Tin Thế Giới – 9/4/2014
Lãnh tụ tối cao Iran lên tiếng về thỏa thuận hạt nhân – Mỹ quan tâm về hoạt động của hải quân Iran gần Yemen
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố thỏa thuận khung với phương Tây không phải là một sự đảm bảo rằng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận chung quyết nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đối lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Phát biểu hôm nay, ông Khamenei nói rằng ông “không ủng hộ mà cũng không chống” thỏa thuận tạm thời mà Iran và 6 cường quốc đạt được hồi tuần trước. Ông cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận đó chưa hoàn thiện và không có tính ràng buộc.
Tuy nhiên, nhân vật quyền lực nhất Iran bày tỏ việc tiếp tục ủng hộ các cuộc đàm phán, và nói thêm rằng ông để ngỏ sự ủng hộ đối với một thỏa thuận “tôn trọng danh dự và phẩm giá của Iran”.
Giáo sỹ người Iran cũng chỉ trích việc Hoa Kỳ công bố một bản diễn giải thỏa thuận sau các cuộc đàm phán, và gọi đây là một hành động cho thấy “các ý định kỳ quái”.
Cả Tehran và Washington đã liên tục bất đồng về một số chi tiết chính, trong đó có tốc độ mà các biện pháp chế tài nhắm vào Tehran sẽ được dỡ bỏ nếu thỏa thuận chung quyết đạt được.
Trong bài phát biểu sớm hôm nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng Tehran sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận chung quyết nào nếu tất cả các biện pháp trừng phạt quốc tế không được dỡ bỏ.
Trong cùng thời điểm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Washington “rất quan tâm” về sự hỗ trợ của Iran dành cho phiến quân Shia ở Yemen. Theo tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã cho biết như vậy sau khi có tin nói rằng một hạm đội của hải quân Iran đang trên đường tới quốc gia vùng Vịnh Ba Tư này.
Đài truyền hình Press của Iran hôm thứ tư cho biết một khu trục hạm cùng với một chiến hạm khác của hải quân Iran đang tiến tới vùng biển gần Yemen, nơi Ả rập Saudi đang dẫn đầu một chiến dịch không kích để tìm cách chận đứng đà tiến của phiến quân Houthi.
Chuẩn đô đốc Habibollah Sayyari của Iran nói rằng hai chiến hạm đó sẽ bảo vệ “các tuyến hàng hải của Iran” và ngăn không cho hải tặc tấn công các tàu chở hàng.
Phát biểu hôm thứ tư trên đài truyền hình PBS của Mỹ, Ngoại trưởng Kerry nói rằng Hoa Kỳ đang theo dõi sát sự hỗ trợ của Iran dành cho phiến quân Houthi, trong đó có nhiều chuyến bay tới Yemen được thực hiện mỗi tuần.
“Chúng tôi biết rất rõ về sự hỗ trợ mà Iran dành cho Yemen. Và Iran cần phải nhận thức được là Hoa Kỳ sẽ không đứng yên khi khu vực này bị bất ổn hay khi những người thực hiện các hoạt động chiến tranh lén lút vượt qua các đường ranh, các đường biên giới quốc tế và xâm phạm các quốc gia khác.”
Căng thẳng dâng cao ở Yemen vì vụ xung đột giữa phiến quân Houthi với các lực lượng trung thành với Tổng thống Yemen Abd Rabbo Mansour Hadi được quốc tế hậu thuẫn.
Chiến binh nổi dậy và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người bị lật đổ năm 2011, đã tìm cách chiếm thành phố Aden, một trong những cứ địa cuối cùng của các lực lượng ủng hộ ông Hadi.
Các tổ chức cứu trợ cảnh báo rằng giao tranh đã tạo ra một tình huống khẩn cấp về mặt nhân đạo. Bà Marie Claire Feghali của Hội Hồng Thập Tự Quốc tế cho biết như sau.
“Tình hình nhân đạo rất đỗi tệ hại. Bên cạnh những vụ không kích mà chúng tôi có nghe thấy vào lúc này, còn có những trận chiến đang diễn ra tại một số khu vực và nhất là tại Aden. Các bệnh viện bị khốn đốn nhiều nhất. Họ không thể chăm sóc cho số người bị thương quá đông. Và còn có những xác người trên đường phố mà thân nhân của họ chưa thể mang về để chôn cất một cách tử tế.”
Hôm thứ tư, Hội Y Sĩ Không Biên Giới cho biết một toán chuyên gia phẫu thuật khẩn cấp gồm 5 người và gần 2 tấn tiếp liệu y tế đã tới thành phố cảng Aden từ Djibouti.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 643 người thiệt mạng và 2.226 người bị thương trong cuộc giao tranh ở Yemen. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 77 trẻ em đã bị giết trong vụ xung đột. – VOA
Các vụ đình công gia tăng ở TC
Con số những vụ đình công đang trên đà gia tăng ở TC và những người tranh đấu cho quyền lợi của người lao động nói rằng tình trạng này phát xuất từ sự chậm lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA ở Hồng Kông, một số vụ phản kháng đã buộc giới chủ nhân phải nhượng bộ.
Bản tin Lao động Trung Quốc, một tổ chức chuyên theo dõi những vụ tranh chấp lao động, cho biết trong năm 2014 đã có gần 1.400 vụ đình công, và con số những vụ phản kháng đã tăng với tốc độ còn cao hơn nữa trong hai tháng đầu của năm nay.
Ông Jefferey Crothall, một nhà nghiên cứu của Bản tin Lao động Trung Quốc ở Hồng Kông, cho biết như sau.
“Chúng tôi ghi nhận những vụ đình công và những vụ phản kháng tập thể của công nhân khi những vụ này xảy ra, và trong vài tháng qua chúng tôi đã ghi nhận trung bình 200 vụ mỗi tháng.”
Theo các số liệu của Bản Tin Lao động Trung Quốc, 569 vụ phản kháng đã xảy ra trong 3 tháng cuối của năm 2014, nhiều gấp ba lần con số của quý 4 năm 2013, và tăng vọt so với năm 2011, là năm chỉ có 185 vụ đình công.
Tăng trưởng của kinh tế TC đã chậm lại trong năm ngoái, với tỉ lệ 7,4% – mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Giới hữu trách đã cảnh báo công chúng về việc này và nói rằng đất nước đang tiến vào một giai đoạn tăng trưởng chậm, nhưng “có phẩm chất cao hơn.”
Những vụ đình công đã lan rộng một cách nhanh chóng thông qua truyền thông trong giới công nhân ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông và Hà Nam. Đa số những người phản kháng đòi giới chủ nhân tăng lương, trả những khoản lương còn thiếu, gia tăng những khoản phúc lợi và tiền hưu trí.
William Nee, một nhà nghiên cứu Trung Hoa của Hội Ân Xá Quốc Tế, cho biết như sau.
“Đình công và phản kháng đang gia tăng ở Trung Quốc, và đây là một trong những khu vực chính mà chúng tôi nhìn thấy người dân rủ nhau xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các công nhân chỉ đòi công ty trả cho họ những khoản lương còn thiếu, trả tiền bảo hiểm xã hội, trả tiền cho quỹ gia cư. Cho nên tất cả những việc này thật ra là nhắm vào các hãng xưởng cụ thể. Trong một số trường hợp, các công nhân đòi chính phủ bắt công ty trả tiền cho họ. Do đó, đây là những vụ phản kháng không thật sự có chiều kích chính trị, mà tập trung nhiều hơn vào những mối quan hệ với chủ lao động.”
Năm 1995 TC ban hành một bộ luật lao động để dành cho tất cả những người lao động quyền hưởng lương, có giờ nghỉ, không bị buộc làm giờ phụ trội quá độ, và quyền thương lượng tập thể. Kinh tế tăng trưởng nhanh chóng trong những năm sau đó đã giúp cho hàng chục triệu người thoát cảnh nghèo túng, nhưng trong lúc tốc độ tăng trưởng chậm lại thì mức lương có thể bị trì trệ, tỉ lệ thất nghiệp có thể gia tăng, và nhiều người có thể bắt đầu trách cứ chính phủ.
Giới hữu trách ở Bắc Kinh, với hy vọng thúc đẩy các chính quyền địa phương giải quyết tình hình, hồi tháng trước đưa ra một thông tư để yêu cầu các chính quyền địa phương xem việc cải thiện quan hệ lao động là “một công tác cấp bách.” Thông tư đòi các giới chức chính quyền ra sức làm việc để bảo đảm giới chủ nhân trả lương đầy đủ và đúng hạn, thực hiện các chương trình để những công nhân từ quê ra tỉnh làm việc được bảo vệ tốt hơn, và kêu gọi giới chủ nhân tăng cường những hoạt động bảo vệ an toàn ở nơi làm việc.
Tuy nhiên, một số các nhà quan sát cho rằng những nỗ lực đó có lẽ không thể đảo ngược những hậu quả tai hại của sự chậm lại của nền kinh tế. Ông Shaun Rein, người đứng đầu tổ chức Nghiên cứu Thị trường TC, cho biết như sau.
“Từ tháng hai nền kinh tế đã bắt đầu xuống dốc, xuống dốc nhiều hơn dự báo của nhiều nhà kinh tế học. Và sự tuộc giốc này thật ra đã tập trung thể hiện qua con số những người thất nghiệp, chứ chẳng phải tăng trưởng GDP mà tôi nghĩ là một con số tương đối khả quan. Những gì mà chúng tôi nhìn thấy trong khu vực sản xuất công nghiệp là những công xưởng thuộc loại nhỏ hơn và yếu hơn đang tìm đủ mọi cách để giảm bớt giá thành.”
Ông Rein cho biết các thị trường lao động TC đang trở nên yếu đi cả ở thôn quê lẫn thành thị và ảnh hưởng tới những người lao động chân tay lẫn những người lao động trí óc; và điều có thể đe dọa tới sự ổn định của xã hội.
Tuy nhiều người tham gia những vụ phản kháng đã bị câu lưu, nhưng chỉ có một ít là bị truy tố hình sự. – Theo VOA
LHQ kêu gọi 111 triệu đôla viện trợ cho Bắc Hàn
Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp khoảng 111 triệu đôla để giúp đỡ một số lượng lớn cư dân Bắc Hàn hiện phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực.
Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Ghulam Isaczai, nói với thông tín viên đài VOA Margaret Besheer rằng khoản tiền đó sẽ giúp 5 cơ quan của Liên Hiệp Quốc đang có mặt tại thực địa tiếp tục giúp đỡ người dân Bắc Hàn với lương thực, nước sạch và các nhu yếu phẩm khác trong năm 2015.
Liên Hiệp Quốc cho biết 70% dân số, hay 18 triệu người Bắc Triều Tiên, đối mặt với tình trạng bất ổn về lương thực và thiếu đa dạng về dinh dưỡng.
Nhưng theo ông Isaczai, trong số đó, gần 2 triệu người, phần lớn là trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú và người cao tuổi, đang rất cần sự hỗ trợ lương thực.
Ngoài ra, 350.000 phụ nữ và trẻ em hiện cần vắc xin và các vật phẩm y tế.
Liên Hiệp Quốc trích dẫn một cuộc khảo sát về dinh dưỡng ở Bắc Hàn năm 2012 cho biết tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nước này khá cao, và trong đó gần 28% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính.
Bắc Hàn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực kinh niên, và tình trạng này ngày trở nên nghiêm trọng hơn vì lụt lội, hạn hán và quản lý yếu kém. – Theo VOA
Tin Hoa Kỳ – Dzhokhar Tsarnaev đối mặt với bản án tử hình
Sau khi kết tội người nhập cư gốc Chechnya, Dzhokhar Tsarnaev, vì vụ đánh bom chết chóc nhắm vào cuộc đua Marathon Boston năm 2013, các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ nghỉ một số ngày trước khi quyết định xem nên tuyên án tử hình hay tù chung thân đối với bị can này.
Sau hai ngày thẩm nghị tại tòa án liên bang, bồi thẩm đoàn đã kết tội Tsarnaev 21 tuổi về tất cả 30 tội danh mà anh ta phải đối mặt, trong đó có 17 tội danh có thể dẫn tới án tử hình. Việc nghị án dự kiến sẽ bắt đầu tại cùng tòa án Mỹ vào tuần tới.
Bồi thẩm đoàn cần phải đạt sự nhất trí tuyệt đối để kết án tử hình Tsarnaev.
Ngay từ đầu phiên xử ở cấp liên bang, các luật sư của Tsarnaev đã thừa nhận rằng anh ta đã tham gia vào âm mưu kích nổ hai quả bom nồi áp suất tự chế gần vạch đích của cuộc đua hàng năm làm 3 người thiệt mạng, trong đó có một cậu bé 8 tuổi, và làm bị thương 264 người khác mà nhiều người trong số đó bị mất tay chân.
Nhưng phe bào chữa cho rằng Tamerlan Tsarnaev, người anh trai của Tsarnaev, mới chính là động lực chính sau vụ tấn công.
Luật sư bào chữa Judy Clarke, người nổi tiếng vì đã giúp nhiều kẻ bị kết tội giết người khỏi bị tử hình, cho rằng “nếu không có Tamerlan thì sẽ không xảy ra vụ tấn công”. – VOA