Tin Thế Giới – 8/11/2014
TT Obama điều thêm 1,500 binh sĩ đến Iraq
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép quân đội Mỹ triển khai thêm hơn 1.500 binh sĩ tới Iraq trong sứ mạng chống lại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
Tòa Bạch Ốc cho biết các binh sĩ sẽ không phục vụ trong vai trò tác chiến, nhưng sẽ giúp huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Iraq và người Kurd đang tham chiến.
Tổng thống Obama cũng sẽ đề nghị Quốc hội chi 5,6 tỉ USD tài trợ cho chiến dịch này. Các quan chức cao cấp trong chính quyền nói rằng đề nghị này bao gồm 1,6 tỉ USD dùng để lập ra ngân quỹ huấn luyện và trang bị cho Iraq nhằm hỗ trợ nỗ lực huấn luyện.
Loan báo hôm thứ Sáu được đưa ra sau khi Tổng thống Obama gặp gỡ các lãnh đạo Quốc hội. Trong cuộc họp này ông dự định thảo luận với các nhà lập pháp về đề nghị chuẩn chi và về việc ông muốn thấy Quốc hội bỏ phiếu cho phép dùng vũ lực quân sự chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Các quan chức Mỹ nói rằng một số nhân viên được gửi thêm đến Iraq sẽ hoạt động tại các trung tâm bên ngoài thủ đô Baghdad và thủ phủ Irbil, tham mưu và hỗ trợ người Iraq. Những người khác sẽ rải rác khắp nước để huấn luyện lực lượng Iraq.
Có tin cho hay Tổng thống Obama cũng đã chủ động tiếp xúc với Iran về cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo, nói rằng Mỹ có thể sẽ phối hợp với Iran chỉ khi có tiến bộ về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest không xác nhận tin tức của tờ Wall Street Journal nói rằng ông Obama đã gửi một bức thư cho lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Phát ngôn viên Earnest hôm thứ Năm nói ông “không ở vị thế có thể nói về việc trao đổi thư từ riêng tư giữa Tổng thống và bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào.”
Động thái này đã vấp phải những chỉ trích cho rằng lôi kéo Iran vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo cũng có thể góp phần hỗ trợ Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, nhân vật mà Mỹ phản đối. Iran ủng hộ ông Assad trong suốt cuộc xung đột ở Syria, trong khi Mỹ ủng hộ quân nổi dậy Syria có chủ trương ôn hòa.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói chính sách của Tổng thống đối với Iran vẫn không thay đổi và rằng Mỹ sẽ không hợp tác quân sự hoặc chia sẻ thông tin tình báo với Iran trong chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, ông cho biết sự quan tâm của Iran trong kết quả của nỗ lực quốc tế chống lại kẻ thù chung đã được thảo luận bên lề những cuộc đối thoại với Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.
Các nhà đàm phán của Mỹ và năm cường quốc thế giới khác vẫn đang làm việc với Iran để cố gắng đạt được một thỏa thuận trước hạn chót là ngày 24 tháng 11. – VOA
NT Kerry nói Hoa Kỳ đồng ý trao đổi thông tin với Nga về Ukraine – Kiev tố cáo Nga đưa chiến xa vào miền đông Ukraine
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói rằng Hoa Kỳ và Nga đồng ý trao đổi thông tin với nhau về những diễn biến ở Ukraine.
Ngoại trưởng Kerry hôm thứ Bảy nói với các phóng viên báo chí tại Bắc Kinh, nơi ông có mặt để dự hội nghị APEC, rằng cho dù có những bất đồng về những gì đang xảy ra ở Ukraine, Washington và Moscow sẽ trao đổi một số thông tin với nhau “liên quan đến vấn đề đó.”
Liên quan đến các lệnh chế tài đối với Nga, Ngoại trưởng Mỹ nói cách giải quyết nào mà Moscow chọn lựa đối với Ukraine “sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra trong trường kỳ.” Ông cũng bày tỏ mong muốn rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Kiev và những người nổi dậy thân Nga ở khu vực dọc biên giới phía đông của Ukraine sẽ tiếp tục có hiệu lực.
Ông Kerry phát biểu như vậy sau một cuộc họp ngắn với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, người đã tránh các câu hỏi của phóng viên báo chí về sự dính líu của quân đội Nga tại Ukraine. Ông Lavrov chỉ phát biểu liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn, mà ông nói là để cho hai bên – chính phủ Ukraine và những người nổi dậy – “đúc kết việc ngưng bắn.”
Ông Lavrov nói: “Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết bởi phe nổi dậy và chính phủ Ukraine. Hãy để cho các bên ký kết đó đúc kết lằn ranh hưu chiến mà họ đang làm.”
Hôm thứ Sáu, NATO cho hay họ thấy số xe bọc thép gia tăng phía bên Nga ở khu vực biên giới với Ukraine.
Các nguồn tin của NATO nói rằng hình như các xe quân sự này không có người. Tuy nhiên, một phát ngôn viên nói rằng hình ảnh này cho thấy “khả năng của một sự tăng cường đáng kể vũ khí hạng nặng cho các phần tử đòi ly khai ở Ukraine.”
Trước đó, Ukraine nói rằng Nga đã đưa mấy chục chiếc xe tăng, vũ khí hạng nặng, đạn dược và binh lính vào khu vực miền đông Ukraine, nơi được điện Kremlin hậu thuẫn.
Chính quyền Kiev hôm qua 07/11/2014 tố cáo Moscow đã điều mấy chục xe tăng cùng với binh lính từ Nga vào vùng đất nổi dậy miền đông Ukraine. Đây là một cuộc xâm lăng quân sự mới của Nga, tuy Washington từ chối chính thức xác nhận.
Phát ngôn viên quân đội Ukraine, Andrii Lyssenko khẳng định “32 xe tăng T-64, 16 khẩu đội súng cối và 30 xe quân sự Kamaz cùng với binh sĩ” từ Nga đã xâm nhập vào Ukraine, hướng về Krasny Loutch thuộc vùng ly khai Lougansk. Một đoàn xe vận tải khác trong đó có ba xe vận chuyển các trạm radar cũng đã vượt qua biên giới tại trạm kiểm soát Izvariné, đang do quân nổi dậy kiểm soát.
Trong cuộc họp báo thường nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki tuyên bố: “Nếu sự kiện trên được xác nhận, Hoa Kỳ sẽ lên án vụ xâm nhập lãnh thổ Ukraine mới nhất này. Đây sẽ lại là một vụ vi phạm trắng trợn hiệp định ngưng bắn Minsk”.
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, đã có 5 quân nhân tử thương và 31 người gồm 16 binh sĩ và 15 thường dân bị thương – một trong những thiệt hại nặng nhất kể từ khi thỏa thuận ngưng bắn được ký kết ngày 5/9 tại Minsk, và là dấu hiệu mới cho thấy tình hình đã xấu đi sau khi phe ly khai tổ chức bầu cử hôm Chủ nhật.
Hôm qua Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigori Karassine kêu gọi Kiev “thiết lập đối thoại” với các đại diện miền đông ly khai. Chính quyền Ukraine bác bỏ cuộc bầu cử “vi hiến” trên nhưng chừng như không có khả năng thu hồi các vùng nổi dậy, đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm cô lập các vùng đất còn lại để “ngăn trở khối u lan rộng” – theo từ ngữ của Tổng thống Porochenko.
Kiev tiến hành kiểm soát hộ chiếu xung quanh các vùng thân Nga, sau khi loan báo ngưng các món trợ cấp nhất là hưu bổng cho cư dân miền đông nếu họ không di chuyển vào các khu vực do chính phủ kiểm soát. Dự kiến trong tương lai các trợ cấp cho miền đông sẽ hoàn toàn bị hủy bỏ, mà theo Kiev lên đến 34 tỉ hryvnia (1,8 tỉ euro) một năm.
Hôm nay, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, sau khi tiếp xúc với người đồng nhiệm Mỹ John Kerry bên lề Thượng đỉnh APEC đã tuyên bố, việc Hoa Kỳ tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là “một bước đi đúng đắn”. Điều này chứng tỏ thái độ hòa dịu hơn của Nga trong hồ sơ Ukraine, trước khi ông Vladimir Putin gặp gỡ các lãnh đạo APEC ở Bắc Kinh và các nguyên thủ G20 tại Úc sắp tới. – VOA, RFI
Nước Đức tưng bừng kỷ niệm 25 năm mở tường Berlin
Cuối tuần này, nước Đức và đặc biệt là thủ đô Berlin sẽ sống trong không khí lễ hội kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin bị xóa bỏ, ngày 09/11/1989, một sự kiện lịch sử dẫn tới thống nhất hoàn toàn nước Đức 11 tháng sau đó. Báo chí Đức cho biết sẽ có khoảng hai triệu du khách đổ về thủ đô trong hai ngày cuối tuần này.
Được bên Tây gọi là “Bức tường hổ thẹn” còn bên Đông gọi là bức tường “bảo vệ chống phát xít”, công trình ngăn cách thành phố Berlin đó có chiều dài tổng cộng 151 km được Cộng hòa Dân chủ Đức dựng lên năm 1961.
Cuối cùng thì sau 28 năm tồn tại, vào ngày 09/11/1989, trong bối cảnh thế giới xã hội chủ nghĩa đang có những biến chuyển lớn và dưới sức ép của hàng trăm nghìn người dân đông Đức, bức tường đã trở nên vô hiệu hóa không còn ngăn cách hai miền đông tây, để rồi gần một năm sau đó,ngày 3/10/1990 nước Đức chính thức được thống nhất.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, đến năm 1989 vẫn là công dân Đông Berlin. Trong một thông điệp hồi tuần trước, bà đã thổ lộ không bao giờ quên được cái thời điểm lịch sử mà bà cảm thấy không thể nào tả nổi của buổi tối hôm bức tường mở cửa.
Chủ nhật này, bà Merkel sẽ khánh thành khu triển lãm thường xuyên mang tên gọi “Tưởng niệm bức Tường” và tham dự buổi hòa nhạc lớn tại Berlin.
Cổng Brandebourg lịch sử nằm ở trung tâm thủ đô sẽ là tâm điểm của lễ kỷ niệm mang tiêu đề “Lòng can đảm của tự do”. Công trình cổ kính với tượng cỗ xe tứ mã trên đỉnh nằm bên phần đông được che chắn bởi bức tường này là biểu tượng của sự chia cắt cũng như thống nhất của thành phố.
Tại đây, dàn nhạc giao hưởng Staatskapelle, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng gốc Do thái Daniel Barenboim, vào buổi trưa ngày mùng 9 sẽ mở màn ngày hội lớn của người dân Đức.
Tiếp đó sẽ là các màn trình diễn của những nghệ sĩ pop, rock kéo dài cho đến khi bắt đầu lễ tưởng niệm “những nạn nhân của bức Tường”, những người đã bỏ mạng khi cố tìm cách vượt qua bức tường sang phần Tây.
Số lượng những số phận như vậy đến nay không đầy đủ. Theo con số của một hiệp hội các nạn nhân đưa ra thì trong toàn nước Cộng hòa Dân chủ Đức ít nhất đã có 389 người bỏ mạng vì bức tường. Tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng con số này vẫn còn thấp hơn thực tế.
Vào buổi tối, nhiều buổi hòa nhạc của những nghệ sĩ nổi tiếng từng là nhân chứng cho sự chia cắt hai Berlin cũng được tổ chức trong khắp thành phố.
Nhiều nhân vật đối kháng, ly khai với chính quyền Cộng sản trước đây cũng được mời lên các diễn đàn để nhắc lại những kỷ niệm của họ trong ngày 09/11/1989 năm đó.
Tối qua, một dây chuyền gồm 8000 quả bóng bay phát quang sẽ được dải dài 15 km dọc theo bức tường cũ. “Biên giới ánh sáng”, biểu tượng cho bức tường đã bị xóa bỏ, sẽ được thả lên bầu trời Berlin đêm 09/11 trong tiếng đàn khúc giao hưởng số 9 của Bethoven, nay đã được lấy làm quốc thiều của Liên Hiệp Châu Âu.
Một nhân vật không thể thiếu của sự kiện lịch sử này của nước Đức, đó là ông Mikhail Gorbatchev, nay đã 83 tuổi, giải Nobel Hòa binh, sẽ là khách mời đặc biệt của chính quyền Berlin.
Mặc dù ở Nga vẫn bị đánh giá là người đã gây ra hỗn loạn dẫn đến Liên bang Xô Viết bị tan rã, vị Tổng thống cuối cùng của Liên Xô này vẫn được phương Tây nể trọng vì đã nhất định từ chối không dùng vũ lực trấn áp nguyện vọng dân chủ của công dân ở những nước Đông Âu trong vòng kiềm tỏa của Liên Xô. – RFI
Băng đảng Guerreros Unidos nhận đã giết các sinh viên Mexico
Chính phủ Mexico cho hay ba nghi can thuộc băng đảng Guerreros Unidos thú nhận đã giết chết 43 học sinh sau khi cảnh sát giao các sinh viên bị mất tích này cho họ ở bang Guerrero, miền nam Mexico, vào ngày 26 tháng 9.
Bộ trưởng Tư pháp Jesus Murillo Karam nói rằng các bằng chứng cho thấy các sinh viên đã bị giết và đốt xác gần một bãi rác ở thị trấn Cocula, gần thành phố Iguala. Xác của các sinh viên này sau đó bị ném xuống một con sông.
Mấy chục người đã bị bắt vì có liên can đến vụ bắt cóc các sinh viên, trong đó có những tên côn đồ của băng đảng Guerreros Unidos, 36 cảnh sát viên ở Iguala và Cocula, và thị trưởng của Iguala đã bị lật đổ, là ông Jose Luis Abarca và vợ của ông.
Giới hữu trách nói rằng Thị trưởng Abarca đã ra lệnh cho cảnh sát ngăn chặn các sinh viên vì sợ rằng các sinh viên sẽ làm hỏng bài diễn văn của vợ ông, người trước đó đứng đầu một cơ quan bảo vệ trẻ em của địa phương.
Ông Murillo nói rằng Mexico tiếp tục xem các sinh viên này là bị mất tích cho đến khi thi thể của họ được xác nhận. Ông nói thử DNA để nhận diện nạn nhân từ tro của những thi thể bị đốt đến 14 tiếng đồng hồ là rất khó.
Ông Murillo nói rằng răng của các nạn nhân tìm được tại hiện trường đã bị đốt cháy đến mức gần như thành tro khi bị đụng vào
Trước tin tức này, thân nhân của các sinh viên mất tích nói rằng họ không chấp nhận rằng con em của họ đã bị giết chết cho đến khi nào họ nhận được kết quả của các chuyên gia pháp y độc lập người Argentina.
Vụ án này đã khiến cho dự luận quốc tế phẫn nộ, hàng vạn người đã xuống đường biểu tình, tạo ra một cuộc khủng hoảng bao trùm lên Tổng thống Enrique Pena Nieto, thách thức tuyên bố của ông rằng Mexico đã trở nên an toàn hơn dưới sự quản lý của ông. – VOA
Tin Hoa Kỳ
TT Obama họp với lãnh đạo Quốc Hội lần đầu sau bầu cử
Tổng thống Barack Obama nói rằng người dân Mỹ bực tức về bế tắc tại Washington và muốn thấy các bên nỗ lực và hợp tác làm việc.
Tổng thống phát biểu như vậy trước một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội – cuộc họp đầu tiên của ông kể từ khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện và củng cố lực lượng ở Hạ viện trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba.
Ông Obama cho biết cuộc hội đàm là một cơ hội tốt để tìm hiểu xem hai bên có thể đạt được tiến bộ trong những lĩnh vực nào thay mặt cho cử tri bầu chọn họ.
Ông nêu ra ba lĩnh vực mà ông nói Quốc hội có thể làm việc cùng nhau – đó là ngân quỹ khẩn cấp để ứng phó với dịch Ebola, ngân sách cho năm 2015, và cung cấp thêm 5,6 tỉ USD để đương đầu với mối đe dọa Nhà nước Hồi giáo.
Ông Obama nói rằng ông cam kết cân nhắc những ý tưởng dựa trên cơ sở có khả thi hay không chứ không phải đề xuất của đảng Dân chủ hay Cộng hòa.
Sau cuộc họp, Chủ tịch Hạ viện John Boehner ra thông cáo nói rằng ông đã nói rõ với tổng thống rằng công ăn việc làm và nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu của người dân Mỹ.
Ông Boehner cho biết có hơn 40 dự luật mà Hạ viện đã thông qua mà ông gọi là điểm khởi đầu tuyệt vời cho nỗ lực hành động của cả hai đảng nhằm giúp tạo ra thêm việc làm trong khu vực tư nhân.
Nhưng ông Boehner cảnh báo rằng sắc lệnh hành chính đơn phương của Tổng thống ân xá cho những người nhập cư bất hợp pháp có thể phá hỏng bất kỳ cơ hội nào để hai đảng hợp tác với nhau về cải cách di trú và những vấn đề khác. – VOA
APEC: Mỹ chống dự án tự do mậu dịch FTAAP của Trung Cộng
Các nước thành viên Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hôm nay 08/11/2014 tỏ ra hết sức dè dặt trước đề nghị thành lập tổ chức tự do mậu dịch khu vực do Trung Cộng (TC) đưa ra, trước sự chống đối của Hoa Kỳ vốn đang xúc tiến Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sự cạnh tranh Trung-Mỹ trong vấn đề thành lập các khu tự do mậu dịch có thể thấy rõ trong chương trình nghị sự của hội nghị thường niên APEC lần này. Đỉnh cao là hai ngày họp Thượng đỉnh kể từ thứ Hai tới, với sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch TC Tập Cận Bình.
Vào mùa xuân, Bắc Kinh đã đề nghị thành lập một “nhóm công tác” để tiến hành “nghiên cứu khả thi” về một Khu vực tự do mậu dịch Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) rộng lớn. Trong khi đó Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP do Washington đề xướng từ nhiều năm qua, mà TC bị loại ra ngoài, thì việc thương lượng vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Các Ngoại trưởng của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc APEC họp tại Bắc Kinh hôm nay đã được kêu gọi nên cân nhắc sao cho “đưa dự án FTAAP từ tầm nhìn trở thành hiện thực”. Tuy nhiên hội nghị chỉ đồng ý tiến hành “nghiên cứu chiến lược” từ nay đến cuối năm 2016, tránh dùng từ “nghiên cứu khả thi” do TC đề nghị. Và dự án FTAAP chỉ được nhắc đến trong phần phụ lục của thông cáo chung cuộc sẽ được đưa ra vào thứ Ba tới.
Tờ South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông dẫn lời một viên chức Mỹ cho biết Hoa Kỳ phản đối là vì “Khi dùng từ nghiên cứu khả thi, thường là trong các cuộc thương lượng hướng đến một thỏa thuận về tự do mậu dịch”. Tờ báo trên cũng trích lời một viên chức TC giấu tên, nói rằng đây là một thỏa hiệp của Bắc Kinh. Người này nói: “Mỹ muốn ngăn cản FTAAP, và xúc tiến TPP trong thời gian hội nghị APEC. Điều này thực sự phiền phức cho chúng tôi”. Ngoại trưởng các nước APEC hôm nay cũng chỉ dự kiến “từng bước hình thành FTAAP ngay khi nào có thể, dựa trên cơ sở các sáng kiến đã có trong khu vực”, mà không đưa ra chi tiết nào cụ thể. Trong khi báo chí TC mới đây đã khoe khoang dự án FTAAP như giải pháp nhằm lập lại trật tự trước “mớ bòng bong” các hiệp định tự do mậu địch đang được đàm phán trong khu vực – một cú “đá giò lái” thẳng thừng đối với TPP do Hoa Kỳ đề nghị.
TPP tập hợp 12 quốc gia đều là thành viên APEC nhưng loại trừ TC – nền kinh tế thứ nhì thế giới. Nỗ lực này nằm trong chủ trương tái cân bằng chiến lược, hướng sang Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, bị Bắc Kinh cho là nhằm ngăn trở sức mạnh đang lên của mình trong khu vực.
Thỏa thuận hợp tác chống tham nhũng.
Bên cạnh vấn đề tự do mậu dịch, 21 nước APEC hôm nay đã đồng ý thành lập một mạng lưới đấu tranh chống tham nhũng. Được đặt tên là ACT-NET, mạng lưới này nhằm điều phối việc hợp tác, đặc biệt đối với các hiệp định dẫn độ và trao đổi thông tin về các hành vi phi pháp. Thỏa thuận khẳng định mục tiêu “không để những kẻ tham nhũng có nơi trú ẩn, kể cả việc dùng đến biện pháp dẫn độ, thiết lập hỗ trợ tư pháp”. – Theo RFI