TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 29/05/2023

Cac Bai Khac

No sub-categories

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 29/05/2023

Nhật Bản điều động tên lửa bắn chặn đề phòng vụ “phóng vệ tinh” của Bắc Triều Tiên

Ảnh minh họa: Quân nhân Nhật Bản canh gác một hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 địa đối không, đặt tại bộ Quốc Phòng Nhật Bản, Tokyo. Ảnh chụp ngày 07/12/2012. REUTERS/Issei Kato
Thùy Dương

Nhật Bản hôm nay 29/05/2023 cho biết đã được Bắc Triều Tiên thông báo về một vụ phóng vệ tinh lên không trung. Nghi ngờ đó là một vụ phóng tên lửa đạn đạo, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản lệnh cho lực lượng phòng không bắn hạ bất cứ tên lửa đạn đạo nào được xác định là có thể rơi xuống vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.

Một phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản hôm nay 29/05 nói với AFP là Bắc Triều Tiên đã thông báo cho họ là một tên lửa sẽ được phóng lên trong khoảng thời gian 31/05 đến 11/06 và có thể sẽ rơi xuống vùng gần biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và ở phía đông đảo Luçon của Philippines.

Trên Twitter, văn phòng thủ tướng Nhật Bản cho biết, thủ tướng Fumio Kishida đã lưu ý là mặc dù Bắc Triều Tiên gọi đó là một vụ phóng vệ tinh, nhưng « một vụ phóng sử dụng công nghệ phóng tên lửa đạn đạo sẽ là sự vi phạm các nghị quyết về an ninh của Liên Hiệp Quốc » và là « một vấn đề nghiêm trọng đe dọa an toàn của mọi người ». Để phòng vệ, lực lượng phòng không Nhật Bản đã được lệnh triển khai các tên lửa bắn chặn SM-3 và tên lửa Patriot PAC-3 và được phép bắn chặn tên lửa của Bắc Triều Tiên nếu xác định được tên lửa này sẽ rơi xuống vùng biển của Nhật.

Về phía Seoul, trả lời AFP, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc không khẳng định có được thông báo về vụ thử nghiệm mới của Bắc Triều Tiên  hay không. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc sau đó đã ra thông báo, nhấn mạnh điều mà Bình Nhưỡng gọi là « vụ phóng vệ tinh » rõ ràng là một hành động bất hợp pháp « không thể biện minh » bằng bất cứ lý do nào.

Theo nhà phân tích Cheong Seong Chang của Viện nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc, vụ thử nghiệm lần này và việc không thông báo cho Seoul có thể là cách Bình Nhưỡng đáp trả các cuộc tập trận chung gần đây giữa Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu hôm thứ Năm tuần trước và chỉ cách biên giới liên Triều có 25km. Cũng theo nhà nghiên cúu nói trên, Bắc Triều Tiên không ưa Nhật nhưng có nhiều lý do để không ưa Hàn Quốc hơn.


14 nước tham gia cuộc tập trận Artic Challenge lớn chưa từng có ở Bắc Cực

Ảnh minh họa: 150 máy bay Gripen Thụy Điển tham gia cuộc tập trận Artic Challenge 2023. ASSOCIATED PRESS – PATRIC SODERSTROM
Thùy Dương

Cuộc tập trận Artic Challenge, bắt đầu từ hôm nay 29/05/2023 tại Bắc Cực và kéo dài đến ngày 09/06, do Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan tổ chức hai năm một lần. Với sự tham gia của 2.700 binh sĩ và 150 máy bay đến từ 14 nước, đây là cuộc tập trận không quân lớn nhất châu Âu trong bối cảnh chiến tranh Ukraina.Từ Stockholm, thông tín viên Carlotta Morteo tường trình :

« Như một thông điệp xoa dịu gửi tới nước láng giềng Nga, các quốc gia Bắc Âu nhắc đi nhắc lại rằng Artic Challenge không phải là cuộc tập trận của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Tuy nhiên, với các mối đe dọa tiềm ẩn từ các chiến đấu cơ Sukhoi và Mig của Nga, Artic Challenge chủ yếu tập trung vào sự hợp tác giữa các đồng minh trong khối NATO. Chỉ duy nhất Thụy Điển chưa phải là thành viên của khối.

Số lượng máy bay nhiều chưa từng có, sự đa dạng của các loại phi cơ cũng ở mức chưa từng có : máy bay Rafale và Mirage của Pháp thao dượt cùng phi cơ Eurofighters của Đức, Gripen của Thụy Điển, F-16 của Na Uy và điểm mới lần này là có chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Các phi công bay trên một vùng rất rộng để kiểm tra phạm vi hoạt động của máy bay và dự tính các tình huống phức tạp về tiếp nhiên liệu và phòng không.

Bằng cách này, các nước Bắc Âu cũng cho thấy họ không đơn độc đối mặt với Nga, bởi Matxcơva đã tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực những năm gần đây. Khu vực này đã trở thành một khu vực xung đột nhạy cảm, nhất là vì Hội đồng Bắc Cực, công cụ ngoại giao chính điều chỉnh quan hệ giữa các nước giáp với Bắc Cực, đã bị đẩy ra khỏi cuộc chơi : các cuộc thảo luận đã bị đình lại kể từ khi Nga xâm lược Ukraina ».

Khoảng 40 tên lửa hành trình Nga tấn công Ukraina trong đêm

Thủ đô Kiev Ukriana bị Nga oanh kích, đêm ngày 28 rạng sáng 29/05/2023. © REUTERS / GLEB GARANICH
Trọng Thành

Nga tiếp tục oanh kích ‘‘các vị trí quân sự và cơ sở hạ tầng thiết yếu’’ của Ukraina trong đêm hôm qua, 28/05/2023, với tổng cộng khoảng 40 tên lửa hành trình’’ do các chiến đấu cơ bắn từ vùng biển Caspi vào, cùng với 35 drone, theo thông tin của tư lệnh quân đội Ukraina trên mạng Telegram.

Tư lệnh quân đội Ukraina, tướng Valery Zaloujny, cho biết cụ thể, tổng cộng 37 tên lửa và 29 drone đã bị đánh chặn. Thủ đô Kiev là mục tiêu chính.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời bộ chỉ huy quân sự thủ đô Ukraina cho hay riêng tại Kiev ‘‘khoảng 40 mục tiêu’’ đã bị các lực lượng phòng không bắn hạ.

Đây là lần thứ 15 Kiev bị tấn công trong đêm trong tháng 5 này. Theo tướng Ukraina, Serhiy Popko, ‘‘mục tiêu của các cuộc tấn công liên tục này của kẻ thù là gây áp lực tâm lý thường trực với dân chúng’’. Hiện tại, chính quyền địa phương chưa thông báo cụ thể về các thiệt hại nhân mạng và vật chất.

Chính quyền Ukraina hôm nay 29/05 cũng ra một thông báo hiếm hoi cho biết một căn cứ quân sự ở miền tây Ukraina bị Nga oanh kích trong đêm, cụ thể là một sân bay quân sự thuộc tỉnh miền tây Khmelnytsky.Ukraina xác nhận đã tấn công cầu Kerch ở Crimée tháng 10/2022
Tham gia một chương trình truyền hình hôm qua, 27/05/2023, lãnh đạo Cơ quan An Ninh Ukraina  SBU, ông Vassyl Maliouk, nhận trách nhiệm trong vụ tấn công cây cầu Kerch ở Crimée hồi tháng 10 năm ngoái, và nhiều vụ phá hoại tàu của Nga tại hải cảng Sébastopol cũng trong cùng thời kỳ.

Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp cho thấy cầu Kerch, nối bán đảo Crimée (lãnh thổ Ukraina do Nga kiểm soát) với lãnh thổ Nga, ngày 08/10/2022. AP
Thanh Hà

Tham gia một chương trình truyền hình hôm qua, 27/05/2023, lãnh đạo Cơ quan An Ninh Ukraina  SBU, ông Vassyl Maliouk, nhận trách nhiệm trong vụ tấn công cây cầu Kerch ở Crimée hồi tháng 10 năm ngoái, và nhiều vụ phá hoại tàu của Nga tại hải cảng Sébastopol cũng trong cùng thời kỳ.
Báo Le Monde tiết lộ giám đốc SBU vừa cho biết đã có « phối hợp với bên Hải quân » Ukraina trong đợt tấn công nhắm vào tàu Nga tại cảng Sébastopol, trên bán đảo Crimée hồi tháng 10/2022. SBU cũng là tác giả vụ cho nổ cầu Kerch, từng được tổng thống Vladimir Putin rầm rộ khánh thành. Cây cầu này được xem là biểu tượng về quyền lực của Matxcơva tại một vùng lãnh thổ từ tháng 5/2014 đã bị sáp nhập vào Liên Bang Nga.

Song trong cuộc trả lời trên đài truyền hình Ukraina hôm qua, lãnh đạo SBU cho rằng, « hãy còn quá sớm » để đi sâu vào chi tiết các đợt tấn công nói trên. Ukraina muốn tránh cung cấp thêm thông tin cho phía Nga.

Sau hơn 15 tháng chiến tranh, Kiev chưa bao giờ chính thức nhận là tác giả các đợt tấn công nhắm vào các cơ sở hạ tầng hay lợi ích của Nga.

Matxcơva cảnh cáo: Giao F-16 cho Kiev, phương Tây  « đùa với lửa »

Cũng qua kênh truyền hình, ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov hôm nay 28/5 tuyên bố khi giao chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo cho Ukraina, phương Tây đang « đùa với lửa ». Theo Matxcơva đây là một « hành động leo thang chiến tranh không thể chấp nhận được ». Ông Lavrov đồng thời lên án « Washington, Luân Đôn và các chư hầu trong Liên Âu » muốn « làm suy yếu nước Nga », muốn « giáng một đòn thất bại chiến lược » ê chề, muốn « phanh thây » Liên Bang Nga. 

Bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan tái đắc cử

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng phu nhân (P) cảm ơn các ủng hộ viên, từ dinh tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 28/05/2023. © REUTERS / UMIT BEKTAS
Thanh HàSau 20 năm cầm quyền, tổng thống mãn nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tái đắc cử thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa. Theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ, Recep Tayyip Erdogan giành được thắng lợi ở vòng nhì cuộc bầu cử tổng thống hôm Chủ Nhật 28/05/2023 với hơn 52 % số phiếu thuận. Ứng cử viên đối lập, Kemal Kiliçdaroglu ghi nhận thất bại. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới gửi điện chúc mừng đến tổng thống Erdogan.
Bất chấp những khó khăn kinh tế, lạm pháp ngựa phi, đồng tiền quốc gia mất giá hơn 50 % và những báo động về tham nhũng làm lũng đoạn xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan, 69 tuổi, vẫn được cử tri tín nhiệm, như tường thuật của đặc phái viên RFI, Daniel Vallot từ Istanbul :

« Mọi người chào mừng chiến thắng của ông Erdogan trước khi kết quả chính thức được công bố. Trước trụ sở của đảng AKP, hàng ngàn người ca hát, nhảy múa, reo mừng. Một phụ nữ nói : ‘Tôi thực sự là vui sướng. Erdogan thắng rồi. Tôi thực sự vô cùng quý mến ông ấy. Mọi việc giờ đây sẽ đâu vào đấy thôi đối với chúng tôi’.

Một người khác hân hoan nói : Erdogan là lãnh tụ của chúng tôi. Đây là một niềm tự hào và tôi ủng hộ ông ấy ngay từ đầu. Nhờ ông ấy mà tôi có thể đội khăn choàng đầu mà không bị ai dè bỉu. Trước đây tôi không thể làm được điều đó, bây giờ thì tự do.

Một trong những chìa khóa dẫn đến thắng lợi này, theo quan điểm của phe ủng hộ Recep Tayyip Erdogan, là ông đã bảo vệ những giá trị truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ và bảo vệ tổ quốc. Điều đó còn quan trọng hơn cả khủng hoảng kinh tế đang làm rung chuyển đất nước. Một người đàn ông cho biết : Đối với chúng tôi, điều đó không quan trọng. Quan trọng ở đây là tôn giáo là Nhà nước, là nhân dân. Erdogan sẽ đưa chúng tôi ra khỏi giai đoạn khó khăn này. Chỉ cần nhìn vào ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, ắt sẽ thấy. Mỹ từ chối giao vũ khí mà chúng tôi đã đặt mua, vậy thì chúng tôi tự sản xuất.

Với 52% số phiếu ủng hộ, Erdogan không thắng lớn như mong đợi, điều đó không quan trọng. Theo những người ủng hộ Erdogan, cái chính là giờ đây tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bước vào một thập kỷ thứ ba để tiếp tục lãnh đạo đất nước ».

 Thế giới chúc mừng Erdogan

Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, từ Ấn Độ đến các nước trong vùng Vịnh, Ukraina, Hoa Kỳ, châu Âu, Nga…đã chúc mừng ông Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trên Twitter nhấn mạnh « với tư cách là đồng minh trong NATO », Washington « nóng lòng tiếp tục cùng làm việc » với Thổ Nhĩ Kỳ để đối mặt với những « thách thức đang đặt ra trên thế giới ».

Tổng thống Vladimir Putin trong lời chúc mừng gửi đến đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu bật những nỗ lực của ông Erdogan nhằm « duy trì một chính sách đối ngoại độc lập ».

Tổng thống Ukraina mong muốn « đẩy mạnh » quan hệ giữa Kiev và Ankara vì an nin h chung của toàn châu Âu.

Nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Ankara và Paris sẽ cùng nhau « thúc đẩy vãn hồi hòa bình tại Châu Âu, cùng hành động vì tương lai của liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương, của các nước trong vùng Địa Trung Hải ».

Tại Đức, nơi có đông cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống, thủ tướng Olaf Scholz xem việc ông Erdogan tái đắc cử « tạo đà mới » cho quan hệ song phương. Thụy Điển hy vọng sau thắng lợi này, Recep Tayyip Erdogan sẽ quan tâm nhiều hơn đến « an ninh chung » và không còn gây khó dễ cho đơn xin gia nhập liên minh Bắc Đại Tây Dương của Stockholm.
175 quốc gia họp tại Paris chuẩn bị một hiệp ước chống ô nhiễm rác thải nhựa

Ảnh minh họa: Rác thải nhựa trong một bãi rác hoang gần đập Alibeykoy, ngoại ô Istanbul. Ảnh chụp ngày 19/5/2021. AP – Mucahit Yapici
Trọng Thành

Đại diện 175 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc họp tại trụ sở Unesco, ở Paris, kể từ hôm nay, 29/05/2023, trong vòng 5 ngày, để thảo luận về một hiệp ước quốc tế chống ô nhiễm nhựa, dự kiến hoàn tất vào năm tới. Đây là vòng đàm phán thứ hai trong số 5 vòng đàm phán được lên kế hoạch. Vòng thứ nhất diễn ra tại Uruguay hồi tháng 11/2022 năm ngoái.

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, cơ sở tổ chức các đàm phán công bố một dự án nhằm giảm 80% rác thải nhựa từ đây đến 2040. Ba mảng hành động chính là tái sử dụng, tái chế và thay thế bao bì ny lon, hộp nhựa…, bằng các vật liệu khác. Các hóa chất độc hại, được sử dụng để chế tạo sản phẩm nhựa, cũng là mục tiêu nhắm đến trong báo cáo của Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, trong số 13.000 hóa chất được sử dụng, có hơn 3.000 loại được coi là nguy hiểm.

Về tác hại của nhựa, trả lời RFI, bà Juliette Franquet, giám đốc của tổ chức phi chính phủ về môi trường Zero waste France cho biết thêm:

‘‘Tác hại của nhựa vừa là do sản xuất từ các nhiên liệu hóa thạch, tức là từ dầu mỏ và khí đốt, nhưng đồng thời cũng là do các chất phụ gia rất độc hại. Nhựa do đó rất có hại cho môi trường và sức khỏe của chúng ta. Hơn 700 loài động vật biển đang bị đe dọa bởi ô nhiễm nhựa. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến các hậu quả của một loại vật liệu đã được sử dụng ngày càng rộng rãi chỉ trong một vài thập niên. Chúng ta thấy nhựa trong nước, trong đất, thậm chí trong không khí. Các nghiên cứu chứng minh rằng những hậu quả đáng kể khi chúng ta hít phải nhựa, chúng ta ăn phải nhựa’’.

Cuộc chiến chống nạn ô nhiễm nhựa đầy thách thức, bởi hiện tại, sản lượng nhựa đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 20 năm, với 460 triệu tấn, và có thể tăng gấp ba từ nay đến năm 2060, nếu không có biện pháp ngăn cản.

Đối đầu giữa hai quan điểm
Tại cuộc đàm phán ở Paris lần này, nổi lên sự đối đầu giữa hai quan điểm. Một số nước, tiêu biểu là Trung Quốc, Mỹ, Ả Rập Xê Út, và các nước thuộc khối sản xuất dầu mỏ OPEP nói chung, có chủ trương bảo vệ các ngành công nghiệp hóa dầu quốc gia. Ngược lại, một liên minh khoảng 50 quốc gia, do Rwanda và Na Uy đứng đầu, bao gồm Liên Âu, Canada, Chilê, và Nhật Bản, đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn ô nhiễm rác thải nhựa trước 2040. Điều đó cũng có nghĩa là cắt giảm mạnh việc sản xuất nhựa.

Để thúc đẩy đàm phán, trước thềm hội nghị toàn thể 175 quốc gia, các bộ trưởng và đại diện của hơn 50 quốc gia đã họp riêng vào ngày thứ Bảy, 27/05, tại Paris. Liên minh nói trên kêu gọi quốc tế đồng thuận về một hiệp ước với các biện pháp chế tài nghiêm ngặt trong lĩnh vực này.

Trả lời AFP, nhà hoạt động môi trường Diane Beaumenay-Joannet, thuộc tổ chức phi chính phủ Surfrider Foundation Europe, cho biết một trọng tâm của cuộc họp lần này tại Paris là vấn đề quan hệ Bắc – Nam (tức giữa các nước giàu và các nước nghèo), với các chủ đề chính là ‘‘trợ giúp phát triển, chia sẻ công nghệ, tài trợ’’. Bà Diane Beaumenay-Joannet cũng chỉ trích việc ‘‘các quốc gia phát triển tiêu thụ nhiều nhất cũng là những nước gây ô nhiễm nhất, và cũng chính họ chuyển khâu sản xuất sang các nước khác, chuyển rác thải sang các nước khác’’.