Tin Thế Giới – 31/10/2014
Các đối thủ chính trị ở Myanmar mở cuộc đàm phán hiếm có
Tổng Thống và Tư Lệnh Quân đội Myanmar, tức Miến Điện, hôm thứ Sáu đã họp với các vị lãnh đạo hàng đầu trong chính giới và các nhóm sắc tộc thiểu số. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên loại này tại quốc gia đang hồi phục sau nhiều thập niên nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của quân đội .
Bộ trưởng Thông tin Ye Htut nói rằng tất cả các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại thủ đô Naypyidaw, đã nhất trí tiếp tục những tiến bộ về cải cách chính trị, các nỗ lực nhằm đạt thoả thuận ngưng bắn trên toàn quốc, và về các cuộc bầu cử quốc hội năm 2015.
Không có bước đột phá nào được báo cáo, nhưng Bộ trưởng thông tin Myanmar cho biết những người tham gia, kể cả lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, đã đồng ý mở thêm các cuộc thảo luận vào một thời điểm chưa được xác định.
Myanmar đang phải đối mặt với một số thách thức giữa lúc nước này đang trỗi dậy từ tình trạng trước đây là một trong những quốc gia độc tài áp bức nhất trên thế giới.
Tại bang Rakhine đầy bạo lực ở phía tây Myanmar, nhóm dân tộc thiểu số Rohingya than phiền về sự ngược đãi của chính phủ và xã hội.
Chính phủ cũng đang cố gắng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc với các nhóm thiểu số kinh tế khác đã chống lại lực lượng chính phủ trong nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, còn có những căng thẳng liên quan tới những cố gắng của phe đối lập đòi thay đổi hiến pháp, vốn bảo đảm quân đội được đóng vai trò chủ đạo trên chính trường.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Năm kêu gọi Myanmar tổ chức một “tiến trình đáng tin cậy và bao gồm mọi thành phần” để xúc tiến các cuộc bầu cử trong năm tới.
Tổng thống Obama đưa ra lời kêu gọi đó trong các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Thein Sein và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.
Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo đòi dân chủ lâu đời của Myanmar, ông Obama thảo luận về những “cải cách chính trị và kinh tế hiện nay và sự cần thiết phải bảo đảm một tiến trình đáng tin cậy, có sự tham gia của mọi thành phần, để xúc tiến các cuộc bầu cử năm 2015.”
Đây là cuộc đàm phán chưa từng có từ trước đến nay giữa các đối thủ chính trị của Myanmar và các nhà lãnh đạo quân đội đầy thế lực.
Tổng thống Myanmar, tổng tư lệnh quân đội, và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi là các nhân vật chính tại cuộc họp đầu tiên thuộc loại này vào một thời điểm tiến trình cải cách chính trị dường như bị khựng lại.
Phát ngôn viên của Tổng thống, ông Ye Htut cho hay người đứng đầu quân đội và các đối thủ chính trị tại cuộc họp “đã đồng ý thảo luận vấn đề tu chính hiến pháp tại quốc hội, theo như luật định.”
Ông không nói rõ các điều khoản nào của hiến pháp sẽ được đưa ra tranh luận.
Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ NLD muốn thay đổi điều khoản hiến pháp ngăn cấm bất cứ ai có người phối ngẫu hay con mang quốc tịch nước ngoài được lên làm tổng thống.
Cố phu quân của bà Suu Kyi là người Anh, và hai người con trai của bà cũng là người Anh.
Đảng NLD của bà đã thắng trong một cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội làm lơ trước kết quả. Đảng NLD tẩy chay một cuộc bầu cử tổ chức cách đây 4 năm vào thời điểm bà Suu Kyi đang bị quản thúc tại gia.
Quân đội giữ lại một phần tư số ghế trong viện lập pháp cho phép quân đội ngăn chặn các thay đổi hiến pháp. Một số nhà lập pháp muốn tu chính hiến pháp để bãi bỏ quyền phủ quyết này.
Cuộc họp tại Naypyidaw rõ ràng là lần đầu tiên người đứng đầu quân lực đầy quyền thế của Myanmar, Đại tướng Min Aung Hlaing mở một cuộc thảo luận với bà Suu Kyi.
Một số người tỏ ý hoài nghi về cuộc họp, và nêu ra điểm chỉ có 6 trong số 70 đảng đối lập được mời dự và chỉ có một số ít các nhóm sắc tộc.
Cuộc họp được sắp xếp vội vã diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi 2 cú điện thoại cho tổng thống Myanmar và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.
Toà Bạch Ốc nói tổng thống đã nhấn mạnh với ông Thein Sein về “sự cần thiết phải có một tiến trình toàn diện và khả tin” cho cuộc bầu cử vào năm tới.
Ông Obama cũng kêu gọi người tương nhiệm giảm bớt căng thẳng xã hội và đạt được một cuộc ngưng bắn toàn quốc trong đoản ký. Ông đề cập cụ thể đến những căng thẳng và tình hình nhân đạo ở bang Rakhine, nơi người Rohingya Hồi giáo phải đối mặt với sự kỳ thị và bạo động dưới tay đa số theo Phật giáo.
Phát biểu với ban Miến ngữ của đài VOA, Đại sứ Hoa Kỳ ở Myanmar, ông Derek Mitchell tỏ ý quan ngại về tình trạng cải cách trong nước:
“Có vài điều đã đi giật lùi. Một vài điều không tiến được chút nào. Và một số điều đã có tiến bộ.”
Tổng thống Hoa Kỳ dự trù đi thăm Myanmar để dự hội nghị ASEAN và cuộc họp thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11.
Giáo sư Jason Briggs tại chi nhánh trường đại học Webster ở Bangkok, nói rằng áp lực của Hoa Kỳ và cuộc họp thượng đỉnh sắp tới có thể có ảnh hưởng đến thời điễm của cuộc họp bất thường hôm nay ở thủ đô Myanmar.
“Đó là một ưu tiên đối với Hoa Kỳ. Tôi nghĩ có thể họ đang đi trước trong việc thảo luận vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh.
Myanmar đặt bị đặt dưới sự kiểm soát tuyệt đối của quân đội từ năm 1962 đến năm 2010. Tướng hồi hưu Thein Sein lên làm tổng thống từ năm 2011, tiếp theo 4 năm nắm chức thủ tướng. – VOA
Quân đội Burkina Faso: Tổng thống đã từ chức
Theo tin mới nhất, Quân đội Burkina Faso nói rằng Tổng thống Blaise Compaore đã từ chức sau 27 năm nắm giữ quyền lực.
Trang web tin tức “Burkina 24 news” trích lời phát ngôn viên quân đội nói rằng tổng thống đã từ chức hôm thứ Sáu, một ngày sau khi những người biểu tình phóng hỏa trụ sở quốc hội để phản đối một biện pháp sẽ cho phép ông Compaore được ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Phát ngôn viên, Đại tá Isaac Zida không tiết lộ hiện ông Compaore ở đâu và cũng không loan báo người kế nhiệm.
Không có thông tin trực tiếp nào từ tổng thống nước này kể từ khi một tuyên bố đưa ra vào khuya thứ Năm, trong đó ông nói ông sẽ mở các cuộc đàm phán với phe đối lập.
Trước đó, Tổng thống Burkina Faso đã không chịu từ chức, và nhấn mạnh rằng ông sẽ tiếp tục nắm quyền và lãnh đạo một chính phủ lâm thời đã được loan báo tiếp sau những cuộc biểu tình bạo động.
Ít nhất có 3 người biểu tình thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương vào ngày hôm qua sau khi hàng trăm người xông vào Quốc hội và những toà nhà chính phủ khác tại thủ đô Ouagadougou.
Trong một cử chỉ nhượng bộ các người biểu tình, chính phủ hủy bỏ đề nghị sửa đổi hiến pháp. Chính phủ cũng bãi bỏ tình trạng khẩn trương được công bố chỉ vài giờ trước đó. Cho đến nay, các động thái đó không làm hài lòng những người biểu tình.
Tổng tư lệnh quân đội Burkina Faso đã giải tán Quốc hội và loan báo kế hoạch thành lập một chính phủ lâm thời tiếp sau những cuộc nổi dậy chống lại việc kéo dài sự cai trị của tổng thống trong hơn 3 thập niên.
Thiếu tá Aboubacar BA, phát ngôn viên quân đội cho biết một chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập sau khi tham khảo ý kiến của tất cả các đảng phái. Việc trở lại hiến pháp sẽ được thực hiện trong vòng 12 tháng.
Bạo động bùng phát vào lúc các nhà lập pháp chuẩn bị bỏ phiếu về một tu chính hiến pháp được đề nghị cho phép tổng thống Compaore ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử năm tới.
Tại Pháp, một nhóm người Burkina tổ chức một cuộc biểu tình ít bạo động, nhưng thông điệp cũng tương tự.
Một người biểu tình nói:
“Nếu hiến pháp thay đổi, chắc chắn người dân sẽ mất hết quyền của mình vì quyền hành nằm độc quyền trong tay một cá nhân và đó là điều ngày hôm nay chúng ta tranh đấu và chúng ta đang bảo vệ là quyền lực của người dân. Chúng ta tôn trọng những điều khoản của hiến pháp.”
Một người biểu tình khác cho biết:
“Chúng tôi muốn Tổng thống Blaise Compaore ra đi vì ông tại chức quá lâu, 27 năm. Kể từ khi sanh ra, chúng tôi không biết tổng thống nào khác trừ ông ta. Sau một thời gian việc này phải chấm dứt.”
Đảng cầm quyền trong nhiều tháng đã vận động để sửa đổi hiến pháp để hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ của tổng thống có hiệu lực từ năm 2000.
Ông Zephirin Diabre, một lãnh tụ đối lập cho biết không ủng hộ cuộc “đảo chánh” tại Burkina Faso. – VOA
Hồng Kông: Phe đấu tranh dân chủ muốn đến Bắc Kinh
Theo hãng tin AFP, những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông dự tính đến Bắc Kinh để trực tiếp trao kiến nghị cho chính quyền Trung Cộng (TC) nhân dịp Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo khác của thế giới họp tại thủ đô TC.
Alex Chow, lãnh đạo một tổ chức sinh viên hôm qua, 30/10/2014, cho biết là những người biểu tình đòi dân chủ muốn đến Bắc Kinh để thúc giục chính quyền đàm phán trực tiếp với họ. Những người biểu tình muốn đến Bắc Kinh đúng vào lúc thủ đô TC đón tiếp hội nghị thượng đỉnh diễn đàn APEC trong hai ngày 10/11 và 11/11. Tại hội nghị này, Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản.
Nhưng không chắc là các lãnh đạo sinh viên, những người thường xuyên phát biểu và xuất hiện trên báo chí, sẽ được phép đi đến Bắc Kinh. Trên nguyên tắc, mọi công dân Hồng Kông đều được tự do đến Bắc Kinh nếu họ có giấy phép do chính quyền Hoa lục cung cấp, nhưng các nhân viên cửa khẩu có thể cấm nhập cảnh bất cứ ai. Đó là cách mà cho tới nay Bắc Kinh vẫn dùng ngăn chận những người chỉ trích chính quyền TC.
Hiện nay, những người biểu tình đòi dân chủ vẫn chiếm giữ ba trục lộ chính của Hồng Kông, nhưng họ đang chịu áp lực đòi phải đẩy mạnh trở lại phong trào tranh đấu. Số người tham biểu tình, mà vào đầu tháng 10 đã lên tới hàng chục ngàn người, nay đã giảm rất nhiều. Chính quyền Hồng Kông có vẻ như tiếp tục dùng chiến lược làm hao mòn quyết tâm đấu tranh của người biểu tình hơn là dùng vũ lực để giải tán họ.
Những người biểu tình đòi dân chủ vẫn phản đối quyết định ngày 31/08 của TC, theo đó, các ứng cử viên trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông trong cuộc bầu cử năm 2017 phải do một ủy ban thân Bắc Kinh chọn lựa. – Theo RFI
Họp Nga, Ukraine, châu Âu: Lối thoát tạm thời cho xung đột khí đốt
Ukraine cùng với Nga và Liên hiệp châu Âu tối qua 30/10/2014 tại Bruxelles đã tìm ra được một lối thoát tạm thời cho cuộc xung đột về việc cung cấp khí đốt Nga cho Ukraine và châu Âu trong mùa đông này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso khẳng định: “Đây là một bước quan trọng cho an toàn năng lượng của chúng ta”, cho rằng “không có lý do gì để người dân phải chịu đựng cái lạnh trong mùa đông châu Âu”, nơi mà đa số khí đốt Nga nhập khẩu được chuyển tải qua Ukraine.
Sau hai ngày thương lượng căng thẳng, thỏa thuận về cung cấp khí đốt bị ngưng hồi tháng Sáu đã được Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và đồng nhiệm Ukraine Iouri Prodan, cùng với ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Günther Oettinger ký kết. Một hợp đồng bổ sung giữa tập đoàn khí đốt Nga Gazprom và Naftogaz của Ukraine sau đó được chủ tịch hai tập đoàn này ký tắt.
Các thỏa thuận trên liên quan đến việc kết toán số tiền Ukraine còn nợ, và phương thức chi trả cho lượng khí đốt cung cấp đến tháng 3/2015. Món nợ 3,1 tỉ đô la sẽ được thanh toán làm hai lần: 1,45 tỉ ngay lập tức và 1,65 tỉ đô la vào cuối năm.
Theo tính toán của Nga thì số nợ lên đến 5,3 tỉ đô la nhưng chấp nhận để tòa trọng tài quyết định số 2,2 tỉ đô la còn lại. Yếu tố chủ chốt là giá bán “dưới 385 đô la cho 1.000 mét khối khí đốt” được chốt lại trong suốt thời gian thỏa thuận tạm thời này.
Ông Oettinger xác nhận Naftogaz có thể tự dùng nguồn thu nhập của mình để chi trả trong thời gian tới, Liên hiệp châu Âu không chính thức bảo đảm cho các cam kết tài chính của Kiev. Nhưng viện trợ của châu Âu – với hai chương trình hỗ trợ kinh tế vĩ mô 1,6 tỉ đô la, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – đã hứa cho vay 17 tỉ đô la, sẽ giúp Kiev trả được nợ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso đã dùng mọi ảnh hưởng để đạt được thỏa thuận trên. Pháp và Đức cho biết Liên hiệp châu Âu sẽ “đóng trọn vai trò để tạo điều kiện cho việc thực hiện thỏa thuận đã đạt được tại Bruxelles”.
Gazprom đã tăng giá bán khí đốt cho Ukraine gần như gấp đôi, sau khi Tổng thống thân Nga Victor Ianoukovitch bị lật đổ hồi tháng Hai và chính phủ thân phương Tây lên thay. Tập đoàn khí đốt Nga ngưng giao hàng cho Kiev từ tháng Sáu với lý do số nợ của Ukraine còn quá lớn. – RFI