Tin Thế Giới – 4/1/2015
Giáo hoàng tấn phong 20 hồng y mới, trong đó có một người Việt
Hôm nay, 04/01/2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô thông báo ngày 14/02 tới sẽ bổ nhiệm 20 hồng y mới, trong đó có 15 hồng y đến từ 14 quốc gia.
Nhân lễ cầu kinh Angelus truyền thống, kinh mà mỗi Chủ nhật ngài vẫn đọc tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô thông báo ngày 14/02 tới sẽ bổ nhiệm 20 hồng y mới, trong đó có 15 hồng y đến từ 14 quốc gia, tuổi dưới 80, tức là có quyền bỏ phiếu mỗi khi các hồng y họp Cơ mật viện để bầu tân Giáo hoàng.
Trong danh sách 20 hồng y mới, có 15 người đến từ 14 quốc gia, đa số là từ châu Phi, châu Mỹ Latin và châu Á, như Việt Nam, Tonga, Ý, Mexico, Ethiopia và Miến Điện. Chỉ có 5 vị hồng y mới đến từ châu Âu. Còn 5 vị kia là các tổng giám mục, giám mục đã về hưu, nhưng được Giáo hoàng tấn phong hồng y do những đóng góp của các vị này về mặt mục vụ. Những vị này không phải là “hồng y cử tri”.
Tân hồng y Việt Nam sẽ được Giáo hoàng tấn phong chính là đương kim Tổng giám mục giáo phận Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Người cuối cùng của Giáo hội Việt Nam được phong hồng y là cựu Tổng giám mục giáo phận Sài Gòn Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.
Đa số các tân hồng y đến từ châu Á, nơi mà Đức Giáo hoàng Phanxicô dự trù sẽ công du trước cuối tháng này, đích đến là hai nước Philippines và Sri Lanka.
Tổng giám mục Hà Nội, Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, sinh năm 1938. Tổng giám mục Nhơn từng được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục từ tháng 10/1991, theo thông tin trên trang của Dòng tên Việt Nam.
Ngài thụ phong Giám mục tại Đà Lạt ngày vào tháng 12/1991 và trở thành Giám mục phó giáo phận Đà Lạt từ 1991 đến 1994.
Tháng 3/1994, ngài làm Giám Mục giáo phận Đà Lạt và từ tháng 4/2010, được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó Tổng Giáo Phận Hà Nội.
Ngày 13/5/2014, ngài trở thành Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội.
‘Dưới 80 tuổi’
Đức Giáo hoàng Francis nói việc chỉ định Hồng y từ 14 quốc gia trên mỗi lục địa của thế giới cho thấy “mối liên hệ không thể chia tách” của Vatican với Giáo hội Công giáo trên toàn cầu.
Đây là lần thứ hai Đức Giáo hoàng Francis chỉ định các vị tân Hồng y từ nhiều quốc gia khác nhau.
Tháng Giêng năm ngoái, ông đã chỉ định thêm 19 vị đến từ nhiều quốc gia trong đó có Haiti và Burkina Faso.
Điều này cho thấy ‘cam kết’ của Đức Giáo hoàng với người nghèo, theo một phát ngôn viên của Tòa Thánh. – RFI, BBC
Cam Bốt: Hoàng thân Ranariddh trở lại chính trường
Theo Asia News. it, đảng bảo hoàng Funcipec của Cam Bốt có thể sẽ đưa cựu thủ tướng Ranariddh, trở lại ghế chủ tịch. Năm 1997, ông bị đồng thủ tướng Hun Sen lấn ép buộc phải lưu vong một thời gian. Năm 2006, hoàng thân Ranariddh bị Funcipec bất tín nhiệm. Giới phân tích cho rằng thủ tướng Hun Sen bật đèn xanh cho anh trai của quốc vương Sihamoni trở lại chính trường để chia rẽ đối lập.
Từ PhnomPenh, thông tín viên Phạm Pham tường thuật:
Gần cuối tuần này, Hoàng Tử Ranariddh thông báo ông chấp nhận lời mời của các thành viên lãnh đạo đảng Bảo Hoàng để trở lại đảm nhận cương vị Chủ Tịch Đảng, một vị trí mà ông bị đảng loại ra vào năm 2006 với lý do kém khả năng.
Tổng Thư Ký đảng Bảo Hoàng là Tướng Nhek Bun Chhay phát biểu, sự kiện trở về với đảng của Hoàng Tử là dấu hiệu tích cực.
Ông Ranariddh năm nay đã 71 tuổi, sự nghiệp chính trị của ông thăng trầm cộng với không ít tai tiếng về tiền bạc và sự trung thực trong đường lối lãnh đạo.
Năm 1993, sau khi Liên Hiệp Quốc đến Cam Bốt thực hiện sứ mạng hòa bình sau hơn 2 thập niên nội chiến, đảng Bảo Hoàng với uy tín của Quốc Vương Sihanouk thời đó đã giành được chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, đối thủ chính trị của ông Ranariddh là Hun Sen không chấp nhận kết quả và đe dọa tiến hành nội chiến. Vì thế một cơ cấu lãnh đạo với hai vị đồng thủ tướng ra đời. Từ sau sự kiện này, Hun Sen và đảng Nhân Dân Cam Bốt tiếp tục chi phối sự đoàn kết của đảng Bảo Hoàng.
4 năm sau đó, vào tháng 7/1997, ông Hun Sen không còn chấp nhận cơ cấu đồng thủ tướng mà ông đòi trước đây, và tiến hành một bước nữa bằng cách tổ chức đảo chính để loại ông Hoàng ra khỏi chiếc ghế thủ tướng.
Đảng Bảo Hoàng do cố Quốc Vương Sihanouk lập ra và do Hoàng Tử Ranariddh là con trai ông lãnh đạo, từ đó suy yếu và phân tán thành hai nhóm nhỏ.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2013, đảng Bảo Hoàng do em gái Hoàng Tử Ranariddh lãnh đạo đã không có một ghế nào trong Quốc Hội. Điều này cho thấy sự sụt giảm niềm tin của công chúng rất lớn đối với chính đảng này.
Sự trở lại chính trường mà cách đây vài năm Hoàng Tử Ranariddh tuyên bố từ bỏ đã nổi lên dư luận cho rằng đây là kế hoạch gây chia rẽ đối lập do ông Hun Sen thực hiện.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2013, Hun Sen đã không ngờ đảng của ông Sam Rainsy chiếm đến 55 ghế trong tổng số 123 ghế. Tuy nhiên uy tín chính trị của Sam Rainsy đã mất đi rất nhiều trong công chúng do đồng ý hòa hợp hòa giải với Hun Sen để giải quyết bế tắc sau bầu cử. Đây cũng có thể là lý do khiến Ranariddh trở lại chính trường. – Theo RFI
Thời tiết xấu tiếp tục cản trở việc tìm xác chiếc máy bay của AirAsia
Các nhóm của Indonesia hôm nay, 4/1, tiếp tục tìm kiếm xác của chiếc máy bay chở khách của hãng AirAsia sau khi định vị được 5 “vật thể lớn” tại biển Java.
Tuy nhiên, công tác tìm kiếm tiếp tục bị cản trở vì thời tiết xấu. Các thợ lặn đã bị buộc phải quay trở lại mặt nước hôm nay sau khi tới gần nơi mà người ta cho là có xác chiếc máy bay.
Ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia, cho biết tầm nhìn dưới đáy biển gần như bằng 0 và gió thổi mạnh nên việc lặn dưới đáy biển phải tạm ngưng, và thay vào đó, cơ quan ông sử dụng thiết bị vận hành dưới đáy biển được điều khiển từ xa.
Giới hữu trách đã hy vọng thời tiết khá lên trong ngày. Tốc độ tìm kiếm đã tiến triển rất chậm trong những ngày qua do mưa to và gió lớn, gây ra tình trạng sóng to và dòng chảy mạnh.
Các nhóm tìm kiếm đã hy vọng tới được nơi họ cho là có thân chính của máy bay để trục vớt các thi thể cũng như hộp đen ghi có dữ liệu chuyến bay, được đặt ở phần đuôi của máy bay.
Sau khi một thi thể được vớt hôm nay, các giới chức Indonesia cho biết, tới nay, đã có tổng cộng 31 thi thể đã được trục vớt.
Chiếc Airbus A320, chở 162 hành khách và phi hành đoàn, biến mất khỏi màn hình radar hôm Chủ nhật tuần trước.
Khu vực tìm kiếm được nới rộng hôm qua trong lúc giới hữu trách nói rằng những mảnh vỡ có thể đã trôi dạt tới những nơi xa như vùng bờ biển phía nam đảo Borneo.
Theo một báo cáo mới, cơ quan dự báo thời tiết Indonesia cho biết điều kiện thời tiết xấu có thể là một yếu tố khiến chiếc máy bay rơi xuống biển Java.
Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng chiếc máy bay đã bay vào vùng thời tiết xấu mà có lẽ khó có thể tránh được.
Trước khi cất cánh và trong những giây phút cuối cùng của chuyến bay, các phi công đã yêu cầu được bay ở độ cao cao hơn để tránh bão. Nhưng yêu cầu này đã không được chấp nhận vì có các máy bay khác hoạt động trong khu vực.
Giới hữu trách Indonesia đã tạm ngưng các chuyến bay của AirAsia từ Surabaya tới Singapore vì hãng hàng không giá rẻ này không có giấy phép bay trên chặng này vào các ngày Chủ Nhật, ngày xảy ra vụ rớt máy bay. – VOA
Tin Hoa Kỳ
Tổng thống Obama trở lại Washington sau kỳ nghỉ ở Hawaii – Người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên được bầu vào Thượng viện qua đời
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trở lại Washington hôm nay, sau kỳ nghỉ kéo dài hai tuần tại bang nhà của ông là Hawaii.
Bối cảnh chính trị ở Washington đã thay đổi kể từ khi ông Obama rời thủ đô để tới nghỉ ở Hawaii. Sau cuộc bầu cử giữa kỳ, phe Cộng hòa hiện nắm giữ cả hai viện Quốc hội.
Nhiều nhà lập pháp hiện tỏ ra rất háo hức muốn đánh vào các sáng kiến của ông Obama, đặc biệt là Đạo luật chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng, theo đó yêu cầu gần như mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế.
Nhiều nhà lập pháp cũng muốn bãi bỏ chính chính nhập cư mới của ông Obama mà theo đó những người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ có khả năng được trở thành công dân Mỹ.
Trong khi các nhà lập pháp trở lại Washington tuần này sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới, Tổng thống Obama sẽ lên đường tới thăm một số thành phố trong vòng ba ngày để nêu bật các chính sách của ông mà phe Dân chủ nói rằng đã đóng góp vào sự hồi phục kinh tế của Mỹ.
Không còn nghi ngờ gì về việc chủ đề đó sẽ là phần chính trong bài phát biểu thường niên của ông Obama trước người dân toàn quốc vào ngày 20/1 tới đây.
Ngoài ra hôm Thứ Bảy, ông Edward Brooke, người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ theo hình thức phổ thông đầu phiếu, đã qua đời ngày 3/1, thọ 95 tuổi.
Một người phát ngôn của gia đình xác nhận thông tin về cái chết của ông Edward, và cho biết thêm rằng ông được gia đình ở bên cạnh trong những giây phút cuối đời tại nhà riêng ở tiểu bang Florida.
Là một đảng viên Cộng hòa có tư tưởng tự do, ông Brooke giành ghế tại Thượng viện, đại diện cho tiểu bang Massachusetts, vào năm 1966, và được tái bầu năm 1972.
Ông là một trong hai người Mỹ gốc Phi duy nhất phục vụ trong Thượng viện Hoa Kỳ trong thế kỷ 20, và là đầu tiên kể từ sau khi kết thúc Cuộc Nội chiến ở Mỹ, khi cơ quan lập pháp bang chỉ định các thượng nghị sĩ.
Trong một thông cáo, Tổng thống Barack Obama đã ca ngợi ông Brooke vì “cuộc đời phục vụ đất nước đầy huy hoàng”.
Ông Obama cũng ca ngợi cách tiếp cận thực tiễn của ông Brooke trong quá trình làm luật, và nói thêm rằng cố thượng nghị sĩ đã đứng “ở tuyến đầu trong cuộc chiến vì dân quyền và công bằng kinh tế”.
Ngoại trưởng John Kerry, cũng từng là một thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Massachusetts, cũng ra một tuyên bố, gọi ông Brooke là “một công chức mạnh mẽ”. – VOA