Tin Thế Giới – 3/10/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 3/10/2014

Côn đồ thân TQ ấu đả với người biểu tình Hong Kong — Phe biểu tình dọa bỏ đàm phán — HK kêu gọi 2 bên bình tỉnh và đối thoại

Cảnh sát Hong Kong hôm nay buộc phải ra tay can thiệp sau khi bùng phát các cuộc ấu đả trên đường phố giữa những người biểu tình đòi dân chủ và các “cư dân bức xúc” phản đối các cuộc biểu tình kéo dài cả tuần nay.

Ấu đả bắt đầu khi một nhóm hàng trăm người ủng hộ sự cai trị của đảng cộng sản Trung Quốc tấn công một địa điểm biểu tình ở khu Mong Kok, đạp đổ lều trại và xé biểu ngữ của người biểu tình.

Cảnh sát dàn thành hàng rào người để ngăn tách hai nhóm ra. Khi hàng rào người không còn cầm cự được, nhiều cảnh sát đã được điều động đến bổ sung. Chưa có báo cáo về các trường hợp bị thương nặng.

Thông tín viên đài VOA, Brian Padden đang có mặt tại Mong Kok mô tả tình hình ở đây hết sức ‘bất ổn’.

Bạo loạn xảy ra sau các cơn mưa lớn hôm nay làm giảm bớt người biểu tình ủng hộ dân chủ. Nhiều người cũng phải trở lại làm việc sau 2 ngày nghỉ lễ.

Nhiều nhà hoạt động lo rằng chính quyền sẽ lợi dụng tình hình này để dẹp sạch các địa điểm biểu tình vốn đã bị hàng chục ngàn người chiếm cứ từ thứ sáu tuần trước.

Những người biểu tình yêu cầu Trung Quốc cho tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2017 ở Hong Kong và đòi ông Lương Chấn Anh, trưởng quan hành chính của lãnh thổ bán tự trị thuộc Trung Quốc, từ chức. Ông Lương là một nhân vật thân Bắc Kinh.

Các lãnh đạo biểu tình ở Hong Kong đe dọa hủy đối thoại với chính phủ sau khi người biểu tình đụng độ với những người không đồng tình với họ.

Phe biểu tình nói chính phủ phải ngăn “các vụ tấn công có tổ chức”.

Trước đó họ chấp nhận đề nghị họp với đại diện chính phủ.

Quả thực nhiều người dân Hong Kong cũng không hài lòng vì cuộc sống bị ảnh hưởng bởi biểu tình, nhưng phe biểu tình cáo buộc chính phủ đứng đằng sau hành động bạo lực.

Các vụ va chạm đã xảy ra ở một số nơi, khi người dân tìm cách gỡ bỏ rào chắn, lều của người biểu tình.

Ba nhóm biểu tình chính ra thông cáo quy trách nhiệm cho chính quyền.

Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đưa ra lời đề nghị đàm phán hôm thứ Năm ngày 3/10 theo thời hạn chót mà phe biểu tình ra cho ông.

Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ ông Lương và nói cuộc biểu tình là ‘bất hợp pháp’ và ‘chắc chắn sẽ thất bại’.

Hôm thứ Sáu 3/10, Hong Kong đã tạm thời đóng cửa các cơ quan chính quyền ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Các viên chức nhà nước được cho là có thể làm việc ở nhà.

Số lượng người biểu tình tăng lên vào ban đêm và giảm xuống vào ban ngày. Vào sáng thứ Sáu ngày 3/10, nhiều nhóm nhỏ vẫn còn ở trên đường.

‘Hậu quả nghiêm trọng’

Vào tối muộn ngày 2/10, khi mà thời hạn chót mà người biểu tình đặt ra cho ông để từ chức sắp hết, ông Lương nói chính quyền của ông sẽ đàm phán với các lãnh đạo sinh viên.

Đổng lý Carrie Lam, viên chức dân sự cao nhất của Hong Kong, sẽ bắt đầu đối thoại với sinh viên càng sớm càng tốt, ông Lương nói nhưng không cho biết thời hạn cụ thể.

“Tôi sẽ không từ chức bởi vì tôi phải tiếp tục công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử,” ông nói và cảnh báo rằng bất cứ nỗ lực nào của người biểu tình nhằm chiếm giữ các trụ sở chính quyền đều sẽ dẫn đến ‘hậu quả nghiêm trọng’.

Những người biểu tình, trong đó có sinh viên, những người thuộc phong trào Occupy Central và nhiều người khác, đã phong tỏa ba khu vực ở Hong Kong kể cả trung tâm tài chính, kể từ hôm 28/9.

Họ đe dọa sẽ chiếm giữ các cơ quan công quyền nhưng giờ đây lại nói sẽ đàm phán với chính quyền.

Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS) nói họ sẽ có một cuộc gặp công khai với Carrie Lam nhưng vẫn nhấn mạnh yêu sách ông Lương phải từ chức.

Trong khi đó, Occupy Central ra thông cáo nói rằng họ hy vọng ‘việc đàm phán sẽ đưa đến bước ngoặc cho tình hình bế tắc chính trị hiện nay’.

Tuy nhiên họ vẫn kêu gọi ông Lương từ chức vì cho rằng ông ‘phải chịu trách nhiệm cho sự bế tắc hiện nay’.

Trong lúc này, có báo dẫn các nguồn tin chính quyền Hong Kong cho rằng họ đang chờ cho phong trào biểu tình mất nhiệt, sau khi đã thấy việc cảnh sát dùng hơi cay trấn áp đã khiến cho càng nhiều người tham gia biểu tình như thế nào.

Viết cho tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ông Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Hong Kong khi nơi này còn là thuộc địa của Anh, nói rằng tham vấn minh bạch là ‘cách duy nhất’ để tiến về phía trước.

“Theo kế hoạch hiện nay thì cần phải có giai đoạn đàm phán thứ hai về tiến trình dân chủ sau khi vòng đàm phán đầu tiên đã được nhận ra là sự khởi đầu giả tạo,” ông Patten viết.

“Chính quyền Hong Kong giờ đây phải tổ chức vòng tham vấn thứ hai một cách đàng hoàng cho người dân của họ – một cuộc tham vấn công khai và trung thực.”

“Đàm phán là cách giải quyết khả dĩ nhất. Người dân Hong Kong không hề tắc trách hay hành động phi lý. Một sự nhượng bộ đúng đắn để cho phép tiến hành bầu cử mà người dân nhìn nhận là công bằng chứ không phải sắp đặt là hoàn toàn có thể,” ông Patten nhận định.

Hoa Kỳ kêu gọi giới hữu trách và người biểu tình ở Hong Kong tham gia đối thoại.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay Hoa Kỳ tiếp tục để ngỏ đường dây liên lạc với Trung Quốc.

Nữ phát ngôn viên Jen Psaki nói Hoa Kỳ muốn cả hai bên thận trọng và theo đuổi các đường lối để giải quyết tranh chấp:

“Chúng tôi chắc chắn sẽ quan ngại nếu có một sự leo thang về phía giới hữu trách. Chúng tôi sẽ chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi tiếp tục khuyến khích và kêu gọi tự chế trong tất cả các cuộc đối thoại của chúng tôi.”

Bà Psaki đưa ra nhận định hôm thứ năm, 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người tương nhiệm, ông Vương Nghị, mở các cuộc hội đàm về nhiều vấn đề, kể cả các vụ biểu tình.

Trong một buổi xuất hiện cùng với ông Kerry, phát biểu qua lời một thông dịch viên, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rõ rằng bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào vụ bất ổn đều không được hoan nghênh.

“Các vấn đề của Hong Kong là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Tất cả các nước nên tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, và đây cũng là nguyên tắc cơ bản chi phối quan hệ quốc tế.”

Bà Psaki không nói liệu sự leo thang trong việc sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình đòi dân chủ có đưa đến sự thay đổi trong chính sách Trung-Mỹ hay không:

“Tôi sẽ không nói trước điều gì. Chắc chắn, chúng ta hy vọng sẽ không xảy ra tình huống đó.”

Toà Bạch Ốc cho hay Tổng thống Barack Obama cũng nhấn mạnh đến các hy vọng của Hoa Kỳ về một giải pháp hoà bình cho vụ giằng co.

Vấn đề có thể sẽ được chú ý thêm khi tổng thống mở đầu chuyến thăm Bắc Kinh trong 3 ngày vào tháng tới. – VOA, BBC

Úc đồng ý tiến hành không kích ở Iraq chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Chính phủ Australia đã cho phép tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq. Thủ tướng Úc Tony Abbott nói Nhà nước Hồi Giáo đã tuyên chiến với thế giới và phải bị hạ giảm khả năng và phá vỡ. Thông tín viên Phil Mercer tường thuật từ Sydney.

Các máy bay chiến đấu của Australia sẽ bắt đầu các phi vụ oanh kích tại Iraq trong vòng vài ngày tới. Canberra đã phái 600 binh sĩ và 6 máy bay phản lực chiến đấu đến một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Thủ tướng Tony Abbott nói lực lượng biệt động của Australia sẽ được triển khai tại miền bắc Iraq trong vai trò cố vấn cho các lực lượng địa phương chống lại phe nổi dậy.

Giới chỉ trích lo ngại là Australia sẽ bị lún sâu vào một cuộc chiến kéo dài khác tại Trung Đông, nhưng Thủ tướng Abbott khẳng định rằng hành động quân sự làm cho Australia được an toàn hơn:

“Sẽ là điều đem lại lợi ích tốt nhất cho tất cả mọi người, khi kiềm chế và đẩy lùi được sự điên cuồng của giáo phái giết người ISIL, và đó là điều chúng ta quyết tâm thực hiện. ISIL đã tuyên chiến với thế giới, ngay lúc này, ISIL hiện nay đang mở một cuộc tấn công vào nền văn minh, chứ không phải chỉ riêng vào người dân Iraq.”

Hoa Kỳ và các nước Ả Rập đã oanh kích các mục tiêu IS tại Iraq và Syria khoảng hai tuần nay. Hiện nay có hơn 60 quốc gia tham gia sứ mạng do Hoa Kỳ lãnh đạo, mặc dù phần lớn các nước không tiến hành các cuộc không kích. Các quốc gia châu Âu có liên hệ đến chiến dịch không kích chỉ nhằm vào các mục tiêu tại Iraq.

Hoạt động tác chiến được sự ủng hộ của đảng Lao động, đảng đối lập chính tại Australia. Lãnh tụ đảng Bill Shorten nói “hành động quân sự không thôi không đủ để làm nghẹt ngòi khủng bố và sự ổn định dài hạn tuỳ thuộc vào chính phủ và người dân Iraq.

Tuy nhiên, lãnh tụ đảng Xanh Christine Milne tin là hành động quân sự của Australia tại Trung Đông sẽ làm gia tăng nguy cơ khủng bố trong nước. Bà Milne cáo buộc chính phủ Abbott đã đưa Australia vào tình trạng sa lầy nhiều năm tại Iraq.

Có khoảng 60 người Australia được cho đã gia nhập các tổ chức cực đoan tại Iraq và Syria và Canberra đã nâng mức đe dọa khủng bố trong nước từ trung bình lên cao. Trong những tuần lễ gần đây, những cuộc càn quét khủng bố đã được tiến hành tại Sydney, Brisbane và Melbourne.

Các luật lệ mới cũng đã được đệ trình Quốc hội Australia dành cho nhà cầm quyền những quyền hạn rộng rãi hơn để chiến đấu chống lại mối đe doạ của những phần tử cực đoan trong nước. Tháng trước, một nghi can khủng bố thiếu niên bị cảnh sát bắn chết tại Melbourne sau khi hai nhân viên cảnh sát bị đâm.

Vào giữa tháng 09/2014, khoảng 200 binh sĩ, trong đó có lực lượng đặc nhiệm Úc đã tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi có vị trí chiến lược đối với các hoạt động quân sự trong khu vực, vào lúc Úc chuẩn bị tham gia liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu, chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Các binh sĩ Úc sẽ được yểm trợ bởi các máy bay quân sự, đặc biệt là máy bay Super Hornet F/A-18F, có khả năng phát hiện mục tiêu từ xa, máy bay trinh thám KC-30A.

Theo lời Thủ tướng Abbott, đặc nhiệm Úc không dự tính trực tiếp tham chiến, mà chỉ hỗ trợ quân đội Iraq lên kế hoạch và phối hợp tác chiến. Cho đến nay, Úc đã hợp tác với Mỹ trong việc chuyển giao vũ khí cho các chiến binh Kurdistan chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở phía bắc Iraq. Từ giữa tháng 09/2014, nước Pháp cũng đã tiến hành các vụ không kích nhắm vào tổ chức khủng bố này ở Iraq.

Ngày 02/10/2014, Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép quân đội nước này can thiệp quân sự chống lại lực lượng thánh chiến ở Iraq và Syria, vào lúc thành phố Kobane, ở phía bắc Syria, gần biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo bao vây. – VOA, RFI

Nam Phi không cấp visa cho Đạt Lai Lạt Ma, không Thượng đỉnh Nobel hòa bình

Thành phố Cap Town ở Nam Phi, nơi sẽ đón tiếp hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 những khuôn mặt đoạt giải Nobel hòa bình từ ngày 13-15/10, hôm nay 03/10/2014 đã hủy hội nghị này vì Pretoria từ chối cấp visa cho Đạt Lai Lạt Ma.

Thông cáo của Tòa thị chính viết: “Các giải Nobel và các định chế tham gia đã thống nhất là do Đạt Lai Lạt Ma không được cấp visa, tất cả sẽ từ chối tham gia để phản đối quyết định trên”. Cap Town cũng cho biết sẽ tìm kiếm một địa điểm khác cho hội nghị. Thị trưởng thành phố là Patricia De Lille cho biết: “Hết sức phẫn nộ và vô cùng thất vọng”.

Thị trưởng De Lille vốn là thành viên của Liên minh Dân chủ (DA), đảng đối lập chủ yếu với đảng ANC cầm quyền. Bà phê phán chính quyền đã lừa phỉnh dư luận khi khẳng định không nhận được đơn xin cấp visa, trong khi họ đã chỉ thị cho các sứ quán là không cấp chiếu khán cho Đạt Lai Lạt Ma đến Nam Phi.

Một hôm trước đó, Tổng giám mục Desmond Tutu, được coi là tiếng nói lương tri của Nam Phi, đã tố cáo thái độ của chính phủ nước này và lên án người kế nhiệm của Nelson Mandela là đã “nhổ vào mặt” vị cố Tổng thống lừng danh. Đây là lần thứ ba Đạt Lai Lạt Ma, bị Trung Quốc cáo buộc là muốn độc lập cho Tây Tạng, bị Nam Phi từ chối cho nhập cảnh kể từ khi Tổng thống Jacob Zuma lên nắm quyền năm 2009.

Nam Phi dưới sự lãnh đạo của ông Jacob Zuma đã chọn lựa chính sách ngoại giao thân Trung Quốc, chú trọng đến lợi ích kinh tế, bỏ qua một bên vấn đề nhân quyền mà những người tiền nhiệm của ông Zuma là Nelson Mandela (1994-1999) và Thabo Mbeki (1999-2008) hết sức quan tâm.

Hội nghị thượng đỉnh các giải Nobel hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, được dành để tưởng niệm ông Nelson Mandela đã qua đời tháng 12 năm ngoái.

Năm nay 83 tuổi, Desmond Tutu đã nhắc nhở là vào thời ông Mandela, lãnh tụ này đã không ngần ngại làm ngơ các khuyến cáo của Mỹ khi Washington đòi hỏi chấm dứt quan hệ hữu nghị với Mouammar Kadhafi và Fidel Castro. – RFI

Tin Hoa Kỳ
Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam

Hoa Kỳ đã bãi bỏ một phần lệnh cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam kéo dài nhiều thập kỷ qua, một diễn biến có tính cách lịch sử sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc gần 4 thập niên.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm thứ Năm, nói rằng quyết định này “trong tương lai sẽ cho phép chuyển nhượng các võ khí liên quan đến an ninh hàng hải cho quốc gia từng là một cựu thù.

Nữ phát ngôn viên Jen Psaki nói rằng các thương vụ này sẽ tăng cường khả năng trinh sát hàng hải của Việt Nam, và cho biết thương vụ sẽ được xét trên căn bản từng trường hợp một.

Việt Nam đang phải đối mặt với tuyên bố ngày càng hung hăng của Trung Quốc, đòi chủ quyền phần lớn Biển Đông, nơi giàu khoáng sản và năng lượng. Lực lượng tuần duyên Việt Nam đã nhiều lần đối đầu với lực lượng hải quân Trung Quốc, trong khi tình trạng căng thăng gia tăng trong những năm gần đây.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain, cựu phi công Hải quân và là cựu tù binh chiến tranh Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận này. Tuy nhiên hãng tin Reuters trích lời ông kêu gọi chính phủ Hà Nội cải thiện thành tích nhân quyền.

Quyết định này của Hoa Kỳ đã gây ra phản đối ngay lập tức của Human Rights Watch (HRW) tổ chức cổ xúy cho nhân quyền trên toàn thế giới từ lâu đã phản đối việc Hà Nội đối xử với các nhân vật đối lập, các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số.

Phát ngôn viên HRW John Sifton nói thành tích đối xử với tù nhân chính trị của Việt Nam từ “xấu cho đến tệ hại hơn.” Trong khi cho rằng quyết định của Hoa Kỳ còn quá sớm, ông cũng nói với hãng tin AP rằng nhiều nhà thờ ở Việt Nam vẫn chưa thể đăng ký với chính phủ và vì vậy vẫn trong tình trạng bất hợp pháp.

Nới lỏng cấm vận là biện pháp mới nhất trong việc Washington và Hà Nội dần dần nối lại bang giao trong 2 thập niên qua.

Quan hệ giữa 2 chính phủ đã bình thường hóa năm 1995 – 2 thập niên sau khi chiến tranh chấm dứt.

Thương mại song phương, từ đó đến này đã tăng vọt lên trên 20 tỉ đôla hàng năm.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đã thông báo quyết định này cho Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Binh Minh khi 2 ông họp trong thủ đô Washington hôm thứ Năm. – VOA

Ngân hàng Mỹ JB Morgan Chase bị tin tặc

Đại ngân hàng JP Morgan Chase của Mỹ vừa tiết lộ hơn 76 triệu khách hàng và tài khoản thương mại bị lộ dữ liệu, là một trong những vụ tấn công an ninh mạng lớn nhất trong lịch sử.

Trước đây, ngân hàng đã loan báo việc dữ kiện của khách hàng bị đánh cắp nhưng mãi đến hôm qua ngân hàng mới tiết lộ chi tiết về quy mô cuộc tấn công này.

Tuy nhiên, giới chức ngân hàng cho biết kể từ khi vụ việc xảy ra họ không thấy các lỗi nào bất thường. Ngân hàng bảo đảm với khách hàng rằng tiền bạc của họ được an toàn.

Tờ Wall Street Journal loan tin các chuyên gia an ninh tin rằng các thông tin bị đánh cắp có liên quan đến hoạt động tiếp thị của ngân hàng hơn là hoạt động giao dịch.

Một chuyên gia xem vụ này như một vụ cướp nhà bank mà thủ phạm đột nhập nhầm chỗ.

Trong các vụ tấn công mạng khác gần đây ở Mỹ với các thông tin tín dụng của hàng chục triệu khách hàng bị đánh cắp có vụ liên quan đến các cửa hàng của Target và chuỗi cửa hàng Home Depot. – VOA