Tin Thế Giới – 8/7/2015
Hoa Kỳ, CSVN thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung — TT Obama, TBT Trọng thảo luận về nhân quyền, thương mại — TBT Trọng trao đổi với TT Obama về những vấn đề ‘vướng mắc’
Hoa Kỳ và CSVN đã thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung trong cuộc gặp lịch sử giữa Tổng Thống Mỹ và Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiều ngày 7/7, Tòa Bạch Ốc ra thông cáo về văn kiện này, ghi nhận những phát triển tích cực và có thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua, đơn cử một số thành quả trong đó có việc Hà Nội thông qua Sáng kiến An ninh chống Phổ biến vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt; Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương, việc ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng..
Hướng tới tương lai, hai nước khẳng định sẽ xây dựng hơn nữa Quan hệ Đối tác Toàn diện mà Tổng Thống Obama đã ký với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, giữa lúc hai nước tái khẳng định sẽ tiếp tục thắt chặt và đào sâu mối quan hệ bền vững, có thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Hai bên cam kết thúc đẩy lợi ích chung và tăng cường hợp tác song phương và đa phương, vì lợi ích nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực Á Châu-Thái Bình Dương và thế giới.
Về vấn đề nhân quyền, Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời duy trì đối thoại nhằm thu hẹp những khác biệt quan điểm trong lĩnh vực này.
Những lĩnh vực hợp tác khác được đề cập tới gồm hợp tác giáo dục thông qua các tổ chức như Trường Đại học Fulbright Việt Nam, và các quan hệ đối tác với các đại học khác, cũng như sự giao lưu giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam.
Về các vấn đề khu vực và toàn cầu, 2 nước cam kết thúc đẩy hợp tác hướng tới phát triển bền vững, giải quyết các mối đe dọa an ninh, kể cả thiên tai, các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, và các trận đại dịch. Về vấn đề Biển Đông. Việt Nam và Hoa Kỳ nhấn mạnh nhu cầu cần bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, kiềm chế các hành động làm tăng căng thẳng, bảo đảm luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, đồng thời phản đối các hành vi trấn áp, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai nước tái khẳng định các tranh chấp biển đảo phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và cùng lúc đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hãng tin Reuters hôm 8/7 tường thuật, chuyến đi Mỹ của Trọng diễn ra sau khi Hoa Kỳ tăng cường các nỗ lực ngoại giao, ve vãn Hà Nội trong năm qua, tiếp theo sau vụ bùng nổ cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Việt Nam và TC vào tháng Năm năm 2014.
Thừa nhận quan tâm của Việt Nam về cuộc tranh chấp biển đảo với TC, nhà lãnh đạo Mỹ nói cuộc tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Ông Obama nói “mục đích là để đảm bảo sự thịnh vượng và quyền tự do hàng hải, là yếu tố mà cho tới nay đã giúp đem lại bước tiến khổng lồ trong phát triển kinh tế, vẫn sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho khu vực trong nhiều thập niên tới”. – Theo VOA
***
Trong một cuộc gặp gỡ chưa từng có tiền lệ, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nghênh tiếp người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tại Tòa Bạch Ốc hôm qua, thứ Ba. Hai nhà lãnh đạo đều ca tụng các quan hệ mạnh mẽ hơn trong khi mở các cuộc thảo luận cởi mở về vấn đề thương mại và nhân quyền. Thông tín viên Aru Pande của Đài VOA tường trình từ Tòa Bạch Ốc.
40 năm sau khi kết thức Chiến tranh Việt Nam và chỉ 2 thập niên sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hoá bang giao, hai nước cựu thù cam kết siết chặt các quan hệ, giữa lúc Tổng Thống Obama chào mừng Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục. Tổng Thống Obama phát biểu:
“Đây là chỉ dấu của sự tiến bộ đáng kể đã diễn ra trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta trong 20 năm qua.”
Trong khi Trọng ghi nhận sự biến chuyển từ thù sang bạn, không phải chỉ có thiện chí không mà thôi đã đưa hai nhà lãnh đạo lại với nhau.
Chuyến đi đầu tiên của nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ diễn ra giữa lúc hai bên chia sẻ những quan ngại về những tuyên bố chủ quyền và cách ứng xử của TC tại Biển Đông. Nhưng cả hai ông, không ai nhắc tới tên TC.
Tổng Thống Obama nói:
“Chúng tôi thảo luận về tầm quan trọng phải giải quyết những cuộc tranh chấp trên biển ở Biển Đông và trên khắp khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, phù hợp với luật quốc tế.”
Nhưng Bắc Kinh là một yếu tố giữa lúc ông Obama và Trọng bàn thảo về Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định thương mại tự do bao gồm Hoa Kỳ và Việt Nam trong số hàng chục quốc gia tham gia, trong đó không có TC.
Trong khi đó bên ngoài Tòa Bạch Ốc hôm qua, nhiều người Mỹ gốc Việt biểu tình để phản đối hiệp định TPP, nếu hiệp định này không bao gồm thêm những yêu cầu của phía Mỹ, đòi phải có thêm các biện pháp tốt hơn để bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Ông Võ Hữu Định là một trong những người biểu tình. Ông nói:
“Bất cứ quan hệ thương mại nào cũng phải được đặt trên căn bản cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, nếu không thì quan hệ thương mại chỉ có lợi cho giới lãnh đạo hàng đầu trong Đảng Cộng sản mà thôi, chứ có lợi ích gì cho nhân dân Việt Nam.”
Giữa lúc những người biểu tình kêu gọi phóng thích các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam, thì bên trong Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama cho hay ông và Trọng đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn về những khác biệt quan điểm về nhân quyền, trong đó có cả quyền tự do tôn giáo.
Tổng Thống Obama nói ông tự tin là qua đối thoại, “những căng thẳng ấy có thể được giải quyết một cách hiệu quả”. – Theo VOA
***
Thông cáo Tòa Bạch Ốc gửi ra trước buổi gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 7/7 cho biết vấn đề TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), vấn đề nhân quyền và hợp tác quốc phòng song phương sẽ là những chủ đề được bàn đến bên cạnh vấn đề hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng được xem là những vấn đề còn nhiều ‘vướng mắc’ trong việc đào sâu mối quan hệ giữa hai nước Việt–Mỹ.
Việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ và có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama hôm 7/7 được xem là một sự kiện nổi bật trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt–Mỹ. Bên cạnh những vấn đề hợp tác thương mại, kinh tế, giáo dục…, những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm theo dõi qua sự kiện này là việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề Biển Đông và nhân quyền.
Tổng thống Obama ngay từ đầu khẳng định đây là một cơ hội tốt để trao đổi nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước Việt–Mỹ. Ông cho biết về những vấn đề đã được thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo:
“Đây là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận của hai nước quanh viễn kiến của chúng tôi cho một mối quan hệ đối tác toàn diện. Chúng tôi đã thảo luận về TPP và tiềm năng to lớn của một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao mà sẽ nâng cao những tiêu chuẩn lao động, những tiêu chuẩn về môi trường và có tiềm năng tạo nên tăng trưởng việc làm và sự thịnh vượng to lớn cho cả người Việt Nam và người Mỹ.”
“Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc giải quyết những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và khắp châu Á-Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế để đảm bảo sự thịnh vượng và tự do hàng hải, vốn đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế to lớn diễn ra trong khu vực, tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới.”
‘Xoay trục’ hướng về nhau
Một số nhà bình luận cho rằng chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ là một chỉ dấu cho thấy sự thay đổi chiến lược, mà một số người gọi là “xoay trục chiến lược” của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh TC đang gia tăng các hành động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm khu vực mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, truyền thông quốc tế nhận định sự kiện này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía, khi Hoa Kỳ với chiến lược “xoay trục về châu Á” đang cần có sự hiện diện nhiều hơn trong khu vực Biển Đông mà Hoa Kỳ cũng đang có lợi ích trong đó.
Phó Tổng thống Joe Biden trong buổi tiếp đãi Trọng trưa ngày 7/7 cũng khẳng định:
“Khi chúng tôi tiếp tục chiến lược tái cân bằng về khu vực châu Á Thái Bình Dương thì những đối tác như Việt Nam chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này. Chúng ta chia sẻ lợi ích về hòa bình và ổn định trong khu vực, chia sẻ lợi ích trong khối ASEAN thịnh vượng và tăng cường quan hệ giữa hai nước chúng ta.”
Chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của một người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã thu hút khá nhiều sự chú ý của dư luận tại hai nước và quốc tế. Báo chí quốc tế gọi đây là chuyến đi “lịch sử” và cho rằng Mỹ đang cố gắng lôi kéo Việt Nam về phía mình trong khi Việt Nam sử dụng Mỹ như là một lực lượng đối trọng để đối phó với TC.
Những ‘vướng mắc’
Tuy cả hai phía đều có những lợi ích chung cho việc xích lại gần nhau hơn, nhưng những vấn đề nổi cộm khác về nhân quyền như việc giam giữ tù nhân lương tâm, đàn áp những tiếng nói đối lập hay tự do tôn giáo… vẫn còn là những cản trở cho việc phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.
Trong buổi tiếp Trọng, Phó Tổng thống Biden cũng nhắc đến những sự khác biệt, trong đó có những tiếng nói của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ.
“Mối quan hệ đối tác thừa nhận chúng ta có những sự khác biệt về hệ thống, có rất nhiều điều chúng ta có thể cùng nhau thực hiện. Và mối quan hệ đối tác hoan nghênh sự tham gia của tất cả những tiếng nói khác biệt, bao gồm những người Mỹ gốc Việt mà rất nhiều người trong số họ đang có mặt ở đây hôm nay. Chúng ta sẽ tiếp tục có những đàm phán đầy khó khăn mà cần phải có sự tôn trọng về quan điểm và hệ thống của nhau, nhưng đó là cách mà chúng ta đã đạt được những gì đang có hôm nay.”
Trong khi các nhà lãnh đạo hai nước hội đàm bên trong Tòa Bạch Ốc thì bên ngoài có khoảng hơn 1.000 người Việt biểu tình với nhiều biểu ngữ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tôn trọng những tiếng nói đối lập, tự do tôn giáo và chống lại hành động xâm lấn lãnh hải của TC.
Ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch Ủy ban tổ chức biểu tình, cho biết những kỳ vọng của cộng đồng người Việt tại Mỹ trong dịp này.
“Ban tổ chức và ban điều hợp cuộc biểu tình ngày hôm nay có những kỳ vọng, đó là chính quyền Hoa Kỳ nghe và thấy được những ý muốn, khát vọng và đòi hỏi của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Chúng ta đòi hỏi người Mỹ khi nói chuyện với Cộng sản, lúc nào cũng phải đặt vấn đề nhân quyền lên trên hết.”
Cũng có một số gương mặt thanh niên gốc Việt tham gia trong đoàn biểu tình. Nhật Phó là một trong số đó. Cô nói cô muốn trở thành một phần của thông điệp gửi đến chính phủ Mỹ và thế giới:
“Tôi muốn tự mình đến đây. Ba mẹ tôi đang ở nước ngoài. Tôi nghĩ rằng là một người Mỹ gốc Việt, việc tìm hiểu để biết hơn về cội nguồn của mình là rất quan trọng. Tôi thấy rằng điều quan trọng đối với tất cả người Mỹ gốc Việt là đến đây để biểu tình chống lại chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi muốn được tham gia. Tôi muốn được là một phần của thông điệp. Chúng tôi đến thủ đô của Hoa Kỳ để cho thấy là cộng đồng Việt Nam rất mạnh. Chúng ta không thể chỉ ngồi đó và chờ. Có hàng trăm người đi biểu tình hôm nay. Tôi hy vọng rằng có thể Tổng thống Obama có thể thấy là có một nhóm người luôn sẵn sàng biểu tình và chuyển đi thông điệp mà họ cho là đúng đắn.”
‘Khúc xương khó nuốt’
Trước đó một ngày, 9 vị dân biểu Mỹ đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Obama đề cập đến vấn đề tù nhân chính trị và tôn giáo tại Việt Nam và đòi Việt Nam phóng thích các nhà hoạt động hiện đang bị giam giữ, đồng thời tôn trọng xã hội dân sự, các nhóm tôn giáo và quyền tự do chính trị tại Việt Nam.
Trong buổi họp với Trọng, Tổng thống Obama cho biết hai bên đã thảo luận thẳng thắn về một số khác biệt quanh vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo và ông cho là những căng thẳng trên có thể được giải quyết song phương và đa phương.
Đáp lại, Trọng nói đây là một trong những vấn đề “vướng mắc” đã được thảo luận “trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng.”
“Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, chúng tôi cũng trao đổi về những vấn đề hiện nay còn vướng mắc như phải tiếp tục làm sao sớm đàm phán kết thúc và ký kết được Hiệp định TPP, vấn đề nhân quyền, vấn đề trên Biển Đông có những việc làm trái với pháp luật quốc tế, với thỏa thuận của các nước ở trong khu vực, và cũng bày tỏ quan điểm quan ngại về tình hình các diễn tiến mới trên Biển Đông.”
Một số nhà phân tích quốc tế nhận định mặc dù nhân quyền vẫn còn là “khúc xương khó nuốt” trong việc phát triển hơn nữa mối quan hệ Việt–Mỹ, nhưng vì những lợi ích chiến lược chung cốt lõi khác, có thể hai bên sẽ nhượng bộ nhau để đạt được mục tiêu chung. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này khi cả hai bên đều sẽ có những thay đổi về lãnh đạo trong thời gian sắp tới. – Theo VOA
Lãnh đạo Châu Âu bất bình với Hy Lạp — Tsipras hứa hẹn cải tổ
Giới lãnh đạo Châu Âu tỏ ra bất bình và giao hẹn cho quốc gia đang bị kẹt nợ nần Hy Lạp ‘thời hạn cuối cùng’ vào cuối tuần này phải đạt một thỏa thuận cứu nguy với các chủ nợ quốc tế.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận cứu nguy đúng thời hạn chót vào cuối tuần. Nhà lãnh đạo Hy Lạp hôm nay tuyên bố bất kỳ biện pháp cải cách nào cũng phải chia sẻ gánh nặng của dân chúng, tạo công ăn việc làm, và khuyến khích giới doanh nghiệp.
Sau cuộc họp khẩn hôm qua, các lãnh đạo trong khu vực sử dụng đồng Euro cho biết không ấn tượng với các đề nghị cải cách gần đây nhất của Thủ tướng Alexis Tsipras.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk phát biểu:
“Không tìm ra được một thỏa thuận có thể dẫn tới việc Hy Lạp bị vỡ nợ và hệ thống ngân hàng của nước này mất khả năng chi trả nợ nần. Và dĩ nhiên dân chúng Hy Lạp sẽ bị gánh chịu nặng nề nhất. Tôi đoan chắc rằng điều này sẽ ảnh hưởng toàn bộ Châu Âu, kể cả về mặt địa chính trị. Nếu ai đó ảo tưởng rằng mọi chuyện sẽ không kết cục như thế thì quả là họ quá ngây thơ. Thực tế rõ ràng là chúng ta chỉ còn 5 ngày để tìm ra một thỏa thuận chung cuộc. Trước thời khắc này, tôi luôn tránh đề cập tới các thời hạn chót, nhưng đêm nay tôi phải lên tiếng rõ ràng và dứt khoát rằng thời hạn cuối cùng chấm dứt trong tuần này. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này và tất cả chúng ta đều phải có bổn phận phải giải quyết nó.”
Tuần trước, Hy Lạp không thể thanh toán khoản vay 1,8 tỷ đô la cho Qũy Tiền tệ Quốc tế khi các Bộ trưởng tài chính Châu Âu khước từ gia hạn gói cứu nguy giúp Hy Lạp chi trả cho IMF.
Athens nói họ đã chịu đựng quá đủ với các khoản cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, cùng các điều kiện khắc nghiệt khác mà EU áp hầu để đổi lấy gói cứu nguy. Mấy ngày trước đây trong tuần, cử tri Hy Lạp bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý từ chối các biện pháp kiệm ước thêm nữa và tố cáo các chủ nợ EU làm nhục và biến nô dịch hóa dân Hy Lạp.
Giới lãnh đạo Châu Âu thẳng thừng bác bỏ cáo giác đó. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker:
“Tôi mạnh mẽ bác bỏ tất cả các cáo buộc từ người dân Hy Lạp trong chiến dịch trưng cầu dân ý rằng chúng tôi không tôn trọng phẩm giá của dân Hy Lạp, rằng chúng tôi là những kẻ khủng bố. Tôi không ưa từ này. Họ là ai và họ nghĩ tôi là ai. Tôi kịch liệt ủng hộ việc giữ Hy Lạp lại trong khối các nước sử dụng đồng Euro.”
Nhưng ông Junker cũng thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo Châu Âu đã bắt đầu sửa soạn cho Hy Lạp rời khỏi nhóm 19 quốc gia sử dụng đồng Euro.
Nhiều ngân hàng ở Hy Lạp đã đóng cửa và các máy rút tiền tự động chỉ cho phép người dân rút tối đa 67 đô la tiền mặt mỗi ngày.
Các kệ hàng nhanh chóng hết sạch và các trạm xăng khô cạn, không ai biết được đích xác chuyện gì sẽ xảy ra tiếp nữa.
Sau cuộc họp khẩn, Thủ tướng Hy Lạp cam kết sẽ có hành động cấp bách và tốc hành đối với thời hạn chót vừa được đề ra.
Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống Barack Obama hôm qua đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp. Ông Obama nhắc lại rằng mọi người đều quan tâm đến việc Hy Lạp và các chủ nợ của nước này đạt được một thỏa thuận chấp nhận được cho cả đôi bên. – VOA
***
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hứa hẹn chính phủ ông sẽ đệ trình các phương án “cải tổ đáng tin” lên các chủ nợ vào hôm thứ Năm.
Ông Tsipras phát biểu trong cuộc tranh luận về cuộc khủng hoảng nợ tại Nghị viên Âu châu.
Hy Lạp đang khẩn thiết cần đợt cứu trợ thứ ba để tránh bị phá sản và nguy cơ phải ra khỏi khu vực sử dụng đồng euro.
Các nhà lãnh đạo châu Âu định hạn chót là vào thứ Năm Hy Lạp phải đưa ra các kế hoạch cải tổ mạnh mẽ để đổi lấy việc được cấp thêm viện trợ.
Một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp với sự tham dự của toàn bộ 28 thành viên EU chứ không chỉ 19 nước trong khu vực sử dụng đồng euro sẽ diễn ra vào Chủ Nhật.
Ông Tsipras phát biểu chỉ vài ngày sau khi người dân Hy Lạp cương quyết bác bỏ các đề xuất mới nhất từ các chủ nợ trong kỳ trưng cầu dân ý được tổ chức hôm Chủ Nhật trước. – BBC
Miến Điện: Bầu cử Quốc hội sẽ được tổ chức ngày 08/11
Cuộc bầu cử Quốc hội, mà đảng của nhà đối lập Aung San Suu Kyi được dự báo chiến thắng, sẽ diễn ra vào ngày 08/11/2015. Đó là thông báo của Uỷ ban bầu cử Miến điện hôm nay 08/07/2015.
Cuộc bầu cử này được xem như là một trắc nghiệm cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ, bắt đầu kể từ khi tập đoàn quân phiệt Miến Điện tự giải thể, nhường chỗ cho một chính quyền “dân sự” vào năm 2011.
Đây là cuộc bầu cử ở cấp độ quốc gia đầu tiên mà đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi tham gia từ 25 năm qua. Bầu cử Quốc hội lần cuối ở Miến Điện là vào tháng 11/2010, nhưng lúc đó Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã tẩy chay cuộc bầu cử này và sau đó đã bị giải thể. Lần này chắc là đảng đối lập sẽ tham gia, tuy rằng bà Aung San Suu Kyi cho tới nay không loại trừ khả năng tẩy chay.
Từ nhiều tháng qua, các đảng tranh cử Quốc hội đã thương lượng với nhau về việc tổ chức cuộc bầu cử được hứa hẹn là dân chủ nhất trong lịch sử Miến Điện. Nhưng bốn tháng trước cuộc bầu cử tháng 11, khả năng tổ chức Uỷ ban bầu cử ngày càng gây lo ngại, nhất là vì đã có nhiều sai sót trong việc đăng ký tên cử tri.
Quốc hội mới sẽ họp lại vài tháng sau đó để bầu một tổng thống. Nhưng giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi sẽ không được tranh chức vụ lãnh đạo tối cao này, bởi vì Hiến pháp hiện hành, có từ thời chế độ quân sự, không cho những người có chồng và con là người quốc tịch nước ngoài, ra tranh cử tổng thống. Người chồng quá cố của bà Aung San Suu Kyi là người Anh. Hai con trai của bà hiện cũng là công dân Anh. – RFI
Chứng khoán TC vẫn rớt giá dù chính phủ có biện pháp can thiệp
Chính phủ TC hôm nay công bố thêm các biện pháp để ngăn chặn tình trạng thị trường chứng khoán sụt giảm 30% trong mấy tuần vừa qua, nhưng quyết định này không có mấy tác động trong khi cơ quan điều hành chứng khoán cảnh báo về tình trạng “hoảng loạn.”
Khoảng một nửa trong số tất cả các công ty niêm yết trên hai thị trường chứng khoán TC nay đều đăng ký ngưng giao dịch, đóng băng số cổ phiếu trị giá khoảng 1,4 ngàn tỷ. Thêm các công ty đang trải qua tình trạng cổ phiếu sụt giá 10% cũng đã tạm ngưng giao dịch trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến.
Chính phủ đã ra lệnh các công ty được nhà nước hỗ trợ ngưng bán cổ phiếu, và kêu gọi các nhà quản trị và đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường.
Bất chấp quyết định nghiêm khắc này, Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải sụt 5,9% vào lúc đóng cửa – đây là mức sụt giảm lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2007, sau khi sụt tới 8,2% trong ngày. Chỉ số Tổng hợp Thẩm Quyến, theo dõi tất cả các cổ phiếu hàng đầu trên thị trường đó, sụt 2,94% vào lúc đóng cửa. Các biện pháp đình chỉ giao dịch nhiều chứng khoán đã gây khó khăn cho việc đo lường có bao nhiêu nhà đầu tư đang tìm cách bán tống bán thào cổ phiếu, nhưng cơ quan điều hành chứng khoán TC, vốn đã cam kết củng cố thị trường, hôm nay cảnh báo về tình trạng “bán một cách vô lý”.
Tại Hong Kong, nơi gần 800 công ty lục địa được niêm yết, chỉ số Hàng Sinh sụt 1.440 điểm với tỷ lệ sụt 5,84% vào lúc đóng cửa. Chỉ số Taiex, gồm tất cả các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Đài Loan, sụt dưới 3% vào cuối ngày giao dịch.
Theo ông Francis Cheung, người đứng đầu về sách lược Hong Kong và TC của công ty CLSA Asia-Pacific Markets, “Vấn đề lớn nhất ở TC ngay lúc này là chỉ có người bán mà không có người mua.”
Ông nói, “Một điều rất chắc chắn là việc chính phủ mua sẽ leo thang cho đến khi họ thực sự ổn định thị trường. Tôi tin rằng chính phủ có sức mạnh để làm như thế. Vấn đề là chúng ta ổn định ở mức độ nào?
Hôm nay TC cũng làm khó việc định giá hàng trước, trong khuôn khổ một chiến dịch giữ cho giá chứng khoán không tiếp tục rớt mặc dù các nhà phân tích cảnh báo về các hậu quả dài hạn.
Giáo sư tài chính Michael Petis của trường Đại học Bắc Kinh nói, “Mọi nỗ lực loại trừ tình trạng bất ổn đều kèm theo rủi ro sẽ có bất ổn trong tương lai.”
Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa, trong một thông cáo hôm nay, cho biết đang theo dõi sát các thị trường và sẽ đề phòng chống lại các rủi ro tài chính có tính chất hệ thống trong khu vực.
Một số nhà quan sát thị trường dự báo tình trạng rối loạn chứng khoán TC có thể nổi lên thành một rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu lớn hơn so với vụ khủng hoảng khu vực sử dụng đồng euro.
Nhưng ông Leung của công ty CLSA ở Hong Kong nhận xét rằng các nhà đầu tư trong khu vực bán lẻ TC vẫn còn an nhiên tự tại với những mức lời đáng kể trên thị trường chứng khoán trong thời gian tăng giá từ cuối năm ngoái cho đến giữa tháng trước.
Ông Leung nói với đài VOA: “Do đó tôi nghĩ tác động đối với nền kinh tế sẽ rất to lớn. Ngoại trừ ảnh hưởng tiêu cực đối với lòng tin của người tiêu thụ, tác động đối với sự tiêu thụ. Vì thế nó mang tính tiêu cực hơn về mặt tình cảm. Tôi không thấy nhiều rủi ro hệ thống ở thời điểm này.” Ông Roger Tan, tổng giám đốc Voyage Research ở Singapore, nêu ra rằng các thị trường TC bị chi phối bỏi các nhà đầu tư cá nhân thiếu tinh tường, chiếm khoảng 85% giao dịch và hiện đang học một bài học đau đớn.
Ông Tan nói với đài VOA: “Nếu ta không xử lý rủi ro một cách thỏa đáng thì ta sẽ bị cháy. Và một số bọn họ đang bị cháy nặng, rất nặng. Và tôi còn nghe được nhiều câu chuyện nói rằng nhiều nhà đầu tư đã bị cháy rất nặng. Một nửa hay toàn bộ khoản tiền tiết kiệm của họ đã bị xóa sạch.”
Ông Tan giải thích rằng chính phủ Trung Quốc phải chia sẻ một phần trách nhiệm bởi lẽ họ đã khuyến khích những tay mơ này chơi trên các thị trường để thay cho các công cuộc làm ăn cho vay chui cắt cổ ở nước này.
Ông Tan nói: “Đó là lý do vì sao ta thấy một khối lượng lớn tiền mặt, một khoản lời khổng lồ đi vào các thị trường chứng khoán.”
Vụ sụp đổ thị trường TC hôm nay đã gây lo ngại nghiêm trọng khắp châu Á, đã tập trung nhiều hơn trong tuần qua vào vụ khủng hoảng tài chính đang diễn tiến ở Hy Lạp.
Chỉ số cơ bản Nikkei của Nhật sụt gần 640 điểm và hạ 3,14% vào lúc đóng cửa – đó là mức sụt giá trong một ngày lớn nhất trừ hơn 1 năm nay. Các nhà phân tích nói cổ phiếu Nhật Bản cũng bị áp lực vào lúc đồng yen tăng giá so với đồng đôla Mỹ, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu của nước này.
Chỉ số Kospi của Nam Triều Tiên sụt 1,18% vào cuối ngày giao dịch.
Các tình hình ở cả Hy Lạp lẫn TC đang châm ngòi cho những bất định kinh tế, theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính Nam Triều Tiên.
Ông Choi Kyung-hwan nói: “Nam Triều Tiên đã có những biện pháp củng cố các cơ sở kinh tế của mình sau các tình hình khủng hoảng trước đây và nay ở thế vững vàng đối phó với các tình huống khẩn cấp.”
Chỉ số đầu tư của Australia S&P/ASX200 sụt 2%. Thị trường tại quốc gia giàu khoáng sản này cũng bị đặt dưới áp lực của một vụ sụp đổ thêm nữa về giá sản phẩm – nhất là quặng sắt – khiến đồng đôla Úc sụt xuống mức thấp nhất từ 6 năm nay so với đồng đôla Mỹ.
Tại Thái Lan, đồng baht cũng sụt xuống mức thấp nhất từ 6 năm nay so với đồng đôla Mỹ. Chỉ tệ Thái đã mất hơn 4% trị giá trong 3 tháng vừa qua trong khi các ngân khoản toàn cầu chuyển vào các trường chứng khoán và trái phiếu của vương quốc này. – Theo VOA