Tin Thế Giới – Chủ Nhật 12/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – Chủ Nhật 12/1/2014

1. Tokyo dọa dùng võ lực chặn tàu Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư
2. Hơn 50 ngàn người Ukraina biểu tình chống đàn áp bạo lực
3. Đức Giáo Hoàng tấn phong 19 tân hồng y
4. Mỹ-Hàn cùng chia sẻ gánh nặng quốc phòng tại bán đảo Triều Tiên

5. Các tay súng bắn bị thương 7 người biểu tình ở Thái Lan
6. Lãnh tụ đối lập Ukraine bị thương trong vụ xô xát với cảnh sát
7. Đàm phán Iran kết thúc có “giải pháp”
8. Hoa Kỳ rút nhân viên ngoại giao sau khi Ấn Độ đòi trục xuất

 

1. Tokyo dọa dùng võ lực chặn tàu Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư

Lần đầu tiên kể từ đầu năm, vào hôm nay, 12/01/2014, ba chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc lại thâm nhập vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý trên Biển Hoa Đông.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có hành vi khiêu khích, nhưng lần này Tokyo đã phản ứng tức thời, lên tiếng đe dọa dùng võ lực để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải.

Tuyên bố tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Itsunori Onodera khẳng định rằng nước ông “sẽ không bao giờ tha thứ cho những hành vi thâm nhập lặp đi lặp lại” của tàu Trung Quốc vào vùng biển của mình. Lãnh đạo ngành quốc phòng Nhật Bản nói tiếp: “Một mặt, chúng ta (tức Nhật Bản) phải có những nỗ lực ngoại giao. Nhưng một mặt khác, chúng ta cũng muốn kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của đất nước bằng các Lực lượng Tự vệ (tên gọi của quân đội Nhật) và Tuần duyên”.

Phản ứng cứng rắn trên đây của ông Onodera được đưa ra sau khi Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản báo cáo về một vụ xâm nhập mới của tàu Trung Quốc vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc quyết liệt tranh giành.

Theo nguồn tin trên, ba chiếc tàu của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến vào khu vực này vào khoảng 08g30 sáng nay, giờ địa phương, đi lại trong vùng hải phận của Nhật Bản trong vòng 2 tiếng đồng hồ trước khi trở ra. Đây là cuộc thâm nhập đầu tiên trong năm 2014. Lần cuối cùng mà Tuần duyên Trung Quốc tiến vào khiêu khích Nhật Bản tại vùng Senkaku/Điếu Ngư là vào ngày 29/12/2013 vừa qua.

Từ hơn một năm nay, quan hệ Trung-Nhật xuống đến mức thấp nhất do tranh chấp chủ quyền vùng quần đảo này trên Biển Hoa Đông, đang nằm dưới quyền quản lý của Tokyo, nhưng bị Bắc Kinh viện dẫn các lý do lịch sử để đòi chủ quyền ngoài. Hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nổ ra xung đột, vì tàu Nhật Bản cũng thường xuyên tuần tra tại khu vực này. – RFI

2. Hơn 50 ngàn người Ukraina biểu tình chống đàn áp bạo lực

Theo lời kêu gọi của đối lập, 50 ngàn người Ukraine đã biểu tình tại thủ đô Kiev vào trưa nay 12/01/2014.

Tiếp theo đợt xuống đường phản đối tham ô và chính sách thân Nga của tổng thống Ianoukovitch suốt hai tháng vừa qua, người dân Ukraine bày tỏ phẩn nộ hành động đánh “đòn thù” của công an nhắm vào lãnh đạo đối lập và nhà báo. – RFI

3. Đức Giáo Hoàng tấn phong 19 tân Hồng Y

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô vừa tấn phong 19 tân Hồng Y, trong đó có 16 vị sẽ có quyền bỏ phiếu trong hội nghị sẽ diễn ra trong tương lai để bầu chọn người kế vị ngài.

Các tân Hồng Y từ các giáo phận tại các nơi trên thế giới, trong đó có 4 vị đến từ Ý, 2 vị từ các nước Âu Châu khác, 5 vị từ Nam Mỹ, và một vị từ Bắc Mỹ, 2 vị từ Phi châu và 2 vị từ Á châu.

Trong số các vị Hồng Y vừa được tấn phong được biết đến nhiều có tân Quốc vụ khanh là Tổng giám mục Peitro Parolin, và người đứng đầu Bộ Giáo lý Ðức tin là Giám mục Gerhard Mueller.

16 trong số các tân hồng y này chưa đến 80 tuổi và sẽ có quyền bỏ phiếu bầu tân giáo hoàng sau khi Ðức giáo hoàng Phanxicô qua đời hoặc từ chức.

Lễ tấn phong chính thức cho các hồng y sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 2 tại Vatican. – VOA

4. Mỹ-Hàn cùng chia sẻ gánh nặng quốc phòng tại bán đảo Triều Tiên

Hôm nay 12/01/2014, sau ba ngày đàm phán tại Seoul, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đạt được một thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự song phương từ năm 2014 đến 2018. Seoul thông báo đóng góp 850 triệu đôla cho ngân sách duy trì sự hiện diện quân đội Mỹ tại Hàn Quốc trong năm 2014.

Sau nhiều ngày thảo luận gay go, cuối cùng đồng minh châu Á đồng ý nâng phần đóng góp tài chính thêm 5,8%. Thỏa thuận còn chờ quốc hội Hàn Quốc biểu quyết. Phần đóng góp của Hàn Quốc là 920 tỷ won, tương đương với 850 triệu đô la mỗi năm thấp hơn điều kiện đầu tiên của Mỹ là 895 triệu đôla.

Vào năm 1991, trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh, hai nước đã ký một thỏa thuận song phương lần đầu tiên, theo đó Seoul chia bớt phần nào gánh nặng an ninh quốc phòng với Mỹ, cụ thể là chi phí cho hoạt động của 28,500 quân đồng minh tại Hàn Quốc. Từ đó đến nay, hai bên đã nhiều lần thương thuyết lại mà lần cuối cùng là vào năm 2008, hết hạn vào cuối năm 2013.

Thỏa thuận vừa đạt được tại Seoul diễn ra trong khuôn khổ chính sách “tái định vị” của Mỹ tại châu Á, sau nhiều năm tập trung vào Iraq và Afghanistan. Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc bắt đầu được tăng cường vào tháng tới với các đơn vị thiết kỵ trang bị chiến xa tối tân nhất.

Trong bản thông cáo, bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết là phía Hoa Kỳ đã yêu cầu Seoul đóng góp quan trọng hơn nhưng chính phủ Hàn Quốc đã thành công thuyết phục đồng minh chấp thuận mức độ ít hơn. Như vậy có thể nói là “bất đồng lớn nhất” trong hợp tác quân sự Mỹ-Hàn đã được giải tỏa.

Cho đến nay, trung bình mỗi năm Seoul tài trợ khoảng 40% chi phí hoạt động của lực lượng đồng minh Hoa Kỳ tại Hàn Quốc trong nỗ lực phòng ngừa chiến tranh tái diễn với Bắc Hàn.

Theo giới quan sát thì kinh tế Hàn Quốc thừa khả năng chi trả. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 đạt kỷ lục 560 tỷ đôla trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 3,5%, một viễn ảnh tươi sáng. – RFI

5. Các tay súng bắn bị thương 7 người biểu tình ở Thái Lan

Giới hữu trách ở thủ đô của Thái Lan cho biết ít nhất 7 người bị thương trong hai vụ tấn công nhắm vào người biểu tình chống chính phủ. Cảnh sát nói rằng một vụ tấn công ở Bangkok xảy ra sáng sớm thứ Bảy 11/1/2014 làm cho hai người bị thương. Một vụ tấn công khác xảy ra vài giờ sau đó gây thương tích cho 5 người. Các giới chức cho biết trong số các nạn nhân có ít nhất 1 người là nhân viên bảo vệ của phe biểu tình.

Những người biểu tình, do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cầm đầu, đang định làm cho sinh hoạt ở Bangkok bị tê liệt vào ngày thứ hai với những vụ xuống đường qui mô lớn để ngăn chận các trục lộ chính và không cho các văn phòng chính phủ mở cửa hoạt động.

Tư lệnh quân đội, Tướng Prayuth Chan- Ocha nói vào ngày thứ Bảy: “Tôi muốn kêu gọi tất cả các bên và tất cả mọi người, xin đừng đụng độ và giao chiến. Tất cả chúng ta đều là người Thái”. “Chúng ta có thể suy nghĩ khác nhau, nhưng chúng ta không thể giết lẫn nhau…” – VOA & BBC

6. Lãnh tụ đối lập Ukraine bị thương trong vụ xô xát với cảnh sát

Lãnh tụ đối lập Ukraine, cựu Bộ trưởng Nội vụ Yurily Lutsenko, đang được điều trị tại khu vực dành cho người bệnh nặng ở bệnh viện sau khi bị đánh đập trong những vụ xô xát giữa những người biểu tình thuộc phe thân Liên hiệp Âu châu với những cảnh sát viên sử dụng dùi cui.

Vụ đụng độ xảy ra tối thứ Sáu 12/1/2014, sau khi một tòa án ở Kyiv tuyên án 6 năm tù cho 3 người về âm mưu năm 2011 nhằm đặt bom giật sập bức tượng của Vladimir Lenin.

Các đài truyền hình địa phương cho chiếu hình ảnh của những người biểu tình bị đánh đập dữ dội, trong đó có ông Lutsenko bị đánh vào đầu. – VOA

7. Đàm phán Iran kết thúc có “giải pháp”

Phó trưởng đoàn thương thuyết về vấn đề hạt nhân của Iran nói rằng cuộc thảo luận với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của Iran đã kết thúc với những giải pháp cho tất cả các điểm bất đồng.

Ông Abbas Araqchi đưa ra nhận định vừa kể, trên đài truyền hình nhà nước Iran hôm thứ Sáu 12/1/2014, sau 2 ngày thảo luận tại Genève với các đặc sứ từ Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Ông cũng nói rằng thỏa thuận này vẫn còn phải đợi phê chuẩn bởi Iran và 6 cường quốc thế giới tham gia cuộc đám phán, gồm Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, và Đức, trước khi chung quyết.

Thỏa thuận hạt nhân 6 tháng được đặt ra để cho cả hai phía một số những điều mà họ đang mưu tìm trong khi làm việc để đạt được một thỏa thuận mang tính toàn diện. Trong vòng một năm, hai bên muốn đạt được một hiệp ước dài hạn để bảo đảm rằng Iran không phát triển vũ khí hạt nhân, với việc cộng đồng quốc tế gỡ bỏ mọi biện pháp chế tài áp dụng đối với nước này.

Trước cuộc đàm phán, bộ trưởng ngoại giao Iran Mohammed Javad Zarif bày tỏ lạc quan và nói rằng Iran cam kết làm việc theo chiều hướng thi hành thỏa thuận họ đạt được với các cường quốc thế giới vào cuối tháng 11. Ông cũng ca ngợi nhiều cuộc họp ở mức chuyên gia giữa Iran và nhóm bao gồm 5 hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức.

Ông Zarif nói những cuộc thảo luận về các chi tiết liên quan tới việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng một phần các biện pháp chế tài “đã đạt được kết quả tích cực.” Iran vẫn cho rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ vì mục đích hòa bình. – VOA

8. Hoa Kỳ rút nhân viên ngoại giao sau khi Ấn Độ đòi trục xuất

Hoa Kỳ cho biết họ sẽ rút một nhân viên ngoại giao tại đại sứ quán ở New Dehli về nước sau khi Ấn Độ đòi trục xuất. Đây là diễn tiến mới nhất của vụ tranh chấp ngày càng gia tăng cường độ giữa hai nước.

Ông Wayne May được xác định là nhà ngoại giao sắp sửa rời sứ quán Mỹ ở New Dehli. Tin tức báo chí nói rằng ông nắm vai trò then chốt trong việc chống lại một nhà ngoại giao Ấn Độ mà Hoa Kỳ tố cáo là không trả lương sòng phẳng cho một người giúp việc nhà. Tin tức cũng nói rằng ông đã giúp cho gia đình của người giúp việc nhà đó nhận được visa để tới Mỹ.

Hôm thứ 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki cho biết bà hy vọng việc rút nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi Ấn Độ sẽ đưa vụ việc tới chỗ kết thúc.

Vụ xích mích giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ bắt đầu khi cảnh sát Mỹ bắt giữ và khám xét toàn thân bà Devyani Khobragade, Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York. Các công tố viên Mỹ nói rằng một đại bồi thẩm đoàn ở New York đã khởi tố bà Khobragade về tội trả lương cho người giúp việc nhà thấp hơn mức lương tối thiểu và đã nói dối về việc đó trong đơn xin visa cho người phụ nữ này.

Trong một hành động rõ ràng là để thỏa hiệp, Hoa Kỳ đã gia tăng quyền đặc miễn ngoại giao của bà Khobragae để bà có thể rời khỏi nước Mỹ. Bà đã về tới Ấn Độ hôm thứ Sáu.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Khursid hôm thứ Bảy tuyên bố hai nước sẽ giải quyết sự khác biệt tiếp theo sau chuyến hồi hương của nhà ngoại giao này.

Lệnh khởi tố của Mỹ tố cáo bà Khobragade trả lương cho người giúp việc nhà chưa tới 2 đô la một giờ và bắt phải làm việc tới 100 giờ mỗi tuần. Bà Khobragade nói rằng bà không làm gì sai. Các giới chức Mỹ nói rằng lệnh truy tố bà Khobragade vẫn giữ nguyên và bà sẽ bị đưa ra tòa nếu trở lại nước Mỹ. – VOA