Tin Thế Giới – 3/11/2014
Phiến quân bầu lãnh đạo ở miền đông Ukraine
Phiến quân đòi ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine cho biết quyền thủ tướng của phần đất tự xưng là “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” đã giành phần thắng trong cuộc bầu cử mà Kiev và các nước Tây phương nói rõ là họ sẽ không công nhận.
Các giới chức bầu cử hôm nay nói rằng ông Alexander Zakharchenko, 38 tuổi, cựu thợ điện hầm mỏ, chiếm khoảng 79% phiếu trong cuộc đầu phiếu hôm qua trong khuôn khổ của những cuộc bầu cử để chọn lãnh đạo và nghị viện của những khu vực do phiến quân kiểm soát ở hai vùng Luhansk và Donetsk.
Liên hiệp quốc, Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ cho rằng cuộc đầu phiếu của phiến quân Ukraine là bất hợp pháp vì nó vi phạm hiến pháp Ukraine và thỏa thuận ngưng bắn mà phe đòi ly khai và chính phủ Ukraine đã đạt được vào ngày 5 tháng 9.
Tân ủy viên chính sách ngoại giao Liên hiệp Âu châu, bà Federica Mogherini hôm qua nói rằng liên hiệp này sẽ không công nhận cuộc đầu phiếu mà bà gọi là “một trở ngại mới trên con đường tiến tới hòa bình ở Ukraine.”
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gọi cuộc bầu cử ở các vùng đòi ly khai là “một trò hề diễn ra dưới sự đe dọa của xe tăng và đại bác.”
Tối hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra một thông cáo nói rằng họ tôn trọng cuộc đầu phiếu của phe đòi ly khai vì đó là sự bày tỏ ý nguyện của những người dân sinh sống ở miền đông nam Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga cũng nói rằng vì cuộc bầu cử này nên cần phải có “những bước chủ động để thiết lập một cuộc đối thoại bền vững” giữa chính phủ trung ương của Ukraine và những phần tử đòi ly khai dựa theo thỏa thuận ngưng bắn ký kết cách nay hai tháng. – VOA
Dân Burkina Faso đòi quân đội giao quyền cho phe dân sự
Một cuộc biểu tình phản đối đề nghị tu chính hiến pháp ở Burkina Faso rốt cuộc đã trở thành một cuộc nổi dậy buộc Tổng thống lâu năm Blaise Campaore từ chức và chạy ra khỏi nước. Một số nhà phân tích cho rằng làn gió dân chủ của phong trào Mùa Xuân Ả Rập ở Trung Đông và Bắc Phi giờ đây đã thổi tới Tây Phi.
Hôm qua, hai ngày sau khi lật đổ Tổng thống Blaise Campaore, hàng ngàn người đã rủ nhau xuống đường ở thủ đô Ouagadoudou để đòi quân đội giao lại quyền hành cho giới hữu trách dân sự.
Một số người mang theo biểu ngữ với hàng chữ “Quân đội đã cướp đoạt cuộc cách mạng của chúng tôi.” Một người biểu tình phát biểu như sau.
“Những nền dân chủ lớn nhất thế giới đều do phe dân sự nắm quyền cai trị, chứ không phải quân đội.”
Một người biểu tình khác cũng bày tỏ một ý kiến tương tự.
“Vai trò của quân đội là bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Tôi cho rằng họ phải từ bỏ quyền hành chính trị.”
Tại Washington, Tiến sĩ Sulayman Nyang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phi Châu của Đại học Howard, nói rằng những biến cố ở Burkina Faso nên được xem xét trong bối cảnh của những diễn tiến tại những khu vực khác ở Phi châu.
“Chúng ta phải trở lại với tình hình ở Bắc Phi cách nay hai năm. Phong trào được gọi là Mùa Xuân Ả Rập phải được chuyển thành ngọn gió Harmattan chính trị thổi từ phương bắc xuống phương nam. Phải mất một thời gian dài như vậy để ngọn gió Harmattan thổi tới Tây Phi.”
Giáo sư Nyang nói rằng giới trẻ Burkina Faso đã hành động không phải chỉ vì họ không ưa Tổng thống Campaore.”
“Họ đang tranh đấu bởi vì họ không muốn những kẻ độc tài tiếp tục ở đó và tạo ra tham nhũng, thiếu minh bạch và quản trị tệ hại. Họ không tranh đấu cho một cá nhân hay cho những người lãnh đạo quân đội. Họ tranh đấu cho công lý.”
Ông Nyang cho biết có nhiều nguyên do làm cho Tổng thống Campaore đã có thể nắm quyền trong 27 năm.
“Ông Campaore rất gần gũi với Houphouet Boigny (ở Cote D’Ivoire), Charles Taylor (ở Liberia), Fode Sanko (ở Sierra Leone). Ông ấy có khả năng để nắm giữ vai trò trung gian và điều giải hòa bình giữa các thế lực kình chống nhau. Và điều đó giúp cho ông ấy có được tính chất hợp pháp.”
Theo qui định của hiến pháp Burkina Faso, người đứng đầu Quốc hội sẽ lên nắm quyền trong trường hợp không có tổng thống. Tuy nhiên, có tin nói rằng nhân vật này cũng đã bỏ chạy ra khỏi nước và quân đội đã giải tán quốc hội và chỉ định ông Yacouba Isaac Zida, viên chỉ huy phó của lực lượng bảo vệ tổng thống làm người lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ông Mouni Kouda, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Burkina Faso, đã về nước sau nhiều năm sinh sống ở Mỹ. Ông nói như sau với đài VOA về hiện tình của nước ông.
“Chúng tôi sắp sửa rơi vào một tình huống hỗn loạn, trong đó ai nấy đều tìm cách để làm tổng thống. Đây là lúc cộng đồng quốc tế phải can thiệp và giúp cho mọi việc tiến về phía trước.”
Ông Kouda cũng kêu gọi dân chúng Burkina Faso đoàn kết sau lưng ông Zida trong giai đoạn chuyển tiếp.
“Sau 27 năm đất nước nằm dưới sự cai trị của ông Blaise Campaore, hiện giờ không có một tổ chức tốt nào có thể đưa chúng tôi tới một cuộc chuyển tiếp tốt đẹp ngoại trừ quân đội. Đó là quan điểm của tôi.”
Tuy nhiên, giáo sư Nyang không tán thành chủ trương để cho quân đội nắm quyền.
“Ở Ai Cập và Libya, họ có những phe phái chống đối lẫn nhau, và quân đội trở thành phe duy nhất nắm giữ quyền hành. Chúng ta nên quay lại với hiến pháp và làm thế nào để chủ tịch Hạ viện tạm thời nắm quyền lãnh đạo trong một khoảng thời gian. Nhưng sau đó họ phải trở lại với dân chúng và tổ chức bầu cử, nếu không đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn.”
Đại diện đặc biệt của Liên hiệp quốc, ông Mohamed Chambas hôm qua lên tiếng hô hào đối thoại và nói rằng “chúng tôi hy vọng có được một cuộc chuyển tiếp do một nhân vật thuộc phe dân sự lãnh đạo và phù hợp với hiến pháp”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng trong bối cảnh của đại dịch Ebola trong khu vực, giới lãnh đạo lâm thời ở Burkina Faso cần phải phục hồi hoạt động của guồng máy hành chánh và cung cấp các dịch vụ công cộng càng sớm càng tốt. – VOA
Tin Hoa Kỳ
Mỹ: Các ứng cử viên nổ lực cho cuộc bầu cử ở giữa nhiệm kỳ
Các ứng cử viên trên khắp nước Mỹ đang đưa ra lời kêu gọi cuối cùng trước cuộc bầu cử giữa kỳ để vận động cử tri tri bỏ phiếu cho mình vào thứ Ba tới đây. Vấn đề là đảng nào sẽ kiểm soát 2 viện quốc hội trong 2 năm cuối Tổng thống Barack Obama nắm quyền. Thông tín viên VOA Michael Bowman tường thuật rằng các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy cử tri dường như nghiêng về các ứng cử viên Cộng hòa trong khi chiến dịch vận động đang đến hồi kết thúc.
Đây là thời điểm rất quan trọng đối với các ứng cử viên đang tìm cách quy tụ những người ủng hộ đồng thời thuyết phục các cử tri còn chưa quyết định. Ứng cử viên Dân chủ bang Georgia ứng cử vào Thượng viện Michelle Nunn nói:
“Chúng tôi đang nhắc nhở mọi người về sức mạnh để tạo sự thay đổi trong cuộc bầu cử này bằng cách đi bỏ phiếu.”
Cả 2 đảng đã đưa ra những tên tuổi lớn trong chiến dịch vận động: phía Cộng hòa có 2 nhân vật từng ứng cử tổng thống là ông Mitt Romney và John McCain, về phía đảng Dân chủ có cựu tổng thống Bill Clinton và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton.
Đáng chú ý là sự vắng mặt tại hầu hết các cuộc vận động của ứng cử viên đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama. Sự ủng hộ ông đang giảm sút khiến cho các nhà lập pháp Dân chủ dễ bị ảnh hưởng bất lợi đã giữ khoản cách với Tòa Bạch Ốc. Dù vậy ông Obama đã xuất hiện tại một cuộc vận động trong bang Michigan hồi tuần trước. Ông nói:
“Tôi muốn nói với quý vị vì sao quý vị cần bỏ phiếu. Đất nước này đã đạt được tiến bộ thực sự từ cuộc khủng hoảng kinh tế tệ nhất trong cuộc đời của chúng ta. Trong 4 năm rưỡi qua, chúng ta đã chứng kiến các doanh nghiệp Mỹ tạo được trên 10 triệu việc làm. Trong 6 tháng qua, kinh tế của chúng ta đã tăng trưởng ở mức độ nhanh nhất trong hơn 10 năm qua.”
Nhà phân tích chính trị Norm Ornstein nói:
“Barack Obama thấy rằng ông ấy ở vào vị thế mà Bush (cựu Tổng thống George W. Bush) đã thấy 6 năm trước đây. Vì nhiều ứng cử viên đảng ông không hoan nghênh sự có mặt của ông ngoại trừ để gây quỹ. Họ không muốn có tổng thống cạnh họ.”
Các ứng cử viên Cộng hòa, mặt khác, lại rất nhiệt tình liên kết các đối thủ Dân chủ với tổng thống. Ứng cử viên Thượng viện Scott Brown bang New Hampshire nói về ứng cử viên đảng Dân chủ Shaheen:
“Chương trình làm việc Obama-Shaheen chấm dứt ngay tại đây, ngay lúc này!”
Ứng cử viên Cộng hòa theo nhiều người dự kiến sẽ giữ thế kiểm soát Hạ viện. Tại Thượng viện, họ sẽ cần đạt được 6 ghế để chiếm quyền kiểm soát từ khối Dân chủ.
Phân tích gia Norm Ornstein nói:
“Chúng ta có ý tưởng khá rõ ràng là khuynh hướng thiên về, như vẫn thường diễn ra, đảng Cộng hòa. Đảng không phải là đảng của tổng thống thường đạt thành quả tốt trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Đó là lộ trình gay go cho đảng Dân chủ. Có một lối để giữ thế đa số ở Thượng viện (cho DC). Các đảng viên Cộng hòa có nhiều đường để chiếm thế đa số.”
Các ứng viên đảng Dân chủ đẩy mạnh một nỗ lực vận động cử tri rầm rộ mà họ nói sẽ chứng tỏ các kết quả thăm dò là sai. Trong khi đó các ứng cử viên đảng Cộng hòa ngày càng tin tưởng đoạt được thắng lợi vào thứ Ba này. Như lệ thường cử tri đi bỏ phiếu mới là người nói tiếng nói cuối cùng. – VOA