Tin Thế Giới – 31/3/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 31/3/2015

Đàm phán hạt nhân Iran còn nhiều bất đồng vào giờ chót

Các cuộc đàm phán để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran trong những giờ phút cuối cùng trước hạn chót là khuya thứ ba, với các phái đoàn đến từ Iran và 6 cường quốc thế giới, đang tìm cách đúc kết 18 tháng đàm phán thành một bản dự thảo phác hoạ một thỏa thuận toàn diện.

Các giới chức ở Lausanne, Thụy Sĩ, đã bày tỏ những phản ứng lẫn lộn giữa hy vọng và sự thận trọng về những việc còn phải làm để khắc phục những bất đồng về những điểm như thỏa thuận này sẽ kéo dài trong bao lâu, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran nên được dỡ bỏ theo tốc độ nào, và phải làm gì nếu Iran vi phạm các điều kiện trong thoả thuận.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói “một số vấn đề khó khăn” vẫn tồn tại, trong khi thương thuyết gia chính của Iran, ông Abbas Aragchi, bày tỏ hy vọng rằng có thể đạt được một thỏa thuận vào ngày hôm nay hoặc ngày mai, thứ tư.

Iran và nhóm cường quốc gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và Đức trong quá khứ đã nhiều lần hoãn lại hạn chót đã đặt ra, nhóm này đã làm như vậy hai lần kể từ khi tán đồng một thỏa thuận hạt nhân tạm thời vào tháng 11 năm 2013.

Nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf hôm thứ Hai nói rằng hai bên đang tập trung vào việc duy trì hạn chót thứ ba hiện nay.

Sau khi có được hiệp định khung, các cuộc đàm phán bổ sung sẽ được thực hiện để soạn thảo hiệp định chung cuộc vào cuối tháng Sáu này. – VOA

Chính quyền quân sự Thái Lan sắp bỏ thiết quân luật

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thông báo đã xin quốc vương Bhumibol Adulayej bãi bỏ tình trạng thiết quân luật, ban hành từ tháng 5/2014. Tuy nhiên, đây chỉ là một chiến thuật xoa dịu bất bình của công luận: Một sắc lệnh mới sẽ được ban hành để thay thế thiết quân luật.

Hôm nay 31/03/2015, trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại Bangkok, tướng Chan-ocha, lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền, tuyên bố ông đã trình quốc vương đề nghị bãi bỏ lệnh thiết quân luật. Quyết định nằm trong tay vua Bhumibol Adulayej.

Thiết quân luật ban hành vào ngày 22 tháng 5 năm 2014, hai ngày trước cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck, cho phép quân đội bắt giam, truy tố ra tòa án quân sự, kiểm duyệt báo chí và cấm các cuộc tập họp chính trị quá 5 người.

Theo AFP, từ nhiều tháng nay, các nước phương Tây, giới công kỹ nghệ đầu tư tại Thái Lan và công ty du lịch thúc giục tập đoàn quân sự bãi bỏ luật giới hạn tự do này.

Lãnh vực du lịch của Thái Lan, nguồn ngoại tệ hàng đầu của vương quốc đã bị thiệt hại nặng nề vì các cuộc biểu tình của hai phe Áo vàng , Áo đỏ suốt năm 2014.

Tuy nhiên, dù có bãi bỏ thiết quân luật, tập đoàn quân sự Thái Lan vẫn còn một vũ khí khác để thay thế. Theo AFP, đó là điều 44 trong bản dự thảo Hiến pháp cho phép lãnh đạo tập đoàn quân sự toàn quyền hành động nhân danh an ninh quốc gia. Trong tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh, tướng Chan-ocha có quyền áp đặt bằng sắc lệnh, không cần thông qua quốc hội.

Thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha nói rằng quân đội nước này sẽ vẫn duy trì quyền lực tối cao.

Thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha nói rằng Quốc Vương Bhumibol Adulyadej, hiện đang không được khỏe, sẽ quyết định có gỡ bỏ thiết quân luật này và thay vào đó bằng một lệnh hành chính mới hay không.

Giới quan sát nhận định việc Quốc Vương nước này chuẩn thuận việc gỡ bỏ tình trạng thiết quân luật chỉ mang tính thủ tục.

Cựu lãnh đạo quân đội nói rằng “Một lệnh mới (để thay lệnh giới nghiêm) sẽ được ban hành sớm”.

Luật này cho phép truy tố và mang ra xử tại tòa án binh những ai bị cáo buộc vi phạm về an ninh và xúc phạm hoàng gia và người bị xử không có quyền kháng cáo.

Truyền thông Thái Lan bị kiểm duyệt và trấn áp mạnh trong khi chính quyền cấm các cuộc tụ tập có mục tiêu chính trị với hơn 5 người tham gia.

Cùng ngày 31/3, chính phủ do giới quân nhân lãnh đạo ở Thái Lan ra lệnh tạm tước giấy phép của hai đài truyền hình là Peace TV và 24 News.

Chính quyền nói hai đài này, có quan hệ với phe Áo Đỏ ở Thái Lan, sẽ bị ngưng hoạt động bảy ngày vì ‘vi phạm quy định của chính quyền’.

Ông Jatuporn Prompan, người dẫn chương trình tại Peace TV bị cho là có các phát biểu phê phán chính quyền mạnh mẽ về chuyện thiếu vắng tự do báo chí.

Giới chỉ trích nói lệnh mới để thay thế có thể thậm chí còn hà khắc hơn cả thiết quân luật. – RFI, BBC

Bất ngờ phút chót: Đài Loan muốn gia nhập Ngân hàng AIIB của TC

Hơn 40 nước đã ghi tên vào danh sách các nước muốn trở thành hội viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu, một định chế tài chánh nhiều tỉ đô la do TC dẫn đầu, được gọi tắt là AIIB. Chỉ vài ngày trước thời hạn chót, liên bang Nga đã công khai bày tỏ ý định gia nhập, và trong một diễn tiến bất ngờ vào phút cuối, đối thủ chính trị của TC là Đài Loan cho biết họ cũng muốn tham gia. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường thuật.

Nỗ lực của Đài Loan để trở thành hội viên sáng lập của ngân hàng của Bắc Kinh được thực hiện tối thứ hai, một ngày trước thời hạn chót. Hiện chưa rõ Bắc Kinh có chấp nhận đơn xin gia nhập này hay không.

Thủ tướng Đài Loan Mao Trị Quốc nói rằng đơn xin gia nhập được gởi qua các kênh mà đôi bên lâu nay vẫn thường dùng để liên lạc với nhau.

Thủ tướng Mao nói rằng nếu có thể tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu với một cung cách không phương hại tới phẩm giá quốc gia thì việc này phù hợp với quyền lợi quốc gia của Đài Loan.

Đài Loan không phải là một nước hội viên của Liên Hiệp Quốc hay của bất kỳ tổ chức nào giống AIIB, như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á Châu.

TC và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng bang giao song phương đã được cải thiện rất nhiều kể từ khi ông Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng được bầu làm tổng thống vào năm 2008.

AIIB đòi hỏi hội viên phải có tư cách quốc gia trong lúc Bắc Kinh xem đảo quốc tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Đó là khó khăn thứ nhất. Nhưng vị tổng thống của Đài Loan còn gặp phải một vấn đề khó khăn hơn nữa là làm thế nào để tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong nước đối với vấn đề này.

Tại Bắc Kinh, ông Thời Ân Hoằng, giáo sư chính trị học của Đại học Nhân dân, cho biết việc này cũng chẳng phải là một việc dễ dàng đối với TC.

“Theo quan điểm của Trung Quốc, việc này sẽ chứng tỏ thiện chí của họ đối với các mối quan hệ xuyên eo biển. Mặt khác, nếu họ phản đối sự gia nhập của Đài Loan thì điều đó sẽ làm cho họ bị mất đi một cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trên đảo Đài Loan.”

Sự hấp dẫn chính yếu đối với những những nước muốn tham gia ngân hàng này là những cơ hội to lớn về kinh doanh ở Á Châu trong lãnh vực cơ sở hạ tầng. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Á Châu, châu lục này mỗi năm cần chi tiêu 800 tỉ đô la cho các dự án xây dựng đường sá, hải cảng, nhà máy điện và những cơ sở hạ tầng khác.

Truyền thông nhà nước TC cho biết những nước muốn trở thành hội viên sáng lập bao gồm các nước ở Phi châu, Châu Âu, Nam Mỹ, Á Châu và vùng Thái Bình Dương. Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện giờ chưa quyết định có tham gia hay không, nhưng nhiều nước đồng minh của họ ở Châu Âu và Á Châu đã gia nhập. Tokyo và Washington nói rằng họ quan tâm về vấn đề ngân hàng này sẽ được quản trị như thế nào và ngân hàng sẽ làm gì để bảo vệ cho môi trường và các phúc lợi xã hội.

Chỉ trong vòng vài tháng con số những nước muốn trở thành hội viên sáng lập đã tăng gần gấp đôi. Giáo sư Thời Ân Hoằng cho biết sự gia tăng nhanh chóng này đã vượt khỏi sự trông đợi của TC và giúp cho Bắc Kinh giành được ưu thế trên trường ngoại giao. Mặc dầu vậy, ông cũng nói rằng việc này vừa có lợi vừa có hại.

“Sự gia nhập của các cường quốc Châu Âu cùng với Nam Triều Tiên và Australia sẽ làm cho vai trò lãnh đạo của Trung Quốc bị giảm đi rất nhiều.”

Quyết định của Nga cũng có một tác động tương tự. Giáo sư Thời cho biết Moscow lâu nay vẫn có thái độ nghi ngại đối với Sáng kiến Con đường Tơ lụa của TC và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á. Ông cho rằng sự tham gia của Nga vào ngân hàng AIIB có thể làm giảm bớt những sự nghi ngại đó, nhưng cũng mang lại một số rủi ro.

“Tôi không nghĩ rằng sự tham gia của Nga sẽ là một yếu tố tích cực cho sự vận hành của ngân hàng hay sự làm ra các luật lệ; bởi vì nước Nga, nói một cách tổng quát, là một con ngựa bất kham trong lãnh vực này.”

Đối với Nga, gia nhập AIIB là một cơ hội tốt cho những hoạt động đầu tư và thương mại ở Á Châu trong lúc kinh tế của họ đang bị khốn đốn vì những biện pháp chế tài quốc tế vì vụ khủng hoảng Ukraine và vì giá dầu lửa bị tuột dốc. – Theo VOA

Tin Hoa Kỳ – Biển Đông: Cựu cố vấn Mỹ Kissinger “tiếp tay” cho TC

Cựu Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống Richard Nixon Henry Kissinger thường bị đánh giá là thân TC. Suy nghĩ này một lần nữa có thể được kiểm chứng qua đề nghị mới nhất hôm 28/03/2015 của ông liên quan đến tranh chấp Biển Đông, bị cho là đã “tiếp tay” cho Bắc Kinh trong mưu đồ thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, trong một cuộc gặp gỡ với giới báo chí ở Singapore, bên lề tang lễ cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Kissinger đã khuyên TC và Hoa Kỳ nên theo gương cố lãnh đạo TC Đặng Tiểu Bình để giảm thiểu tình trạng căng thẳng, liên quan đến các tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các láng giềng tại vùng Biển Đông.

Đề nghị của tác nhân tiến trình hòa giải Bắc Kinh-Washington vào đầu thập niên 1970 thoạt nhìn rất có lý. Kissinger cho rằng Đặng Tiểu Bình “đã giải quyết một vài vấn đề thời đó dựa trên phương châm không nhất thiết mọi điều đều phải xử lý ở thế hệ hiện tại. Có lẽ nên đợi thế hệ sau, nhưng đừng làm cho vấn đề xấu đi thêm”.

Theo các nhà quan sát, vào lúc tình hình Biển Đông căng thẳng hẳn lên với việc Bắc Kinh ngày càng có thêm những động thái quyết đoán nhằm áp đặt chủ quyền của TC trên 80% Biển Đông, buộc Washington phải can thiệp, xoay trục qua châu Á, và cam kết bảo vệ các đồng minh của mình trong khu vực, lời khuyên của Kissinger gắn liền với một quan điểm của Đặng Tiểu Bình về tranh chấp biển đảo thường xuyên được nhắc đến: Tạm gác tranh chấp để cùng nhau khai thác.

Đây chính là diễn giải của Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, trả lời hãng Bloomberg, khi ông cho rằng “Nếu đề nghị của Kissinger được lắng nghe, lời khuyên khôn ngoan của Đặng Tiểu Bình có thể giúp TC giữ được thể diện. Một khi các bên tranh chấp tạm gác vấn đề chủ quyền để đồng khai thác, điều đó có thể gỡ bỏ một nhân tố gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ Trung”.

Tuy nhiên, việc Kissinger khuyên Mỹ và TC giảm bớt đối đầu đã bị một số chuyên gia cho là nhằm tiếp tay cho Bắc Kinh khống chế toàn bộ Biển Đông.

Theo nhà phân tích Ấn Độ Subahash Kapila trên báo mạng Eurasia Review ngày hôm qua, thì tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông lại bắt nguồn từ chính các hành động leo thang của TC nhằm xâm chiếm toàn bộ Biển Đông. Và “chính những động thái gây mất ổn định của TC tại vùng chiến lược quan trọng là Biển Đông đã thúc đẩy chính sách xoay trục của Mỹ qua Châu Á Thái Bình Dương”.

Còn chuyên gia Trang Gia Dĩnh, giảng sư tại Đại học Quốc gia Singapore, trả lời hãng Bloomberg, cũng tự hỏi: “Liệu Trung Quốc có sẵn sàng tự kiềm chế trong hành động bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông hay không?”. Câu hỏi này cũng được đặt ra cho các nước khác, và trong bối cảnh đó Hoa Kỳ có thể làm gì để giảm nhiệt. Tóm lại, theo chuyên gia này, vấn đề giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông không phải là đơn giản.

Một nhân tố khác cũng khiến giới quan sát quan ngại. Đó là chủ trương của Đặng Tiểu Bình từng được phía TC nêu bật là tạm gác tranh chấp chủ quyền, cùng nhau khai thác, một chủ trương đang được TC thúc đẩy.

Vấn đề đặt ra là câu nói của Đặng Tiểu Bình còn có một vế tiên quyết mà guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh ít đề cập đến: đó là “Chủ quyền về ta” (Chủ quyền thuộc ngã). Trong bối cảnh đó, rõ ràng là Bắc Kinh sẽ không từ bỏ tham vọng trên Biển Đông, sau khi đã công bố tấm bản đồ hình lưỡi bò đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng biển này.

Lời cố vấn của Kissinger nhắm vào cả hai nước Mỹ và TC, nhưng rõ ràng là sẽ có tác dụng trói tay Mỹ. – Theo RFI