Tin Thế Giới – 3/2/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 3/2/2015

Giao tranh mới ở miền đông Ukraine, ít nhất 8 người thiệt mạng – Các học giả Mỹ hối thúc cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine

Các giới chức ở miền đông Ukraine cho hay các cuộc giao tranh mới lại nổ ra trong khu vực này giữa quân đội Ukraine và các phần tử đòi ly khai thân Nga làm ít nhất 8 người thiệt mạng.

Các giới chức ở Kiev và phe nổi dậy nói ít nhất 22 bị thương trong các vụ bắn đạn pháo dữ dội trong 24 giờ đồng hồ qua.

Bà Valentine Voloshina, một cư dân Donetsk, nói: “Đạn pháo bắn khắp nơi, mảnh bom đạn tưới tung. Từ trên xuống, mọi thứ đã cháy hết. Quần áo chúng tôi còn mặt trên người, như qúy vị thấy đây, là tất cả những gì còn lại của chúng tôi.”

Giao tranh tiếp diễn tại các khu vực mà những người nổi dậy tự tuyên bố ly khai ở Donetsk và Luhansk, nhất là xung quanh thị trấn Debaltseve do Ukraine kiểm soát, kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình ở Belarus giữa chính phủ Ukraine và những người đòi ly khai thất bại hôm thứ Bảy.

Có những lo ngại là bạo động sắp leo thang. Hôm thứ Hai, thủ lãnh của phe đòi ly khai thân Nga tuyên bố “tổng động viên” với mục tiêu tuyển đến 100.000 chiến binh để tăng cường cho các lực lượng vũ trang của những người đòi ly khai.

Trong khi đó, Hoa Kỳ chưa quyết định liệu có cung cấp cho chính phủ Ukraine các loại vũ khí sát thương để hỗ trợ cho nước này chống các phần tử đòi ly khai hay không.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Hoa Kỳ chưa quyết định về việc có thay đổi hay không cách ứng phó đối với vụ xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, các học giả về chính sách ngoại giao Mỹ đến thăm Ukraine hồi gần đây, nói đã đến lúc Hoa Kỳ nên cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để đẩy lui điều họ gọi là sự xâm lăng của Nga. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington, thông tín viên Đài VOA Pam Dockins tường thuật.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Jen Psaki, nói giữa lúc Hoa Kỳ tiếp tục thẩm định chính sách đối với Ukraine, Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm về những vụ bạo động mỗi ngày một nhiều của các phần tử đòi ly khai và những mưu toan nhằm nới rộng phần đất mà họ kiểm soát.

“Đương nhiên, chúng tôi xem xét tới những sự việc ở thực địa và những sự kiện đang tiếp diễn.”

Bà Psaki nói trọng tâm vẫn là tìm kiếm những giải pháp chính trị và ngoại giao, và Hoa Kỳ cùng với các nước đồng minh Tây phương không có lợi ích gì trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga.

“Mục đích của chúng tôi là thay đổi những hành vi của Nga. Đó là lý do tại sao chúng tôi áp dụng các biện pháp chế tài.”

Bên cạnh việc chế tài Nga, Hoa Kỳ cũng giúp đỡ cho Ukraine qua việc cung cấp hơn 118 triệu đô la để huấn luyện và viện trợ không sát thương.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Stephen Pifer thuộc Viện Brookings, đã đến lúc Hoa Kỳ thay đổi đường lối.

“Chúng tôi đã khuyến cáo chính phủ Mỹ cũng nên thay đổi chính sách hiện nay là chỉ cung cấp viện trợ phi sát thương để cung cấp viện trợ sát thương có tính chất phòng vệ.”

Ông Pifer là thành viên của một nhóm chuyên gia Mỹ về chính sách ngoại giao đã gặp các giới chức chính phủ tại Brussels và Ukraine, nơi họ thảo luận về vấn đề cần phải cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine.

“Yêu cầu lớn nhất của Ukraine trong lãnh vực này là những vũ khí nhẹ chống xe bọc sắt. Kho vũ khí loại này của Ukraine đã cũ hơn 20 năm, và chúng tôi được cho biết là khoảng 3 phần 4 số vũ khí này không sử dụng được.”

Ông Pifer và những thành viên khác của nhóm cũng hối thúc Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái, ra-đa có thể khám phá và xác định vị trí của những hệ thống phóng rốckết, và xe Humvees bọc sắt.

Nhóm này đã trình bày những kết luận của họ tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, một tổ chức cổ xúy cho sự lãnh đạo có tính chất xây dựng và sự chủ động giao tiếp trong các vấn đề quốc tế. – VOA

Mỹ áp dụng lệnh cấm mới với các giới chức Venezuela – Cuba công bố hình ảnh mới của Fidel Castro

Hoa Kỳ vừa áp dụng các lệnh hạn chế thị thực nhập cảnh mới đối với các giới chức Venezuela và thân nhân của họ mà Hoa Kỳ nói là có dính líu trong các vụ vi phạm nhân quyền hay tham nhũng.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai nói rằng một thông điệp rõ ràng được gởi đi là những người vi phạm nhân quyền “không được đón tiếp ở Hoa Kỳ.” Bộ Ngoại giao không xác định các mục tiêu của lệnh hạn chế mới này.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã mạnh mẽ chỉ trích các lệnh hạn chế này hôm thứ Hai. Ông nói đó là một nỗ lực vi phạm chủ quyền của Venezuela. Ông Maduro cho biết ông sẽ gởi công văn cho Tổng thống Barack Obama về vấn đề này.

Quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Venezuela lại càng căng thẳng hơn nữa trong những ngày qua khi ông Maduro tố cáo Phó Tổng thống Joe Biden âm mưu lật đổ chính quyền của ông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki gọi tố cáo đó của Venezuela là “vô căn cứ và không có thật.”

Nhà khoa học chính trị Venezuela Eduardo Martinez nói với đài VOA bối cảnh trở nên khó hiểu khi Tổng thống Maduro tố cáo ông Biden theo cách nhấn mạnh đến việc ông Biden mới đây đã gặp gỡ với ông Maduro.

Tháng trước ông Maduro và ông Biden đã bắt tay nhau tại một hội nghị ở Brazil và đã bày tỏ mong muốn làm ấm lại các mối quan hệ giữa hai nước.

Trong khi đó, Cuba vừa công bố những hình ảnh mới của cựu lãnh tụ Fidel Castro, lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái, giữa lúc có những đồn đại mới rằng sức khỏe của ông đang suy yếu.

Những bức ảnh mới, được đăng tải trên nhật báo Granma của Ðảng Cộng sản số ra hôm thứ Hai, mô tả ông Castrol, 88 tuổi, đang nói chuyện với một thủ lãnh sinh viên tại tư gia của ông, mà nhật báo này nói là được chụp hồi tháng trước.

Một giáo sư thần học người Brazil gặp ông Castrol hồi tháng trước nói rằng cựu lãnh tụ Cuba trông gầy ốm, nhưng sức khỏe vẫn tốt và minh mẫn.

Ông Fidel Castro giao quyền hành lại cho em trai Raul của ông năm 2006 do sức khỏe suy giảm, và từ đó thường ít xuất hiện hay phát biểu trước công chúng.

Lần xuất hiện trước công chúng mới đây nhất của ông Fidel đã cách nay hơn một năm.

Cựu lãnh tụ Castrol mới đây đã phá vỡ sự im lặng kéo dài vào tháng 12 năm ngoái, khi em trai của ông và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố lịch sử rằng Havana và Washington sẽ chấm dứt thời kỳ 50 năm thù địch Chiến tranh lạnh và khôi phục lại các mối quan hệ ngoại giao.

Ông Fidel Castro nói rằng ông không phản đối sự đột phá ngoại giao mới đây giữa hai nước. – VOA

Tin Hoa Kỳ – Ngân sách ngoại giao Mỹ chỉ bằng 10% ngân sách quốc phòng

Trong đề nghị ngân sách 4.000 tỉ đô la do Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đưa ra, có hơn 50 tỉ được dành riêng cho những nỗ lực ngoại giao và viện trợ trên khắp thế giới. Theo tường thuật của thông tín viên Sharon Behn của đài VOA tại Bộ Ngoại giao ở Washington, các nhà phân tích nói rằng khoản tiền đó chỉ bằng 10% ngân sách được đề nghị cho Bộ Quốc phòng.

Trong đề nghị ngân sách năm 2016 mà Tổng thống Obama trình cho Quốc hội, khoản tiền dành cho các hoạt động ngoại giao và những chương trình ngoại viện chỉ chiếm 1%.

Bà Heather Higginbottom, Phó Bộ trưởng Ngoại giao đặc trách Quản lý và Nguồn lực, hôm thứ hai nói rằng Washington cần bảo đảm là có đủ tiền được dành riêng cho mục tiêu duy trì vị thế lãnh đạo và ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới.

“Yêu cầu ngân sách của chúng tôi phản ảnh những gì cần có để bảo đảm là nước Mỹ tiếp tục chủ động giải quyết rất nhiều vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới nền an ninh, sự thịnh vượng và những giá trị của người dân nước Mỹ.”

Hầu hết các khoản tiền được yêu cầu dành cho những nỗ lực ngoại giao và viện trợ của Washington phát sinh từ những thách thức hiện có về an ninh quốc gia, những cam kết an ninh đối với các nước đồng minh và các quốc gia đối tác, ngăn ngừa xung đột, ngăn chận nạn phổ biến vũ khí hạt nhân, và những hoạt động duy trì hòa bình toàn cầu.

Bà Higginbottom nói rằng một khoản tiền khác, trị giá 7 tỉ đô la, đã được yêu cầu dành cho những hoạt động bất ngờ ở nước ngoài, gọi tắt là OCO, để ứng phó với những đòi hỏi cấp bách và bất thường trong lãnh vực an ninh quốc gia.

“Những khoản tiền dành cho OCO sẽ hỗ trợ cho những chương trình và những hoạt động rất cần thiết Afghanistan, Pakistan và Iraq cũng như những phí tổn ngoại lệ có liên hệ tới những nỗ lực của chúng tôi để chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, ứng phó với vụ xung đột ở Syria và hỗ trợ cho Ukraine.”

Bà Higgibottom nói rằng yêu cầu ngân sách năm nay cao hơn năm ngoái 6%. Nhưng bà Jennifer Harris, một nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói rằng ngân sách liên bang dành cho hoạt động ngoại giao chưa bằng 10% ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng.

“Tôi không nghĩ rằng bản chất của những thách thức lớn nhất mà nước Mỹ đối mặt trên thế giới hiện nay là nghiêng hẳn về mặt quân sự, và do đó, việc dành 90% tiền bạc cho các khí tài quân sự trong lúc đó là một lãnh vực mà nước Mỹ đã chiếm vị thế thượng phong tuyệt đối không phải là một sự đầu tư khôn khéo.”

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhiều lần nói rằng những vấn đề ở Afghanistan, Iraq, Syria và những nơi khác bị tác động bởi bạo lực không thể được giải quyết chỉ bằng sức mạnh quân sự mà thôi.

Nhưng bà Harris cho rằng chỉ gia tăng ngân sách của Bộ Ngoại giao không thôi không hẳn là có thể giải quyết vấn đề. Bà nói rằng những chướng ngại của guồng máy hành chánh và những mối quan hệ căng thẳng với quốc hội đã làm cho nhiều cơ hội bị đánh mất trong quá khứ.

“Những sự linh động trong cách thức sử dụng ngân sách của Bộ Ngoại giao hay của Bộ Quốc phòng cũng có tầm quan trọng tương đương hoặc cao hơn số tiền của các ngân sách đó.”

Theo dự liệu, Tổng thống Obama sẽ phải đương đầu với những sự chống đối mạnh mẽ của các nhà lập pháp về một số điểm trong đề nghị ngân sách của ông khi Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát tiến hành những cuộc biểu quyết về dự luật ngân sách. – VOA