Tin Thế Giới – 4/10/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 4/10/2014

Hong Kong ra lệnh cho người biểu tình rút khỏi đường phố, lo sợ bạo động leo thang

Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh ra lệnh cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ phải rút khỏi các đường phố, bắt đầu vào thứ Hai. Ông nói đường phố và các cổng vào bị người biểu tình án ngữ phải được được mở lại.

Tuyên bố hôm thứ Bảy được đưa ra sau ngày thứ nhì xảy ra các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và các ‘cư dân’ chán ngán cảnh công việc và sinh hoạt của họ bị gián đoạn.

Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữa 19 người liên can đến các cuộc bạo động, mà tin nói là đã làm ít nhất 18 người bị thương, trong đó có một số cảnh sát viên. Cảnh sát nói một số người bị bắt có thể có liên hệ với băng nhóm tội phạm có tổ chức tên Tam Hoàng.

Trưởng cơ quan an ninh Hồng Kông Lai Tung-kwok hôm thứ bảy bác bỏ những tố cáo nói rằng chính quyền thành phố sử dụng các băng đảng tội phạm có tổ chức để chống lại những người biểu tình, để đẩy họ ra khỏi các đường phố. Ông nói tố cáo đó là những tin đồn hoàn toàn vô căn cứ và bất công.

Hàng chục ngàn người biểu tình, phần lớn là sinh viên, đã chiếm các đường phố nhộn nhịp nhất ở Hồng Kông hơn một tuần qua, gây cản trở các hoạt động giao thông và buôn bán.

Người biểu tình đòi Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh từ chức, và đòi Trung Quốc phải để cho cuộc bầu cử năm 2017 được dân chủ.

Các sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ đã ngưng đối thoại với chính phủ Hồng Kông sau khi xô xát xảy ra với những người chống lại các cuộc biểu tình.

Hiệp hội Sinh viên Hồng Kông nói giới hữu trách đã không ngăn chặn “các vụ tấn công có tổ chức” nhắm vào người biểu tình tại nhiều địa điểm biểu tình chính, trong đó có khu Mong Kok.

Xô xát xảy ra khi hàng trăm người ủng hộ Ðảng Cộng sản đương quyền tấn công một địa điểm biểu tình ở Mong Kok, phá dỡ lều trại và biểu ngữ của người biểu tình.

Hôm nay, 04/10/2014, vẫn rất căng thẳng, với mối lo ngại bạo động leo thang sau các vụ đụng độ hôm qua giữa những người biểu tình đòi dân chủ và những người dân bực tức phong trào phản kháng. Trong số những người dân này, trà trộn rất nhiều người thuộc phe thân Bắc Kinh và côn đồ, bị nghi là nhận tiền của mafia Trung Quốc.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án thái độ thụ động của cảnh sát Hồng Kông, đã để mặc cho những người biểu tình, thường là rất trẻ và không vũ trang, bị đám đông thù nghịch hành hung thô bạo, mà trong số đó có những kẻ bịt mặt, bị nghi là được trả tiền để phá vỡ phong trào biểu tình.

Theo hãng tin AFP, nhiều nhân chứng khác nhau khẳng định đã xảy ra nhiều vụ tấn công tình dục nhắm vào những người biểu tình đòi dân chủ tại nhiều nơi trong thành phố, vốn được xem là một trong những nơi an toàn nhất thế giới. – VOA, RFI

Hai miền Triều Tiên ‘đồng ý đàm phán’

Bắc Hàn và Nam Hàn đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán chính thức cấp cao vốn đã bị đình lại kể từ hồi tháng Hai, các tường thuật từ Nam Hàn nói.

Thỏa thuận được đưa ra trong chuyến viếng thăm bất ngờ của các quan chức Bắc Hàn tới Nam Hàn nhằm tham dự lễ bế mạc đại hội thể thao Asiad Games.

Chuyến đi do hai quan chức cao cấp hàng đầu của Bắc Hàn dẫn đầu, những người được coi là thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Được biết cả hai bên đã đồng ý sẽ tái kiến trong vòng vài tuần tới.

Hwang Pyong-so, được coi như người đàn ông chỉ đứng thứ nhì về quyền lực tại Bắc Hàn, đã có các cuộc hội đàm với Ryoo Kihl-jae, Bộ trưởng Thống nhất của Nam Hàn trong hôm thứ Bảy sau khi bay tới Incheon để tới dự sự kiện thể thao.

Ông Hwang là quan chức chính trị cao cấp nhất trong Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Hai thành viên khác trong phái đoàn Bắc Hàn là Choe Ryong-hae và Kim Yang-gon, là các thành viên then chốt trong Đảng Lao động cầm quyền.

Hiện chưa rõ nội dung gì đã được nêu ra trong cuộc gặp gỡ và cả hai bên đều không bình luận công khai gì về các cuộc thảo luận.

Phóng viên BBC Stephen Evans tại Seoul nói các cuộc đàm phán là một bước đột phá, nếu nhìn tới mức độ sỷ nhục mà miền Bắc trút lên phía miền Nam trong những năm gần đây.

Quan hệ hai bên trên thực tế là đã không hề có gì trong suốt bốn năm, nhưng những khó khăn kinh tế của miền Bắc đã buộc nước này phải thay đổi chiến thuật.

Tin tức được đưa ra giữa lúc có những đồn đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo Bắc Hàn.

Ông Kim đã không xuất hiện trước công chúng kể từ hôm 3/9. Một bộ phim tài liệu gần đây cho thấy ông đi tập tễnh.

Bắc Hàn đã tiến hành thử tên lửa và thử hạt nhân kể từ khi các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đổ bể hồi 2008.

Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật là vẫn đang có chiến tranh kể từ cuộc chiến 1950-53 chấm dứt lệnh đình chiến. – BBC

IS tung video chặt đầu người thứ tư, một tài xế Anh — Anh, Mỹ, LHQ lên án

Một đoạn video chứng tỏ con tin người Anh Alan Henning bị chặt đầu đã được các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tung ra.

Ông Henning là một tài xế taxi đến từ Salford. Lúc bị IS bắt cóc và bắt làm con tin hồi tháng 12, ông đang phân phát hàng cứu trợ ở Syria.

IS đã dọa giết ông trong một đoạn băng hồi tháng trước chiếu cảnh hành quyết một người Anh khác là ông David Haines.

Trong đoạn băng này họ đe dọa tiếp đến nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig.

‘Làm mọi thứ có thể’

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết Anh sẽ làm tất cả mọi thứ có thể ‘để truy tìm những kẻ sát nhân này và đưa chúng ra trước công lý’.

Ông Cameron nói rằng việc sát hại ông Henning, 47 tuổi và là cha của hai đứa con, cho thấy IS ‘man rợ và kinh tởm’ như thế nào.

“Tâm trí và lời cầu nguyện của tôi đêm nay hướng về Barbara, vợ của Alan, các con của họ và tất cả những người yêu mến ông ấy,” ông nói.

“Alan đã đến Syria để giúp đưa hàng cứu trợ đến tất cả những người thuộc mọi tôn giáo khi họ cần sự giúp đỡ.”

Trước đó, bà Barbara đã thỉnh cầu IS thả chồng bà và nói rằng ông vô tội.

Trước Henning, IS đã tung video hành quyết hai nhà báo người Mỹ là James Foley và Steven Sotloff và nhân viên cứu trợ người Anh David Haines.

Đoạn băng được tung ra hôm 3/10 vẫn chưa được kiểm chứng nhưng trong đó dường như ông Henning đang quỳ cạnh một chiến binh mặc đồ đen giữa bối cảnh là sa mạc.

Đoạn băng kết thúc với cảnh chiến binh IS đe dọa một người nữa có tên là Kassig.

Trong một thông cáo báo chí, gia đình Kassig cho biết ông đã cải sang đạo Hồi và nay có tên là Abdul Rahman Kassig.

Họ kêu gọi mọi người trên khắp thế giới cầu nguyện để ông được thả cũng như cho ‘tất cả những người vô tội đang bị bắt làm con tin ở Trung Đông và trên toàn thế giới’.

Họ cũng kêu gọi cầu nguyện cho gia đình Henning: “Chúng tôi đã đọc về những việc làm của Henning và tấm lòng rộng lượng của ông với tất cả tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ.”

Phóng viên an ninh BBC Gordon Corera nói đoạn băng này cũng giống như những đoạn băng trước do IS tung ra mặc dù nó có ngắn hơn chút ít.

Ông nói trong đoạn băng có đề cập đến việc Quốc hội Anh hồi tuần trước bỏ phiếu cho phép không kích IS ở Iraq.

‘Nói giọng Anh’

Cũng giống như các đoạn băng trước, chiến binh IS xuất hiện trong đoạn băng này nói giọng Anh, ông nói thêm.

Bộ Ngoại giao Anh ra thông cáo nói: “Chúng tôi đã biết về đoạn băng và đang khẩn trương xác thực nó.”

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ gia đình (Henning) mọi thứ có thể. Họ đã yêu cầu được yên tĩnh trong lúc này.”

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án vụ hành quyết này và gọi đây là ‘vụ sát hại dã man’ và rằng đây là ‘mất mát’ đối với nhân dân Syria mà ông Henning đã giúp đỡ.

Tiến sỹ Shuja Shafi, tổng thư ký Hội đồng Hồi giáo Anh, viết trên Twitter: “Tôi đau buồn trước tin về cái chết của Alan Henning. Đây là một hành động đau lòng và đê hèn. Ông ấy đã giúp đỡ những người Hồi giáo. Suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi hướng về gia đình ông.”

Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg gửi lời ‘chia buồn chân thành’ đến gia đình ông Henning và nói: “Chúng ta quyết tâm đánh bại bọn ác quỷ này.”

Hồi đầu tuần, bà Henning cho biết bà đã nhận được một tin nhắn thâu âm của chồng bà van xin cứu mạng.

Bà Henning nói một số người cho rằng chồng bà đã đến không đúng chỗ vào thời điểm không đúng lúc nhưng bà nói: “Anh ấy đã đến đúng nơi vào đúng lúc.”

Vào ngày 3/10, cha của một con tin người Anh khác, nhà báo John Cantlie, đã kêu gọi thả con ông về với ‘những người thân yêu’.

Các máy bay của Không quân Hoàng gia Anh đã đánh trúng các mục tiêu IS hôm 30/9, bốn ngày sau khi Quốc hội cho phép Chính phủ Anh tham gia vào chiến dịch quân sự.

Máy bay Anh đã bay hàng ngày trên bầu trời Iraq và thực hiện các vụ tấn công vào các vị trí có phương tiện vận chuyển và vũ khí để hỗ trợ cho quân đội của người Kurd.

Hôm thứ Sáu, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron lên án vụ chặt đầu.

Một thông cáo của Hội đồng Bảo an nói rằng “tội ác này là một lời nhắc nhở đau xót về những nguy hiểm đang gia tăng mà các nhân viên cứu trợ thiện nguyện phải đối diện” ở Syria, và nó “cho thấy sự tàn bạo” của các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Obama cực lực lên án hành động “giết người dã man,” và ông hứa rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ tiếp tục hành động để làm suy yếu và đập tan Nhà nước Hồi giáo. – BBC, VOA

Thuỵ Điển công nhận Palestine

Hoa Kỳ nói rằng việc tân chính phủ Thụy Ðiển công nhận một nhà nước Palestine là “quá sớm.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki hôm thứ Sáu nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ nhà nước Palestine, nhưng điều đó “chỉ có thể đạt được từ kết quả đối thoại” giữa hai bên.

Phát ngôn viên Psaki nói người Israel và người Palestine phải là hai bên “thỏa thuận với nhau những điều kiện làm thế nào để họ có thể sống trong hai nhà nước trong tương lai.”

Thủ tướng Thụy Ðiển Stefan Lofven hôm thứ Sáu phát biểu trước quốc hội trong lễ nhậm chức rằng giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine đòi hỏi “hai bên phải công nhận nhau và quyết tâm cùng chung sống hòa bình.”

Ông Lofven nói “vì vậy Thụy Ðiển sẽ công nhận nhà nước Palestine.” Tuy nhiên chưa rõ khi nào thì việc công nhận đó sẽ trở thành chính thức.

Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riad Malki hoan nghênh loan báo của ông Lofven. Ông Malki kêu gọi các nước khác trong Liên hiệp Âu châu làm theo gương của Thụy Ðiển.

Thụy Ðiển là thành viên quan trọng đầu tiên của Liên hiệp Âu châu công nhận Palestine, trong khi một số nước Đông Âu công nhận Palestine trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Hơn 100 quốc gia công nhận nhà nước của người Palestine.

Loan báo của Thụy Ðiển đưa ra vào dịp bắt đầu mùa lễ Yom Kippur của Israel. Chưa có một người phát ngôn của chính phủ Israel lên tiếng về vấn đề này. – VOA