TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 17/05/2023
Hội Đồng Toàn Châu Âu nhất trí buộc Nga gánh chi phí thiệt hại gây ra ở Ukraina
Lãnh đạo 46 quốc gia thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu họp tại Reykjavik, Iceland, ngày 16/05/2023. AP – Alastair Grant
Thu Hằng
Một năm sau khi khai trừ Nga, Hội Đồng Toàn Châu Âu đã họp thượng đỉnh ngày 16/05/2023 tại Reykjavik, Iceland. Các nhà lãnh đạo của 46 nước nhất trí ủng hộ Kiev và tỏ quyết tâm buộc Matxcơva phải trả giá cho cuộc xâm lăng Ukraina. Hội Đồng Toàn Châu Âu đã công bố một cơ chế nhằm theo dõi những tổn thất và thiệt hại do quân đội Nga gây ra.
Đặc phái viên RFI Valérie Gas tường trình từ Reykjavik :
« Ông Volodymyr Zelensky không đến Reykjavik sau vòng công du châu Âu. Tuy nhiên, tổng thống Ukraina đã phát biểu trực tuyến trước toàn thể nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu. Sau bài phát biểu của ông Zelensky, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án những hành động bạo lực của Nga ở Ukraina.
Ông nói : « Tôi nghĩ đến những vụ oanh kích vào cơ sở hạ tầng dân sự, tôi nghĩ đến những vụ hãm hiếp được sử dụng làm vũ khí chiến tranh, đến những vụ giết người, đến nạn tra tấn phổ biến, đến tình trạng trẻ em Ukraina bị đầy ải sang Nga và các vùng bị chiếm đóng ». Ông Macron cảnh cáo Nga : « Việc cưỡng bức đầy ải trẻ em là tội ác chiến tranh và hành động này được nhân rộng ra thì có thể cấu thành tội ác chống nhân loại ».
Nguyên thủ Pháp muốn gây áp lực với Nga bằng cách chống lại tình trạng không bị trừng phạt. Ông nói : « Hội Đồng Toàn Châu Âu một lần nữa cho thấy tiếng nói bênh vực những nạn nhân của cuộc xâm lược qua việc lập Sổ thống kê quốc tế các thiệt hại do cuộc xâm lược của Nga tại Ukraina gây ra ». Đó là sự hỗ trợ về tư pháp và về tài chính cùng với sự giúp đỡ của Ngân hàng phát triển của Hội Đồng Toàn Châu Âu.
Nguyên thủ Pháp nói tiếp : « Tôi hy vọng chúng ta có thể khởi động một dự án lớn để có thể sớm can thiệp và hỗ trợ thành lập khoảng một trăm trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Ukraina để giúp tất cả những người hàng ngày vẫn phải chịu đựng những chấn thương tâm thần nặng nề do cuộc xung đột bạo lực này gây ra ».
Ngoài viện trợ quân sự cho Ukraina, mục tiêu của ông Emmanuel Macron là bắt đầu chuẩn bị tái thiết Ukraina ».
Cuộc họp tại Iceland là thượng đỉnh lần thứ 4 của Hội Đồng Toàn Châu Âu trong suốt 75 năm tồn tại. Iceland không có quân đội nên không thể viện trợ quân sự cho Ukraina, do đó chính quyền Reykjavik muốn huy động « vũ khí pháp lý». Còn hai nước Anh và Hà Lan muốn lập một « liên minh quốc tế » để giúp Kiev « tăng khả năng chiến đấu trên không, từ đào tạo phi công đến giao chiến đấu cơ F-16 ». Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh đề xuất của hai thủ tướng Anh và Hà Lan trong cuộc hội đàm ngày 16/05 ở Luân Đôn.
Mỹ truy tố nhiều công dân Nga và Trung Quốc vì tội gián điệp công nghiệp
Ảnh minh họa : Ngành Tư Pháp Mỹ thông báo truy tố 5 người Trung Quốc về tội tin tặc và gián điệp, ngày 19/05/ 2014. REUTERS/Keith Lane
Minh Anh
Tư Pháp Mỹ hôm qua, 16/05/2023, thông báo mở các phiên xử nhiều công dân Trung Quốc và Nga. Những người này bị cáo buộc đánh cắp bí mật công nghiệp và vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, khi tìm cách xuất khẩu nhiều công nghệ nhậy cảm.
Thông cáo của bộ Tư Pháp Mỹ, được AFP trích dẫn, khẳng định, những cáo buộc này « thể hiện rõ quyết tâm của chính phủ ngăn chặn tình trạng nhiều công nghệ nhậy cảm rơi vào tay đối thủ nước ngoài, bao gồm cả Nga, Trung Quốc và Iran ».
Phiên xử lần này liên quan đến 5 vụ khác nhau trên toàn quốc, nhắm vào ba công dân Trung Quốc, một người Hy Lạp và hai người Nga. Đối với các công dân Trung Quốc, tòa án California buộc tội Weibao Wang (đã trốn thoát khỏi Mỹ) đã đánh cắp nhiều công nghệ tiên tiến như phần mềm phát triển xe ô tô tự hành. Liming Li, về tội đánh cắp các công nghệ công nghiệp tiên tiến được dùng cho việc sản xuất các linh kiện cho tầu ngầm hạt nhân và máy bay quân sự.
Còn người thứ ba, ông Xiangjiang Qiao, được biết đến dưới biệt danh Joe Hansen, bị xử về tội tìm cách cung cấp cho Iran một loại nguyên liệu nhậy cảm dùng cho sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là cho đầu đạn tên lửa đạn đạo liên lục địa, vốn dĩ nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.
Đối với công dân Hy Lạp, Nikolaos Bogonikolos, theo tư pháp New York, người này đã lợi dụng tư cách là nhà thầu cho NATO và nhiều nước đồng minh khác để tiến hành buôn bán trái phép các loại công nghệ quân sự và dân sự với Nga từ năm 2017.
Cuối cùng, đối với hai công dân Nga, Oleg Patsulya và Vasilii Besedin, bị bắt hôm 11/5 tại bang Arizona khi tìm cách xuất khẩu trái phép sang Nga nhiều linh kiện cho máy bay dân sự.
Ukraina: Mỹ thừa nhận Nga đã oanh kích gây hư hại hệ thống tên lửa Patriot ở Kiev
Một tên lửa nổ tung trên bầu trời Kiev, Ukraina, trong đợi oanh kích của Nga, ngày 16/05/2023. REUTERS – GLEB GARANICH
Trọng Nghĩa
Bộ Quốc Phòng Nga ngày 16/05/2023 khẳng định, trong một cuộc tấn công trong đêm trước đó vào Ukraina, một tên lửa siệu thanh Kinjal của Nga đã phá hủy được hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo, được bố trí tại Kiev. Hai quan chức Mỹ cao cấp xin ẩn danh đã xác nhận một phần thông tin từ phía Matxcơva, nhưng cho rằng giàn phóng Patriot chỉ bị hư hại.
Theo hãng tin Anh Reuters, sau khi Kiev loan báo lực lượng phòng không đã bắn hạ được 18 tên lửa mà Nga dùng để tấn công nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraina trong đêm thứ Hai, rạng sáng thứ Ba 16/05, trong đó có 6 chiếc thuộc loại Kinjal, phía Nga đã tuyên bố Ukraina không thể đánh chặn được tên lửa.
Theo hãng tin Nga RIA, khi được hỏi về thông báo của Ukraina, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đã bác bỏ thông tin từ phía Kiev, cho rằng số lượng mà Ukraina thông báo đã bắn hạ được bao giờ cũng lớn hơn gấp ba lần số tên lửa mà Nga phóng đi, và Kiev luôn luôn nhầm tên.
Trong một thông báo, bộ Quốc Phòng Nga thậm chí còn khẳng định: “Một cuộc tấn công có độ chính xác cao của tên lửa siêu thanh Kinjal đã đánh trúng hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất ở thành phố Kiev”. Phía Mỹ chưa chính thức xác nhận lời khẳng định này, nhưng theo Reuters, hai quan chức Mỹ cao cấp xin giấu tên đã thừa nhận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà Mỹ giao cho Ukraina sử dụng, có thể đã bị hư hại do một cuộc tấn công của Nga, nhưng dường như không bị phá hủy.
Theo một quan chức Mỹ trích dẫn thông tin ban đầu, Washington và Kiev đã thảo luận về cách tốt nhất để sửa chữa hệ thống và trước mắt, hệ thống này sẽ không bị dỡ bỏ khỏi Ukraina. Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất của Mỹ được dùng để bắn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Hệ thống này bao gồm bệ phóng kèm theo radar và các phương tiện hỗ trợ khác.
Ukraina chiếm lại được 20 km2 ở ngoại ô Bakhmut
Tại điểm nóng Bakhmut, chính quyền Ukraina ngày 16/05 khẳng định rằng trong những ngày gần đây, họ đã chiếm lại được 20 km2 lãnh thổ ở vùng xung quanh thành phố.
Theo thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Ukraina Ganna Maliar, vùng được tái chiếm nằm ở phía bắc và phía nam của Bakhmut.
Dù bị đẩy lùi ở vùng ngoại ô, lực lượng Nga lại tiến bước ở trong trung tâm thành phố. Chính bà Ganna Maliar đã công nhận rằng quân đội Nga tiếp tục tiến vào Bakhmut và “phá hủy hoàn toàn thành phố với sự hỗ trợ của pháo binh”.
Tổng thống Mỹ Biden rút ngắn chuyến công du châu Á, Úc hủy thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD
Ảnh minh họa : Thủ tướng Úc Anthony Albanese (T) và tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc hội kiến ở Tokyo, đầu 2022. © Jonathan Ernst/AP
Minh Anh
Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm nay, 17/05/2023, thông báo, thượng đỉnh Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) sẽ không diễn ra trong tuần tới như dự kiến. Quyết định này được đưa ra sau khi Nhà Trắng thông báo tổng thống Mỹ Joe Biden hoãn chuyến công du Úc.
Tuy nhiên, thủ tướng Úc cho biết là lãnh đạo các thành viênBộ Tứ – QUAD, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ – sẽ hội đàm với nhau kiến vào cuối tuần này tại Nhật Bản, sau khi kết thúc cuộc họp khối G7.
Nguyên nhân là tổng thống Mỹ phải rút ngắn thời gian công du châu Á. Các cuộc đàm phán về nâng trần nợ ở Mỹ chưa đạt được đồng thuận sau cuộc họp giữa tổng thống Mỹ và các lãnh đạo đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin tại Washington giải thích thêm :
« Ông Joe Biden sẽ không đến Úc và Papua New Guinea vào tuần tới. Tổng thống rút ngắn chuyến công du vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và chỉ sẽ tham dự thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Vì ông phải trở về Washington ngay từ ngày Chủ Nhật.
Đây là hệ quả cụ thể nhất của cuộc họp hôm thứ Ba 16/5. Đối với phần còn lại, lập trường của các bên vẫn còn nhiều cách biệt, ngoại trừ một điểm : Việc Mỹ mất khả năng thanh toán là điều không thể nghĩ đến, trái với những gì Donald Trump tuyên bố cách nay một tuần.
Về điểm này, tất cả mọi người đều nhất trí, kể cả ông Kevin McCarthy. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ rất muốn nâng trần nợ nhưng với điều kiện có được những nhượng bộ về ngân sách từ chính phủ Liên bang. Ông Joe Biden và đảng Dân Chủ không muốn gắn hai vấn đề này với nhau và đây chính là điều xảy ra.
Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trực tiếp giữa các nhóm cố vấn của tổng thống và đại diện phe đa số Cộng Hòa ở Hạ Viện. Ông Kevin McCarthy thậm chí tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận từ nay đến cuối tuần.
Một trong số những điểm khó nhất của cuộc đàm phán nằm trong phần các nghĩa vụ của những người được thụ hưởng trợ cấp xã hội của Liên bang . Đây là lằn ranh đỏ đối với cánh tả trong đảng Dân Chủ. Dù vậy, phản ứng này ít đáng lo ngại hơn so với những cảnh báo từ giới doanh nghiệp về những hậu quả thảm khốc có thể gây ra do mất khả năng thanh toán. »
Reuters cho biết tuy thượng đỉnh QUAD bị hủy, nhưng thủ tướng Úc khẳng định cuộc gặp song phương giữa hai lãnh đạo Ấn – Úc vẫn được duy trì. Úc và Ấn Độ, tuy không là thành viên của G7 nhưng đã được mời dự thượng đỉnh của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển, diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản từ ngày 19-21/05/2023.
Chiến tranh Ukraina : Châu Phi gởi phái bộ hòa bình đến Kiev và Matxcơva
Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa (P) trao đổi tại một phiên họp toàn thể thượng đỉnh Nga-Châu Phi ở khu nghỉ mát Sochi, Nga, ngày 24/10/2019. AP – Sergei Chirikov
Minh Anh
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm qua, 16/05/2023, cho biết Kiev và Matxcơva đã đồng ý đón tiếp một phái đoàn bao gồm nguyên thủ các nước Zambia, Senegal, Congo-Brazzaville, Uganda, Ai Cập và Nam Phi, nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraina.
Thông báo của Nam Phi được đưa ra vào lúc mối quan hệ giữa Washington và Pretoria đang căng thẳng sau những phát biểu của đại sứ Mỹ cáo buộc Nam Phi đã cung cấp vũ khí cho Nga và chỉ huy lực lượng bộ binh quân đội Nam Phi đang công du Nga.
Từ Johannesburg, thông tín viên đài RFI Claire Bargelès cho biết thêm thông tin :
« Kế hoạch này, được thảo luận từ nhiều tuần qua, đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong cuối tuần qua khi ông Cyril Ramaphosa có cuộc trao đổi với các đồng nhiệm Nga và Ukraina. Theo nguyên thủ Nam Phi, cả Nga và Ukraina đều đồng ý tiếp phái bộ vì hòa bình. Tổng thống Nam Phi hy vọng rằng chuyến công du có thể được thực hiện “sớm nhất có thể”, dù rằng các thể thức còn đang trong quá trình bàn bạc để quyết định xem phái bộ sẽ đến nước nào trước tiên.
Theo Quỹ Brazzaville, tổ chức chủ trì kế hoạch, sáu nước này đã được chọn sao cho có thể đại diện cho nhiều quan điểm khác nhau của châu lục chẳng hạn như Nam Phi hay Uganda thì bảo vệ mối quan hệ của họ với Nga, hay những nước khác như Zambia hoặc Ai Cập, trong nghị quyết gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc thì đã bỏ phiếu kêu gọi Nga rút quân.
Về phía Nam Phi, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi đích thân tổng thống Cyril Ramaphosa can dự vào kế hoạch này. Từ đầu cuộc xung đột đến nay, tổng thống Nam Phi luôn có những phát biểu kêu gọi đối thoại và tìm kiếm một giải pháp thương lượng cho hòa bình hơn là đứng về một phe nào. Theo chính quyền Pretoria, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Phi tỏ ra nhiệt tình đón nhận sáng kiến này. »
Việt Nam tăng cường khai thác khí ở Biển Đông để đạt mục tiêu trung hòa các-bon
Ảnh minh họa : Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft tại mỏ khí đốt Lan Tây ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018. REUTERS/Maxim Shemetov
Thu Hằng
Việt Nam sẽ không xây thêm nhà máy nhiệt điện sau năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn than vào năm 2050. Từ nay đến cuối thập niên, than sẽ chỉ chiếm 20% tổng các loại năng lượng, thay vì 50% như hiện nay. Ngày 16/05/2023, chính phủ Việt Nam đã công bố Quy hoạch điện VIII – PDP8, với tổng đầu tư 135 tỉ đô la, nhằm « bảo đảm an ninh năng lượng » với khí đốt trở thành nguồn năng lượng chính trong quá trình trung hòa khí phát thải vào năm 2050.
Theo Reuters, hai mục tiêu chính được Việt Nam đề ra là tăng gấp bốn lần khả năng « xử lý khí đốt » từ nay đến năm 2030, tăng khả năng khai thác khí đốt ở Biển Đông bất chấp đe dọa từ Trung Quốc. Đồng thời, khối lượng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 15% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Việc sản xuất khí đốt cũng được dự kiến tăng 65% đạt 15 GW từ nay cho đến năm 2030. Tuy nhiên, tỉ trọng khí đốt sẽ giảm xuống còn 10% thay vì 13% vào năm 2020.
Việt Nam dự kiến xây 15 nhà máy điện sử dụng khí hóa lỏng từ nay đến năm 2035, ít nhất là 2 cảng tái khí hóa và gần chục nhà máy điện sử dụng khí được khai thác trong nước nhằm chuyển sang năng lượng xanh trong những thập niên tới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhân định với hãng tin Anh rằng cả hai mục tiêu về khí đốt đều gặp nhiều trở ngại lớn. Thứ nhất, việc nhập khẩu khí hóa lỏng có thể phải chịu chi phí cao trong bối cảnh nhu cầu thế giới gia tăng. Thứ hai, việc khai thác khí đốt ở Biển Đông thường xuyên chịu áp lực và quấy rối từ Trung Quốc. Bắc Kinh đòi độc chiếm hầu hết Biển Đông trong « đường 9 đoạn» và thường xuyên phản đối các nước láng giềng khai thác dầu khí trong khu vực này.
Một quan ngại khác được chuyên gia Alex Siow, thuộc văn phòng tư vấn ICIS, nêu lên là « nếu không ký đủ hợp đồng khí hóa lỏng, thì đương nhiên là Việt Nam sẽ sử dụng trở lại than đá để giảm thiểu việc trả giá LNG cao như vậy ». Tuy nhiên, theo chuyên gia này, giá LNG dự kiến sẽ giảm sau năm 2025.
Kế hoạch nói trên không nêu chi phí thẩm định cho việc nhập LNG. Còn tập đoàn PetroVietnam không trả lời đề nghị bình luận của Reuters về khả năng ký các hợp đồng mua LNG dài hạn
Liên hoan Cannes 2023 khai mạc với Cành Cọ Vàng danh dự giành cho Michael Douglas
Đạo diễn Michael Douglas (G) nhận giải Cành Cọ Vàng danh dự trong lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes 2023. © Festival de Cannes
Chi Phương
Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, một trong những sự kiện danh giá nhất của điện ảnh quốc tế, đã chính thức khai mạc tối ngày 16/05/2023, với giải Cành Cọ Vàng danh dự được trao tặng cho nam diễn viên kỳ cựu Michael Douglas. Nhiều ngôi sao quốc tế xuất hiện trên thảm đỏ. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của Johnny Depp, vai chính trong phim Jeanne du Barry, được nhiều người hâm mộ vỗ tay, nồng nhiệt chào đón, bất chấp những ”lời ra tiếng vào” về vụ kiện bạo hành gia đình.
Tấm rèm đỏ của rạp Louis Lumière tại Cannes chính thức được mở ra với tiếng hát của ca sĩ, diễn viên Chiara Mastroianni, dẫn chương trình tại Lễ khai mạc liên hoan. Cũng như những năm gần đây, đêm khai mạc cũng là đêm trao giải Cành Cọ Vàng danh dự, và năm nay giải thưởng danh giá đó thuộc về nam diễn viên gạo cội Michael Douglas, để tri ân hơn 50 năm cống hiến cho nền nghệ thuật thứ bảy của nam diễn viên người Mỹ. Đứng cạnh Douglas, nữ minh tinh người Pháp Catherine Deneuve, người xuất hiện trên tấm áp phích quảng bá cho Liên hoan năm nay được mời phát biểu, bà khẳng định “lý do mà Liên hoan tồn tại, đó là nhằm tôn vinh sự tự do, tự do tưởng tượng, tự do sáng tạo, tự do nói về quyền lực cũng như sự mong manh của chúng ta”. Nữ diễn viên phim Đông Dương cũng không quên nhắc lại sự ủng hộ đối với nhân dân Ukraina trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, trước khi tuyên bố chính thức“khai mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 79”, trình chiếu phim Jeanne du Barry.
Từ Cannes, đặc phái viên Chi Phương cho biết thêm :
“Dòng người chen lấn trước Cung liên hoan Cannes, hy vọng có thể tận mắt nhìn thấy các ngôi sao màn bạc tỏa sáng trên thảm đỏ. Bên cạnh dàn sao quốc tế như Naomi Campbell, Elle Fanning hay Phạm Băng Băng, mọi ánh nhìn dường như chú ý đến đội ngũ của phim khai màn liên hoan Jeanne du Barry, nữ diễn viên kiêm đạo diễn Maïwenn và tài tử Hollywood Johny Depp. Cả hai tay trong tay bước trên thảm đỏ trong những tràng vỗ tay của người hâm mộ. Sau lễ khai mạc, bộ phim Jeanne du Barry chính thức được trình chiếu trong các rạp của Cung liên hoan cũng như tại các rạp chiếu phim trên toàn nước Pháp.
Một đạo diễn “liều lĩnh” khi chọn Johny Depp thủ vai chính, một bộ phim “đưa người xem lật lại những trang sử của nước Pháp, dù đó không phải là những trang sử tươi sáng”, như nhận định của ông Paul Millier, một khán giả bước ra từ rạp Louis Lumière.
Hành trình của Jeanne, từ một cô gái xuất thân hèn mọn, trải qua bao thăng trầm của đời người phụ nữ và rồi trở thành người tình được vua Louis XV yêu thích nhất. Quyến rũ, tự do, phóng túng, hiểu thời thế nhưng có phần đạo mạo và thô thiển, dù không có danh phận, nhưng Jeanne lại độc chiếm tình yêu của một người đứng trên vạn người. Sự ra đi trong cô độc của nhà vua đã khép lại một trang sử của nước Pháp, cũng như khép lại một mảnh tình và ánh hào quang của Jeanne.
Không có nhiều lời thoại, máy quay của đạo diễn dường như muốn trêu đùa khán giả bởi những ánh nhìn sâu lắng, chất chứa cảm xúc của các nhân vật. Bộ phim đưa người xem quay trở lại thế kỉ 18, với những lễ nghi hoàng gia tại cung điện Versailles, được đạo diễn Maïwenn khai thác dưới khía cạnh hài hước và có phần châm biếm, như cảnh nhà vua thức dậy vào mỗi sáng bị vây quay bởi gia đình cùng hàng tá người phục vụ.”
Sau bộ phim mở màn, cuộc đua giành Cành Cọ Vàng chính thức bắt đầu hôm nay với sự tái xuất của đạo diễn Nhật Bản Korre-Eda qua bộ phim Monster và một trong 7 nữ đạo diễn tại liên hoan năm nay, bà Catherine Corsini với phim Le Retour (Sự trở lại). Theo AFP, phim của nữ đạo diễn Pháp đã gây tranh cãi và từng đứng trước nguy cơ bị loại khỏi danh sách tranh giải về điều kiện làm phim và đáng chú ý nhất là việc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (CNC) đã rút khoản hỗ trợ tài chính 680 000 euro vì đã thêm một cảnh quay tình dục liên quan đến trẻ vị thành niên mà không thông báo cho uỷ ban chịu trách nhiệm xem xét các yêu cầu quay phim với trẻ em.
Về ban giám khảo năm nay, đa số là những tài năng trẻ, hai trong số 9 thành viên đã từng giành giải Cành Cọ Vàng, là nam diễn viên người Thụy Điển Ruben Östlund (The Square – 2017, Triangle of Sadnes -2022) kiêm chủ tịch ban giám khảo, và nữ đạo diễn Pháp Julia Ducournau (Titane – 2021).