Tin Thế Giới – 6/2/2015
Philippines nâng cấp hải quân giữa lúc căng thẳng với Trung Cộng – Philippines tố cáo TC lại bồi đắp đảo Đá Vành Khăn ở Trường Sa
Hải quân Philippines đang nâng cấp khả năng vào thời điểm căng thẳng tiếp tục với TC về tranh chấp ở Biển Đông.
Trong mấy tuần lễ vừa qua, một hãng đóng tàu hải quân của Indonesia đã bắt đầu công tác về hai “tàu chiến lược” mà Philippines sắp mua với giá hơn 87 triệu đôla.
Phát ngôn viên Hải quân Philippines, Trung tá Lued Lincuna nói những tàu này dự kiến sẽ đến trong 2 năm sắp tới.
Ông nói: “Nó sẽ gia tăng khả năng phòng vệ và hoạt động của chúng tôi. Nó có một sân đáp cho trực thăng và có chỗ cho 3 chiếc trực thăng một lúc… nó có thể chứa một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến và dĩ nhiên là hải quân biệt động và bộ chỉ huy kiểm soát trong các cuộc hành quân.”
Hải quân đã mua nhiều thiết bị lớn, trong đó có hai tàu chiến từng hoạt động trong đội Tuần duyên Hoa Kỳ. Những tàu có tuổi thọ gần 50 năm, không còn thích hợp với đạn dược hiện đại và trực thăng đi kèm, đã đi tuần ven biển của quần đảo này trong 2 năm qua.
4 chiến hạm khác đã được đặt mua và thêm 2 máy bay trực thăng hải quân tương tự như 3 chiếc đã được sử dụng dự kiến sẽ được giao vào tháng 5. Tất cả các thiết bị này nằm trong khuôn khổ chương trình hiện đại hoá quân đội với kinh phí 1 tỷ 800 triệu đôla.
Tập trung nguồn lực
Mức chi thường niên của quân đội Philippine tương đối nhỏ – khoảng 2,6 tỷ, so với ngân sách 132 tỷ của TC trong năm 2014. Nhưng Manila đã tập trung các nguồn lực vào việc cải thiện khả năng theo dõi và đáp ứng các diễn biến ở vùng Biển Đông.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Philippines và Bộ Quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên đã ký một thoả thuận thiết lập quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn về những vấn đề như tập trận chung và hợp tác về an ninh toàn cầu.
Không cho biết chi tiết cụ thể, các giới chức nói cả hai nước có cùng quan điểm về tình hình ở Biển Đông và Hoa Nam, nơi sự hiện diện nổi bật của TC đã gây lo ngại cho các nước láng giềng.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez nói Philippines trông đợi sự hỗ trợ của Nhật Bản về tình báo, theo dõi và trinh sát.
Ông nói: “Ngoài ra còn cả an ninh hàng hải. Mọi khả năng mà họ có thể giúp chúng tôi, đó là điều chúng tôi yêu cầu. Chúng tôi hy vọng họ có thể dành cho chúng tôi một số chọn lựa trong tương lai rất gần để chúng tôi có thể thảo luận.”
Tự giúp mình
Philippines đang xây dựng một trung tâm chỉ huy theo dõi bờ biển có kinh phí 18 triệu đôla. Trung tâm này sẽ phối hợp thông tin liên lạc giữa hải quân, tuần duyên, cảnh sát biển và các cơ quan khác để bảo vệ biên giới biển. Ông Lincuna nói hệ thống theo dõi duyên hải bao gồm một hệ thống thiết bị theo dõi đặt căn cứ trên đất liền và trên các tàu bè.
Ông Galvez nói Philippines cũng đang trông đợi Nhật Bản giúp đỡ về các khả năng nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Ông Carl Thayer là một chuyên gia phân tích an ninh Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Australia. Ông nói việc Philippines củng cố ở quy mô nhỏ chứng tỏ với Hoa Kỳ, nước đồng minh theo hiệp ước duy nhất của họ, rằng họ đang tự giúp mình chứ không phải chỉ trông chờ vào các đối tác bên ngoài.
Ông nói: “Nay nó có nghĩa là các tàu chiến Philippines nếu bị tấn công, sẽ châm ngòi cho những cuộc tham khảo ý kiến với Hoa Kỳ. Nó không có nghĩa là họ phải bừa bãi, nhưng có nghĩa là Trung Cộng nay phải tính tới những tàu bè đó. Ta gọi đó là sự răn đe mở rộng, tấn công Philippines, là có Chú Sam đứng đằng sau ngay.”
Philippines cũng đang duy trì và xây dựng các đối tác chiến lược với các nước láng giềng khác. Tuần trước, các ngoại trưởng Philippines và CSVN đã mở các cuộc hội đàm về việc tăng cường quan hệ an ninh.
Australia tuần trước thông báo sẽ tặng cho Philippines hai chiếc tàu 40 năm tuổi được tân trang có khả năng chuyên chở đến bờ biển “những kiện hàng lớn, nhân sự và thiết bị.”
TC đã bắt đầu việc bồi đắp xung quanh Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Một chỉ huy hải quân Philippines hôm qua 05/02/2015 loan báo thông tin trên. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tiếp tục bành trướng trên Biển Đông.
Chuẩn Đô đốc Alexander Lopez, Tư lệnh Quân khu miền Tây nói với báo chí đã phát hiện một tàu nạo vét TC tại Đá Vành Khăn, cách đảo Palawan khoảng 135 km về phía đông nam. Ông nói: “Chúng tôi không biết họ định làm gì tại Đá Vành Khăn. Từ lâu họ đã làm những chuyện như thế, nhưng chỉ riêng tại Đá Chữ Thập đã gây rất nhiều quan ngại vì Bắc Kinh cho xây dựng với quy mô lớn”.
Trong số các hình ảnh chụp được tại khu vực Đá Vành Khăn tháng 10/2014 không thấy có các hoạt động bồi đắp. Reuters cho biết các tấm ảnh này cho thấy hai công trình, trong đó có một tòa nhà ba tầng xây trên một rạn san hô, được trang bị các tua-bin và các tấm pin năng lượng mặt trời.
Năm ngoái, Tập Cận Bình đã cố gắng trấn an các nước Đông Nam Á đang lo ngại trước tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực. Nhưng hoạt động bồi đắp các đảo nhỏ ở Trường Sa đã tố cáo mưu đồ của TC nhằm xác quyết chủ quyền để độc chiếm Biển Đông.
Bắc Kinh đã cho cải tạo sáu đảo đá ngầm đang chiếm đóng tại Trường Sa, mở rộng diện tích đến năm lần, và các ảnh chụp trên không cho thấy cả một phi đạo và các hải cảng. Cơ quan IHS Jane’s hồi tháng 11/20104 nói rằng theo những hình ảnh có được, TC đã mở rộng Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo dài ít nhất 3.000 mét và rộng 200 đến 300 mét.
Reuters nhắc lại, TC chiếm đóng Đá Vành Khăn từ năm 1995 và dựng lên các lều, nói rằng cho ngư dân trú bão, nhưng sau đó đã điều đến cả một đạo binh đồn trú và triển khai chiến hạm cũng như các tàu tuần duyên. Còn tại Đá Chữ Thập thuộc cụm Nam Yết của Trường Sa, năm 1988 TC đã ngăn cản tàu hải quân CSVN chở vật liệu đến, sau đó xây dựng căn cứ tại đây cùng với hai vòm radar và phủ sóng điện thoại.
Philippines và CSVN năm ngoái đã lên tiếng phản đối các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo nhằm thay đổi thực trạng ở Trường Sa, vi phạm các tuyên bố ứng xử. Năm 2002, ASEAN và TC đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) không mang tính ràng buộc, với mục đích chấm dứt việc các nước đang đòi hỏi chủ quyền chiếm đóng và đưa quân đội đến trú phòng tại các đảo tranh chấp, nhưng những gì Bắc Kinh làm sau đó đã chứng tỏ ngược lại. – Theo VOA, RFI
Động cơ ATR72-600 gặp sự cố trước khi rơi
Việc giải mã hộp đen của máy bay ATR72-600 của hãng hàng không TransAsia cho thấy hai động cơ đã ngừng hoạt động chỉ hai phút sau khi cất cánh.
Dữ liệu cho thấy phi hành đoàn đã cố gắng tắt và tái khởi động một động cơ nhưng không thành công.
Chuyến bay GE235 chở theo 58 hành khách và tổ lái – ít nhất 35 người đã thiệt mạng khi máy bay rơi xuống sông Cơ Long ở ngoại ô thành phố Đài Bắc.
15 người sống sót trong tai nạn.
Theo các nhà điều tra tại một buổi họp báo ở Đài Bắc, máy bay gặp trục trặc chỉ 37 giây sau khi cất cánh.
Theo người đứng đầu Hội đồng An toàn Hàng không, Thomas Wang, phi công đã báo cháy trong động cơ. Việc cháy động cơ có thể xảy ra khi nguồn cung nhiên liệu đến động cơ bị gián đoạn hoặc khi có lỗi trong buồng đốt nhiên liệu.
Nhưng ông Thomas Wang nói thực ra không phải như vậy.
Phi công đã cố gắng tắt động cơ bên trái và cố khởi động lại nhưng không được.
Máy bay đã rơi xuống sông Cơ Long chỉ 72 giây sau đó. – BBC
Phương Tây vận động ngoại giao, mưu tìm hòa bình cho Ukraine
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang viếng thăm thủ đô Ukraine với một đề nghị ngưng bắn nhằm chấm dứt bạo động tại miền đông Ukraine.
Cũng tại Kiev, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi một “cam kết tức thời” cho một cuộc ngưng bắn.
Ngày hôm qua, Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Ukraine tại Kiev, kêu gọi một giải pháp hòa bình qua đường lối ngoại giao, nhưng ông nói thêm là không thể có điều ông gọi là hòa bình một bên.
Ông nói: “Nga và các phần tử đòi ly khai chiếm thêm nhiều vùng đất, khủng bố thêm nhiều người dân và từ chối tham gia những cuộc thương thuyết nghiêm chỉnh. Không còn nghi ngờ gì về việc ai ngăn chặn triển vọng hòa bình tại đây – họ tiếp tục từ chối để không cho Ukriane kiểm soát vùng biên giới của mình, của chính mình.”
Toàn vẹn lãnh thổ
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel có mặt tại Kiev để đưa ra một kế hoạch ngưng bắn.
Ông Hollande nói: “Chúng ta sẽ đưa ra một đề nghị mới để giải quyết xung đột căn cứ trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Ngày hôm nay, Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel đến Moscow để thảo luận về kế hoạch của họ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tại Brussels, nơi các nhà lãnh đạo NATO đang cứu xét đáp ứng của đồng minh đối với cuộc chiến quá gần biên giới phía đông của họ, Đại tướng Phil Breedlove, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ-châu Âu, nói với Đài VOA là sự can thiệp của Nga đang làm lệch cán cân lực lượng.
Ông nói: “Với sự can dự trực tiếp của Nga, các lực lượng Ukraine không chống lại được. Và tôi tin là một trong những lý do chúng tôi nói không có giải pháp quân sự vì Nga quyết tâm vẫn can dự vào cuộc xung đột cho đến khi có một giải pháp chính trị theo cách thức của Nga.”
Giao tranh giữa các lực lượng Ukraine và các phiến quân thân Nga tại miền đông Ukraine đã làm hơn 5.000 người thiệt mạng kể từ tháng 4 năm ngoái.
Khi được hỏi là liệu quyết định của NATO cho đến nay không cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine sẽ khuyến khích thêm sự hung hăng của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói thế giới cần chú trọng đến “toàn bộ phạm vi” những gì xảy ra tại Nga.
Ông Hagel nói: “Lạm phát, thiếu đầu tư, mọi người rút khỏi Nga, đồng rúp của Nga sụt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay—những sự kiện này phản ảnh những gì xảy ra cho Nga do hậu quả của sự hiếu chiến của họ.”
Bộ trưởng Hagel nói thêm quân sự là “một phần”nhưng không phải là động lực duy nhất quyết định cuộc xung đột cuối cùng sẽ giải quyết như thế nào.
Pháp và Đức chống đối việc cung cấp vũ khí cho các lực lượng Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU sẽ thảo luận về việc gia tăng các chế tài đối với Nga vì hành động của nước này vào thứ Hai tuần tới. – VOA
Tin Hoa Kỳ – TC bị nghi trong vụ tin tặc nhắm vào công ty bảo hiểm y tế Mỹ
Các nhà điều tra Mỹ đang cố gắng xác định nguyên nhân phía sau một cuộc tấn công mạng ồ ạt nhắm vào công ty bảo hiểm y tế lớn thứ nhì tại Hoa Kỳ, với những nghi ngờ nhắm vào TC, như nguồn xuất phát cuộc tấn công mạng đó.
Công ty Anthem tuần này tiết lộ rằng tin tặc đã thâm nhập vào cơ sở dữ liệu với khoảng 80 triệu hồ sơ của nhân viên và khách hàng hiện nay và trước đây của công ty.
Truyền thông Tây phương viện dẫn các nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra tường thuật rằng tin tặc TC có thể là thủ phạm của vụ này.
Các nguồn tin nói rằng cuộc tấn công mạng cho thấy những dấu hiệu tương tự như trong các cuộc tấn công trước đây mà các tay tin tặc TC bị quy trách.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi hôm thứ sáu nói rằng “những sự suy đoán ấy là vô căn cứ”, và người khác “không nên có thái độ vô lý và tung ra những lời tố cáo vô căn cứ chống lại Trung Quốc.”
Vẫn theo lời Hồng Lỗi “tính chất của các cuộc tấn công mạng là rất khó có thể truy ra nguồn gốc của chúng. Rất khó có thể xác định nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng xuyên biên giới. Và rõ ràng là không hợp lý khi tìm cách xác định nguồn gốc cuộc tấn công một cách quá vội vàng. ”
Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ – FBI, đang điều tra nguyên nhân cuộc tấn công mạng mà công ty Anthem cho biết họ đã phát hiện lần đầu trong tháng trước.
Các công ty bảo hiểm y tế lớn được coi là mục tiêu chủ yếu bị tấn công, vì kho dữ liệu rộng lớn của họ gồm có các hồ sơ y tế, chi tiết thẻ tín dụng và số an sinh xã hội, cũng như thông tin để liên lạc với họ.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc TC thực hiện các tấn công mạng nhắm mục tiêu vào các công ty và các cơ quan chính phủ Mỹ. TC bác bỏ những lời cáo buộc đó. – Theo VOA
Tổng thống Obama ca ngợi lòng từ bi của Đức Đạt Lai Lạt Ma – Bắc Kinh tố cáo Mỹ can thiệp nội bộ Trung Cộng
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ca ngợi Đức Đạt Lai Lạt Ma là người có lòng từ bi, phớt lờ sự phản đối của TC về bất kỳ sự liên đới nào của Hoa Kỳ đối với lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây Tạng.
Tổng thống Obama không trực tiếp gặp mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma khi cả hai tham dự một buổi lễ thường niên có tên gọi Buổi sáng cầu nguyện toàn quốc hôm 5/2 ở thủ đô Washington, nhưng hai ông ngồi cách nhau không xa và đã đã chào hỏi nhau.
Tổng thống Obama nói với khoảng 3.600 lãnh tụ tôn giáo và chính trị có mặt tại buổi lễ thường niên: “Tôi muốn ngỏ lời đón chào đặc biệt một người bạn tốt, Đức Đạt Lai Lạt Ma, một tấm gương rõ ràng về ý nghĩa của lòng từ bi cũng như đã thúc đẩy chúng ta lên tiếng cho sự tự do và phẩm giá của tất cả mọi người”.
Tuy Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên nhấn mạnh rằng ông chỉ tìm cách đòi quyền tự trị cho Tây Tạng, TC coi lãnh tụ tinh thần này là một phần tử ly khai nguy hiểm, và thường xuyên đả kích các nhà lãnh đạo gặp gỡ ông.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma 3 lần, nhưng không có cuộc gặp nào diễn ra công khai.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama lên án những ai tìm cách “lợi dụng tôn giáo để gây ra những hành động giết chóc”. Ông nói các chiến binh Nhà nước Hồi giáo, lực lượng đã chiếm giữ một số khu vực ở Syria và Iraq, chặt đầu các công dân phương Tây mà chúng bắt giữ là một “sự sùng bái cái chết”.
Nhiều người Tây Tạng ở TC cáo buộc chính phủ đàn áp tôn giáo và văn hóa của họ, trong khi người Hán chiếm đa số ở TC tiếp tục di dân tới những vùng là nơi sinh sống truyền thống của người Tây Tạng.
TC đã phản bác cáo buộc này, và nói rằng người Tây Tạng được hưởng quyền tự do tôn giáo. Bắc Kinh cũng nhắc tới nguồn đầu tư lớn hiện có mà chính quyền này cho rằng đã giúp hiện đại hóa và nâng cao đời sống của người Tây Tạng.
Ngày 05/02/2015 Washington đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân một sự kiện tại Nhà Trắng. Bắc Kinh hôm nay đã có phản ứng giận dữ, lên án Hoa Kỳ can thiệp chuyện nội bộ TC.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi tuyên bố: “Chúng tôi phản đối các nước khác tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma và chúng tôi phản đối các nước đó can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc”.
Nhắc lại lập trường bất di bất dịch của Bắc Kinh đối với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Đạt Lai Lạt Ma là một người tỵ nạn chính trị. Từ nhiều năm nay tiến hành các hoạt động đòi ly khai chống Trung Quốc, dưới vỏ bọc tôn giáo”.
AFP nhắc lại hôm qua, trong bài diễn văn nhân sự kiện “bữa điểm tâm cầu nguyện quốc gia” – một sự kiện hàng năm tại Nhà Trắng, trước sự hiện diện của khoảng 3000 khách mời, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tổng thống Mỹ có nói rằng: “Tôi muốn tiếp một người bạn tốt”.
Như để tránh làm phật lòng Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ và Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ chào hỏi nhau từ xa. Nhà Trắng cũng rất cẩn trọng nhấn mạnh không dự trù “cuộc gặp riêng biệt” nào giữa hai ông. – Theo VOA, RFI