Tin Thế Giới – 7/11/2014
Trung Cộng mưu tìm sự giúp đỡ của APEC trong cuộc chiến chống tham nhũng
Trung Cộng (TC) đang trông đợi cuộc họp thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương để củng cố các nỗ lực truy nã các giới chức tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. Nhưng một số người kêu gọi thận trọng bởi vì chương trình của TC đang tiến hành chủ yếu một cách rất kín đáo.
Trong năm vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dẫn đầu một cuộc truy lùng tham nhũng bủa lưới cả các giới chức cấp cao lẫn cấp thấp.
Người ta đang trông đợi rất nhiều vào vụ xử cựu trưởng ngành an ninh Chu Vĩnh Khang. Chu còn là một thành viên của ban chấp hành bộ chính trị đầy quyền lực.
Hơn 50 giới chức cấp cao đã bị truy tố. Và truyền thông nhà nước nói chiến dịch “Săn cáo” đã giúp đưa khoảng 180 giới chức bị tố cáo là tham nhũng từ nước ngoài trở về.
Cho dù như vậy, Bắc Kinh chỉ có khả năng hạn chế trong việc đưa về nước các giới chức tham nhũng. TC chưa có các hiệp định dẫn độ với các nước như Australia, Canada và Hoa Kỳ. Đó là những nơi mà giới truyền thông nhà nước TC nói là các giới chức tham nhũng thường bỏ trốn sang.
Ông Allan Bollard, giám đốc điều hành của văn phòng APEC, nói có sự quan tâm ngày càng tăng trong việc hợp tác với các nỗ lực chống tham nhũng của TC, và những cuộc họp tại Bắc Kinh có thể thúc đẩy cho việc này.
“Trung Quốc đã đưa ra một phát biểu về chống tham nhũng, chống hối lộ vân vân… Phát biểu này có một số phần. Điều họ tìm cách làm là bảo đảm rằng tất cả chúng ta đều đi theo cùng một hướng về nguyên tắc, về pháp trị, về phương tiện truy tố, về cách thức thực sự theo dõi những việc này.”
Hồi tháng 8, các thành viên APEC đồng ý làm nhiều hơn nữa để hợp tác chống tham nhũng. TC sẽ là quốc gia đầu tiên chủ trì một nhóm vừa được thành lập gồm các thẩm quyền chống tham những gọi là ACT-NET. Nhưng thay vì liên kết với Cục Phòng chống Tham nhũng Quốc gia của TC, mạng lưới này lại đặt trụ sở tại một học viện huấn luyện của cơ quan điều tra chống tham nhũng của Đảng Cộng sản, là Uỷ ban Trung ương Thanh tra Kỷ luật.
Uỷ ban của đảng cộng sản này đã đi tiên phong trong chiến dịch chống tham nhũng, và tiến hành các cuộc điều tra sơ khởi các giới chức tham nhũng trước khi chuyển các vụ đó qua cho các công tố viên nhà nước. Uỷ ban cũng phụ trách chiến dịch “Săn Cáo.”
Tuy nhiên, khác với các nhân viên điều tra nhà nước, uỷ ban trung ương hoạt động giống như mật vụ, giữ các giới chức bị tố cáo là tham những trong các cơ sở giam giữ bí mật mà không được tiếp xúc với các luật sư hay gia đình.
Ông William Nee của Hội Ân xá Quốc tế nói trong khi có thể hiểu được vì sao TC muốn giải quyết vấn đề tham nhũng, việc sử dụng cơ quan điều tra của đảng có vấn đề.
“Điều đáng lo ngại là dường như các chính phủ nước ngoài ngày càng hợp tác với một tiến trình mà họ biết là ngoài vòng luật pháp; mà họ biết rằng trước đây đã có việc tra tấn và các đối tượng không được tiếp xúc với luật sư.”
Nhậm Kiến Minh, giám đốc trung tâm nghiên cứu và quản trị chống tham nhũng tại trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói đặt trụ sở mạng lưới ở Uỷ ban Trung ương Thanh tra Kỷ luật là một lựa chọn hợp lý trong bối cảnh dẫn tới chiến dịch “Săn Cáo” và các thực tế về chống tham nhũng ở TC.
Nhậm nói thêm rằng trong khi việc ký một tuyên ngôn chống tham nhũng trong thời gian họp APEC là điều quan trọng, sự đa dạng rõ ràng của khu vực châu Á Thái Bình Dương về cả các hệ thống chính trị lẫn pháp lý sẽ vẫn là một thách thức.
Nhậm nói việc thiết lập trung tâm ACT-NET ở TC là một diễn biến có ý nghĩa, nhưng vẫn còn nhiều thách thức như thực sự khắc phục các trở ngại ngăn cản việc thành lập một hệ thống hữu hiệu và đầy đủ hơn để dẫn độ và trao trả các giới chức tham nhũng.
Australia vừa tăng cường, và cho biết sẽ có thêm biện pháp góp phần vào các nỗ lực của TC trong chiến dịch chống tham nhũng bằng cách giúp tịch biên các tài sản của một số tội phạm kinh tế bị TC truy nã gắt gao nhất. Mặc dầu không có hiệp định dẫn độ với TC, Australia sẽ cứu xét các yêu cầu giúp đỡ theo các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng.
Nhóm Global Financial Integrity có trụ sở ở Washington, chuyên nghiên cứu về sự luân chuyển tiền bất hợp pháp, ước tính có hơn 1.000 tỷ đôla đã được tuồn ra khỏi TC trong thời gian từ 2002 đến 2011. – Theo VOA
Trung Nhật ‘giảm nhiệt’ tranh chấp biển
Trung Cộng và Nhật Bản nhất trí cố gắng giảm căng thẳng do tranh chấp chủ quyền đảo trên biển Hoa Đông.
Các quan chức Bắc Kinh cho biết một cơ chế quản lý khủng hoảng đã được thiết lập để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Quần đảo có tầm quan trọng chiến lược, được Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trong khi Tokyo gọi là Senkaku, hiện do Nhật Bản kiểm soát.
Đây là một bước đột phá ngoại giao mà báo chí nói có thể dẫn đến một cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.
Tin cho hay hai nhà lãnh đạo có thể gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vào tuần tới.
Nếu cuộc gặp diễn ra đây sẽ là cuộc trao đổi riêng đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Abe lên nắm quyền trong năm 2012 và ông Tập lên ghế lãnh đạo 2013.
Thỏa thuận bốn điểm
Trong một tuyên bố, Bộ ngoại giao Trung Cộng (TC) cho hay các quan chức cấp cao TC và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận bốn điểm, trong đó bao gồm việc công nhận ‘các lập trường khác nhau’ của hai bên đối với quần đảo tranh chấp.
Thông báo cho biết thêm hai bên đã đồng ý ‘ngăn chặn căng thẳng leo thang thông qua đối thoại và tham vấn và thành lập các cơ chế quản lý khủng hoảng để tránh tình huống bất ngờ’.
Tranh chấp quần đảo đã trở nên đặc biệt gay gắt trong hai năm qua.
Phóng viên của BBC tại Bắc Kinh Martin Patience cho biết tranh chấp đã châm ngòi cho tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở cả hai nước và gây ảnh hưởng tiêu cực quan hệ kinh tế.
Quần đảo nằm gần tuyến đường biển quan trọng, cung cấp ngư trường phong phú và nằm gần khu vực có tiềm năng có dầu khí.
Năm 2012, Nhật Bản đã mua lại quần đảo này từ các chủ sở hữu tư nhân, làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo lực bài Nhật ở TC.
Tháng 11/2013, TC tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không mới, yêu cầu bất kỳ máy bay nào tiến vào khu vực – bao gồm quần đảo tranh chấp – phải tuân thủ theo luật của Bắc Kinh.
Nhật Bản cáo buộc động thái của Bắc Kinh là việc ‘leo thang đơn phương’ và tuyên bố phủ nhận vùng nhận dạng phòng không mới của TC.
Hai nước cũng có quan điểm khác nhau về các hành động của Nhật ở TC trong Thế chiến II. – Theo BBC
Tin Hoa Kỳ
TT Obama chuẩn bị đối mặt với Trung Cộng trong lúc đang yếu thế về chính trị – Sự trỗi dậy của đảng CH làm thay đổi chính sách mậu dịch
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đi dự các hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Trung Cộng (TC), Miến Điện và Australia vào chủ nhật này trong chuyến đi 1 tuần lễ nhắm mục đích cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, tăng cường hàng xuất khẩu của Mỹ, và trấn an các đối tác Châu Á trước thái độ ngày càng hung hăng của TC trong vùng. Ông Obama sẽ đối mặt với những câu hỏi về quyết định của Hoa Kỳ chuyển trọng tâm quân sự qua Châu Á, trong đó có một số câu có liên quan đến chuyện liệu việc tái quân bình đó đã xảy ra hay chưa. Với quyền hạn bị giảm thiểu sau những thất bại của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử quốc hội, các nhà phân tích cho rằng bất kỳ lời hứa hẹn hay trấn an nào mà tổng thống đưa ra với các đối tác Châu Á đều sẽ vấp phải sự hoài nghi.
Chuyến đi diễn ra tại một thời điểm lúng túng cho Tổng thống Obama. Với sự trỗi dậy mau chóng về kinh tế và các khả năng quân sự đang bành trướng ở vùng Thái Bình Dương, TC ở thế sẵn sàng thách thức thêm nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nay đang bị yếu thế bởi các cuộc bầu cử.
Vài ngày trước khi lên đường đi dự một hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á ở Bắc Kinh và đối diện với một Quốc hội mới do đảng Cộng hoà chế ngự, ông Obama nói với các phóng viên rằng một trong các sứ mạng của ông ở Châu Á là thúc đẩy hàng xuất khẩu của Mỹ để tạo công ăn việc làm trong nước.
“Chúng ta cũng có thể hợp tác để tăng cường xuất khẩu và mở ra các thị trường mới cho các nhà sản xuất của chúng ta bán thêm hàng hoá do Mỹ chế tạo cho phần còn lại của thế giới. Đó là điều tôi sẽ tập trung vào khi đi Châu Á vào tuần tới.”
Nhưng thúc đẩy nghị trình ấy với phía TC sẽ không phải là dễ dàng.
Trước khi đến Bắc Kinh, đã có những dấu hiệu thách thức sự khả tín đang chờ đợi tổng thống Hoa Kỳ. Một nhật báo chính thức của TC nói một cách ngạo mạn rằng những thất bại bầu cử của đảng Dân chủ và quyền hạn bị giảm thiểu là hậu quả của những thất bại của ông Obama – và còn mô tả ông là yếu kém và tầm thường.
Các nhà phân tích nói đối với tổng thống Mỹ, TC với quân đội đang bành trướng và những khẳng định về hàng hải trong các vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam, tiêu biểu cho mối thách thức lớn nhất về an ninh khi nói về các yếu tố quốc gia.
Năm ngoái ở California, Tổng thống Obama và nhà lãnh đạo TC Tập Cận Bình đã đồng ý rằng họ cần có một mô hình mới về quan hệ giữa một thế lực đang tồn tại và một thế lực đang nổi lên.
Ông Tom Donilon, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Obama, nói rằng cuộc hội kiến sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo mang tính cách rất cấp thiết.
“Theo phán đoán của tôi đây là cuộc họp song phương quan trọng nhất mà tổng thống sẽ có trong năm nay.”
Nhưng nhà cựu ngoại giao Robert Daly trông đợi sẽ chẳng có gì ngoài những cuộc thảo luận lịch sự.
“Cho đến nay, không bên nào muốn nói rõ sẽ sẵn sàng đưa ra các thay đổi nào. Hoặc trong trường hợp Trung Quốc, họ sẽ không nói rõ họ không thích gì về tập hợp những sắp xếp hiện thời ở vùng tây Thái Bình Dương. Trung Quốc chưa hề đưa ra lời giải đáp rằng họ muốn đạt được những gì mà họ chưa đạt được trong tập hợp các sắp xếp hiện thời.”
Sau TC, Tổng thống Obama sẽ lên đường đi Myanmar, tức Miến Điện, nơi ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo nước này và người đứng đầu phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi, người ông đã gặp ở Hoa Kỳ trong một chuyến thăm trước đây.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và tại một cuộc họp với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, ông Obama sẽ đối phó với các vấn đề về cam kết của Hoa Kỳ chuyển trọng điểm các lực lượng quân sự của Mỹ qua Châu Á.
Chuyến đi sẽ kết thúc ở Brisbane, Australia. Ông Obama sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20, nơi ông tính sẽ phát biểu về vai trò liên tục của Hoa Kỳ trong tư cách lãnh đạo ở Châu Á.
Sau bầu cử, một số thỏa thuận về mậu dịch đã bị trì hoãn từ lâu nay có thể tiến tới vì đảng Cộng hòa vừa chiếm được thế đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ. Theo tường trình của Thông tín viên Đài VOA Jim Randle từ Washington, để có được sự chấp thuận của Quốc hội về những thỏa thuận mậu dịch, có thể phải cần đến những liên minh chính trị bất thường.
Thượng nghị sĩ dự kiến sẽ trở thành trưởng khối đa số sắp tới Mitch McConnell và những đảng viên Cộng hòa khác đã chống lại những đề nghị của tổng thống Obama thuộc đảng Dân chủ. Nhưng không giống những đảng viên Dân chủ khác, tổng thống Obama thường tỏ ý tán thành các thỏa thuận mậu dịch, mở đường cho một thoả hiệp với đối thủ Cộng hòa của ông. Thượng nghị sĩ McConnell nói:
“Tôi nghĩ tổng thống muốn tiến tới. Tôi đã nói hãy gởi đến chúng tôi những thỏa thuận mậu dịch, chúng tôi nóng lòng muốn thấy những thỏa thuận này.”
Những người ủng hộ mậu dịch đang cố gắng soạn thảo một thỏa thuận để Quốc hội có thể bỏ phiếu thuận hay chống những thỏa thuận mậu dịch mà chính quyền Obama đã đạt được với các nước khác, nhưng không cho phép Quốc hội thay đổi các thỏa thuận.
Chuyên gia về mậu dịch Claude Barfield thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nói chính quyền Obama và các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội đang tập trung vào một dự luật phức tạp và gây tranh cãi có tên là “Thẩm quyền Tăng tiến mậu dịch” viết tắt là TPA.
“Theo dự đoán của tôi sẽ có những cuộc thương thảo trong chính quyền, vì thế họ đã sẵn sàng xúc tiến một dự luật về TPA ngay khi Quốc hội nhóm họp trở lại.”
Bà Lori Wallach thuộc tổ chức Theo dõi Mậu dịch Toàn cầu nói việc đảng Cộng hòa trỗi dậy có nghĩa là một vài đảng viên Dân chủ đang làm việc về một thoả hiệp để có đủ số phiếu cần thiết chấp thuận TPA sẽ không còn quyền hành nữa. Sự kiện này có thể đưa đến hệ quả trớ trêu là gây tổn hại cho tiến bộ hướng tới việc đạt được mục đích của đảng Cộng hòa.
“Tôi nghĩ cơ may có một dự luật về thẩm quyền mậu dịch có thể được Hạ viện thông qua đã bị giảm bớt một ít.”
Các giới chức Hoa Kỳ đang làm việc về một thỏa thuận với nhiều quốc gia Thái Bình Dương và một thoả thuận riêng rẽ khác với Liên hiệp châu Âu. Những thỏa thuận mậu dịch trong quá khứ đã cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh mậu dịch bằng cách làm cho hàng hoá rẻ hơn. Những thỏa thuận mới này sẽ nhắm mục đích hoà hợp các qui định của các nước khác nhau chi phối vấn đề sức khoẻ, an toàn và giải quyết những tranh chấp kinh doanh.
Nhiều công đoàn Mỹ nói những thỏa thuận mậu dịch bảo vệ lợi nhuận của những công ty đa quốc gia lớn, thay đổi luật pháp một cách không dân chủ, và không giúp ích gì để bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ.
Ông Larry Cohen chủ tịch Công nhân Truyền thông Mỹ nói:
“Chúng ta cần đặt người dân trên hết, nhưng không làm ngơ đối với đầu tư. Chúng ta sẽ không có phát triển kinh tế mà không có đầu tư, nhưng không phải là loại đầu tư chỉ có một chiều mà quyền của người dân phải mất nhiều năm hoặc không bao giờ giải quyết được.”
Tổng thống Barack Obama và những người khác ủng hộ các thỏa thuận mậu dịch nói các thỏa thuận này giúp phát triển kinh tế và tạo thêm việc làm. Ông đã ký những thỏa thuận với Nam Hàn, Colombia và Panama. – Theo VOA
Robert O’Neill: Biệt kích SEAL bắn chết bin Laden
Một cựu biệt kích Hải quân Mỹ cho biết anh đã bắn chết thủ lãnh al-Qaida Osama bin Laden tại nơi ẩn náu của ông ta ở Pakistan vào năm 2011, đã xuất hiện trước công chúng Mỹ.
Anh Robert O’Neill được khán giả đồng loạt đứng dậy hoan nghênh tại bang Tennessee miền nam nước Mỹ tối thứ năm, trước khi anh khởi sự bài diễn văn để vận động tinh thần khán giả. Anh O’Neill nói:
“Tôi tự hào về những gì tôi đã làm nhưng nhiệm vụ của tôi không kết thúc vì tôi đã rời chiến trường.”
Bài phát biểu của O’Neill diễn ra một ngày sau khi anh tiết lộ cho các tổ chức truyền thông Mỹ rằng chính anh là người đã bắn ba phát súng vào bin Laden trước giường ngủ tại khu nhà ở Abbottabad, Pakistan.
O’Neill cho biết biệt kích quân SEAL đầu tiên tới được căn phòng của bin Laden đã bắn một phát súng nhưng dường như bị trật mục tiêu, trước khi O’Neill trông thấy bin Laden qua mắt kiếng hồng ngoại của anh.
Thành tích của O’Neill trong tư cách một biệt kích hải quân SEAL đã khích lệ một số khán giả. Ông Tom Bogart nói:
“Thật tuyệt vời khi có rất nhiều người ở đây tại quận hạt Blount được vinh danh thành quả lớn, và được nghe một diễn giả tuyệt vời như vậy, nói về công việc quan trọng mà ông ấy đã làm, và giúp chúng tôi rút ra một bài học mà chúng tôi có thể áp dụng mỗi ngày.”
Một khán giả khác, ông Bob Booker, phát biểu:
“Thật là tuyệt vời. Tôi đánh giá cao việc tổ chức một sự kiện lớn như thế này, và rất cảm kích tinh thần phục vụ đất nước của O’Neil.”
Chính phủ Mỹ cũng đã ngợi khen anh O’Neill và đội biệt kích SEAL về việc hoàn thành sứ mạng của họ.
Tuy nhiên, một viên chỉ huy đặc trách chiến tranh đặc biệt của Hải quân Mỹ cảnh báo cá nhân các quân nhân biệt kích SEAL rằng họ có nghĩa vụ ‘giữ kín tính chất của công việc mà họ làm’ và không tìm cách để người khác vinh danh hành động của họ để đổi lấy ‘tiếng tăm hoặc lợi ích tài chính’.
Một biệt kích SEAL khác, anh Matt Bissonnette, tham gia vụ đột kích hạ sát Bin Laden, trước đó đã viết một cuốn sách về vụ đột kích này. – VOA
Toà Bạch Ốc không xác nhận TT Obama gởi thư riêng cho Lãnh đạo Tối cao Iran
Tòa Bạch Ốc không phủ nhận mà cũng không xác nhận một bài báo nói rằng Tổng thống Barack Obama đã gửi thư cho lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei về cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo .
Phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm qua nói ông không ở trong vị thế để có thể thảo luận thư từ đi lại riêng tư giữa Tổng thống và bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới.
Người phát ngôn này cũng cho biết, Mỹ đã mở rộng các cuộc đàm phán với Iran ngoài chương trình hạt nhân. Ông Josh Earnest nói:
“Chúng tôi đã thảo luận bên lề các cuộc đàm phán ít nhất một vài lần về chiến dịch quân sự vẫn đang được tiến hành chống lại Nhà Nước Hồi giáo của Hoa Kỳ và hơn 60 thành viên trong liên minh rộng lớn này. Hoa Kỳ sẽ không hợp tác quân sự với Iran trong nỗ lực này, chúng tôi sẽ không chia sẻ thông tin tình báo với Iran.”
Chủ Nhật tới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif và người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu, bà Catherine Ashton tại Oman, để thảo luận về những tiến bộ hướng tới hạn chót 24 tháng 11, để đạt một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tổng Thống Obama nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư rằng Mỹ và các đồng minh thuộc nhóm P5+1 đã trao Iran một khung sườn cho một thỏa thuận hạt nhân.
Iran nói rằng nước này sẽ hạn chế chương trình tinh chế uranium để đổi lấy việc chấm dứt các biện pháp cấm vận.
Iran bác bỏ cáo buộc cho rằng họ có ý định chế tạo một quả bom hạt nhân. – VOA