TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 04/05/2023
Nghi vấn vẫn bao trùm vụ drone “tấn công” điện Kremlin
Ảnh chụp màn hình từ camera an ninh cho thấy một vật thể bay phát nổ trên điện Kremlin ở Matxcơva, Nga, ngày 03/05/2023. © Ostorozhno Novosti/Handout via REUTERS
Trọng Nghĩa
Vụ drone tấn công vào điện Kremlin vào sáng sớm ngày 03/05/2023 và bị bắn hạ đã làm dấy lên tranh cãi gay gắt giữa Matxcơva và Kiev, với việc Nga quy trách nhiệm cho Ukraina, buộc Kiev phải cực lực cải chính. Ai đúng, ai sai, điều đó chưa thể xác định được, vì nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc vẫn chưa có lời giải đáp.
Về diễn biến của vụ việc, hãng tin Pháp AFP ghi nhận là cho đến giờ, chỉ mới có các hình ảnh từ video được truyền thông Nga phát ra trên mạng xã hội: Trong một đoạn video, người ta thấy một thiết bị bay phát nổ thành một đám lửa ngay bên trên một lá cờ Nga cắm trên mái vòm của Cung Thượng Viện, môt trong những tòa nhà chính trong khuôn viên điện Kremlin.
Về tác giả vụ tấn công, Matxcơva khẳng định rằng đó là Ukraina, một cáo buộc bị Kiev hoàn toàn bác bỏ. Thậm chí, theo hãng AFP, ông Mykhaïlo Podoliak, một trong những cố vấn của tổng thống Ukraina còn cáo buộc Nga “dàn dựng” mọi sự để biện minh cho “một cuộc tấn công khủng bố lớn ở Ukraina”.
Về phía Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken cũng cho rằng cần phải xem xét những gì mà Matxcơva đưa ra “một cách hết sức thận trọng”.
Riêng ông Sergei Sullenny, một chuyên gia về Đông Âu, thì lại quy kết trách nhiệm cho Nga, nêu bật việc chính điện Kremlin đã nhanh chóng “xác nhận” vụ việc và cho lưu hành ngay các đoạn phim trích từ các camera an ninh trong tay chính quyền. Theo chuyên gia này, rõ ràng là Matxcơva muốn “mọi người chứng kiến” sự kiện đó.
Ukraine cũng có thể là tác giả
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác không loại trừ khả năng Ukraina là tác giả vụ tấn công, vì nước này có thừa khả năng kỹ thuật và công nghệ để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, sâu trong lãnh thổ Nga, như họ đã từng làm trước đây.
Nhà phân tích Samuel Bendett,
thuộc Trung Tâm Phân Tích Hải Quân tại Mỹ, cho rằng phương tiện được
dùng để tấn công có thể là loại drone UJ-22, thậm chí là loại PD-1 của
Ukraina, hoặc Mugin-5 do Trung Quốc chế tạo mà Kiev đã từng sử dụng.
Theo chuyên gia này, UJ-22 “có tầm hoạt động xa và có khả năng vươn tới Matxcơva”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chiếc drone đó xuất phát từ nơi nào.
Ngoài ra, vụ việc cũng đặt ra câu hỏi về hiệu quả của hệ thống phòng không của Nga. Chuyên gia Bendett nhắc lại: “Vào
năm ngoái, giới phân tích Nga đã hàm ý rằng màng lưới phòng không Nga
không thể bảo vệ toàn bộ đất nước và một số sơ hở nhất định có thể bị
khai thác”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng tự hỏi là “tại sao chiếc drone lại không bị bắn chặn trên bầu trời Matxcơva”.
Kiev bác bỏ mọi cáo buộc tấn công bằng drone vào điện Kremlin
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky họp báo tại Helsinki, Phần Lan, ngày 03/05/2023. REUTERS – STAFF
Thu Hằng
Ngay sau khi thông báo bắn hạ 2 drone định “tấn công khủng bố” điện Kremlin, “ám sát” tổng thống Vladimir Putin, tối qua, 03/05/2023, Matxcơva thông báo mở điều tra. Lúc xảy ra vụ việc, nguyên thủ quốc gia Nga không có mặt ở điện Kremlin mà ở vùng ngoại ô Novo-Ogariovo. Ukraina đã bác bỏ cáo buộc của Nga.
Trong buổi họp báo với lãnh đạo 5 nước Bắc Âu trong chuyến công du Helsinki (Phần Lan), tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định : « Chúng tôi (Ukraina) không tấn công Putin. Chúng tôi để tòa án làm việc đó ». Khi được hỏi về lý do Matxcơva cáo buộc Kiev, ông Zelensky trả lời « do Nga không giành được thắng lợi » ở Ukraina, cho nên « ông ấy (Putin) không thể huy động thêm xã hội Nga và không thể gửi thêm quân đội để chết vô ích ».
Trả lời đài truyền
hình Pháp BFM TV ngày 03/05, dân biểu Oleksiy Goncharenko của Odessa
cũng bác bỏ cáo buộc của phía Nga và cho rằng vụ tấn công Kremlin bằng
drone « cho thấy đang có đấu tranh nội bộ ở Nga ». Theo ông, «
chuyện xảy ra là nỗi xấu hổ cho Nga, bởi vì làm sao có thể coi Nga là
một siêu cường khi nước này không có khả năng bảo vệ không phận trên
điện Kremlin ».
Đặc phái viên RFI Anastasia Becchio cho biết phản ứng của cộng đồng mạng Ukraina về đoạn video vụ drone bị bắn hạ bên trên điện Kremlin :
« Các đoạn video về vụ nổ phía trên điện Kremlin đã nhanh chóng tràn ngập các mạng xã hội Ukraina. Với thái độ thách thức, người sử dụng internet tỏ ra phấn khích vì sự kiện. Một cư dân mạng hài hước viết trên Telegram : « Bưu điện Ukraina thông báo phát hành một loại tem mới », kèm theo ảnh chỉnh sửa điện Kremlin đang bốc cháy, phía trước là một người lính Ukraina giơ ngón tay thối.
Bưu điện Ukraina vẫn thường phát hành nhiều con tem hài hước nhằm lưu lại một sự kiện, ví dụ cuộc kháng cự của một nhóm quân nhân Ukraina trước soái hạm Moskva của hạm đội Nga, hay vụ nổ trên cầu Crimée.
Trên mạng Twitter, trả lời tin nhắn của Mykhaïlo Podoliak, cố vấn tổng thống Ukraina, cáo buộc Matxcơva « dàn dựng » để biện minh cho « một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn vào Ukraina ». Một người sử dụng Internet viết : « Zelensky vô can vì ông ấy đang ở Phần Lan, nhưng không thể bảo đảm điều đó với Medvedev (hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga), mà người ta biết là rất mê các trò kỹ xảo». Cựu tổng thống Nga, thường xuyên bị chế nhạo trên các mạng xã hội Ukraina, đã kêu gọi « trừ khử Zelensky và băng đảng của hắn ».
Một người sử dụng internet khác kêu gọi nên tìm nguyên nhân bên phía chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner. Người này viết : « Tên tội phạm chiến tranh Prigozhin đã rất nhiều lần đe dọa Kremlin ». Liệu ông ta có đã biến lời nói thành hành động ? »
Các cơ sở xăng dầu tại Nga tiếp tục là mục tiêu của các vụ tấn công bằng drone, hai vụ gần đây nhất xảy ra vào sáng nay, 04/05, nhắm vào hai nhà máy lọc dầu ở tây nam Nga, gần Ukraina. Các hãng thông tấn TASS và Ria Novosti cho biết đám cháy đầu tiên ở một bể chứa dầu ở Ilsky, vùng Krasnodar, đã được dập tắt. Chỉ một tiếng sau vụ này, thống đốc vùng Rostov, cũng gần biên giới với Ukraina, cho biết một drone đã rơi xuống một nhà máy lọc dầu gần làng Kisselevka. Vụ nổ gây ra hỏa hoạn và đám cháy cũng đã được dập tắt« ngay lập tức ».Tổng thống Ukraina công du Hà Lan và thăm Tòa Án Hình Sự Quốc Tế
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (G), chủ tịch Thượng Viện Hà Lan Jan Anthonie Bruijn (P) và chủ tịch Hạ Viện Hà Lan Vera Bergkamp tại La Haye, Hà Lan, ngày 04/05/2023. AFP – REMKO DE WAAL
Thu Hằng
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã đến thăm Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) ở La Haye và gặp các lãnh đạo của định chế quốc tế này vào sáng 04/05/2023 trong chuyến công du Hà Lan.
Theo thông tín viên của AFP, ông Zelensky được đội bảo vệ theo sát, quốc kỳ Ukraina đã được kéo lên bên cạnh cờ của CPI tại trụ sở của tòa án ở La Haye.
Từ tháng 03/2023, Tòa
Án Hình Sự Quốc Tế, bắt đầu hoạt động từ năm 2002, đã mở điều tra về
những tội ác chiến tranh mà quân đội Nga bị cáo buộc gây ra ở Ukraina và
đã ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Vladimir Putin.
Theo đài phát thanh Hà Lan NOS, tại La Haye, tổng thống Ukraina đã đọc bài diễn văn tựa đề« Không có hòa bình nếu không có công lý cho Ukraina », với sự tham dự của ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra. Trong cuộc gặp với thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, ông Zelenky khẳng định rằng Ukraina « sẽ không gia nhập NATO trong lúc đang có chiến tranh » với Nga.
Hà Lan ủng hộ Ukraina ngay từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược tháng 02/2022. Quốc gia thành viên Liên Âu đã thông báo vào tháng 03/2023 sẽ chi 165 triệu euro cùng với Đan Mạch để mua 14 xe tăng Leopard 2 viện trợ cho Kiev.Mỹ, Philippines tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (P) tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, ngày 03/05/2023. AP – Andrew Harnik
Trọng Thành
Mỹ và Phillippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng nhân chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Ferdinand Marcos Jr.. Hôm qua, 03/05/2023, bộ Quốc Phòng Mỹ công bố các nội dung chính của hợp tác quốc phòng song phương nhằm sẵn sàng chống lại các hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là thỏa thuận ‘‘tăng cường chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực’’ về các hoạt động của Trung Quốc ‘‘tại Biển Đông và eo biển Đài Loan’’.
Văn bản có tên gọi chính thức là ‘‘Hướng dẫn Phòng thủ Song phương’’ (Bilateral Defense Guidelines) đã được bộ trưởng Quốc Phòng hai nước thông qua hôm qua. Hợp tác chia sẻ thông tin tình báo là một nội dung chủ yếu của văn bản, bên cạnh việc ‘‘hiện đại hóa năng lực quốc phòng’’ và tăng cường phối hợp diễn tập tác chiến và bảo vệ an ninh hàng hải.
Cụ thể là hai bên cam kết ‘‘mở rộng chia sẻ thông tin về các dấu hiệu ban đầu liên quan đến các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của cả hai quốc gia, để bảo đảm sẵn sàng giải quyết các thách thức chính mà liên minh phải đối mặt. Hai nước sẽ cố gắng chia sẻ thông tin theo thời gian thực, với sự cộng tác của các bộ và các ban ngành khác để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động’’.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, 04/05, Lầu Năm Góc đã công bố văn bản nói trên sau cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Washington. Vẫn theo South China Morning Post, các thông báo hôm qua của bộ Quốc Phòng Mỹ về hợp tác với Philippines đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng bất cứ một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương tại “bất cứ nơi nào ở Biển Đông, nhắm vào lực lượng vũ trang của Philippines hoặc Hoa Kỳ – bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai quốc gia” sẽ dẫn đến việc kích hoạt các cam kết phòng thủ chung.
Cũng trong buổi làm việc hôm qua, tổng thống Philippinnes
và bộ trưởng Mỹ đã thảo luận về kế hoạch vận hành nhanh chóng 4 căn cứ
quân sự mới mà Manila giao quyền sử dụng cho Quân đội Mỹ theo thỏa thuận
EDCA (Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường) ở đảo Palawan và phía
bắc đảo Luzon, cách đảo Đài Loan vài trăm cây số.
Do thủ đô Manila của Philippines cách Đài Loan chưa đến 800 dặm, cho nên một cuộc xâm lược hòn đảo, mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ cần thu hồi, sẽ ảnh hưởng đến an ninh ở Philippines. Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Renato Cruz De Castro, đại học De La Salle ở Manila: Quyết định của Manila, được đưa ra hồi tháng 02/2023, cho phép Washington sử dụng 4 căn cứ quân sự nói trên giúp tăng cường khả năng đối phó với một nước Trung Quốc ‘‘hiếu chiến và bành trướng”.
Trung Quốc biến Tân Cương thành phòng thí nghiệm công nghệ theo dõi người Duy Ngô Nhĩ
Ảnh tư liệu : Một trại giam ở Tân Cương, Trung Quốc, ngày 23/04/2021. © AP/Mark Schiefelbein
Trọng Nghĩa
Trong một cuộc điều tra mới mà kết quả được công bố hôm nay, 04/05/2023, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch đã vạch trần cách thức công an Trung Quốc sử dụng các công nghệ tinh vi để theo dõi người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác, đặc biệt là tại Tân Cương, nhân danh cuộc chiến chống khủng bố.
Trả lời phỏng vấn của RFI, bà Maya Wang, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Human Rights Watch, nhấn mạnh đến một thực trạng là ở vùng Tân Cương hiện nay, chỉ cần nghe kinh Coran qua điện thoại là có thể bị bắt. Theo bà, tổ chức Human Rights Watch thu thập được bằng chứng về điều này sau khi nghiên cứu hàng chục nghìn tập tài liệu chính thức của Trung Quốc.
“Chúng tôi đã xem xét 50.000 tệp tài liệu mà công an Trung Quốc dán nhãn là mang tính chất bạo lực hoặc cực đoan. Hơn một nửa, 57%, chỉ là các văn bản tôn giáo, bao gồm cả việc đọc kinh Koran, vốn không hề mang tính cực đoan hoặc kích động bạo lực. Hầu hết các tư liệu này đều bị coi là khủng bố.”
Điện thoại thông minh đã trở thành công cụ chính để theo dõi cư dân. Một ví dụ: ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương với 3,5 triệu dân, cảnh sát đã xem xét kỹ lưỡng hơn một triệu chiếc điện thoại 11 triệu lần, chỉ trong vỏn vẹn 9 tháng:
“Điều gây sốc trong cuộc điều tra của chúng tôi là quy mô và tốc độ của việc công an phân tích nội dung chứa đựng trong điện thoại. Nhà Nước Trung Quốc luôn muốn đi xa hơn, và ở mỗi giai đoạn, người ta càng thâm nhập đời tư nhiều hơn, qua đó xóa bỏ thêm nhiều quyền tự do hơn”.
Tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tiến hành một cuộc điều tra quốc tế và độc lập ở Tân Cương, nhưng Bắc Kinh đã từ chối.Cải tổ hưu trí ở Pháp: Hội Đồng Bảo Hiến bác đề xuất thứ hai về trưng cầu dân ý
Trụ sở Hội Đồng Bảo Hiến ở Paris, Pháp, ngày 12/04/2023. © AP Photo / Michel Euler
Trọng Nghĩa
Đúng như dự đoán, Hội Đồng Bảo Hiến của Pháp hôm qua, 03/05/2023, đã từ chối yêu cầu trưng cầu dân ý mà cánh tả Pháp đệ trình vào giờ phút chót hôm 13/04 vừa qua nhằm cấm nâng tuổi về hưu lên quá 62 tuổi. Phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến như vậy đã tước bỏ một trong những biện pháp cuối cùng mà phe đối lập có thể dùng để chống lại dự án cải tổ hưu trí của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo Hội Đồng Bảo Hiến, đề xuất trưng cầu dân ý của 253 dân biểu và thượng nghị sĩ Pháp không đáp ứng các tiêu chí cần thiết để được thông qua.
Đây là lần thứ hai định chế này bác bỏ một đề xuất trưng cầu dân ý về cải tổ hưu bổng. Hôm 14/04 vừa qua, Hội Đồng đã từ chối đề xuất đầu tiên về trưng cầu dân ý, khi thông qua phần chủ yếu của luật cải tổ hưu trí. Luật đã được tổng thống Pháp ban hành ngay sau đó.
Trong một thông cáo báo chí chung, các đảng cánh tả tập hợp trong liên minh NUPES đã bày tỏ thái độ thất vọng và cam kết sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh chống kế hoạch cải tổ của chính phủ.
Đối với phong trào chống sửa đổi chế độ về hưu, một trong những hy vọng cuối cùng nằm ở việc Quốc Hội vào ngày 08/06 sẽ xem xét một dự luật do nhóm dân biểu cánh trung Liot đệ trình nhằm bãi bỏ luật cải cách đã được tổng thống Pháp ban hành.
Về phần mình, nhóm dân biểu cực hữu thuộc đảng Tập Hợp Dân Tộc RN do bà Marine Le Pen đứng đầu, hôm qua cũng đã đưa ra dự luật “ngăn chặn việc nghỉ hưu ở tuổi 64”.
Về phía dân chúng, ngay sau khi Hội Đồng Bảo Hiến bác đề nghị trưng cầu dân ý, nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã nổ ra, như ở Paris, gần trụ sở của Hội Đồng, hay ở Nantes và Rennes, hai thành phố đi đầu trong phong trào biểu tình chống cải cách hưu trí.
Phòng chống Covid-19: WHO công bố chiến lược mới
Ảnh tư liệu: Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 14/12/2022. REUTERS – Denis Balibouse
Trọng Thành
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua, 03/05/2023, công bố chiến lược mới về phòng chống Covid-19, nhằm hỗ trợ các nước chuyển từ chiến lược ‘‘đối phó khẩn cấp’’ sang tập trung vào việc phòng ngừa.
Theo AFP, chiến lược mới của WHO sẽ phục vụ cho việc đối phó với dịch bệnh trong 2 năm tới. Đây là chiến lược chống Covid thứ tư của Tổ chức Y tế Thế giới kể từ đầu đại dịch. Chiến lược này tiếp tục ‘‘hai mục tiêu’’ của chiến lược thứ ba (được công bố năm 2022): ‘‘giảm mức độ lây lan của virus SRAS-CoV-2’’ và tăng cường điều trị nhằm ‘‘giảm tỉ lệ tử vong, mức độ bệnh tật và các hậu quả dài hạn’’.
Ngoài hai mục tiêu trên,
chiến lược mới của WHO tập trung vào mục tiêu thứ ba, ưu tiên cho khâu
phòng ngừa. Chiến lược mới cũng đặc biệt chú trọng đến những người mắc
chứng ‘‘Covid dài hạn’’, tức bệnh nhân có các triệu chứng
Covid-19 sau giai đoạn cấp tính, có thể kéo dài nhiều tuần lễ, thậm chí
nhiều tháng. Theo tổng giám đốc WHO, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus,
khoảng 6% bệnh nhân Covid thuộc nhóm này.
Chiến lược mới dựa trên 5 thành tố chính: ‘‘phối hợp kiểm soát, bảo vệ các cộng đồng, điều trị hiệu quả và linh hoạt, tiếp cận các biện pháp phòng dịch (như vac-xin), phối hợp trong trường hợp khẩn cấp’’.
Theo WHO, hơn 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số ca tử vong đã giảm mạnh, xuống đến mức ‘‘thấp nhất từ đầu đại dịch’’.
Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người bị lây nhiễm, và virus tiếp tục
giết hại ‘‘hàng nghìn người mỗi tuần’’ trên thế giới. Trong vài ngày
tới, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới sẽ đưa ra quyết định chấm dứt,
hoặc tiếp tục duy trì ‘‘mức độ báo động tối đa’’, được ban bố kể từ ngày 30/01/2020, sau khi đại dịch bùng lên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.