Tin Thế Giới – 5/2/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 5/2/2015

Xoay trục Châu Á tiếp tục là trọng tâm của chính sách ngoại giao Mỹ

Trong năm 2014, Tổng thống Obama có 2 chuyến thăm đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng ngoại giao John Kerry có 5 chuyến thăm tới khu vực, và nhiều chuyến thăm của các quan chức chính phủ về nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại, an ninh, năng lượng và nhiều vấn đề cùng quan tâm của các bên. Với chính sách xoay trục về Châu Á, chính phủ Mỹ đang đặt ra những ưu tiên cho khu vực này trong năm nay để nâng cao vai trò và tầm quan trọng của Hoa Kỳ ở đây trong bối cảnh Trung Cộng đang trở thành một thế lực toàn cầu mới. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thông báo những ưu tiên này hôm nay tại một cuộc họp báo ở Washington.

Với nhiều đối tác quan trọng và vị thế chiến lược của Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực này sẽ tiếp tục là trọng tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong năm nay. Điều này được thể hiện rõ trong sự tăng cường viện trợ nước ngoài dành cho khu vực này trong gói ngân sách 4 tỷ đô la dành cho an ninh quốc gia mới được công bố. Trong ý kiến giải trình ngân sách, Bộ trưởng Ngoại Giao John Kerry gọi việc xoay trục về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là “ưu tiên hàng đầu cho tất cả mọi người trong chúng ta trong chính quyền này.”

Ông Daniel Russel đã củng cố điều này hôm thứ tư tại một cuộc họp báo ở Trung Tâm Báo Chí Quốc Tế ở Washington.

“Chúng tôi đã xoay trục trở lại Châu Á. Sự giao tiếp ở cấp cao giờ đây là thông thường trong quan hệ của chúng tôi. Điều này giờ đây cũng thể hiện trong ngân sách của chúng tôi mà Tổng thống Obama vừa công bố đầu tuần này – trong đó ngân sách tài trợ nước ngoài cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tăng 8% . Khoản viện trợ tăng thêm này tập trung vào việc tăng cường cho việc xây dựng dân chủ, khả năng hàng hải, kinh tế và thể chế.”

Ngoài các sự kiện quan trọng khác ở Châu Á trong năm 2015, năm nay sẽ chứng kiến Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 40 năm kết thúc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông Russel nói, sẽ có nhiều chuyến thăm quan trọng giữa các bên trong năm nay. Ông cũng cho biết năm 2015 sẽ là năm của sự hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP vì nó có một sự quan trọng chiến lược to lớn trong lĩnh vực thương mại và và đầu tư, mang lại thịnh vượng cho cả 12 nước thành viên, cho khu vực và cho kinh tế toàn cầu. TPP là hiệp định gói gọn trong đó 40% lượng GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn thế giới.

Ông Russel vừa có chuyến công du – mà ông gọi là rất hiệu quả – tới 4 nước Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Malaysia, Thailand, và Campuchia. Philippines sẽ là nước chủ nhà của hội nghị APEC trong khi Malaysia là chủ tịch ASEAN trong năm nay.

Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác và nâng cao vai trò của Mỹ ở khu vực, trọng tâm của Hoa Kỳ trong năm nay cũng sẽ là giải quyết những vấn đề trong khu vực như kiềm chế sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc trên biển Đông, các mối đe dọa của Bắc Triều Tiên về hạt nhân và cuộc tranh đấu đòi dân chủ ở Hong Kong.

Trong chuyến thăm vừa qua của ông Russel tới Châu Á, ông đã có những tuyên bố liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ông nói rằng ông quan ngại về cách hành xử của TC để thay đổi nguyên trạng. Chính phủ Mỹ đã trực tiếp bày tỏ quan ngại này với chính phủ TC trong thiện chí xây dựng. Trả lời một phóng viên về vấn đề này tại cuộc họp báo hôm thứ tư, ông nói:

“Chúng tôi có lợi ích khi Trung Quốc có những mối quan hệ tốt đẹp và ổn định với các nước láng giềng quan trọng như Việt Nam, Philippines và Malaysia. Đó là cái mà chúng tôi muốn khuyến khích và vì lý do đó mà chúng tôi đã tán thành việc tự kiềm chế của các bên tuyên bố chủ quyền, đặc biệt trong các hoạt động cải tạo qui mô lớn thông qua việc chuyển đổi các bãi đá cạn thành các tiền đồn dễ dàng quân sự hóa.”

Trả lời câu hỏi về mức độ quan ngại của Mỹ đối với những khiêu khích của Bắc Triều Tiên gần đây và việc liệu Mỹ có khả năng đạt được mục tiêu giải trừ quân bị trên bán đảo Triều Tiên không, ông Russel nói:

“Chính phủ Mỹ không coi thường những de dọa từ Bắc Triều Tiên và chúng tôi luôn lưu tâm và cảnh giác tới nguy cơ là Bắc Triều Tiên có thể có những hành động khiêu khích như phóng tên lửa, hay tấn công mạng. Chúng tôi biết rõ khả năng khiêu khích của Bắc Triều Tiên.”

Việc các nhà lãnh đạo Bắc Tiều Tiên không sẵn lòng tham gia cuộc đàm phán 6 bên và không có thiện chí hợp tác, không làm cho chính phủ Mỹ từ bỏ theo đuổi việc này vì ông Russel nói ông thấy được ví dụ về sự thay đổi của Myanmar.

“Cái làm cho chúng tôi tiếp tục hy vọng là ví dụ của Myamar. Đất nước này tự quyết định thay đổi. Đây là trường hợp mà một chế độ độc tài quân sự tự ý thay đổi, tự đổi mới và kết quả là trợ giúp kinh tế đã ồ ạt đổ vào đất nước này.”

Tổng thống Obama đã tới thăm Myanmar 2 lần và đất nước này đang tiến tới cuộc bầu cử dân chủ. Ông Russel nói Bắc Triều Tiên không cần phải thay đổi chế độ để có thể tốt như Myanmar.

Về vấn đề Hong Kong, ông Russel nói ông hy vọng các giới chức Bắc Kinh sẽ tôn trọng và tỏ ra linh động hơn với các tiếng nói đòi dân chủ của người dân ở đây. Ông hy vọng sẽ có các chuyến thăm của quan chức Mỹ ở cấp chính phủ tới Hong Kong.

Vào cuối năm nay, Tổng thống Obama sẽ có chuyến công du tới Châu Á như một phần trong nghị trình của chính sách xoay trục về khu vực trong đó ông hy vọng hoàn tất việc thương thuyết hiệp định thương mại TPP. – Theo VOA

Manila phản đối Trung Cộng đâm tàu cá Philippines ở Biển Đông

Trong một bản thông cáo công bố vào hôm nay 05/02/2015, Bộ Ngoại giao Philippines đã tố cáo một loạt hành vi quá đáng của tàu TC tại khu vực bãi Scarborough Shoal ở Biển Đông. Trong hai vụ việc riêng rẽ, Bắc Kinh đã cho tàu cá đến vét hải sản quý hiếm và cho tàu Hải cảnh cố tình đâm vào tàu cá Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận đã chính thức gởi công hàm phản đối vào hôm qua, 04/02/2015.

Về sự cố thứ nhất, Manila cho biết là hôm 29/01/2015, một chiếc tàu Hải cảnh TC mang ký hiệu 3412 đã cố ý đâm vào ba chiếc tàu cá mang cờ Philippines (F/V OG Barbie, F/V Ocean Glory 2, và F/V Ana Marie), tại vùng biển gần bãi Scarborough Shoal mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc hay Panatag.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, hành vi của tàu TC đã gây thiệt hại vật chất và đe dọa sinh mạng của ngư dân trên tàu cá Philippines. Đối với Manila, bãi Scaborough nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và tàu đánh cá Philippines luôn hoạt động ở vùng này một cách thường xuyên, liên tục, hòa bình, trên cơ sở bảo đảm tính chất bền vững về mặt môi trường. Do vậy, Philippines “cực lực phản đối các hành động liên tiếp của Trung Quốc nhằm sách nhiễu và ngăn cản không cho ngư dân sinh nhai một cách hợp pháp trong khu vực đó”.

Bắc Kinh dung túng và hỗ trợ các hành vi hủy diệt môi trường

Về sự cố thứ hai, Bộ Ngoại giao Philippines nêu bật báo cáo của Lực lượng Tuần duyên, cho biết là vào ngày 22/01/2015, đã thấy ít nhất 24 chiếc tàu thuyền tiện ích của TC đang thu vét loại trai khổng lồ bên trong đầm phá của bãi Scarborough. Các chiếc tàu này đã vận chuyển số trai vét được lên các chiếc tàu đánh cá khác của TC trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Philippines “cực lực phản đối các hành vi hủy diệt và bất hợp pháp đó” vì việc đánh bắt loài trai khổng lồ, thuộc diện sinh vật biển bị đe dọa nhiều nhất, sẽ phá hủy các rạn san hô và dẫn đến sự phá hủy vĩnh viễn của chính bãi cạn Scarborough.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines tố cáo: “Thái độ dung túng, thâm chí hỗ trợ tích cực của Trung Quốc đối với các hoạt động đánh bắt gây hại cho môi trường của các công dân Trung Quốc tại khu vực bãi Scarborough đã vi phạm nghĩa vụ (mà Trung Quốc phải thực hiện) chiếu theo Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Công ước về Đa dạng sinh học và Công ước Quốc tế về việc buôn bán động và thực vật hoang dã”.

Philippines đã gởi công hàm phản đối TC về hai vụ việc cụ thể nói trên ít lâu sau khi Manila, ngày 28/01 vừa qua, đã chính thức kêu gọi Ngoại trưởng các nước ASEAN bày tỏ thái độ quan ngại về các hoạt động bồi đắp và cải tạo địa hình mà Bắc Kinh đang tiến hành tại những khu vực mà họ đang chiếm đóng ở Biển Đông.

Bãi cạn Scaborough mà TC gọi là đảo Hoàng Nham là một rạn san hô và đá ngầm, cách bờ biển hơn 220 km, và cách lãnh thổ TC hơn 800 km. Philippines khẳng định bãi cạn nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của mình, trong lúc TC lại khẳng định chủ quyền của họ nhân danh lịch sử.

Vào tháng 04/2012, TC đã dùng sức mạnh chiếm cứ bãi Scarborough trong thực tế, bất chấp phản đối của Philippines. – Theo RFI

Tin Hoa Kỳ – Ngân sách 2016 của chính quyền Obama vẫn theo đuổi chiến lược xoay trục châu Á

Ngân sách năm 2016 của Tổng thống Barack Obama cho an ninh quốc gia thể hiện mong muốn của chính quyền giữ vững chiến lược trọng tâm châu Á-Thái Bình Dương, ngay cả khi những mối đe dọa mới hơn như sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo và hành vi gây hấn của Nga ở châu Âu đòi hỏi chi tiêu mới của Mỹ.

Nhấn mạnh sự tập trung vào châu Á, Ngoại trưởng John Kerry gọi chiến lược xoay trục về khu vực châu Á-Thái Bình Dương là “một ưu tiên hàng đầu” khi đệ trình dự thảo ngân sách cho Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tại Ngũ Giác Đài, Phó Bộ trưởng Quốc phòng Bob Work cho biết sự tập trung vào châu Á vẫn nằm ở vị trí cao nhất trong năm ưu tiên chính của quân đội cho năm sắp tới. Ông Work nói với báo giới rằng ở phía trên cùng danh sách là những nỗ lực “tiếp tục tái cân bằng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi tiếp tục làm điều đó.”

Chính quyền Obama nói rằng ngân sách của Ngũ Giác Đài được định hướng bởi Báo cáo Nghiên cứu Quốc phòng 2014, một tài liệu chiến lược công bố mỗi bốn năm một lần tập trung chủ yếu lực lượng của Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khi trợ giúp các nước đồng minh trong việc phát triển phòng thủ để đối phó với những cuộc khủng hoảng khu vực của riêng họ. Chiến lược này đòi hỏi chi tiêu nhiều vào máy bay ném bom tầm xa, máy bay chiến đấu mới như F-35 Joint Strike, và tàu hải quân, cũng như các nỗ lực an ninh mạng.

Ngân sách 4.000 tỉ đôla của chính quyền Obama cho năm 2016 bao gồm 619 tỉ dành cho những chương trình quốc phòng và 54 tỉ dành cho tất cả các cơ quan tình báo Mỹ để ứng phó với những thách thức dài hạn và những mối đe dọa trước mắt xuất hiện trong hai năm qua. – VOA

Tổng thống Obama, Đức Đạt Lai Lạt Ma tham dự lễ Cầu nguyện Toàn quốc

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ cùng dự một buổi lễ thường niên có tên gọi Buổi sáng cầu nguyện toàn quốc ngày hôm nay 5/2 tại Washington, nhưng chưa rõ là hai ông có gặp nhau hay không.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc hôm qua đã giảm bớt tầm quan trọng của những gợi ý cho rằng Tổng thống Obama sẽ công khai trao đổi với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong tại buổi lễ, một hành động được cho là sẽ khiến Trung Cộng tức giận.

Nữ phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia ra một tuyên bố hôm qua, nói rằng ông Obama là người “mạnh mẽ ủng hộ những lời thuyết giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma và việc ông duy trì các truyền thống ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của Tây Tạng”.

Giới chức này nói thêm rằng “như Tổng thống từng làm trong quá khứ, ông sẽ gặp nhiều lãnh tụ tôn giáo tại sự kiện này, nhưng chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin nào về các cuộc gặp gỡ cụ thể với Đức Đạt Lai Lạt Ma để thông báo”.

Tuy Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên nhấn mạnh rằng ông chỉ tìm cách đòi quyền tự trị cho Tây Tạng, TC coi lãnh tụ tinh thần này là một phần tử ly khai nguy hiểm, và thường xuyên đả kích các nhà lãnh đạo gặp gỡ ông.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma 3 lần, nhưng không có cuộc gặp nào diễn ra công khai.

Hơn 3.000 người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau dự kiến sẽ tham gia Buổi sáng cầu nguyện toàn quốc, tập trung vào tầm quan trọng của vấn đề tự do tôn giáo.

Nhiều người Tây Tạng ở TC cáo buộc chính phủ đàn áp tôn giáo và văn hóa của họ, trong khi người Hán chiếm đa số ở TC tiếp tục di dân tới những vùng là nơi sinh sống truyền thống của người Tây Tạng.

TC đã phản bác cáo buộc này, nói rằng người Tây Tạng được hưởng quyền tự do tôn giáo. Bắc Kinh cũng nhắc tới nguồn đầu tư lớn hiện có mà chính quyền này cho rằng đã giúp hiện đại hóa và nâng cao đời sống của người Tây Tạng. – Theo VOA