Tin Thế Giới – 4/11/2014
Bà Aung San Suu Kyi sẽ đi thăm Trung Cộng
AFP dẫn nguồn tin từ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ( LND) hôm nay 4/11/2014 cho hay, bà Aung San Suu Kyi, người đang có tham vọng trở thành tổng thống Miến Điện, chuẩn bị đi thăm Trung Cộng (TC) trên cương vị là lãnh đạo đảng đối lập.
Một lãnh đạo cao cấp, xin giấu tên, của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện cho biết chuyến đi được dự kiến vào tháng 12/2014 tới đây. Tuy nhiên nhân vật này không tiết lộ cụ thể lãnh đạo đối lập sẽ tiếp xúc với ai ở Bắc Kinh trong chuyến đi tới.
Hiện tại đảng của bà Aung San Suu Ky được dự đoán có nhiều khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội tổ chức vào cuối năm 2015. Trở ngại chính để lãnh đạo LND được bầu làm tổng thống Miến Điện một khi đảng của bà giành thắng lợi là bản Hiến pháp hiện nay. Theo đó, bà vẫn bị cấm không được đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước vì có thân nhân gần gũi (chồng và con) mang quốc tịch nước ngoài. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đang hy vọng Quốc hội Miến Điện sửa đổi điều khoản này của Hiến pháp.
Tuần tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Miến Điện để dự hội nghị thượng đỉnh của khu vực. Tuần trước ông Obama đã có cuộc điện đàm với bà Aung San Suu Kyi, trong đó ông có đề cập đến việc Washington có thể “ủng hộ những cố gắng nhằm thúc đẩy môi trường chính trị cởi mở hơn” ở Miến Điện. Hôm nay, Nhà trắng thông báo, Tổng thống Mỹ nhân dịp này sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi vào ngày 14/11 tới.
TC trước đây từng ủng hộ tích cực chế độ độc tài quân sự Miến Điện, hiện vẫn là nước đầu tư lớn tại Miến Điện tuy không còn giữ vị thế thượng phong kể từ khi Miến Điện mở cửa cho các nhà đầu tư phương Tây vào năm 2011. – Theo RFI
Tin Hoa Kỳ
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Tranh giành Thượng viện
Người Mỹ bắt đầu bỏ phiếu cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nhằm quyết định đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện và dọn đường cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Phòng bỏ phiếu ở các bang miền Đông đã mở cửa từ lúc 6:00 sáng (giờ địa phương).
Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện, nay chỉ cần thêm sáu ghế để giành kiểm soát Thượng viện.
Trong khi đó đảng Dân chủ đang đấu tranh để có thể dẫn đầu trong lúc tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama xuống thấp nhất kể từ khi ông tái đắc cử.
Nhiều phân tích gia dự đoán đảng Cộng hòa sẽ thắng khi sự ủng hộ ông Obama giảm xuống chỉ còn hơn 40% dù đã có sự cải thiện về kinh tế trong những năm gần đây.
“Đây là cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống,” Thượng nghị sỹ Cộng hòa và có thể là ứng viên tổng thống tương lai Rand Paul nói trong chương trình Meet the Press của hãng tin NBC vào cuối tuần 01/11.
Nhưng đảng Dân chủ nói khả năng tập hợp người ủng hộ trước kỳ bỏ phiếu của họ đã được chứng minh, và điều này vẫn có thể giúp họ vào vị thế có lợi.
“Thu hút bất kỳ ai mà bạn biết, lôi kéo họ đi bầu, đừng ở nhà, đừng để bất kỳ ai khác lựa chọn tương lai của bạn,” ông Obama nói trong một chiến dịch hôm Chủ nhật.
Bầu cử giữa kỳ là do thời điểm bầu cử rơi vào giữa nhiệm kỳ tổng thống – có số người tham gia bỏ phiếu đặc biệt thấp.
Họ cũng thường ủng hộ đảng không nắm quyền hơn.
Năm nay, hơn một phần ba trong số 100 ghế Thượng viện, 435 thành viên Hạ viện, 36 trên 50 thống đốc bang, và vô số bang và chính quyền cấp địa phương sẽ đi bỏ phiếu.
Động thái được theo dõi kỹ lưỡng nhất là cuộc đua quyết định sự kiểm soát Thượng viện, trong số lưỡng viện của Quốc hội Hoa Kỳ.
Phóng viên Jane O’Brien của BBC ở Arlington, Virginia nói rất nhiều tiền của đã được đổ vào cuộc đua sát nút này, dự tính chỉ riêng trong tháng 10 khoản chi đã lên tới 200 triệu đôla Mỹ.
Người ta đang đặt tất cả vào cuộc bầu cử này và cả đất nước đang nín thở chờ đợi, cô nói thêm.
Phân tích: Jon Sopel, Biên tập viên Bắc Mỹ
Tôi đã nói chuyện với cả người ở phe Dân chủ và phe Cộng hòa và họ cùng nói một điều – họ đã chán ngán những đảng viên vờ vịt, bế tắc, việc không thể làm việc cùng nhau, mối quan hệ không hiệu quả giữa Quốc hội với tòa Bạch ốc, giữa khối lập pháp và các nhà lãnh đạo.
Tất cả những điều này gợi lên câu hỏi – nếu phe Cộng hòa nắm nghị viện thì sẽ có khác biệt gì?
Một số người dự đoán mọi chuyện sẽ như cũ, chỉ có điều là tệ hơn.
Người khác, rõ ràng là đã đọc truyện Candide – chàng ngây thơ của Voltaire và triết lý dựa trên tinh thần tích cực rằng chúng ta sẽ đi tới vùng cao nguyên đầy ánh nắng của chính trị.
Đảng Dân chủ đang chiếm đa số với 5 ghế trong Thượng viện, có nghĩa là Đảng Cộng hòa chỉ cần thắng sáu ghế để giành quyền kiểm soát.
Do đảng Cộng hòa đã thuyết phục được Hạ viện, chiến thắng ở Thượng viện sẽ cho họ quyền từ chối chính sách của ông Obama trong hai năm cuối nhiệm kỳ của ông.
Sự thiếu ủng hộ tổng thống Obama không chỉ là vấn đề duy nhất nổi bật trong cuộc bầu cử giữa kỳ này.
Sáu ghế Thượng nghị sỹ cần chú ý:
• North Carolina – Kay Hagan và Thom Tillis
• Arkansas – Mark Pryor và Tom Cotton
• Colorado – Mark Udall và Cory Gardner
• Georgia – Michelle Nunn và David Perdue
• Iowa – Joni Ernst và Bruce Braley
• Kansas – Greg Orman và Pat Roberts
Cử tri cũng bị chi phối bởi hàng loạt các mối lo khác như kinh tế, môi trường, dân nhập cư, chính sách với nước ngoài, chính sách phá thai và y tế.
Cuộc đua ghế Thượng viện căng thẳng nhất được cho là diễn ra ở North Carolina, Arkansas, Colorado, Georgia, Iowa và Kansas.
Nhìn chung, các cử tri bày tỏ sự không hài lòng trước khả năng hợp tác của cả hai đảng và những bế tắc do vấn đề này gây nên.
Nếu đảng Cộng hòa thắng và nếu Thượng nghị sỹ, thủ lĩnh phe Thiểu số Mitch Mcconnell vượt qua được kỳ bỏ phiếu để tái đắc cử, trách nhiệm chủ quản công việc hàng ngày của thượng viện sẽ thuộc về ông.
Có lẽ công việc của ông Obama càng về phía cuối nhiệm kỳ sẽ càng khó khăn hơn, khi Hoa Kỳ tập trung sang cuộc bầu cử tổng thống mới vào năm 2016. – BBC
Mỹ chặn nỗ lực của Trung Cộng muốn đàm phán một hiệp đính khác cạnh tranh với TPP
Báo Wall Street Journal cho biết Mỹ đã chặn những nỗ lực của Trung Cộng (TC) muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh sắp tới để bắt đầu các cuộc đàm phán về một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương, trong khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành ảnh hưởng trong khu vực và hàng tỉ đô la thương mại.
TC, nước chủ nhà tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm nay diễn ra vào ngày 10 và 11 tới, đã tìm cách mở rộng vai trò quốc tế của mình bằng cách thúc đẩy một hiệp ước được gọi là Khu vực Tự do Mậu dịch Châu Á Thái Bình Dương.
Khu vực tự do mậu dịch này của Bắc Kinh đã nằm trong chương trình nghị sự của APEC từ nhiều năm qua và lúc đầu được Mỹ thúc đẩy, nhưng đã bị gạt sang một bên trong khi Mỹ dồn sức vào hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của mình, hiệp định thương mại mà Mỹ đang đàm phán với 11 nước nhưng không có TC.
Bắc Kinh muốn đảm bảo họ vẫn tiếp cận được một số đối tác thương mại lớn nhất của mình, vì theo tính toán của các chuyên gia, thỏa thuận TPP của Mỹ sẽ khiến TC thiệt hại khoảng 100 tỉ đôla kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khi các nước đối tác buôn bán trao đổi ít hơn với TC.
Vụ tranh chấp về chính sách thương mại là một ví dụ nữa cho thấy Mỹ đang đối đầu với tham vọng kinh tế quốc tế của TC. Mỹ cũng đã vận động rất mạnh chống lại kế hoạch của TC mở một ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng mới mà theo lập luận của Mỹ, ngân hàng của TC có thể hạ thấp những tiêu chuẩn vốn được các ngân hàng phát triển khác như Ngân hàng Thế giới sử dụng, và có thể nhằm mục đích chủ yếu thúc đẩy các công ty của TC.
Trong một sự kiện có liên quan, vào lúc đảng Cộng hòa đang thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội, một trong những nỗ lực của ông Obama có thể được tiếp tục xúc tiến là hiệp định TPP.
Một số ý kiến cho rằng vấn đề thương mại có thể là một điểm đồng thuận hiếm hoi giữa một Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát và Tòa Bạch Ốc vì các nghị sĩ Cộng hòa thường ủng hộ mở rộng thương mại. – Theo VOA
Ngoại Trưởng Kerry họp với các đại sứ của liên minh chống IS, công du Châu Âu, Trung Đông và Châu Á
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đã họp với đại sứ của các nước ủng hộ liên minh quốc tế chống các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói rằng Ngoại trưởng Kerry họp tại Washington với khoảng 60 vị đại sứ của những nước có liên hệ đến cuộc chiến chống lại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo vì “ngoại giao là một phần quan trọng” của liên minh.
“Cuộc họp là một cơ hội để các đối tác trong liên minh tái khẳng định những nỗ lực chung trong liên minh, để thảo luận các phương thức nhằm hợp nhất các đóng góp cho nỗ lực chung của liên minh, và để xem xét lại cách thức tăng nhanh và đẩy mạnh hoạt động phối hợp của liên minh.”
Cuộc họp của liên minh để chống Nhà nước Hồi giáo – còn gọi tắt là ISIS hay ISIL – do Ðặc sứ của tổng thống – Đại tướng John Allen, và Phó Ðặc sứ của tổng thống – ông Brett McGurk, chủ trì. Hai vị đặc sứ này đã làm việc với các nước Anh, Pháp, Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập, và Oman để phối hợp các nỗ lực.
Ngoài chiến dịch không kích nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo, các đối tác trong liên minh còn phải phối hợp trong nỗ lực huấn luyện cho các lực lượng an ninh của Iraq, các lực lượng nổi dậy ở Syria, chặn đứng các nguồn tài chánh của ISIS, cắt đứt nguồn cung cấp chiến binh nước ngoài, và đả phá những luận điệu tuyên truyền ý thức hệ của tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Giáo sư Akbar Ahmed của Đại học American University tin rằng phần lớn nỗ lực chống Nhà nước Hồi giáo sẽ tập trung vào thủ lãnh bí ẩn của nhóm này là ông Abu Bakr al-Baghdadi.
“Thủ lãnh bí ẩn này là ai, người tự dưng nổi lên từ chỗ không ai biết đến, dường như vậy, theo tôi thì điều ông ta tự xưng, tự tuyên bố thật là buồn cười. Tự dưng ông ta nói cứ như là cả thế giới Hồi giáo với một tỉ rưỡi người đã bầu ông ta lên, và bây giờ phải tuân theo mệnh lệnh và chỉ thị của ông ta.”
Các lực lượng người Kurd ở Iraq đã đẩy lui các phiến quân Nhà nước Hồi giáo và tiếp tục giao tranh để giành quyền kiểm soát thị trấn Kobani ở Syria. Nhưng các lực lượng của chính phủ Iraq không tiến được nhiều, và có tin nói rằng phe nổi dậy Syria bị tổn thất. Điều này làm nhiều người tỏ ý nghi ngờ đối với mục tiêu của liên minh chống Nhà nước Hồi giáo là không đưa bộ binh vào chiến trường.
Phát ngôn viên Psaki nói rằng các tin tức về việc nhóm cực đoan này hành quyết thêm thường dân ở tỉnh Anbar của Iraq cho thấy các nỗ lực của liên minh đang trở nên cấp thiết hơn.
“Các thông tin này này một lần nữa cho thấy Nhà nước Hồi giáo không đại diện cho bất cứ cái gì ngoài ý thức hệ sai lầm của chúng, và cung cấp thêm cho chúng ta những bằng chứng, nếu cần đến, để cho thấy tại sao các đối tác trong liên minh của chúng ta, trong đó có những người Iraq của mọi phe phái, phải hợp sức với nhau để đánh bại các phần tử khủng bố này.”
Nhà phân tích Nora Bensahel của Trung tâm cho một nền an ninh mới của Mỹ nói rằng ISIS càng chiếm được nhiều lãnh thổ chừng nào, thì họ càng dễ gặp phải những sự kháng cự của dân chúng nhiều chừng nấy.
“Vấn đề của ISIS hiện nay là họ phải cai trị. Họ phải cai trị tại những nơi công khai, những nơi mà mọi người có thể thấy được những việc làm của họ. Họ ngày càng áp bức và tàn bạo. Những gì mà chúng ta từng chứng kiến hồi giữa thập niên 2000 trong cuộc chiến tranh Iraq là người Sunni không muốn sống dưới sự cai trị của chủ nghĩa cực đoan của nhóm al-Qaida ở Iraq. Và chủ trương của Nhà nước Hồi giáo thậm chí còn cực đoan hơn.”
Cuộc nói chuyện của Ngoại trưởng Kerry với các đại sứ của các nước liên minh diễn ra tiếp theo sau cuộc họp hồi tháng trước của Tổng thống Obama với bộ trưởng quốc phòng của các nước liên minh. Tại cuộc họp đó nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng đây sẽ là một chiến dịch trường kỳ, trong đó sẽ có những lúc tiến và những lúc lùi.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sau đó thực hiện chuyến du hành sang Châu Âu, Trung Đông và Châu Á để thảo luận về những vấn đề hợp tác kinh tế, an ninh và y tế toàn cầu.
Chặng dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Kerry trong chuyến công du này là Paris. Tại thủ đô Pháp, ông Kerry sẽ thảo luận với Ngoại trưởng Laurent Fabius về nhiều vấn đề, từ vụ rối loạn ở Ukraine, dịch Ebola, cho tới cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.
Nhà phân tích Robert Manning của Hội đồng Đại tây dương ở Washington cho rằng cuộc thảo luận về Nhà nước Hồi giáo có thể đưa tới việc nới rộng những nỗ lực xây dựng liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu.
“Tôi tin là sẽ có một số áp lực đòi Châu Âu tham gia nhiều hơn vào nỗ lực này.”
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chặng dừng chân ở Paris cũng sẽ giúp ông Kerry có cơ hội để bàn với ông Fabius về cuộc thương thuyết hạt nhân Iran, trước khi ông Kerry tham dự cuộc họp tay ba tại Oman với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Ủy viên Đối ngoại Liên hiệp Châu Âu Catherine Ashton.
Tại một cuộc hội thảo ở Washington hồi tuần trước, Ngoại trưởng Kerry nói rằng mục tiêu tối hậu là đóng kín 4 “con đường” mà Iran đang theo đuổi để có được vũ khí hạt nhân.
“Hiện có 4 con đường để Iran có được một quả bom hạt nhân: cơ sở bí mật dấu kín bên trong một ngọn núi gọi là Fordow, cơ sở tinh luyện công khai ở Natanz, lò phản ứng nước nặng chạy bằng plutonium ở Arak, và những hoạt động lén lút.”
Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ tới Bắc Kinh để dự hội nghị Bộ trưởng của khối APEC, trước khi Tổng thống Barack Obama thực hiện chuyến công du Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết trong lúc có mặt ở Bắc Kinh, ông Kerry cũng sẽ thảo luận về những vấn đề ưu tiên đối với Hoa Kỳ như năng lượng sạch, an ninh mạng và thăng tiến sức mạnh kinh tế của phụ nữ. – VOA