Tin Thế Giới – 01/06/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 01/06/22

Chiến tranh Ukraina: Mỹ cấp cho Ukraina hệ thống tên lửa tối tân hơn

Tối ngày 31/05/2022, Hoa Kỳ thông báo cấp “các hệ thống tên lửa tối tân hơn” cho quân đội Ukraina, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn ở vùng Donbass và sắp để lọt thành phố chiến lược Severodonetsk vào tay quân Nga.

Trên nhật báo New York Times, tổng thống Joe Biden viết rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Kiev “các hệ thống tên lửa tối tân hơn để có thể bắn chính xác hơn vào các mục tiêu chủ chốt trên chiến trường Ukraina”.

Theo một quan chức cao cấp của Nhà Trắng, hệ thống vũ khí đó chính là HIMARS ( (High Mobility Artillery Rocket System), tức là các dàn phóng rocket di động, gắn trên các xe thiết giáp hạng nhẹ, có tầm bắn khoảng 80 km.

Hãng tin AFP cho biết, các vũ khí này nằm trong gói viện trợ quân sự mới của Mỹ tổng cộng 700 triệu đôla cho Ukraina, mà chi tiết được công bố ngày 01/06.

Theo các chuyên gia,
hệ thống HIMARS có thể sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trên trận
địa, vào lúc mà quân đội Ukraina dường như đang gặp rất nhiều khó khăn ở
vùng Donbass, trước đà tiến công của quân Nga.

Tuy nhiên, vì vẫn không muốn Hoa Kỳ bị xem là một bên tham chiến, tổng thống Biden nhấn mạnh là ông “không khuyến khích” và “cũng không cho Ukraina các phương tiện” để bắn sang lãnh thổ Nga.

Nhưng phản ứng về việc Washington cung cấp vũ khí mới cho Ukraina, điện Kremlin hôm nay cho rằng Mỹ “đang đổ thêm dầu vào lửa”.

Trong khi đó, theo thông báo của thủ tướng Olaf Scholz hôm nay, nước Đức cũng sẽ cấp cho Ukraina một hệ thống phòng không có thể giúp bảo vệ một thành phố lớn trước các cuộc oanh kích của Nga. Berlin còn cấp cho Kiev một hệ thống radar có thể phát hiện pháo binh của đối phương.

Về tình hình chiến sự, trên mạng Telegram hôm nay, thống đốc vùng Lougansk,
ông Serguiï Gaïdaï cho biết quân Nga hiện đang củng cố các vị trí của
họ ở trung tâm Severodonetsk, thành phố chiến lược ở miền đông Ukraina.
Tối qua, cũng ông Gaïdaï thông báo,  quân Nga đã kiểm soát được phần lớn
thành phố và đang tiếp tục phá hủy các cơ sở hạ tầng và cơ sở công
nghiệp, sau khi oanh kích vào nhà máy hóa chất Azot, đánh trúng một bồn
chứa acide nitrique.

Trả lời RFI Pháp ngữ, tướng Dominique Trinquand, chuyên gia quân sự Pháp, dự báo Severodonetsk chắc chắn sẽ thất thủ:

“ Đánh giá tình hình của tôi là Severodonetsk sắp thất thủ, thành phố đang bị bao vây hoàn toàn, chỉ còn một con đường đi vào. Tốt hơn là Ukraina rút hết những quân còn ở Severodonetsk để bố trí ở một tuyến phòng thủ khác, tranh thủ những vũ khí mới mà phương Tây cấp cho họ. Tôi nghĩ rằng Ukraina nay khó mà giữ được Luhansk, cho nên họ phải lập một tuyến phòng thủ để bảo vệ vùng Donetsk và nếu cần thì mở các cuộc phản công. Nhưng tôi cho rằng cố bám giữ những phần chưa bị chiếm đóng của thành phố chỉ là ảo tưởng.

Việc quân Nga chiếm được Severodonetsk  sẽ là một bước ngoặt trước hết là về mặt tâm lý. Vùng Lugansk nay hoàn toàn là của Nga. Bây giờ diễn tiến đối với quân Ukraina sẽ như thế nào là tùy thuộc vào khả năng của họ khôi phục lực lượng, vào các tuyến phòng thủ hiệu quả.”
Thêm ba nước tham gia điều tra tội ác chiến tranh tại Ukraina

image.png

Công tố viên các nước tham gia điều tra tội ác chiến tranh tại Ukraina họp báo tại La Haye, Hà Lan ngày 31/05/2022. REUTERS – EVA PLEVIER
Thụy My


Từ hôm 31/05/2022 Estonia, Slovakia và Latvia đã góp mặt cùng với Ba Lan, Litva, Ukraina trong nhóm điều tra chung (JIT), được thành lập cuối tháng 03/2022 dưới sự điều hành của Eurojust, nhằm tập trung những bằng chứng. Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) cũng chấp nhận tham gia có điều kiện. Hôm qua, các công tố viên đã họp tại La Haye, Hà Lan và sau đó tổ chức họp báo.

Từ La Haye, thông tín viên Stéphanie Maupas cho biết thêm chi tiết :

Cuộc họp trước hết là để chứng tỏ các công tố viên châu Âu cùng đoàn kết trong việc đưa ra tòa những tội ác chiến tranh ở Ukraina – như chưởng lý Ukraina, bà Iryna Venediktova khẳng định.

Bà nói : “Tôi cảm thấy, tôi tin tưởng và hy vọng rằng cùng với các đồng nghiệp trên thế giới, chúng ta có thể nói đến công lý. Chúng ta đều hiểu rằng pháp luật cần phải bảo vệ tất cả mọi người, bảo vệ trước một cuộc chiến tranh và những nhà độc tài. Thế nên tôi hết sức vui mừng là chúng ta có thể lập ra một cơ chế và mô hình như vậy”.

Eurojust hy vọng lập được phần nào trật tự đối với các sáng kiến tư pháp được loan báo kể từ đầu cuộc chiến tranh ở Ukraina. Được hỏi về khả năng có những cạnh tranh trong điều tra, chưởng lý Tòa án Hình sự Quốc tế, ông Karim Khan cho rằng sự hợp tác này đã tạo nên sức mạnh.

Ông tuyên bố : “Tôi tin rằng những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa là lời kêu gọi hành động, trong mỗi tình huống, để xây dựng quan hệ đối tác sâu sắc hơn. Chúng ta không nên coi các cơ quan quyền lực quốc gia như mối đe dọa. Cơ quan tư pháp  của từng nước dù dựa trên tư cách thành viên nhóm điều tra chung JIT hay thẩm quyền tư pháp phổ quát, đều đáng được hoan nghênh khi tham gia”.

Một điều khoản sửa đổi đang được xem xét nhằm giúp Eurojust tập hợp các tài liệu, trong đó có những hình ảnh và video thường nằm trong số các dữ liệu được bảo vệ.
Đan Mạch trưng cầu dân ý về gia nhập chính sách phòng thủ của Liên Âu

image.png

Cử tri Đan Mạch đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc tham gia chính sách quốc phòng châu Âu, ngày 01/06/2022, tại thành phố Viborg. AP – Bo Amstrup
Thanh Phương


Sau ba thập niên được hưởng ngoại lệ, hôm nay, 01/06/2022, Đan Mạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập chính sách phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất, được công bố hôm Chủ nhật (29/05), có đến hơn 65% dân Đan Mạch sẽ bỏ phiếu thuận. Tuy nhiên, chưa có gì là chắc chắn, bởi lẽ tỷ lệ cử tri không bỏ phiếu được dự báo sẽ rất cao, tại một quốc gia mà người dân thường nói “không” trong các cuộc trưng cầu dân ý về châu Âu.

Trong cuộc tranh luận truyền hình cuối cùng hôm 29/05, thủ tướng Mette Frederiksen đã kêu gọi người dân Đan Mạch bỏ phiếu thuận, bởi vì, “khi chúng ta phải chiến đấu vì an ninh của châu Âu, chúng ta phải đoàn kết với các nước láng giềng”.

Là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu từ năm 1972, Đan Mạch vào năm 1992 đã bác bỏ hiệp ước thành lập Liên Hiệp Châu Âu Maastricht. Để không cản trở việc thi hành hiệp ước này, vào lúc đó Đan Mạch đã được chấp thuận cho hưởng một loạt ngoại lệ, và nhờ vậy mà trong cuộc trưng cầu dân ý năm sau đó, cử tri nước này cuối cùng đã bỏ phiếu thuận.

Từ đó đến nay, Đan Mạch vẫn nằm ngoài khu vực đồng euro, cũng như không tham gia chính sách chung của Liên Hiệp Châu Âu về nội vụ, tư pháp và quốc phòng. Do được hưởng ngoại lệ về quốc phòng, cho nên Đan Mạch, một trong những  thành viên sáng lập khối NATO, đã không tham gia bất cứ chiến dịch quân sự nào của Liên Âu.

Hai tuần sau khi Nga xâm lăng Ukraina, thủ tướng Đan Mạch đã thông báo đạt thỏa thuận với đa số các chính đảng trong Quốc Hội để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc quốc gia Bắc Âu này gia nhập chính sách phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu. Trong số 14 chính đảng ở Quốc Hội Đan Mạch, đã có đến 11 đảng kêu gọi bỏ phiếu thuận.

Với việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, và với việc Đan Mạch tổ chức trưng cầu dân ý hôm nay, như vậy là cả ba quốc gia Bắc Âu sắp tới đây vừa tham gia chính sách phòng thủ chung châu Âu vừa tham gia vào khối NATO.
Mỹ cam kết ủng hộ các đảo quốc Thái Bình Dương đã bác hiệp ước với Trung Quốc

image.png

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, trong một cuộc họp báo hôm 10/03/2022 tại Washington, Hoa Kỳ. AP – Manuel Balce Ceneta
Thụy My


Hoa Kỳ hôm 31/05/2022 hứa sẽ hỗ trợ các đảo quốc ở Thái Bình Dương sau các quốc gia này từ chối ký một thỏa thuận với Trung Quốc, nói rằng chính các hành động của Bắc Kinh đã cho thấy đề nghị của họ là « nhập nhằng ».
Mười
tiểu quốc Thái Bình Dương hôm thứ Hai 30/05 đã gây bối rối cho Bắc
Kinh, khi bác bỏ một hiệp ước sẽ đẩy họ vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price tuyên bố các đảo quốc đã có những « quyết định về chủ quyền của chính họ »,
và Hoa Kỳ cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác ở Thái
Bình Dương cũng như khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm mang lại lợi ích
cho người dân.

Ông Price nhấn mạnh đến những lo ngại của các phóng viên Fidji, Samoa, Salomon đưa tin về chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, khi ông này từ chối cho phép đặt câu hỏi. Phát ngôn viên Mỹ cho rằng chỉ cần quan sát những nỗ lực che giấu của Trung Quốc để thấy thỏa thuận này mờ ám như thế nào. Ông cho biết : « Bắc Kinh còn đi xa đến nỗi ngăn cản các viên chức trong khu vực đối thoại với các nhà báo của nước mình », đồng thời nhắc lại, Hoa Kỳ và Úc đều quan ngại.

Trung Quốc đề nghị một hiệp ước bao gồm việc mở rộng huấn luyện cảnh sát các đảo quốc Thái Bình Dương, thực hiện một bản đồ biển nhạy cảm và tiếp cận các nguồn lợi thiên nhiên. Đổi lại, Bắc Kinh tài trợ hàng triệu đô la và mở ra triển vọng đạt thỏa thuận tự do mậu dịch với thị trường 1,4 tỉ dân lớn nhất thế giới.

Trong một lá thư mới đây gởi các đồng nhiệm, ông David Panuelo, tổng thống Liên bang Micronesia cảnh báo đề nghị trên là « gian trá », « bảo đảm ảnh hưởng Trung Quốc trong chính phủ » và việc « kiểm soát kinh tế » đối với các ngành công nghiệp chủ chốt.

Tân ngoại trưởng Úc thăm các đảo quốc Thái Bình Dương

Bà Hoàng Anh Hiền (Penny Wong), tân ngoại trưởng Úc hôm nay 01/06/2022 đến thăm các đảo quốc Samoa và Tonga, Vanuatu, chỉ vài ngày sau chuyến đi của ông Vương Nghị, nhằm « củng cố những mối quan hệ hữu nghị sâu sắc » với Úc. Từ khi tuyên thệ nhậm chức cách đây 9 ngày, bà đã đến Nhật Bản tham dự hội nghị Bộ Tứ (Mỹ, Ấn, Úc, Nhật), sau đó đến Fidji và sẽ sang Papuasia-Tân Ghinê ngày mai, kết thúc chuyến thăm kéo dài 10 ngày.

Tân chính phủ trung tả Úc hứa sẽ chú tâm hơn đến vấn đề khí hậu : tình trạng mực nước biển dâng cao là mối lo hàng đầu của nhiều đảo quốc Thái Bình Dương.

Quân đội Trung Quốc “tuần tra sẵn sàng chiến đấu” tại vùng biển và vùng trời chung quanh Đài Loan

image.png

Ảnh tư liệu của Tân Hoa Xã phát hành ngày 31/12/2021 cho thấy chiến đấu cơ J-15 đang tập hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. AP – Anonymous
Thanh Phương


Theo hãng tin Reuters, hôm nay, 01/06/2022, quân đội Trung Quốc thông báo trong những ngày qua đã mở một cuộc “tuần tra sẵn sàng chiến đấu” tại vùng biển và vùng trời chung quanh Đài Loan, khẳng định đây là hành động cần thiết để đáp trả “sự thông đồng” giữa Washington và Đài Bắc.

Trong một tuyên bố, Bộ tư lệnh chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc khẳng định: “Gần
đây, Hoa Kỳ thường xuyên có các hành động về vấn đề Đài Loan, nói một
đằng, làm một nẻo, yểm trợ các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, đẩy
Đài Loan vào một tình thế nguy hiểm”.

Tuyên bố của Bộ tư lệnh chiến khu Nam Bộ không nói rõ là cuộc “tuần tra sẵn sàng chiến đấu” đã
diễn ra khi nào, nhưng hôm qua (31/05), Đài Bắc tố cáo là phi cơ của
không quân Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài
Loan. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết các chiến đấu của Đài Loan đã ngăn
chận 30 phi cơ của Trung Quốc.
Theo Đài Bắc, đây là vụ xâm nhập lớn nhất vào vùng nhận dạng phòng không
của Đài Loan kể từ tháng Giêng năm nay.

Vốn vẫn xem Đài Loan là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Bắc Kinh trong hai năm gần đây đã gia tăng các hành động quân sự chung quanh hòn đảo này và gây áp lực với Đài Bắc. Trung Quốc cũng rất tức tối khi thấy Hoa Kỳ gia tăng yểm trợ Đài Loan.

Vào tuần trước, tổng thống Joe Biden tỏ dấu hiệu có thay đổi trong chính sách “mập mờ chiến lược”
của Mỹ về Đài Loan, khi ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ can dự về quân sự nếu
Trung Quốc tấn công hòn đảo. Tuyên bố của tổng thống Biden đã khiến Bắc
Kinh phẫn nộ, mặc dù các quan chức Mỹ nói là không hề có thay đổi trong
chính sách của Washington đối với Đài Loan. 
Cấm vận dầu lửa Nga : Thủ tướng Orban hân hoan “chiến thắng” của Hungary tại Liên Âu

image.png

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới dự thượng đỉnh Liên Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 30/05/2022. REUTERS – JOHANNA GERON
Thu Hằng


Trong khi Liên Hiệp Châu Âu ngừng nhập khẩu dầu lửa Nga từ nay đến cuối năm 2022, Hungary hưởng đặc quyền có thêm 4 năm để tìm nguồn cung dầu lửa mới và tiếp tục được nhập dầu từ Nga thông qua đường ống Hữu Nghị – Druzhba. Nhượng bộ của Liên Âu để nhanh chóng trừng phạt cỗ máy chiến tranh Nga lại là thắng lợi đầu tiên cho ông Viktor Orban kể từ khi tái đắc cử thủ tướng.

Thông tín viên RFI Florence La Bruyère tại Budapest giải thích :

Chính sách bắt chẹt đã thành công. Thủ tướng Viktor Orban đã có được điều ông muốn : Budapest có thể tiếp tục nhập dầu lửa của Nga. Hungary không có biển và 65% dầu lửa của nước này nhập từ Nga thông qua đường ống Hữu nghị – Druzhba. Thủ tướng Orban cũng nhận được các bảo đảm, theo đó trong trường hợp đường ống cung cấp dầu cho Hungary và đi qua Ukraina bị gián đoạn, Hungary có thể nhập khẩu chất đốt Nga bằng đường biển.

Cuối cùng, ông Viktor Orban đã yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu tài trợ cho việc cải tiến các nhà máy lọc dầu của Hungary để thích hợp với các loại dầu khác. Và ông đã nhận được 800 triệu euro.

Cộng Hòa Séc và Slovakia, cả hai nước phụ thuộc vào dầu lửa Nga, cũng nhận được nhiều biện pháp miễn trừ. Như vậy, chính quyền Praha có thể tiếp tục bán lại nhiều loại sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga trong vòng nhiều tháng. Nhưng chỉ có Viktor Orban là người đứng đầu chính phủ duy nhất đe dọa không bỏ phiếu thông qua loạt trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu.

Một nhà ngoại giao châu Âu phải thốt lên rằng « ông ấy đã bắt chúng tôi làm con tin trong suốt một tháng ». Cuối cùng, thủ tướng Hungary đã chấp nhận bỏ quyền phủ quyết khi các yêu cầu của ông được chấp thuận.

Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều khách hàng châu Âu

Kể từ ngày 01/06, tập đoàn Nga Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều khách hàng châu Âu, trong đó có GasTerra B.V. của Hà Lan, Ørsted của Đan Mạch và Shell Energy Export của Anh do những khách hàng này không thanh toán bằng đồng rúp. Đây là biện pháp được tổng thống Nga áp đặt đối với các nước « không thân thiện » nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu.

Khoảng 15% lượng khí đốt của Hà Lan được nhập từ Nga. Như vậy, khoảng 2 tỉ mét khối khí đốt sẽ không được cung cấp cho Hà Lan từ giờ đến tháng 10. Công ty GasTerra cho biết đã « lường trước được quyết định của Nga nên đã mua khí đốt ở nơi khác ». Khí đốt Nga chiếm khoảng 18% năng lượng tiêu thụ hàng năm của Đan Mạch. Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho các nước Phần Lan, Bulgari và Ba Lan cũng vì lý do trên.

Thanh Phương