân mặc dù đang bệnh”.
Hiếm khi nào báo chí Nhà nước ở Bắc Triều Tiên đưa tin về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo tối cao. Phim tài liệu nói trên có lẽ là nhằm đáp lại những tin đồn ngày càng nhiều về ông Kim Jong-Un.
Lãnh đạo trẻ của chế độ Bình Nhưỡng, năm nay 30 hoặc 31 tuổi, đã không thấy xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông cùng với vợ dự một buổi trình diễn ca nhạc ngày 03/09 vừa qua.
Phim tài liệu này được chiếu trước khi diễn ra buổi khai mạc kỳ họp của Quốc hội Triều Tiên ngày 25/09/2014 mà không có sự tham gia của ông Kim Jong-Un. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cách đây 3 năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên vắng mặt tại buổi khai mạc kỳ họp của Quốc hội.
Thật ra thì việc một lãnh đạo tối cao của chế độ Bình Nhưỡng không xuất hiện trước công chúng trong một thời gian dài cũng đã từng xảy ra, nhưng riêng về Kim Jong-Un thì đây là điều đáng chú ý, bởi vì từ khi thay cha lên cầm quyền cho đến nay, ông vẫn liên tục có mặt trên báo chí chính thức.
Về bệnh tình của Kim Jong-Un, một số chuyên gia phỏng đoán là ông đang bị thống phong/gout, có thể là do chế độ ăn uống và do di truyền, bởi vì trong phim tài liệu nói trên, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng đi lại rất khó nhọc. Trước đó, vào tháng 7, người ta đã thấy ông Kim Jong-Un di chuyển không được bình thường. – RFI
Tin Hoa Kỳ
Thủ tướng Ấn Độ lần đầu tiên công du Hoa Kỳ
Thủ tướng Ấn Độ từ ngày 26/09/2014 đã khởi đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên từ sau khi đắc cử hồi tháng Năm, với mục đích xúc tiến đầu tư.Trong ngày đầu thăm New York hôm nay, ông Narendra Modi phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trước khi đến Washington.
Sau khi vừa đặt chân lên đất Mỹ, Thủ tướng Ấn đã gặp gỡ Thị trưởng New York Bill De Blasio và giám đốc Viện Ung thư Quốc gia, giải Nobel Harold Varmus. Ngày mai ông Modi sẽ tiếp một ngôi sao nhạc rock trước 18.000 người tại trung tâm thể thao Madison Square Garden, một sự kiện được các nhà hoạt động Mỹ gốc Ấn chuẩn bị từ lâu để tô điểm lại hình ảnh của nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Ấn.
Ông Narendra Modi sẽ dùng bữa tối với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trước buổi hội đàm chính thức vào thứ Ba tới. Thủ tướng Ấn cũng sẽ gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Ngoại trưởng John Kerry và bà Hillary Clinton, người tiền nhiệm của ông Kerry. Sự tiếp đón trọng thị này là một dạng phục hồi danh dự cho nhà lãnh đạo Ấn, vốn đã từng bị từ chối cấp visa vào Mỹ năm 2005 do các vụ nổi dậy đẫm máu chống người Hồi giáo ở bang Gujarat mà ông là lãnh đạo năm 2002.
Tuy vậy ông Modi vẫn không tránh khỏi được hậu quả vụ này: các luật sư của American Justice Center (AJC) hôm qua loan báo việc khởi kiện dân sự đối với ông để đòi bồi thường cho sự kiện mà họ cho là “một âm mưu diệt chủng”. Thủ tướng Ấn luôn biện minh là lúc đó ông không làm ngơ cho bạo lực hoành hành và không hề bị cáo giác, nhưng các vụ bạo động trong quá khứ cũng đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Chính quyền và cảnh sát bang Gujarat bị chỉ trích là đã không nhanh chóng can thiệp.
Trong một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal hôm qua, ông Modi bày tỏ mong muốn phát triển hợp tác Mỹ-Ấn. Thủ tướng Ấn viết: “Ấn Độ và Hoa Kỳ có cùng lợi ích cơ bản trong sự thành công, nhân danh các giá trị và rất nhiều những ích lợi chung. Các thế mạnh bổ sung giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể được sử dụng cho một sự phát triển toàn cầu, nhằm chuyển đổi cuộc sống trên thế giới”. – RFI